Hồi 23: Quan Thắng khuyên hàng ba tướng, Lý Qùy lỗ mãng bị vây
-
Hậu Thủy Hử
- Thi Nại Am - La Quán Trung
- 6280 chữ
- 2020-05-09 04:30:58
Số từ: 6267
Dịch giả: Tử Vi Lang
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học
Đang nói chuyện Tống Giang ở Cái Châu bàn định xong xuôi việc phân chia binh mã thành hai đội rồi viết thăm, cùng Lư Tuấn Nghĩa thắp hương cầu khấn. Tống Giang bốc một thăm, mở ra xem thấy ghi chữ "đông". Lư Tuấn Nghĩa bốc thăm kia có chữ "tây". Chuyện không phải nói nữa. Tất cả chỉ còn chờ khi tuyết đóng băng là cất quân lên đường. Việc đóng giữ Cái Châu thì giao cho bọn Hoa Vinh, Đổng Bình, Thi Ân, Đỗ Hưng cùng hai vạn quân lính. Đúng hôm mồng sáu là ngày tốt, Tống Giang và Lư Túân Nghĩa đưa quân lên đường. Bỗng có tin báo hai huyện thuộc phủ Cái Châu là Dương Thành, Tẩm Thuỷ trước kia bị Điền Hổ tàn hại, bức bách quá nên đành phải chịu theo. Nay nghe tin triều đình sai quân đến, quân dân ở Tẩm Thuỷ bắt trói tướng trấn thủ là Trần Khải, hiện đã áp giải đến trước trướng quân. Các bô lão hai huyện cùng đám đông dân chúng dắt dê gánh rượu đến xin hiến nộp thành trì. Tống tiên phong cả mừng, khen thưởng trọng hậu cho quân dân hai huyện, cấp bảng chiêu an cho về treo vỗ yên trăm họ, cho ai nấy được trở lại làm kẻ lương dân. Tống tiên phong xét bọn Khấu Phu, Trần Khải nghe tin triều đình đưa quân đến mà không sớm cởi giáp quy hàng, ra lệnh chém đầu làm lễ tế cờ, cảnh cáo quân giặc. Trong ngày hôm ấy, hai đạo quân đều theo đường cửa bắc ra đi. Hoa Vinh và các tướng ở lại đặt rượu tiễn đưa, Tống Giang cầm chén, nói với Hoa Vinh:
- Hiền đệ mấy phen khiến quân giặc bạt vía kinh hồn, uy danh hiền đệ lừng lẫy cũng đủ giữ yên thành. Nhưng miền này phía bắc liền đất địch, nếu chúng kéo đến, hiền đệ phải nghĩ mưu sâu kế lạ mà đánh trả, khiến bọn chúng lần sau không dám đánh tràn xuống phía nam nữa.
Bọn Hoa Vinh dạ vâng lệnh. Tống Giang lại cầm chén quay nói với Lư Tuấn Nghĩa:
- Hôm nay xuất quân vừa gặp dịp may, dân hai huyện Dương Thành, Tẩm Thuỷ giải tù binh đến nộp. Hai huyện ấy đã dẹp yên, hiền đệ có thể rong ruổi tiến thẳng đến Tấn Ninh, sớm lập công lớn, bắt sống tên đầu sỏ giặc là Điền Hổ, báo tin thắng trận về triều, anh em ta sẽ cùng chung hưởng phú quý.
Lư Tuấn Nghĩa đáp:
- Nhờ uy danh của huynh trưởng, hai huyện kia không cần đánh mà lấy được về. Nay vâng lệnh theo nghiêm lệnh, Tuấn Nghĩa tôi đâu dám không hết sức dốc lòng!
Tống Giang lại lấy ra một cuộn địa đồ mà từ hai hôm trước đã sai Tiêu Nhượng theo đúng bức họa của Hứa Quán Trung sao thêm một bản đưa cho Lư Tuấn Nghĩa. Tống Giang chia cánh quân của mình thành ba đội: Lâm Xung, Sách Siêu, Từ Ninh, Trương Thanh dẫn một vạn quân đi tiền đội; Tôn Lập, Chu Đồng, Yến Thuận, Mã Lân, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Thang Long, Lý Vân dẫn một vạn quân đi hậu đội. Tống Giang, Ngô Dụng, và các tướng còn lại thống lĩnh đội trung quân ba vạn người. Tất cả năm vạn, nhằm hướng đông bắc mà tiến.
Phó tiên phong Lư Túân Nghĩa cáo từ Tống Giang, tạm biệt anh em Hoa Vinh, thống lĩnh ch anh phó tướng bốn mươi ngàn quân ra đóng trại ở hai nơi cách cửa thành phía bắc năm dặm, bố trí sẵn quân cung nỏ và hỏa khí, sẵn sàng giao chiến với quân địch. Hai phía đông tây cũng đặt sẵn quân mai phục, việc ấy không cần nói đến.
Lúc này bọn Sử Tiến, Mục Hoằng cầm quân giữ huyện Cao Bình: Lý Ứng, Sài Tiến cầm quân giữ huyện Lăng Xuyên; ở Vệ Châu thì có Công Tôn Nhất Thanh, Quan Thắng và Hô Diên Chước, chắc bạn đọc hãy còn nhớ cả.
Nói tiếp ba đội quân mã của Tống tiên phong rời khỏi Cái Châu đã được hơn ba mươi dặm. Tống Giang ngồi trên ngựa xa trông phía trước thấy một ngọn núi cao. Chẳng bao lâu, người ngựa dần dần đi qua chân núi bên trái.
