CHƯƠNG 25


Số từ: 2855
Nguồn: Isach
Dịch Giả: Thế Uyên
Các quân y sĩ Nga sô khám xét Dov đều tự hỏi do phép mầu nào hắn đã trải qua được những năm đầy khổ đau ghê khiếp ấy mà vẫn không bị một vết thương nào. Dov đã yếu đi, khổ người nhỏ hơn tuổi, lâu lắm mới khỏe mạnh được, nhưng được săn sóc cẩn thận, chắc hắn sẽ hồi phục được sức khỏe bình thường.
Ngược lại, tình trạng tinh thần lại bị suy sụp nhiều. Trong sáu năm liền, tinh thần cương quyết tìm sự sống còn đã cho phép hắn chiến thắng tất cả các hiểm nguy. Bây giờ thoát chết, đáng lẽ ra hắn phải thoải mái toàn diện... Nhưng không biết bao nhiêu kỷ niệm lại tới xâm chiếm hắn suốt đêm ngày. Âu sầu, mất tinh thần, đôi khi buồn không nguôi, hắn càng ngày càng tiến tới giữa hai tâm trạng của kẻ cuồng trí và bình thường.
Những hàng rào kẽm gai đã biến mất, các lò thiêu xác, các phòng hơi ngạt đều không còn, nhưng các hình ảnh kinh hoàng của quá khứ vẫn tiếp tục theo đuổi hắn. Khi hắn nhìn con số tù xâm trên cánh tay, hắn lại sống lại quang cảnh mở cửa phòng hơi ngạt. Khi hắn nhắm mắt lại, hắn lại nhìn thấy xác mẹ và xác chị mà một móc sắt đang lôi ra từ một đống xác chết. Hoặc nữa, hắn thấy lại mình đang đưa ngọn nến lại gần các xác cháy đen trong lô cốt ở Varsovie, cố gắng tìm xem đâu là anh Mundek. Hắn nghĩ đến những sọ người quân Đức đã dùng làm đồ chặn giấy, và tưởng chừng tìm thấy ở các sọ ấy những đường nét thân thuộc cũ.
Những người Do Thái còn lại tại Auschwitz ở chồng chất trong ba hay bốn khu nhà. Trong tâm trí của Dov, điều đó là tự nhiên: hắn không thể tưởng tượng rằng ở bên ngoài trại còn có một thế giới người sống, không tiều tụy, không tra tấn, một vũ trụ mà con người không thiếu thực phẩm, hơi ấm và tình thương. Ngay cả tin nước Đức đầu hàng cũng không gây ra một cơn vui mừng nào ở Auschwitz: đối với những kẻ sống sót ở trại này, liệu họ còn có thể mang lại cho chiến thắng một ý nghĩa gì?
Chiến tranh đã chấm dứt, những mọi người không biết đi về đâu. Về Varsovie? Một quảng đường chừng hai trăm năm mươi cây số đầy nghẹt những người tị nạn. Vả lại Dov nghĩ một khi về đến Varsovie, hắn sẽ làm gì ở đấy? Ghetto không còn nữa và tất cả người thân trong gia đình đều đã chết. Trong nhiều ngày liền, hắn ngồi lì ở cửa sổ, im lặng, ngơ ngẩn nhìn bầu trời xám bất tận của đồng quê vùng Silésie.
Người này kế người kia, dân Do Thái ở Auschwitz phiêu lưu trên các con đường để trở về nhà. Rồi người này kế người kia trở lại trại, tâm hồn nặng chĩu một ảo tưởng tan vỡ. Quân Đức đã ra đi, nhưng các người Ba Lan trong địa hạt bài Do Thái đã thay thế người Đức một cách dữ dội hơn. Đã chẳng thèm khóc ba triệu rưỡi đồng bào gốc Do Thái, dân Ba Lan còn hét lên những tiếng kêu thù nghịch: "Chính bọn Do Thái đã gây ra chiến tranh này! - Giết chết bọn Do Thái đầu cơ chiến tranh! - Tụi Do Thái là nguyên nhân của tất cả các thống khổ của chúng ta!". Tại khắp mọi nơi, họ đập vỡ cửa kính các nhà hàng Do Thái, đánh đập những người Do Thái nào dám có cái cao ngạo tìm lại nhà mình, cứu vãn lấy một vài của cải.
Những người Do Thái Auschwitz chẳng còn phương kế nào là trở lại trại. Ngơ ngác, thảng thốt, gần mất trí, họ sống chui rúc trong các căn nhà gỗ bùn lầy, chờ đợi cái chết đã ám ảnh những kẻ đáng thương này không bao giờ rời họ nữa. Vẫn mùi hôi thối muốn nôn mửa của cái nơi khốn cùng vẫn còn tỏa trên cảnh vật.
