Hồi 27: Trương Thanh sánh duyên với Quỳnh Anh, Ngô Dụng mưu đầu độc Quốc cữu
-
Hậu Thủy Hử
- Thi Nại Am - La Quán Trung
- 7793 chữ
- 2020-05-09 04:31:01
Số từ: 7780
Dịch giả: Tử Vi Lang
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học
Đang nói chuyện quốc cữu Ô Lê ra lệnh cho quận chúa Qùynh Anh giữ chức tiên phong, tự mình thống lĩnh đại quân đi tiếp theo sau. Thiếu nữ Quỳnh Anh tuổi vừa đôi tám, nhan sắc xinh đẹp, nguyên chẳng phải là con đẻ cua Ô Lê. Quỳnh Anh vốn là người họ Cừu, cha tên là Thân, quê quán ở Cẩm Thượng, huyện Giới Hưu, phủ Phần Duong, Tấn Văn Công thời Xuân Thu không mời được Giới Chi Thôi về triều đã cắt đất Cẩm Thượng phong cho họ Giới, chính là làng Cẩm Thượng ấy. Cừu Thân cũng vào hạng giàu có, tuổi ngũ tuần, chẳng may goá vợ, chưa có con trai nối dõi bèn cưới con gái Tống Hữu Liệt ở huyện Bình Dao về làm vợ kế, sinh được Quỳnh Anh. Năm Quỳnh Anh lên mười, Tống Hữu Liệt qua đời, cha mẹ Qùynh Anh về quê chịu tang ông ngoại. Huyện Giới Hưu liền huyện Bình Dao, nhưng cũng cách nhau hơn bảy mươi dặm. Mẹ Quỳnh Anh ngại đường xá xa xôi, để Quỳnh Anh lại nhà, căn dặn vợ chồng người quản gia là Diệp Thanh chăm nom hầu hạ. Cha mẹ Quỳnh Anh đi nửa đường chẳng may gặp cướp. Bọn cướp giết Cừu Thân, đuổi đánh người hầu, bắt mẹ Quỳnh Anh đem đi. Trang khách chạy về báo tin dữ cho Diệp Thanh biết. Diệp Thanh tuy chỉ là quản gia, nhưng là người có nghĩa khí, biết võ nghệ. Vợ Diệp Thanh là An thị tính cẩn thận. Khi Diệp Thanh đi báo tin cho các người thân tộc trong họ Cừu. An thị một mặt trình quan xin lùng bắt quân cướp, một mặt lo liệu việc chôn cất thi hài chủ nhân. Thân tộc họ Cừu nhóm họp, chọn một người trong họ làm thừa kế gia tài của Cừu Thân. Diệp Thanh và vợ là An thị chăm lo săn sóc nữ chủ Quỳnh Anh thơ ấu.
Hơn một năm sau, Điền Hổ dấy loạn chiếm cứ châu Uy Thắng, sai thủ hạ là Ô Lê chia quân đi cướp bóc các nơi. Quân Ô Lê đến làng Cẩm Thượng huyện Giới Hưu cướp đọat của cải, bắt giữ đàn ông, đàn bà. Người thừa tự họ Cừu bị loạn quân giết hại, vợ chồng Diệp Thanh, và Quỳnh Anh cũng bị bắt đem đi. Ô Lê kia không có con, thấy Quỳnh Anh thanh tú, xinh đẹp, bèn dẫn về cho vợ là Nghê thị. Nghê thị là mụ đàn bà không sinh đẻ được, thấy Qùynh Anh thì hết mực yêu mến chẳng khác gì con đẻ. Quỳnh Anh thông minh lanh lợi từ bé, liệu bề không thoát thân được, xung quanh lại không một ai thân thích, biết mình được yêu mến bèn xin Nghê thị nói với Ô Lê cho phép vợ Diệp Thanh cùng ở với mình, vì thế An thị được theo hầu Quỳnh Anh, không rời nửa bước. Còn Diệp Thanh từ khi mới bị bắt cũng muốn tìm cách thoát thân nhưng lại nghĩ rằng: "Quỳnh Anh còn thơ ấu, vợ chồng gia chủ chỉ còn một giọt máu ấy, nếu ta trốn đi thì không hay biết tiểu thư sống chết thế nào. May sao giờ đây đã có vợ ta gần cạnh tiểu thư, khi có cơ hội ta sẽ tìm cách cứu cả hai người thoát khỏi vòng họan nạn, như thế gia chủ ta dưới suối vàng cũng được yên lòng nhắm mắt". Nghĩ thế Diệp Thanh đành chịu phục tùng Ô Lê. Thấy Diệp Thanh theo trận mạc có công, Ô Lê cho phép An thị được về xum họp với Diệp Thanh. Từ đó An thị được ra vào suý phủ, có dịp liên lạc tin tức với Qùynh Anh. Ô Lê cũng đã tâu xin Điền Hổ phong cho Diệp Thanh giữ chức tổng quản.