Tống Giang mài ngắm cảnh núi, chợt thấy Lý Quỳ đi đến gần, chỉ tay nói:
- Thưa huynh trưởng, phong cảnh núi này chẳng khác gì ngọn núi hôm trước đệ thấy trong giấc chiêm bao.
Tống Giang bèn gọi hàng tướng Cảnh Cung đến hỏi:
- Ngươi ở vùng đây đã lâu, chắc có biết lai lịch ngọn núi này? cứ như trong bức họa đồ của Hứa Quán Trung thì dãy núi phía đông thành Cái Châu này gọi là ngọn Thiên Trì lĩnh.
Lý Quỳ vội nói:
- Đúng là núi Thiên Trì lĩnh, người tú sĩ trong giấc chiêm bao nói với đệ như thế, ban nãy đệ quên khuấy đi mất.
Cảnh Cung nói:
- Núi này đúng là ngọn Thiên Trì lĩnh, vách núi dựng đứng như bức thành, người xưa từng lánh quân trong đó. Gần đây, dân quanh vùng đồn ngọn núi ấy là điềm thiêng, ban đêm thấy ánh sáng đỏ rực trên đỉnh núi. Lại nghe nói có người kiếm củi ngửi thấy mùi thơm sực nức bên hẻm núi.
Tống Giang nghe xong, nói:
- Nếu thế thì càng phù hợp với giấc chiêm bao của Lý Quỳ.
Ngày hôm ấy quân đi sáu mươi dặm mới nghỉ đóng trại. Chuyện trên đường đi không cần nói đến. Đoàn người ngựa đi mất mấy hôm mới đến phía nam cửa ải Hồ Quan. Khi cách thành năm dặm thì dừng lại đóng trại nghỉ ngơi.
Lại nói Hồ Quan nguyên là một cửa ải ở phía đông sườn núi, hình núi trông giống như nậm rượu, từ đời Hán đã đặt cửa ải tại đây, nhân thế nên gọi ải Hồ Quan. Sườn núi ải Hồ Quan chạy dài tiếp liền với núi Bão Độc Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông, Hồ Quan ở giữa hai núi ấy là cửa ải hiểm yếu cách phủ thành Chiêu Đức hơn tám mươi dặm. Lúc ấy tám viên mãnh tướng của Điền Hổ chỉ huy ba vạn tinh binh đóng giữ phủ Chiêu Đức. Tám viên mãnh tướng ấy là: Sơn Sĩ Kỳ, Lục Huy, Sử Định, Ngô Thành, Trọng Lương, Vân Tông Vũ, Ngũ Túc, Trúc Kính.
Lại nói Sơn Sĩ Kỳ, nguyên là con một nhà phú hộ ở Tẩm Châu sức vóc võ nghệ hơn người, vì giết người phải lánh trốn rồi làm thủ hạ cho Điền Hổ, sau ra trận có công, được giao chức đô giám. Sơn Sĩ Kỳ quen dùng một cây thiết côn nặng bốn mươi cân. Điền Hỏ nghe tin triều đình sai bọn Tống Giang đưa binh mã đến đánh, đặc sai Sơn Sĩ Kỳ đến phủ Chiêu Đức chọn lấy một vạn tinh binh, cùng bọn Lục Huy ra đóng giữ ải Hồ Quan. Sơn Sĩ Kỳ được quyền tuỳ nghi điều khiển quân dân trong phủ.
Sơn Sĩ Kỳ đến ải Hồ Quan, nghe tin Cái Châu đã mất, nghĩ quân Tống thế nào cũng đến đánh lấy cửa ải nên lo lắng vỗ yên binh dân, sẵn sàng nghênh địch. Bỗng có tin báo quân Tống đến đóng trại cách cửa ải năm dặm, Sĩ Kỳ liền điểm ngay một vạn kỵ binh cùng Sử Định, Trúc Kính, Trọng Lương mặc giáp lên ngựa đưa quân ra ngoài cửa ải dàn trận đối địch với quân Tống. Hai bên bày sẵn trận thế, đặt quân cung nỏ để giữ vững trận tuyến. Trống trận hai bên cùng khua vang, cờ lệnh đủ màu tung bay phấp phới. Dưới cờ suý bên quân Điền Hổ, một viên tướng ghìm ngựa đứng trước trận.
Sơn Sĩ Kỳ quát lớn:
- Bọn giặc cỏ sao dám xâm phạm cương giới của chúng ta?
Bên quân Tống, Báo tử đầu Lâm Xung vỗ ngựa ra trước trận quát to:
- Tên phản tặc kia, thiên binh đã đến sao mi còn dám chống cự?
Dứt lời, Lâm Xung xách mâu thúc ngựa xông đến đánh Sơn Sĩ Kỳ. Hai tướng đọ tài trước trận hơn năm mươi hiệp chưa phân thắng bại. Quân đôi bên hò la trợ chiến. Lâm Xung thầm khen võ nghệ của địch thủ. Trúc Kính thấy Sơn Sĩ Kỳ không chắc thắng liền vỗ ngựa múa đao ra đánh giúp. Bên trận quân Tống, Một vũ tiễn Trương Thanh phóng ngựa ra chặn đường. Bốn tướng chia làm hai đôi quần thảo trên lưng ngựa. Trương Thanh và Trúc Kính đánh hơn hai mươi hiệp thì Trương Thanh đuối sức bèn quay ngựa chạy về. Trúc Kính vỗ ngựa đuổi theo. Trương Thanh liền đeo thương vào móc đai, thò tay vào túi gấm lấy đá rồi quay lại nhắm đúng giữa mặt Trúc Kính liệng vút đi, miệng quát: "trúng này!" Quả nhiên viên đá trúng giữa mũi Trúc Kính lăn nhào xuống ngựa, máu me đầm đìa. Trương Thanh xách thương quay ngựa lại nhưng bên quân Điền Hổ có Sử Định, Trọng Lương phóng ngựa ra cứu thóat. Quân giữ ải thấy Trúc Kính ngã ngựa, sợ Sơn Sĩ Kỳ có điều sơ suất bèn đánh chiêng thu quân. Tống Giang cũng cho thu quân về trại.
