Chương 2: Đêm Thánh Vô Cùng 2
-
Đêm Thánh Vô Cùng
- Heinrich Böll
- 3670 chữ
- 2020-05-09 04:27:42
Số từ: 3708
Nguồn: isach.info
Lễ Nô-en thật diễn ra rất bình thường. Cả nhà tôi như thở phào nhẹ nhõm khi thấy các gia đình khác cũng tụ họp bên cây Nô-en, cũng phải ca hát và ăn bánh gia vị. Nhưng chỉ dễ chịu trong thời gian Nô-en thôi. Ngay giữa tháng giêng, chị Lucie phát bệnh, một bệnh kỳ lạ: vừa thấy mấy cây thông bỏ ngoài đường phố hay trên đống gạch vụn, chị liền bật ra tiếng nấc cuồng loạn. Rồi chị lên cơn điên thật sự, nhưng người ta tìm cách che đậy bằng từ
suy thoái thần kinh
. Trong lần uống cà phê tán dóc ở nhà một chị bạn, khi chị ấy tươi cười mời bánh gia vị, Lucie gạt mạnh cái tô đựng bánh ra khỏi tay bạn. Chị họ của tôi quả là một phụ nữ sôi nổi; chị gạt cái tô rồi tới nhổ cây Nô-en của bạn ra khỏi đế cắm, đạp nát cầu thủy tinh, sao, nấm giả và nến, đồng thời la hét không ngừng. Những chị có mặt, kể cả chị chủ nhà đều chạy ra hành lang đợi bác sĩ; họ nghe chị Lucie phá phách, đập bể đồ sứ trong phòng nhưng chẳng làm gì được. Dù khó nói, tôi phải thú thật là chị Lucie bị chở đi trong chiếc áo trói người điên.
Dùng phép thôi miên để điều trị, bệnh chị tuy ngứng phát triển nhưng chỉ thuyên giảm từ từ. Có lẽ chủ yếu nhờ bác sĩ bảo phải cho chị miễn tham dự buổi lễ ban tối, sức khỏe của Lucie ngày càng khá hơn; mới mấy ngày mà chị đã bắt đầu tươi tắn trở lại. Và chỉ sau mười ngày, bác sĩ đã dám nói chuyện với chị về bánh gia vị, nhưng chị vẫn một mực từ chối không ăn bánh ấy. Rồi bác sĩ có sáng kiến thiên tài là cho chị ăn dưa chua, cũng như đem xà lách và các món thịt bổ dưỡng mời chị. Việc ấy thật sự đã cứu chị Lucie đáng thương. Chị lại cười, thỉnh thoảng lại đùa trong những lần điều trị dài vô tận.
Dù chỗ trống do sự vắng mặt của chị Lucie tạo nên khiến mợ tôi đau lòng, nhưng người nhà mợ giải thích bằng một hoàn cảnh dễ được phụ nữ tha thứ: bằng sự mang thai.
Nhưng chị Lucie đã tạo ra cái mà người ta gọi là tiền lệ: nó chứng tỏ mợ tôi dù có đau khổ khi thiếu ai trong buổi lễ nhưng mợ không thét lên ngay, và giờ thì Johannes và người anh rể tên Karl thử phá cái kỷ luật nghiêm khắc bằng cách thác bệnh, viện cớ bận việc hay nêu những lý do dễ chấp nhận khác. Nhưng cậu tôi vẫn cứng rắn một cách lạ lùng: cậu cực kỳ nghiêm khắc, buộc mọi người phải đồng ý là chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới được nộp giấy chứng nhận của bác sĩ hoặc xin phép nghỉ ngắn hạn. Bởi vì mợ tôi nhận ra ngay mỗi chỗ trống mới và bật lên khóc rấm rứt, dai dẳng, khiến mọi người phải hết sức suy nghĩ.