Sau đó Ô Lê sai Diệp Thanh đem quân đến núi Thạch Thất đốn gỗ chuyển đá. Quân sĩ của Diệp Thanh nhìn xuống gò núi chỉ trỏ kháo nhau rằng: "chỗ kia có hòn đá đẹp, trắng như tuyết không một vết xước rạn nào. Ở vùng này có kẻ định khuân về liền nghe phát ra một tiếng sét, cả mấy người khiếp sợ chết ngất hồi lâu mới tỉnh lại. Bởi thế người ta vẫn đồn đại, nhắc nhở nhau, không ai dám đến gần". Diệp Thanh nghe vậy liền cùng quân lính xuống chân núi xem cho rõ. Bỗng mọi người kinh ngạc kêu to: "quái lạ! mới đay là một hòn đá trắng mà bây giờ lại hóa ra xác một người đàn bà!". Bước lên trên nhìn kỹ, Diệp Thanh kinh ngạc nhận ra đó là xác gia chủ Tống phu nhân, sắc mặt tươi rói như người sống. Nhìn vết thương trên trán, trên mặt thì tựa như Tống thị vừa bị ngã từ trên vách núi xuống. Diệp Thanh xúc động nước mắt tuôn. Đang lúc không hiểu sự việc ra sao, trong bọn quân sĩ có một người nguyên là lính giữ ngựa của Điền Hổ, thụât lại cho mọi người nghe đầu đuôi mọi chuyện từ khi Tống thị bị bắt cóc cho đến lúc chết: "trước đay, lúc mới dấy quân, đại vương ta bắt được người đàn bà ở huyện Giới Hưu, muốn đón về làm phu nhân áp trại. Bà ta giả cách ưng thuận để được cởi trói, khi đi qua đây, bất ngờ đâm đầu xuống vách núi tự tử. Thấy bà ta đã chết, đại vương sai tôi vòng xuống chân núi lột lấy áo quần và đồ trang sức. Tôi theo hầu đỡ bà ấy lên ngựa, cũng chính tôi xuống tước lột áo quần trang sức. Tôi quen mặt nên nhận ra ngay, quả đúng là xác bà ấy đấy. Từ bấy đến nay đã hơn ba năm, chẳng biết vì sao mà xác chết vẫn còn nguyên vẹn như thế".
Diệp Thanh nghe xong bùi ngùi nuốt nước mắt, nói với quân sĩ: "ta cũng nhận ra bà này là con nhà họ Tống, láng giềng ngày trước của ta". Nói đoạn Diệp Thanh sai quân khiêng đất đắp điếm tử thi, nhưng khi lên núi nhìn xuống vẫn thấy hòn đá trắng như trước. Quân lính Diệp Thanh thảy đều thương xót kinh sợ, rồi ai nấy đi lo việc chuyển đá đốn cây. Công việc xong xuôi, Diệp Thanh trở về châu Uy Thắng kể lại cho vợ biết việc Điền Hổ giết Cừu Thân. Tống phu nhân bị bắt cóc đã liều mình để giữ vẹn trinh tiết. Diệp Thanh bảo An thị kín đáo kể lại cho Quỳnh Anh biết.
Biết sự việc, Qùynh Anh đau xót như ngàn vạn mũi tên đâm xé trong lòng, ngày đêm nuốt nước mắt, cố nén để khỏi bật khóc thành tiếng, mắt nhòe ướt lệ, ý nghĩ báo thù cho cha mẹ không lúc nào nguôi. Cũng từ đó, đêm đêm chợp mắt, Quỳnh Anh đều chiêm bao thấy một vị thần hiện lên bảo rằng: "con muốn báo thù cho cha mẹ, ta sẽ dạy võ nghệ cho". Những điều nghe thấy trong giấc chiêm bao, khi tỉnh dậy Quỳnh Anh đều ghi nhớ hết. Quỳnh Anh bèn đóng cửa cài then, một mình tập luyện các môn thương bổng. Lâu dần Quỳnh Anh càng thêm tinh thông võ nghệ. Ngày tháng trôi qua chẳng bao lâu đã tới mùa đông năm Tuyên Hoà thứ tư. Một đêm cuối năm, Quỳnh Anh vừa gục đầu thiu thiu ngủ, chợt có một luồng gió ùa vào, cuống theo một mùi hương lạ thơm nức. Trong chốc lát, Qùynh Anh thấy một tu sĩ đầu chít khăn mỏ rìu, dẫn một viên tướng trẻ mặt chiến bào xanh đến dạy cho mình phép ném đá. Vị tu sĩ bảo Quỳnh Anh: "ta cất công đến huyện Cao Bình mời Thiên tiệp tịnh tới đây truyền dạy cho con thụât lạ, giúp con khỏi chốn hang hùm, báo thù cho cha mẹ. Tướng quân đây sẽ trọn đời duyên lứa với con". Thóang nghe mấy tiếng "trọn đời duyên lứa", Quỳnh Anh bất giác thẹn thùng, giơ tay áo che mặt, chẳng ngờ nghe một tiếng kêu "xoảng", mới hay là chạm phải chiếc kéo để trên mặt bàn. Quỳnh Anh giật mình tỉnh dậy. Trong phòng vẫn ngọn đèn tàn, ngoài trời vẫn vầng trăng lạnh, chiêm bao giống như thật, Quỳnh Anh ngồi dậy thẫn thờ.
Sáng hôm sau, Quỳnh Anh còn nhớ phép ném đá, bèn đến bên bờ tường chọn nhặt một hòn đá bằng quả trứng đánh liều ném thử con xuy trên nóc nhà. Viên đá ném đi nghe chát một tiếng, con xuy vỡ tan, mảnh rơi lả tả. Nghê thị giật mình vội ra khỏi, Quỳnh Anh kiếm chuyện nói tránh đi:
- Đêm qua con mơ thấy một vị thần đến bảo:"Cha ngươi có số vương hầu, ta dạy riêng cho ngươi các phép võ lạ để ngươi giúp thành công". Vừa rồi con thử ném đá chẳng ngờ ném trúng con xuy.
Nghê thị nghe lấy làm lạ bèn kể lại chuyện ấy cho Ô Lê nghe. Ô Lê không tin liền gọi Quỳnh Anh đến hỏi, đem thương, đao, kiếm, kích, thuơng, bổng, đinh ba bảo sử dụng thử. Quả nhiên Ô Lê thấy môn nào Quỳnh Anh cũng thông thạo, riêng thuật ném đá thì đặc sắt nhất, trăm phát trăm trúng. Ô Lê cả kinh, nghĩ bụng:"ta quả có phúc lớn mới được trời cho dị nhân đến giúp sức". Từ đó Ô Lê hàng ngày truyền dạy cho Quỳnh Anh các phép cưỡi ngựa, đánh kiếm.
Câu chuyện về tài võ nghệ của Qùynh Anh từ nhà Ô Lê lọt ra ngoài làm xôn xao cả thành Uy Thắng, dân chúng đặt biệt hiệu gọi Quỳnh Anh là "Quỳnh thỉ thốc" (mũi tên Qùynh). Dạo ấy, Ô Lê muốn kén chọn chàng rể gả chồng cho Quỳnh Anh. Quỳnh Anh thưa với mẹ nuôi:
- Nếu cha mẹ gả chồng cho con thì xin kén người nào ném đá thật giỏi. Nếu là kẻ tài nghệ không bằng con thì con thà chết chứ không nhận lời.