Tống Giang bàn với Ngô Dụng:
- Hôm nay mất một tướng chắc bọn chúng có phần nhụt chí. Nhưng địa thế ở đây núi non hiểm trở, thành lũy kiên cố, chưa biết dùng mưu gì mà đánh?
Lâm Xung nói:
- Ngày mai bọn ta lại lên cửa ải khiêu chiến, giết cho được tên tướng kia rồi đốc quân đánh vào chiếm ải.
Ngô Dụng nói:
- Lâm tướng quân chớ nôn nóng. Binh thư Tôn Vũ có câu: "chưa thắng thì giữ, chắc thắng mới đánh". Nay ta chưa chắc thắng thì phải phòng giữ, khi nào thắng được hãy nên đánh vào.
Tống Giang nói:
- Quân sư nói đúng lắm.
Hôm sau, Lâm Xung, Trương Thanh đến xin Tống tiên phong cho đưa quân đi khiêu chiến, Tống Giang căn dặn:
- Dù có thắng hai tướng cũng chớ nên khinh suất, đưa quân vào chiếm ải.
Một mặt Tống Giang sai Từ Ninh và Sách Siêu đưa quân đi tiếp ứng. Lâm Xung, Trương Thanh liền dẫn năm nghìn quân kỵ tiến đến trước cửa ải đánh trống phất cờ quát mắng khiêu chiến. Nhưng từ giữa buổi đến đúng ngọ, trên cổng Hồ Quan hoàn toàn im ắng. Lâm Xung, Trương Thanh định cho quân quay về trại, bỗng nghe một tiếng pháo lệnh nổ vang, cửa ải bật mở, Sơn Sĩ Kỳ cùng bọn Ngũ Túc, Sử Định, Ngô Thành, Trọng Lương dẫn hai vạn quân ào ạt xông ra. Lâm Xung gọi to:
- Quân giặc chờ cho ta mệt mỏi mới đánh ra, anh em phải cố sức mà đánh!
Sách Siêu, Từ Ninh đang ở phía sau liền hô quân vượt lên trước. Hai bên dàn thành thế trận, chẳng thèm đối đáp gì, từng đôi chiến tướng xáp vào giao chiến. Lâm Xung đánh Ngũ Túc, Sơn Sĩ Kỳ vừa thúc ngựa ra, Trương Thanh trông thấy liền xách ngọn hoa lê thương chặn đánh. Ngô Thành, Sử Định cùng ra một lúc, một mình Sách Siêu vung búa ghìm đánh cả hai tướng. Quân hai bên hò reo không ngớt, bẩy tướng sát khí hầm hầm quần thảo trên lưng ngựa. Chiến mã lúc qua lúc lại, từng đôi tung vó giữa đám bụi mù. Đang lúc say đánh, Báo tử đầu Lâm Xung quát to một tiếng, tay thúc đầu mâu đâm Ngũ Túc lăm nhào xuống ngựa. Ngô Thành và Sử Định đuối sức không địch nổi Sách Siêu. Thấy Ngũ Túc ngã ngựa, Sử Định vội đâm dứ một đường rồi rẽ ngựa chạy về trận nhà. Ngô Thành thấy vậy cũng muốn tìm lúc sơ hở để thóat ra ngoài nhưng luống cuống bị lưỡi búa của Sách Siêu chém đứt làm hai đoạn. Sơn Sĩ Kỳ mất hai tướng, vội quay ngựa về trận nhà. Trương Thanh đuổi sát, vung tay liệng đá trúng vào sau mũ sắt của Sơn Sĩ Kỳ, nghe đánh "cheng" một tiếng. Sĩ Kỳ kinh hoảng, rạp lưng sát yên ngựa mà chạy. Trọng Lương cũng vội khua quân quay về cửa quan. Lâm Xung dẫn quân đuổi sát theo sau. Quân Điền Hổ thua to. Sơn Sĩ Kỳ trống vào sau ải, gọi quân canh đóng chặt cổng. Quân Lâm Xung bị tên đạn từ trên mặt thành bắn xuống rào rào không xông lên được. Lâm Xung bị trúng tên bên vai trái, đành phải lui quân. Tống Giang sai mời thần y An Đạo Toàn buộc thuốc điều trị. Cũng may áo giáp khá dày nên vết thương không sâu lắm.
