Chương 05


Số từ: 8717
V
Cuộc tuần du của nhà vua không phải là cuộc dạo chơi nhàn tản mà vô cùng vất vả, khi đi ngựa trạm, khi đi thuyền, ấy là tùy các địa thế mà nhà vua muốn kiểm xét. Nói cho đúng thì nhà vua đi thị sát cả đường thủy lẫn đường bộ, xem nẻo nào giặc có thể từ đó mà tràn vào cõi để còn có đối sách chống giặc.
Khi tới An Bang, nhà vua và đoàn tùy tùng bỏ lại ngựa cho trạm giữ mà xuống thuyền. Vua sai giong buồm ra thẳng Vân Đồn.
Trong chuyến đi, vua luôn giữ sát hai tướng ở bên mình để bàn bạc việc quân.
Nhân lúc thuận gió, thuyền đi nhàn nhã vua sai pha trà rồi vua tôi đàm đạo. Vua hỏi gia cảnh từng người.
Khuê Kình liền thưa:
- Tâu bệ hạ, về phần thần, song thân đều đã khuất núi. Ngoài nội tướng ra thần cũng có vài ba người thiếp, sống với nhau thuận hòa. Con cái cũng được dăm bảy đứa, tuổi mới choai choai. Xem ra chưa đứa nào tỏ rõ khiếu năng gì. Tâu, thần không có con nào đủ sức vào Quốc học viện, họa may có thằng thứ hai nếu rèn kỹ có thể theo học được ở Giảng Võ đường.
- Vậy còn Lê Tần thì sao? - Vua hỏi. - Ta nghe nói khanh sống với Chiêu Thánh hợp lắm, đã sinh được mấy mặt con rồi. Nhà vua hỏi vì cũng muốn biết Chiêu Thánh sống ra sao. Nhưng thực trong lòng vua luôn cảm như mình có lỗi với Chiêu Thánh. Sở dĩ Chiêu Thánh về với Lê Tần là do sự mai mối của Thái úy Phạm Kính Ân, quan của triều Lý được lưu dụng. Nghe đâu việc này là do bà Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung có ngầm bàn với Phạm Kính Ân.
Sở dĩ bà Linh từ nhắm tới Lê Tần là bởi Thái sư luôn khen tướng Lê Tần tài kiêm văn võ lại có nhân cách cao thượng, nên bà nảy ra ý đó. Khi Phạm Kính Ân ngỏ lời với thái sư thì ngài hoan hỉ vun vào nhưng lại nói với Phạm Kính Ân:
Ông nên tâu việc này lên hoàng thượng
. Nghe Phạm Kính Ân tâu báo, vua hỏi:
- Vậy chớ ý Chiêu Thánh thế nào?
- Tâu bệ hạ, công chúa bảo:
Vì ông là cựu thần nhà Lý nên ta tin lời ông. Vả lại Lê Tần cũng là người có nhân cách
. Dạ, công chúa nói như thế có nghĩa là người đã ưng thuận. Xin bệ hạ rộng lượng.
Thái tông nhíu mày nói:
- Ta còn mong gì hơn thế nữa. Vậy ta sẽ cắt cho Chiêu Thánh một trăm khoảnh ruộng làm của hồi môn[21].
Lê Tần có ý hơi ngượng vì Chiêu Thánh vốn là hoàng hậu của đương kim hoàng thượng. Chẳng lẽ vua hỏi mà không nói sẽ mang tội khi quân, phạm thượng. Tần bèn thưa:
- Tâu bệ hạ, lũ thần sống với nhau tương thân tương kính, hiện đã có năm mặt con. Sắp tới hai đứa trai có nhẽ thi vào học tại Giảng Võ đường, còn một đứa rắp ranh thi vào Quốc học viện nhưng kiến văn còn nông cạn lắm, chắc thần chưa cho thi.
- Ta mừng cho các ông phần gia thất đều tốt lành cả. Con cái như thế cũng là được đấy. Khuê Kình chớ có cầu toàn. Chẳng cần con cái phải làm đến chức này chức nọ gì đâu, cứ làm một người dân lương thiện, đời sống no đủ thế chẳng tốt sao.
- Lê Tần người Ái châu, ta biết. Nhưng song thân còn tại đường cả chứ?
- Tạ ân bệ hạ hỏi thăm, song thân của thần đã viên tịch cả rồi ạ.
Nhà vua ngậm ngùi chia sẻ, nhưng thực bụng nhà vua cũng nghĩ về mình như vậy:
- Buồn thế đấy. Khi ta trưởng thành, muốn báo hiếu thì cha mẹ lại không còn nữa.
Khi nhà vua nói tới điều đó thì cả vua tôi đều ngùi ngùi. Xem ra, chẳng ai còn cha mẹ để được phụng dưỡng.
Đường xa, gió thuận, trời đẹp vua tôi cứ rủ rỉ hết chuyện này sang chuyện khác.
Chuyện tới chuyện lui bỗng Trần Khuê Kình hỏi:
- Tâu bệ hạ, thần muốn hỏi một điều nếu bệ hạ không bắt tội thần mới dám nói.
- Khuê Kình là người trực tính, lại kiêu dũng nữa; khanh có nhớ hơn chục năm trước, khanh bảo ta rằng Thái sư lộng quyền. Ta hỏi khanh có dám nói điều đó trước thái sư không. Khanh bảo đã nói là không sợ. Thế là ta đem khanh đến gặp thái sư. Trước thái sư oai phong lẫm liệt, đến ta còn phải nể, thế mà khanh dám bộc bạch nỗi lo của mọi người. Khanh nói với thái sư đúng như nói với ta, không sai một lời. Vì vậy, cả thái sư và ta đều trọng khanh lắm.
Lại chuyện Quốc mẫu cho kiệu qua ngọ môn, khanh sai quân ngăn lại. Khi đối chất khanh dám cãi luật với kiểm pháp quan trước cả thái sư. Các việc như thế khi còn là thân vệ tướng quân, Trần Khuê Kình còn chẳng sợ, thế mà nay vua tôi nói chuyện lại sợ ta trị tội. Khanh mới nhát hèn từ lúc nào, sao ta không được biết? Vua nháy mắt cho Lê Tần. Rồi cả vua tôi cùng cười vỡ ra.
- Tâu, thần chỉ muốn hỏi bệ hạ và Lê tướng quân, ở nước ta hiện nay, trong tất cả các vị tướng thì tướng nào giỏi nhất?
Câu hỏi bất ngờ của Khuê Kình làm cả nhà vua và Lê Tần đều khó nghĩ. Bởi từ trước tới nay chưa có ai đặt ra điều đó.
Ngẫm nghĩ một lát, vua quay hỏi Lê Tần:
- Khuê Kình hỏi vậy, ý tướng quân thế nào?