Nghê thị nói lại với Ô Lê. Ô Lê thấy Quỳnh Anh kén chọn khó quá, việc kén rể đành phải tạm gác lại. Hôm ấy Ô Lê nghĩ đến hai chữ "vương hầu", chợt nẩy manh tâm, bèn tâu xin cho Quỳnh Anh giữ chức tiên phong, muốn thừa dịp hai bên đánh nhau, mình ở giữa thủ lợi. Bấy giờ Ô Lê chọn tướng tuyển quân đã xong, hạ lệnh cho rời châu Uy Thắng. Ô Lê giao cho Quỳnh Anh làm tướng tiên phong, đưa năm nghìn tinh binh đi trước, tự mình thống lĩnh đại quân tiến theo sau.
Tạm gác chuyện Ô Lê, Qùynh Anh đưa quân lên đường. Đây nói chuyện Tống Giang ở phủ Chiêu Đức chờ đợi tiếp đón Trần an phủ. Ngày một ngày hai, mãi đến hơn mười hôm sau mới có tin báo người ngựa của Trần an phủ đã tới. Tống Giang dẫn các tướng ra ngoài thành nghênh tiếp, mời Trần an phủ về dinh riêng trong thành Chiêu Đức nghỉ ngơi. Các tướng lĩnh đầu mục đều đến vái chào.
Trần an phủ từ trước vẫn biết anh em Tống Giang là những người trung nghĩa nhưng chưa có dịp gặp mặt trò chuyện với Tống Giang. Hôm nay gặp nhau, thấy Tống Giang đôn hậu, một mực cung kính khiêm nhường, Trần an phủ lại càng thêm kính trọng. Trần an phủ nói:
- Hoàng đế nghe tin tiên phong liên tiếp lập kỳ công, đặc sai hạ quan đưa mấy xe vàng bạc vóc lụa đến ban cấp đồ thưởng và giám sát việc quân.
Anh em Tống Giang đều vái tạ. Tống Giang nói:
- Tống Giang tôi nhờ tướng công hết sức tâu bày, hôm nay mới được đội ơn lớn của thiên tử. Mọi sự đều do tướng công tác thành cho. Anh em Tống Giang tôi dẫu phơi gan nơi chiến địa cũng chưa đủ báo đền.
Trần an phủ nói:
- Mong tướng quân sớm lập công lớn, khi về kinh tướng quân sẽ được thiên tử cất nhắc trọng dụng.
Các đầu lĩnh lại vái tạ lần nữa. Tống Giang nói:
- Mời tướng công ở lại đóng giữ thành Chiêu Đức, anh em tiểu tướng sẽ đem quân đi đánh sào huyệt của Điền Hổ, khiến cho quân giặc đầu đuôi không cứu ứng được nhau.
Trần an phủ nói:
- Truớc khi rời kinh, hạ quan đã tâu lên để thiên tử biết những châu huyện do tiên phong mới thu hồi, hiện nay đều thiếu quan cai trị. Bộ lại đã cấp tốc chọn người để bổ nhiệm, đã hẹn ngày lên đường, chẳng bao lâu bọn họ sẽ tới nơi.
Tống Giang một mặt phân phát đồ thưởng cho quân sĩ, một mặt viết quân thiếp, sai Thần hành thái bảo Đái Tôn đi truyền lệnh cho các đầu lĩnh trấn thủ các châu huyện biết để sẵn sàng giao quyền lại cho các quan mới tới nhậm chức, rồi đưa quân về thành chờ lệnh sai phái.
Tống Giang cũng giao cho Đái Tôn, sau khi truyền lệnh cho các châu huyện xong, đi tiếp đến phủ Phần Dương thám thính tình hình quân giặc. Tống Giang lại trình lên để Trần an phủ biết công trạng của các hàng tướng Hà Bắc là bọn Đường Bân, tiến cử bọn Kim Đĩnh, Hoàng Việt giữ chức trấn thủ cửa ải Hồ Quan và núi Bão Độc thay cho các tướng Tôn Lập, Chu Đồng trở về suý phủ chờ sai phái, mọi việc đều được Trần an phủ chấp thuận.
Bỗng có tin quân lưu tinh thám mã về báo: "Điền Hổ sai Mã Linh thống lĩnh người ngựa đến cứu cấp cho phủ Phần Dương, lại sai Ô Lê quốc cữu cùng với quận chúa Quỳnh Anh đem quân từ phía đông đánh tới hiện đã tới huyện Tương Viên. Tống Giang nghe xong, cùng bàn với Ngô Dụng, rồi cắt cử các tướng đem quân đi chặn địch. Bấy giờ hàng tướng Kiều Đạo Thanh nói:
- Mã Linh cũng biết dùng yêu thuật và có phép thần hành, thường giấu trong người một viên gạch vàng, ném trăm phát trăm trúng. Bần đạo đội ơn tiên phong thu dùng, chưa đóng góp công sức, nay xin tiên phong cho bần đạo cùng với tôn sư Công Tôn Nhất Thanh đến Phần Duơng thuyết phục Mã Linh về hàng.
Tống Ginag cả mừng, điểm ngay hai nghìn quân mã cho theo Công Tôn Thắng và Kiều Đạo Thanh. Hai người từ biệt Tống Giang đưa quân đi Phần Dương ngay trong ngày hôm đó.