Lại nói Sơn Sĩ Kỳ vào sau ải, điểm lại quân sĩ thấy hao hụt hơn hai nghìn, lại mất thêm hai tướng. Sĩ Kỳ một mặt sai người về phủ Uy Thắng tâu với Điền Hổ: vì binh thế Tống Giang rất mạnh, trấn ải khó giữ, xin Tấn vương sai thêm tướng giỏi đến đóng giữ. Lại sai đưa thư mật hẹn với các tướng trấn thủ ở núi Bão Độc là Đường Bân, Văn Trọng Dung, Thôi Dã đưa quân thiện chiến từ phía đông núi Bão Độc vòng ra phía sau quân Tống, đúng ngày đã hẹn sẽ cho bắn pháo làm hiệu ở ải Hồ Quan. Sĩ Kỳ sẽ đưa quân ra cửa ải, hai phía đánh ốp vào thì cầm chắc phần thắng. Mọi việc bàn tính xong, ai nấy trở về lo canh phòng quan ải, chờ tin của bọn Đường Bân, việc ấy không có gì phải nói.
Lại nói Tống tiên phong thấy địa thế ải Hồ Quan hiểm trở chưa thể lấy ngay được, đành cho đóng quân cầm cự đã hơn nửa tháng. Lúc này Tống tiên phong đang ngồi trong trướng, bỗng có người vào báo: đại đao Quan Thắng trấn thủ ở Vệ Châu có việc cơ mật sai người đưa thư đến. Tống Giang và Ngô Dụng liền mở ra xem, trong thư viết:
"Trại chủ Bão Độc Sơn là Đường Bân trước giữ chức võ quan ở phủ Bồ Đông, từng kết nghĩa anh em với Quan Thắng tôi. Vì bọn cừơng hào hãm hại, Đừơng Bân tức giận giết chết kẻ thù, bị quan phủ truy lùng rất gấp phải trống xuống phương nam. Lúc ấy Đường Bân định theo về Lương Sơn Bạc, nhưng khi qua núi Bão Độc bị quân cướp chặn đường. Đường Bân đánh lại bọn đầu mục trên núi là Văn Trọng Dung, Thôi Dã. Bọn này không thắng nổi mời Đường Bân lên núi nhường làm trại chủ. Năm ngoái Điền Hổ chiếm ải Hồ Quan bức b ach bọn Đường Bân quy thuận. Bản ý Đường Bân vẫn không muốn theo Điền Hổ, nhưng vì thế cô, đành phải đầu hàng, xin đóng quân ở núi cũ làm thế ỷ dốc cho ải Hồ Quan. Nghe tin Quan Thắng tôi đến làm trấn thủ ở Vệ Châu, nhân dịp tết nguyên đán vừa qua, Đường Bân cưỡi ngựa đi lén về Vệ Châu tìm gặp, kể lại với Quan Thắng tôi nỗi niềm oan khuất. Đường Bân từ lâu kính trọng huynh trưởng là người trung nghĩa, vẫn mong đến đầu hàng dưới cờ của huynh trưởng để được lập công chuộc tội. Quan Thắng tôi cũng lấy ngựa cùng Đừơng Bân về trại Bão Độc sơn. Văn Trọng Dung, Thôi Dã cũgn là người hào hiệp thẳng thắn, muốn uy thụân triều đình. Bọn họ muốn mật ước với huynh trưởng để thừa cơ đọat ải, dâng nộp huynh trưởng để làm lễ tiến thân ".
Tống Giang xem xong thư, bàn với Ngô Dụng đóng binh bất động, chờ xem trong cửa ải động tĩnh ra sao rồi liệu cách đối phó.
Lại nói Sơn Sĩ Kỳ sai quân đưa thư, hẹn Đường Bân đưa quân vòng sau lưng quân Tống. Quân đưa thư về thưa:
- Hiện nay đang giữa kỳ trăng sáng như ban ngày. Xin đợi ít lâu trời tối hãy cho xuất binh.
Sĩ Kỳ nói:
- Thế cũng được!
Tiếp liền mười mấy ngày sau cũng không thấy bên Tống đem quân đến đánh, chợt có tin báo Đường Bân dẫn theo mấy tên quân kỵ rẽ tắt đầu núi Bão Độc vòng đến sau cửa ải. Một lúc sau, Đường Bân đến cổng Hồ Quán yết kiến Sơn Sĩ Kỳ.
Đường Bân nói:
- Canh ba đêm nay Văn Trọng Dung, Thôi Dã sẽ dẫn một vạn quân người bỏ giáp, ngựa tháo đạc, lén đi về phía đông núi Bão Độc, mờ sáng sẽ đến phía sau doanh trại quân Tống. Vậy xin tướng quân hãy chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời tiếp ứng.
Sơn Sĩ Kỳ vui mừng nói:
- Hai mặt đánh ốp vào, quân Tống ắt đại bại!
Nói đoạn Sĩ Kỳ sai dọn rượu khoản đãi Đường Bân. Đêm đến Đừơng Bân lên cổng ải nhìn ra, bất chợt nói:
- Qúai lạ, dưới ánh sao mờ mờ ta trông thấy dường như có tên quân do thám?
