Hồi 36: Cắt Hồng Câu, Lưu, Hạng giảng hòa; Hội Cổ Lăng, Hán Sở tái chiến


Số từ: 4435
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học
Hán vương nghe Trương Lương nói đến việc giải hòa để đưa Thái công về nước liền hỏi:
- Ai có thể qua Sở thương thuyết được việc này ?
Hán vương vừa hỏi dứt lời, có một người bước ra tâu:
- Hạ thần xin lãnh trách nhiệm ấy.
Hán vương xem lại thấy đó là Hầu công.
Hầu công vốn người Lạc Dương, gặp lúc nhà Tần loạn lạc, không chịu ra làm quan, từ nhỏ đã có sẵn khí phách, và có tài nói giỏi, được dân chúng trong vùng mến phục. Sau đó, nhân lúc Hán vương đem quân đánh Sở, đi qua Lạc Dương, Hầu công dẫn bọn Ðổng Công, Tam lão vào vết kiến. Nay thấy Hán vương muốn sai người sang Sỡ giảng hòa, Hầu công ra nhận trách nhiệm ấy.
Trung Lương nói:
- Hạng vương tính nóng như lửa, không đủ kiên nhẫn ngồi nghe lời phải trái. Hiền công sang đó, nếu lỡ một lời nói không hợp, chẳng những tánh mạng Thái công không an toàn mà còn làm nhục đến mệnh vua, xin Hiền công nghĩ lại.
Hầu công nói:
- Tiên sinh nói như vậy chẳng là Hạng vương không thể yết kiến được Thái công không thể đón về được, còn tôi đây, chúa thượng nuôi bấy lâu dưới trướng là vô dụng ư ?
Hán vương nói:
- Người này đã có khí phách như thế, tất việc lớn thành được.
Liền viết thư đưa cho Hầu công.
Hầu công từ biệt Hán vương sang dinh Sở.
Hạng vương nghe Hầu công đến, biết là Hán vương sai đến giảng hòa, liền sai quân đao phủ dàn ra hai bên, còn mình chống gươm ngồi trên trướng, trợn mắt tròn vo, oai phong lẫm hệt.
Hầu công ung dung từ ngoài bước vào miệng cười khúc khích.
Hạng vương nổi giận mắng:
- Ngươi là sứ giả nhà Hán, sang đây giảng hòa mà dám tự đắc như thế, không sợ chết sao ?
Hầu công đáp:
- Ðại vương là một vị vua vạn thắng, oai vũ lẫy lừng, ai ai lại không biết ! Vậy mà nay thấy tôi là một đứa bần sĩ, mặt không khí sắc, tài còn xa với Quản, Nhạc, mà lại dàn quân đao phủ để thị uy. Dẫu Ðại vương không làm như thế thì kẻ bần sĩ này cũng đã khiếp sợ rồi ? Huống hồ Ðại vương thị uy như thế, thì tôi nhịn cười sao được.
Hạng vương thấy Hầu công tâng bốc mình, thích ý, ném gươm xuống đất, đuổi bọn đao phủ ra rồi hỏi:
- Nhà ngươi sang đây định ý thế nào ?
Hầu công đáp;
- Tôi sang đây để bàn với Ðại vương bãi việc binh nhung, khiến cho hai nước Hán, Sở giao hòa thiên hạ khỏi phải chìm trong bể điêu linh, tang tóc. Hiện có bức thư của vua Hán gửi đến cho Ðại vương.
Hạng vương đổi giận làm vui, tiếp thư mở ra xem.
Trong thư viết:
"Hán vương kính đệ tâm thư dâng Hạng vương nhã giám.
Bang tôi nghe nói làm vua cốt mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân, tạo cho xã hội một cảnh thái bình thịnh trì. Nếu dân không được an cư lạc nghiệp, thì nhiệm vụ làm vua không tròn.
Tôi cùng quý quốc mấy năm tranh hùng, trải hơn bảy mươi trận đánh, xương khô phơi đầy bãi, máu nhuộm đỏ cỏ cây. Nếu nghĩ đến dân thì cảnh ấy là một vết thương cho những ai cầm đầu thiên hạ.