Nói tiếp chuyện Tống Giang truyền lệnh cho Sách Siêu, Từ Ninh, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Thang Long, Đừơng Bân, Cảnh Cung thống lĩnh hai vạn quân mã đi đánh huyện Lộ Thành. Lại lệnh cho Vương Anh, Hỗ Tam Nương, Tôn Tân, Cố đại Tẩu lĩnh một nghìn quân kỵ đi trước thám thính tình hình bên quân Điền Hổ. Tống Giang từ biệt Trần an phủ rồi cùng bọn Ngô Dụng, Lâm Xung, Trương Thanh, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lý Quỳ, Bao Húc, Phàn Thụy, Hạng Sung, Lý Cổn, Lưu Đường, Giải Trân, Giải Bảo, Lăng Chấn, Bùi Tuyên, Tiêu Nhượng, Tống Thanh, Kim Đại Kiên, An Đạo Toàn, Tưởng Kính, Úc Bảo Tứ, Vương Định Lục, Mạnh Khang, Nhạc Hoà, Đoàn Cảnh Trụ, Chu Quý, Hoàng Phủ Đoan, Hầu Kiện, Sái Phúc, Sái Khánh và tướng mới về hàng là Tôn An, tất cả ba mươi mốt chánh phó tướng, thống lĩnh ba vạn năm nghìn quân mã rời thành Chiêu Đức tiến lên phía bắc.
Quân tiền tiêu do Vương Anh chỉ huy tiến đến huyện Lộ Thành ở phía bắc núi Ngũ Am thì gặp quân do thám dưới quyền của các tướng Diệp Thanh, Thịnh Bản của quân Điền Hổ. Quân hai bên gặp nhau, khua trống phất cờ lâm trận. Bên quân bắc, Thịnh Bản dừng ngựa trước trận. Bên quân Tống, Vương Anh phóng ngựa lên trước, không nói nửa câu, xăm xăm vỗ ngựa, vung thương lao vào đánh Thịnh Bản. Quân hai bên hò reo trợ chiến. Thịnh Bản giơ thương, thúc ngựa đón đánh. Hai tướng đánh hơn mười hiệp, Hỗ Tam Nương khua đao vỗ ngựa lên hợp sức với chồng. Thịnh Bản không địch nổi hai tướng, bèn quay ngựa chạy. Hỗ Tam Nương đuổi theo, chém Thịnh Bản lăn nhào xuống ngựa. Vương Anh cùng các tướng hô quân ùa sang chém giết. Diệp Thanh không dám chống cự, cấp tốc dẫn quân tháo lui. Quân Tống đuổi theo, giết hơn năm trăm tên, bọn còn lại tán loạn chạy trốn khắp nơi, Diệp Thanh chỉ còn hơn trăm quân kỵ, rạp ngựa chạy quá hai mươi dặm về phía nam thành huyện Tương Viên. Ở đó lúc bấy giờ đã có quân mã của quận chúa Quỳnh Anh đến đóng trại.
Nửa năm trước, Điền Hổ sai Diệp Thanh đến huyện Tương Viên cùng với chủ tướng là bọn Từ Uy cầm quân đóng giữ huyện thành. Gần đây nghe tin Quỳnh Anh giữ chức tiên phong đem quân đến, Diệp Thanh xin chủ tướng Từ Uy cho dẫn quân bản bộ đi thám thính. Ý định của Diệp Thanh là muốn nhân cơ hội ấy đón gặp nữ chủ nhân. Từ Uy sai phó tướng Thịnh Bản cùng đi với Diệp Thanh, chẳng ngờ Thịnh Bản bị Hỗ Tam Nương giết đúng lúc quân mã của Quỳnh Anh vừa tới. Diệp Thanh vào trại yết kiến nữ chủ nhân, mừng thấy tiểu thư họ Cừu khôn lớn, có uy phong một vị nữ tướng oai hùng. Quỳnh Anh nhận ra Diệp Thanh bèn quát lui tả hữu, rồi nói:
- Ta vừa may thoát khỏi hang hùm, nhưng thủ hạ chỉ có năm nghìn người ngựa, chưa biết làm sao rửa sạch mối thù cho cha mẹ. Ta tính việc thoát thân, nhưng sợ chúng phát giác thì tự mình chuốc lấy tai vạ. May sao gặp Diệp Thanh tới đây!
Diệp Thanh nói:
- Diệp Thanh tôi đã trù nghĩ cả, nhưng chưa tìm được phương kế gì, khi nào có dịp sẽ xin đến báo.
Chưa dứt lời bỗng có tin quân Tống đang tiến đến. Quỳnh Anh mặc giáp lên ngựa, đem quân ra chặn địch.
Quân hai bên tiến gần, giương cờ gióng trống, dàn trận đối nhau. Dưới môn kỳ bên quân Điền Hổ, một nữ tướng trẻ tuổi, dung mạo xinh đẹp, cữỡi ngựa bạch đứng trước hàng quân. Cờ hiệu trước ngựa của nữ tướng đề rõ " bình nam tiên phong tướng quận chúa Quỳnh Anh". Tướng sĩ bên quân Tống thấy vậy trầm trồ thán phục. Quân hai bên hò reo vang trời, khua chiêng, gióng trống. Cờ hiệu các màu rợp đất. Nuỵ cước hổ Vương Anh thấy viên nữ tướng xinh đẹp liền phóng ngựa xung thương xông tới đánh. Quân hai bên hò reo trợ chiến. Quận chúa Qùynh Anh liền giơ kích chặn đánh Vương Anh. Hai tướng đánh chừng hơn chục hiệp, Vương Anh vốn tính hiếu sắc, thấy Qùynh Anh xinh đẹp thì đường thương rối loạn. Quỳnh Anh thầm nghĩ: "tên tiểu tướng này thật đáng ghét". Nghĩ đoạn Quỳnh Anh nhân lúc Vương Anh sơ hở, liền đâm Vương Anh một kích trúng đùi bên trái. Vương Anh ngã ngựa. Hỗ Tam Nương thấy chồng bị thương, liền quát lớn:
- Nữ tặc kia, sao dám vô lễ!
Chưa dứt lời, Hỗ Tam Nương liền vỗ ngựa xông đến cứu Vương Anh. Quỳnh Anh vung kích chặn đánh. Vương Anh chưa kịp gượng dậy, bị quân Điền Hổ ùa tới bắt sống.
