Chương 104: Đồng minh chính trị (Hạ)


Nghiêm Chân bình chậm rãi hớp một ngụm trà, sau đó nói tiếp:

- Ngoài ra, tất cả sự vật trên đời đều có hai mặt của nó, không có cái gì là tốt hoàn toàn mà không có điểm xấu nào, cũng không có cái gì xấu hoàn toàn mà không có điểm tốt. Bởi vậy phân tích hai mặt lợi và hại của sự vật trở thành tiêu chuẩn quyết định trong quyết sách chính trị. Hoàn toàn ngược lại với quyết sách trong kinh doanh buôn bán, trong vấn đề kinh doanh, mục đích của nó đơn giản và thẳng thắn vô cùng: Chỉ cần kiếm được tiền, chuyện xấu gì cũng có thể chịu được, thậm chí còn có thể cho rằng không có điểm nào là xấu. Nhưng trong quyết sách chính trị, cái hại là chuyện đầu tiên phải tính tới, giả như một khi quyết sách chính trị được tiến hành, khả năng lợi và hại do nó mang lại là ngang nhau, như vậy không thể tiến hành. Bởi vì chính trị đòi hỏi phải có tính ổn định cực cao!

-… Bởi vậy nếu một thương nhân đi theo con đường chính trị, sẽ làm cho dự luật chính trị nghiêng về lợi ích, từ đó mang tới hư hỏng cho chính trường quốc gia. Mà quân nhân tham gia vào chính trị cũng sẽ làm cho cục diện chính trị xuất hiện tính không ổn định. Làm một người cai quản một quốc gia, nếu không thể phân biệt rõ ràng quan hệ lợi hại bên trong, vậy không thể đưa quốc gia vào con đường phát triển đúng đắn và ổn định. Trong chuyện này, kẻ thống trị quốc gia, ưu tiên cân nhắc vấn đề bao giờ cũng là làm thế nào để cho tình thế không phát triển tệ hơn, mà không phải là làm thế nào để cho tình thế phát triển tốt hơn…

Trong thư phòng nho nhỏ, Bát Xích đang nghe Nghiêm Chân Bình giảng dạy.

Nội dung mà Nghiêm Chân Bình giảng dạy gần như là giáo trình huấn luyện dành cho cấp bậc đế vương. Mặc dù y không phải là Đế sư, nhưng thân là chính trị gia có tầm nhìn sâu xa nhất, có học vấn nhất trong nước, cho dù là đương kim Đế sư và Thái phó của Thái tử, mỗi khi gặp mặt y cũng phải khách sáo nói câu thỉnh giáo.

Nếu không phải do thua cờ Bát Xích, nội dung này y không muốn giảng chút nào. Tuy nhiên dù sao Bát Xích cũng không có cơ hội làm Hoàng đế, nên y cứ nói, nó cứ nghe, coi như là câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu.

Nghiêm Chân Bình còn đang nói, bên ngoài bỗng nhiên vang lên thanh âm của Truy Nhật:

- Đại nhân!

- Chuyện gì?

Giảng bài xong, Nghiêm Chân Bình cũng không ngẩng đầu lên mà bắt đầu xếp cờ. Hiện giờ kỳ nghệ của y đã có tiến bộ, bắt đầu có vài cơ hội thắng được Bát Xích, bởi vậy hứng thú chơi cờ cũng nhiều hơn trước.

- Vùng thôn Thập Lý xảy ra chuyện đào mộ tìm của, có người phát hiện ra rất nhiều của cải ở đó, hiện giờ bị khổ chủ tìm tới cửa, người của hai nhà đang quyết chiến với nhau!

Nghiêm Chân Bình bực bội hừ:

- Thiết Huyết Trấn chưa bao giờ có hành vi cướp của với quy mô lớn ở thành Hỏa Vân, của cải trong mộ kia ắt phải là vật mà khổ chủ chôn theo người chết. Cho người đi cảnh cáo đám dân đào mộ xảo trá kia, bắt phải chúng phải lập tức trả lại của cải, sau đó ngoan ngoãn ra đầu thú, quan phủ sẽ xử lý!