Sau bốn tuần, chị Lucie về nhà và tỏ ý sẵn sàng tham dự nghi lễ hằng ngày trở lại, nhưng bác sĩ buộc phải dành sẵn một lọ dưa chua và bánh mì bơ để bồi dưỡng chị, bởi vì chấn thương tâm thần do bánh gia vị gây nên đã tỏ ra bất trị. Như vậy, nhờ cậu tôi hết sức cứng rắn mới tránh được những khó khăn về kỷ luật trong một thời gian dài.
VIII
Ngay sau ngày kỷ niệm một năm lê Nô-en thường xuyên đã có những lời đồn đại đáng lo ngại: Người ta bảo Johannes nhờ một bác sĩ bạn viết giấy thẩm định để ước lượng xem mợ tôi còn sống bao lâu nữa. Thật là một lời đồn không tốt, gây tổn hại đến thanh danh của cái gia đình mỗi tối họp yên lành ấy. Nghe đâu giấy thẩm định đã làm tiêu tan mọi hy vọng của Johannes. Mọi cơ quan trong người mợ tôi đều tốt vì suốt đời mợ sống có chừng mực, cha mợ thọ tới bảy mươi tám, mẹ mợ tám mươi sáu tuổi mới mất. Còn mợ thì mới sáu mươi hai, và không có lý do gì để tiên đoán mợ sắp chầu trời cả. Theo tôi, càng không có lý do để chúc mợ điều ấy. Một lần giữa hè, mợ tôi mắc bệnh - chứng ụa mửa và tiêu chảy làm khổ bà cụ đáng thương - người ta xầm xì bảo mợ bị thuốc, nhưng tôi nói dứt khoát ở đây, lời đồn ấy thật ra do bà con xấu miệng bịa đặt. Có bằng chứng chắc chắn là mợ tôi lây bệnh của một đứa cháu. Và những lần phân tích phân cũng không cho thấy một tí ti chất độc nào cả.
Cũng trong hè đó, người ta nhận thấy ở Johannes những khuynh hướng thù nghịch xã hội: anh ta rời bỏ hội ca hát, tuyên bố trên giấy trắng mực đen rằng mình không còn nghĩ tới việc gìn giữ ca khúc Đức nữa. Tuy nhiên, tôi xin nói thêm: Johannes tuy có học vị nhưng lại dốt nát. Còn đối với hội Virhymnia, việc mất giọng trầm của anh ta là một tổn thất lớn.
Anh rể Karl của tôi bắt đầu lén liên lạc với các phòng di cư. Đất nước anh ta mơ tưởng đến phải có những đặc điểm sau: nơi đó, thông không mọc được, bị cấm nhập khẩu hay không thể nhập vì quá nặng thuế; ngoài ra - để vợ anh ta khỏi phiền - người nơi đó không biết bí quyết làm bánh gia vị và không được phép hát những bài Nô-en. Đổi lại, Karl tuyên bố sẵn sàng làm việc tay chân nặng nhọc.
Trong khi đó, anh ta không cần phải giấu diếm dự tính của mình nữa, vì chính cậu tôi cũng đột nhiên thay đổi hoàn toàn. Điều đó xảy ra ở một bình diện không hay đến nỗi chúng tôi phải hoảng sợ. Con người đàng hoàng, phải nói là vừa cứng rắn vừa tốt bụng ấy lại bị quan sát ở những con đường mãi mãi là vô luân chừng nào thế giới còn tồn tại. Người ta biết nhiều điều về cậu - có cả nhân chứng hẳn hoi - những điều không thể gọi khác hơn là ngoại tình. Và kinh khủng nhất là chính cậu cũng không còn cải chính và tự dành cho mình quyền sống trong những quan hệ, những điều kiện mà các quy tắc đạo đức đặc biệt được xem là chính đáng. Vụng về thay, sự thay đổi đột ngột ấy lại hiển nhiên vào thời điểm có phiên xử các tu sĩ trong xứ đạo của cậu. Với tư cách là nhân chứng, là nguyên cáo trá hình, cậu Franz đã gây ấn tượng xấu đến nỗi phải nói là chỉ vì cậu mà tòa xử thuận lợi cho hai tu sĩ. Nhưng tới lúc đó, cậu đã thờ ơ với mọi việc: sự suy đồi ở con người cậu đã hoàn toàn, trọn vẹn.