Bên quân Tống Giang, cả Tôn Tân và Cố Đại Tẩu cùng xông trận, quyết sức giao chiến để cứu Vương Anh. Cố Đại Tẩu thấy Hỗ Tam Nương không địch nổi Quỳnh Anh, liền múa song thương thúc ngựa tới trợ chiến. Ba nữ tướng ngồi trên ngựa vung đao kích giao chiến. Sáu cánh tay nõn nà vung binh khí sáng loáng. Quân sĩ đôi bên ngây người thán phục đứng nhìn. Ba nữ tướng đánh hơn hai mươi hiệp thì Quỳnh Anh đâm dứ một đường rồi quay ngựa bỏ chạy. Hỗ Tam Nương và Cố Đại Tẩu cùng thúc ngựa đuổi theo. Quỳnh Anh liền chuyển cây hoa kích sang tay trái, lén lấy viên đá, nheo mắt ngắm rồi vung ta ném đi. Bị đá trúng vào cổ tay phải, Hỗ Tam Nương đau điếng, vứt đao quay ngựa chạy về. Cố Đại Tẩu vội bỏ Quỳnh Anh, vỗ ngựa đến cứu Hỗ Tam Nương. Quỳnh Anh quay ngựa đuổi theo. Tôn Tân cả giận, vugn song tiên thúc ngựa chặn đánh. Hai tướng chưa kịp giao chiến thì Qùynh Anh ném đá trúng vào mũ trụ bằng đồng của Tôn Tân, nghe đánh "choang" một tiếng. Tôn Tân cả sợ, vội quay về trận nhà để hộ vệ Vương Anh và Hỗ Tam Nương cho quân lui về phía sau.
Qùynh Anh định xua quân đuổi theo, bỗng nghe tiếng pháo lệnh nổ rền như sấm, tiếng ngựa hí vang. Rồi từ sau sườn núi một đội quân mã rầm rập lướt cờ xông tới. Đó là các tướng Lâm Xung, Tôn An và các đầu lĩnh quân bộ là bọn Lý Quỳ vâng lệnh Tống Công Minh đem quân tiếp ứng. Quân hai bên gặp nhau tung cờ gióng trống hò reo xông trận. Báo tử đầu Lâm Xung cầm ngang cây bát xà mâu dừng ngựa đứng trước trận. Nữ tướng Quỳnh Anh nâng cây phương thiên hoạ kích phóng ngựa đến đánh, Báo Tử đầu Lâm Xung thấy viên nữ tướng liền quát to:
- Nữ tặc, sao dám chống quân thiên triều?
Quỳnh Anh không đáp, chỉ nâng thương thúc ngựa xông vào đánh Lâm Xung. Hai tướng ngồi trên ngựa quần thảo, binh khí qua lại vun vút. Đánh mới được vài hiệp, Quỳnh Anh không đỡ gạt nổi, bèn nhân lúc sơ hở quay ngựa chạy. Tôn An thấy cờ hiệu của Quỳnh Anh, vội kêu lên:
- Lâm tướng quân, xin đừng đuổi theo kẻo mắc mưu giặc!
Lâm Xung cậy có võ nghệ cao cường, không chịu nghe lời Tôn An, vẫn thúc ngựa đuổi sát theo sau. Quỳnh Anh chờ cho Lâm Xung đến thật gần, chuyền kích sang tay trái, thò tay vào túi lấy đá, rồi quay lại nghiêng người vung tay ném. Lâm Xung mắt sáng tay nhanh, liền giơ cán mâu gạt viên đá rơi xuống đất. Quỳnh Anh thấy trượt, lại nhanh tay ném tiếp. Lâm Xung né tránh không kịp bị viên đá trúng vào mặt, máu chảy đầm đìa, vội quay ngựa chạy về. Quỳnh Anh liền quay ngựa đuổi theo.
Tôn An định dẫn quân tiến lên, bỗng thấy bên trận quân mình rẽ làm đôi. Liền đó thấy năm viên mãnh tướng là bọn Lý Qùy, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Giải Trân, Giải Bảo chỉ huy năm trăm quân bộ ào ạt xông lên. Lý Quỳ vung búa quát lớn:
- Tướng đàn bàn kia, sao dám vô lễ!
Qùynh Anh thấy Lý Quỳ xấu xí hung dữ, vội tung đán trúng giữa trán Lý Quỳ. Lý Qùy đau điếng, giật mình kinh sợ. Cũng may Lý Quỳ xương đồng da sắt nên không hề gì. Quỳnh Anh thấy Lý Quỳ không ngã, vội quay ngựa chạy về trận nhà. Lý Quỳ cả giận, râu hùm dựng ngược, trừng mắt quát thét rượt đuổi theo. Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Giải Trân, Giải Bảo sợ Lý Quỳ sơ suất, vội chạy lên tiếp ứng. Tôn An lấy làm lo, nhưng không ngăn nổi. Quỳnh Anh thấy bọn Lỗ Trí Thâm đuổi theo bèn quay lại ném đá. Giải Trân trúng thương ngã nhào, Giải Bảo, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng vội chạy đến vực Giải Trân dậy. Phía trước một mình Lý Quỳ vẫn xách búa cắm đầu đuổi theo. Quỳnh Anh lại ném đá trúng giữa trán Lý Quỳ. Hắc toàn phong hai lần bị đá ném nhưng lần này mới sứt da chảy máu thì bừng bừng tức giận, hai tay vung hai búa xông vào giữa trận quân Điền Hổ mà chém giết. Tôn An thấy Quỳnh Anh bị lọt vào giữa trận, bèn vẫy quân đánh tràn sang. Lúc ấy Ô Lê quốc cữu cùng bọn Từ Uy tám chánh phó tướng cũng vừa dẫn đại quân đến cứu viện. Quân hai bên xông trận hỗn chiến.