Nay tôi sai Hầu công sang quý quốc giảng hòa, lấy Hồng Câu làm giới hạn, từ Hồng Câu về Tây thuộc Hán, từ Hồng Câu về Ðông thuộc về Sở. Hai bên ai giữ nước ấy, bãi việc đao binh, cùng nhau hưởng cảnh thanh nhàn, muôn dân cũng nhờ đó thoát khỏi vòng máu lửa, vui với gia đình. Quý quốc nên sớm quyết định".
Hạng vương xem thư xong, nghĩ thầm:
- Lâu nay ta cùng Hán giao tranh, quân mã mỏi mòn, lương thực đã gần hết, nếu không tạm nghỉ để tăng cường quân lực thì không thể nào thắng nổi. Chi bằng nhân cơ hội này cùng Hán giao ước, hai bên bãi binh, ta trở về Bành Thành sống yên ổn, rượu ngon gái đẹp, chẳng thú vị lắm sao ?
Nghĩ rồi nói với Hầu công:
- Ta vẫn có ý định cùng Hán vương tranh đấu đến cùng. Nay thấy lời nói của Hán vương có vẻ khiêm tốn, hiểu được lẽ phải. Vậy ta sẽ cho người đến ước định bờ cõi cùng với Hán vương thảo bản điều ước, mỗi bên giữ một bản để làm bằng. Ngươi trở về đi. Ngày mai ta sẽ cùng Hán vương tương kiến.
Hầu công bái biệt Bá vương trở về dinh Hán, thuật lại mọi điều.
Hán vương mừng rỡ. Tiếp đó lại có sứ Sở đến, chiếu sự ước hẹn viết ra hai tờ giao ước, đợi lúc hai vua gặp nhau để trao đổi.
Hán vương nói:
- Ngày mai ta sẽ cùng Bá vương gặp mặt để nối lại tình anh em như cũ. Cuộc gặp mặt là cuộc thân hữu, hai bên không cần phải bày đại binh, không cần phải mặc giáp trụ. Nhà ngươi về nói lại với Bá vương biết, điều cốt yếu là phải đưa Thái công về Hán, thì cuộc giao ước mới tốt đẹp
Sứ giả nói:
- Tôi và Hầu công trở về tâu lại với Bá vương, chắc Bá vương cũng chẳng có ý lưu Thái công lại bên đó làm gì.
Hán vương bèn trọng thưởng cho sứ giả, rồi sai Hầu cùng sang dinh Sở tỏ bày ý nguyện.
Hạng vương thấy Hầu công cùng sứ giả trở về liền hỏi:
- Hầu công lại sang đây có việc gì ?
Hầu công nói:
- Chúa thượng tôi muốn xin Ðại vương một lời hứa là ngày mai lúc tương ngộ, xin Ðại vương giao trả Thái công và Lã Hậu về Hán, cho cuộc giao trả được trọn vẹn.
Hạng vương nói:
- Lời ta đã hứa lẽ nào làm sai. Ngươi về tâu lại với Hán vương, không phải lo việc ấy .
Sau khi Hầu công từ giã Hạng vương, Chung Ly Muội và Quý Bố đến nói:
- Tuy rằng Ðại vương nên cùng Hán giảng hòa, song chớ nên giao trả Thái công vội. Hán vương là kẻ phản phúc, không đủ tín nghĩa. Nếu trả Thái công e Hán vương sanh lòng phản trắc.
Hạng vương nói:
- Ta lấy Thái công làm kế lui binh Hán, thiên hạ chê cười. Ðó là một vết nhơ cho thanh danh ta rồi. Nay lời ta đã hứa, lẽ nào không thi hành !
Hạng Bá nói:
- Thái công bị giam ở Sở, Ðại vương không giết, đủ tỏ lòng nhân của Ðại vương rồi. Nay lại cho về nước ơn ấy như trời biển, lẽ nào Hán vương còn đem lòng phản phúc ?
Hạng vương nói:
- Lời ấy phù hợp với ý nghĩ của ta.
Ngày hôm sau, Hạng vương truyền văn võ, tướng sĩ đều mặc thường phục, đi dàn ra hai bên, Thái công và Lã hậu theo sau ngựa.
Bên kia Hán vương cũng không dùng đồ giáp binh gì cả.
Hai vua gặp nhau cùng làm lễ tương kiến, rồi mỗi người cầm một tờ hiệp ước, tự tay trao đổi nhau.