Cậu là người đầu tiên có sáng kiến cho một diễn viên thay thế mình trong buổi lễ ban tối. Cậu lùng ra một tay ăn chơi đang thất nghiệp. Suốt mười bốn ngày liền, ông ta bắt chước cậu Franz hay đến nỗi không lần nào mợ tôi nhận ra việc thay đổi nhân vật. Cả đến các con của cậu cũng không nhận ra việc ấy. Cho tới khi một đứa cháu bất chợt hô lên trong lúc nghỉ diễn ngắn ngủi:
A, ngoại mang vớ có vòng
, đồng thời hoan hỉ kéo ống quần của tay ăn chơi lên. Màn ấy chắc phải thật dễ sợ đối với người nghệ sĩ khốn khổ. Cả gia đình cậu tôi cũng bối rối, và để tránh thảm họa, mọi người bắt giọng hát một bài, như họ vẫn thường làm trong những trường hợp khó xử. Sau khi mợ tôi đi ngủ, người ta nhanh chóng tìm ra lai lịch của người nghệ sĩ. Đó là dấu hiệu của sự sụp đổ gần như hoàn toàn.
IX
Dù sao đi nữa: người ta nên nhớ rằng một năm rưỡi là khoảng thời gian dài, và lại đến giữa hè, lúc họ hàng tôi khó tham dự vở kịch ấy nhất. Trời nóng bức, họ gặm bánh gia vị không chút hứng thú, cười gượng gạo khi bóp vỡ trái hồ đào khô cằn. Họ nghe bọn lùn nện búa không ngừng và giật mình khi thiên thần má đỏ thì thầm nói trên đầu họ:
Hòa bình, hòa bình
, nhưng họ vẫn kiên nhẫn chịu đựng, và dù mặc đồ mùa hè, mồ hôi vẫn chảy trên cổ, trên má và dán chặt cổ áo họ. Nói đúng hơn: họ đã kiên nhẫn chịu đựng.
Tiền bạc tạm thời chưa giữ vai trò nào - gần như ngược lại. Người ta xì xào là trong việc làm ăn, giờ cậu Franz cũng dùng những mánh khóe không cho phép gọi cậu là
nhà buôn Thiên Chúa giáo
nữa. Cậu cương quyết không để hao hụt tài sản quá nhiều, một cam kết khiến chúng tôi vừa yên lòng vừa sợ hãi.
Sau lần lật tẩy tay ăn chơi, một cuộc nổi loạn thật sự đã xảy ra, đưa đến thỏa hiệp sau: cậu Franz tỏ ý sẵn sàng mướn một đoản diễn viên để thay thế cậu, Johannes, anh Karl và chị Lucie. Họ giao ước với nhau là luôn luôn có một trong bốn người thật tham dự buổi lễ để kềm giữ lũ trẻ. Đến bây giờ, vị giám mục vẫn chưa nhận biết gì về sự lường gạt không thể nào đi chung với tính từ
ngoan đạo
được. Ngoài mợ tôi và mấy đứa trẻ ra, giám mục là nhân vật thật duy nhất trong vở kịch này.
Một chương trình chính xác được lập ra, bà con tôi gọi là chương trình diễn kịch. Và việc lúc nào cũng có một người trong bọn họ tham dự cũng bảo đảm cho các diễn viên có dịp nghỉ ngơi. Trong lúc ấy, người ta nhận thấy các diễn viên cũng thích hiến mình cho buổi lễ vì họ muốn kiếm thêm chút tiền, và may là không thiếu diễn viên thất nghiệp nên người ta đã có thể giảm lương của họ. Theo lời thuật chuyện của Karl, gia đình anh hy vọng còn giảm được nhiều chi phí cho
khoản
đó nữa. Vả lại, mỗi ngày đã dọn cho các diễn viên một bữa ăn, và ai cũng biết rằng nghệ thuật vì miếng cơm manh áo tất sẽ rẻ hơn.
