Quyển 3 - Chương 21: Hỡi ôi khoảnh khắc buồn thương đầy lòng


Số từ: 10755
Nguồn: truyenfull
Tôi dồn mọi sự kiên nhẫn vào việc chờ mong đứa bé sắp ra đời kia, trong lòng thậm chí còn cảm thấy có chút may mắn, sự thất sủng bây giờ vừa hay giúp tôi có thể tránh khỏi những sự tranh đấu khi mang thai, được sống một cuộc sống bình yên tạm thời.
Ngày tết Trùng Dương, theo lệ thường, các phi tần trong cung đều phải đi vấn an Thái hậu, tôi hiện đang bị cấm túc, tất nhiên không thể đi được, liền chuẩn bị bánh ngọt và rượu hoa cúc bỏ vào trong một chiếc giỏ đựng đầy cành thù du đưa cho Phương Nhược, nhờ dâng lên Thái hậu giúp tôi, chúc Thái hậu thân thể an khang, an hưởng tuổi già.
Tối đến, Thái hậu sai Tôn cô cô đích thân tới thăm tôi, sau khi nhẹ nhàng an ủi mấy câu bèn nói:
Nương nương bây giờ đang có thai, quả thực đã phải chịu ấm ức rồi. Nếu có chỗ nào không tiện thì cứ bảo Phương Nhược nói với nô tỳ, nô tỳ sẽ dốc lòng dốc sức giúp đỡ nương nương.

Tôi hòa nhã nói:
Cũng không có gì, có điều hôm nay là tết Trùng Dương, vẫn hay huynh đệ lên cao đấy, đều cắm thù du thiếu một người[1], bản cung có chút nhớ người nhà mà thôi!

[1] Trích Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ, tác giả Vương Duy, dịch thơ Đông A.
Tôn cô cô thoáng ngây ra, ngay sau đó lập tức mỉm cười, khẽ nói:
Quy củ trong cung là khi phi tần có thai được tám tháng, mẹ đẻ sẽ được vào cung bầu bạn, chờ sinh nở. Tính toán thời gian thì bây giờ nương nương có thai cũng được bảy tháng rồi, nô tỳ sẽ nhắc người của phủ Nội vụ an bài cho mẫu thân và tẩu tẩu của nương nương là Bình Xương quận phu nhân và Tân Bình huyện quân vào cung.
Nghe vậy, tôi cảm thấy thư thái hơn nhiều, bởi biết được người nhà không vì tôi thất sủng mà bị liên lụy.
11
Đến cuối tháng Chín, tôi một lòng mong ngóng ngày mẫu thân và tẩu tẩu có thể vào cung bầu bạn với mình, nhưng phía bên phủ Nội vụ lại chẳng có chút tin tức nào. Tôi không khỏi cảm thấy nôn nóng, bèn hỏi Phương Nhược, nàng ta lại cứ ấp a ấp úng, phủ Nội vụ thì cũng thoái thác không chịu trả lời. Đúng lúc này, Lý Trường lại tới chuyển lời, nói gần đây trời lạnh, bảo tôi không cần phải ra ngoài tản bộ nữa, kẻo lại nhiễm phong hàn. Mà đám thị vệ canh gác bên ngoài Đường Lê cung cũng càng tỏ ra nghiêm khắc hơn. Tuy không biết đã xảy ra chuyện gì nhưng tôi cũng cảm thấy sự việc có vẻ không bình thường. Hết cách, tôi chỉ đành lựa dịp một gã tiểu thái giám của phủ Nội vụ đưa đồ tới mà gọi hắn lại.
Gã tiểu thái giám đó hiển nhiên là vừa mới tới, khuôn mặt nhìn rất xa lạ. Tôi lúc này đang ngồi đối diện với Hoán Bích, khâu một chiếc chăn nhỏ cho trẻ con đắp sau khi sinh, bên trên thêu hoa văn hết sức sặc sỡ, bắt mắt.
Gã tiểu thái giám đó quỳ trên mặt đất, tôi ôn tồn hỏi:
Ngươi tên là gì? Sao lúc trước ta chưa từng gặp?

Hắn dập đầu một cái, có chút rụt rè thưa:
Nô tài là Tiểu Quý Tử, vừa mới vào phủ Nội vụ chưa lâu, vốn hôm nay phải là Hoàng đại ca đưa đồ nhưng huynh ấy lại đột nhiên đau bụng, do đó mới đổi thành nô tài đưa đồ đến cho nương nương.

Hoán Bích thấy tôi nháy mắt ra hiệu, vội đỡ hắn dậy, ân cần nói:
Ngươi vất vả rồi, chỗ bạc vụn này là nương nương nhà ta thưởng cho ngươi đi uống trà.

Tiểu Quý Tử hết sức mừng rỡ, vội vàng khấu đầu tạ ơn. Tôi cười tủm tỉm, nói:
Chút bạc này không tính là gì, đợi khi người nhà của bản cung vào cung, bản cung sẽ thưởng thêm cho ngươi thật hậu.

Hắn có chút nghi hoặc, ngẩng đầu nói:
Tạ ơn nương nương ban thưởng. Nhưng gần đây nô tài không nghe các vị công công nói có vị mệnh phụ nhà nào sắp vào cung, nếu người nhà của nương nương tới, nô tài nhất định sẽ thông báo thật sớm.

Tôi không khỏi cảm thấy nghi hoặc và lo lắng, nhưng ngoài mặt vẫn không thể hiện ra, tươi cười nói:
Phải rồi, trước đây ngươi làm việc ở đâu vậy?

Hắn đáp:
Nô tài cũng là người của phủ Nội vụ, có điều trước đây chỉ chuyên đưa trà đưa nước cho các thị vệ giữ cửa bên ngoài thôi.

Tôi thầm mừng rỡ, từ chỗ đám thị vệ giữ cửa bên ngoài nhất định có thể nghe ngóng được rất nhiều tin tức, bèn nói:
Bản cung vốn là con gái nhà họ Tăng, chẳng phải gia đình hiển hách gì, chắc người nhà khó mà vào được cung thăm nom, đâu có được như mấy vị mệnh phụ của Chân phủ, thường xuyên có thể vào cung.

Tiểu Quý Tử chớp mắt mấy cái, nói:
Nô tài tuy không biết Tăng đại nhân nhậm chức ở đâu, nhưng nhất định là đang bình an phú quý. Chỉ là Chân phủ ngày xưa còn phong quang, nhưng bây giờ thì khác rồi. Hai ngày trước, nô tài hay tin Thị lang Bộ binh Chân đại nhân đã bị đày vào đại lao.
Trái tim tôi đập thình thịch, sắc mặt biến đổi hẳn, nhưng hắn vẫn làu bàu nói tiếp:
Không chỉ có vậy thôi đâu, ngay đến chức Đô thống Vũ Lâm quân và Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ của y cũng mất rồi, mà chức Thượng thư bộ Lại của Chân lão đại nhân cũng không giữ được, tuổi đã cao như vậy mà còn bị giam lỏng trong nhà, đến chức phong cáo mệnh của các vị phu nhân cũng đã bị phế bỏ, còn làm liên lụy đến nhà thông gia Tiết đại nhân.

Giọng nói của tôi đã hơi run rẩy nhưng vẫn cố kìm nén:
Sao lại như vậy nhỉ? Chân phủ không phải đã lập được công lớn trong việc bình định Nhữ Nam Vương sao?

Hắn vẫn không phát hiện ra điều gì, tươi cười nói:
Nương nương không biết đó thôi, lập được công lớn không có nghĩa là sẽ mãi mãi được yên ổn, gia tộc Mộ Dung của Hoa Phi nương nương và Nhữ Nam Vương không phải là ví dụ rõ ràng nhất đó sao? Chân đại nhân đã bị người ta tố cáo rồi!

Tôi còn chưa kịp mở miệng, mặt Hoán Bích đã tái nhợt, đôi môi hơi run rẩy, nàng ta giành nói trước:
Là bị ai tố cáo vậy?

Tiểu Quý Tử thấy Hoán Bích như vậy thì rất sợ hãi, không dám nói gì thêm. Hoán Bích làm sao nhịn được, trong lúc nôn nóng liền nắm chặt lấy cánh ta hắn, quát lớn:
Mau nói đi!

Tiểu Quý Tử không cự lại được, đành trả lời:
Là Phó đô thống Vũ Lâm quân Quản đại nhân.

Hoán Bích nôn nóng nói:
Nói bậy! Nhà họ Quản không phải sắp kết thành thông gia với nhà họ Chân sao, Quản đại nhân sao lại đi tố cáo Chân đại nhân được?

Tiểu Quý Tử vội vàng biện bạch:
Việc trên quan trường nô tài làm sao biết được rõ ràng, có điều chuyện này từ nửa tháng trước người ta đã bàn tán xôn xao rồi, nô tài không nói bừa đâu!