Lê Tần chưa dám trả lời ngay, ông suy tư cân nhắc một lúc chừng nhai tàn miếng trầu rồi mới thận trọng nói:
- Tâu bệ hạ, theo ý thần, tướng tài của nước ta hiện nay chưa ai vượt được Thái sư. Thần đã được Thái sư sai khiến nhiều việc. Việc nào Thái sư cũng tính đến cả chục nước, không một điều gì xảy ra nằm ngoài dự liệu của Thái sư. Người ta cứ bảo Thái sư ít chữ, nhưng thần đã đôi ba lần hầu chuyện thái sư, xem ra ngài nghiền ngẫm các binh gia cổ kim không sót một nhà nào, song khi vào việc lại không rập theo ai cả.
Thái tông gật gù có vẻ thừa nhận các điều Lê Tần vừa nói. Suy nghĩ giây lát, vua phán:
- Nói Thái sư ít học là do thuở niên thiếu người không được học hành đầy đủ. Nhưng khi vào việc ngài phải gồng mình lên mà học đấy. Người không có học thức sao làm được các việc lớn như thế.
- Thần nghe nói những năm đầu của nhà Trần ta, Thái sư có một bậc mưu sĩ trác việt lắm, ngài đã tôn người ấy làm thầy kia mà.
Nhà vua gật đầu:
- Đúng như Lê Tần nói. Nhưng sau đó tiên sinh đi ở ẩn biệt tăm. Vả lại lúc ấy Thái sư cũng đã đủ kiến văn và sự từng trải để điều hành đất nước.
Khuê Kình cũng lên tiếng:
- Theo ngu ý của thần, quả Thái sư là bậc kỳ tướng của nước nhà như ý Lê tướng quân vừa nói. Nhưng thời của Thái sư đã qua rồi. Bậc huân tướng số một của nước nhà hiện nay chính là hoàng thượng đó.
- Bậy nào! - Vua quở. - Ta sao dám vượt được Thái sư, đến Lê Tần đây ta cũng chẳng theo được còn nói gì Thái sư.
Thấy vua có ý đề cao mình, Lê Tần vẻ sợ hãi đứng dậy vái vua hai vái:
- Bệ hạ khen quá lời, hạ thần tổn thọ mất.
Khuê Kình cãi lại:
- Tâu bệ hạ năm Canh Tuất (1250) bệ hạ có cho Lê tướng quân coi ba ty Phụng Nguyên, Thanh Túc, Hiển Chính từ phủ Đô Vệ tách ra là đánh giá đúng tài năng của tướng quân. Lại mới đây Lê tướng quân theo bệ hạ đi bình Chiêm cũng lập được công lớn, nên có thể liệt tướng quân vào hàng dũng tướng, trí tướng là đủ. Thái sư trước sau vẫn là bậc danh tướng, bậc huân tướng, còn như bệ hạ đích thị là bậc nhân tướng. Thần đã xem các cuộc đánh dẹp của bệ hạ ở trong nước, lại theo bệ hạ đi tuần miền biên địa, rồi tảo thanh qua đất Tống, mới đây bệ hạ lại thân chinh thảo phạt nước Chiêm đạt kỳ tích chưa từng thấy. Phải nói bệ hạ đã đem lưỡi gươm nhân ái đi bình dẹp người Chiêm, săn lùng cho bằng được quân Chiêm đánh cho nó tan tác mà tránh được sự tàn sát dân Chiêm. Cho nên danh tướng bậc nhất thời nay không phải bệ hạ còn ai vào đây nữa.
Vua nghiêm sắc mặt nói:
- Khuê Kình, dù điều khanh nói có đúng sự thật là như vậy, ta cũng cấm khanh không được nói ở bất cứ nơi nào. Vì sao vậy? Vì như thế có nghĩa là ta tranh công với các tướng, thử hỏi còn ai muốn vì ta mà lập công nữa. Khuê Kình phải thấy rằng công của toàn thể tướng, sĩ cũng là công của ta đấy. Các tướng sĩ cứ ra sức lập công đi, ta sẽ thăng thưởng xứng đáng, công bằng.
Lê Tần và ngay cả Khuê Kình đều tâm phục nhà vua và đều tôn ngài là bậc thượng trí, đúng như đại lão thiền sư Đức Sơn nói ngài là bậc nhân quân.
Buồm căng, gió thuận thuyền cứ rẽ nước đi băng băng như mũi tên lao. Trời xanh bao la in bóng xuống mặt bể xanh rờn. Trùng dương mênh mang bốn phương tám hướng đâu đâu cũng chỉ là nước, thỉnh thoảng lại có một đàn hải âu lướt bay qua nom như một vệt nắng lóa. Lúc này mọi người đều im lặng và đều nhìn theo hút bóng bầy hải âu. Và dường như ai nấy đều cảm nhận được con người sao mà nhỏ bé trước biển khơi.
Nội thị dâng trà. Vua ban cho mỗi người một chung.
Cầm chung trà nóng khói tỏa mờ mờ hương sen thơm ngát, vua tôi đều cảm như đang sống giữa kinh thành Thăng Long.
Trà được vài tuần, vua Thái tông khoát tay ra ngoài song cửa lâu thuyền nói:
- Nước ta trải dài từ châu Vĩnh An, bắt đầu từ bãi Sa Vĩ - Mũi Ngọc đến tận cửa Nhật Lệ đều được biển cả bao bọc trải tới mấy ngàn dặm vừa thuận cho ta lại vừa khó cho ta trong cái thế phòng thủ đất nước, các khanh có kế sách gì làm cho vùng biên hải của ta được an toàn.
Lê Tần thưa:
- Tâu bệ ha, nỗi lo muôn đời của ta vẫn cứ là từ phương bắc. Nay lại có thêm vùng tây bắc giáp giới nước Đại Lý, quân Mông - Thát đang ngó dòm. Cũng may là nhà Tống từ khi Lý Thường Kiệt đánh cho đại bại tới nay vẫn đang lún sâu vào thế yếu suy, rối nát. Mà thực ra họ chỉ có lợi thế về thương thuyền thôi chứ lực lượng thủy quân với hải đoàn của họ không có gì đáng kể, còn như quân Mông - Thát lại chỉ quen vùng vẫy chốn thảo nguyên, thế mạnh của nó là kỵ binh với các kỵ đội vô cùng lợi hại. Cho nên lợi thế của chúng là các vùng đất bằng khô ráo, chứ nếu nó theo ta tới các miền sông nước hoặc biển khơi thế này sẽ bị quân ta dìm chết sạch.
Theo thần, mặt biển của ta hiện nay tuy mênh mông, trống trải nhưng vẫn chưa đáng ngại, nhưng về lâu về dài phải nghĩ tới việc xây dựng một đội hải binh mạnh với các hạm thuyền có thể chở tới vài chục đô quân kèm theo lương thảo, khí giới, nước ngọt và có thể lênh đênh nhiều ngày trên biển.
- Ta cũng đã nghĩ điều Lê Tần nói, nhưng xây dựng hải binh tốn kém lắm, lúc này chưa thể tính đến.
