Chương 23: Võ sĩ thánh đường (Thượng)
-
Đế Quốc Thiên Phong
- Duyên Phận
- 2759 chữ
- 2019-03-09 09:39:25
Lúc này Thiển Thủy Thanh đứng dậy:
- Phải thừa nhận đây là một trận chiến dưới tình huống hết sức không công bình. Đế quốc Thiên Phong ta có trăm vạn hùng binh, nhưng hiện ta chỉ có thể dùng lực của một Thiết Huyết Trấn để chống lại cả một Đế quốc Kinh Hồng. Trong trận chiến này, chúng ta không thể thỉnh cầu trợ giúp của bất kỳ ai, chỉ có thể dốc hết toàn lực ra tử chiến, mở ra một đường máu.
-… Mặc dù chúng ta từng làm một loạt chuẩn bị cho kế hoạch tiếp sau, nhưng không nghi ngờ gì, chuyện này chỉ có thể làm được với điều kiện bắt buộc là chúng ta có đủ thời gian và không gian mà thôi. Đã không có hai thứ này, cho dù chúng ta có ý tưởng hay ho, kế hoạch tốt đẹp tới đâu, cũng không có cách nào thi triển.
-… Hai mươi ba vạn đại quân của Lương Trung Lưu khí thế hùng hổ, nhất định phải bắt cho bằng được chúng ta mới chịu thôi, để rửa nhục trong trận đại chiến thành Bình Dương. Theo cách nhìn của các ngươi, có lẽ đây không phải là chuyện tốt, nhưng theo ý ta, đây chưa chắc đã là chuyện xấu. Nếu như chúng ta lại thắng trận này, Đế quốc Kinh Hồng sẽ rơi vào hoàn cảnh vô cùng xấu hổ. Trừ phi bọn chúng định dùng phương thức kêu gọi toàn dân đứng lên tiêu diệt một cánh quân đơn độc như chúng ta, nếu không, cho dù có trăm vạn đại quân, Lương Khâu Húc cũng sẽ gặp phải vấn đề khập khiễng về binh lực. Đến lúc đó, chúng ta mặc tình tung hoành khắp nơi trong lãnh thổ Đế quốc Kinh Hồng, đường về nhà sẽ giảm đi rất nhiều khó khăn. Nếu như không thừa dịp quân ta còn đang có thực lực đầy đủ hiện tại, làm một canh bạc lớn được ăn cả, ngã về không, như vậy sau vô số những trận chiến trong tương lai, chiến lực của quân ta sẽ tiêu hao lần lần, càng ngày càng khó tiếp tục chiến đấu ở những trận chiến về sau!
-… Ta phải cảm thấy may mắn rằng người Đế quốc Kinh Hồng đã phát động lần thứ hai bao vây tiêu diệt nhanh như vậy, chuyện này đối với chúng ta mà nói lại là chuyện tốt, nếu không, bước đường sau này của chúng ta sẽ rất gian nan. Mà hiện tại, chúng ta phải cân nhắc tới việc làm thế nào để vượt qua cửa ải khó khăn trước mắt. Không những chúng ta phải đánh trận chiến này, lại còn phải thắng cho thật lớn! Chúng ta phải nhờ vào chuyện thắng lợi không ngừng về mặt chiến thuật để triệt tiêu thế bị động trong chiến lược, nhờ vào chuyện chủ động xuất kích nhiều lần mà tiêu diệt phần lớn sinh lực địch. Chỉ có như vậy, bước đường về sau mới có thể dễ dàng hơn.
Nói đến đây, giọng Thiển Thủy Thanh trở nên khẳng định:
- Tuy con cọp già Lương Trung Lưu này rất khó nuốt, nhưng dù là khó hơn nữa, nhất định chúng ta cũng phải tiêu diệt!
Theo câu nói này của Thiển Thủy Thanh, một sách lược cơ bản để quyết chiến với địch đã được định ra.
Trong trận chiến này, Thiển Thủy Thanh dứt khoát tiếp nhận đề nghị của Tây Lĩnh Dã, được ăn cả, ngã về không, quyết định dùng chiến thuật xuyên ra sau lưng đánh ngược lại, tiền hậu giáp công, chân chính thể hiện ra tính cách của một tay đổ bác điên cuồng lớn mật.
o0o
Ngày Hai Mươi tháng Mười Một, đại quân của Lương Trung Lưu đã đến vùng rừng núi Tiếp Thiên, ở nơi này, một trò chơi trốn tìm trong rừng rậm đầy đường ngang ngõ tắt đang chờ đợi lão. Cùng lúc đó, đoàn đi sứ do Cơ Nhược Tử dẫn đầu đã đi tới tận cùng phía Đông của hành lang Thánh Khiết, nơi đóng quân của Quân đoàn Tường Long.
