Hồi 18: Cầu nguyên soái, Hán vương bái tướng; Cậy Công thần, Phàn Khoái bị giam
-
Hán Sở Tranh Hùng
- Mộng Bình Sơn
- 3541 chữ
- 2020-05-09 04:01:20
Số từ: 3532
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học
Hôm sau, Tiêu Hà đem giốc thư cho Ðằng công xem. Ðằng công vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Cả hai vội vào triều yết bái Hán vuơng.
Hán vương trông thấy thư, giật mình nói:
- Ôi chao ? Té ra người của Trương Tử Phòng tiến cử Hàn Tín đã có giốc thư sao lâu nay không xuất trình ?
Tiêu Hà kể lại tâm trạng của Hàn Tín, tại sao không trình giốc thư.
Hán vương mừng rỡ nói:
- Bấy lâu khanh tiến cừ mãi mà ta không tin, nay lại có giốc thư của Tử Phòng nữa, thế thì người này quả thật trang anh kiệt rồi. Xem đó đủ biết mắt ta không tinh đời làm mất đòng hiền sĩ. Bây giờ ta phong cho Hàn Tín làm tướng ngay, để bỏ có cất công tiến cử của khanh bấy lâu
Tiêu Hà nói:
- Nếu Ðại vương phong cho Hàn Tín làm tướng ngay, e Hàn Tín lại bỏ trốn nữa.
Hán vương ngơ ngẩn hỏi:
- Thế thì ta phong cho Hàn Tín làm Ðại tướng quân, Hàn Tín có bỏ trốn chăng ?
Tiêu Hà tâu:
- Phong làm Ðại tướng quân Hàn Tín lại càng bỏ trốn mau hơn nữa.
Hán vương cau mày hỏi:
- Tại sao vậy ? Còn có chức gì hơn chức Ðại nguyên soái ?
Tiêu Hà nói:
- Ðại vương phong tước bằng cách nào ?
Hán vương nói:
- Vời Hàn Tín đến trước mặt, và phong chức giữa triều
Tiêu Hà nói:
- Chức Ðại nguyên soái cầm sinh mệnh muôn quân, ngàn tướng, nếu Ðại vương xem thường như vậy dẫu có phong Hàn Tín cũng không nhận.
Hán Vương hỏi:
- Vậy phải phong bằng cách nào ?
Tiêu Hà nói:
- Ðại vương phải chọn ngày trai giới, lập đàn tế cáo thiên địa, như Vũ Vương phong cho Lã Vọng, mới đúng là lễ bái tướng.
Hán vương nhận lời, giao cho Tiêu Hà lập chương trình hành lễ.
Tiêu Hà mừng rỡ, về dinh thuật lại với Hàn Tín.
Hàn Tín cảm kích vô cùng.
Trong vòng mười ngày, Tiêu Hà họa một bản đồ gọi là bái tướng đàn, và thảo một chương trình hành lễ đem trình Hán vương xem.
Hán vương vui vẻ, truyện Quán Anh cứ theo chương trình ấy tiến hành việc đắp đàn, sửa lễ.
Việc Tiêu Hà tiến cử Hàn Tín trừ Ðằng công ra, không nói cho ai biết, nay thấy Hán vương sai Quán Anh đắp đàn để bái tướng, mọi người đều xôn xao bàn luận.
Phàn Khoái vỗ ngực nói với mọi người:
- Tôi cùng Hán vương khởi binh ở Phong Bái, chiếm Quan Trung lại cứu giá nơi Hồng Môn, theo vào Ba Thục, cùng chung cay đắng, chẳng chút chia phôi, kẻ khó nhọc chỉ có tôi là kẻ, phen này đắp đàn phong tướng chức ấy tất về tôi
Quàn sĩ đồng nói:
- Nếu lấy nhau kẻ công thần bấy lâu thì chức ấy không lọt khỏi Phàn Khoái, Ðằng công, Chu Bột..
Chẳng bao lâu, Quán Anh đắp đàn xong, Hán vương đôi Tiêu Hà đến bàn việc.