Hạng vương nói:
- Từ nay Sở và Hán không còn giao tranh nữa, bên nào nấy giữ lấy cõi bờ của mình. Phần tôi, tôi sẽ đem quân về phía Ðông.
Nói xong, sai tả hữu dẫn Thái công và Lã hậu giao cho Hán vương.
Hán vương mừng rỡ ra đón, rồi đến tạ ơn Bá vương và nói:
- Thân phụ tôi lâu nay nương tựa dưới cờ Ðại vương, nhờ ơn nuôi dưỡng, ơn ấy chẳng bao giờ tôi dám quên.
Ðoạn, hai vua từ giã trở về dinh. Cách đó vài ngày, có tin Hạng vương thu binh về Ðông.
Hán vương được tin ấy, vội truyền lui binh về Tây.
Trương Lương bước đến can:
- Mấy năm, Ðại vương chiến đấu vất vả, các tướng sĩ theo phò Ðại vương những mong được một ngày về Ðông xúm họp với quê hương, rạng danh nơi đất tổ. Nay Ðại vương một sớm cùng Sở giảng hòa kéo binh về Tây, tướng sĩ ai nấy đều nhớ cha mẹ vợ con tất sẽ trốn về quê cả Ðại vương cô thế, làm sao giữ nổi giang san. Vả lại, nay Thái công đã về Hán, thế quân lừng lẫy, thiên hạ theo về, cái cơ được thua đã đương nhiên, việc gì lại chia đất giảng hòa. Cổ nhân đã nói: trời không hai mặt, đất chẳng hai vua, thiên hạ không khuông phò hai chúa. Ấy vậy Ðại vương nên tiếp tục nghiệp lớn để cho thiên hạ sớm hưởng một cuộc đời thanh bình thạnh tri.
Hán vương nói:
- Ta đã cắt Hồng Câu giao ước với Sở, nay lại bội ước thì còn gì tín nghĩa.
Trương Lương nói:
- Kẻ có chí lớn không nên câu nệ điều nhỏ. Việc cắt đất giảng hòa chẳng qua là một âm mưu của ta để đưa Thái công và Lã hâu về nước. Trong thiên hạ ai chẳng biết lẽ ấy. Chỉ có Hạng vương lầm kế mà thôi. Trên trường chiến đấu, dùng trí dũng để thắng không phải là thất tín. Nếu sự nghiệp nửa đường mà bõ đi, công khó của Ðại vương và chúng tôi đều vô ích.
Trần Bình, Lục Giả, Tùy Hà và các mưu sĩ cũng đều tỏ ý:
- Lời nói của Tử Phòng rất phải Ðại vương cất quân thiên hạ theo về, chư hầu ngưỡng vọng là mong Ðại vương thống nhất bờ cõi, đập tan bạo lực của Hạng vương nếu chia đất cầu hòa đó mới là chuyện mất tín nghĩa.
Hán vương thấy các tướng đều nhất quyết đánh Sở, không biết nghĩ sao, đành phải nghe theo, truyền sắm sửa binh mã để cùng Sở quyết chiến.
Nhắc lại Hạng vương, kéo quân về Bành Thành, lòng thấy khoan khoái như trút tất cả những gì cực nhọc trong mấy năm qua, truyện mở tiệc khoản đãi quần thần, rồi ngày nào cũng ở trên lầu cùng Hoàng hậu Ngu Cơ say sưa tửu sắc. Lại cho các tướng về nhà nghỉ ngơi coi như không còn chinh chiến nữa Chu Lan thấy vậy dâng sớ can:
"Xưa nay, các bậc thánh đế minh vương, an không quên nguy, trị không quên loạn. Dẫu nước nhà vô sự, việc võ bị cũng chẳng chút trễ tràng.
Huống hồ hôm nay Lưu Bang, dưới trướng bọn mưu thần toàn là những kẻ quỷ quyệt, trao trở khó lường. Nếu
Lưu Bang lại nghe lời bọn mưu thần dấy động can qua, trong lúc Ðại vương giải giáp nghĩ ngơi, quân binh trể biếng thì làm sao chống nổi ?
Thiết nghĩ dầu Ðại vương có muốt an hưỡng nơi một góc trời cũng phải tu nhân tích đức, rèn luyện võ nghệ, kén chọn kẻ tài trí sung vào dưới trướng, sớm hôm lo việc nước thì mới giữ được giang sơn.