- Tâu bệ hạ, - Trần Khuê Kình nói - Có một cách khác ít tốn kém hơn nhưng thành tựu thu về chắc là không nhỏ. Theo thần, trong khắp các vùng duyên hải, vùng nào có bãi cá lớn, có nhiều người quen thạo nghề biển nhưng vì họ vốn ít, lưới ngắn thuyền nhỏ thì nhà nước cho họ vay tiền dài hạn không lấy lãi để họ sắm lưới lớn, thuyền to ra khơi đánh cá. Nếu được như vậy ta thu về được ba cái lợi: Một là ta có nhiều cá để bồi dưỡng sức dân. Dân duyên hải do đấy mà giàu có thêm lên. Hai là lúc nào ta cũng có thuyền bè trên mặt biển tựa như nhà có chủ. Nếu có thuyền bè lạ xâm phạm, lập tức có người báo về đất liền ngay. Ba là có nhiều ngư phủ ra khơi đánh cá quen thạo với biển cả, dạn dày sóng gió, luồng lạch đi lại nông sâu, bãi cạn, đá ngầm không chỗ nào họ không biết. Kíp đến khi ta tổ chức hải đoàn thì chính những ngư phủ ấy sẽ là những người lính biển thiện chiến.
Còn như hiện nay, tâu bệ hạ, ta có mấy cửa biển xung yếu. Về phía nam quân Chiêm Thành hay xâm phạm là cửa Nhật Lệ[22], cửa Kỳ La[23], cửa Hội[24]. Sâu vào trong này còn có cửa Đại An[25]. Nhưng cửa Đại An quá xa đất Chiêm nên quân Chiêm không dám xâm phạm, về các cửa phía nam thì sau cuộc thảo phạt của bệ hạ, chắc phải cả chục năm sau người Chiêm mới gượng dậy được, về mặt bắc duy có cửa Vân Đồn[26] qua nẻo Bạch Đằng rồi tiến lên Lục Đầu giang lấy cả đường bộ đường thủy vào Thăng Long mà giặc Bắc cho là thuận lợi nhất. Cũng còn một đường nữa là từ Vĩnh An lấy đường thủy vào nguồn Tam Trĩ thì đổ quân lên bộ mà vào. Nẻo này đường sông thì hẹp, đường bộ thì hiểm trở, cách Thăng Long cả ngàn dặm. Giặc Bắc chưa bao giờ dám đi nẻo này.
Tâu bệ hạ, lần này giặc Mông - Thát có xâm lấn cõi bờ ta thì mặt bể chúng chưa thể tràn vào được bởi còn nhà nam Tống án ngữ.
Nghe các tướng đàm đạo, vua Thái tông tỏ vẻ hài lòng, bởi họ đều là tướng trí dũng song toàn, thiên văn địa lý thông tỏ cả nên ngài rất yên tâm khi cắt cử công việc cho họ.
Với vẻ điềm đạm, vua Thái tông nói:
- Các khanh kiến giải đều hợp ý trẫm cả. Kế của Khuê Kình giúp ngư dân duyên hải đánh bắt cá ngoài khơi để giữ biển như nhà có chủ là ý hay, không tốn kém nhiều lắm mà có lợi về lâu dài. Việc này phải làm sớm.
Mặt biển phía tây bỗng lựng đỏ, mặt trời rơi xuống như một cục tiết khổng lồ, thoắt đã bị biển lôi tụt xuống, bầu trời mặt biển đều xám xịt rồi tối om. Thuyền vẫn băng băng rẽ sóng, hải đạo như đã in hằn trong óc não người cầm lái. Đèn trong lâu thuyền được thắp sáng. Chừng một canh giờ sau thuyền đi vào vùng sóng dữ. Những con sóng lừng cứ lừng lững dồi thuyền lên đỉnh ngọn cao gấp mấy lần nóc nhà rồi lại ném xuống tới chân nó để thuyền nằm lọt giữa khe của hai đỉnh sóng, tưởng như thuyền sẽ bị nhấn chìm thì bỗng dưng nó lại được sóng dâng lên. Cuộc rượt đuổi của sóng cứ như là thần biển chơi trò ú tim khiến người yếu bóng vía phải khiếp sợ. Thế nhưng con thuyền vẫn gối sóng nhẹ lướt đi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, trong các khoang của lâu thuyền đồ đạc đều lắc lư, có thứ đổ rơi lăn long lóc trên sạp thuyền.
Một tiếng chuông báo hiệu từ đằng mũi thuyền. Người lái căng mắt nhìn ngọn nước xoáy rồi thả lỏng dây lèo cho buồm đổi hướng.
Một tên lính trạo nhi ló mặt vào khoang thuyền nói như hét:
- Bệ hạ bảo trọng, thuyền sắp vào cửa Đối nước xoáy nguy hiểm lắm.
Viên lính trạo nhi vừa đi khỏi, mọi người có cảm giác như thuyền đang được bốc cao lên ngang đỉnh núi rồi bỗng nhiên mũi thuyền chúc xuống, phía đuôi lái ngỏng lên, thuyền lao như một mũi tên vừa rời khỏi lẫy nỏ, tưởng như nó ngay lập tức bị cắm phập xuống đáy biển, nhưng rồi ngọn nước lại nâng nó lên và sau một quãng văng xa độ dăm chục trượng con thuyền lại trở về thế cân bằng.
Qua cửa Đối thuyền đi chậm vì trong vịnh có nhiều núi non che chắn, sức gió yếu, và thuyền phải len lách vào đúng các luồng lạch ngoắt ngoéo, nếu không sẽ đụng vào vách núi hoặc đá ngầm.
Vua hỏi các tướng:
- Vừa rồi ta có cảm giác như thuyền của mình phải vượt qua một cái thác dựng đứng.
Lê Tần đáp:
- Tâu bệ hạ đúng như vậy. Hôm nay là ngày nước cường, nước từ biển tuôn vào qua một cửa hẹp mà nước trong vịnh lại thấp, độ chênh tới năm, sáu trượng nên thuyền ra vào rất nguy hiểm, non tay lái thuyền dễ bị lật hoặc mũi thuyền lao thẳng vào vách đá. Tâu, khi nước triều xuống cũng vậy, phía trong cao, phía ngoài biển thấp, thuyền ra đỡ nguy hiểm hơn thuyền vào. Vì luôn có độ nước chênh như vậy, nên dân vùng này đặt cho nó cái tên là Cửa Đối.
Nhà vua nở nụ cười rạng rỡ hỏi:
- Vậy chớ quân Nam Hán vào nộp mạng cho Ngô tiên chúa (Ngô Quyền) trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938) ắt chúng cũng phải qua cửa này.
- Tâu, đúng như vậy. Muốn vào cửa Bạch Đằng chúng không còn đường nào khác, Trần Khuê Kình nói.
Vua lại hỏi:
- Cả năm Tân Tỵ (981) Tống Thái tông đưa quân vào Bạch Đằng để hoàng đế Lê Hoàn tiêu diệt cũng qua cửa này.
- Tâu, vẫn còn cửa khác nữa - Lê Tần đáp - Đó là Cửa Vạn. Nhưng cửa này dễ cho quân ta mà khó cho quân giặc, nên chúng không dám vào cửa này.