Tiêu Hà nói:
- Ngày tốt đã chọn rồi, xin Ðại vương trai giới ba ngày, truyền các quan hiểu dụ trăm họ, quét sạch đường sá nha môn hoãn việc dụng hình, không được sát sinh, không được uống rượu.
Hán vương nhận lời. Lệnh truyền ra, mọi người đều vui vẻ mong chờ vị Ðại nguyên soái.
Ðúng ngày, Hán vương xa giá ngự ra Tướng quốc phủ, mời Hàn Tín lên xe.
Hán vương lại đích thân đẩy bánh xe một vòng, rồi đi thẳng ra Tây môn. Suốt một dãy đường, bóng cờ phất phới, tiếng chiêng trống vang trời, văn thần áo dài mũ rộng, vũ tướng áo chiến gươm trường muôn họ vui vầy, chen nhau xem cảnh lạ.
Trước đây, khi thấy đắp đàn long trọng, ai nấy có quan niệm Hán vương sẽ chọn một kẻ phi thường, ngờ đâu lúc ấy đại thấy Hàn Tín ngồi trên xe cùng đi với Hán vương. Mọi người lấy làm lạ. Vũ vương hầu là Phàn Khoái đi sau xa giá, nói với Chu Bột:
- Chúng ta muôn cay nghìn đắng theo chúa đến nay đã ngót ba năm trời, lẽ nào bây giờ lại để cho thằng chết đói đó cai quản. Kẻ trượng phu thà chết chứ không chịu nhục.
Dứt lời, xăm xăm bước đến trớc xa giá, nói lớn:
- Xin Ðại vương hãy tạm dừng xa giá lại, cho hạ thần tâu một lời. Thiết nghĩ: "Hàn Tín là kẻ chết đói ở Hoài Âm, xin cơm thừa của Phiếu mẫu, chịu luồn trôn gã hàng thịt. Lúc ở Sở chỉ làm đến chức Chấp kích lang, nay về Hán chỉ cậy ở lời nói lòe loẹt, chứ thực chưa làm được công lao gì. Vậy mà Ðại vương lại thân đẩy xe, phong làm Ðại tướng, nếu Hạng vương hay được chắc phải mĩm cười, và khắp thiên hạ sẽ bảo rằng đất Hán Trung không có người, đến nỗi phải dùng thằng chết đói. Ðại tướng là một thằng chết đói thì quân sĩ còn tranh chiến với ai. Xin Ðại vương xét lại.
Hán vương chưa biết trả lời ra sao, Tiêu Hà giục ngựa tới mắng ắt lên:
- Không thế được ? Nhà ngươi chỉ có thể vâng theo hiệu lệnh, cớ sao dám nói bậy ! Muốn làm loạn à. Ta làm chức Tướng quốc tiến cử Ðại tướng, công việc đã định rồi, nhà ngươi dám cậy chút công nhỏ hống hách khi quân pháp sao ?
Ðoạn quay lại tâu với Hán vương:
- Phàn Khoái cản xa giá, trái mệnh vua, xin Ðại Vương truyền bắt trói theo xe, sau sẽ phân xử.
Ðằng công cũng bước đến tâu:
- Ðại vương ban bố hiệu lệnh, không ai dám trái lời Phàn Khoái làm càn, giả sử các người khác cũng bắt chước như thế thì Ðại vương còn mong gì việc Ðông chinh. Xin đừng tiếc một Phàn Khoái để hỏng mất đại sự .
Hán vương tức giận, truyền bắt Phàn Khoái trói lại điệu theo sau xa giá, chờ bái tướng đăng đàn xong sẽ luận tội.
Xa giá đến trước tướng đài, một hồi chuông nổi lên, âm thanh rền rỉ. Trăm quan đều phủ phục tiếp đón. Trên đàn cờ xí phất phơ, khói trầm nghi ngút, tiếng nhạc nổi lên, viên quan hành lễ dắt Hàn Tín bước lên bậc thứ nhất.