Bọn Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng sau khi cứu được Giải Trân liền quay lại đuổi đanh quân Điền Hổ, Giải Bảo dìu Giải Trân chạy quan vùng tên đạ, bị quân Điền Hổ đuổi theo, ném thòng lọng bắt sống. Năm trăm quân bộ của Lý Quỳ thua to, xô nhau bỏ chạy. Tôn An liều mình xông lên quyết chiến, đưa một lưỡi gươm chém tướng giặc là Đường Hiển lăn nhào xuống ngựa. Ô Lê quốc cữu bị một tay cung nỏ của Tôn An bắn lén một mũi tên xuyên qua gáy. Ô Lê quốc cữu chúi người rơi xuống may có bọn Từ Uy kịp xông đến tiếp cứu. Quận chúa Qùynh Anh và các tướng thấy Ô Lê quốc cữu bị thương, vội truyền lệnh khua chiêng thu quân. Lúc ấy quân mã của Tống Giang do Một vũ tiễn Trương Thanh chỉ huy từ phía nam thành đánh thốc tới. Trước đó Trương Thanh đã được quân thám mã báo cho biết bên quân Điền Hổ có một nữ tướng ném đá rất lợi hại, đã làm cho Hỗ Tam Nương bị thương. Trương Thanh giật mình, vội đến trình với Tống tiên phong rồi khoác giáp lên ngựa, cấp tốc đem quân đi cứu viện để tận mắt nhận diện viên tướng tiên phong ấy.
Bấy giờ Quỳnh Anh đã cho khua chiêng thu quân, hộ vệ Ô Lê quốc cữu chạy qua khu rừng rậm sang huyện Tương Viên. Trương Thanh cầm giáo, cưỡi ngựa đứng truớc trận nghĩ ngợi hồi lâu. Có thơ làm chứng như sau:
Giai nhân hồi mã tú kỳ dương
Sĩ tốt tướng quân cá cá mang
Dẫn nhập trường lâm nhân bất kiến
Bách hoa tùng lý cách hồng trang.
Giai nhân quay ngựa bóng cờ bay
Tướng sĩ ai ai vội vã thay
Khuất nẻo rừng xa người chẳng thấy
Trăm hoa che khuất bóng hồng đây.
Bấy giờ Tôn An thấy Giải Trân, Giải Bảo bị giặc bắt sô ng, mà bọn Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lý Quỳ vẫn liều lĩnh xông trận thì muốn vẫy quân đuổi theo cứu ứng. Nhưng thấy trời đã xẩm tối, Tôn An đành cùng Trương Thanh hộ vệ Lâm Xung thu quân về trại.
Lúc ấy Tống Giang ở trong trướng đã cho gọi thần y An Đạo Toàn đến chữ vết thương cho Vương Anh. Bấy giờ mọi người mới biết Vương Anh không chỉ bị thương ở đùi mà ở đầu cũng bị thương nặng. An Đạo Toàn chữa cho Vương Anh xong, rồi chữa cho Lâu Xung. Nghe tin Giải Trân, Giải Bảo bị bắt và bọn Lý Quỳ ba người vào sâu trong trận địch chưa về, Tống Giang bồn chồn lo lắng. Một lúc sau Võ Tòng và Lý Quỳ máu me đầy người trở về, vào trướng yết kiến Tống Giang. Võ Tòng nói:
- Tiểu đệ thấy Lý Quỳ cứ một mình xông lên đánh, nên phải chạy theo giúp. Đuổi đến sát chân thành, thấy quân giặc trói Giải Trân, Giải Bảo sắp dẫn vào thành, anh em tiểu đệ liền xông vào đánh, cứu được hai người. Không may lúc ấy đại quân của Từ Ninh ở phía sau đuổi tới đọat lại. Anh em tiểu đệ chỉ còn cách đánh mở đường máu chạy về. Cả tiẻu đệ và Lý Quỳ đều không biết Lỗ Trí Thâm đi lối nào.
Tống Giang nghe nói buồn rầu rơi lệ, liền sai người đi khắp nơi tìm kiếm Lỗ Trí Thâm. Một mặt sai thần y An Đạo Toàn chữa chạy cho bọ Võ Tòng, Lý Quỳ. Điểm lại quân sĩ thấy thiệt hại hơn ba trăm quân. Tống Giang sai đóng chặt cổng trại, đặt quân canh và hiệu lệnh tuần phong.
Sáng hôm sau quân thám mã báo tin không tìm thấy Lỗ Trí Thâm. Tống giang lại sai Nhạc Hoà, Đoàn Cảnh Trụ, Chu Quý và Úc Bảo Tứ mỗi người dẫn một đội quân khinh tiệp chia đi bốn phía tìm kiếm. Tống Giang muốn mau chóng cho quân đánh thành Chiêu Đức, nhưng mấy đẫu lĩnh bị thương chưa khỏi, đành phải đóng quân chờ đợi. Quân Điền Hổ cũng đóng chặt cổng thành không dám ra khiêu chiến.
Mấy hôm sau, Úc Bảo Tứ bắt được một tên do thám của địch áp giải về đại trại. Tôn An trông tháy nhận ra ngay nó là viên tổng quản Diệp Thanh bên quân Điền Hổ. Tôn An nói với Tống Giang:
- Viên tướng này là người có chí khí, nay một mình ra khỏi thành tất phải có duyên cớ gì.
Tống Giang liền sai quân cởi trói, gọi Diệp Thanh đến hỏi chuyện.
Vừa thấy Tống Giang, Diệp Thanh liền rập đầu lạy chào rồi nói:
- Tiểu nhân có việc cơ mật, xin nguyên suý cho tả hữu lui ra để tiểu nhân thưa rõ.
Tống Giang nói:
- Anh em ta ở đây một lòng một dạ, có điều gì ngươi cứ nói, đừng ngại.
Diệp Thanh nói:
- Trong trận đánh hôm trước, quốc cữu Ô Lê bị trúng tên độc, hiện đang hôm mê hoảng loạn, các thầy thuốc trong thành đã được mời đến chữa nhưng không khỏi. Tiểu nhân mượn cớ đi tìm thầy thuốc ra ngoài thành thăm dò tin tức.
Tống Giang hỏi:
- Hôm trước có hai tướng của ta bị bắt, hiện bị giam ở đâu?
