Chương 3.4


Số từ: 4169
Phương Nam dịch
C.ty Nhã Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
❉❉❉
Số hóa và soát lỗi: VCTVEGROUP
tve-4u.org
K
hi Takayuki tỉnh dậy trong chiếc Civic chật chội, xung quanh vẫn còn mờ mờ tối. Anh bật đèn trong xe, kiểm tra đồng hồ. Còn mấy phút nữa là năm giờ sáng.
Anh đang đỗ xe trên con đường bên rìa công viên. Anh dựng lại lưng ghế, xoay cổ theo bốn phía rồi bước xuống xe.
Anh đi vệ sinh và rửa mặt trong nhà vệ sinh ở công viên. Đây là công viên anh vẫn đến chơi hồi nhỏ. Ra khỏi nhà vệ sinh, anh đưa mắt nhìn quanh và ngạc nhiên thấy công viên nhỏ hơn anh nghĩ. Không biết ngày xưa anh đã chơi bóng chày thế nào ở một nơi bé như vậy.
Anh quay lại xe, nổ máy. Anh bật đèn pha, từ từ cho xe lăn bánh. Từ đây tới nhà anh chỉ có vài trăm mét.
Trời bắt đầu hửng sáng. Khi anh đến trước cửa tiệm tạp hóa Namiya là lúc nhìn rõ được cả chữ ở biển hiệu.
Takayuki xuống xe, vòng ra phía sau tiệm. Cửa sau đang đóng im ỉm. Cả khóa nữa. Tuy có chìa nhưng anh quyết định gõ cửa.
Gõ xong, anh đợi khoảng hơn mười giây thì nghe có tiếng động khe khẽ ở bên trong.
Có tiếng mở khóa. Cửa mở, ông Yuji ló mặt ra. Nét mặt ông nom nhẹ nhõm.

Con nghĩ chuẩn bị về là vừa rồi.
Takayuki nói, giọng hơi khàn.

Ừ, con cứ vào nhà đi đã.

Takayuki bước vào rồi đóng chặt cửa sau lại. Khoảnh khắc ấy, anh cảm thấy không khí trong nhà hơi khác đi, như thể bị cách ly với thế giới bên ngoài.
Anh cởi giày, bước lên nhà. Dù để không cả mấy tháng nhưng bên trong không đến nỗi xập xệ quá. Mức độ bụi bặm cũng không đến mức phải bận tâm.

Không ngờ vẫn sạch sẽ quá. Trong khi không hề được…
Anh chưa kịp nói từ ‘thông khí’ thì ngoảnh lại. Bởi anh nhìn thấy thứ ở trên mặt bàn trong bếp.
Trên đó có xếp những chiếc phong bì. Khoảng mười mấy chiếc. Cái nào trông cũng đẹp. Hầu hết mặt trước đều ghi ‘Gửi tiệm tạp hóa Namiya:’.

Mấy thứ này… được gửi đến tối qua ạ?

Ông Yuji gật đầu rồi ngồi xuống ghế. Sau khi đưa mắt nhìn các phong bì, ông ngẩng lên nhìn Takayuki.

Đúng như bố nghĩ. Bố vừa ngồi xuống thì các phong bì thư lần lượt rơi vào qua khe nhận. Hệt như là chúng đợi bố về vậy.

Takayuki lắc đầu.

Sau khi bố vào nhà, con ở bên ngoài thêm một lúc nữa. Con có quan sát tiệm nhưng không thấy ai đến gần cả. Thậm chí còn chẳng có ai đi qua ấy chứ.


Thế hả? Vậy nhưng những lá thư này vẫn đến.
Ông Yuji khẽ dang hai tay ra.
Thư hồi âm từ tương lai đấy.

Takayuki kéo ghế, ngồi đối diện với ông Yuji.
Thật không thể tin nổi…


Chẳng phải con bảo sẽ tin lời bố sao.


À, thì con có nói thế, nhưng mà…

Ông Yuji cười nhăn nhó.