Trên đó đã có Nhữ âm hầu là Hạ Hầu Anh đứng chờ. Hàn Tín theo nghi tiết, bứớc vào, đứng ngoảnh mặt về phía
Bắc, viên quan Thái sử đọc chúc:
Ðại Hán nguyên niên, tháng Trọng thân. ngày Bính tý, Bao Trung Hán vương khiến Nhữ âm hầu là Hạ Hầu Anh lảnh cáo thần Ngũ nhạc tứ độc Ðại xuyên rằng:
Trời sinh trăm họ, đặt kẻ trông coi, vua Tần bạo ngược, giết hại sinh linh, nay đến Hạng Vũ, cũng không kém phần tàn ác, chôn quân giết chúa bạo ngược trăm phần. Nay Bang tôi vì nghĩa cứu dân, phất cờ quyết tử, mong được nước trị dân an, lòng thành kính cáo, thần minh xét soi
Thượng hưởng.
Quan Thái sử đọc xong, Hạ Hầu Anh tay nâng cung tên trao cho Hàn Tín, và nói:
- Hán vương có mệnh ban cung tên này, tướng quân tung hoành bốn bể.
Hàn Tín quỳ xuống, đón lấy cung tên, rồi đưa cho tả hữu theo hầu cầm giữ.
Quan hành lễ lại đưa Hàn Tín lên bậc thứ hai , ở đó quan Tướng quốc Tiêu Hà đã chờ sẵn, đứng ngoảnh mặt về hướng Tây.
Hàn Tín quay mặt về hướng Bắc, quan Thái sử đọc chúc rằng:
"Ðại Hán nguyên niên, tháng Trọng lân, ngày Binh tý, Hán vương khiến Tướng quốc là Tiêu Hà lảnh cáo cùng nhật nguyệt linh thần, và Lịch đại Ðế vương rằng: Tôn thần là đấng công, hiểu rõ suy xét người thiện ác. Nhà Tần bạo ngược phải diệt vong, trăm họ lại lọt vào tay Hạng Vũ lắm điều thảm khốc. Tôi vì nhân dân cứu nạn, nên chọn nhân tài, dùng Hàn Tín cầm quân chinh phạt. Dăm mong thần soi xét phù hộ cho công việc chóng thành.
Thượng hương."
Thái sử đọc chúc xong, Tiêu Hà tay nâng phủ việt, đưa cho Hàn Tín và nói:
- Từ nay tướng quân giữ việc chinh phạt, vì dân cứu nạn, vì chúa lập công. Tướng quân nên cố gắng.
Hàn Tín quỳ xuống nhận lấy phủ việt, trao cho tả hữu cầm thay, rồi tỏ lời đáp từ.
Quan hành lễ lại dẫn Hàn Tín lên bậc thứ ba, ở đó Hán vương đã đứng sẵn, ngoảnh mặt về hướng Nam.
Giữa lúc đó, nhạc thiều trối khúc, hương khói ngạt ngào, bóng cờ tiếng trống uy nghi, rộn rã.
Quan Thái sừ bước tới, đọc chúc:
"Ðại Hán nguyên niên, tháng Trọng thân, ngày Bính tý, Hán Trung Vương Lưu Bang, kính cáo Hoàng thiên Hậu thổ.
Thiết nghĩ: Phàm người trị nước phải có điều nhân, nếu thiếu điều ấy muôn dân điêu đứng, ba hội lâm nàn. Kể từ nhà Tần gây việc biên loạn, nhân dân sầu thán, non nước đợm sầu. Thần Bang thấy thế đau lòng, muốn đem lại thái bình thịnh trị. Ngờ đâu giữa đường gặp Hạng Vũ, dùng sức làm càn, cậy oai hống hách, chôn quân, giết chúa, bạo ngược lắm điều. Bang tôi sức hèn khó chống phải vào Hán Trung dưỡng uy sức nhuệ, quyết chí tranh hùng. Nay gặp Hàn Tín, trí dũng hơn người, đáng tài cầm quân giúp nước. Vậy trao Tiết việt giữ việc chinh phạt bốn phương. Chức làm Ðại tướng, thống nhất anh hùng, cầu mong chứng giám, giúp kẻ tôi hiền, đem lại thái bình thiên hạ.
Thượng hương."