Một tấm lòng trung, mấy lời chân thật, xin Ðại vương xét cho".
Hạng vương xem sớ, trầm ngâm một lúc rồi gọi Chu Lan vào nói:
- Lưu Bang đã cùng ta thề ước, lẽ nào lại bội tín như ngươi quá lo xa. Tuy nhiên ta cũng sẽ chuẩn y lời sớ của nhà ngươi để không xảy ra điều ân hận.
Liền đòi Chung Ly Muội đến nói:
- Chu Lan dâng sớ khuyên ta đừng bỏ việc dở, phòng Hán vương sanh biến tâm. Vậy các ngươi nên ra vũ trường luyện tập ba quân đề phòng sanh biến.
Chung Ly Muội lãnh chỉ thao luyện quân mã.
Giữa lúc đó, Hán vương đã hội quân nơi Cố Lăng cùng với Trương Lương, Trần Bình bàn việc đánh Sở.
Hán vương nói:
- Bội ước với Sở cũng được, song hiện nay ta cùng Sở giảng hòa, bọn Hàn Tín và binh mã các chư hầu đều kéo về, vậy làm cách nào mà triệu tập ?
Trương Lương nói:
- Ðại vương nên một mặt đưa thư bội ước với Sở, một mặt sai người đi gọi binh mã các xứ. Ðợi khi binh mã các lộ chư hầu tập họp đông đủ, bấy giờ mới tuyên chiến.
Hán vương nói:
- Ta thề ước với Sở, bây giờ lại tuyên chiến, thiên hạ thấy rõ lòng phản bội của ta. Ta muốn làm cách nào cho Sở cử binh đánh ta trước, có được chăng ?
Lục Giả bước ra nói:
- Tôi xin lãnh thư sang Sở, dùng ba tấc lưỡi, khích cho Hạng vương khởi binh đánh trước, để tránh cho Hạng vương lời dị nghị trong thiên hạ.
Hán vương nói:
- Không nên ! Hạng vương là người nóng tính, thấy ta bội ước tất nổi giận giết nhà ngươi mất.
Lục Giả nói:
- Chẳng hề chi, tôi đã có cách bảo tồn tánh mạng.
Xin Ðại vương chớ lo.
Hán vương lòng nghi ngại, nhưng không có cách nào hơn, cuối cùng đành phải sai Lục Giả làm sứ sang Sở.
Lục Giả lãnh thư, đến Bành Thành vào yết kiến.
Hạng vương cho vào, hỏi:
- Lục Ðại phu sang đây có việc gì vậy ?
- Ngày trước, Hán vương vì muốn đón Thái công và Lã hậu về Hán, nên giả cách cùng Ðại vương giảng hòa. Nay Hán vương sanh lòng tráo trở, hội binh nơi Cố Lăng để cùng Ðại vương quyết chiến, lại sai hạ thần đi sứ, hạ chiến thư. Hạ thần trộm nghĩ, Ðại vương oai võ lẫy lừng, thiên hạ cúi đầu tùng phục, Hán vương được một nửa đất cũng đã đủ lắm rồi, còn sinh tâm tranh chấp, thật không biết sức mình. Hạ thần bất đắc dĩ phải dem chiến thư đến đây dám đâu xúc phạm Ðại vương.
Nói xong dâng thư cho hạng vương. Hạng vương mở ra xem.
Thư rằng:
"Hán vương, Lưu Bang gởi Bá vương tri khán.
Ngày trước, Thái công, Lã hậu ở Sở, được nhờ nhà vua chăm nuôi tử tế, song nhà vua lại giữ mãi không cho về nước, dùng kế hăm dọa, đem ra trận đặt lên thớt nấu dầu, hành động ấy quả nhân không sao nguôi được những muốn đánh mấy trận, lấy đầu kẻ vô liêm sĩ ấy.
Tuy nhiên, đánh chuột kiêng đồ ngần ngại mãi, bất đắc dĩ phải giảng hòa chia đất, đó chỉ là cái kế để đón Thái công về mà thôi.
Bởi lẽ đạo làm con, dù bỏ mình mưu cầu hạnh phúc cho song thân cũng chẳng quản, huống hồ là dùng trí thuật.
