Chương 109: Quyết chiến trung thu (Phần 4)
-
Đế Quốc Thiên Phong
- Duyên Phận
- 2475 chữ
- 2019-03-09 09:39:38
Nhưng Thiển Thủy Thanh lại quyết định sau khi tiến hành biến trận toàn kích, không công vào bản trận mà đổi lại dùng khoái đao cắt thịt, diệt trước một phần, không phải là xuyên thẳng qua chiều dọc để chia cắt trận địa, mà chia cắt theo chiều ngang, chuyện này khiến cho Lỗ lão gia tử phản ứng không kịp.
Tuy rằng các lão tướng có kinh nghiệm dồi dào phong phú, không dễ phạm sai lầm, nhưng khuyết điểm mang tư tưởng câu nệ cố chấp theo sách vở cũng không thể nào tránh khỏi, đối mặt với biến trận toàn kích màThiển Thủy Thanh đã biến cải, Lỗ Thanh hoàn toàn không có tư tưởng chuẩn bị.
Giờ phút này, hai Doanh kỵ binh hoàn toàn không để ý tới thương vong, liều mạng chia cắt trận địa của địch, chiến sĩ của Ưng Dương Kỳ vừa nghe tiếng tù và phản xung phong bèn nhanh chóng lấp vào chỗ trống. Lỗ Thanh bất chấp tất cả, hét lớn:
- Phùng Hạ gặp nguy, lệnh cho quân cánh phải ngừng đi tới, quân trung lộ nhanh chóng xông lên, nhất định phải ngăn chặn thế công bên cánh của kỵ binh địch! Bất kể thế nào cũng không thể để cho bọn chúng chia cắt quân bên cánh phải của ta!
Nhưng mệnh lệnh của lão là quá chậm.
Từ trước khi quyết chiến bắt đầu, Thiển Thủy Thanh cũng đã dùng đủ các biện pháp để nắm bắt hiệu suất chỉ huy và năng lực chấp hành của quân Đế quốc Kinh Hồng.
Trên chiến trường, rất nhiều khi không phải quan chỉ huy không có biện pháp hay để giải quyết vấn đề, nhưng mấu chốt là ở chỗ: kịp thời!
Mệnh lệnh không kịp thời cũng như là không có.
Trong chiến tranh chưa có chiến thuật nào là không thể phá, cho dù những nhân vật đặc biệt như Thiển Thủy Thanh, Cách Long Đặc, nếu nói bọn họ dùng chiêu số nào đó để đánh bại địch nhân, thử hỏi mọi người có cách nào để hóa giải chiêu số này không. Chín trong mười người chỉ cần biết sơ sơ về quân sự cũng có thể nói ra một hoặc nhiều biện pháp để phá giải. Vấn đề duy nhất là phải được chuẩn bị từ trước, cũng cần đưa ra quyết định đúng lúc kịp thời, chứ không phải là xong rồi mới có thể đưa ra. Đây chính là sự khác biệt hết sức quan trọng giữa tướng tài và người thường.
Bản thân Lỗ Thanh không thể nhìn ra trước tình huống sắp sửa xuất hiện, mà sau khi vấn đề đã xuất hiện, dù lão lập tức có phản ứng, nhưng hệ thống truyền lệnh của quân Đế quốc Kinh Hồng lại có hiệu suất quá thấp, mà năng lực chấp hành và biến hóa chiến thuật của quân Đế quốc Kinh Hồng cũng thua kém Thiết Huyết Trấn rất xa. Vấn đề hiệu suất chỉ huy này chính là tử huyệt của quân Đế quốc Kinh Hồng.