Thế rồi vào một buổi sáng cuối mùa hè, một người lạ mặt tiến vào trại với dáng đi đàng hoàng. Các tiếng cười khẩy đón chào không làm người này bối rối. Thân hình lực lưỡng, khuôn mặt vạch ngang bằng một bộ ria đen vĩ đại, người lạ khoảng chừng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi. Một vài chi tiết làm toàn trại chú ý: Áo sơ mi trắng tinh tay sắn lên và dáng đi vừa uể oải vừa cương quyết: dáng đi của một người tự do. Người lạ tuyên bố:
- Tên tôi là Dror, Shimson baz Dror. Tôi từ Paiestine đến. Mọi người gởi tôi đến đây để đưa đồng bào về xứ sở của chúng ta.
Ngay lập tức, mọi người la lên vui mừng cuồng nhiệt. Người thanh niên xứ Palestine bị cả ngàn câu hỏi tấn công, anh vừa cố gắng trả lời vừa nhẹ nhàng đẩy những kẻ quỳ xuống để hôn tay anh. Một người Do Thái tự do... Shimson Bar Dror, Samson, con trai của Tự do... Và anh đã từ Palestine đến để hướng dẫn họ trở về xứ.
Ngay ngày hôm ấy, Bar Dror nắm quyền chỉ huy trại. Anh cắt nghĩa rằng chuyến đi lớn ấy chỉ có thể có trong vài tuần, có thể vài tháng nữa. Trong thời gian chờ đợi để Mossad Aliya Bet tìm được cách chuyên chở các người Do Thái Auschwitz thì những người này, về phía họ, cũng phải cố gắng sống cho ra con người.
Có thể nói là một nguồn nghị lực mới đã đưa trại ra khỏi tình trạng buông xuôi. Bar Dror chỉ định một ủy ban phụ trách việc sửa sang lại trại, lập ra một trường học, thành lập một ban kịch, một ban nhạc và ấn hành một "bản thông tin hàng ngày". Trong khoảng thời gian vài tuần, một sự sinh hoạt như tổ ong đã thay thế cho tình trạng thẫn thờ của dân trong trại. Vững tâm rồi Bar Dror lại có thể ra đi khắp Ba Lan tìm kiếm các người Do Thái khổ sở khác để hướng dẫn họ về trại bây giờ đã trở thành trung tâm tiếp cư.
Trong khi Shimson Bar Dzor cùng các bạn trong Mossad cố gắng tập hợp các người Do Thái lại và đưa họ ra khỏi Ba Lan, có những người khác cũng nỗ lực hăng hái như thế để ngăn cản lại.
Tại khắp các nước Âu châu, các đại diện chính thức của đế quốc Anh gây áp lực với các chính phủ để yêu cầu họ đóng kín biên thùy không cho các dân tị nạn vào. Người Anh cả quyết rằng công cuộc của Mossad thực ra chỉ là một âm mưu phục quốc Do Thái có tính cách quốc tế, nhằm bắt mọi người phải chấp nhận một giải pháp Do Thái cho vấn đề xứ Palestine.
Luân Đôn không ngờ tìm thấy những bạn đồng minh ở Varsovie: quả thực vậy, chính quyền Ba Lan ra lệnh bắt những người Do Thái sống sót phải ở tại Ba Lan. Các lý do của lệnh này thật quá hiển nhiên: một khi ra được ngoại quốc, một vài kẻ thoát chết ấy sẽ khẳng định trước dư luận thế giới rằng người Ba Lan đã làm hết sức giúp đỡ Quốc xã hoàn tất chương trình diệt chủng Do Thái. Đây là một sự kiện không thể chối cãi, hết sức rõ ràng, nhưng Varsovie thích giữ bí mật hơn.
Vì thế, những người Do Thái Ba Lan đã bị giữ lại ở một quốc gia không muốn có họ, và bị loại ra khỏi một quốc gia đang muốn có họ.
Mùa đông đến, tinh thần của dân Auschwitz bắt đầu lung lay. Công việc vĩ đại do Bar Dror đã thực hiện dám tiêu tan. Nhiều lần, thanh niên Palestine này cố gắng cắt nghĩa cuộc tranh đấu chính trị đang xảy ra vì họ, nhưng họ từ chối không muốn nghe. Chính trị quốc tế? Họ cóc cần thiết.