Nhưng thâm tâm con lại nghĩ làm gì có chuyện này đúng không? Thế cảm tưởng của con thế nào khi nhìn thấy chỗ thư này? Hay con nghĩ tất cả là do bố sắp đặt?


Con không nói thế. Con nghĩ là bố không có thời gian để làm vậy đâu.


Riêng chuẩn bị từng này phong bì với giấy viết thư thôi cũng đủ mệt rồi. Bố cũng nói để con biết luôn là tiệm chẳng còn thứ gì cả.


Con biết. Đây toàn là những thứ con chưa bao giờ nhìn thấy.

Takayuki hơi hoang mang. Có chuyện như cổ tích thế này sao. Anh thậm chí còn nghi ngờ mình đang bị ai đó đánh lừa bằng một trò ảo thuật tài ba. Nhưng chẳng có lý do gì để làm vậy. Lừa một ông già sắp nhắm mắt thì có gì là vui chứ.
Thư từ tương lai – nghĩ theo hướng chuyện kỳ lạ như vậy đã xảy ra có lẽ sẽ hợp lý. Nếu chuyện đó là thật thì đúng là đáng kinh ngạc. Theo lẽ thường, Takayuki phải thấy phấn khích. Song anh rất bình tĩnh. Tuy hơi hoang mang nhưng anh bình tĩnh đến nỗi chính anh cũng ngạc nhiên.

Vậy bố đọc hết rồi ạ?
Takayuki hỏi.

Ừ.
Ông Yuji đáp rồi cầm một chiếc phong bì lên. Ông rút trong đó ra một bức thư và đưa cho Takayuki.
Con thử đọc đi.


Được chứ ạ?


Vấn đề gì đâu.

Takayuki nhận bức thư và mở nó ra. Anh khẽ kêu lên khi thấy chữ trong thư không phải là viết tay mà được đánh máy rồi in lên nền giấy trắng. Khi anh nói điều này, ông Yuji gật đầu.

Hơn một nửa số thư đều là chữ in như thế đấy. Có vẻ như ở tương lai, mỗi người đều có một cái máy có thể in dễ dàng.

Riêng chuyện này thôi cũng củng cố thêm rằng đây là thư đến từ tương lai. Takayuki hít một hơi thật sâu rồi đọc bức thư.

Gửi tiệm tạp hóa Namiya.