X
Tôi đã đề cập tới phát triển tai hại của chị Lucie: chị gần như chỉ còn la cà ở những quán mở về khuya, và nhất là những ngày phải tham dự buổi lễ, chị tựa hồ như điên rồ. Chị mặc quần nhung kẻ, áo pu-lô-vơ [7] màu sặc sỡ, đi lang thang trong đôi dép lẹp xẹp và cắt mái tóc lộng lẫy của mình để thay bằng kiểu tóc có tua viền; đến giờ tôi mới biết kiểu tóc mang tên đuôi ngựa đó cũng đã mấy lần hợp thời trang. Mặc dù tôi vẫn chưa quan sát được ở chị điều gì rõ ràng là phạm luân, chỉ nhận thấy một sự cuồng nhiệt nào đó được chính chị gọi là thuyết hiện sinh [8]. Thế nhưng tôi không thể quả quyết là phát triển ấy đáng mừng; tôi thích những phụ nữ dịu dàng hơn, những phụ nữ có động tác theo điệu valse lịch sự, biết dẫn những câu thơ hay và không chỉ sống bằng dưa leo và món bò kho bỏ quá nhiều ớt. Kế hoạch di cư ra nước ngoải của Karl dường như có thể thực hiện được: anh khám phá một nước gần xích đạo, hứa hẹn theo đúng tiêu chuẩn anh ta đặt ra, và chị Lucie cũng phấn khởi: người nước đó mặc quần áo không khác chị mấy, họ thích ăn cay và nhảy những điệu mà chị cho là không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy việc hai người không gắn bó với quê hương là chướng thật, nhưng mặc khác, tôi thông cảm với sự trốn chạy của họ.
Trường hợp của Johannes còn nặng hơn. Rủi thay, tiếng đồn dữ lại được xác minh: anh ta đã thành người cộng sản. Anh ta dứt bỏ mọi quan hệ gia đình, không còn lo việc gì nữa và chỉ còn nhờ người đóng kịch thay cho mình hiện diện trong buổi lễ ban tối. Mặt Johannes bây giờ mang vẻ cực đoan, anh ta xuất hiện trong các buổi họp công khai của đảng mình như một tu sĩ Hồi giáo, bỏ mặc phòng luật sư và viết những bài báo dữ dội trên các cơ quan ngôn luận tương ứng. Có điều lạ là giờ anh ta thường gặp Franz hơn trước, và họ tìm cách thuyết phục lẫn nhau nhưng đều vô ích. Tuy cách biệt nhau về tư tưởng nhưng cá nhân họ lại gần gũi nhau hơn.
Còn Franz thì lâu rồi tôi không gặp mặt, chỉ nghe kể về anh ta. Người ta bảo Franz mắc bệnh ưu sầu và thường ở lâu trong các nhà thờ tăm tối. Theo tôi, có thể nói thẳng là lòng sùng đạo của anh ta thật quá đáng. Sau khi gia đình gặp tai họa, anh ta thờ ơ với nghề nghiệp của mình, và mới đây, trên một tường nhà đổ nát, tôi thấy một tấm áp-phích mang dòng chữ
Cựu quán quân Franz Lenz đấu với Lecoq lần cuối. Lenz treo quả đấm lên tường
. Trận đấu ấy diễn ra vào tháng Ba mà bây giờ đã tháng Tám rồi. Nghe nói Franz rất suy sụp. Tôi nghĩ rằng anh ta đang gặp phải hoàn cảnh chưa hề có trong gia đình tôi: anh ta nghèo. May mà Franz vẫn còn độc thân nên sự ngoan đạo vô trách nhiệm ấy chỉ có hậu quả tai hại cho chính anh ta. Với một sự bền bỉ lạ thường, anh ta tìm cách che chở các con chị Lucie theo luật bảo vệ thiếu niên vì anh ta cho là buổi lễ ban tối có hại cho chúng. Nhưng mọi nỗ lực của anh ta đều thất bại; nhờ trời, con nhà giàu không nằm trong quyền hạn của các tổ chức xã hội.