Lấy trí thắng kẻ ngu, lấy lợi mê hoặc kẻ gian, làm cho cá phải cắn câu. chim mắc vào lưới, chính là các việc giảng hòa của quả nhân vừa làm đó.
Nay Thái công, Lã hậu đã về nước, không còn phải lo ngại gì nữa, quả nhân lại xổ cờ, gióng trống, cùng quý quốc tranh phong. Quân Hán đã tập họp nơi Cố Lăng, nếu quân Sở không sợ thì mau đem binh đến quyết chiến Xin chớ sai lời".
Hạng vương xem thư xong nổi giận xé tan thư và quát lớn:
- Lưu Bang là đứa thất phu, dám đang tâm bội ước lại định cùng ta quyết chiến. Ta từ lúc khởi binh nơi Cối Kê, chưa hề lui bước trước địch quân. Lưu Bang chăng qua chỉ là một tên tiểu nhân đắc ý, ta quyết bắt nó trị tội.
Nói xong, truyền cho Lục Giả trở về hẹn sẽ kéo binh đến giao chiến.
Lục Giả từ giã Hạng vương trở về Cố Lăng yết kiến Hán vương tâu:
- Hạng vương rất giận dữ, sắp đem quân đến hội chiến, xin Ðại vương định liệu.
Hán vương nghe Lục Giả nói, lòng lo lắng, vội đòi Trương Lương và Trần Bình vào nói:
- Chiến thư đã hạ, Hạng vương sắp kéo đại binh đến đây, bọn Hàn Tín lại không thấy về, bây giờ nên tính lẽ nào ?
Trương Lương nói:
- Binh mã Ðại vương hiện khá đầy đủ. Vậy một mặt chia cho các tướng quản lĩnh, dự bị đánh Sở, một mặt sai người thúc giục Hàn Tín đem quân về tiếp ứng.
Chưa đi được mấy ngày có quân thám thính về báo:
- Hạng vương cử hơn ba mươi vạn quân, từ Từ Châu kéo sang, đi đến đâu các phủ huyện đều chạy trốn, không nơi nào dám ngăn cản. Hiện binh Sỡ đang hạ trại cách Cố Lăng ba mươi dặm.
Hán vương nói:
- Quân Sở mới đến, nhuệ khí đang hăng, ta không nên đánh vội.
Trần Bình nói:
- Ðại vương luận rất phải. Quân ta chỉ nên canh phòng cẩn mật chờ quân Sỡ trễ biếng sẽ giao tranh.
Ba quân tuân lệnh, đâu đó giữ gìn nghiêm nhặt, không xuất trận.
Hạng vương an dinh hạ trại xong, cho quân sĩ đi thám thính, thấy quân Hán bất động, lòng sinh nghi, hội các tướng bàn bạc:
- Hán vương đã sai người hạ chiến thư, vậy mà ta đem quân đến đây, họ lại bất động là sao ?
Quý Bố và Chung Ly Muội nói:
- Ðó là kế của Hán vương, đợi lâu ngày quân ta chểnh mảng mới xuất quân đó.
Chu Lan nói:
- Không phải như thế. Quân ta từ xa kéo đến thế đang hăng, còn quân Hán thì Hàn Tín chưa về, nên cố diên trì chờ đợi, chưa dám xuất trận. Ngày mai, Ðại vương nên đem quân cùng Hán giao tranh để tiêu hao lực lượng của họ.
Hạng vương khen phải. Ngày hôm sau truyền lệnh mở cờ gióng trống, kéo đến đánh Hán.
Hán vương nghe báo, vội vã sai Vương Lăng, Phàn Khoái, Quán Anh, Lư Quán dẫn binh ra nghênh chiến.
Hạng vương đến trước trận, gọi Hán vương ra nói chuyện.
Tướng Hán đáp:
- Chúa thượng ta sai chúng ta đến đây bắt vua Sở đem về nấu dầu để trả lại cái thù của Thái công ngày trước
Hạng vương nổi giận, vung đao xông vào đánh. Bốn tướng Hán cùng nhau kéo vào một lượt. Ðánh được vài mươi hiệp, bốn tướng Hán không cự nổi, phải kéo lui về.
Bá vương thúc quân đuổi theo.