Trong những ngày đầu tháng giêng 1946, sự kiện có một cán bộ thứ hai của Mossad tới đã làm cho Bar Dzor thoát ra khỏi con đường bế tắt. Sau khi bàn cãi, hai người quyết định liều được ăn cả ngã về không. Hai người cho họp các cấp chỉ huy của trại lại, yêu cầu chuẩn bị di tản khỏi trại. Bar Dzor nói:
- Chúng ta sẽ tiến về biên thùy Tiệp Khắc. Lộ trình không dài lắm - khoảng một trăm năm chục cây số - nhưng sẽ rất khó khăn. Một mặt, chúng ta bắt buộc phải đi bộ và phải đi với tốc độ của người đi chậm nhất, một mặt khác, vì phải tránh những con đường lớn, chúng ta sẽ bắt buộc phải băng qua dãy Carpathes và đèo Jablounkov.
Một người hỏi:
- Ở biên giới thì ra sao?
- Các cán bộ của chúng ta đang lo kiếm các đồng lõa cần thiết: các lính biên phòng Ba Lan chỉ mong được mua chuộc thôi. Nếu chúng ta vượt sang tới được Tiệp Khắc chúng ta sẽ an toàn, ít nhất trong lúc này. Jan Masaryk là một người bạn, ông ta sẽ không thuận để bất cứ một ai đuổi chúng ta đi hết.
Họ rời Auschwitz vào lúc nửa đêm, tiến sâu vào con đường tắt. - Một đoàn người thảm thương, những kẻ mạnh đỡ những kẻ yếu và bồng trẻ con. Với chậm chạp, khổ nhọc, họ tiến qua các cánh đồng tuyết phủ, với đôi chân tím, họ phải đi theo những dãy đường thật xa. Sau sáu ngày vất vã, họ bắt đầu leo lên các sườn núi đầu tiên của dãy Carpathes, người gập đôi xuống chống lại gió lạnh, vấp ngã. Bị kích thích bởi lòng can trường thì ít, hăng hái nhiều là do năng lực mẫn cán của các thanh niên Palestine không biết mệt là gi, đã thực hiện được chiến công là duy trì được sự sống cho họ và làm họ tiến bước.
Vượt qua biên thùy dễ dàng. Khi đoàn người tiến lại gần các lính biên phòng Ba Lan cố tình quay mặt đi, và một kẻ trong bọn, bằng một cử chỉ đầy ý nghĩa, đã đưa tay vỗ túi! Đối với họ, việc Do Thái vượt biên thùy này là một việc để họ làm ăn dễ dàng hơn.
Bây giờ đoàn người Do Thái đã vào lãnh thổ Tiệp. Vụ vượt đèo Jablounkov là cả một cơn ác mộng. Sau cùng, họ đã thở phào ra khi xuống đèo, tất cả đều đã kiệt lực, gần chết đói và chết rét. May mắn thay, Mossad đã gởi một chuyến tàu đặc biệt tới đón họ trong đó họ được ăn đồ ăn nóng, có chỗ ngủ và được săn sóc bệnh tật. Chặng thứ nhất của cuộc lữ hành nguy hiểm đã qua được rồi.
Mỗi khi có một người Do Thái được nhập nội hợp pháp xứ Palestine, người đó lại đưa sổ thông hành lại cho Mossad để dùng nữa. Năm trăm sổ thông hành loại này, mang chiếu khán của Vénezuela, Paraguay và nhiều quốc gia Mỹ La tinh khác, đã được phân phát cho các người sống sót của Auschwitz. Nhờ những giấy tờ này, mọi người có thể chống lại một phần nào các trò ngăn cản của người Anh.
Được báo tin có năm trăm người Do Thái trốn thoát từ trại Auschwitz đến, bộ ngoại giao Anh chỉ thị ngay cho đại sứ Anh tại Prague phản đối với Jan Masaryk. Được tiếp kiến ngay ngày hôm đó, đại sứ Anh trình bày rằng công cuộc Mossad vừa làm trái với luật pháp Ba Lan, và chỉ có mục tiêu duy nhất là cưỡng buộc mọi người phải chấp nhận giải pháp cho Palestine.
Masaryk nở một nụ cười:
- Thưa ông đại sứ, tôi xin thú thật là tôi không biết gì nhiều về các ống dẫn dầu Ả Rập. Ngược lại, tôi được biết khá rõ về những ống dẫn đến tình thương nhân loại nếu ông đại sứ thứ lỗi cho sự so sánh thô sơ này.
Ông đại sứ lộ một vẻ bực tức để ám chỉ rằng trong trường hợp "đoàn tàu Do Thái" được phép tiếp tục lộ trình, thì chính phủ ông sẽ có thể biểu lộ sự bất mãn bằng các biện pháp... các biện pháp..., nghĩa là các biện pháp "cụ thể"...