Tiệm sẽ mở cửa lại thật chứ? Tiệm thông báo sẽ chỉ mở lại một đêm duy nhất nghĩa là sao? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều xem nên làm gì nhưng rồi tặc lưỡi, ‘Thôi thì bị lừa cũng được’ và quyết định viết bức thư này.
Tính ra cỡ khoảng bốn mươi năm trước, tôi có gửi tới tiệm một câu hỏi.
Đó là: Làm thế nào để cháu được 100 điểm bài kiểm tra mà không cần học?
Thằng học sinh tiểu học hồi ấy là tôi đã hỏi tiệm một câu thật ngớ ngẩn. Và tiệm Namiya đã cho tôi một câu trả lời tuyệt vời.
‘Cháu hãy xin cô giáo cho làm bài kiểm tra về cháu. Bài kiểm tra về cháu nên lời giải của cháu sẽ đúng hết. Chắc chắn cháu sẽ được 100 điểm.’
Lúc đọc thư hồi âm, tôi đã nghĩ tiệm chơi khăm mình. Bởi tôi muốn biết cách đạt 100 điểm môn quốc ngữ và số học cơ.
Nhưng câu trả lời của tiệm vẫn đọng lại trong ký ức. Ngay cả khi lên cấp hai, cấp ba, cứ nhắc đến bài kiểm tra là tôi lại nhớ đến câu trả lời ấy. Nó để lại ấn tượng sâu sắc như thế đấy. Hẳn là tôi đã sướng rơn khi câu hỏi nghịch ngợm trẻ con của mình được tiệm đón nhận.
Song tôi chỉ thực sự biết sự tuyệt vời của câu trả lời khi đi dạy bọn trẻ con ở trường. Vâng, tôi đã trở thành giáo viên.
Đứng trên bục giảng chưa được bao lâu, tôi gặp một trở ngại lớn. Các em trong lớp không chịu mở lòng với tôi, không chịu nghe tôi nói. Ngay cả tình bạn giữa các em với nhau cũng không thể gọi là tốt, tôi có làm gì thì tình hình cũng không cải thiện. Tâm tư mỗi đứa mỗi khác, ngoại trừ một số ít bạn bè thân ra thì chúng chẳng quan tâm đến ai.
Tôi đã thử rất nhiều cách. Nào là tạo cơ hội để các em cùng chơi thể thao, chơi trò chơi, các buổi thảo luận. Nhưng tất cả đều thất bại. Chẳng đứa nào tỏ ra hào hứng.
Thế rồi có một đứa nói: Em không muốn làm mấy việc này, em muốn thầy giúp em đạt 100 điểm trong bài kiểm tra.
Nghe vậy, tôi giật nảy mình và nhớ ra một điều quan trọng.
Đến đây chắc tiệm đã hiểu, tôi đã cho bọn trẻ làm một bài kiểm tra viết với tiêu đề là ‘Bài kiểm tra bạn bè’. Tôi chọn ngẫu nhiên một em trong lớp và đặt các câu hỏi khác nhau về em đó. Từ ngày tháng năm sinh, địa chỉ, có anh chị em hay không, nghề nghiệp của bố mẹ cho tới sở thích, sở trường, diễn viên yêu thích. Hết giờ làm bài, tôi sẽ để chính em đó nêu đáp án. Các em học sinh sẽ tự chấm bài của mình.
Ban đầu các em còn khá bỡ ngỡ nhưng sau vài ba lần, các em bắt đầu hào hứng hơn. Bí quyết duy nhất để đạt điểm cao trong bài kiểm tra là phải biết rõ bạn cùng lớp. Các em bắt đầu giao tiếp với nhau nhiều hơn, đến nỗi tôi còn tưởng mình đang nhìn nhầm.
Đây quả là một kinh nghiệm lớn đối với một giáo viên non trẻ như tôi. Tôi có thêm tự tin để đi tiếp với nghề giáo và thực tế thì tôi đã đi được đến ngày hôm nay.
Tất cả là nhờ tiệm tạp hóa Namiya. Tôi rất muốn bày tỏ lòng biết ơn với tiệm nhưng lại không biết làm thế nào. Giờ thì tôi rất vui vì đã có được cơ hội ấy.
Cậu bé 100 điểm.

Có phải người nhà ông Namiya sẽ tới lấy bức thư này không? Tôi mong rằng bức thư sẽ được đặt trước bàn thờ của ông. Xin cảm ơn.


Khi Takayuki ngẩng mặt lên, ông Yuji hỏi:
Con thấy sao?


Tốt quá còn gì ạ.
Tạm thời anh nói vậy.
Con vẫn nhớ câu hỏi này. Cậu bé hỏi cách đạt 100 điểm mà không cần học. Ai ngờ cậu bé ngày nào giờ lại gửi thư cho bố.


Bố cũng bất ngờ. Đã vậy cậu bé còn cảm ơn bố. Hồi đó bố chỉ trả lời kiểu hỏi nhanh đáp gọn trước câu hỏi nửa đùa nửa thật của cậu ta thôi.


Nhưng cậu ta không hề quên câu trả lời của bố.


Có vẻ như vậy. Không chỉ không quên mà cậu ta còn tự chiêm nghiệm và áp dụng vào cuộc đời của mình nữa. Cậu ấy cảm ơn bố nhưng chuyện đó là không cần thiết. Cậu ấy thành công là do thực lực của mình.