Quan Thái sử đọc xong, Hán vương phong Hàn Tín làm Phá Sở Ðại tuớng quân, rồi lấy hổ phù, ngọc tiết, kiếm ấn, bảo kiếm trao cho Hàn Tín và nói:
- Từ nay trở đi, toàn thể tướng sĩ đều phải tuân theo hiệu lệnh của tướng quân. Tướng quân phải hết lòng vì nước, đem sức cứu dân, đạt một mục đích cao siêu, không vì lợi riêng nhỏ mọn. Giữa chiến trường, thắng bại là thường, đừng vì thua mà nản chí, đừng vì thắng mà tự kiêu, xem quân sĩ anh em, cùng chia bùi sẻ ngọt, đồng cam cộng khổ. Ðược vậy, việc cả mới mau thành, thiên hạ mới chóng yên, Tướng quân nên thận trọng...
Hàn Tín cúi đầu vâng mệnh, tâu:
- Tôi nghe trì nước phải được lòng dân, việc dùng quân phải giữ nghiêm lệnh. Dân chúng đã ngưỡng mộ, hiệu lệnh đã nghiêm minh thì dù trúc cũng phải chẻ, ngói cũng phải tan, đánh đâu chẳng thắng..
Nay hạ thần đã mãnh trọng trách, nguyện hết lòng đền ơn tri ngộ..
Hán vương nói:
- Bấy lâu, ta chỉ nghe Thừa Tướng nói, chưa rõ được tài tướng quân. Nay được tướng quân giải bày lòng ta rất hoan hỉ. Xin tướng quân vì ta lo việc quốc sự.
Hàn Tín tâu:
- Ðại vương muốn quay về phương Ðông tranh lấy thiên hạ, có phải dụng ý đối địch với Hạng vương chăng ?
Hán vương đáp:
- Chính thế !
Ðại vương liệu sức mình ngày nay có mạnh hơn Hạng vương chăng ?:
- Không mạnh hơn được.
Hàn Tín cung kính nói:
- Tâu Ðại vương, Hạng vương tuy mạnh thật, song tính tình nóng nảy, lấy uy áp chế, không biết dùng kẻ hiền, không biết trọng kẻ sĩ, thì cái mạnh ấy chẳng qua là cái dũng của kẻ vũ phu, không đáng sợ. Vừa rồi lại bỏ Quan Trung, thiên đô về Bành Thành, trên giết vua Nghĩa Ðế, dưới nộ chư hầu, tuy mang danh Bá chủ trong thiên hạ, song không một ai tùng phục. Thế thì cái mạnh ấy ai kể vào đâu. Bây giờ Ðại vương nhân lòng mong mỏi về Ðông của quân sĩ, phất cờ khởi chiến, chỉ một hồi trống là có thể phá vỡ Tam Tần ngay. Hạ thần dẫu bất tài cũng dám cam đoan lấy Quan Trung như trở bàn tay.
Hán vương mừng rỡ nói:
- Rất tiếc là đến bây giờ ta mới gặp được tướng quân !
Ðoạn cùng Hàn Tín xuống đàn, trở về triều. Bá quan theo sau hộ giá.
Tiêu Hà sai quân dẫn Phàn khoái đến để Hán vương vấn tội.
Hán vương nói:
- Phàn Khoái tuy là người chí thân của ta, nhưng cậy công phạm giá, là mất phong thể triều đình, cần phải trừng trị để làm gương ba quân.
Tiêu Hà ghé vào tai Hán vương tâu nhỏ:
- Phàn Khoái tuy phạm pháp, nhưng là kẻ có công lớn tình nên dung thứ. Vả lại, mới vừa phong Ðại tướng mà đã giết công thần e không lợi cho việc quân. Tuy nhiên, nếu tha ngay, sợ Phàn Khoái không bỏ tật cũ thì quân lệnh mất nghiêm, xin Ðại vương cứ hạ lệnh giao cho đình thần luận tội, hạ thần sẽ liệu bề châm chước, như thế thì phép nước mới nghiêm.
Hán vương khen phải, liền hạ chiếu rằng:
"Trẫm phong Hàn Tín làm Ðại tướng là vì đã ba lần Tiêu Thừa Tướng tiến cử, có tờ giốc thư của Tử Phòng giới thiệu và xét thấy tài năng của Hàn Tín đáng làm chức ấy. Thế mà Phàn Khoái dám cậy công cao, phạm giá khinh lờn phép nước. Nếu không trị tội còn gì thể diện triều đình. Vậy giáng chiếu giao Phàn Khoái cho triều thần, lấy phép công nghị xử. Giết một kẻ có tội mà trấn an được trăm họ là việc nên làm. Ðình thần chớ dung túng .
