Quyển 7 - Chương 13: Đây bóng hồng soi thoảng lúc nào


Số từ: 4164
Nguồn: truyenfull
[15] Trích Thẩm viên, Lục Du. Dịch thơ: Khương Hữu Dụng. Nguyên văn Hán Việt: Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai - ND.
Vì chuyện mừng Ngọc Ẩn xuất giá, cha mẹ tôi được phép ở lại kinh thành thêm một tháng. Tới ngày thứ ba, Ngọc Ẩn một mình quay về, trắc phi dù sao cũng chỉ là thiếp, không hề có lễ lại mắt như các tân nương bình thường. Tuy nghi thức nạp phi của Huyền Thanh được tổ chức rất long trọng, tuy Vị Ương cung được tính là nhà mẹ đẻ của Ngọc Ẩn nhưng Huyền Thanh lại không đi cùng muội ấy, có lẽ là vì không muốn hai bên gặp lại để rồi sinh nỗi thương tâm. Ngọc Ẩn hôm nay ăn mặc cực kỳ hoa lệ, khắp người đều là đồ trang sức châu ngọc, trông có vẻ rất thoải mái. Không lâu sau, Vưu Tĩnh Nhàn cũng vào cung thỉnh an, xem chừng đó là một nữ tử rất đoan trang, tao nhã, ăn nói cũng dịu dàng, không có vẻ gì là hạng người tâm cao khí ngạo, thích sinh chuyện thị phi. Nàng ta cư xử với Ngọc Ẩn cũng rất khách sáo, dường như có thể vào phủ Thanh Hà Vương để ngày ngày nhìn thấy Huyền Thanh đã là ước nguyện lớn nhất của nàng ta rồi. Thời gian cứ thế chậm rãi trôi qua, nghe nói Huyền Thanh đối xử với Ngọc Ẩn rất tốt, để muội ấy ngụ tại Tích Trân các hoa lệ nhất ở mé đông vương phủ, đãi ngộ chẳng khác gì chính phi, ngay đến Vưu Tĩnh Nhàn xuất thân từ gia tộc công hầu cũng phải chịu kém hơn một bậc, trú tại mé tây của vương phủ. Mà từ ngày nắm quyền quản lý việc nhà, Ngọc Ẩn xử lý mọi việc đều đâu ra đấy, đối xử với Vưu Tĩnh Nhàn cũng rất khách sáo. Thái hậu khi nhắc tới việc này không kìm được lộ vẻ vui mừng:
Ai gia vốn lo nếu xem trọng quá sẽ làm hư vị Chân Trắc phi này, không ngờ đó lại thật sự là một người biết lo liệu công việc, tính cách cũng hiền hòa nữa.
Thế là mọi người trong cung khi nhắc tới Ngọc Ẩn, không ai là không tỏ ra ngưỡng mộ.
Giờ đã là tháng Sáu, sắc xuân sớm đã lui đi hoàn toàn, hôm ấy khi tôi ngủ dậy, trời vừa đổ một cơn mưa nhỏ, cái nóng nực của mùa hè bị xua bớt đi rất nhiều. Ngọc Ẩn xuất giá cũng đã được một thời gian, vì muốn để tang My Trang nên tôi ăn mặc rất giản dị, mái tóc chỉ búi lại qua loa theo kiểu Trụy mã kế, lại mang một bó hoa sơn chi nhỏ nhắn, trắng muốt cắm vào bình, thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn những hạt mưa rơi xuống lá chuối bên ngoài cửa sổ, cảm nhận từng cơn mát lạnh bay vào. Ngọc Nhiêu ngồi bên cửa sổ, tì cằm lên cánh tay nhìn ra phía xa, bên dưới khung cửa sổ trổ hoa màu đỏ sậm, những bông đồ my trắng muốt nở đầy, nhìn hệt như băng tuyết, mùi thơm vương vất vờn quanh. Muội ấy khẽ nói:
Đến hoa đồ my cũng đã nở, đại tỷ, mùa xuân không ngờ đã qua lâu như vậy rồi.