Diệp Thanh nói:
- Tiểu nhân chỉ sợ bọn chúng làm hại hai tướng, nên thừa lúc Ô Lê mê man bất tỉnh, tiểu nhân đã truyền lệnh đem hai vị ấy giam riêng một nơi để trông nom cho chu đáo.
Tiếp đó Diệp Thanh kể sự việc vợ chồng Cừu Thân bị Điền Hổ giết hại, cùng là chuyện Quỳnh Anh được Ô Lê nhận làm con nuôi kể lại tỉ mỉ cho Tống Giang nghe.
Tống Giang thấy câu chuyện thương tâm nhưng vì Diệp Thanh là tướng của Điền Hổ, nên vẫn lo có mưu gì gian trá. Đang băn khoăn suy nghĩ thì thần y An Đạo Toàn đến nói với Tống Giang:
- Đay là vận hội trời cho, không phải ngẫu nhiên mà có. Mùa đông năm ngóai, tướng quân Trương Thanh có kể với tiểu nhân là tướng quân chiêm bao thấy vị nho sinh nhờ tướng quân dạy thuật ném đá cho một người con gái và nói người đó có duyên số với tướng quân. Tướng quân tỉnh mộng cứ ngẩn ngơ rồi sinh bệnh. Anh em đầu lĩnh gặng hỏi mãi, Trương tướng quân mới chịu nói rõ căn bệnh. Sau đó anh em đầu lĩnh kể lại cho tiểu nhân biết để lo thuốc thang điều trị cho Trương tướng quân. Nay nghe câu chuyện của Diệp Thanh, tiểu nhân ngờ là hợp với giấc mộng của Trương tướng quân vậy.
Tống Giang lại hỏi hàng tướng Tôn An. Tôn An đáp:
- Tiểu tướng cũng nghe nói Quỳnh Anh không phải là con đẻ của Ô Lê. Bộ hạ của tiểu tướng là Dương Phương chơi thân với vệ sĩ của Ô Lê cũng biết rõ lai lịch của Quỳnh Anh như thế. Lời Diệp Thanh nói không có điều gì đáng ngờ.
Diệp Thanh lại nói:
- Tiểu thư Quỳnh Anh vốn có chí báo thù nhà. Lúc ra trận nữ chủ nhân tôi trót phạm uy hổ của chư vị tướng quân, sợ sau này đại quân đánh thắng thì vàng đá không phân biệt được. Vì thế Diệp Thanh tôi mạo muội liều chết đến đây khẩn thiết xin nguyên suý xem xét chu tất cho.
Ngô Dụng nhìn kỹ Diệp Thanh rồi nói:
- Xem khí sắc cũng biết Diệp Thanh tướng quân là người chân thực có nghĩa khí. Quả là lòng trời giúp huynh trưởng thành công, cũng là dịp cho hiếu nữ báo thù nhà.
Nói đoạn Ngô Dụng nói nhỏ với Tống Giang:
- Quân ta tuy chia ba đường tiến đánh, nhưng nếu Điền Hổ liên kết vơi quân Kim thì quân ta đằng trước đằng sau đều gặp địch. Lại giả sử người Kim không dẫn quân sang, Điền Hổ cùng đường tất phải chạy sang đầu hàng vua Kim. Như thế anh em ta không có công đánh dẹp. Ngô Dụng tôi định thi hành một mưu kế, cần người làm nội ứng. Nay xin chủ tướng cho làm như thế. . . như thế. . . tất thủ cấp của Điền Hổ sẽ nằm gọn trong tay Quỳnh Anh! vả lại chắc huynh trưởng còn nhớ câu chuyện chiêm bao của Lý Quỳ, thần nhân chỉ bảo: "muốn dẹp loạn Điền Hổ, phải có mũi tên Qùynh".
Tống Giang sực nhớ, cho gọi Trương Thanh, An Đạo Toàn, Diệp Thanh vào giao mật kế. Ba người tuân lệnh lui ra.
Lại nói Diệp Thanh trở về Tương Viên, đến dưới chân thành cất tiếng gọi to:
- Mau mở cửa thành! ta là phó tướng Diệp Thanh ở phủ Ô Lê quốc cữu tìm được hai thầy thuốc là Toàn Linh, Tòan Vũ đưa về đây.
Quân giữ thành báo về xin lệnh, chỉ một lúc sau có quân ở phủ quốc cữu cầm lệnh tiễn đến cho mở cổng. Diệp Thanh dẫn Toàn Linh, Toàn Vũ vào thành, đến phủ quốc cữu chờ lệnh. Có lệnh cho dẫn thầy thuô c vào chữa bệnh cho quốc cữu. Diệp Thanh bèn dẫn Toàn Linh đi vào.
Người hầu vào báo rồi dẫn Toàn Linh đến chào quận chúa Quỳnh Anh, sau đó Toàn Linh đến phòng riêng thăm bệnh cho Ô Lê quốc cữu. Bệnh tình của Ô Lê đã đến mức trầm trọng, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Toàn Linh xem mạnh xong, lau rửa sạch rồi lấy thuốc đắp vết thương cho Ô Lê, lại cho uống thêm thuốc bào chế. Ba ngày sau vết thương bắt đầu lên da non, Ô Lê đã ăn uống được đôi chút. Sau năm ngày, tuy vết thương chưa lành hẳn nhưng sức khoẻ Ô Lê đã bình phục. Ô Lê cả mừng, sai Diệp Thanh mời thầy thuốc Toàn Linh vào cảm tạ.
Ô Lê nói:
- Nhờ túc hạ có phép thần y chữa lành vết thương, sức khỏe ta nay đã được bình phục. Sau này ta sẽ chung hưởng phú quý với túc hạ.
Toàn Linh lạy tạ nói:
- Toàn Linh tôi chỉ có phương thuốc nhỏ mọn, có đáng gì để quốc cữu quá khen! tiểu nhân có em ruột là Toàn Vũ từ nhỏ từng theo tiểu nhân đi khắp nơi giang hồ, cũng học hỏi được ít nhiều võ nghệ. Nay em tiểu nhân cũng theo đến đây phụ việc chăm sóc thuốc men cho quốc cữu. Xin tướng công xem xét cất nhắc cho.