Nửa tháng trước? Chỉ có tôi là bị giấu giếm thôi sao?
Hoán Bích đang định nói tiếp, Tiểu Quý Tử đã viện bừa một cái cớ rồi vội vã rời đi. Tôi ngẩn ngơ ngồi xuống, cây kim trong tay đâm thẳng vào ngón tay. Hoán Bích
úi chao
một tiếng, vội vã lấy một chiếc khăn trắng ra quấn chặt lại giúp tôi, nước mắt rơi lã chã.
Nương nương, bây giờ chúng ta phải làm sao đây?

Tôi cố sức kìm nén không để nước mắt rơi xuống.
Được! Được lắm…
Lời còn chưa dứt, trong bụng đã truyền tới cơn đau dữ dội, khiến tôi không sao nói thành lời, cố giữ bình tĩnh bảo:
Mau đi mời Ôn thái y…

Ôn Thực Sơ hầu hạ tôi uống thuốc an thai xong, Cận Tịch đắp chăn cho tôi, hỏi:
Ôn đại nhân, nương nương không có vấn đề gì đáng ngại chứ?

Ôn Thực Sơ hơi cau mày, đáp:
Vấn đề đáng ngại là không có, chỉ là ta có mấy lời muốn hỏi nương nương.

Trong bụng vẫn còn cảm giác đau nhói, tôi miễn cưỡng gật đầu:
Bản cung cũng có lời muốn hỏi Ôn đại nhân.

Cận Tịch lẳng lặng cất bước ra ngoài, tôi thấy Hoán Bích lộ vẻ lưu luyến, biết rằng nàng ta không yên tâm, thế là bèn giữ lại. Ôn Thực Sơ nửa như trách móc nửa như quan tâm, hỏi:
Nương nương có gì mà phải kích động như vậy, đến nỗi làm ảnh hưởng tới thai khí?

Tôi gắng gượng ngồi dậy, nhìn thẳng vào mắt hắn.
Hôm nay có người nói với bản cung về chuyện nhà của bản cung, đại nhân ngày ngày đều có thể ra vào cung, chắc hẳn cũng biết rõ.

Hắn nôn nóng nói:
Nương nương đã biết hết rồi sao? Kẻ nào mà lớn mật như vậy?

Ta chợt bật cười.
Đại nhân quả nhiên đã biết cả. Dù bản cung không hỏi, nhất định cũng sẽ có người tìm đủ mọi cách để nói cho bản cung biết.

Hắn nói:
Thứ nhất là Hoàng thượng đã dặn dò, thứ hai là vi thần lo rằng nương nương không thể chịu đựng nổi sự đả kích này.

Tôi khẽ cười yếu ớt.
Nhưng bây giờ bản cung đã biết cả rồi, ngài còn định giấu giếm đến khi nào nữa?

Hắn mím chặt môi, tôi chỉ bình tĩnh nhìn hắn. Đương nhiên, đằng sau vẻ ngoài bình tĩnh ấy tâm trạng đang sục sôi như sóng cuộn. Tôi lúc này chỉ mong hắn sẽ nói với tôi rằng mọi việc đều là giả, mọi người trong nhà tôi đều bình yên, không gặp bất cứ chuyện gì bất trắc. Thế nhưng hắn lại nói:
Chân phủ đã hoàn toàn suy bại.
Hai hàm răng của tôi run rẩy, va vào nhau lách cách, y lén đưa mắt nhìn vẻ mặt tôi, muốn nói nhưng lại thôi.
Tôi cố nén cảm giác sợ hãi trong lòng.
Bản cung không sao, đại nhân nói đi.

Hắn nói tiếp:
Cả gia đình mất hết tước vị, đại nhân và thiếu phu nhân đều bị giam vào đại lao, lão đại nhân và lão phu nhân cũng bị liên lụy, chỉ được ở trong nhà, tình hình giống hệt như nương nương.


Giố hệt?
Nước mắt tôi tuôn rơi dào dạt.
Bản cung có thai nên mới được đãi ngộ thế này, cha mẹ của bản cung thì sao?
Hắn không trả lời. Tôi lại hỏi tiếp:
Vậy còn Trí Ninh thì sao, nó mới một tuổi, đang được người nào chăm sóc vậy?

Hắn lộ rõ vẻ buồn bã mà bất lực.
Tiểu công tử cũng phải ở trong nhà lao với cha mẹ.
Lòng tôi đau đớn không thôi, Trí Ninh mới chỉ là một đứa bé còn ở trong nôi, sao có thể chịu được nỗi khổ này. Ôn Thực Sơ kể hết nguồn cơn sự việc với tôi:
Quản Lộ tố cáo Chân đại nhân trong lúc bình mối loạn Nhữ Nam Vương đã chần chừ do dự, sau khi bình loạn lại nhiều lần kiêu ngạo cậy công, có ý kéo bè kết cánh với Tiết đại nhân, Quản đại nhân và Lạc đại nhân.


Chần chừ do dự?
Tôi vừa ngạc nhiên vừa kinh hãi.
Cớ gì mà nói vậy?


Nương nương còn nhớ vị Giai Nghi cô nương kia không? Cô ta chính là nhân chứng. Cô ta nói tuy nương nương có hiềm khích với Hoa Phi nhưng Chân đại nhân vì muốn giữ lấy sự vinh hoa phú quý, từng có ý tiếp cận Nhữ Nam Vương để chuẩn bị sẵn đường lui.

Tôi cả giận.
Lời nói đó không bằng không cớ. Chẳng lẽ Hoàng thượng lại tin?

Ôn Thực Sơ nói:
Ngày đó chuyện giữa đại nhân và Giai Nghi cô nương đã lan truyền khắp kinh thành, bây giờ có cô ta đứng ra làm chứng, mọi người khó lòng không tin.
Do dự một chút, y nói tiếp:
Nhưng đây vẫn chỉ là chuyện nhỏ, chủ yếu là sau chuyện Nhữ Nam Vương, Hoàng thượng khá đề phòng các công thần, không hề trọng dụng, duy có Chân đại nhân là cá biệt, vậy nhưng bây giờ lại có lời đồn như thế, mà mối loạn Nhữ Nam Vương mới qua chưa bao lâu, do đó Hoàng thượng hết sức để bụng. Hơn nữa, Quản đại nhân và Chân đại nhân không phải chỉ mới giao hảo một, hai ngày, còn gần như đã kết thành thông gia, lại là đồng liêu…
Hắn không nói tiếp nhưng tôi thì lại biết, Huyền Lăng nhất định đã tin.
Y vốn tính đa nghi, ngày đó ở Thủy Lục Nam Huân điện chỉ vì một câu nói của Tào Cầm Mặc mà đã nghi ngờ tôi và Huyền Thanh rồi. Sau chuyện Nhữ Nam Vương, y vẫn luôn chú ý không đặc biệt trọng dụng các công thần, mà đối với con gái của các công thần trong cung cũng không sủng ái lắm, tất cả chỉ vì tránh vết xe đổ của Hoa Phi. Lời tố cáo của Quản Lộ câu nào cũng phạm vào điều kiêng kỵ của y, lại có cả nhân chứng, y sao có thể không tin được đây.
Còn Giai Nghi, khi xưa tôi chỉ dặn dò tẩu tẩu và ca ca hãy dùng mưu kế để mê hoặc kẻ địch, hy vọng có thể khiến đám người Nhữ Nam Vương buông lỏng sự cảnh giác với ca ca, nhưng lại chưa từng an bài việc lựa chọn loại nữ tử nào. Cô ả Giai Nghi đó, tôi tất nhiên chưa từng gặp, chỉ biết cô ta hơi giống Lăng Dung, lại biết ca ca đã an bài ổn thỏa tương lai cho cô ta rồi, còn quá trình bên trong, tôi ở trong cung tất nhiên không thể nào tường tận. Lẽ nào… Giai Nghi là do người khác cố tình an bài từ trước, đợi tới lúc này mới xuất chiêu?
Trái tim tôi bất giác trở nên băng giá, bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình phía sau, chúng tôi lần này đã trở thành bọ ngựa trong mắt người khác rồi. Mà không chỉ có tôi và ca ca, toàn bộ nhà họ Chân đều đã bị người ta bày mưu hãm hại.
Thật nhanh biết mấy, tất cả đều đã hoàn toàn đảo lộn, bao gồm cả sự thất sủng của tôi và sự suy bại của nhà họ Chân.
Ôn Thực Sơ nói:
Nương nương còn đỡ, dù sao cũng không bị liên lụy, nhưng xin nương nương đừng hành động theo cảm tính. Thụy Tần tiểu chủ tâm khí cao vời, hết sức thoát tục, vì việc phụ thân là Lạc đại nhân hàm oan vào ngục mà đã tự vẫn để giãi bày, tỏ sự thanh bạch.