Vua lấy làm thích thú nói:
- Vậy cái cửa Đối này chính là Quỷ Môn quan trên biển của ta đó. Ở đây ta có cái thế nhất nhân địch vạn. Trong vài ngày tới ta và các khanh phải đi xem kỹ địa hình, rồi cũng phải lập mấy cái vọng hải đài ở đây để cảnh giới từ xa.
Khuê Kình vội đáp:
- Tâu bệ hạ, vọng hải đài ở đây đã lập từ đời Lý Thánh tông (1054 - 1072), hiện hải binh ta thường tu bổ và vẫn có quân canh phòng cảnh giới trên đó.
Vua Thái tông buột miệng khen:
- Nhà Lý thật là một triều đại hiếm có. Các việc lớn như nông tang, đê điều, binh bị, hình luật, học hành… họ đều đặt nền móng cho ta cả. Nay nếu ta không tiếp nối xứng đáng thì quả là hổ thẹn với người xưa lắm đấy.
Quá nửa đêm thuyền vào tới cảng Vân Đồn. Khu thương cảng, tàu thuyền buôn nước ngoài đậu san sát, đèn thắp sáng dày đặc như sao trời. Khu quân cảng tàu thuyền thưa thớt, đèn thắp loáng thoáng, nhiều chỗ tối đen.
Thuyền neo đậu ngang trước dinh quan Đông hải đô tổng quản. Gọi là dinh, thực ra chỉ là ngôi nhà gỗ năm gian, mái lợp cỏ tranh. Hai dãy nhà ngang ở phía sau làm bằng tre, tường đắp bằng đất nện dành cho lính ở. Sân là một bãi cát rộng. Xung quanh dinh cắm hàng giậu mắt cáo bằng tre hóp thay tường vây.
Vì không được báo trước, Đô tổng quản không biết hoàng thượng giá lâm nên ông ta vẫn nằm quay mặt vào tường đọc sách.
Quân vào bẩm có các quan từ Thăng Long tới, Đô tổng quản vội bỏ sách, chân không kịp xỏ giày dép chạy ngay ra cổng nghênh đón.
Vừa trông thấy hai tướng Lê Tần, Trần Khuê Kình Đông hải đô tổng quản liền vái dài và luôn miệng chào:
- Kính bẩm các đại quan, hạ cấp không được biết các đại quan hạ cố nên không kịp làm lễ cung nghinh, xin các đại quan tha tội.
Trần Khuê Kình nghiêm mặt nói:
- Hoàng thượng giá lâm, sao không quỳ lạy. Vừa nói Khuê Kình vừa chỉ tay về chỗ nhà vua đứng.
Đông hải đô tổng quản luống cuống quỳ mọp đầu xuống nền cát trắng vái lạy lia lịa, miệng nói líu cả lưỡi:
- Hạ quan ở nơi góc biển chân trời chưa được thấy long nhan, xin hoàng thượng tha tội chết. Đầu ông ta cứ cụng mãi trên nền cát không dám ngửng mặt nhìn vua.
Thái tông ôn tồn nói:
- Đông hải đô tổng quản đứng lên! Ta tới không báo trước, sao các ông biết được mà đón tiếp. Không có tội tình gì hết, đứng dậy dẫn khách vào nhà.
- Đa tạ hoàng thượng tha tội. Nói xong ông ta liền đứng dậy, cát dính trắng cả vầng trán và áo quần. Mấy ngọn đèn trước cổng và trong sân tỏa một thứ ánh sáng vàng đục nom dinh quan hết sức sơ sài.
Đô tổng quản dẫn vua và đoàn tùy tùng vào nhà tân khách, đèn thắp sáng nom rõ bộ tràng kỷ bằng tre đã lên màu đen bóng nhưng trên mặt phủ mỏng một lớp cát trắng. Mấy tên lính hầu vội lấy phất trần phủi bụi. Đô tổng quản nói như thanh minh:
- Dạ ở đây thuần cát, đồ đạc không làm sao giữ cho sạch cát. Cứ vừa lau xong có một trận gió bất chợt thổi qua lại đem cát phủ lên tất cả. Dạ, được cái cát biển sạch lắm ạ.
Quân hầu dâng trà. Trà cũng chỉ là một thứ nụ vối phơi khô uống quanh năm.
Đô tổng quản sai quân đi lo bữa để dâng vua và quan khách. Lê Tần ngăn lại:
- Hoàng thượng cùng mọi người đã dùng bữa trên thuyền rồi, đô tổng quản khỏi phải lo.
Đô tổng quản đang băn khoăn định mời vua và các quan đi nghỉ, nhưng trong lòng ông rất lo vì mọi thứ tại dinh quan đều quá sơ sài, có khi còn nghịch mắt so với những gì nhà vua và các quan dùng ở Thăng Long. Giữa lúc đó chợt vẳng lên tiếng chuông chùa, nghe rõ cả tiếng mõ nhịp theo lời kinh tụng. Vậy là đã vào khóa lễ sớm, giữa giờ sửu rồi.
- Có phải gần đây có ngôi chùa?
- Tâu bệ hạ, chùa nằm trong khu dân cư bên phía thương cảng, cách ta chỉ mấy trăm bước chân.
Vua lại hỏi đô tổng quản:
- Khanh có biết chùa này dựng từ bao giờ không?
- Tâu bệ hạ, cứ như bài minh khắc trên quả chuông thì chùa được dựng từ đời vua thứ hai nhà Lý. Lý Thái tông (1028 - 1054) nhân chuyến nhà vua đi kinh dinh miền biển đảo có ghé qua Vân Đồn để lập thương cảng, lập quân cảng và dựng Vọng hải đài. Trong chuyến đi có cả thiền sư Đạo Quang. Sư thấy cả vùng này không có chùa tháp, sư tăng, thiền sư bèn xin nhà vua cấp cho trang Vân Đồn một ngôi chùa và một vị sư đã học qua đạo tràng. Thế là một năm sau trang Vân Đồn có chùa, có cả sư trụ trì.
Nghe viên Đông hải đô tổng quản tâu báo các việc rành rõ, vua Thái tông tự vấn: Ta được coi là một ông vua thương dân, gần dân lăn lóc việc nước việc dân không nề hà quản ngại, thế mà đi đến đâu cũng thấy dấu tích các vị khai cơ mở nghiệp của nhà Lý. Mà sao tận bây giờ ta mới tới vùng này, thật đáng trách lắm thay.
Vua lại hỏi:
- Dân trong trang ấp Vân Đồn này có sùng đạo lắm không? Khách thương lái của các tàu thuyền nước ngoài họ có lui tới chiêm bái không?
- Tâu bệ hạ, dân trong vùng này sùng Phật lắm ạ. Kể cả binh lính, cả thần cũng rất sùng Phật.
Tâu, dân sùng Phật còn vì một nhẽ, con em trong trang ấp từ bảy tám tuổi trở lên đều vào học chữ trong chùa cả. Tâu, thiền sư đích thân dạy trẻ. Rồi trong trang ấp có ai ốm đau bệnh tật lại cũng chạy đến chùa xin thuốc, thành thử người dân không chỉ cầu Phật, cần Phật mà còn cần cả sư nữa.