- Dạ!

- Đúng rồi, Truy Nhật, ngươi đi nói cho các vị đại nhân bên ngoài rằng, chuyện Thiển Thủy Thanh chôn giấu của cải trong phần mộ, dụng tâm trong đó khó lường, hiện giờ chuyện đào mộ tìm của bùng nổ khắp nơi là có liên quan với hắn, lúc này cũng đã có cách nói với mọi người. Lập tức cho dán thông cáo khắp nơi, rằng bất kể Thiển Thủy Thanh chôn giấu của cải ở đâu, số của cải ấy trước kia không cần biết thuộc về người nào, từ giờ trở đi sẽ thuộc về chủ nhân phần mộ, trừ bản thân chủ nhân phần mộ ra, bất cứ người nào khác không được quyền lấy. Kẻ nào trái lệnh, chém đầu răn chúng! Ngoài ra kẻ nào tìm được vàng bạc của cải trên phần đất của mình, chỉ cần nộp thuế cho quan phủ một phần tư, quan phủ sẽ thừa nhận số của cải đó là hợp pháp, vả lại còn phái ra sai nha bảo đảm an toàn cho họ!

- Dạ!

Truy Nhật đi rồi, Bát Xích mới hỏi Nghiêm Chân Bình:

- Vì sao lại tuyên bố rằng của cải thuộc về chủ nhân phần mộ, mà không phải thuộc về kẻ đã từng sở hữu nó trước đây? Nếu làm như vậy, chẳng phải sẽ có rất nhiều người vô duyên vô cớ mất của, quan phủ cũng sẽ không đứng ra xử lý giùm họ hay sao? Đối với người bị cướp của không phải là hết sức không công bằng sao? Hơn nữa vì sao ông lại phái người bảo vệ cho chủ phần mộ tìm được của?

Nghiêm Chân Bình mỉm cười:

- Lúc nãy không phải ta vừa dạy ngươi sao? Thôi được, coi như câu này ta trả lời trước cho ngươi, dù sao bản nhân cũng thua nhiều hơn thắng. Quyết sách chính trị hết thảy đều xuất phát từ đại cục mà đưa ra, chứ không cân nhắc từ góc độ ai công bằng, ai không công bằng. Hiện tượng đào mộ tìm của ở các nơi sở dĩ trở nên lộng hành ngang ngược như vậy, ngoại trừ tranh chấp về lãnh thổ ra, chủ yếu là vì không thể thống nhất về quyền sở hữu số của cải kia. Trước kia, phàm là có kẻ đào trộm mộ, nếu thu được của cải đều phải trả lại cho chủ mộ, đó là hành vi thuộc về trộm cướp, mang tính chất nghiêm trọng, cần xử phạt nghiêm khắc. Nhưng lần này Thiển Thủy Thanh mang của cải mà hắn cướp được chôn vào phần mộ của người khác, nên dẫn đến vấn đề về quyền sở hữu. Kẻ trộm mộ không cho rằng mình lấy trộm của cải của người khác, vì bọn họ lấy của cải mà Thiển Thủy Thanh chôn giấu, chứ không phải của chủ mộ và người mất của. Có được danh phận về đạo nghĩa này, khiến cho hành vi của bọn họ trở nên hợp tình hợp lý hẳn hòi. Cho nên muốn giải quyết chuyện đào trộm mộ và những tranh chấp phát sinh, chuyện đầu tiên phải làm không phải là mạnh mẽ ngăn cấm đào trộm mộ, mà là lập tức xác định quyền sở hữu của cải. Trên đạo nghĩa và luật pháp, đầu tiên phải có cách nói rõ ràng, không cần phân biệt đạo nghĩa hay công bằng. Phải biết rằng nguồn gốc sinh ra hỗn loạn vĩnh viễn chỉ có một, đó là thiếu phương hướng hành động cụ thể và mục tiêu rõ ràng. Sự kiện đào trộm mộ lần này là vì quyền sở hữu của cải không rõ ràng mà khiến cho hỗn loạn bùng nổ. Bởi vậy chúng ta phải đưa ra cho dân chúng một mục tiêu rõ ràng, khiến cho bọn họ biết được cái gì là đúng cái gì là sai. Nếu như dựa trên quyền sở hữu của cải mà phán xét, trả lại cho người mất của hoặc cho kẻ đào trộm mộ, không khác gì cổ vũ thêm cho hành vi đào trộm mộ. Chỉ có phán quyết cấp cho chủ phần mộ mới có thể ngăn cản việc đào trộm mộ một cách danh chính ngôn thuận.