Tôi cả kinh, kỳ thực giữa tôi và Thụy Tần vốn chẳng có bao nhiêu giao tình, nàng ta vẫn luôn thanh cao rất mực, chẳng thèm tranh đua với người khác, cũng không giao hảo với ai, cư xử với mọi người đều hờ hững, tựa như một bông thủy tiên, hết sức cương liệt.
Tôi tuy chưa từng gần gũi với nàng ta nhưng lại ôm lòng tán thưởng. Đâu ai ngờ…
Ôn Thực Sơ thấy tôi lộ rõ vẻ quan tâm, nét tiếc thương trên mặt lại càng thêm nồng đậm.
Hoàng thượng vốn hết sức xúc động, nhưng nghe nói hôm đó An Phương nghi hầu hạ kề bên thánh giá, nghe tin Thụy Tần chết liền sợ đến nỗi bật khóc, khi nói năng dường như có ý cho rằng Thụy Tần tiểu chủ lấy cái chết để uy hiếp Hoàng thượng, Lạc đại nhân rõ ràng là có tội chẳng sai!

Lăng Dung! Tôi không kìm được nghiến răng nghiến lợi, Thụy Tần không có hiềm khích gì với nàng ta, hà tất phải làm như vậy?
Sau khi Ôn Thực Sơ rời đi, tôi im lặng hồi lâu, Hoán Bích mặt đầy nét sầu ngồi bên cạnh tôi, thút thít khóc lóc.
Tôi nói:
Khóc thì có ích gì!

Hoán Bích miễn cưỡng ngừng khóc, nghi hoặc hỏi:
Nương nương, tên Tiểu Quý Tử đó nói mới vào phủ Nội vụ chưa lâu, lại không biết tiểu thư họ Chân, bị chúng ta tùy tiện lừa gạt là họ Tăng cũng chịu tin, sao lại biết rõ quan chức của công tử như thế?

Tôi khẽ
hừ
một tiếng, bàn tay nắm chặt mép chăn.
Muội tin hắn là người mới sao? Hoàng thượng đã ‘xem trọng’ Đường Lê cung này của chúng ta như vậy, phủ Nội vụ sao có thể tùy tiện phái một tên tiểu thái giám chẳng có chút kinh nghiệm nào đến đây, rõ ràng là có người muốn miệng của hắn nói với chúng ta những tin tức này. Nếu tâm trí của ta yếu đuối hơn một chút thôi, đứa bé này e là không giữ được rồi.

Tất cả mọi sự oán độc sau nháy mắt đã trào dâng trong lòng, khiến tôi cảm thấy hết sức cay đắng, hồi lâu sau mới bật thốt ra được một câu:
Bọn họ thật ác độc!

Tôi trở mình bước xuống giường, lấy từ trong ngăn kéo ra một tờ giấy viết thư màu vàng nhạt, nhưng lại không động bút, nỗi oan khuất trong lồng ngực trào dâng, nước mắt làm ướt nhòe tờ giấy. Mang theo nỗi căm phẫn tột cùng, tôi viết xong bức thư, cẩn thận cất vào phong bao, nói với Hoán Bích:
Đợi lát nữa Phương Nhược tới, muội hãy thay ta giao thứ này cho nàng ta, nhờ nàng ta trình lên Hoàng thượng.
Rồi tôi thầm nghĩ, bây giờ chẳng phải ngày xưa, Huyền Lăng chưa chắc đã chịu tin, liền khẽ thở dài một tiếng, đặt chiếc nơ đồng tâm mà này đó y tặng tôi lên trên bức thư.
Nhớ dặn Phương Nhược, nhất định phải đưa tới nơi.

Hoán Bích biết việc này không thể xem nhẹ, trịnh trọng nói:
Nô tỳ hiểu rõ.

Tôi chỉ biết chờ đợi trong nôn nóng, nhìn vầng thái dương chầm chậm ngả về tây, ráng chiều phủ khắp đất trời, khi làn gió đêm thổi sáng những vì sao, dạ dày tôi chợt truyền tới một cơn đau dữ dội, tựa như đã uống quá nhiều rượu trong cơn khát. Sự an nguy sống chết của cả gia đình lúc này đều phụ thuộc vào việc Huyền Lăng có chịu gặp tôi hay không.
Khi vầng trăng lên đến đầu ngọn liễu, chiếc kiệu rốt cuộc đã tới bên ngoài cửa cung. Lý Trường đích thân đi tới, cung kính nói:
Nương nương, Hoàng thượng mời người dời gót tới Nghi Nguyên điện.

Tôi thoáng ngẩn ra, rốt cuộc đã tới rồi, bèn nói:
Công công đợi một chút, bản cung thay xiêm y xong sẽ ra ngay.

Thế nhưng khi nhìn mình trong gương, tôi không khỏi thầm kinh hãi, đôi gò má đã hốc hác đi nhiều, hơn nữa còn trắng bệch, xương quai xanh nhô hẳn ra ngoài, khiến chiếc áo dài màu xanh da trời trở nên trống rỗng, ngợp một vẻ giá lạnh. Tôi thực đã gầy đi quá nhiều, duy có đôi chân là sưng húp lên, chỉ còn lại sự tiều tụy, chẳng thấy có chút gì là đẹp đẽ.
Tôi vô cùng hoang mang, Huyền Lăng xưa nay vẫn luôn khen ngợi vẻ đẹp của tôi, giờ thấy tôi thế này, hắn sẽ sinh lòng chán ghét. Tôi bèn tô điểm một chút phấn son, nhưng phấn son hình như nổi hẳn lên trên mặt, chẳng hề chân thực. Cầm hộp son trong tay, tôi ngây ra, dù có đẹp đến mấy thì trong mắt y, tôi cũng chỉ là một cái bóng của người khác mà thôi, tôi hà tất phải cố ra vẻ kiều diễm làm gì, nét tiều tụy mới thích hợp với tình cảnh lúc này và dễ đánh động trái tim hơn.
Thế là tôi bèn khoác lên người một chiếc áo ngoài màu tím thẫm, dùng trâm ngọc và lược vàng bới tóc lên, bám vào tay Cận Tịch vội vã bước lên kiệu.
Quả thực đã lâu lắm rồi tôi không tới Nghi Nguyên điện, Lý Trường dẫn tôi vào Tây thất, khẽ nói:
An Phương nghi vừa mới đi, Hoàng thượng đang ở một mình trong đó đợi nương nương đấy!

Tôi chỉnh lại quần áo một chút, để Phương Nhược đỡ vào trong, vừa vào đến bên trong, nàng ta đã lập tức lui ra ngoài. Huyền Lăng quay lưng về phía tôi, hình như đang dụng tâm xem thứ gì đó, nghe thấy tiếng bước chân của tôi, y cũng chẳng buồn ngoảnh lại. Tôi khom người hành lễ một cách khó khăn.
Hoàng thượng kim an!

Sau một thoáng tĩnh lặng, y xoay người đỡ lấy tôi, trầm giọng nói:
Thân thể không tiện, không cần phải hành lễ.
Tôi tạ ơn, y lại nói:
Phương Nhược nói sau khi có thai, nàng vẫn thường hay nằm mơ, bây giờ ngủ có ngon hơn không?

Tôi rủ rỉ nói:
Hoàng thượng có từng tận mắt nhìn thấy thần thiếp nửa đêm nằm mơ không?
Y thoáng ngẩn ra, tôi đã nói tiếp:
Vậy mà chỉ bằng lời từ một phía của Phương Nhược, Hoàng thượng đã tin là thần thiếp ngủ không ngon rồi, không hề hỏi thái y xem đã kê An hồn tán cho thần thiếp dùng chưa, thần thiếp đã mơ thấy những gì.

Y hơi trầm nét mặt.
Nàng muốn nói gì?

Tôi vẫn thản nhiên như thường, chậm rãi nói:
Thần thiếp chỉ muốn nói, không thể nghe lời từ một phía rồi tùy tiện đưa ra định luận.

Y chỉ nói:
Nàng ngủ có ngon không?

Tôi hết cách, đành đáp:
Mấy tháng đầu quả là khó lòng ngủ nổi, bây giờ đã đỡ hơn một chút rồi!

Y cười hờ hững.
Vậy lời của Phương Nhược cũng không phải là sai.

Tôi đau đớn lắc đầu, nói:
Hoàng thượng, Phương Nhược cô cô không hề có ý lừa dối Hoàng thượng, nhưng thần tử trong triều, vì thù hằn đấu đá, không phải ai cũng có thể vô tư thành thật đâu!

Y đỡ tôi ngồi xuống, hòa hoãn nói:
Nàng tìm đủ mọi cách cầu kiến, vậy mà chẳng hỏi xem trẫm có khỏe không, chỉ nói những lời này thôi sao?

Y có khỏe không ư? Tôi hờ hững ngước mắt lên, từ sau khi bị cấm túc, tôi chưa từng gặp y lần nào, bây giờ đột nhiên gặp lại chỉ bởi vì tính mạng của gia đình tôi đều nằm trong bàn tay y, đây thực là một tình cảnh khó xử biết chừng nào.
Trong lòng tôi nào còn chút hơi sức để nghĩ xem y có khỏe không. Nhìn y bây giờ vẫn giống hệt ngày trước, chỉ là trong mắt có thêm một tia tàn bạo, đầy vẻ lạnh lùng. Những ngày xa cách vừa qua, tôi chỉ cảm thấy ngẩn ngơ và đờ đẫn, dường như không còn nhớ nữa, nhưng khi gặp mặt, con tim lại vẫn xao động, nước mắt bất giác rơi lã chã.
Nhìn thấy tôi rơi nước mắt, trông y có vẻ ôn hòa hơn phần nào, khẽ buông tiếng thở dài.
Tội đại bất kính với Thuần Nguyên Hoàng hậu ngày đó, nàng đã biết tội chưa?