Biết là vậy nhưng chắc hẳn cậu ta đã sướng rơn. Câu hỏi trêu đùa của cậu không những không bị bỏ qua mà còn được trả lời rất tử tế. Con nghĩ chính vì vậy mà cậu ta đã nhớ mãi.


Chuyện đó có gì to tát đâu.
Ông Yuji nhìn các phong bì khác.
Các bức thư khác cũng vậy. Hầu hết đều là cảm ơn câu trả lời của bố. Tuy rất cảm kích nhưng khi đọc thư, bố nhận ra, câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi.

Takayuki gật đầu. Anh có cùng suy nghĩ với bố.

Biết được như vậy chẳng phải cũng tốt sao? Vì việc bố làm đã không sai.


Ừm, có lẽ vậy.
Ông Yuji dùng đầu ngón tay gãi gãi bên má, sau đó ông cầm lên một chiếc phong bì.
Bố muốn con đọc một bức thư nữa.


Con ư? Tại sao ạ?


Con cứ đọc đi thì biết.

Takayuki đón lấy chiếc phong bì, rút bức thư từ bên trong ra. Một bức thư viết tay. Những dòng chữ đẹp xếp ngay ngắn.

Gửi tiệm tạp hóa Namiya.

Đọc thông tin trên mạng biết tiệm sẽ mở lại một đêm duy nhất là đêm nay, tôi cứ đứng ngồi không yên nên đã quyết định viết bức thư này.
Thú thật, tôi chỉ được nghe kể về tiệm tạp hóa Namiya. Người gửi thư nhờ tiệm tư vấn là người khác. Trước khi nói về người đó, tôi xin được kể về thời thơ ấu của tôi.
Hồi nhỏ tôi sống trong một trại trẻ mồ côi. Tôi hoàn toàn không nhớ mình ở đó từ khi nào. Khi nhận thức được thì tôi đã thấy mình đang sống cùng những đứa trẻ khác. Tôi không hề nghĩ chuyện này có gì đặc biệt.
Nhưng đến tuổi đi học, tôi bắt đầu có những câu hỏi. Tại sao mình lại không có bố mẹ? Mình không có thứ được gọi là ‘nhà’ à?
Một hôm, cô giáo mà tôi tin tưởng nhất đã cho tôi biết vì sao tôi lại ở trong trại. Theo lời cô thì mẹ tôi mất vì tai nạn khi tôi được một tuổi. Cô bảo rằng tôi vốn không có bố. Cụ thể thế nào thì lớn hơn chút nữa, cô sẽ kể cho.
Chuyện này nghĩa là sao? Tại sao tôi lại không có bố? Tôi cứ mang trong lòng nỗi băn khoăn ấy. Chỉ có thời gian là lặng lẽ trôi.
Rồi tôi vào cấp hai. Có một bài tập môn xã hội yêu cầu học sinh tìm hiểu những sự kiện đã diễn ra lúc mình chào đời. Trong lúc xem tập báo ở thư viện, tôi đã tình cờ phát hiện ra bài báo đó.
Bài báo viết về một chiếc xe con rơi xuống biển, người phụ nữ tên là Kawabe Midori lái chiếc xe đã tử vong. Trên xe còn có đứa bé chừng một tuổi, không có dấu phanh xe nên nhiều khả năng đây là một vụ tự tử cùng con.
Vì từng hỏi về tên của mẹ và nơi ở trước đây nên tôi chắc chắn đây là bài báo viết về mẹ con tôi.
Tôi đã sốc. Một phần là vì biết mẹ chết vì tự tử chứ không phải tai nạn nhưng hơn cả là thấy tổn thương sâu sắc khi biết mẹ tự tử cùng với con, nghĩa là mẹ muốn tôi cùng chết.