Giọng nói quen thuộc của một nam tử bất ngờ vang lên chậm rãi:
Mùa xuân cũ qua đi thì mùa xuân mới sẽ lại tới, muội hãy còn nhỏ mà đã có lắm nỗi niềm thương cảm như vậy rồi.

Ngọc Nhiêu cả kinh, vội xoay người lại, vừa nhìn thấy Huyền Lăng trong bộ thường phục màu đỏ sẫm, sắc mặt lập tức trở nên lạnh nhạt. Tôi đứng dậy nghênh đón, còn Ngọc Nhiêu thì chỉ hững hờ hành lễ.
Huyền Lăng không hề để bụng, định đưa tay tới đỡ thì Ngọc Nhiêu đã lặng lẽ tránh qua một bên. Huyền Lăng thoáng có chút ngượng ngập, bèn hỏi tôi:
Mấy hôm nữa là đủ bốn mươi chín ngày kể từ ngày mất của Đức phi, lễ cúng nàng đã chuẩn bị ổn thỏa cả chưa?


Cũng tương đối rồi.

Y thoáng lộ ra mấy tia thương cảm, ân cần hỏi:
Dạo này Nhuận Nhi vẫn khỏe chứ?


Thân thể Nhuận Nhi thì vẫn khỏe mạnh, chỉ là mỗi khi chiều tối lại khóc ngằn ngặt không thôi, không biết có phải là vì nhớ mẹ nó không nữa.
Tôi cúi đầu, cố nén những giọt lệ bên khóe mắt.
Có điều, thần thiếp nhất định sẽ dốc hết sức chăm sóc cho Nhuận Nhi, không để nó phải chịu chút tổn thương nào.

Y khẽ gật đầu.
Nếu là người khác nói ra câu này trẫm ắt sẽ không coi là thật, nhưng nàng và Đức phi mười mấy năm qua vẫn luôn thân thiết với nhau, chẳng khác gì tỷ muội ruột thịt, lời của nàng trẫm căn bản không chút nghi ngờ.
Dừng một chút y lại nói tiếp:
Sau lễ cúng bốn mươi chín ngày của Đức phi, mọi người cũng nên mở rộng lòng mình ra một chút. Xích Thược có nói với trẫm, ngoài mấy ngày trong dịp nghĩa muội của nàng xuất giá, trong cung đã cả tháng trời không có tiếng ca múa rồi.

Ngọc Nhiêu hơi mấp máy khóe môi, lại nghiêng đầu suy nghĩ, cuối cùng vẫn không nhịn được nói:
Người cũ đi rồi thì còn người mới, chẳng trách Hoàng thượng lại nói là xuân qua đi rồi xuân lại tới, hóa ra con người cũng giống như mùa xuân vậy.

Huyền Lăng ôn tồn nói:
Trẫm vốn cũng cho rằng mùa xuân qua rồi thì không trở lại nữa.
Y chăm chú nhìn vào khuôn mặt thanh tú như hoa sơn chi của Ngọc Nhiêu.
Nhưng bây giờ trẫm tin là mùa xuân nhất định sẽ quay trở lại.

Ngọc Nhiêu còn chưa hiểu gì nhưng tôi thì đã lòng thầm máy động, nghĩ tới việc ban quạt, bất giác có chút bất an, liền buồn bã nói:
Mùa xuân qua rồi thì sẽ tới mùa hạ, mùa thu, tiếc rằng hoa cúc ở Thượng Lâm uyển dù có nở đẹp đến mấy thì My Trang tỷ tỷ cũng không thể nhìn thấy nữa rồi.

Huyền Lăng áy náy vuốt ve bờ vai mảnh khảnh của tôi.
Đức phi ra đi khiến nàng thương tâm quá mức, kế đó lại phải hao tổn không ít tâm tư trong việc lão lục nạp phi, bây giờ thực là gầy đi nhiều quá, lòng trẫm cũng chẳng dễ chịu chút nào.
Y giúp tôi chỉnh lại cổ áo.
Trẫm biết là nàng muốn để tang cho Đức phi, nhưng người sống dù sao cũng phải sống tiếp.