Vừa được mươi dặm thì quân Hán có hơn mười viên kiện tướng là bọn Ngân Hấp, Chu Xương, Cao Khởi, La Mã Thông... xông ra, chặn Hạng vương lại đánh.
Bấy giờ, bên Sở bọn Quý Bố, Chung Ly Muội cũng đã đuổi đến kịp, xông vào trợ chiến với Hạng vương.
Hai bên đánh nhau rất hăng, chiêng trống vang trời.
Bỗng trong dinh Sở có một tiếng pháo lệnh, Chu Lan xuất lĩnh một cánh binh, kéo ra tràn vào trận Hán, đánh quân Hán đứt ra làm nhiều đoạn.
Hạng vương thừa thắng chém giết quân Hán rất nhiều, các tướng Hán biết không cự nổi bỏ chạy vào thành Cố Lăng đóng chặt cửa lại.
Quân Sở đuổi đến dưới thành, nói với tướng sĩ:
- Dịp này không nên bỏ lỡ, phải bắt cho được Lưu Bang rửa hận.
Các tướng nói.
- Ðại vương đốc xuất quân sĩ đánh từ buổi sáng đến giờ ai nấy đều mỏi mệt. Vậy phải đóng trại cho quân sĩ nghỉ ngơi một đêm, rạng ngày hôm sau sẽ công thành.
Thành Cố Lăng là một thành nhỏ, trơ trọi, phá vỡ không khó.
Hạng vương nói:
- Nếu đóng trại nghỉ ngơi đêm nay các tướng phải đề phòng cẩn mật, kẻo quân Hán kéo vào cướp trại thì nguy.
Các tướng đều tuân lệnh cho quân hạ trại dưới thành.
Bấy giờ Hán vương ở trong thành Cố Lăng thấy quân thua chạy về, các tướng đều hết vía, lòng bối rối, bàn với Trương Lương và Trần Bình:
- Cố Lăng là thành nhỏ, quân Sở vây thành làm thế nào thoát được Các ngươi có kế gì chăng ?
Trương Lương nói:
- Quân Sở đóng trại chưa xong, trời đã tối, đêm nay nên thừa dịp sai một số dũng tướng kéo quân ra, lựa phía nào quân Sở ít ỏi, đánh tháo chạy về Thành Cao để tránh cái nhuệ khí của địch. Trong lúc trời tối, tôi chắc quân Sở không dám đuổi theo.
Hán vương nói:
- Nếu vậy ta phải định liệu gấp mới được.
Trương Lương liền truyền lệnh các tướng lĩnh bị binh mã, dự bị thoát ra ngoại thành, đồng thời sai một tiểu hiệu lên mặt thành xem thế địch quân.
Tên tiểu hiệu sau khi quan sát khắp nơi trở lại nói:
- Cửa phía Bắc, quân Sở thưa thớt, có thể đánh ra được Hán vương liền sai Phàn Khoái, Chu Bột, Sài Võ, Ngân Hấp, bốn tướng mở cửa thành phía Bắc dẫn quân ra một lượt.
Sau đó, Hán vương cùng đoàn tùy tùng đều kéo theo.
Tướng Sở đóng quân ở phía Bắc là Hoàn Sở, vì lúc đêm tối quân sĩ suốt ngày mỏi mệt, lại không chuẩn bị trước nên không cự lại.
Ðến. lúc đại binh Hạng vương hay, kéo đến tiếp ứng thì quân Hán đã thoát khỏi vòng vây.
Chung Ly Muội bàn với Hạng vương:
- Lúc tối tăm sợ có quân mai phục ta chớ đuổi theo đợi trời sáng sẽ liệu.
Hạng vương theo lời, không cho quân mình truy kích, nhờ đó Hán vương cùng các tướng chạy trốn được xa.
Chạy hơn tám mươi dặm, trời mới rựng sáng Trần Bình bàn với Hán vương:
- Tuy tướng sĩ suốt đêm chạy vất vả song chớ nên đóng quân nơi đây phải chạy đến Thành Cao mới được.
Hán vương nói:
- Nếu đến Thành Cao, quân Sở lại kéo đến vây nữa thì biết làm thếnào ?
Trương Lương nói:
- Việc ấy không lo. Quân ta về Thành Cao độ ba ngày quân Sở ắt phải lui.