-… Kế đó, luật pháp không ngăn được số đông, quá nhiều người đào trộm mộ như vậy đã khiến cho việc chấp hành pháp luật trở nên khó khăn rất nhiều. Dưới tình huống như vậy, nếu chỉ dựa vào pháp luật muốn làm cho người ta kinh sợ mà giải quyết thế cục hỗn loạn, gần như không thể làm được. Trước tiên phải khiến cho số đông người đào trộm mộ kia mất đi hy vọng, không tham gia vào việc gây ra hỗn loạn. Đám quý tộc phú hào từng bị cướp của là một trong những thành phần chủ yếu tham gia vào thế cục hỗn loạn này, cho nên trước hết phải chặt đứt ý nghĩ trong đầu bọn chúng, loại bọn chúng ra ngoài thế cục hỗn loạn. Bởi vì của cải của những người này đã sớm trở nên loạn xạ, châu báu còn có thể phân biệt được là của ai, vàng bạc làm sao phân biệt được?! Nếu đã không phân biệt được, vậy phải một dao chặt đứt gọn gàng, khiến cho bọn chúng phải cam chịu rằng mình xui xẻo. Cố gắng hết sức giảm bớt số người tham gia vào thế cục hỗn loạn, phân chia ra các thành phần trong đó mà xử lý riêng biệt, đó là một biện pháp thực hiện rất có hiệu quả.

-… Thứ ba, đối phó với thế cục hỗn loạn, một mặt phải phân biệt nó cho rõ ràng mạch lạc, mặt khác phải thẳng tay trừng trị, không thể nương tay. Mặc dù mọi người phản đối trừng phạt nặng nề, nhưng trong rất nhiều trường hợp, trừng phạt nặng nề tội phạm, quả thật có thể tạo ra được tác dụng cảnh cáo, làm cho kinh sợ. Sở dĩ việc trừng phạt nặng xảy ra vấn đề là vì mục tiêu mà pháp luật trừng phạt không được rõ ràng, kẻ thừa hành luật pháp rất dễ mượn chức quyền trong tay mà tạo nên những trường hợp oan uổng, từ đó khiến cho lòng dân nổi loạn. Thế cục hỗn loạn lần này mục tiêu đã quá rõ ràng, kẻ đào trộm mộ chính là tội phạm, ngoài ra chuyện khác không cần biết. Bởi vậy đối với những kẻ đào trộm mộ phải trừng phạt nặng nề như nhau mà không cần lo sẽ đưa tới hậu quả nghiêm trọng. Đối với kẻ mất của, xem như bọn chúng xui rủi, mà chủ phần mộ được xem như người may mắn. Cách thực hiện như vậy, nói đơn giản chính là chèn ép một bọn, mua chuộc một bọn, buông tha cho một bọn. Nhờ vậy, thế cục hỗn loạn mới có thể giảm bớt.