Tôi đau xót ngoảnh đầu đi, bám tay vào chiếc ghế bên cạnh mà chậm rãi ngồi xuống.
Người sống hẳn nhiên phải sống tiếp, nhưng thần thiếp sẽ không bao giờ quên My Trang tỷ tỷ đâu.
Tôi đột ngột ngẩng đầu, nhìn Huyền Lăng chăm chú.
Thời gian qua lâu rồi, liệu Hoàng thượng có quên My Trang tỷ tỷ không?

Thần sắc y dần trở nên ảm đạm.
Trên đường tới đây trẫm đã dặn dò thợ trồng hoa của Hoa phòng mỗi ngày đưa một chậu hoa cúc tới mộ phần của Đức phi rồi, cũng coi như là thể hiện một chút tâm ý.
Hơi dừng một chút, y tỏ ra áy náy, thở dài than:
Mười mấy năm qua, tuy Đức phi tính cách quật cường, nhưng dù sao trẫm cũng có chỗ không phải với nàng ta.

Hai mắt tôi như sáng rực lên, in bóng vào cặp mắt đen láy, sâu thẳm của y. Huyền Lăng hơi rụt người lại, né tránh ánh mắt của tôi, cười gượng, nói:
Nếu không phải ngày đó trẫm tin vào mấy lời gièm pha bậy bạ, Ôn Thực Sơ đã chẳng làm ra hành động như vậy rồi, để đến nỗi bị Đức phi nhìn thấy mà kinh động tới thai khí.
Đầu ngón tay y lúc này lạnh giá như vừa ngâm vào nước băng.
Hoàn Hoàn, trẫm cứ ngỡ là nàng sẽ không để ý tới trẫm nữa cơ.

Tôi ngẩng đầu lên, đáp lại bằng mấy từ ngắn gọn:
Sao có thể chứ.
Sau đó lại buồn bã cúi đầu, cất giọng lạnh lùng mang đầy nỗi căm hận:
Kẻ hại người không phải là Hoàng thượng. Kẻ muốn chia rẽ lục cung cũng không phải là Hoàng thượng. Kẻ ăn nói quàng xiên lại càng không phải là Hoàng thượng.

Y cau mày lại, trong mắt như có một ngọn lửa âm u bùng lên.
Khi đó nàng đã hạ lệnh xử tử Tịnh Bạch và Phỉ Văn rồi mà.


Thần thiếp vẫn thấy chưa đủ.
Tôi nói gằn từng từ bằng một giọng nóng bỏng chất chứa đầy thù hận.
Đức phi khó sinh rồi băng huyết mà chết, thiếu chút nữa đến Hoàng tử cũng không giữ được. Ôn Thực Sơ là bậc quốc thủ trong cung, thường ngày chăm sóc Thái hậu công lao rất lớn. Thái hậu và Hoàng tử, có ai không phải là gốc rễ của quốc gia? Huống chi... ca ca thần thiếp thần trí đã tỉnh táo hơn nhiều, nếu Hoàng thượng chịu điều tra lại, hẳn sẽ phát hiện biến cố của nhà họ Chân năm xưa phần nhiều là do nhà họ Quản gây ra.

Ngọc Nhiêu khẽ
hừ
một tiếng, vành mắt bất giác đỏ hoe.
Quản thị gây chuyện trong cung, ca ca của thị thì làm mưa làm gió ở tiền triều, hãm hại bậc trung lương, hai huynh muội đều cùng một giuộc, rõ ràng là muốn dồn nhà họ Chân vào chỗ chết!

Huyền Lăng thoáng trầm ngâm một lát, ôn tồn khuyên nhủ:
Việc trước đây...

Tôi nhìn y chăm chú.
Việc trước đây nhà họ Quản lấy chứng cứ từ chỗ Cố Giai Nghi, Hoàng thượng sao không chính miệng hỏi Cố Giai Nghi một phen xem?

Y thoáng lộ vẻ trầm ngâm.
Trẫm biết là nàng không thích, nhưng chỉ một động tĩnh nhỏ ở hậu cung và tiền triều cũng có thể gây ra những rắc rối lớn vô cùng, việc không thể gấp được.
Y nhìn Ngọc Nhiêu bằng ánh mắt mông lung như cơn mưa nhỏ ngoài cửa sổ, nhẹ nhàng cất tiếng:
Tên muội là Ngọc Nhiêu đúng không?