Sau khi rời khỏi thư viện, tôi không về trại trẻ ngay. Nhưng có hỏi là tôi đã ở đâu thì tôi không trả lời được. Vì chính tôi cũng không nhớ. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có duy nhất một ý nghĩ rằng mình là kẻ lẽ ra phải chết, là kẻ có sống cũng chẳng ích gì. Tôi suýt thì bị mẹ – người lẽ ra phải yêu thương tôi nhất trần đời – giết chết. Người như vậy mà sống thì có giá trị gì nữa đâu.
Cảnh sát đến cứu tôi về vào ngày thứ ba. Tôi được phát hiện nằm gục trong góc của khu vui chơi nhỏ trên tầng thượng của một khu mua sắm. Tôi hoàn toàn không biết vì sao mình lại tới đó. Có điều, tôi vẫn nhớ rằng mình đã nghĩ nếu nhảy từ trên cao xuống thì có thể chết một cách dễ dàng.
Tôi được đưa đến bệnh viện. Ngoài việc thể trạng suy kiệt, cổ tay tôi còn có vô số vết cứa. Con dao rọc giấy dính máu được tìm thấy trong chiếc cặp tôi luôn giữ khư khư như vật báu.
Suốt một thời gian dài, tôi không mở miệng nói chuyện với ai. Thậm chí chỉ gặp người khác thôi tôi cũng thấy khổ sở. Tôi chẳng chịu ăn uống tử tế nên cứ ngày một gầy rộc đi.
Vào thời gian ấy, có một người đến thăm tôi. Đó là cô bạn chơi thân nhất của tôi ở trại trẻ. Cô bạn bằng tuổi tôi, có một cậu em trai bị khuyết tật. Bị bố mẹ ngược đãi nên hai chị em phải vào trại. Cô ấy hát rất hay, tôi cũng thích âm nhạc nên chúng tôi chơi rất thân.
Với cô ấy thì tôi có thể trò chuyện. Sau vài đoạn trao đổi vô thưởng vô phạt, cô ấy bất ngờ nói thế này. Rằng hôm nay cô ấy đến đây để cho tôi biết một việc quan trọng.
Cô ấy bảo đã nghe người của trại trẻ kể hết về gia cảnh của tôi nên muốn nói cho tôi biết. Có vẻ như người của trại trẻ đã nhờ cô việc đó. Chắc họ nghĩ tôi không nói chuyện với ai ngoài cô ấy.
Tôi đáp rằng không muốn nghe vì tôi biết hết cả rồi. Nghe vậy, cô ấy lắc đầu quầy quậy bảo tôi chỉ biết một ít thôi, còn sự thật thì hầu như tôi không biết.
Cô ấy hỏi tôi có biết cân nặng của mẹ tôi lúc qua đời không. Chuyện đó thì sao tôi biết được. Nghe tôi nói vậy, cô ấy bảo là ba mươi cân. Tôi toan nói chuyện đó thì sao chứ nhưng đã kịp sửa lại: Ba mươi cân? Chỉ có vậy thôi ư?
Cô bạn gật đầu rồi kể tiếp.
Lúc được tìm thấy, cô Kawabe Midori gầy lắm. Cảnh sát lục soát nhà của cô thì thấy đồ ăn hầu như chẳng có gì ngoài sữa bột. Trong tủ lạnh cũng chỉ còn một hộp thức ăn giặm.
Theo những người quen biết thì cô Midori không đi làm, số tiền tiết kiệm cũng đã cạn kiệt. Do chậm trả tiền nhà nên cô bị buộc rời khỏi căn hộ. Đến nước này thì tính đến chuyện tự sát cùng con âu cũng là hợp lý.
Nhưng có một dấu hỏi lớn khác. Đó là chuyện đứa bé. Tại sao đứa bé lại sống sót một cách thần kỳ như vậy?
‘Thực ra chuyện đó chẳng có gì là kỳ diệu hết,’ cô bạn nói. Nhưng trước khi kể chuyện đó, cô bạn muốn tôi đọc một thứ. Nói đoạn, cô bạn đưa cho tôi một bức thư.