Tâu, còn đối với thương khách ngoại quốc, những nước cùng theo đạo Phật như người Tàu, người Chân Lạp, người Tiêm La… họ cũng lễ Phật như người mình thôi. Với các dân khác như người Tây Dương họ chỉ tới xem ngắm cảnh chùa, xem người hành lễ với vẻ tôn trọng chứ không ai dám có hành vi thô lậu hoặc bỉ báng.
Ngẫm nghĩ giây lát, vua phán hỏi:
- Bây giờ trời cũng sắp sáng, nếu các khanh buồn ngủ thì cứ đi ngủ để lấy sức. Còn ta lần đầu tiên tới Vân Đồn có nhiều điều làm ta rạo rực không thể ngủ được. Vả lại ta cũng muốn biết các việc trên đảo như việc quân, việc dân, việc giao thương… đô tổng quản làm việc với ta được chứ?
- Tâu, được hoàng thượng đoái hỏi là phúc cho thần, phúc cho binh sĩ và dân trong trang ấp Vân Đồn.
Lê Tần và Trần Khuê Kình cũng đều nói:
- Nếu bệ hạ không đuổi thì xin cho lũ thần được dự nghe.
Vua cười nói:
- Ta chỉ sợ các khanh đi đường xa lại mất ngủ thì mệt thôi.
- Nhẽ ra bệ hạ phải giữ gìn ngọc thể hơn là lũ thần. - Trần Khuê Kình nói.
- Thôi được, vậy thì ta cùng nghe, cùng bàn. Đây là việc nước chớ chẳng phải việc riêng của ta.
Nhìn thẳng vào gương mặt chất phác của Đông hải đô tổng quản, vua hỏi:
- Khanh giữ chức Đông hải đô tổng quản đã bao lâu rồi?
- Tâu bệ hạ, thần được bổ giữ chức này mới gần bảy năm.
- Trước đó khanh làm gì?
- Tâu, thần là phó Đô tổng quản ạ.
- Khanh ở vùng này lâu chưa?
- Tâu, mới được mười lăm năm.
- Danh tính ngươi là gì, quê quán ở đâu?
- Tâu bệ hạ, cha mẹ thần đặt cho tên là Trần Quý Quảng, quê quán tận Long Hưng. Thần vốn chỉ là điền binh, là ngư phủ, nhân có chuyến thái sư đi kiểm xét các địa phương để lấy người sung vào quân thủy, thái sư sai thần phải theo ngài rồi cho ra đây làm lính thú hải binh. Và rồi thượng cấp cứ cất nhắc dần lên, nếu không thần cũng chỉ làm một ngư phủ, một điền tốt nơi thôn dã.
- Ngươi có biết chữ không?
- Tâu bệ hạ, thuở nhỏ thần được cha mẹ cho theo học vị thiền sư ở chùa làng sáu năm, tạm đủ chữ đọc sách của các bậc tiên thánh.
- Vùng biển mà ngươi quản nhiệm từ đâu đến đâu?
- Tâu bệ hạ quân của thần đóng suốt từ Vân Đồn đến Vĩnh An.
- Tức là từ Sa Vĩ - Mũi Ngọc điểm tiếp biển đầu tiên của nước ta đến Vân Đồn.
- Tâu, đúng như vậy.
- Thế còn vùng cửa Lục cửa Bạch Đằng thuộc quyền ai quản nhiệm?
- Tâu bệ hạ, từ trước vùng sâu trong đó thì quân thủy quân bộ phối hợp đều đặt dưới quyền quản lãnh của một đô tổng quản thuộc lộ An Bang.
Dạ muôn tâu, trước kia thái sư phân định như vậy, và tới nay thì bệ hạ vẫn giữ nguyên chế độ cũ chưa có gì thay đổi.
Vua lại hỏi:
- Sĩ tốt có được ăn no không?
- Tâu bệ hạ, trong quân của thần thuần người trẻ, họ đang sức ăn sức lớn, ăn thiếu họ còn không chịu nổi, còn như phải ăn đói chắc là họ bỏ trốn hết.
Tâu bệ hạ, thần không chỉ cho quân ăn no mà còn cho họ ăn ngon nữa.
- Thế nào gọi là bữa ăn ngon, các ngươi lấy tiền đâu ra cho quân ăn ngon?
- Tâu bệ hạ, lũ thần từ quan tới lính chỉ được gạo ăn no, còn thức ăn quân phải tự kiếm lấy. Ở rừng ăn lộc rừng, ở biển ăn lộc biển, nếu biết khai thác khiếu năng của mọi người thì không việc gì là không làm được, kiếm thức ăn chỉ là chuyện nhỏ. Thức ăn của lũ thần như tôm he, mực ống, cá song, cá chim, cá thu, bào ngư, hải sâm, sò, ốc, cua, rùa, vích, sam… mùa nào vật ấy không thiếu một thứ gì.
- Vậy trong quân của ngươi có được uống rượu không?
- Tâu bệ hạ, trong quân mà rượu chè thì sao còn giữ được kỷ cương nữa. Dạ tâu nhưng cũng có châm chước tí chút ạ.
Vua Thái tông nghiêm giọng:
- Ngươi vừa nói trong quân mà rượu chè thì không giữ được kỷ cương, rồi ngươi lại nói châm chước tí chút là thế nào? Vậy trong quân của ngươi hằng ngày vẫn được phép uống rượu.
- Tâu bệ hạ, hằng ngày thần nghiêm cấm không một ai được phép uống rượu, kể cả thần. Nhưng vào cuối của các ngày sóc, ngày vọng mỗi người từ quan đến quân đều được phép uống một bát rượu và chỉ một bát thôi. Tâu hoàng thượng anh minh, thần nghe nói lệ này có là do quan Đông hải đô tổng quản Lý Vân Trung từ đời vua Thái tông (1028 - 1054) nhà Lý. Nghe đâu cái năm đầu mới lập quân thủy ấy, mùa đông rét quá mà lính tráng lại thiếu quần áo ấm ở nơi đầu sóng ngọn gió. Thế là quan đô tổng quản thương tình, sai hâm rượu nóng múc cho mỗi người một bát. Hôm đó xét ra lại đúng ngày rằm tháng chạp, thế là quan lớn làm tờ trình lên thượng cấp xin lĩnh hình phạt vì đã dám trái quân lệnh, cho quân uống rượu. Thượng cấp xét tình người lính xa nhà nên không những không phạt quan đô tổng quản mà còn khen ngài biết làm việc hợp lòng quân, và cho phép không chỉ ngày vọng mà ngày sóc quân hải biên thùy còn được uống thêm một bát nữa, nhưng phải vào cuối ngày, sau khi việc quân và việc lễ Phật trong ngày đã mãn. Tâu hoàng thượng, tiếp khi thái sư thống quốc kiêm cả việc binh, ngài vẫn cho phép duy trì tập tục đó cho tới ngày nay.