Vừa nói vừa với tay rút hai chiếc tên trong ống của tên lính đứng hầu bên cạnh trương cung ngắm ra ngoài cửa ải mà bắn. Đúng lúc ấy, theo mưu kế định trước có mấy tên quân Tống giả làm quân do thám đi nghe ngóng tình hình bên trong cửa ải. Một tên quân do thám trúng tên ở bắp chân đau nhói nhưng lấy làm lạ vì thấy phát tên dường như không có mũi. Tên quân ấy nhặt lên xem, hoá ra đầu mũi tên quấn lụa, biết có điều bí ẩn liền chạy về trại nộp mũi tên cho Tống tiên phong. Tống Giang ghé sát ngọn nến, tháo lớp bọc đầu ra xem thấy bên trong có mảnh giấy viết chữ nhỏ. Đó là thư mật ước của Đường Bân: rạng sáng ngày mai sẽ dâng nộp cửa ải. Văn Trọng Dung và Thôi Dã dẫn quân lén đến phía sau doanh trại của Tống tiên phong. Nghe tiếng pháo lệnh, Sơn Sĩ Kỳ sẽ đưa quân mở cửa ải đánh ra tiếp ứng. Đường Bân ở bên trong thừa cơ đọat lấy cửa ải, xin Tống tiên phong sẵn sàng đưa quân vào ngay. Tống Giang xem xong bàn ngay với quân sư Ngô Dụng để biết mật chuẩn bị. Ngô Dụng nói:
- Quan Thắng tính liẹu chu đáo. Nhưng ở vào thế có địch sau lưng, chúng ta không thể không đề phòng. Nên sai Tôn Lạp, Chu Đồng, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Yến Thụân dẫn một vạn quân, cuốn cờ im trống lặng lẽ ra sau trại. Nếu hai tướng Văn, Thôi đưa quân đến thì tìm cách ngăn lại, không cho vào sát doanh trại, chỉ khi nào nghe pháo hiệu "oanh thiên" báo tin quân ta đã lấy được ải thì mới để cho họ đưa quân vào. Lại sai Từ Ninh, Sách Siêu dẫn năm nghìn quân lén ra mai phục ở phía đông; Lâm Xung, Trương Thanh dẫn năm nghìn quân lén ra mai phục ở phía tây, hễ nghe trong trại bắn súng lệnh thì cả hai phía nhất tề xông ra tiếp ứng, hợp binh đánh vào chiếm cửa ải. Nếu gặp bất trắc quân ta mắc mưu gian của giặc thì hai đội quân đông, tây ấy sẽ quay về cứu ứng trong doanh trại.
Tống Giang nói:
- Quân sư trù liệu rất chu đáo!
Liền đó Tống Giang theo lời bàn của Ngô Dụng truyền lệnh cho các tướng thì hành, ai nấy đều tuân lệnh ra đi.
Lại nói Sơn Sĩ Kỳ ở trong cửa ải, theo mưu kế của Đường Bân, đang chờ nghe tiếng súng nổ sau doanh trại quân Tống. Đợi đến gần sáng, bỗng nghe tiếng pháo liên châu nổ vang ở phía nam cửa ải. Đường Bân cùng Sơn Sĩ Kỳ lên cửa ải nhìn ra, thấy bụi cuốn mịt mù sau doanh trại quân Tống cờ lệnh nhiều màu tung bay. Đường Bân nói:
- Hai tướng Văn, Thôi đưa quân đế! xin tướng quân cho người ngựa ra ngoài cửa quan tiếp ứng!
Sơn Sĩ Kỳ cùng Sử Định dẫn một vạn tinh binh đi trước giao cho Đường Bân và Lục Huy đem một vạn quân tiếp ứng, lại sai Trúc Kính và Trọng Lương ở lại đóng giữ cửa ải. Lúc ấy, quân Tống thấy quân bên trong đánh ra vội rút lui về phía sau. Sơn Sĩ Kỳ dẫn đầu hô quân đuổi theo. Bỗng nghe tiếng súng nổ vang, rồi hai đội quân kỵ từ hai phía tả hữu ào ra đánh úp.
Đường Bân thấy vạy vội quay ngựa đưa quân về, cầm ngang đầu mâu đứng chặn trước cửa ải. Sơn Sĩ Kỳ và Sử Định đang giao chiến với quân Tống, bỗng nghe một tiếng súng nổ trong doanh trại quân Tống. Ấy là lúc Lý Quỳ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn dẫn quân đao thuẫn xông tới. SƠn Sĩ Kỳ biết quân Tống đã chuẩn bị trước, vội vẫy quân quay ngựa trở về, Sơn Sĩ Kỳ về đến nơi thấy viên tướng đang ghìm ngựa đứng trước ải bất ngờ quát to:
- Có Đường Bân ở đây! Sơn Sĩ Kỳ hãy xuống ngựa đầu hàng.
Đường Bân chưa dứt lời đã vung đầu mâu đâm chết Trúc Kính. Sơn Sĩ Kỳ hoảng sợ dẫn hơn chục tên quân kỵ liều mạng đánh mở đừơng chạy về phía tây. Lâm Xung, Trương Thanh vội đem quân lên chiếm cửa ải nên không đuổi theo. Lúc ấy Lý Quỳ đã dẫn quân bộ trèo lên chiếm cửa ải, cho bắn súng báo hiệu, rồi cùng với Đường Bân đuổi đánh quân canh cửa, đoạt lấy ải Hồ Quan, Trọng Lương bị đâm chết trong đám loạn quân. Ngoài cừa ải, Sử Định bị Từ Ninh đâm hất nhào xuống ngựa. Quân Điền Hổ tan tác chạy trốn, ngựa chiến, áo giáp, mũ trận vứt bỏ lại rất nhiều, chết tại trận hơn một nghìn, bị bắt cũng hơn năm trăm, số đầu hàng đông không đếm xuể.
Một lúc sau đại quân của Tống tiên phong lần lượt kéo vào cửa ải. Đường Bân xuống ngựa, đến yết kiến Tống Giang, Đừơng Bân nói:
- Tiểu nhân trót phạm tội, nghe danh tiếng tiên phong là người nhân nghĩa, đã từng khi muốn theo về đại trại, hiểm vì không có ai tiến dẫn cho. Không ngờ hôm nay lại may mắn được bái yết tôn nhan. Nếu tiên phong chấp thuận cho tiểu nhân từ nay được cầm cương theo hầu thì Đường Bân tôi thoả nguyện trọn đời.