Đi thêm về phía trước một đoạn nữa, các nàng sẽ tiến vào địa phận của Công quốc Thánh Uy Nhĩ, chuẩn bị triển khai tài ăn nói lợi hại của mình ở quốc gia dị tộc tóc vàng mắt xanh này. Các nàng sẽ dùng hết mọi thủ đoạn để đối phó với đám người vừa là địch nhân vừa là bằng hữu này, để có thể đạt được mục đích chính trị của mình.
Hạnh Trung Nguyên của Quân đoàn Tường Long đích thân ra khỏi nơi đóng quân nghênh đón, nghi lễ vô cùng long trọng. Chuyện ra ngoài dự liệu của Cơ Nhược Tử chính là, Hạnh Trung Nguyên ăn mặc như một quan văn, bộ râu ba chòm dài phấp phới bay trong gió, bước chân đi lại nhẹ nhàng yếu ớt, đúng là không hề có chút võ công nào. Bề ngoài của ông ta trông có vẻ hào hoa phong nhã, nói chuyện lễ phép nhã nhặn, nhìn không ra bộ dạng của một vị Tổng Suất chút nào.
Vào buổi chiều, sau khi tắm rửa tẩy trần, Hạnh Trung Nguyên đích thân mở tiệc khoản đãi bọn Cơ Nhược Tử. Vì ở quân doanh nên không được thịnh soạn cho lắm, nhưng hết sức nhiệt tình.
Sau khi yến tiệc xong xuôi, Hạnh Trung Nguyên thân mật mời Cơ Nhược Tử và Vân Nghê đi ra ngoài dạo chơi, ngắn phong cảnh vùng biên cương Đế quốc. Hai nàng Cơ Vân hết lời cảm tạ, Hạnh Trung Nguyên đáp với giọng điệu sâu xa:
- Ta cùng Phong Vũ từng là bạn đồng song thuở nhỏ, từng học chung trong một thời gian. Lần này các vị hiền điệt tới đây, Phong Vũ đã đích thân viết cho ta một phong thư nhờ ta chiếu cố, bệ hạ cũng dặn dò ta phải chiêu đãi cẩn thận, nhiệm vụ của các vị hiền điệt lần này vô cùng quan trọng, ta cũng không dám lơ là!
Lúc này hai nàng mới hiểu được, thì ra trong chuyện này còn có một tầng quan hệ sâu xa.
Hiện giờ bọn họ đang ở tận cùng phía Đông của hành lang Thánh Khiết. Cả hành lang Thánh Khiết giống như một chiếc thắt lưng của đại lục, vắt ngang qua đại lục Quan Lan. Nó bắt đầu từ Đại thảo nguyên Tây Phong ở phía Tây, đi ngang qua cả đại lục, phía Đông kết thúc ở Đế quốc Thiên Phong. Chung quanh hành lang này, việc mua bán giao địch diễn ra phồn hoa tấp nập, không hề gián đoạn vì khói lửa chiến tranh. Hành lang Thánh Khiết có thể nói là cây sinh mạng của cả đại lục Quan Lan, nếu nói sông Lan Thương cung cấp phù sa màu mỡ, là đường sinh mạng của cả đại lục, như vậy hành lang Thánh Khiết giống như cột sống xuyên ngang qua cả đại lục Quan Lan.
Chung quanh hành lang Thánh Khiết, bao nhiêu năm nay cũng không biết đã có bao nhiêu trận chiến xảy ra. Hiện giờ, những quốc gia chiếm cứ chiếc thắt lưng của đại lục này gồm có Công quốc Thánh Uy Nhĩ, Đế quốc Kinh Hồng, còn có một ít nước nhỏ ở phía Tây, bao gồm cả Đại Đế quốc Tây Xi nằm ở cực Tây.
Hạnh Trung Nguyên nói:
- Hành lang Thánh Khiết là con đường huyết mạch về kinh tế, quốc gia nào nằm trong vị trí này, quốc gia đó sẽ trở nên giàu có. Chỉ riêng hành lang Thánh Khiết, hàng hóa qua lại mỗi năm trên đó đã chiếm tới hai mươi phần trăm trong tổng hàng hóa của cả đại lục, có thể thấy lưu lượng của nó to lớn tới mức nào. Mà ở đoạn giữa của hành lang này có tầm quan trọng hơn hai đầu. Ở giữa hành lang lại có hai con đường lớn thông về phía Nam và phía Bắc, trở thành một hình chữ thập hoàn mỹ phân chia cả đại lục, ai có được nó, chẳng khác nào được đứng giữa trung tâm thế giới. Địa phương ấy có tên là thành Mễ Đặc Liệt, theo ngôn ngữ Đế quốc Thiên Phong là thành Trung Tâm, toàn bộ thành thị chính là được thành lập ở giữa trung tâm.