Tuy có nhiều nét khó chịu nhưng người ít xa rời họ hàng nhất lại là... cậu Franz. Dù đã cao tuổi, cậu có tình nhân thật sự. Và tuy khâm phục nhưng chúng tôi không thể nào chấp nhận những mánh lới làm ăn của cậu được. Mới đây, cậu làm quen với một viên thanh tra thất nghiệp, nhờ ông ấy giám sát buổi lễ ban tối và lo cho mọi việc được xuôi chảy. Mà thật vậy, mọi việc đều xuôi chảy cả.
XI
Gần hai năm trôi qua: một thời gian dài. Và những lần dạo ban tối, tôi không thể chẳng đi qua nhà cậu tôi, nơi không còn lòng hiếu khách tự nhiên nữa từ khi đám nghệ sĩ lạ mặt ra vào mỗi tối, còn người trong gia đình lại theo đuổi những thú vui khác thường. Một tối mùa hạ ấm áp, tôi đi ngang qua đó, và vừa rẽ vào con đường viền cây dẻ tây, tôi đã nghe câu hát:
Rừng sáng ánh Nô-en...
Tiếng xe tải chạy qua át mất phần còn lại, tôi rón rén đến gần nhà, nhìn vào phòng qua khe hở màn cửa: Các diễn viên bắt chước bà con tôi hay dễ sợ, đến nỗi trong khoảnh khắc, tôi không nhận ra ai là người tới phiên kiểm soát - họ gọi việc tham dự buổi lễ của nhân vật thật như thế. Tôi không thể thấy mấy tên lùn nhưng nghe chúng rõ ràng. Tiếng leng keng lách cách của chúng chuyển động với những bước sóng đi xuyên qua mọi bức tường. Không nghe tiếng thì thầm của thiên thần. Mợ tôi có vẻ hạnh phúc thật sự: mợ đang trò chuyện với vị giám mục, và sau cùng, tôi mới nhận ra người anh rể là nhân vật thật duy nhất. Tôi nhận ra anh ta qua cặp môi chúm nhọn khi thổi diêm quẹt. Vậy hình như có nhưng nét đặc thù không thể lầm lẫn được. Lúc ấy, tôi có ý nghĩ là các diễn viên chắc cũng được đãi xì-gà, thuốc lá và rượu vang - ngoài ra, mỗi tối còn có măng tây nữa. Nếu họ trơ trẽn - và nghệ sĩ nào lại chẳng thế? - Điều ấy có nghĩa cậu tôi càng phải tốn nhiều hơn nữa. Mấy đứa nhỏ chơi búp bê và xe gỗ ở một góc phòng, chúng có vẻ xanh xao, mệt nhọc. Thật vậy, có lẽ người ta cũng nên nghĩ đến chúng. Tôi có sáng kiến thay thế chúng bởi những búp bê bằng sáp, giống loại thường dùng để quảng cáo bột sữa và kem thoa da ở tủ kính bày hàng của các nhà thuốc. Tôi thấy các búp bê ấy có vẻ tự nhiên lắm.
Tôi thật sự muốn được dịp lưu ý họ hàng mình về những hậu quả của sự kích thích quá độ từ ngày này qua ngày khác đối với tâm hồn trẻ thơ. Dù rằng một kỷ luật nào đó chẳng hại gì, nhưng ở đây dường như người ta đòi hỏi chúng quá đáng.
Tôi rời chỗ quan sát khi bên trong bắt đầu hát bài Đêm thánh vô cùng. Tôi thật không thể nào chịu nổi bài ấy. Trời ấm quá - và trong khoảnh khắc, tôi có cảm tưởng như vừa tham dự buổi họp của ma quỷ. Bất chợt thèm dưa chua quá đỗi, tôi cảm thông được phần nào nỗi đau khổ lớn lao mà chị Lucie phải chịu đựng.