Câu nói ấy đã khơi dậy nỗi đau đớn và nhục nhã nơi đáy lòng tôi, phải cố gắng lắm tôi mới kìm nén được, chỉ nói:
Nếu thần thiếp nói mình không cố ý, Hoàng thượng có tin không?

Giọng nói của y trở nên cứng đờ:
Sai chính là sai, vô tình cũng được, hữu ý cũng thế.

Tôi ngẩn ra, trái tim như bị người ta tàn nhẫn cào xé, đau đớn đến khó tả, nước mắt cũng ngừng rơi, rơm rớm lệ, cười nói:
Không sai, không sai, quả là lỗi của thần thiếp.
Tôi quỳ xuống.
Thần thiếp mạo phạm tiên Hoàng hậu, tội nghiệt nặng nề, nguyện bị cấm túc cả đời, không gặp lại Hoàng thượng lần nào nữa. Chỉ mong Hoàng thượng hãy thẩm xét lại án của huynh trưởng thần thiếp, chớ để người tốt phải hàm oan.
Tôi lại ngẩng lên.
Hoàng thượng, cũng xin niệm cái tình Thụy Tần đã chết.

Y nhìn tôi chằm chằm:
Vừa rồi nàng nói lời từ một phía không thể tin hoàn toàn, trẫm chưa chắc đã tin lời của Quản Lộ, nhưng Giai Nghi là ai, lẽ nào không phải là do nàng an bài cho huynh trưởng của nàng? Bây giờ cô ta cũng đã đứng ra làm chứng. Mà huynh trưởng của nàng quả thực có qua lại thân mật với hai người Tiết, Lạc, Thụy Tần thậm chí từng vì việc nàng bị cấm túc mà cầu xin trẫm mấy lần. Theo trẫm biết, nàng ta ở trong cung chưa từng qua lại với nàng, nếu không vì được phụ thân nhờ cậy, hà tất phải giúp nàng như thế?

Tôi không biết tại sao Thụy Tần lại giúp mình, lẽ nào chỉ vì cuộc tán gẫu bên bờ hồ Thái Dịch từ rất lâu trước đây? Tôi quả thực chẳng biết phải giải thích thế nào, mà đối với Giai Nghi, trong lòng tôi còn quá nhiều điều nghi hoặc.
Giọng nói của Huyền Lăng lạnh lùng vang lên bên tai tôi:
Huynh trưởng của nàng thực chẳng thể tính là bị oan uổng!

Tôi tranh biện:
Dù như thế, tẩu tẩu cũng chỉ là một nữ lưu, Trí Ninh cũng còn quá nhỏ…
Tôi nghẹn ngào nói:
Huynh trưởng của thần thiếp vốn chẳng có công lao gì với xã tắc, chuyện bên ngoài cũng hết sức kỳ lạ, thần thiếp không thể biết được rõ ràng. Nhưng lòng trung thành của huynh trưởng thần thiếp với Hoàng thượng, lẽ nào Hoàng thượng chẳng để tâm tới chút nào sao?

Trong mắt y thoáng qua mấy tia lo nghĩ, dừng lại trên một bản tấu chương, ánh mắt sáng tối bất định.
Thanh Hà Vương xưa nay chẳng hỏi gì tới chính sự, vậy mà cũng dâng biểu nói giúp huynh trưởng của nàng…
Trái tim tôi bất giác giật thót, lẽ nào Huyền Lăng lại hoài nghi ca ca và Thanh Hà Vương cấu kết với nhau? Y nói tiếp:
Vợ chồng Chân Viễn Đạo tuổi tác đã cao, trẫm có thể nhẹ tay xử lý, nhưng huynh trưởng của nàng phạm tội tày đình, không thể dung tha được.
Y có chút không đành lòng.
Tẩu tẩu và cháu của nàng sá nay trẫm đã ra lệnh thả, nhưng mệnh trời thế nào, trẫm cũng không biết được.

Lời của y hết sức kỳ quặc, tôi nghe mà tim đập chân run.
Tại sao Hoàng thượng lại nói như vậy?

Y thở dài, nói:
Tẩu tẩu và cháu của nàng khi ở trong ngục đã bị sốt rét, An Phương nghi hết lòng cầu xin, thậm chí còn bằng lòng để viên quan y phục vụ mình đến chữa trị cho bọn họ, trẫm đã phái hắn đi rồi.

Đầu lưỡi tôi run lẩy bẩy, trong ngục ẩm ướt, nhưng bây giờ đã là tháng Mười, sao có thể dễ dàng bị sốt rét được, đây là bệnh có thể lấy mạng người đấy! Huống chi để viên quan y bên cạnh An Lăng Dung đi chữa trị, tôi lại càng không thể yên tâm. Tôi đau đớn kêu lên:
Hoàng thượng…

Y đỡ lấy vai tôi, nói:
Có thái y ở đó, mẹ con bọn họ nhất định sẽ được tận tình chữa trị.
Y dừng lại một chút.
Nhưng huynh trưởng của nàng kéo bè kết cánh, trẫm đã hạ chỉ rồi, sung quân đến Lĩnh Nam. Phụ thân của nàng bị biếm làm Thứ sử Giang Châu, phái tới vùng Xuyên Bắc, đây cũng coi như là trẫm niệm tình ông ta đã phải vất vả cả đời.

Lĩnh Nam và Xuyên Bắc một nam một bắc cách trở xa xôi, Lĩnh Nam nhiều chướng khí, Xuyên Bắc đồi núi gập ghềnh, đều là nơi rừng thiêng nước độc, phụ thân tuổi tác đã cao, sao chịu được nỗi khổ như thế? Hơn nữa Ngọc Diêu và Ngọc Nhiêu từ nhỏ đã được nuông chiều, phải lang bạt đến nơi xa như vậy, sao chịu nổi đây? Trong lòng tôi trào dâng nỗi căm phẫn tột cùng, nơi bụng lại truyền tới cảm giác nhói đau, tựa như có một con rắn bò qua bò lại.
Tôi buồn đau khôn tả, sự oán hận cũng khó lòng kìm nén thêm được, bèn ngẩng đầu, nhìn hẳng vào mắt y.
Hoàng thượng, rốt cuộc là người có chứng cớ rõ ràng hay chỉ vì chuyện Nhữ Nam Vương nên mới sinh ra nỗi ám ảnh trong lòng, luôn không yên tâm về người khác?

Y cả giận, giọng nói trở nên dữ dằn, lạnh lùng đến băng giá:
Nàng có biết nàng đang nói gì không?
Theo cơn giận dữ, y vung cánh tay ra, vô tình chạm vào giá sách bên cạnh. Một tờ giấy Tiết Đào[2] màu đỏ thẫm từ trên đống sách nhẹ nhàng bay xuống, va vào mặt tôi. Tôi vốn đang quỳ, liền tiện tay mở nó ra xem. Thế nhưng chỉ vừa mới nhìn lướt qua, thân thể tôi đã trở nên cứng đờ, tựa như đang nằm trên giường băng.
[2] Tiết Đào là một danh kỹ kiêm thi nhân nổi tiếng đời Đường, giấy Tiết Đào là một loại giấy chuyên dùng để viết thơ, viết thư do Tiết Đào thiết kế ra.
Tất cả chân tướng vốn chỉ là một vài lời nói vụn vặt, còn giờ đây những lời này đều được viết ra rõ ràng trên giấy, tuy sớm đã tỏ tường nhưng trái tim vốn nguội lạnh kia của tôi lại lần nữa ngợp trong cảm giác đớn đau.
Tôi cứ ngẩn ngơ nhìn chằm chằm vào đó, tờ giấy Tiết Đào đỏ thẫm bị tôi nhìn đến nỗi cơ hồ đỏ máu. Mạch đập của tôi dần trở nên dồn dập, trong lồng ngực chừng như có thứ gì đó bất cứ lúc nào cũng có thể nhảy vọt ra ngoài, trái tim tựa như rơi vào một hồ nước lạnh băng dịp tháng Chạp, cái cảm giác lạnh thấu xương đó khiến đôi tay tôi không kìm được lẩy bẩy run lên, như thể chiếc lá khô còn sót lại trên cành giữa làn gió thu, trong lòng có thứ âm thanh đang gào lên dữ dội: Không phải thế! Không phải thế! Uyển Uyển[3]! Uyển Uyển! Không ngờ lại là Uyển Uyển! Sai rồi, sai cả rồi, từ đầu đến cuối toàn là những sai lầm!
[3] Chữ
Uyển
này đồng âm với chữ
Hoàn
trong
Hoàn Quý tần
.