Ngọc Nhiêu chẳng buồn ngẩng đầu, hờ hững gạt nhẹ mấy chiếc lá non trên cây sơn chi.
Hoàng thượng biết rồi còn hỏi làm gì?

Y không hề tức giận, ngoảnh đầu đi nhìn mấy cây trúc bên ngoài cửa sổ đến ngẩn ngơ.
Nhiêu mang ý tha thướt yêu kiều, dịu dàng mềm yếu, đẹp thì đẹp thực nhưng lại không hợp với vẻ nhẹ nhàng, linh hoạt của muội cho lắm.

Ngọc Nhiêu hơi nhướng mày.
Hoàng thượng có ý nói rằng dân nữ kiêu căng, ngang ngược, không hợp với vẻ dịu dàng, mềm yếu của nữ tử ư?
Rồi tỏ ra lãnh đạm.
Hoàng thượng thật biết chế giễu người khác quá!

Huyền Lăng cười gượng một tiếng, quay sang nói với tôi:
Nàng xem kìa, muội muội của nàng đa nghi quá.

Tôi chậm rãi xúc một thìa ngân nhĩ lên ăn rồi mới cười, nói:
Nghe mấy lời vừa rồi của Hoàng thượng, đến thần thiếp cũng cả nghĩ chứ chẳng riêng gì Nhiêu Nhi đâu.

Y đưa tay vuốt cằm, trầm ngâm nói:
Chữ Nhiêu không được hay cho lắm, theo trẫm thì chữ Uyển hợp với muội hơn, trẫm ban cho muội cái tên mới là Ngọc Uyển nhé?

Tôi nghe thấy chữ Uyển đó thì không kìm được giật thót một cái, thiếu chút nữa đã cả kinh đứng bật dậy. Được Hoàng đế ban tên là một niềm vinh dự cực kỳ lớn lao, thân là thần tử ắt sẽ vô cùng mừng rỡ, không có ai lại đi chối từ, càng không có ai dám chối từ.
Ngọc Nhiêu thoáng có chút nôn nóng, không lập tức đồng ý ngay mà đưa mắt liếc qua phía tôi. Tôi hơi đảo mắt, ung dung cất tiếng:
Chữ Uyển này đúng là không tệ, nhưng chẳng hay có xuất xứ thế nào? Chắc không phải Hoàng thượng chỉ chọn đại một chữ làm tên cho tam muội của thần thiếp đấy chứ?
Tôi hơi lộ vẻ trầm ngâm, tiện tay cầm lấy cuốn Vĩnh hoài phú mà Huyền Lăng thường ngày hay xem trên giá sách, giả bộ tỉ mỉ ngắm nghía.
Huyền Lăng đưa mắt nhìn qua, bất giác mỉm cười.
Dương xước ước chi lệ tư, hoài uyển vãn chi nhu tình[16], sẵn có bài Vĩnh hoài phú của Trương Hoa ở đây, không dùng tới hai câu khen ngợi mỹ nhân này thì thực là uổng phí, nàng thấy thế nào?


Mỹ thục nhân chi yêu diễm, nhân phán lai nhi khuynh thành[17].
Ngọc Nhiêu khẽ cất tiếng ngâm, đôi hàng lông mi như hai cánh bướm nhẹ nhàng chớp động, đồng thời chậm rãi đứng lên.
Dân nữ nhan sắc bình thường, chẳng dám xưng là diễm lệ; cha anh thì đều là tội thần, càng chẳng phải thục nữ gì cho cam. Hơn nữa bài Vĩnh hoài phú này Trương Hoa làm để tưởng nhớ vong thê, không phải Hoàng thượng có lòng muốn cưới Ngọc Nhiêu làm thê tử đấy chứ?