Tâu thánh thượng anh minh, nếu thánh thượng có dụ cải lệnh thì từ nay thần xin nghiêm giữ.
Nhà vua vội xua tay:
- Việc xuất phát từ Lý Vân Trung được dấy lên bởi lòng thương quân, qua mấy trăm năm đã trở thành tập tục, tuy không phải là mỹ tục, nhưng xét ra không có hại, cớ chi phải cải đổi. Có điều ngươi phải răn quân không bao giờ được phép vượt quá hạn giới khiến quân kỷ rối nát.
Trần Quý Quảng vội vàng phủ phục nói:
- Tạ ơn bệ hạ có lòng thương quân, thần xin tuân chỉ.
Vua tôi mải mê trò chuyện, trời sáng bạch từ lúc nào cũng không ai để ý, mãi khi quân hầu vào dâng nước rửa mặt và dâng trà vua tôi mới tạm dừng.
Ăn điểm tâm xong vua đòi đi xem phố xá, xem quân cảng, thương cảng rồi ghé chùa thăm viếng thiền sư.
Vua và các tùy tùng đều đóng giả thương lái la cà chợ búa, phố xá xem đủ các mặt hàng của ta, của ngoại quốc. Vua có vào xem vài cửa hàng của người Tống. Đó là các hàng buôn bán vải sợi, gấm vóc, bán các đồ sứ, các mặt hàng thuốc bắc, một tửu quán, một ca lầu. Nghe đâu còn có cả thanh lâu nhưng vua không ghé.
Vua cũng đến xem một cửa hàng của người Chà Và, một cửa hàng của người Tây Trúc và dăm cửa hàng của người Đại Việt.
Vua có hỏi kỹ một chủ cửa hàng bán đồ sành sứ như thố, thạp, độc bình, các loại bình, ấm chén, bát, đĩa… Có nhiều loại đĩa cảnh lòng rộng tới ba, bốn gang tay. Có cả tượng đất nung các đầu rồng, đầu phượng, tượng các con vật linh như nghê, hạc…
Vua hỏi người chủ cửa hàng đã đứng tuổi:
- Các mặt hàng này ông bán cho người mình là chính hay người ngoại quốc là chính?
Ông chủ cười vui vẻ và từ tốn đáp lời.
- Cám ơn quý khách có lời thăm hỏi. Hàng của chúng tôi bày đây tuy nhiều, nhưng đều là hàng mẫu để các thương lái nước ngoài đến xem, nếu họ ưng mua loại nào thì họ đặt. Nếu lấy nhiều thì chúng tôi phải cho người về Thăng Long gom hàng. Nếu họ lấy nhiều chủng loại với số lượng cho cả một hai chuyến tàu thì phải đặt xa thời hạn để chúng tôi còn báo cho các chủ lò nung.
Vua lại hỏi:
- Bên kia có cửa hàng đồ sứ của người Tàu, vậy khách mua chủ yếu là loại nào, các tàu buôn ngoại quốc có lấy hàng sứ Tàu ở đây không?
- Thưa quý khách, đồ sứ Tàu người mình rất chuộng vì trông nó mỏng mày hay hạt, nước men lại sáng sủa. Thế nhưng người ngoại quốc họ lại thích đồ sành sứ của ta hơn. Họ thích nhất những loại men độc sắc như men ngọc, men ngà, men nâu. Họ bảo men của ta có độ sâu bắt mắt, sờ vào món đồ mát lạnh cả tay, dáng khỏe khoắn và nhiều kiểu đẹp nhưng không phô trương mà vẫn gần gũi với nét đẹp đời thường, chứ nó không tròn trĩnh đến đơn điệu như đồ sứ của người Tàu. Nhưng họ cũng thừa nhận đồ của người Tàu có nhiều món đẹp như men túy hồng độc sắc, men rạn cũng là loại độc đáo.
- Ông chủ có biết tại thương cảng này những mặt hàng nào của ta được thương lái ngoại quốc thích mua và mua thật nhiều?
- Vậy chớ quý khách có hàng gì bán cứ nói toẹt ra, việc gì mà cứ dò hỏi mãi.
- Không! Không có gì bán buôn cả, ông chủ hiểu nhầm tôi rồi. Tôi chỉ muốn biết để xem nước mình có giàu không, có nhiều của quý mà nước ngoài không có.
- Quý khách đã nặng lòng với đất nước thì tôi cũng xin nói rằng: Tất cả các tàu buôn nước ngoài, không một tàu nào lại không tranh mua hột tiêu, trầm hương, ngà voi, da hổ, sừng tê giác, đồi mồi, mã não, ngọc trai. Ngọc trai họ ưa loại hồng ngọc và huyền ngọc. Huyền ngọc thì hiếm lắm nhưng cực đắt, đắt gấp cả trăm lần ngọc thường.
- Vậy chứ những thứ hàng quý hiếm ấy do người mình thu gom rồi bán thẳng cho thương lái ngoại quốc hay do người Tàu làm trung gian môi giới?
- Quý khách tò mò quá, ông chủ hàng có vẻ hơi bực mình.
Lê Tần bèn đỡ lời:
- Cảm phiền ông, chủ tôi đây là một đại gia ở Thăng Long, nay ông ra Vân Đồn xem xét để có thể chuyển một phần kinh doanh ra ngoài này.
- Vậy à? Ông chủ cửa hàng đồ gốm sứ nhìn thẳng vào nhà vua, với vẻ thiện cảm, ông hỏi luôn:
- Ở trong đó ông kinh doanh những hàng gì?
Lê Tần vội đáp:
- Dạ, chủ tôi kinh doanh tơ lụa, gấm vóc và cả các đồ trân quý.
- Tôi có quen một đại gia như thế ở Thăng Long, có phải nhà
Quảng Phát
?
- Vâng đúng. Đó là cửa hàng của ông chủ tôi ở phố Cầu Đông.
Chỉ vào nhà vua, ông chủ hàng đồ gốm hỏi:
- Có phải ông là con cụ Quảng Phát?
Vua Thái tông gật đầu.
- Thế thì tôi có quen biết cụ nhà. Nhưng đã lâu tôi không về Thăng Long, chẳng hay sức khỏe cụ nhà có còn khang kiện? - Thảo nào tôi nom ông có nét hao hao giống cụ Quảng Phát.
- Đa tạ ông có nhời hỏi thăm, cha tôi đã thất lộc từ hơn chục năm rồi ạ. Nay anh em tôi nối nghiệp nhưng còn bỡ ngỡ lắm.
- Tiếc quá, cụ đi hơi sớm, bao giờ về Thăng Long tôi sẽ đến viếng cụ. Nói rồi ông chủ đi vào nhà trong, lúc ra ông đem theo một hộp gỗ nhỏ bằng vốc tay nâng lên đưa cho nhà vua - Đây là hộp hương vòng làm bằng một thứ huyền trầm cực quý, tôi gửi ông về thắp hương cụ và khấn giùm tôi vài lời để cụ phù hộ.