Gửi ái thê Uyển Uyển, nghĩ tới việc nàng đã ra đi, lòng ta xiết bao đau xót, thường ngày nhớ đêm mong, quên ăn quên ngủ. Hồi tưởng lại từng lời nói, tiếng cười của nàng thuở xưa, lòng ta đớn đau, nay làm bài Thuật bi phú để tỏ lòng thương nhớ. Mong hương hồn nàng trên trời có linh thiêng hãy hiểu cho nỗi khổ của ta, thường vào trong giấc mộng để giúp ta thỏa nỗi tương tư da diết. Ta dù có được Hoàn Hoàn, người con gái giống nàng, có thể tạm thời xua tan nỗi sầu đau, nhưng hiềm rằng ngoài chốn non Vu chẳng có mây[4].
[4] Trích Ly tư kỳ 4, tác giả Nguyên Chẩn, ý rằng đã thấy một cảnh đẹp tuyệt vời rồi thì chẳng còn thiết tha gì những cảnh đẹp khác nữa.
Cớ gì Kinh Dịch bắt đầu bằng càn khôn? Tại sao Kinh Thi đặt quan tuy lên trước nhất? Ấy là vì phu thê là khởi nguồn cho mọi mối nhân luân, càn khôn thì đại diện cho trời đất… Bóng hình nàng ở mãi trong ta, khiến lòng ta bồi hồi da diết. Phi tần lục cung nhiều sao kể xiết, ta nhìn mà chỉ nhớ đến nàng… Đau đớn thay, vật cũ bày ra nhìn ngắm, lòng lại nhớ đến cảnh tốt đẹp năm xưa, có lúc tâm thần phiêu đãng, bỗng đâu tức cảnh sinh tình, thổn thức làm sao. Cõi đời kia thực chỉ là giấc mộng, tỉnh mộng rồi vạn sự giai không. Hỡi ôi, sầu gì hơn nỗi sầu sinh ly tử biệt, đau gì hơn nỗi đau để mất ái thê, từ nay đằng đẵng cuộc đời ai cùng ta theo bước? Cung đn kia nay còn ai ở, rèm trướng kia trống trải xiết bao, gió xuân khẽ thổi, người đã chẳng còn, chỉ biết thở dài thống thiết, tỏ rằng: Gió xuân trăng thu đều đã ở đây rồi, ngày hạ đêm đông đến khi nào mới quay trở lại[5]?

[5] Bài Thuật bi phú này vốn do vua Càn Long viết để kỷ niệm người vợ kết tóc đã qua đời là Hiếu Hiền hoàng hậu, những chỗ ba chấm là phần bị lược bỏ – ND.
Bút tích của Huyền Lăng tôi vốn đã vô cùng quen thuộc, nhìn đến đoạn cuối cùng, bút lực dần trở nên yếu ớt, ngắt quãng, còn có vệt nước mắt lưu lại bên trên làm nhòe dấu mực, đủ thấy khi hạ bút, y đã thương tâm đến mức độ nào.
Ngoài chốn non Vu chẳng có mây, hay cho câu ngoài chốn non Vu chẳng có mây. Thì ra là nàng ta, không ngờ lại là nàng ta, tất cả mọi sự sủng ái tôi nhận được hóa ra đều là bởi nàng ta, bởi tôi và nàng ta có mấy phần giống nhau.
Ngày nhớ đêm mong, ngày nhớ đêm mong, những tiếng gọi chứa chan tình ý của Huyền Lăng trong giấc mộng, hóa ra đều là gọi nàng ta, gọi Thuần Nguyên Hoàng hậu Chu Nhu Tắc vốn đã qua đời.
Vậy, tôi được tính là gì đây?
Đôi tay tôi bất giác trở nên mềm nhũn, tờ giấy Tiết Đào nhè nhẹ buông rơi, đậu xuống chiếc thảm màu vàng. Dường như toàn bộ sức lực trong thân thể tôi đều đã bị rút cạn, chẳng còn lại chút nào, cứ thế ngồi bệt xuống đất. Ngoài cửa sổ, tiếng côn trùng rả rích không ngớt vang lên, một cây phong hững hờ tỏa bóng, màu đỏ tươi của nó khiến đôi mắt tôi nhói đau, cơ hồ nhìn thấy thứ gì khác nữa.
Lồng ngực tôi nhộn nhạo khó tả, cơn đau nơi bụng vì thế mà lại càng trở nên dữ dội hơn, dường như đứa bé trong bụng tôi cũng hiểu được sự ấm ức mà mẹ nó phải chịu, đang bất bình thay cho tôi.
Huyền Lăng nhặt tờ giấy Tiết Đào đó lên, sắc mặt đầy vẻ tiếc thương dịu dàng, ánh mắt dần dịu xuống, trong veo như một đầm nước thu. Ánh mắt đó chẳng hề dừng lại trên người tôi, chỉ có vẻ đang tập trung suy nghĩ, dường như đã đắm chìm vào dòng quá khứ đẹp đẽ ngày xưa, miệng hỏi:
Nàng biết rồi?

Tôi không trả lời, giờ còn gì để nói nữa đâu?
Huyền Lăng cất giọng cảm khái:
Kỳ thực có mấy phần giống với Uyển Uyển, đó cũng là cái phúc của nàng.

Tôi cơ hồ cười lạnh thành tiếng, vậy sao? Đó rốt cuộc là cái phúc của tôi, hay là sự bất hạnh? Tôi cảm thấy sau lần gặp mặt này, trái tim tôi đã hoàn toàn giá lạnh, tất cả mọi tình cảm cũng tan biến sạch. Y thực xa lạ biết bao, khiến người ta cảm thấy khó gần biết bao. Người sai không chỉ có Huyền Lăng, tôi cũng đã sai rồi, tình yêu trong bao năm nay đều giao phó nhầm người.
Cánh cửa kêu
két
một tiếng, mở ra, một thân hình nhỏ nhắn đi vào, nhìn thấy tôi cũng ở đây liền vội vàng lùi lại. Tôi gần như không còn nhớ được, nơi thư phòng này, ngoài tôi ra, Lăng Dung cũng có thể tùy ý ra vào.
Sắc mặt nàng ta kiều diễm mà tươi trẻ, hồng hào như ráng chiều, so với sự thương tâm và tiều tụy của tôi lúc này lại càng khiến người ta không đành lòng đưa mắt. Huyền Lăng gọi nàng ta lại, hỏi:
Có chuyện gì?

Nàng ta lúng túng đưa mắt nhìn tôi, muốn nói mà lại thôi. Huyền Lăng vốn không thích bộ dạng này, lập tức thúc giục mấy bận rồi nàng ta mới rụt rè nói:
Vừa rồi thái y tới bẩm báo, Chân thiếu phu nhân và tiểu công tử bị sốt rét quá nặng, đã không thể cứu được nữa rồi.
Nàng ta còn chưa nói xong, nước mắt đã giàn giụa, khiến người ta nhìn mà thấy thương xót.
Lăng Dung nói rồi liền bước tới đỡ tôi, nói với giọng hết sức quan tâm:
Tỷ tỷ đang có thai, ngàn vạn lần chớ thương tâm quá!

Tôi biết sự việc không đơn giản như vậy, giữa dòng nước mắt nhạt nhòa, tôi thấy khuôn mặt nàng ta trở nên méo mó, hết sức đáng sợ. Nàng ta thừa dịp ở ngay gần tôi, lẳng lặng ghé tai tôi, khẽ cười, nói:
Bọn họ không thể cứu được nữa rồi!

Tôi căm hận đến nỗi cơ hồ muốn hộc máu, đang định đẩy tay nàng ta ra, nơi bụng chợt truyền tới một cơn đau dữ dội, chừng như muốn nứt ra. Gió thu lạnh tựa băng, sương thu phủ đất trời, vầng trăng tựa một khuôn mặt quỷ quái, tất cả cùng lao về phía tôi. Bàn tay tôi mất hết sức lực, buông rũ xuống, cuối cùng tôi nhìn thấy mép váy đỏ tươi của mình, máu đỏ lan đi như dùng suối.
Đau quá, đau đến nỗi không thở nổi, tựa như đang bị muôn vàn con dao tùng xẻo trên người, đau đến thấu vào gan ruột. Trong cơn đau, thân thể tôi trở nên ướt nhẹp, dường như có muôn vàn dòng suối cuộn chảy trong thân thể tôi, những đốt xương như nứt ra từng chút. Là ai đang khóc, sao lại đớn đau như thế, khiến trái tim tôi trở nên bấn loạn, mỗi tất da thịt dường như đều đang nứt ra. Tôi cơ hồ có thể nghe thấy những tiếng
răng rắc
, có thứ gì đó chuẩn bị chui ra khỏi thân thể tôi.
Tôi chìm trong cơn hôn mê, giọng nói của vô số người đang thúc giục tôi…
Dùng sức! Gắng dùng sức!
Những bông hoa hạnh bay khắp trời, nhẹ nhàng rơi xuống thân thể tôi, tôi vì y mà hạ quyết tâm tham gia vào những cuộc tranh đấu trong hậu cung…
Đêm đầu tiên trong Nghi Nguyên điện, y ôm chặt thân thể tôi, thành khẩn nói:
Tâm ý của nàng trẫm coi như báu vật, ắt sẽ không phụ nàng.