XII
Thời gian qua, tôi thành công trong việc đòi thay thế mấy đứa nhỏ bởi những búp bê bằng sáp. Phải tốn bao nhiêu tiền để tậu chúng - cậu tôi đã ngần ngại thật lâu - nhưng không thể kéo dài tình trạng mấy đứa nhỏ phải ăn bánh hạnh nhân hằng ngày và hát những bài về lâu về dài có thể hại đến tâm lý của chúng. Việc tậu các búp bê tỏ ra có ích vì Karl và Lucie di cư thật, và cả Johannes cũng bắt con ra khỏi nhà cậu tôi. Giữa những thùng hàng gởi ra hải ngoại, tôi từ giã anh Karl, chị Lucie và các cháu, họ có vẻ sung sướng mặc dù hơi bồn chồn lo lắng. Cả Johannes cũng rời thành phố chúng tôi để đi nơi khác. Ở đó, anh ta lo việc tổ chức lại chi bộ đảng của mình.
Còn cậu Franz thì chán đời. Mới đây cậu phàn nàn với tôi là người nhà cậu cứ quên phủi bụi các búp bê. Nói chung những người giúp việc gây khó khăn cho cậu, còn các diễn viên lại dường như có khuynh hướng vô kỷ luật. Họ uống quá phần rượu dành cho họ, một số bị bắt quả tang đang bỏ xì gà, thuốc lá vào túi. Tôi khuyên cậu Franz cho họ uống nước pha màu và hút xì gà làm bằng giấy bồi.
Duy có mơ tôi và vị giám mục là đáng tin cậy. Họ trò chuyện với nhau về thời các cụ xưa, cười khúc khích như có vẻ thích thú lắm và chỉ ngừng câu chuyện lúc bắt giọng một bài hát. Dù sao đi nữa, buổi lễ vẫn tiếp diễn.
Franz, người anh em họ của tôi, có khuynh hướng thật lạ lùng. Anh ta được nhận vào một tu viện gần đó với tư cách thầy dòng cần vụ [9]. Lần đầu thấy anh ta mặc áo tu sĩ, tôi phải hoảng sợ: cái thân hình to lớn với chiếc mũi bị đấm vỡ, đôi môi sưng vù và cái nhìn ưu sầu ấy - anh ta gợi cho tôi hình ảnh người tù hơn là tu sĩ. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, anh ta nhỏ nhẹ nói:
- Chúng ta ai cũng bị cuộc sống trừng phạt.
Tôi theo Franz vào phòng tiếp khách. Chúng tôi trò chuyện ngập ngừng, và chắc anh cảm thấy nhẹ người khi nghe tiếng chuông gọi đến nhà thờ cầu nguyện. Lúc anh đi, tôi ngẫm nghĩ: anh ta rất vội vã, và sự vội vã ấy có vẻ thật.
Chú thích:
[1] Thời gian bốn tuần trước lễ Giáng Sinh (Nô-en).
[2] Những lọn tơ nhỏ trắng mịn.
[3] Có lẽ chỗ này cho thấy rõ là truyện cũng phản ánh chính sách phục hồi nền kinh tế - chính trị ở Tây Đức như trước thế chiến.
[4] Một câu trong bài hát Nô-en
Đêm thánh vô cùng
.
[5] Tiếng La Tinh, có nghĩa là cây thông thường và thông quý.
[6] Tu sĩ trẻ làm phụ tá cho linh mục.
[7] Áo ấm, khi mặc phải chui đầu qua cổ áo (tiếng Anh: pullover).
[8] Thuyết hay triết học hiện sinh là trào lưu triết học hiện đại xem xét con người về mặt tồn tại của nó. Thuyết này quan niệm con người sống đơn độc giữa một môi trườhg lãnh đạm, thậm chí cả thủ nghịch, nhưng lại hoàn toàn có tự do. Hai đại biểu quan trọng nhất của thuyết hiện sinh là triết gia Jean Paul Sartre và nhà văn Albert Camus.
[9] Tu sĩ không được phong chức mà chỉ tuyên thệ đơn giản.