Lâm vào tình thế bất ngờ, vua Thái tông đành nhận và hết lời cảm tạ.
Ông chủ hiệu gốm sứ lại thao thao:
- Về điều ông vừa hỏi các đồ trân quý của nước ta bán buôn thế nào. Tôi phải nói lai lịch hơi dài. Tức là cách đây hơn trăm năm đều do người Tàu nắm hết. Họ đến tận cửa rừng, vào từng nhà mua gom. Người mình chỉ biết nó là hàng quý hiếm và nhà nước có đánh thuế khai thác. Nhưng thuế cũng vừa phải thôi. Song quả thực dân mình đâu biết nó lại đắt như vàng. Còn hơn vàng nữa, nếu là bạch trầm hương. Thế là họ mua của dân mình một, về họ bán lãi gấp trăm, thậm chí gấp cả ngàn lần.
Lý Thái tông đi kinh dinh ra vùng này xét hỏi sự việc. Vua sai đặt trạm mua các loại sản phẩm quý hiếm cho dân sơn tràng, giá cao gấp mấy chục lần giá do người Tàu mua. Và cấm hẳn người Tàu thâu gom đưa về thương cảng này bán thẳng cho khách thương ngoại quốc. Người Tống mất mối lợi này họ tức lắm, nhưng không chống lại được chính quyền nhà Lý. Nhưng đến đời Lý Cao tông (1176 - 1210) nhà vua tiêu xài, xây cất hoang hủy quá đáng nên thiếu tiền. Vua vơ vét đủ thứ ở đồng bằng, rồi cho quân lên tận các cửa rừng vơ vét cả của dân sơn tràng.
Thế là người Tàu lại len lỏi móc nối ngầm mua ngầm bán, mối lợi lại về tay họ. Kíp khi nhà Trần lấy được nước, chỉ ít lâu sau thái sư Trần Thủ Độ cho phục lại chế độ mua bán như nhà Lý. Và bây giờ thì vẫn do nhà nước nắm cả, phải nói đây cũng là một nguồn lợi lớn đấy.
Cảm tạ người chủ nhà hàng gốm sứ tốt bụng, vua tôi lại xuống thuyền đi về phía quân cảng.
Nom quân lính canh phòng nghiêm cẩn, thuyền bè ngăn nắp, đoàn nào đội ấy cờ xí phân minh mà người lính thẩy đều béo tốt, mạnh khỏe, da dẻ săn chắc vua lấy làm hài lòng. Nhưng khi xuống xem mấy cái gọi là chiến hạm Long, Hổ, Ngư, Xà thì vua giật mình bởi nó cũ nát quá. Đô tổng quản sai quân tu bổ, sơn phết bên ngoài nom có vẻ đẹp mã nhưng bên trong thì quả là không dùng vào việc gì được nữa. Loại thuyền này ra biển lớn, gió đổi hướng bất chợt buồm lật nhiều là có thể vặn thuyền quăn như chiếc vỏ đỗ.
Vua hỏi viên Đông hải đô tổng quản:
- Có phải ngươi cố giữ mấy chiến hạm này để hù dọa quân Tống, hù dọa mấy anh tàu buôn ngoại quốc bên thương cảng kia phải không?
Đô tổng quản phủ phục thưa:
- Tâu bệ hạ, quả có như bệ hạ nói. Thần đã đôi ba lần tâu báo khẩn cấp về binh bộ, nhưng thượng cấp dạy - hiện thời ngân khố phải chi cho nhiều việc khác để an sinh như đắp đê ngăn lụt, hạn, mở mang trường học, nuôi dưỡng người quan quả cô đơn… Vì vậy thần đành phải chờ đợi.
Trong mấy ngày ở lại Vân Đồn, vua Thái tông đi xem xét khắp cả từ đường đi lối lại trên mặt vịnh, sự lợi hại về mặt công thủ của quân cảng, các vọng hải đài, các nơi hiểm yếu có thể phục quân đánh thuyền giặc từ ngoài vào. Vua cũng vào tận trang ấp dân làm ruộng, dân đánh cá, dân buôn bán rồi vào thăm sư trụ trì ngôi chùa trong đảo, không nơi nào là vua không xem xét, hỏi han.
Sau ba ngày đêm thăm Vân Đồn, vua căn dặn đô tổng quản Trần Quý Quảng tất cả mọi việc cần làm từ việc binh đến việc dân, từ việc nông tang đến việc giao thương… Riêng về thu thuế, châu mục đã giao việc này cho Đông hải đô tổng quản kiêm nhiệm. Sổ sách chi thu phải minh bạch, vì số thuế thu ở thương cảng này lớn lắm. Cấm ngặt việc tự tiện lấy tiền thu thuế chi cho việc quân. Tăng cường quân thủy, đóng mới tàu thuyền, ta đã có chủ kiến rồi. Việc này phải trù liệu, bởi chi cho quân thủy là tốn kém nhất trong tất cả các sắc quân… Đêm vua và các tùy tùng lại lên thuyền ra châu Vĩnh An. Đông hải đô tổng quản Trần Quý Quảng xin phép được đem vài chiến thuyền đi theo với ngầm ý hộ giá. Vua y cho.
Chiều hôm sau thuyền đến bãi Sa Vĩ châu Vĩnh An. Sa Vĩ là dải đất tiếp biển đầu tiên của nước Đại Việt.
Trần Quý Quảng mời vua ghé thăm đồn biên hải Mũi Ngọc Sơn. Vua dặn:
- Ngươi chỉ cho binh sĩ biết các quan chức ở Thăng Long đi kinh dinh ghé thăm. Không để lộ danh tính của trẫm và các tướng tùy tùng.
- Thần tuân chỉ. Trần Quý Quảng liền ra lệnh cho viên đô tướng cho thuyền vượt lên dẫn đầu đoàn thuyền.
Vua Thái tông đứng dưới chân cột cờ là mô đất cao nhất của Mũi Ngọc Sơn nhìn bao quát một dải Sa Vĩ thuần cát trắng mênh mông kéo một vệt dài quanh mép nước, và cách đó không xa là rừng xanh bạt ngàn. Và loáng thoáng đây đó sau các khoảng rừng màu khói lam đùn lên. Vua quay hỏi Trần Quý Quảng:
- Có phải nơi các chòm khói kia là cư dân làng bản?
- Tâu bệ hạ đúng như vậy, dân chúng đang nấu cơm chiều đấy ạ.
- Ta xem dân ở đây có vẻ thưa thớt lắm phải không?
- Tâu bệ hạ đúng như vậy. Nếu bệ hạ có kế sách di thêm dân ra vùng này thì biên cương đỡ trống trải.
- Khanh nói phải, phên dậu mà trống trải thì trộm dễ vào nhà.
Vua nhìn bao quát một dải đất liền xanh đuối tầm mắt, lại quay nhìn ra biển, vua chỉ tay về phía các hòn đảo mờ xa hỏi:
- Các hòn đảo ấy thuộc về nước mình chứ?