Điệu Kinh hồng tung bay tha thướt, làm xao động trái tim y, hay là trái tim tôi? Mẹ nói, điệu Kinh hồng là để múa cho nam tử mà mình yêu xem.
Ngày hè trong Nghi Phù quán, y vẽ lông mày hình núi xa cho tôi, sắc mặt lộ vẻ mê đắm:
Thứ trẫm xem trọng là tình cảm của nàng.

Giữa đêm khuya, y cùng tôi ngồi bên ô cửa sổ, thắp đèn viết chữ làm thơ như những cặp phu thê trong gia đình bình thường. Giữa cảnh xuân sâu tựa biển, giữa những bông hoa lê trắng xóa như tuyết, y trang điểm cho tôi theo lối Giảo lê trang, rồi cất tiếng cười rộ.
Hoàn Hoàn, Hoàn Hoàn! Nàng đã có đứa con của chúng ta rồi, nàng có biết trẫm vui mừng thế nào không?

Trên mặt y ngợp nét cười, phong thái lại càng siêu phàm thoát tục, chỉ tay vào nhành hải đường trên búi tóc tôi, nói:
Trẫm và Hoàn Hoàn cũng đang tuổi thanh xuân tươi trẻ, hãy mãi ở bên nhau như hai bông hoa liền cành này.

Y cất giọng vô cùng trịnh trọng:
Dù chốn hậu cung có muôn ngàn giai lệ, trong lòng Tứ lang vẫn chỉ có duy nhất một Hoàn Hoàn thôi, không ai có thể thay thế được.

Y khẽ hôn lên vành tai tôi, thấp giọng nói:
Trẫm sẽ không để nàng rơi nhiều nước mắt thế nữa đâu.

Chuyện xưa như giấc mộng lần lượt hiện lên trong đầu tôi, rốt cuộc hóa thành sương tuyết, chỉ còn lại một mảng trắng lòa sạch sẽ.
Tôi cố gắng giãy giụa, gắng hết sức lực toàn thân.
Dường như có một niềm vui to lớn đang bao bọc lấy tôi, xung quanh là tiếng khóc vang trời của trẻ sơ sinh và những tiếng cười vui vẻ. Tôi mỏi mệt chìm vào giấc mộng, không còn sức mở mắt ra nữa.
Tôi nằm mơ một giấc mơ rất dài, mơ thấy vô số chuyện ngày xưa, vừa vụn vặt vừa rõ ràng. Vào cung mới bốn năm, vậy mà đã xảy ra biết bao chuyện, tựa như cả một cuộc đời.
Đợi khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng, Cận Tịch vừa vui mừng vừa buồn bã bước tới, tha thiết nói:
Chúc mừng nương nương, người đã hạ sinh một vị công chúa.
Rồi lại nói thêm:
Công chúa rất khỏe mạnh, trông xinh đẹp lắm!

Tôi vẫn còn có chút ngẩn ngơ, Công chúa?
Hoán Bích đứng bên cạnh, nói:
Nương nương làm nô tỳ sợ chết mất, người đã hôn mê một ngày một đêm rồi!

Tôi vô thức đưa tay sờ bụng, bụng tôi bây giờ phẳng lì, tôi sợ đến giật nảy mình, đứa bé của tôi biến mất rồi! Từng có một lần tôi cũng tỉnh dậy từ sau giấc ngủ như thế, và đứa bé của tôi đã chẳng còn trên cõi đời này!
Tôi cơ hồ muốn bật khóc thành tiếng, Cận Tịch vội bế đứa bé đến trước mặt tôi, nói:
Nương nương đừng nôn nóng, Công chúa ở đây.

Tôi bất giác thở phào một hơi, ôm chặt đứa bé vào lòng, nó nhỏ biết mấy, làn da trên mặt còn hơi nhăn và đỏ bừng, đôi mắt đang hé mở, giống tôi như đúc. Nó rất nhẹ, rất ấm áp, tôi mừng đến rơi nước mắt. Con gái của tôi, đây là con gái của tôi.
Hoán Bích chỉ tay vào nhũ mẫu, nói:
Đây là nhũ mẫu của Công chúa, Cận nương.

Đó là một người đàn bà đoan trang, khỏe mạnh với làn da trắng trẻo, thân hình phốp pháp, khi nói chuyện cũng thể hiện rõ sự thuần phác, dịu dàng. Cận Tịch nói:
Công chúa bị sinh non, còn chưa đầy tháng, thái y tới khám qua, nói là phải chăm sóc thật cẩn thận.

Tôi dù sao cũng vừa sinh nở xong, người hãy còn yếu, bế được một lúc đã cảm thấy mỏi, nhưng vẫn không nỡ buông đứa bé xuống. Cận Tịch ghé tai tôi, khẽ nói:
Hoàng thượng tới rồi, tới thăm nương nương đấy!

Tôi đang định dặn:
Bảo là ta thân thể không khỏe, không gặp được.
Ngẩng lên đã thấy Huyền Lăng bước vào điện, bèn ngoảnh đầu đi, không thèm nhìn y. Con người này, tôi không muốn gặp lại nữa.
Y đưa mắt nhìn tôi.
Vẫn giận sao? Lẽ nào nàng còn chưa hiểu thấu sự tình?

Tôi hết cách, đành nói:
Hoàng thượng muốn thần thiếp hiểu thấu điều gì?

Y tỏ ra có mấy phần cảm khái:
Nàng đã sinh cho trẫm một công chúa, còn muốn tiếp tục giận dỗi thế này nữa sao? Trẫm đã quyết định rồi, bất kể nhà họ Chân thế nào trẫm cũng sẽ không trút giận lên nàng, chỉ cần nàng bằng lòng, ngày mai trẫm sẽ hạ chỉ phong nàng làm chiêu nghi.

Tôi ngoảnh đi, nói:
Thần thiếp thất đức, không dám ở ngôi chiêu nghi.

Y bước tới gần tôi, dịu giọng khuyên nhủ:
Hoàn Hoàn, nếu nàng chịu, nàng vẫn sẽ là sủng phi của trẫm, trẫm sẽ đối xử với nàng như trước đây.

Tôi cười lạnh, cười đến không thể kìm chế được, lát sau mới dừng lại, nói:
Hoàng thượng cho rằng còn có thể sao?

Thần sắc sau nháy mắt đã trở nên lạnh lùng, y hờ hững nói:
Không sai, quả đúng là trẫm đã quá xót thương nàng rồi. Tâm tính nàng như vậy, thực không thích hợp ở lâu trong cung.

Cuộc sống trong cung tôi đã sớm chán ngấy rồi. Hận ư? Yêu ư? Đều đã không còn quan trọng nữa. Hoàng hậu và Lăng Dung, Hoa Phi và Dư thị, người tôi hận nhiều đến thế, liệu có giết hết được không? Tôi đã giết bao nhiêu người rồi, còn phải giết bao nhiêu người nữa, sợ là không có điểm dừng. Quanh tôi toàn là máu tanh và sự giết chóc, chẳng có tình cảm, cũng chẳng có lấy một chút chân tâm. Nhà đã tan rồi, người cũng chết rồi, tôi đã chán ghét đến cực điểm. Tôi nào còn muốn ở lại nơi này nữa, chi bằng quay về, chi bằng quay về.
Huyền Lăng nói tiếp:
Để trẫm nói với nàng, cha mẹ, anh em của nàng hôm nay đều đã khởi hành rồi.

Tôi chỉ thoáng ngẩn ra, nở một nụ cười thê lương.
Đa tạ Hoàng thượng!

Y lắc đầu, lộ vẻ chán ghét.
Nàng như thế này… Hãy tới Phật đường tĩnh tâm đi, không cần ở lại đây nữa.

Đúng thế, tôi không thể ở lại đây nữa, có một mẫu phi không được lòng phụ hoàng như vậy, có một gia tộc đằng mẹ suy bại đến thế này, con gái tôi sẽ vì tôi mà phải chịu rất nhiều nỗi giày vò và khổ sở.
Nhưng ở Phật đường… tôi sẽ phải ở cách con gái tôi rất xa.
Con gái tôi vẫn còn ở trong nôi, mọi việc trên đời nó chưa hề hay biết gì. Bao nhiêu mưu mô chước quỷ, bao nhiêu sóng gió ngợp trời trong chốn hậu cung nó chưa thể lĩnh hội được, và tôi cũng không thể để nó lĩnh hội. Người làm mẹ tôi đây sắp phải rời xa chốn hậu cung đã khiến tôi hao tổn gần như toàn bộ tâm lực và tình cảm, tương lai của nó, tôi đã không thể mang lại bất kỳ sự đảm bảo gì nữa rồi. Chuyện duy nhất tôi có thể làm bây giờ là giúp nó an bài mọi việc trong khả năng cho phép của tôi.
Nỗi đau đớn và nhục nhã lớn lao trong lòng tựa như những lưỡi dao sắc bén cứa lên da thịt, tôi cắn chặt bờ môi, trái tim chừng như muốn nhỏ máu. Thế rồi, tôi ngẩng lên, bình tĩnh nói:
Đứa bé này còn chưa được đặt tên, thần thiếp sắp đi rồi, tên của đứa bé xin cho phép thần thiếp được đặt. Mong Hoàng thượng thành toàn.