Mặc dù Lỗ Thanh cũng từng nghĩ hết cách để giải quyết vấn đề hiệu suất hành động của quân mình, nhưng chiến tranh trong thời đại khoa họa kỹ thuật lạc hậu như vầy, không phải một, hai vị thiên tài là có thể giải quyết được. Tối thiểu Thiển Thủy Thanh cũng đã từng nói qua về vấn đề này:
Đại chiến ở cấp bậc binh đoàn, cái thật sự quyết định thắng bại chính là chuẩn bị trước khi xuất chiến cùng với năng lực phản ứng khi lâm trận của các tướng lĩnh, mà không phải là năng lực chỉ huy khi ra trận. Mà quan tổng chỉ huy nếu muốn phát huy năng lực bản thân, vậy hắn nhất định phải có năng lực nhìn trước chuyện xảy ra nửa canh giờ sau đó, chứ không phải chỉ có thể nhìn thấy chuyện xảy ra vài phút sắp tới mà thôi. Có như vậy, mệnh lệnh tác chiến của hắn mới có thể vượt qua trở ngại về việc truyền lệnh và chấp hành, phát huy tác dụng vào giờ phút quan trọng nhất.
Đoạn trên đã bao gồm tinh túy của việc chỉ huy tác chiến đại binh đoàn. Đối mặt với đại quân khổng lồ có phản ứng chậm chạp, tất cả mệnh lệnh đều phải căn cứ vào mức độ chậm chạp này mà phát ra trước đó. Cho dù bạn phải chỉ huy quân của bạn bước về phía trước một bước, bạn cũng phải ra lệnh từ trước đó nửa canh giờ, nửa canh giờ sau mới có thể nhìn thấy mệnh lệnh của bạn được thực hiện. Nếu đến lúc ấy bạn muốn quân mình lui về phía sau, mà quân của bạn vẫn tiến tới, vậy thì thật là đáng tiếc, bạn chết chắc rồi… Nhưng yêu cầu như vậy, chỉ có một số ít quan chỉ huy có được năng lực trác tuyệt, kinh nghiệm phong phú, phẩm chất tâm lý hoàn hảo mới có thể làm được, đối với đại đa số các Tướng quân khác mà nói, chuyện này thật là quá khó khăn. Nếu như chỉ huy loạn cả lên như vậy, còn không bằng để cho quân mình xong lên như ong vỡ tổ chém giết loạn xạ, còn có hiệu quả hơn. Ngay cả Thiển Thủy Thanh còn không thể giải quyết vấn đề hành động của đại quân nặng nề chậm chạp, Lỗ Thanh càng không thể làm được.
Bởi vậy trận chiến có quy mô tập trung càng lớn, xu hướng tác chiến càng phải đơn giản hóa. Chiến trận biến hóa phức tạp trở nên không phù hợp với yêu cầu thực tế, dùng hết khả năng phát huy ra ưu thế binh lực của bản thân mới là yếu tố quan trọng nhất để gặt hái thắng lợi.
Yêu cầu của Lỗ Thanh là sức chiến đấu của ba mươi vạn đại quân có thể phát huy ra bình thường, thực hiện chuyện một đổi một với địch là đủ. Còn yêu cầu của Thiển Thủy Thanh là các binh chủng phải phối hợp tác chiến, trận hình của từng binh chủng phải hết sức khéo léo ảo diệu, phát huy ra hiệu quả lấy một chọi mười, đồng thời phải hạn chế khả năng lấy một đổi một của đối phương xuống mức thấp nhất.
Dưới tình huống như vậy, kế hoạch mà Lỗ Thanh định ra trước khi xuất chiến vô cùng đơn giản: chia ba mươi vạn đại quân ra thành nhiều cánh quân, sau đó thay nhau tiến công. Kết quả lý tưởng nhất là chỉ cần dùng hai cánh quân tấn công đã có thể tiêu diệt đối thủ trong số quân mênh mông như biển của mình.
Mà ngay từ đầu Thiển Thủy Thanh đã chọn chiến thuật biến trận toàn kích mạo hiểm tới cực điểm, để tạo ra ưu thế tuyệt đối trên một góc chiến trường.
o0o
Lúc này trên chiến trường, mặc dù Lỗ Thanh đã hạ lệnh cho quân bên cánh phải ngừng xung phong về phía trước. Nhưng trên thực tế, trên chiến trường lúc ấy Phùng Hạ đã chỉ huy quân mình tiến về phía trước thêm vài dặm nữa. Khi Phùng Hạ nghĩ rằng mình đã hoàn toàn đánh tan phòng tuyến bên cánh phải của quân địch, đang chuẩn bị ra lệnh cho quân mình khởi xướng tấn công vào bản trận của Thiết Huyết Trấn, hai đội kỵ binh của Hổ Báo Doanh và Vân Tự Doanh cũng đã bắt đầu quét ngang khắp cả chiến trường, rồi từ phía sau hắn đánh ngược trở lại. Bọn họ từ bên cánh xông vào trận địa của địch, dùng thế đột kích mạnh mẽ chia cắt quân của Phùng Hạ ra thành hai đoạn.