Nói đến đây, ông ta cười nhìn Cơ Nhược Tử:
- Công quốc Thánh Uy Nhĩ là một quốc gia có diện tích hẹp mà dài, bọn chúng sát nhập dần dần dọc theo hành lang Thánh Khiết mà trở thành một Liên hiệp Công quốc. Thành Trung Tâm chính là kinh đô của Vương quốc Thánh Lộ Dịch, nhờ vào việc buôn bán sầm uất ở đó, bọn họ trở thành nơi mà cả thế giới phải chăm chú nhìn vào. Trong mười đại danh cung của đại lục Quan Lan, một vùng thành Trung Tâm đã có ba cung, đó là Hoàng cung của Vương quốc Thánh Lộ Dịch: cung Thánh Ba Phỉ; cung điện của Giáo hoàng: cung Thánh Mạn Đức; và Cung Hội nghị của Công quốc Thánh Uy Nhĩ, nơi mà các vị hiền điệt muốn tới chính là nơi đó.
Cơ Nhược Tử hiểu rằng đây là Hạnh Trung Nguyên có lòng chỉ giáo cho nàng, bèn cười hỏi:
- Không biết người Đế quốc Kinh Hồng có bao nhiêu lực khống chế đối với hành lang Thánh Khiết?
Hạnh Trung Nguyên lập tức trả lời:
- Hành lang Thánh Khiết cũng không phải là một con đường duy nhất, mà là tên gọi của cả một vùng, bởi vậy bản thân khái niệm ‘hành lang’ là rất mơ hồ. Các quốc gia chung quanh hành lang đều có đường biên giới thuộc về mình, trong đó, người Công quốc Thánh Uy Nhĩ chiếm phần lớn nhất, nhiều nhất, cũng phồn hoa nhất. Còn người Đế quốc Kinh Hồng chỉ có sức ảnh hưởng nhất định với hành lang Thánh Khiết mà thôi, nhưng dưới áp lực quá lớn của Đế quốc ta, bọn chúng không còn nhiểu sức lực để tranh chấp với người Công quốc Thánh Uy Nhĩ. Huống chi muốn đánh hạ Công quốc Thánh Uy Nhĩ, ngay cả Đế quốc Thiên Phong ta còn không nắm chắc!
Vân Nghê nghe vậy lập tức hỏi:
- Người Công quốc Thánh Uy Nhĩ lợi hại vậy sao?
Hạnh Trung Nguyên bật cười ha hả:
- Không, trên thực tế hoàn toàn ngược lại, bọn chúng yếu đến nỗi chỉ cần dám bước ra
ngoài nửa bước, Quân đoàn Tường Long ta nắm chắc có thể chém một đao bay đầu chó của bọn chúng. Nhưng nếu chúng ta muốn tiến công vào lãnh thổ của Công quốc Thánh Uy Nhĩ, đừng nói kẻ thư sinh yếu ớt như ta, cho dù Liệt Tổng Suất sống lại, tập hợp hết binh lực của năm Đại Quân đoàn, cũng chưa chắc đã tiêu diệt được quốc gia này! Năng lực tấn công và phòng ngự của bọn chúng là độc nhất trong thiên hạ!
Đối với cách nói của Hạnh Trung Nguyên, Vân Nghê hoàn toàn không hiểu, ngay cả Cơ Nhược Tử cũng chỉ hiểu được một phần. Nhưng Hạnh Trung Nguyên dẫn dắt Quân đoàn Tường Long giằng co với người Công quốc Thánh Uy Nhĩ ở phía Đông hành lang Thánh Khiết đã nhiều năm, cho nên sự hiểu biết của ông ta đối với bọn chúng vô cùng sâu rộng.
Hiện giờ Cơ Nhược Tử muốn đi sứ Công quốc Thánh Uy Nhĩ, như vậy cần phải hiểu biết toàn diện về quốc gia này. Những hiểu biết trước đây của nàng chỉ là về phương diện chính trị, tôn giáo văn hóa của người Công quốc Thánh Uy Nhĩ, đối với phương diện quân sự, hiểu biết của nàng vẫn còn có hạn. Vì vậy Hạnh Trung Nguyên chịu sự nhờ vả của Vân Phong Vũ và Thương Dã Vọng, mới chỉ điểm cho Cơ Nhược Tử một ít tình huống cụ thể, để cho nàng có thêm hiểu biết, có thể dễ dàng chuẩn bị.