Ánh mắt y bình tĩnh đến nỗi gần như không có chút tình cảm nào, hồi sau mới nói:
Được!

Tất cả mọi nỗi chua xót sau nháy mắt đã trào lên cổ họng, tôi cố sức nuốt nước mắt vào trong, nói chậm rãi từng từ:
Hãy gọi là Oản Oản[6] đi.
Cứ nói được một chữ, trái tim tôi lại giống như bị cứa vào một nhát dao nhục nhã.
[6] Trong tiếng Hán, chữ
Oản
này đồng âm với chữ
Hoàn
trong
Hoàn Quý Tần
– ND.
Hai mắt y lóe sáng, bên trong ngợp một nỗi, chấn động, đau lòng và nhiệt tình khó mà miêu tả bằng lời, dường như có thể đốt cháy toàn bộ ánh trăng trên mặt đất, giọng nói trở nên hơi khàn khàn:
Uyển Uyển?

Nỗi đau đớn nơi đáy lòng cùng tiếng cười lạnh nơi kẽ răng cơ hồ bật thốt ra ngoài, trong lòng y, quả nhiên chỉ có một Uyển Uyển thôi! Nhưng rốt cuộc tôi vẫn kìm chế được, mỗi lời nói, cử chỉ của tôi lúc này đều có liên quan tới tương lai và sự an nguy của đứa bé trong lòng tôi, vì nó, tôi nhất định phải nhẫn nhịn.
Trong chăn có đặt một bình nước nóng dùng để sưởi ấm, vậy nhưng dường như chẳng còn chút nhiệt độ nào, vừa giá lạnh vừa ẩm ướt. Đôi chân tôi đã trở nên tê dại, duy chỉ có đầu óc là vẫn còn nhạy bén như cũ. Nụ cười thê lương đã không còn chịu sự khống chế của tôi, từ từ lan trên khóe môi của tôi:
Thần thiếp sao dám để Công chúa dùng nhũ danh của tiên Hoàng hậu, ấy là tội đại bất kính.
Có lẽ tự nơi đáy lòng tôi cũng không hy vọng con gái mình thật sự dùng chung tên với nàng ta, bèn chậm rãi nói:
Tóc dài trói lòng chàng[7], chuyện mà thần thiếp không làm được, chỉ mong Công chúa có thể. Tất cả những chuyện bất hạnh đã xảy ra với người mẹ vô dụng này, mong là đừng xảy ra với nó nữa. Trong quãng đời còn lại, thần thiếp nhất định sẽ ngày đêm ở bên ngọn đèn dầu với bức tượng Phật cầu xin cho nó được bình an.

[7] Trích Tử dạ ca, Tiều Thái. Theo phong tục cổ của Trung Quốc, vợ chồng trong đêm tân hôn mỗi người sẽ phải cắt một lọn tóc, dùng chúng buộc thành nút đồng tâm, tỏ ý mong tình chồng vợ được lâu bền, câu thơ chính là nói tới việc này – ND.
Y thoáng im lặng, sắc mặt dần hòa hoãn.
Kỳ thực nàng không muốn rời cung cũng được, có thể ở lại Thái miếu trong cung…

Thái miếu trong cung? Tôi kiên quyết cự tuyệt:
Thần thiếp mang tấm thân chẳng lành, thực không dám quấy nhiễu sự bình yên trong cung.

Sắc mặt y trở nên có chút khó coi, rồi không còn dị nghĩ gì nữa.
Nàng đi sớm cũng tốt, hoàng cung chẳng thể giữ nàng lại được nữa rồi!

Y đón lấy con gái từ trong tay nhũ mẫu, ôm chặt vào lòng, ánh mắt lộ vẻ thương yêu, khóe miệng nở nụ cười mỉm như một người cha hiền từ, chẳng hề liếc nhìn tôi đến một cái, chỉ dịu dàng gọi tên đứa bé:
Oản Oản… Oản Oản…
Tôi không biết khi y gọi như vậy, liệu có nhớ tới Thuần Nguyên Hoàng hậu không, có điều nhìn bộ dạng của y, quả đúng là yêu thương con gái vô cùng. Có một cái tên tương tự như vậy, con gái tôi sẽ được phụ hoàng của nó rất mực thương yêu, mà nó lại không phải con trai, tất nhiên sẽ không bị cuốn vào cuộc chiến tranh đoạt quyền thừa kế ngai vàng, có được một chút thương yêu này là đã đủ để nó không bị người ta coi thường rồi. Chỉ là nghĩ đến việc tiền đồ của con gái tôi lại phải dựa vào Thuần Nguyên Hoàng hậu, con người có tướng mạo hơi giống với tôi kia, trái tim tôi thực chua xót vô cùng, mà bên trong sự chua xót còn ngợp nỗi bi thương.
Tôi chỉnh sửa lại quần áo, trịnh trọng quỳ xuống, khấu đầu nói:
Thần thiếp còn một chuyện muốn cầu xin.

Ánh mắt y dừng lại trên mặt tôi, khẽ nói:
Nàng nói đi!

Nước mắt ầng ậng trong khóe mắt, tôi nhìn đứa bé, thầm nói: Con gái, mẹ phải đi đây, mẹ sẽ cố gắng an bài sẵn con đường sau này cho con, nhưng kết cục thế nào rốt cuộc vẫn phải dựa vào bản thân con, mẹ cũng chẳng thể làm gì hơn được. Rồi cất tiếng:
Kính Phi nương nương vào cung đã lâu, không có con cái, lại có tấm lòng của một người mẹ hiền, thần thiếp hy vọng sau khi mình xuất cung, Công chúa sẽ được giao cho Kính Phi nương nương nuôi dưỡng.

Y thoáng suy nghĩ rồi nói:
Hoàng hậu và Đoan Phi đều đã có con, Kính Phi đúng là có thể nhờ cậy được.

Tôi lại khấu đầu một cái thật sâu.
Vậy, thần thiếp không còn điều gì nuối tiếc nữa.

Tôi và y đều không nói gì thêm, những năm nay, tôi kỳ thực chưa từng thật sự hiểu y, mà y cũng chưa từng thật sự hiểu tôi. Đối với tôi, tôi rốt cuộc vẫn có điều mưu tính, mà y thì cũng chẳng khác gì.
Bầu không khí trong điện tĩnh lặng lạ thường, thỉnh thoảng lại có tiếng quạ thê lương vang lên giữa màn đêm, gió thổi cành cây bên ngoài cửa sổ phát ra những tiếng lào xào không ngớt. Ánh trăng chiếu qua ô cửa sổ vào phòng, để lại trên mặt đất những tia sáng lờ mờ, dìu dịu.
Tôi đưa tay ra bế con gái, dán sát mặt nó vào mặt mình. Nó còn chưa biết gì, vẫn nhắm chặt mắt ngủ say, khuôn mặt đỏ bừng. Một giọt nước mắt của tôi rơi xuống, nó vô thức chóp chép miệng, không biết có thể cảm nhận được một tia ngọt ngào từ bên trong giọt nước mắt đắng chát ấy không.
Vẻ mặt Huyền Lăng có chút ngẩn ngơ và buồn bã, nhìn bóng trăng rọi xuống đầy đất, y nói:
Lúc này, ánh trăng mông lung, vây ban cho Oản Oản phong hiệu là Lung Nguyệt đi.

Lung Nguyệt, đúng là một phong hiệu không tồi. Các Công chúa bình thường phải đợi tới ngày đầy tháng mới được ban phong hiệu, mà cũng chỉ là những chữ bình thường như hiền lương thục đức. Lung Nguyệt vừa ra đời đã có vinh dự này, đủ thấy Huyền Lăng rất thương yêu nó, mà ấy cũng là một sự an ủi với Kính Phi. Tôi không còn điều vướng bận gì nữa, lẳng lặng tạ ơn.
Y cũng cảm thấy tẻ nhạt, lại có chút cô đơn, ánh mắt vừa dịu dàng vừa lạnh lẽo, tựa những tia sáng lập lòe bất định. Những tháng ngày bao năm qua và chút tình cảm còn sót lại, cuối cùng ngưng tụ thành một câu:
Hoàn Hoàn, nàng còn có điều gì muốn nói với trẫm không?