-… Thứ tư, bảo vệ chủ phần mộ không những ta có mục tiêu xác định rõ ràng, làm giảm đi thế cục hỗn loạn, ngoài ra còn có một cái lợi khác. Chính là số của cải chôn trong phần mộ của họ, vì là của trời cho, nên thường là không quý trọng quá nhiều. Quan phủ đưa ra mức thuế trưng thu một phần tư trên số đó, tỷ lệ thu có thể nói là rất cao, nếu đổi lại là người mất của hoặc kẻ mạo hiểm mưa to gió lớn, trả giá bằng công sức đi đào trộm mộ, chắc chắn sẽ không muốn nộp. Nhưng đối với chủ phần mộ mà nói, độ khó của vấn đề này đã giảm xuống rất nhiều. Trong số bọn họ sẽ có rất nhiều người bằng lòng bỏ ra một phần tư trong số của trời cho này để được quan phủ bảo đảm an toàn về của cải và sinh mạng cho bọn họ, đồng thời còn bảo đảm số của cải này được hợp pháp hóa. Như vậy, chúng ta có thể được trong đó một số tiền khá lớn sung vào công quỹ, bù lại số tiêu hao, đồng thời còn có thể cho sai nha bảo vệ để hạn chế hỗn loạn. Nếu phán quyết số của cải kia thuộc về người mất của hoặc kẻ đào trộm mộ, ta hỏi ngươi, làm sao chúng ta thu thuế…?

Bát Xích nghe xong cảm thấy khâm phục vô cùng.

Độc chiêu của Thiển Thủy Thanh gặp phải Nghiêm Chân Bình, không ngờ y có thể hóa giải một cách nhẹ nhàng thoải mái như vậy, chẳng trách thế cục hỗn loạn ở bốn tỉnh miền Trung xảy ra ít nhất, tên Nghiêm Chân Bình này quả thật có chân tài thực học, bản lãnh thâm sâu. Hiện giờ hỗn loạn xảy ra khắp nơi, quan phủ phái người chèn ép trừng trị tứ phía, nhưng hoàn toàn không thể giải quyết được thế cục hỗn loạn một cách triệt để. Nhưng nếu làm theo những gì Nghiêm Chân Bình vừa nói, chẳng những quan phủ không phải bỏ ra một đồng nào, mà còn có thể thu được một số tiền khá lớn, biện pháp này tin rằng không bao lâu sẽ có hiệu quả vô cùng. Đến lúc đó các nơi khác bắt chước theo, e rằng trận cuồng phong mà Thiển Thủy Thanh gây ra này sẽ rất nhanh trở nên bình lặng.

- Vậy vì sao ông không tiến hành phương pháp này từ sớm?

Bát Xích không nhịn được cất tiếng hỏi.

Nghiêm Chân Bình than dài, cười khổ:

- Ta đã nói qua, bất cứ chuyện gì trên đời đều có mặt lợi và hại của nó, không có biện pháp nào chỉ có lợi mà không có hại, cũng không có biện pháp nào chỉ có hại mà không có lợi. Quyết định này xem như hoàn toàn đắc tội với người mất của, ngươi phải biết rằng số người mất của đều là thương nhân quý tộc phú hào nổi danh, có địa vị ở Đế quốc Kinh Hồng ta, có những người dù mất đi của cải, nhưng chỉ cần tiếp tục buôn bán, còn giữ được quan hệ, vậy sẽ không bị rơi đài. Nếu ta đưa ra phương pháp này từ trước, chỉ sợ sẽ bị vô số người dâng biểu kể tội lên bệ hạ, tố cáo ta xử sự bất công, chẳng những không làm chủ cho người mất của, mà ngược lại còn mưu lợi cho riêng bản thân mình, lúc đó kết thúc của lão phu chắc chắn là mất mão mà thôi… Có những lúc ngươi có thể đắc tội với một vạn dân chúng, nhưng không thể đắc tội với một thương gia giàu có…!

- Vậy sao bây giờ ông lại…

Bát Xích nghe vậy lấy làm thắc mắc.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đế Quốc Thiên Phong.