Masaryk ngắt lời:
- Xin phép ông đại sứ! Xin ông đại sứ biết cho rằng tôi rất tiếc không nhượng bộ vì bất cứ áp lực nào của quý quốc. Ngày nào tôi còn là ngoại trưởng của Tiệp Khắc, các biên thùy của nước tôi còn tiếp tục rộng mở cho các người Do Thái, dầu họ có thông hành hoặc chiếu khán hay không.
Đại sứ Anh bắt buộc phải thông báo cho Luân Đôn biết rằng ông đã không thể chặn đoàn tàu đó lại được. Đoàn tàu tiến xuống tận Bratislava, điểm giao nhau của ba biên thùy Hung, Tiệp và Áo, rồi tiến vào nước Áo, dưới sự che chở cá nhân của một tướng lãnh Hoa Kỳ ủng họ chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Sau một ngày nghỉ ngơi ở Vienne, đoàn tàu lại ra đi, qua Brenner tiến vào nước Ý. Trong bán đảo này, Mossad có thể trông cậy ở sự giúp đỡ tích cực của dân chúng và của cả chính quyền nữa, nhưng ngược lại sự hiện diện của quân lực chiếm đóng Anh lại làm trở ngại hoạt động. Dẫu sao trong quân lực Anh tại đây cũng có một lữ đoàn Do Thái Palestine mà Mossad đã lũng đoạn đến nỗi quân sĩ lữ đoàn này sẵn lòng tuân theo lời các cán bộ bí mật hơn là tuân lệnh các cấp chỉ huy chính thức. Chính một tiểu đoàn của lữ đoàn này đã đón tiếp đoàn người khi họ xuống xe lửa tại một nơi hẻo lánh, ở khoảng giữa hồ Come và Milan.
Mọi người đã cẩn thận báo trước cho những người đào thoát biết là họ sẽ được đón tiếp bởi những người mang quân phục Anh. Mặc dù đã cẩn thận như thế, sự xuất hiện của quân sĩ vẫn suýt gây kinh hoàng. Những kẻ thoát khỏi nhà thiêu xác không thể hiểu là những chiến binh này lại có thể mang trên vai trái phù hiệu ngôi sao David, phù hiệu của ghetto và biểu tượng của sự hành hạ tàn sát. Ngoại trừ trong thời gian nổi dậy của ghetto Varsovie, chưa có một người Do Thái nào chiến đấu dưới biểu hiệu này từ hai ngàn năm nay.
Dẫu sao, các e ngại của họ tiêu tan rất nhanh. Những người lính tỏ ra thân hữu, sẵn sàng giúp đỡ, rộng rãi, nhưng dù họ có bập bẹ nói tiếng yiddish và nói thạo tiếng hébreu, dáng điệu cách xử sự của họ có vẻ rất khác dáng điệu và xử sự mà người ta thường nhận thấy ở những người Do Thái Ba Lan hay Nga sô. Có thể nói đây là giống người khác...
Những người tị nạn đã sống một tuần ở trung tâm tiếp đón Milan thì một hôm, vào nửa đêm, Dov và một trăm người nữa bị kéo ra khỏi giường và đưa lên các xe cam-nhông nhà binh Anh, do quân sĩ của Lữ đoàn Palestine lái. Đoàn xe chạy theo những con đường phụ đến tận một địa điểm ven biển đã có ba trăm người từ các trại khác cũng đang chờ đợi. Trong hải cảng bên cạnh Spezia, một chiếc tàu bé xíu nhổ neo để đến gặp họ. Chiếc tàu bỏ neo cách bờ vài sải và cả một tiểu hạm đội ca-nô bơm hơi đã đưa các hành khách lên tàu. Rồi chiếc Cửa vào Sion lại nhổ neo. Ngay sau khi rời hải phận Ý, một phóng ngư lôi hạm Anh đã tới bám sát. Hải quân Hoàng gia Anh đã tỏ ra hoạt động hoàn toàn mẫn cán...
Trước sự ngạc nhiên của các sĩ quan của Đức Vua Anh quốc, chiếc tàu nhỏ, đáng lẽ hướng về Pakstine như các tàu chở di dân khác, lại hướng về duyên hải Pháp và tiến vào vịnh Lion. Cả các hành khách lẫn các thủy thủ Anh đều không lúc nào ngờ rằng chiếc Cửa vào Sion lại sẽ đóng một vai trò quan trọng trong một kế hoạch vừa rộng lớn vừa phức tạp.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Exodus, Về Miền Đất Hứa.