Còn có điều gì để nói nữa đây, giữa tôi và Huyền Lăng, thật sự đã chẳng còn gì nữa rồi. Thế nhưng Hoàng đế đã hỏi chuyện, tôi không thể không trả lời. Hồi lâu sau, tôi khẽ đáp với giọng kiên quyết:
Dây đàn đứt, gương sáng vỡ, sương sớm khô, hương thơm tàn, người đầu bạc, thương nỗi biệt ly, mong chàng mạnh giỏi, mau mau quên thiếp, sông Cẩm mênh man, từ nay xin cùng chàng vĩnh biệt[8]!
Ngâm xong, tôi khấu đầu ba cái, không nói gì thêm.
[8] Trích Quyết biệt hư, Trác Văn Quân – ND.
Giọng nói của y có chút chua chát:
Được! Được! Đã như vậy, trẫm không còn gì để nói nữa. Nàng đã quyết ý đi, Lung Nguyệt, trẫm sẽ cùng Kính Phi nuôi nấng thật tốt!
Dứt lời, y liền phất tay áo rời đi. Tôi lạnh lùng nhìn theo bóng y, không rơi một giọt nước mắt nào nữa.
Ba ngày sau, tôi bị phế bỏ toàn bộ phong hiệu và tước vị, phải rời khỏi Đường Lê cung đến chùa Cam Lộ ở ngoại ô kinh thành để tóc tu hành. Cận Tịch và Hoán Bích nhất quyết đi theo tôi, những người khác thì ở lại chăm sóc Lung Nguyệt.
Trong khoảnh khắc được bế Lung Nguyệt trên tay, Kính Phi cảm động đến rơi nước mắt, nắm chặt lấy bàn tay tôi, nói:
Ta nhất định sẽ coi Công chúa như con ruột của mình.

Tôi khẽ cất giọng thành khẩn:
Đứa bé chính là con ruột của tỷ tỷ rồi, việc gì phải coi như. Muội tin tỷ tỷ nhất định sẽ chăm sóc cho nó thật tốt.

Nàng ta gật đầu.
Ta biết, đứa bé này trao cho ai nuôi nấng mà chẳng được, muội vì thương ta không có con cái làm nơi nương tựa nên mới nhờ ta.

Tôi cúi đầu, nói:
Mong tỷ tỷ niệm tình nghĩa ngày xưa mà giúp muội chiếu cố Thẩm Tiệp dư một chút!
Tôi khẽ hôn lên má Lung Nguyệt, lòng đau đớn tột cùng, xoay người rời đi.
Tôi lẳng lặng nhìn Hoán Bích và Cận Tịch chuẩn bị đồ đạc, những thứ cần mang theo chỉ là một số vật thiết yếu nhất, còn quần áo và đồ trang sức thì đều để lại Đường Lê cung. Đêm trước khi đi, Hoán Bích do dự hỏi tôi, có cần mang theo đôi giày ngọc mà năm xưa Huyền Lăng tặng cho không, dù sao đối với tôi, đó cũng là thứ quý giá nhất.
Tôi khẽ cười hờ hững, lấy cây đàn Trường tương tư ra, còn những vật khác mà Huyền Lăng tặng cho thì đều cất vào trong rương và khóa lại, đó là những thứ của quá khứ rồi, hà tất phải giữ lại làm gì nữa. Duy có cây đàn Trường tương tư này mới thật sự là tri âm của tôi!
Ngoài cửa sổ, mưa rơi rả rích, xe ngựa lộc cộc lăn bánh chạy trên vĩnh hạng, khi đi ngang qua Vân Ý điện, tôi nhớ lại, chỉ mới bốn năm trước thôi, tôi đã bước chân vào hoàng cung từ nơi này. Tôi cười khẽ, khi đó tôi trẻ biết mấy, tự cao biết mấy, tuy không có lòng vào cung nhưng lại nhất thời vô ý trổ tài thơ từ trước mặt Huyền Lăng, thế là mới có biết bao sự tranh đấu và phong ba sau này. Nếu nói tới hối hận, đó nhất định là ngày mà tôi hối hận nhất.
Những hạt mưa mỏng manh, giá lạnh như nước mắt, ngoài Vân Ý điện đứng đầy những nữ tử ăn mặc điệu đà, làm sáng rực chốn cung đình vốn đang tiêu điều giữa mùa mưa. Tôi vừa có chút nghi hoặc, Cận Tịch đã ghé đến bên cạnh tôi, nói:
Hôm nay là ngày tuyển tú.

Thì ra là tuyển tú, việc bị trì hoãn từ năm ngoái, năm nay rốt cuộc đã tiến hành rồi.
Các nữ tử bên ngoài điện ai nấy đều trẻ trung, xinh đẹp, tươi cười rạng rỡ, ánh mắt toát đầy vẻ cao ngạo và khát khao, như thể những bông hoa non nớt đang chờ đợi kẻ quân vương đến hái. Nếu bọn họ biết được câu chuyện của tôi, liệu có sinh lòng e sợ, rồi vì thế mà chùn bước hay không?
Không, bọn họ nhất định sẽ không chùn bước. Vì Lăng Dung từng cùng vào cung với tôi giờ đây đã trở thành người thắng lợi. Hậu cung là nơi khiến người ta phát điên như thế đấy, chỉ cần có một người thành công, chỉ cần có một khoảnh khắc thành công, vậy là sẽ có vô số người cam lòng đi tranh đấu, đi bày mưu tính kế, đi nhuốm máu tanh lên đôi tay của mình.
Có điều, đó là câu chuyện của bọn họ.
Cửa cung nguy nga chót vót, đưa mắt nhìn ra xa, hai bóng hình quen thuộc lọt vào tầm mắt tôi. Giữa làn mưa bụi mịt mù, My Trang lặng im đứng đó, Ôn Thực Sơ ở ngay cạnh tỷ ấy, tay cầm ô che cho cả hai người.
Xe ngựa đi chậm lại một chút, tiếng vó ngựa lộc cộc như gõ vào lòng người, nước mắt của tỷ ấy rưng rưng trong khóe mắt, tôi đưa tay tới, rồi hai chúng tôi nắm chặt lấy tay nhau. Ôn Thực Sơ thấy vậy bèn nhét một túi bạc cho thị vệ, xin y lui ra xa vài bước.
My Trang đưa tay lên gạt những giọt nước mắt sắp rơi, cười buồn nói:
Đi rồi cũng tốt, ít nhất cũng được giải thoát khỏi chốn ngục tù này.

Sống mũi tôi cay sè, khẽ ngoảnh đầu qua một bên.
Tỷ tỷ xin hãy bảo trọng, muội sợ là không còn cơ hội gần gũi với tỷ tỷ nữa rồi.

Tỷ ấy vỗ nhẹ bờ vai tôi.
Muội đã đi rồi, ta còn lưu luyến gì nơi đây nữa, chỉ mong được cùng đi với muội.

Tôi lại càng lộ rõ nét bi thương.
Sao tỷ tỷ lại nói vậy?
Thấy bốn phía xung quanh không có ai khác, tôi khẽ nói:
Ngày nào còn ở trong cung, tỷ nhất định phải để ý An Lăng Dung và Hoàng hậu, cũng phải cẩn thận Kỳ Tần, đừng vì muội mà hành động theo cảm tính, bảo bệ bản thân mới là điều quan trọng.
Rồi lại thành khẩn quay sang phía Ôn Thực Sơ.
Ôn đại nhân, tỷ tỷ cô độc một mình, ta xin giao phó tỷ ấy cho ngài, mong ngài đừng để tỷ ấy bị rơi vào cạm bẫy của người khác.

Ôn Thực Sơ nói:
Nương nương…

Tôi mỉm cười ngăn lại:
Ta đã không còn là nương nương nữa rồi!

Hắn thẹn thùng gọi:
Hoàn muội muội…
Đây là lối xưng hô mà hắn từng dùng với tôi ngày trước, bây giờ gọi lại nghe gượng gạo vô cùng, bản thân tôi cũng cảm thấy đường đột. My Trang hơi biến sắc nhưng chỉ nhìn hắn không nói gì. Ôn Thực Sơ hoàn toàn không phát hiện ra.
Muội cũng bảo trọng, khi nào có cơ hội, ta nhất định sẽ tới thăm muội ngay.

Tôi khẽ lắc đầu.
Sau khi vào chùa Cam Lộ, ta sẽ không còn là người trong chốn hồng trần, ở một thế giới khác hẳn với đại nhân, chúng ta thực không tiện qua lại nữa. Đại nhân nếu như có lòng, xin hãy giúp ta chăm sóc Công chúa, lo cho tỷ tỷ, đó cũng là tâm nguyện duy nhất của ta bây giờ.

Nét đau đớn trong mắt hắn càng thêm nồng đậm, phía sau lưng, Cận Tịch khẽ kéo áo tôi, thấp giọng nói:
Chúng ta nên đi thôi!

Tôi chậm rãi gật đầu, cố dằn lòng, sai phu xe giục ngựa rời đi.
Phía sau lưng, My Trang và Ôn Thực Sơ vẫn đứng giữa màn mưa, dùng ánh mắt tiễn chúng tôi rời đi, đây là ấn tượng cuối cùng mà cuộc sống bốn năm trong hậu cung lưu lại cho tôi.
HẾT TẬP 3
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hậu Cung Chân Hoàn Truyện.