Hán vương hỏi:.
- Tiên sinh có kế gì lui được quân Sở ?
Trương Lương tâu:
- Quân Sở chiếm đâu không thể giữ đất được, vì đường vận lương từ Bành Thành đến đây rất khó khăn.
Vả lại vừa rồi tôi được tin Bành Việt đem quân chận đường vận lương của Sở rồi Muốn chắc ý tối lại sai hai tướng Trương Thương, Trang Tà lẻn đốt kho lương của Sở rồi, vì vậy không bao lâu quân Sở phải kéo về.
Hán vương nghe nói an lòng, truyền quân mã thẳng đường đến Thành Cao.
Sáng ngày hôm sau, Hạng vương được tin quân Hán bỏ Cố Lăng về Thành Cao, liên đốc quân đến vây.
Sau ba ngày công phá, bỗng có Chung Ly Muội và Quý Bố chạy đến báo:
- Hiện nay trung quân bị thiếu lương. Vừa rồi lại có tin kho lương Liễu Thôn bị quân Hán cướp đốt rồi. Nếu nay mai Hàn Tín kéo quân đến đây quân ta không thể nào rút lui được, ắt phải chết đói.
Hạng vương nói:
- Ta đã lo việc thiếu lương thực. Nay kho Liễu Thôn bi đốt thì còn đóng quân ở đây làm sao được.
Liền truyền lệnh lút quân về, sai Hoàn Sở. Ngu Tử Kỳ đi đoạn hậu đề phòng quân Hán đuổi theo.
Ba quân lớn nhỏ đang lúc lo thiếu lương chợt có lệnh giải binh tức thời như gió cuốn mây bay, chưa đầy nửa ngày đã rút về hết sạch. Quân Hán ở trên thành thấy quân Sở rút về, vội vào báo cáo với Hán vương.
Hán vương nói:
- Nếu quân Sở rút lui, ta nên truy kích để tiêu hao lực lượng địch.
Trần Bình nói:
- Không nên ! Quân Sở rút về, tất có sai dũng tướng đi đoạn hậu, nếu đuổi theo trúng kế. Vả lại quân Sở không phải thua trận mà rút, lực lượng còn đang mạnh lắm.
Hán vương khen phải, không truyền quân truy kích.
Hạng vương kéo quân về đến Bành Thành, gọi người coi kho lương đến khiển trách, rồi chém đầu răn chúng
Từ đó, Hạng vương lo việc tăng gia binh bị đề phòng khi xuất chinh.
Bấy giờ, nơi Thành Cao, Hán vương cũng đang lo củng cố quân ngũ, ngày đêm bàn việc tác chiến.
Một hôm, Hán vương đòi Trần Bình và Trương lương vào nói:
- Hàn Tín, Anh Bố và Bành Việt, ba người ấy cho gọi mãi mà không đến, nay phải làm thế nào ?
Trương Lương nói:
- Hàn Tín tuy phong vương vị, nhưng chưa phong cho một mảnh đất nào. Bành Việt thì đã từng lập công to, nhưng chưa phong tước còn Anh Bố từ khi bỏ về Hán, Ðại vương chưa lúc nào dùng trọng lễ hậu đãi. Ðối với ba người ấy đều là những kẻ vì lợi quên nghĩa, tham mà tự kiêu. Nếu nay Ðại vương hậu ban tước thưởng, cắt đất phong cho, khiến cho họ đều có phong ấp để cai trị riêng, ắt họ phải hả lòng cố sức đem thân giúp Ðại vương diệt Sở.
Hán vương nói:
- Lời Tiên sinh luận rất phải, hiểu thấu được tâm trạng ba kẻ ấy. Vậy phiền Tiên sinh đem ba đạo phù hịch, gia phong cho Hàn Tín làm Tam Tề vương, cai trị quận Lam Trì. Tất cả lương tiền, dân chúng quận ấy đều thuộc về quyền sử dụng của Hàn Tín. Bành Việt thì phong làm Ðại Lượng vương tất cả sản vật trên đất Lương do quyền thống trị của Bành Việt. Còn Anh Bố thì làm Hoài Nam vương thống trị mảnh đất Hoài Nam.
Hịch văn viết xong, Trương Lương lãnh mệnh đi ba nơi ấy.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hán Sở Tranh Hùng.