Đường Bân nói xong lại sụp lạy lần nữa. Tống Giang đáp lễ không kịp, vội dìu Đừơng Bân đứng dậy nói rằng:
- Nay tướng quân quy thuận triều đình, cùng Tống Giang tôi đi dẹp giặc, khi về triều Tống Giang tôi sẽ xin tâu lên để thiên tử xét công thăng thưởng cho tướng quân.
Một lúc sau, bọn Tôn Lập, Văn Trọng Dung, Thôi Dã dẫn hai đội quân mã đến ngòai cửa ải chờ lệnh. Tống Giang sai mời hai tướng Văn, Thôi vào tiếp kiến, còn anh em Tôn Lập cứ tạm cho đóng quân ngoài cửa ải. Văn Trọng Dung và Thôi Dã vào yết kiến, nói với Tống tiên phong rằng:
- Trọng Dung, Thôi Dã bọn tôi thật có duyên may được theo hầu dưới cờ của tiên phong, xin nguyện dốc lòng tận tuỵ.
Tống Giang cả mừng, nói:
- Các tướng quân góp sức lấy cửa ải này, công lao thật không nhỏ, Tống Giang tôi sẽ cho ghi công.
Nói đọan sai bầy tiệc khoản đãi bọn Đường Bân. Một mặt sai điểm số quân giữ ải, số quân quy thuận tất cả hơn hai vạn người, hơn nghìn con ngựa chiến. Các tướng đều đến báo công. Khai thưởng quân sĩ xong, Tống tiên phong hỏi chuyện Đường Bân về tình hình quân giặc ở phủ thành Chiêu Đức.
Đường Bân nói:
- Trong thành truớc có ba vạn quân mã, Sơn Sĩ Kỳ lấy đi giữ ải một vạn, hiện còn hai vạn do mười viên chánh phó tướng chỉ huy. Mười viên tướng ấy là: Tôn Kỳ, Diệp Thanh, Kim Đĩnh, Hoàng Việt, Lãnh Ninh, Đái Mỹ, Ông Khuê, Dương Xuân, Ngưu Canh, Sái Trạch.
Đường Bân lại nói:
- Điền Hổ coi ải Hồ Quan là tấm chắn cửa thành Chiêu Đức, nay Hồ Quan thất thủ, Điền Hổ khác nào cụt mất một tay. Đường Bân tôi dẫu bất tài cũng xin dẫn quân đi đánh phủ Chiêu Đức.
Khi ấy, hàng tướng Lăng Xuyên là Cảnh Cung cũng xin được đi hàng tiền bộ cùng Đường Bân. Lát sau, Tống Giang nói với Văn Trọng Dung, Thôi Dã:
- Hai tướng quân uy danh lừng lẫy, từ trước vẫn đóng trại ở Bão Độc sơn, đã biết rõ địa hình. Tống Giang tôi muốn nhờ hai tướng quân quản lĩnh binh mã bản bộ trở về đóng giữ ở đó để chắn giữ một phương, đợi khi anh em Tống Giang tôi lấy được thành Chiêu Đức sẽ xin mời hai tướng quân đến hội, chẳng hay hai vị có vui lòng không?
Văn Trọng Dung, Thôi Dã đáp:
- Tướng quân sai phái, chúng tôi đâu dám trái lệnh!
Tan tiệc hai tướng Văn Trọng Dung, Thôi Dã từ biệt Tống tiên phong đưa quân về Bão Độc sơn.
Ngày hôm sau, Tống tiên phong vào trong trướng sai Đái Tôn sang châu Tấn Ninh gặp phó tiên phong Lư Tuấn Nghĩa để hỏi tin chiến trận. Tống Giang cùng quân sư Ngô Dụng bàn tính điều động quân đánh thành Chiêu Đức. Đường Bân, Cảnh Cung dẫn một vạn quân đánh vàoo cửa đông. Sách Siêu, Trương Thanh dẫn một vạn quân đánh vào cửa nam, cửa tây bỏ trống vì nếu có quân cứu viện từ châu Uy Thắng đến thì đằng trước đằng sau đều gặp địch. Sai Lý Quỳ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn chỉ huy năm trăm quân bộ làm thành đội du binh qua lại sẵn sàng tiếp ứng cho các cửa; giao cho Tôn Lập, Chu Đồng, Yến Thuận đưa quân vào đóng ở cửa ải, cùng với Phàn Thuỵ, Mã Lân quản lĩnh binh mã nhổ trại tiến đến cách phía nam thành Chiêu Đức mười dặm.
Chuyện kể theo hai hướng: trước hãy nói chuyện ở châu Uy Thắng, quan sảnh viện tiếp được văn thư cáo cấp của tướng trấn thủ cửa ải Hồ Quan là Sơn Sĩ Kỳ và trấn thủ châu Tấn Ninh Điền Bưu liền tâu để Tấn vương Điền Hổ biết tình thế nguy cấp ở hai nơi đó. Điền Hổ ngự triều cùng các quan bàn tính đưa quân đi cứu viện. Trong hàng chầu có viên quan đội mũ vàng mặc áo lông hạc bước ra khỏi hàng quỳ tâu:
- Muôn tâu đại vương, hạ thần xin đến Hồ Quan đánh lui quân địch.