Nay chiếu."
Tiêu Hà và đình thần lãnh chiếu họp nhau bàn luận.
Giữa lúc đó, có người đến báo cho Phàn Khoái hay.
Phàn Khoái sợ hãi, nói với các cận tướng:
- Nguy thay ! nếu không có ai vì tôi cứu mạng e tôi chết mất.
Chu Bột cười lớn, nói:
- Việc gì mà tớng quân sợ đến thế ?
Phàn Khoái đôi mắt đỏ hoe, phàn nàn:
- Nào có việc gì đâu ! Chỉ vì tôi nóng nảy phạm giá.
Bây giờ Chúa thượng hạ chiếu xuống triều thần, khép tôi vào tội chết. Xin các ông làm ơn nói với Tiêu Thừa Tướng,
nghĩ lại cái công cứu giá của tôi ở Hồng Môn mà dung tha tội chết cho tôi nhờ.
Chu Bột gật đầu nói:
- Ðược ! Ðể tôi làm phước nói hộ cho. Tội tướng quân rất lớn, trong lúc Chúa thượng đăng đàn, bái tướng là việc trọng đại mà tướng quân dám làm càn như thế, bảo dung tha sao được. Tuy nhiên, Chúa thượng đã ban chiếu xuống triều thần nghị xử, tất có ý khoan dung, xin tứớng quân đừng ngại !
Nói xong, Chu Bột cùng bọn võ tướng kéo nhau đến Tướng phủ xin vào yết kiến Tiêu Hà.
Tiêu Hà hỏi:
- Các tướng đến đây có việc gì ?
Các tướng thưa:
- Chúng tôi được tin Chúa thượng giao Phàn Khoái xuống triều đình trị tội, vì vậy đến đây xin Thừa Tướng nghĩ đến công cứu giá nơi Hồng Môn, giảm tội cho Phàn Khoái.
Tiêu Hà nói:
- Nay Chúa thượng bị khốn nơi Bao Trung, ngày đêm lo tìm Ðại tướng để lo việc chinh Ðông. Hàn Tín là anh tài trong thiên hạ, Chúa thượng ủy thác việc ấy rất xứng đáng, thế mà Phàn Khoái cậy công khinh lờn phép nước, tội ấy khó dung. Tuy vậy, Phàn Khoái là các bậc công thần, làm sao tôi quên được việc cứu giá Hồng Môn, các tướng cứ yên tâm, tôi sẽ tùy nghi châm chước.
Các tướng mừng rỡ lạy tạ lui ra. Tiêu Hà cùng Lịch Sinh làm tờ nghị tội, dâng lên Hán vương:
"Ðại Thừa tướng là Tiêu Hà cùng đình thần cẩn án:
Xét thấy: Phàn Khoái lỗ mãng, dám ngăn xa giá, buông lời nói càn, làm mất phong thề triều đình nêu gương xấu trong tướng sĩ, phép công chiếu án, tội chết khó tha. Lại xét rằng: Phàn Khoái là bậc công thần, theo khởi nghĩa từ Phong Bái đến đây đã có công cứu giá nơi Hồng Môn. Vì vậy nay có khoan nhất thứ, nếu còn tái phạm, chiếu luật gia hình, không được miễn giảm.
Nay kính nghị."
Hán vương xem nghị xong, xuống chỉ rằng:
- Phàn Khoái cậy công khinh mạn, đáng lẽ không tha. Nay xét lời đình thần vừa tâu, cũng tạm dung thứ. Vậy truyền Phàn Khoái nên xét mình sửa lỗi, lập công chuộc tội theo dưới quân môn, tùy lệnh Nguyên soái. Nếu còn có ý bất mãn, hình phạt khó tránh. Khâm thử.
Phàn Khoái được lệnh, mừng rỡ tạ ơn, sang yết kiến Hàn Tín để thỉnh mệnh.