Là Tổng Suất của Quân đoàn Tường Long, trong số năm Đại Quân đoàn của Đế quốc, Hạnh Trung Nguyên là một người rất bình thường, không có gì là nổi bật.
Ông ta không được cai quản Quân đoàn hùng mạnh nhất Đế quốc như Liệt Cuồng Diễm, cũng không được cai quản Quân đoàn Ngự Lâm quân của Đế quốc như Quý Cuồng Long, lại càng không giống như Quân đoàn Ưng Dương và Quân đoàn Tuyết Phong, thường xuyên xảy ra chiến sự với quốc gia mà bọn họ canh giữ, có sự cọ xát. Quân đoàn Tường Long mà Hạnh Trung Nguyên cai quản trong mười năm qua chỉ xảy ra vỏn vẹn hai trận chiến, gần như là một Quân đoàn yên bình nhất, cũng được coi là Quân đoàn có chiến lực yếu nhất trong năm đại Quân đoàn của Đế quốc.
Bởi vậy nếu so ra trong năm vị Tổng Suất của năm Đại Quân đoàn, bản thân Hạnh Trung Nguyên chỉ có thể xếp chót. Nhưng ông ta lại là vị Thống soái có trí tuệ chính trị cao nhất, sâu sắc nhất trong năm vị Tổng Suất.
Bởi vì Quân đoàn Tường Long mà ông ta lãnh đạo, nói theo một nghĩa nào đó chính là cai quản cửa ngõ ra vào duy nhất của cả Đế quốc, là huyết mạch kinh tế của Đế quốc, tuy rằng không thường xảy ra chiến sự, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vậy, Hạnh Trung Nguyên cũng không phải là vị Tổng Suất xuất thân từ một viên chiến tướng đi lên, trước khi ông ta trở thành lãnh tụ tối cao của Quân đoàn này, ông ta trông coi Ty Chuyển Vận của viện Ngự Càn.
Ông ta là người duy nhất trong Đế quốc Thiên Phong lấy thân phận quan văn mà nhậm chức võ tướng, chuyện này liên quan tới nhiệm vụ đặc thù của Quân đoàn Tường Long.
Nhiệm vụ chủ yếu của Quân đoàn Tường Long chính là bảo đảm cho hành lang Thánh Khiết được thông suốt, bản thân Quân đoàn Tường Long tồn tại là vì bảo vệ bằng vũ lực khi cần thiết, chứ không phải dùng vũ lực để xâm lược. Tất cả những phiền phức xảy ra ở vùng biên giới như tranh chấp, xung đột võ trang… đều cố gắng dùng thủ đoạn ôn hòa giải quyết, chứ không phải là giải quyết bằng vũ lực. Bởi vậy Hạnh Trung Nguyên được bổ nhiệm làm Tổng Suất không phải nhờ vào năng lực chỉ huy tác chiến của ông ta, mà nhờ vào sự am hiểu các thủ đoạn ngoại giao và chính trị, nhờ vậy mới được Hoàng đế ưu ái. Ngược lại Phó Suất của ông ta là Tân Nghiệp Hoành mới là Tổng chỉ huy thật sự của quân đội. Yêu cầu của Thương Dã Vọng đối với Quân đoàn Tường Long chính là, nếu ở thời kỳ không có chiến tranh, tất cả phải nghe theo Hạnh Trung Nguyên, như vậy sẽ tránh được chuyện xảy ra những cuộc chiến vô nghĩa. Nếu đến thời kỳ xảy ra chiến tranh, lập tức đổi lại Tân Nghiệp Hoành nhận chức Tổng Suất tạm thời, nhưng quyết định đánh hay không đánh vẫn do Hạnh Trung Nguyên làm chủ. Cũng chỉ có Thương Dã Vọng mới có thể ra một quyết định dứt khoát như vậy, bởi vậy Quân đoàn Tường Long mới trở thành một Quân đoàn đặc thù nhất trong năm Đại Quân đoàn của Đế quốc. Bởi vì Hạnh Trung Nguyên là người duy nhất ở miền Tây của Đế quốc có quyền quyết định có nên khai chiến hay không, cũng vì ông ta xuất thân là quan văn, cho nên nếu chưa tới thời điểm mà ông ta cho rằng cần thiết, ông ta sẽ tuyệt đối không hề mở miệng nói tới chiến tranh.
Còn chuyện vì sao người Đế quốc Thiên Phong lại tỏ ra khách khí với người Công quốc Thánh Uy Nhĩ như vậy, nhưng lại cũng coi thường như vậy, dù là Cơ Nhược Tử cũng không thể nào hiểu được, cho nên các nàng chỉ có thể tiếp tục lắng nghe Hạnh Trung Nguyên chỉ điểm bến mê.