Hồi 48: Lã Thái Hậu âm mưu giết công thần; Hán Huệ Đế giữ vững nền thịnh trị
-
Hán Sở Tranh Hùng
- Mộng Bình Sơn
- 911 chữ
- 2020-05-09 04:01:29
Số từ: 902
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học
Hán đế mất đã bốn ngày mà Lã Hậu chưa chịu phát tang, sai người đòi Lã Trạch và Thảm Tự Cơ vào nói:
- Ngày nay, các công thần trong triều phần nhiều ngông nghênh hống hách, lòng mỗi người lại có ngầm ý riêng. Nếu hay được tin Chúa thượng băng hà tất khởi loạn, không chịu phò Thiếu đế. Ta muốn giả một tờ chiếu, đòi các quan lớn nhỏ vào nội cung để nghe lời di chúc của Chúa thượng rồi cho võ sĩ phục bên trong, giết cả đi, để sau này khỏi sanh họa.
Thảm Tự Cơ nói:
- Hoàng hậu tính kế ấy rất hay, song phải lựa một viên tướng tâm phúc xuất lãnh bọn võ sĩ, thì kế ấy mới khỏi sợ thất bại.
Lã hậu nói:
- Các đại tướng duy có Lịch Thương là có thể tin cậy được. Nhà ngươi nên vời hắn đến đây để bàn.
Lã Trạch liền đi mời Lịch Thương.
Lịch Thương được lệnh vào yết kiến Lã Hậu.
Lã Hậu đem việc cơ mật bàn với Lịch Thương.
Lịch Thương nói:
- Việc ấy không phải là việc tốt. Nếu Hoàng Hậu làm như thế xã tắc phải lâm nguy. Hiện nay Trần Bình, Quán Anh cầm mười vạn binh đóng nên Huỳnh Dương. Phàn Khoái, Chu Bột cầm binh hai mươi vạn, đóng quân ở Yên Ðại, còn các tướng khác đóng ở các xứ cũng đều có binh lực ít nhiều. nếu họ hay tin Hoàng Hậu đánh lừa vào cung để mưu hại, tất họ liên kết nhau kéo vào đánh Quan Trung, cơ đồ sụp đổ tức khắc. Xin Hoàng Hậu xét lại.
Lã Hậu nói:
- Lời ngươi rất có lý. Thế thì cơ biến ngày nay phải làm thế nào ?
Lịch Thương nói:
- Cứ như ngu ý Hoàng Hậu, nên tuyên bố trong ngoài hay tin vua mất. Vời bọn Phàn Khoái, Vương Lãng, Chu Bột về phòng bị Quan Trung. Trên thì giữ được cái nghiệp muôn năm của tiên đế, dưới bảo vệ được địa vị của Thiếu quân.
Lã hậu nói:
- Nếu vậy nên gọi Thúc Tôn Thông vào thảo chiếu để tuyên bố cho trong ngoài đều biết.
Lịch Thương tuân lệnh đòi Thúc Tôn Thông đến, thảo chiếu giả lời di mệnh của Hán đế.
Từ đó khắp nơi an hưởng thanh bình, không còn sinh việc binh cách.
Lã Hậu lên làm Thái hậu, bọn Lã Trạch cậy thế ra vào cấm môn. Các người họ Lã đều được phong trọng chức.
Bấy giờ Tiêu Hà đã già không coi việc triều chính được nữa. Chẳng bao lâu lại phát bệnh nặng.
Huệ đế đến tận nhà hỏi thăm:
- Thừa Tướng đau yếu ra làm sao ?
Tiêu Hà tâu:
- Hạ thần tuổi già sức yếu, lâm bệnh nặng, thế tất chẳng sống được lâu. Nay được Bệ hạ chiếu cố, dẫu thịt nát xương tan cũng chưa đền ơn đặng.
Huệ đế nói:
- Thừa Tướng nên giữ gìn quí thể, mời thầy thuốc điều trị chớ nên nói thế.
Tiêu Hà nói:
- Hạ thần phò Tiên đế từ ba mươi năm nay theo việc chiến chinh, tinh thần hao tổn, sức lực kiệt quệ, nay thiên hạ thái bình, dẫu có chết cũng đã phải.
Huệ đế nghe nói ứa nước mắt hỏi:
- Thừa Tướng sau khi trăm tuổi thì ai có thể thay thế đế giúp trẫm ?
Tiêu Hà nói:
- Việc này không ai hiểu hơn Tiên đế.
Huệ đế nói:
- Tiên đế có nói đến Tào Tham, chẳng biết Tào Tham như thế nào ?
Tiêu Hà nói:
- Tào Tham là cựu thần của Tiên đế, bản tính trung thực, rất đủ điều kiện gánh vác việc nước.
Huệ đế biệt Tiêu Hà về cung.
Sau vài ngày Tiêu Hà mất. Huệ đế thương xót chẳng cùng, lo việc tang tế, rồi đòi Tào Tham đến phong làm Thừa tướng.
Tào Tham tuân lệnh, vào bệ kiến Huệ đế nói.
- Tiêu Thừa Tướng trước khi ta thế có tiến cử khanh, và Tiên đế trước khi băng hà cũng có nhắc đến. Vậy khanh nên hết lòng vì nước, đừng phụ mệnh trẫm.
Tào Tham tâu:
- Thần đâu dám chẳng đem hết sức ra đền ơn Bệ hạ.
Tào Tham lên làm Thừa Tướng, nhất nhất theo khuôn phép của Tiêu Hà, không hề sửa đổi một điều nào.
Dân trụ mỗi ngày một thuần, sĩ phong mỗi ngày một tốt, trăm họ yên vui trong đời thịnh trị.
Sau ba năm, Tào Tham nghĩ mình tuổi cao tác lớn, theo phò Hán đế từ lúc khởi binh nơi Phong Bái, nay được đến ngôi tột bực, tưởng như thế cũng đã đủ lắm rồi, liền viết sớ xin về dưỡng lão.
Huệ đế cầm lại không được phải thuận tình, phong Tào Tham làm Tuyên Bình Công, phong Ấp ăn lộc mười vạn, con cháu suốt đời thừa ấm.
Huệ đế lại theo lời di chiếu của Cao đế, dùng Vương Lãng làm hữu Thừa Tướng, Trần Bình làm tả Thừa Tướng, Chu Bột làm Thái Úy, bọn Phàn Khoái huấn luyện binh mã.
Từ đó, thiên hạ vô sự, tiếng khen truyền khắp nhân gian thật là một đời thái bình thịnh trị.
HẾT