Người ấy là Kiều Liệt, gốc tích người huyện Kinh Nguyên tỉnh Thiểm Tây. Khi bà mẹ mang thai chiêm bao thấy chó sói vào nhà, sau lại biến thành con hươu, tỉnh giấc thì sinh Kiều Liệt. Lên tám tuổi Kiều Liệt đã biết đánh gậy múa thương. Một hôm vào chơi trong núi Không Động, Kiều Liệt tình cờ được một người lạ dạy cho phép huyễn thuật có thể gọi gió kêu mưa, đi mây về mù. Sau đó Kiều Liệt tìm đến núi Ngưu Tiên ở huyện Cửu Cung tìm thầy học đạo. La chân nhân không tiếp, sai đạo đồng ra bảo Kiều Liệt "ngươi dùng phép thuật làm điều bất chính không giác ngộ đạo lý huyền vi. Khi nào đạo đức của ngươi được cảm hóa hãy đến tìm ta". Kiều Liệt tức giậnc về nhà, tực đắc có tài phép thuật, ngao du khắp nơi chẳng chút e dè. Dân chúng thấy gã ta có phép huyễn thuật, ai nấy đều gọi là "huyễn ma quân". Về sau Kiều Liệt đến châu An Định. Châu này bị đại hạn đã năm tháng không có một hột mưa, quan quân treo bảng hễ ai cầu đảo được mưa thì sẽ cấp ba nghìn quan tiền thưởng. Kiều Liệt nhạnt việc lên đàn, liền có ngay một trận mưa nhuần rất lớn. Quan châu thấy ứng nghiệm sai đem tiền thưởng cho Kiều Liệt. Vùng này có một gã họ Hà tên Tài, tuy cũng có học hành chút ít nhưng quen thói bất lương, thường ngày chơi thân với tên tiểu lại giữ kho tiền. Bấy giờ Hà Tài biết chuyện liền xui tên tiểu lại giữ kho lấy quá nửa số tiền đáng phải trả thưởng cho Kiều Liệt đem biếu cho quan châu, còn thừa thì lấy riêng cho mình. Hà Tài và tên tiểu lại lấy tiền ấy cho vay lãi chia phần với nhau. Khi Kiều Liệt đến lĩnh thưởng, viên tiểu lại coi kho nói:
- Đại ca có phép thụât cao cường thì chẳng cần dùng đến tiền! bọn tôi đây chỉ sống nhờ chút ít lương bổng, ăn tiêu chẳng đủ, thường cứ vay cào vay cấu mới xong. Khoản tiền thưởng đại ca cứ tạm để trong kho bọn tôi giữ hộ, khi cần dùng thì đến đây lấy dần.
Kiều Liệt nghe xong nổi giận mắng:
- Tiền thưởng là do các nhà giầu có trong châu góp lại, sao ngươi dám quỵt của ta? Lương tiền trong kho đều là máu mủ của dân, các ngươi chỉ tìm cách vơ vét cho béo thân, ăn chơi trác táng, làm hỏng nát bao chuyện quốc gia đại sự! ngươi thật là một tên lại dịch bẩn thủi! ta phải giết ngươi để trừ bỏ con sâu con mọt đục khoét trong kho.
Nói đọan vung tay đấm vào mặt tên coi kho. Tên ấy người to béo, nhưng vì tửu sắc trác táng nên sức lực hư nhụt chưa nhấc chân động tay đã thở hồng hộc, nói chi đến chuyện đọ sức tay đôi! Kiều Liệt đấm đá một hồi, tên coi kho chỉ còn thở thoi thóp như cái xác, bò lết về nhà nằm rên bốn năm ngày rồi đau quá mà chết. Vợ hắn phát đơn kiện lên quan. Quan châu xem qua, sáu bảy phần đã đóan ra nguyên do vì món tiền thưởng, liền thảo trát sai quân đi bắt hung thủ Kiều Liệt. Kiều Liệt biết tin, đang đêm trốn về Kinh Nguyên thu xếp đưa mẹ bỏ nhà trốn sang châu Uy Thắng, đổi họ, thay tên là Thanh, đặt pháp hiệu là Đạo Thanh để che giấu tung tích. Về sau Điền Hổ nổi loạn biết Đạo Thanh có phép thuật bèn loi kéo theo mình. Đạo Thanh đặt chuyện phao đồn, trổ ngón huyễn thuật mê hoặc dân chúng cho Điền Hổ chiếm đọat các châu huyện. Điền Hổ có việc gì cũng hỏi ý của Đạo Thanh, đặt hiệu cho Đạo Thanh là "hộ quốc linh cảm chân nhân", phong chức quân sư tả thừa tướng. Đến lúc này Đạo Thanh mới chịu nói họ thật, vì thế người ta gọi y là quốc sư Kiều Đạo Thanh.
Bấy giờ Kiều Đạo Thanh tâu với Điền Hổ đưa quân mã đến ải Hồ Quan cự địch, Điền Hổ nói:
- Quốc sư biết chia sẻ nỗi lo với quả nhân!
Điền Hổ chưa nói dứt lời, lại có quan điện suý là Tôn An tâu rầng:
- Hạ thần xin đưa quân mã cứu viện châu Tấn Ninh.
Điền Hổ liền phong cho Kiều Đạo Thanh và Tôn An chức chính nam đại nguyên suý, mỗi người lĩnh hai vạn quân mã bộ lên đuờng chặn địch. Kiều Đạo Thanh lại tâu:
- Hồ Quan đang nguy cấp, thần xin dẫn một đội khinh kỵ đi ngay.