[16] Nhan sắc kia mới dịu dàng tươi đẹp làm sao, lòng mang một mối nhu tình tha thiết. Trích Vĩnh hoài phú - ND.
[17] Nàng thục nữ xiết bao yêu kiều diễm lệ, chính vì những cái nhìn chứa chan tình cảm mà càng thêm khuynh quốc khuynh thành. Trích Vĩnh hoài phú - ND.
Trong cung, vợ và thiếp hoàn toàn khác biệt, chỉ duy có Hoàng hậu mới là vợ mà thôi. Quả nhiên Huyền Lăng không nghĩ ngợi gì đã buột miệng nói ngay:
Trẫm không có ý này, chỉ là...

Tôi hơi khom người, cất giọng buồn thương:
Thần thiếp kém bề phúc đức, cam lòng cả đời làm thiếp để được hầu hạ Hoàng thượng. Nhưng tam muội của thần thiếp là Ngọc Diêu vì việc hôn nhân thất bại mà tạo nên điều nuối tiếc cả đời, bây giờ thần thiếp chỉ còn lại một mình tứ muội Ngọc Nhiêu, muội ấy tính tình cao ngạo, ắt chẳng chịu làm thiếp để phải thua kém người ta, trừ phi là chính thất, bằng không quyết không chịu lấy chồng.

Huyền Lăng nghe vậy bèn ôn tồn nói:
Nàng tuy là thiếp nhưng là ái thiếp của trẫm, lại là thục phi, địa vị chỉ kém duy nhất một người mà thôi.
Sau đó lại đưa mắt liếc Ngọc Nhiêu.
Muội muội của nàng nếu được như vậy thì cũng không tính là phải chịu ấm ức gì.

Sống mũi tôi cay sè, khóe mắt nhòe ánh lệ.
Bà cô của thần thiếp là trắc phi của Vịnh Hy Quận vương, nhị muội muội tuy được lục Vương gia thương yêu nhưng xét cho cùng cũng chỉ là trắc phi, thần thiếp thì không có lòng nhòm ngó ngôi hậu, lẽ nào Hoàng thượng nhẫn tâm nhìn nữ tử đời thứ ba của nhà họ Chân đều phải làm thiếp hay sao?

Huyền Lăng thoáng có chút không đành lòng, liền dịu dàng nói:
Chẳng qua chỉ là ban tên mà thôi, đang yên đang lành không ngờ lại làm nàng thương tâm như vậy, xem ra trẫm quả có chút lỗ mãng rồi, chúng ta không nhắc tới việc này nữa. Muội muội của nàng còn nhỏ, sau này nếu có người nào tốt, trẫm sẽ để ý giúp cho, bây giờ hãy còn chưa vội.

Nghe giọng điệu của y thì có vẻ còn chưa muốn buông tay, thế nhưng tôi cũng chẳng thể nói gì thêm được, chỉ đành gật đầu. Ngọc Nhiêu cười, nói:
Tỷ tỷ quá lo rồi, Ngọc Nhiêu là người ngốc nghếch, Hoàng thượng thì đã có một bông hoa giải ngữ như tỷ tỷ ở bên, sao còn ôm tâm tư đó được. Có điều tỷ tỷ nói không sai, Ngọc Nhiêu ắt không cam tâm làm thiếp cho người ta, sau này trừ phi không nói gì tới chuyện cưới gả như tam tỷ, bằng không quyết phải đi qua cửa chính mà vào nhà chồng.
Những lời này toát ra một vẻ kiên định vô cùng, nói xong Ngọc Nhiêu liền vỗ tay mấy cái, cầm chén trà trên bàn lên uống một hơi cạn sạch.

Muội muội của nàng đúng là một nữ tử có cá tính.
Trước khi rời khỏi Nhu Nghi điện, Huyền Lăng đã khẽ thở dài than một câu như thế.
Vừa ra khỏi điện, chợt có tiếng gõ mõ văng vẳng vọng lại, giữa buổi chiều tịch mịch thực là nổi bật vô cùng, nghe như những tiếng thở dài xen giữa tiếng mưa rơi, người nghe thấy không ai là không sinh lòng chua xót. Huyền Lăng tò mò hỏi:
Nàng vừa mời pháp sư của Thông Minh điện tới đây sao?