- Tâu bệ hạ đúng như vậy, Đông hải đô tổng quản trả lời.
- Đã có người ở chưa?
- Tâu bệ hạ chưa ạ.
- Đảo có to không, có thung lũng có thể khai thác thành ruộng cày cấy được không?
- Tâu bệ hạ được ạ. Nhưng cấy trồng cái gì cũng không giữ được vì thú rừng ăn củ quả và rễ cây trên các đảo nhiều lắm. Ví như lợn rừng, nhím, khỉ, nai, cầy, chuột.
- Vậy chớ ta đã làm dấu mốc gì ở đấy để chứng tỏ đất ấy là của ta?
- Tâu bệ hạ lũ thần có đi vòng quanh các đảo ấy thì đảo nào cũng có một tấm bia đá to xây gắn vào trụ gạch trên khắc hàng chữ: Đại Việt - Ất mùi (1055) Long Thụy Thái Bình nhị niên.
Vua Thái tông vui vẻ gật đầu nói:
- Vậy là vua Lý Thánh tông lên ngôi năm trước thì năm sau ngài đã tuần du khắp nước và cho dựng bia chủ quyền ở nhiều nơi.
Vua cúi xuống vốc một vốc cát trắng phau dưới chân cột cờ chìa cho mọi người xem rồi nói:
- Mỗi hạt cát này đều thấm đẫm máu xương của tổ tiên biết bao đời mới có được. Cũng có thể mỗi hạt cát này ta phải đổi một mạng người đấy. Vậy ta và các khanh cùng dân nước phải giữ lấy, đời đời con cháu phải giữ lấy. Một thước, một tấc núi sông, biển đảo đều không được để lọt vào tay quân thù. Kẻ nào để hao tổn dù chỉ một tấc núi sông ta, thì chính nó là kẻ thù của cả dân tộc, và lịch sử sẽ đời đời nguyền rủa nó.
Đêm ấy vua và đoàn tùy tùng nghỉ lại Mũi Ngọc Sơn. Ở một điểm địa đầu của đất nước, trong tâm thức nhà vua cứ rạo rực không sao ngủ được. Vua Thái tông nhẩm tính các mốc dựng nước gian nan của tổ tiên từ mấy ngàn năm nay, mà kẻ cản trở ta, kẻ thôn tính ta, kẻ mưu toan đồng hóa dân tộc ta luôn luôn xuất phát từ phương bắc. Vua tự nghĩ, phương bắc là một trong bốn phương của trời đất mà sao nó lại trở thành một phương nguy hiểm, một phương hung sát tựa như một thứ khắc tinh đối với nòi giống Đại Việt ta. Trăn trở mãi không ngủ được, nhà vua lại ra nhìn trời sao, nhìn biển đảo, nhìn vào đất liền và lắng nghe nhịp thở của biển khơi như nhịp thở phập phồng trong lồng ngực của những người lính miền biên ải.
Buổi sớm vua và đoàn tùy tùng ăn với những người lính bữa cơm mà tất cả thức ăn tự tay họ bắt từ biển và cũng tự tay họ chế biến.
Nhìn những người lính trẻ chất phác hồn hậu mỗi người một quê từ các vùng miền xa tít tắp, và cũng là lần đầu trong cuộc đời họ phải đi xa như vậy, để ra vùng địa đầu này đem tấm ngực trần và sức trai ra bảo vệ núi sông, biển đảo cho cả nước được yên bình. Vua vừa thương họ như thương con mình vừa cảm phục lòng trung dũng của họ đối với non sông đất nước.
Nói đôi lời yên ủi họ rồi vua và cả đoàn tùy tùng bỏ thuyền lại, lấy ngựa trạm đi xuyên vào rừng qua các châu Tô Mậu[27], Môn[28] rồi vòng về cửa ải Pha Lũy[29]. Dừng lại quan sát xem phía bên kia nhà Tống có hoạt động gì đáng nghi ngại. Nhưng các biên quan, biên tướng đều tâu báo dân Tống đang đói vì mất mùa, còn binh Tống cứ lùi dần vào sâu trong nội địa của họ. Biên thùy nhà Tống với Đại Việt lúc này gần như bỏ ngỏ.
Từ ải Pha Lũy đoàn chia làm đôi, một nửa lên ải Hà Khẩu[30], một nửa lên ải Hà Dương[31].
Khi trở về hai đoàn bỏ ngựa lại trạm lấy thuyền đi theo đường thủy để thám sát địa hình mà vua và các tướng đều dự liệu có thể quân Mông Cổ vào ta sẽ đi bằng đường sông. Bởi hiện nay quân Mông Cổ đang lăm le tiến đánh Thành Đô[32] và tiến chiếm nước Đại Lý[33]. Và từ Đại Lý sang nước ta chỉ có đường sông là thuận lợi hơn cả. Vả lại quân Mông Cổ có tràn qua nước Đại Lý cũng tựa như chúng đi vào chỗ không có người vậy.
Tới ải Hà Dương quan sát địa thế xong, Lê Tần cho quân quay về qua châu Bình Lâm[34] rồi theo sông Lô mà vào Bạch Hạc[35].
Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình dẫn vua lên cửa Hà Khẩu rồi lấy đường Thủy Vĩ qua các châu Văn Bàn, Trấn Yên[36]… xuôi về Bạch Hạc.
Lê Tần về tới Bạch Hạc trước nên đợi thuyền vua để cùng xuôi Thăng Long.
Khi vua tôi đã hội quân ở Bạch Hạc, vua Thái tông sai gọi hai tướng Lê Tần, Trần Khuê Kình cùng sang thuyền ngự để bàn bạc. Vua hỏi:
- Liệu quân Mông Cổ tràn sang ta có đi theo đường thủy như hai đoàn của ta vừa đi không?
- Tâu bệ hạ, Lê Tần nói - Quân Mông Cổ có sở trường về kỵ binh, nếu chúng đi đường thủy cũng tức là chúng bỏ sở trường chọn lấy sở đoản. Nếu chúng rời khỏi lưng ngựa thì quân điền binh của ta cũng dư sức đánh lại chúng.
- Vậy chúng đi đường nào? - Vua lại hỏi.
Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đáp:
- Tâu hoàng thượng, giặc tất lấy đường bờ sông mà đi, chỗ nào gặp núi non hiểm trở giặc sẽ tìm đường đi tránh. Chỉ có đi dọc triền sông mới là đường gần nhất, đỡ hiểm trở mà giặc vẫn dùng được ưu thế kỵ đội mà tiến.
Lê Tần cũng nói thêm vào:
- Tâu bệ hạ, đúng như tướng thân vệ dự liệu, giặc sẽ chọn cách tiến binh đó.
- Tính toán lại, ta cũng cho đó là thượng sách của giặc. Vậy ta có nên bố trí quân phục để đánh chặn nó ở những quãng nào, có nhẽ về Thăng Long ta phải đem bản đồ ra mà bàn xét.
- Chúng thần xin tuân chỉ. - Cả hai tướng cùng nói.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đuổi Quân Mông Thát.