Điền Hổ cả mừng, truyền lệnh cho khu mật điện điều quân cho Kiều Đạo Thanh và Tôn An ra trận. Kiều Đạo Thanh và Tôn An điểm quân lên đường ngay hôm ấy.
Tôn An người huyện Kinh Nguyên, cùng quê với Kiều Đạo Thanh, thân dài chín thước, có tài thao lược, sức vóc hơn người học võ nghệ vào loại xuất sắc, quen dùng đôi kiếm thép. Vì báo thù cho cha, Tôn An giết hai kẻ cừu địch, bị quan phủ truy lùng phải bỏ nhà chạy trốn. Tôn An chơi thân với Kiều Đạo Thanh. Khi nghe tin Kiều Đạo Thanh đã theo Điền Hổ, Tôn An liền chạy sang châu Uy Thắng tìm Kiều Đạo Thanh kể thật sự tình. Kiều Đạo Thanh bèn tiến dẫn Tôn An cho Điền Hổ. Tôn An cầm quân ra trận có công, được Điền Hổ phong chức điện suý.
Hôm ấy Tôn An thống lĩnh mười viên chánh phó tướng, quân mã, bộ hai vạn lên đường cứu nguy châu Tấn Ninh. Mười viên chánh phó tướng ấy đều được phong chức thống chế. Đó là: Mai Ngọc, Tần Anh, Kim Trinh, Lục Thanh, Phan Tấn, Dương Phương, Phùng Thăng, Hồ Mại, Lục Phương.
Tôn An từ biệt Kiều Đạo Thanh thống lĩnh quân mã lên đường đi Tấn Ninh.
Lại nói Kiều Đạo Thanh giao hai vạn quân mã cho hai viên đoàn luyện sứ là Nhiếp Tân và Phùng Kỷ chỉ huy đi sau, còn mình dẫn bốn viên phó tướng đem quân tiền bộ đi trước. Bốn viên phó tướng ấy là: Lôi Chấn, Nghê Lân, Phí Trân, Tiết Xán.
Bốn viên phó tướng ấy đều được phong chức tổng quản, dẫn hai nghìn tinh binh theo Kiều Đạo Thanh ngày đêm ruổi nhanh về châu Chiêu Đức. Chẳng bao lâu, tiền quân của Kiều Đạo Thanh đã tới phía bắc cách thành Chiêu Đức hơn mười dặm. Quân thám mã quay lại báo tin: "hôm quan quân Tống lấy đựợc ải Hồ Quan, đã chia quân ba đường đi đánh phủ thành Chiêu Đức".
Kiều Đạo Thanh nghe tin báo, nổi giận nói:
- Bọn Tống Ginag thật vô lễ! phải cho chúng biết phép thụât sở trường của ta!
Dứt lời Kiều Đạo Thanh liền thúc quân phóng ngựa như bay về phía trước, vừa hay gặp cánh quân đánh cửa bắc do Đường Bân và Cảnh Cung cầm đầu.
Đường Bân, Cảnh Cung được tin báo phía tây bắc có chừng hai ngàn quân kỵ đang tiến nhanh đến, liền cho quân dàn trận thế sẵn sàng đón đánh. Quân Kiều Đạo Thanh vừa tới, hai bên gióng trống phất cờ dàn trận đối nhau chỉ cách ngoài một tầm tên. Đường Bân, Cảnh Cung thấy bên quân Điền Hổ có bốn viên tướng hộ vệ vị nguyên suý đang ghìm ngựa đứng dưới chiếc lọng lụa hồng. Trước ngựa người ấy là một ngọn cờ đen thêu hai hàng chữ vàng: "hộ quốc linh cảm chân nhân quân sư tả thừa tướng chinh nam đại nguyên suý Kiều".
Cảnh Cung nhìn chữ trên cờ, mặt biến sắc nói:
- Viên tướng này rất nguy hiểm!
Lúc ấy Lý Quỳ dẫn năm trăm du binh bất ngờ xuất hiện. Lý Quỳ muốn xông lên đánh, Cảnh Cung phải gọi to can rằng:
- Nguyên suý giặc là tay chân đắc lực nhất của Điền Hổ. Hắn có phép yêu thuật rất nguy hiểm.
Lý Quỳ đáp:
- Để ta chặt đầu xem hắn có còn dùng yêu thuật được không?
Đường Bân nói:
- Tướng quân chớ nên khinh thường.
Lý Quỳ không nghe lời, liền vung búa xông lên đánh. Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn lo Lý Quỳ không địch nổi, liền dẫn năm trăm quân đao thuẫn ào tới. Kiều Đạo Thanh bật cười quát:
- Các người thật điên cuồng.
Kiều Đạo Thanh nói xong thong thả rút bảo kiếm chỉ lên không, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú rồi hét "mau". Lập tức giữa thanh thiên bạch nhật mây đen kéo đến che kín bầu trời, gió bão thổi ầm ầm, đất cát bay mù mịt. Rồi một luồng ám khí trùm kín đội quân đao thuẫn của Lý Qùy, khác nào cả bọn bị nhốt gọn trong một chiếc bị lớn. Cả đội quân không cựa quậy được, chỉ nghe tiếng mưa gió ầm ầm, xung quanh tối đen như mực, không ai biết hiện giờ mình đang ở đâu. Chỉ biết rằng:
Hảo hán anh hùng khôn khắp cánh cao bay
Bồ Tát Kim cương khó tìm đường trốn thoát.
Chưa biết bọn Lý Quỳ bị Kiều Đạo Thanh dùng yêu thuật bao vây, tính mạng sống chết ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.