Tôi cay đắng lắc đầu.
Hoàng thượng còn chưa gặp tam muội Ngọc Diêu của thần thiếp lần nào đúng không?
Hơi dừng một chút, tôi lại nói tiếp:
Không phải thần thiếp vô lễ, cố ý không để Hoàng thượng gặp tam muội, chẳng qua là sợ muội ấy thất lễ thôi.

Trong mắt Huyền Lăng thoáng qua một tia do dự, tôi liền dẫn y tới Ấn Nguyệt hiên, thấp giọng nói:
Tam muội không muốn gặp ai hết, Hoàng thượng cứ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào là được rồi.

Y khẽ gật đầu, dừng chân lại, dõi mắt nhìn bóng người mỏng manh như tờ giấy bên trong khung cửa sổ. Chỉ thấy Ngọc Diêu mặc một chiếc áo dài màu trắng thêu hoa văn hình dây mây, lúc này đang lặng lẽ quỳ trước am thờ Phật mà nhắm mắt tụng kinh, một tay lần tràng hạt một tay thì gõ mõ, mái tóc dài được búi qua loa sau đầu theo kiểu Thái hư kế, vì cả ngày không bước chân ra khỏi cửa nên sắc mặt toát ra một vẻ nhợt nhạt hết sức kỳ dị, bên trên hằn sâu dấu vết của sự đau thương, sầu muộn nhiều năm tích lũy, tuổi tác chẳng qua chỉ mới hai mươi nhưng đằng sau vẻ tiều tụy lại là một thần thái bình lặng khó mà dùng lời miêu tả.
Huyền Lăng chăm chú nhìn một hồi lâu, chợt lùi về phía sau vài bước, khẽ cất tiếng thở dài.
Nhìn thần sắc nàng ta, hình như đã không còn lưu luyến thế gian này nữa rồi.

Tôi cố nén những giọt nước mắt chừng như bất cứ lúc nào cũng có thể tuôn ra.
Ngọc Diêu cũng từng có một thời vui tươi, hoạt bát như Ngọc Nhiêu, nhưng giờ đã chẳng khác gì một khúc gỗ khô rồi.


Chẳng qua là một đoạn nhân duyên mà thôi, hà cớ gì phải như vậy?

Tôi ngập ngừng một chút, cuối cùng vẫn rưng rưng nước mắt nhìn y.
Khi tu hành ở chùa Cam Lộ, thần thiếp chưa chắc đã hơn Ngọc Diêu được bao nhiêu.

Y nắm lấy bàn tay tôi, vẻ áy náy lại càng thêm rõ ràng.
Là trẫm không tốt.

Một làn gió nhẹ thổi tới mang theo hương hoa thoang thoảng, mưa vẫn rả rích rơi, hai chúng tôi nhìn nhau chăm chú, thấy được cái bóng của mình trong mắt đối phương nhưng bộ dạng của cả hai đều chẳng còn giống như ngày trước. Tình đã không phải là thứ tình cảm đó, còn người, rốt cuộc vẫn là con người trước mắt đây, từng chút ký ức thuở xưa lần lượt hiện về, muôn vàn nỗi cảm thương vương vất kề bên, hai con người đều im lặng không nói gì.

Hoàn Hoàn...
Tiếng thở dài của y mang theo vô số niềm cảm khái và thương xót, khi ngoảnh đầu lại bất ngờ sững người ra, ánh mắt bị một cái bóng màu xanh biếc bên dưới giàn nho hút lấy, không cách nào dời đi được. Trong bộ đồ trắng muốt như hoa lê, trông Ngọc Nhiêu thật giống với tôi hồi trẻ, hoặc có lẽ nên nói là giống Chu Nhu Tắc. Mái tóc dài của muội ấy được búi lại thanh thoát theo kiểu Phi thiên kế, bên trên cài một cây trâm ngọc màu xanh, ngoài đó ra thì chỉ được điểm xuyết thêm bằng mấy bông hoa sơn trắng ngần như tuyết.
Lúc này, khuôn mặt trẻ trung của Ngọc Nhiêu hệt như một bông tường vi màu hồng vừa hé nở, bên trên còn đậu mấy giọt sương khiến người ta có cảm giác trước mắt như bừng sáng, nhưng giọng nói cất lên thì lại đượm nét u buồn:
Hoàng thượng, người muốn biết tại sao tam tỷ lại như vậy không?