Theo lời cô bạn thì đó là bức thư được tìm thấy trong căn hộ của mẹ tôi. Bức thư được mẹ cất giữ cẩn thận cùng với cuống rốn của tôi, sau đó thì được trại trẻ giữ lại. Thầy cô ở trại trẻ bàn bạc và quyết định sẽ đưa cho tôi vào thời điểm thích hợp.
Bức thư vẫn nằm trong phong bì. Bên ngoài phong bì ghi: ‘Gửi Green River’.
Tôi ngập ngừng mở bức thư. Bên trong là những hàng chữ nắn nót. Trong một giây, tôi tưởng là do mẹ viết. Nhưng khi đọc thì tôi biết là không phải. Bức thư này viết cho mẹ tôi. Green River chính là mẹ tôi.
Nội dung bức thư, nói ngắn gọn thì là lời khuyên dành cho mẹ tôi. Hình như mẹ đã nhờ người này tư vấn. Theo lời lẽ trong thư thì hình như mẹ tôi có bầu với một người đã có vợ con và đang không biết giữ hay bỏ cái thai.
Biết được bí mật về sự ra đời của mình, tôi lại bị một cú sốc mới. Cứ nghĩ số phận mình là kết quả của hành động vô đạo đức, tôi thấy vô cùng tủi hổ.
Trước mặt cô bạn, tôi đã có những lời lẽ nạt nộ mẹ mình. Rằng sao mẹ lại sinh ra tôi. Thà đừng sinh có phải tốt không. Làm thế thì mẹ đã không phải cực khổ. Cũng chẳng cần phải tự tử làm gì.
Nghe thế, cô bạn bảo không phải vậy đâu và nói tôi đọc tiếp thư đi.
Phần lớn bức thư viết rằng điều quan trọng với người mẹ là đứa con sinh ra có được hạnh phúc không. Có đầy đủ bố mẹ không hẳn sẽ hạnh phúc. Nếu chưa chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chịu đựng bất cứ điều gì để con được hạnh phúc thì dù có chồng đi nữa thì cũng không nên sinh con. Bức thư kết luận như vậy.
‘Mẹ cậu đã chuẩn bị sẵn tinh thần để cậu được hạnh phúc nên mới sinh ra cậu đấy,’ cô bạn tôi nói. ‘Bằng chứng là mẹ đã cất giữ cẩn thận bức thư này.’
Vì vậy, không có chuyện mẹ tôi muốn tự tử cùng tôi đâu, cô bạn nói.
Theo lời cô bạn thì cửa sổ bên ghế lái của chiếc xe lúc rơi xuống biển được mở hết cỡ. Hôm đó trời mưa nên không thể có chuyện mở trong lúc xe chạy được, chỉ có thể là mở khi xe đã rơi xuống.
Vì vậy, đó là tai nạn chứ không phải tự tử. Cô Kawabe Midori hằng ngày ăn uống kham khổ nên có lẽ trong lúc lái xe đã bị tụt đường huyết vì thiếu dinh dưỡng. Chiếc xe mượn từ người quen có lẽ là để đưa con đến bệnh viện đúng như cô nói.
Bị tụt đường huyết, cô nhất thời bị ngất, khi xe rơi xuống biển cô mới tỉnh lại. Trong lúc hoảng loạn, cô đã mở cửa sổ xe. Việc đầu tiên cô làm là đẩy đứa con ra ngoài. Cô đã cầu nguyện cho nó được sống.
Lúc được tìm thấy, cô Kawabe Midori thậm chí còn chưa tháo dây an toàn. Bị tụt đường huyết, hẳn là đầu óc cô không còn được minh mẫn.
Thông tin thêm là đứa bé con cô nặng hơn mười cân. Có thể thấy cô Kawabe Midori đã cho đứa bé ăn uống rất đầy đủ.
Kể xong, cô bạn hỏi tôi nghĩ thế nào. Có còn nghĩ giá như mình không được sinh ra nữa không.