Cùng lúc đó, hai Doanh của Huyết Phong Kỳ và Phong Tự Doanh của Linh Phong Kỳ, ba Doanh kỵ binh vốn bất động từ đầu, lúc này đột nhiên phát động.
Hành động của ba Doanh này chỉ trong khoảnh khắc đã khiến cho trọng tâm của toàn đại trận chuyển sang cánh trái. Chín ngàn thiết kỵ của ba Doanh trong giờ phút này hóa thành sấm sét đầy trời, hung hăng tàn sát quân của Phùng Hạ.
Sơn Tự Doanh của Thường Nhạc vốn bị đánh cho liên tiếp lui về phía sau, xem ra không ngăn được mũi nhọn tiến công của địch, không ngờ giờ phút này lại một lần nữa phát huy. Tất cả ba cánh quân đồng thời phát động thế công như chớp giật mưa sa về phía quân của Phùng Hạ lúc này đang nằm lẻ loi một mình phía trước.
Đột nhiên bị tấn công mạnh mẽ từ ba hướng, Phùng Hạ cảm thấy hết sức mờ mịt. Lúc này hắn phóng mắt nhìn quanh bốn phía, trên chiến trường rộng mênh mông trong phạm vi mấy dặm, gần như đâu đâu cũng nhìn thấy kỵ binh của địch đang tung hoành ngang dọc trong trận địa của mình, thẳng tay tàn sát. Máu tươi của quân Phùng Hạ lúc này tung bay đầy trời, những tiếng kêu vô cùng thê thảm trước khi chết vang lên, cùng những tiếng rống giận đầy tuyệt vọng, tất cả trở thành bối cảnh chủ đạo giữa không gian nhỏ hẹp này.
Tứ phía đều là địch!
Ngoại trừ Ưng Dương Kỳ và Thiết Sư Doanh phụ trách liều chết ngăn cản thế công của đại quân đối phương, gần như tất cả kỵ binh và một ít bộ binh của Thiết Huyết Trấn trong giờ phút này đều lao vào tàn sát cánh quân của Phùng Hạ. Gần hai vạn kỵ binh tinh nhuệ đánh ba vạn bộ binh, lại là quân thủ thành, đây hoàn toàn là một trận đồ sát của chỉ một bên.
Dù là như vậy, Thiển Thủy Thanh vẫn còn ngại không đủ. Rất nhiều xe nỏ, nỏ liên châu, những khí giới công kích cỡ lớn giờ phút này được chiến sĩ Hữu Tự Doanh đẩy ra chiến trường cánh trái. Còn có rất nhiều cung tiễn thủ cùng phối hợp, mục tiêu của bọn họ không phải là trung ương chủ trận, mà là cánh quân của địch đang bị vây khốn bên cánh trái của mình.
Cánh quân của Phùng Hạ chìm trong cảnh bị đối phương tàn sát, ngập đầy mưa máu gió tanh. Vì không hề đề phòng, bọn chúng bị kỵ binh của địch thả sức tung hoành chém giết. Từ lúc kỵ binh Thiết Huyết Trấn xông ra cho đến khi cô lập hoàn toàn cánh quân của Phùng Hạ, thời gian chỉ vừa trôi qua trong chốc lát. Lúc này Tử thần đang gào thét đòi mạng, lấy đi vô số sinh mạng con người trong cảnh chém giết điên cuồng.