Giọng nói ấy mang đầy nỗi buồn thương, tựa như một làn khói mỏng bất cứ lúc nào cũng có thể bay đi mất, cho tới khi Ngọc Nhiêu xuất giá, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất muội ấy nói chuyện với Huyền Lăng bằng giọng dịu dàng như vậy. Trong mắt Huyền Lăng bừng lên một nét dịu dàng khó tả, kèm theo đó còn có một tình yêu nóng bỏng và sự mê say chỉ có ở người thiếu niên, chừng như có thể thiêu đốt tất cả.

Hoàng thượng có muốn nghe không?
Ngọc Nhiêu hỏi lại lần nữa.
Y vô thức buông tay tôi ra, dường như đang bước về phía một sự tín ngưỡng và khát khao nào đó.
Muốn.

Buổi chiều hôm ấy, suốt ba canh giờ cho tới khi trời sẩm tối, tôi đã dành trọn cái sân nhỏ bên ngoài Ấn Nguyệt hiên cho Huyền Lăng và Ngọc Nhiêu. Câu chuyện về Ngọc Diêu chỉ là một câu chuyện đơn giản, thế nhưng lại chứa đựng bên trong nỗi thương tâm cả đời của muội ấy. Bao điều khúc chiết Ngọc Nhiêu đều kể ra rất rõ ràng, nhưng Ngọc Diêu không thể nào nghe thấy. Ngọc Diêu lúc này sớm đã bị nghiền nát trái tim, chẳng muốn để tâm tới bất kỳ ai khác.
Tôi lẳng lặng rời đi, một mình đội ô ngồi trước Nhu Nghi điện. Lúc này còn chưa phải là giữa hạ, hoa sen trong hồ mới vừa nhú mấy nụ hồng, những phiến lá sen xanh biếc rung rinh trong gió, bầu không khí đượm vẻ thanh tân.
Đầu ngón tay truyền tới cảm giác hơi giá lạnh, ngồi đó một mình, một nụ cười hờ hững dần xuất hiện trên khóe môi tôi, chỉ là một Ngọc Nhiêu có dung mạo tương tự nàng ta mà thôi, vậy là đã đủ rồi. Tôi dần hiểu ra, năm xưa có lẽ y đã thật sự mang một mối tình sâu đậm tột cùng với nữ tử đó, chẳng trách mấy năm trước chỉ vì một chiếc áo mà có thể giận dữ điên cuồng đến vậy.
Có điều, tôi sẽ không còn thương tâm nữa, bởi giờ đây người sống giữa nơi thâm cung tịch mịch là Thục phi Chân thị chứ không phải là Chân Hoàn của ngày xưa. Mưa ngừng rơi, đằng chân trời như có một ngọn lửa bừng lên dữ dội, ánh hoàng hôn dần phủ khắp.
Đợi đến khi Huyền Lăng trở ra, sắc mặt y trông bình lặng như chẳng có một tia xao động nào, Ngọc Nhiêu thì vẫn tỏ vẻ xa cách, hững hờ như trước, tựa một bông hoa ở mãi tận nơi xa.
Tôi hơi nhún người dõi mắt tiễn y rời đi, Ngọc Nhiêu thì lấy từ trong tay áo ra một miếng ngọc bội uyên ương màu trắng, cầm trong tay có cảm giác mát rượi. Muội ấy vừa nói vừa lộ vẻ bất an:
Y không tỏ ý gì cả, chỉ đặt cái này vào trong tay muội, nói là mấy hôm nữa sẽ tới lấy về.

Tôi trầm giọng hỏi:
Hoàng thượng lấy miếng ngọc bội uyên ương này ra từ chỗ nào?


Từ ngay trên người.

Tôi hít vào một hơi thật sâu, miếng ngọc bội này không ngờ lại được y xem trọng như vậy, ngay đến tôi cũng chưa từng nhìn thấy. Giữa sắc trời chiều mê ly, tôi kéo tay Ngọc Nhiêu, khẽ nói:
Trời tối rồi, chúng ta vào trong thôi.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hậu Cung Chân Hoàn Truyện.