Tôi không hiểu cảm giác của bản thân mình nữa. Tôi vốn chưa từng gặp mẹ. Bảo cảm giác đó là ghét mẹ thì thật trừu tượng. Chuyển cảm giác đó thành biết ơn thì tôi chỉ thấy hoang mang. Vì vậy, câu tôi nói với cô bạn là: ‘Tớ chẳng nghĩ gì hết.’
Tôi bảo việc chiếc xe rơi xuống biển là quả báo, không có tiền đến mức bị thiếu dinh dưỡng mới là vấn đề, rằng làm cha mẹ thì đương nhiên phải cứu con rồi, không thoát được là do bản thân ngu ngốc thôi.
Ngay lập tức tôi bị cô bạn cho một cái bạt tai. Cô ấy òa khóc, bảo rằng không muốn tôi nghĩ về số phận con người như thế. Rằng tôi đã quên vụ hỏa hoạn ba năm trước rồi sao. Nghe đến đó, tôi giật mình.
Vụ hỏa hoạn đó xảy ra tại trại trẻ của chúng tôi. Đó là đêm Giáng sinh, bản thân tôi cũng rất sợ hãi.
Em trai của cô bạn tôi chậm chân, suýt nữa đã mất mạng, cậu bé thoát được là do có người cứu. Đó là một nhạc sĩ nghiệp dư tới biểu diễn cho buổi tiệc Giáng sinh. Tôi vẫn nhớ đó là một người đàn ông có khuôn mặt hiền hậu. Trong khi mọi người chạy cả ra ngoài thì mình người đó nghe lời cầu cứu của cô bạn tôi, chạy ngược lên cầu thang để tìm em trai cô ấy. Kết cục, em trai cô ấy được cứu nhưng người đó bị bỏng toàn thân và mất tại bệnh viện.
Cô bạn nói rằng cô và em trai muốn trả ơn người ấy đến hết đời. Cô ấy khóc và nói rằng muốn tôi hiểu được sự quan trọng của sinh mệnh.
Đến đây thì tôi đã hiểu vì sao thầy cô ở trại trẻ lại cử cô ấy đến. Các thầy cô nghĩ rằng không người nào có thể chỉ cho tôi biết phải nghĩ sao về mẹ hơn cô ấy. Và các thầy cô đã đúng. Như thể bị cô ấy cảm hóa, tôi cũng khóc theo. Tôi thật lòng thấy biết ơn người mẹ mà tôi chẳng có chút ký ức nào.
Sau ngày đó tôi không còn nghĩ giá như mình không được sinh ra nữa. Con đường tôi đi, tính đến nay không hề bằng phẳng nhưng tôi nghĩ chính vì tôi được sống, biết cảm nhận nỗi đau nên đã vượt qua tất cả.
Đến đây thì tôi thấy tò mò về người viết thư cho mẹ tôi. Cuối thư có đề là tiệm tạp hóa Namiya. Không rõ người này là ai. Tiệm tạp hóa nghĩa là sao.
Mãi gần đây, thông qua Internet, tôi mới biết đó là một ông già thích giải đáp các băn khoăn. Có người đã viết lại kỷ niệm ấy lên blog. Tôi thử tìm xem còn người nào khác không thì thấy thông báo này.
Kính thưa tiệm tạp hóa Namiya,
Từ đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn tiệm đã khuyên nhủ mẹ tôi. Tôi rất muốn được nói với tiệm điều đó. Cảm ơn tiệm. Giờ tôi đã có thể tự tin nói: Tôi thật may mắn vì có mặt trên cõi đời này.
Ký tên: Con gái của Green River.

Tái bút: Hiện tôi đang làm quản lý cho cô bạn kia. Cô ấy đã phát huy tài năng âm nhạc của mình và trở thành nghệ sĩ tiêu biểu của Nhật Bản. Cô ấy cũng đang trong hành trình trả ơn.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Điều kì diệu của tiệm tạp hóa Namiya.