Một số giáp xa phòng ngự cũng được đẩy lên tuyến đầu chiến trường, số chiến xa từng lập công lao hãn mã trong trận chiến ở Lam Thảo pha, một lần nữa lại phát huy ra công dụng của nó. Lúc trước đây không cần tới số giáp xa phòng ngự này, là vì lúc ấy Thiết Huyết Trấn cần khởi xướng phản xung phong một lần, mà lúc này đây, Ưng Dương Kỳ đã thực kiện kế hoạch ngăn chặn thành công, nhiệm vụ của bọn họ là bảo vệ chặt chẽ phòng tuyến, kiên quyết không để cho địch nhân xông qua, có số giáp xa này phát huy tác dụng, nhiệm vụ sẽ càng thực hiện dễ dàng hơn. Chúng nó đứng trơ trơ ra đó, coi như hoàn toàn dính chặt xuống đất, lại thêm trọng trang bộ binh và võ sĩ trường mâu phối hợp tác chiến, nếu muốn phá tan phòng tuyến này, quân địch phải trả giá bằng máu tươi và sinh mạng rất đắt.
Thiển Thủy Thanh gần như đã tập trung tất cả binh lực có thể, dốc hết toàn lực tiêu diệt cánh quân Đế quốc Kinh Hồng bị nhốt trong vòng vây. Hắn tuyệt đối nắm chắc có thể tiêu diệt được cánh quân này trước khi đại quân của địch phá vỡ được tuyến phòng ngự của Ưng Dương Kỳ.
Giấc mộng bằng vào binh lực hùng hậu quân mình mà tấn công địch của Lỗ Thanh, dưới sự an bày khéo léo của Thiển Thủy Thanh coi như hoàn toàn tan biến. Cánh quân bên phải của lão đang bị bao vây, hai lộ trung ương và bên trái bị binh sĩ ba Doanh của Ưng Dương Kỳ và Thiết Sư Doanh hung hăng chặn đứng, đang lâm vào cảnh tấn công vô cùng gian khổ mà chưa phá vỡ được tuyến phòng ngự của địch.
Trong chiến tranh, kỵ nhất là bị dẫn dắt chạy theo nhịp độ của đối phương, mặc dù Lỗ Thanh đã liên tục ra mệnh lệnh, nhưng sau khi Thiển Thủy Thanh xuất chiêu mà hắn đã chuẩn bị từ trước, mệnh lệnh của Lỗ Thanh gần như không có kết quả gì.
Mười vạn đại quân tạo thành một cơn sóng thủy triều hung hãn, gặp phải phòng tuyến chiến xa nổi danh tường đồng vách sắt, trào lên một cơn sóng mãnh liệt. Nhưng mặc cho cơn sóng ngập trời hoành hành ngang ngược, con đập lớn kia vẫn đứng sừng sững bất động. Đám trọng trang bộ binh bị bao trong lớp giáp sắt từ đầu tới chân muốn làm chuyện gì khác thì không được, nhưng làm chuyện ngăn trở đường đi này thì vô cùng hiệu quả.
Các chiến sĩ từng bị giày vò cực khổ một thời gian ở doanh tù binh này đang dùng máu thịt và vũ khí của mình để trút hết lửa giận trong lòng. Bọn họ múa may trường mâu để báo thù, tử chiến sa trường với địch nhân thề quyết không lùi một bước. Thiển Thủy Thanh dùng bọn họ chặn quân Đế quốc Kinh Hồng lại, xem như đã dùng đúng người. So ra, đánh giá của Tông Trác về Thang Thủ Vọng là hoàn toàn chính xác, trạng thái cường công của quân trung lộ đối với Ưng Dương Kỳ xem ra hết sức uể oải. Nếu nhìn qua toàn chiến trường, Ưng Dương Kỳ rõ ràng phụ trách phòng ngự nhưng lại trông giống đang tiến công hơn…
Chiến sự đánh tới lúc này gần như không còn gì để nói, hàng chục vạn đại quân kẹt bên ngoài không vào được, số quân vất vả vào được lại đang bị Thiết Huyết Trấn tàn sát giày vò…
Lỗ Thanh khép hờ mắt lại, Thiển Thủy Thanh ở đối diện thì chậm rãi thở ra một hơi dài.
Nếu nói không căng thẳng, đó là không thật.