Hàn Tín nói:
- Lập công là chức phận của thần tử, thủ nghĩa là đại tiết của tôi hiền. ông dâu có công lớn, song chớ nên tự phụ, vì kẻ tự phụ không bao giờ đạt được kỳ công. Nay Chúa thượng đã tha thứ thì từ nay trở đi nên đoái công chuộc tội, danh ghi sử sách, để tiếng muôn đời. Tôi sẽ sẵn sàng che chở cho chẳng bao giờ có ý tư hiềm.
Phàn Khoái cúi đầu tạ ơn, rồi trở về triều ra mắt Hán vương.
Hán vương trông thấy Phàn Khoái ăn năn hối lỗi, cảm kích vô cùng, bước đến cầm tay nói:
- Tướng quân cùng ta khởi nghĩa từ Phong Bái, đồng cam cộng khổ, mấy năm trời không rời nhau, tình quyến luyến như ruột thịt. ấy vậy, tướng quân cần phải làm gương cho binh sĩ bảo vệ luật pháp, đề cao thể diện triều ca, cớ sao lại nóng nảy như vậy. May mà quần thần trọng tình tôi chúa, không nỡ hại công thần, nếu có bề nào tướng quân phải ngậm hờn nơi chín suối, còn ta phải ôm lòng sầu khổ suất đời chăng ?
Hán vương nói đến đây cảm động ứa hai dòng lệ.
Phàn Khoái cũng sụt sùi khóc, và nói:
- Hạ thần ngu dại, trót lỡ lầm, hối không kịp. Từ nay nguyện không dám nóng nảy nữa, đem tấm thân thừa này đền nợ quân vương.
Dứt lời, Phàn Khoái lui ra, đến dinh quan Thừa tướng lạy tạ, và nói:
- Nếu không có Thừa tướng thương tình, thì Khoái này không thoát khỏi tội chết, ơn tái tạo ấy chẳng biết lấy gì đáp đền cho xứng đáng.
Tiên Hà nói:
- Cái ngày chia đất phong vương tôi tưởng không còn xa lắm, tướng quân nên cố gắng lập công, bảo tồn lấy danh vọng.
Phàn Khoái tạ ơn, lui ra. Và từ đó, nhất nhất nghe theo mệnh lệnh của Hàn Tín, không dám sai suyển.
Cách mấy hôm, Hán vương triệu Hàn Tín vào triều hỏi:
- Ta rất nóng lòng việc Ðông qui. Chẳng hay lúc nào Nguyên soái định khởi sự.
Hàn Tín tâu:
- Hạng vương mới thiên đô về Bành Thành, không để ý đến phương Tây. Còn các nước chư hầu mới lập, nội trị chưa ổn.. Lúc này là lúc nên khởi binh. Xin Ðại vương giáng chỉ Ðông chinh, để hạ thần chỉnh đốn xuất quân tấn phát.
Hán vương nói:
- Ta sẽ y tấu.
Hôm sau, Hán vương phong Phàn Khoái làm Tiên phong, Tào Tham làm Quân chính, Ân Cái làm Giám quân, chỉnh bị binh mã, đợi ngày xuất chinh.
Hàn Tín được lệnh, lập tức thẳng đến giáo trường, tập họp binh tướng để thao diễn.
Sau khi duyệt qua một lượt, thấy quân sĩ hàng ngũ lộn xộn, quân pháp không rành, chiến thuật còn non nớt, liền gọi Lịch Tự Cư đến nói:
- Binh mã tuy đông, nhưng trình độ chiến đấu quá kém, chỉ có thể dùng giữ thành mà thôi, chứ chưa thể đem ra đánh trận được. Xin Tiên sinh chọn cho tôi bốn mươi người chữ tốt, viết hay, dùng để sao quyển binh pháp mà tôi đã bỏ công nghiên cứu lúc bình nhựt. Sao xong, giao cho mỗi tướng một bản, cứ theo phép đó mà luyện tập quân sĩ. Chỉ trong nửa tháng, kỹ thuật chiến đấu sẽ tinh vi và lúc đó mới có thể đem đi chinh chiến.
Lịch Tự Cư tuân lệnh lãnh binh thư trao cho các tướng sao lục.