Ô Lê sai người gọi Toàn Vũ vào hỏi chuyện. Ô Lê thấy Toàn Vũ tướng mạo tuấn tú khác thường bèn cho Toàn Vũ ở phía ngoài phru dinh để chờ sai phái.
Toàn Linh, Toàn Vũ cảm tạ Ô Lê quốc cữu rồi cáo từ lui ra. Mấy hôm sau bỗng có tin Tống Giang đem quân đến đánh thành Tương Viên. Diệp Thanh vào phủ báo tin cho Ô Lê quốc cữu, nói quân Tống đông mạnh, xin quốc cữu lệnh cho quận chúa Quỳnh Anh ra trận thì mới đánh lui được. Ô Lê bèn dẫn cả Qùynh Anh ra trường diễn võ chỉnh điểm binh mã.
Bấy giờ Toàn Vũ đến trước nhà giảng võ nói với Ô Lê:
- Thưa quốc cữu, tiểu nhân đội ơn quốc cữu, nay nghe tin quân Tống đến đánh, Toàn Vũ tôi dẫu bất tài cũng xin quốc cữu cho đem quân ra ngoài thành đánh tan quân Tống.
Tổng quản Diệp Thanh vờ tức giận nói:
- Ngươi giỏi khoe tài, liệu có dám tỉ thí võ nghệ với ta không?
Toàn Vũ cười đáp:
- Ta từ nhỏ tập đủ mười tám ban võ nghệ, quả thậ cũng đang muốn đọ tài với ngươi!
Diệp Thanh hỏi ý Ô Lê quốc cữu, rồi đưa thương và sai dắt ngựa ra cho Toàn Vũ. Hai người lên ngựa tiến ra trước đài diễn võ giao đấu. Diệp Thanh và Toàn Vũ ngồi trên lưng ngựa vung thương, kẻ qua người lại, quần thảo với nhau hơn năm mươi hiệp không phân thắng bại. Lúc ấy Qùynh Anh đứng bên Ô Lê quốc cữu xem hai người đua tài. Nhìn rõ mặt Toàn Vũ, Quỳnh Anh kinh ngạc thầm nghĩ: "ta đã gặp người nay ở đâu rồi? xem ra chàng cũng có thương pháp giống ta". Nghĩ ngợi một lúc, Quỳnh Anh sực nhớ ra: "đúng là chàng trong mộnt đã dạy ta thuật ném đá! nếu người này biết ném đá thì đúng là chàng!". Nghĩ đoạn Quỳnh Anh liền cầm cây hoạ kích lên ngựa tiến ra giơ kích ngăn hai người. Đó là vì Qùynh Anh sợ Diệp Thanh đánh Toàn Vũ bị thương, không biết Diệp Thanh và Toàn Vũ đã cùng chung một chí. Quỳnh Anh vung kích xông vào đánh Toàn Vũ. Toàn Vũ nâng thương chặn đỡ. Hai người giao chiến hơn năm mươi hiệp thì Quỳnh Anh quay ngựa chạy vòng ngang qua đài diễn võ. Toàn Vũ cũng lựa thế thúc ngựa đuổi theo. Quỳnh Anh móc túi lấy đá, nghiêng mình quay lại, nhằm phía dưới nách Toàn Vũ ném vút đi. Toàn Vũ nhanh mắt trông thấy, nhẹ nhàng khoát tay bắt lấy viên đá. Quỳnh Anh thấy vậy rất đỗi kinh ngạc, lại lấy tiếp viên đá thư hai ném Toàn Vũ. Toàn Vũ thấy Quỳnh Anh vugn tay liền dùng ngay viên đá vừa bắt đuợc ném đi. Bỗng nghe một tiếng "cạch", viên đá của Toàn Vũ ném trúng viên đá của Quỳnh Anh đang bay tới, cả hai đều vỡ tan, rơi xuống đất.
Ngày hôm ấy các tướng của Điền Hổ như bọn Từ Uy đều phải chia nhau đi đốc suất việc canh giữ ở bốn cửa thành. Số còn lại ở diễn võ trường chỉ có những viên phó tướng, hiệu uý. Trong bọn họ cũng có người nghi ngờ Toàn Vũ là quân gian tế lọt vào. Nhưng thấy quận chúa Qùynh Anh cành vàng lá ngọc cũng thi tài với Toàn Vũ, mà người tiến dẫn Toàn Vũ lại chính là phó tướng Diệp Thanh, bộ hạ thân cận của Ô Lê, vì vậy không ai dám tỏ ý nghi ngờ. Xem tình thế thì thành Tương Viên sắp mất đến nơi, ai nấy đều lo lựa gío che thân, không muốn dính líu vào chuyện rắc rối. Âu cũng là lòng trời muốn Điền Hổ phải thất bại nên mới bắt mất hồn vía của Ô Lê, làm cho đầu óc hắn u tối không nhận ra điều đó. Bấy giờ Ô Lê gọi Toàn Vũ lên đài giảng võ, ban cho áo giáp, chiến mã rồi lệnh cho Toàn Vũ đem hai ngàn quân ra ngoài thành giao chiến. Toàn Vũ vái tạ, tuân lệnh đem quân ra ngoài thành giao chiến với quân Tống Giang, không bao lâu thì trở về báo tiệp. Ô Lê cả mừng, sai dọn tiệc khoản đãi và ban thưởng cho Toàn Vũ.
Ngày hôm sau quân Tống lại đến đánh thành. Ô Lê lại sai Toàn Vũ dẫn hai nghìn quân ra ngoài thành giao chiến. Từ giữa sáng đến trưa, Toàn Vũ trổ tài ném đá, khiến cho quân Tống Giang rối loạn bỏ chạy. Toàn Vũ xua quân đuổi theo, đến quá núi Ngũ Am. Quân Tống Giang không chống cự nổi phải lui về thành Chiêu Đức. Toàn Vũ dẫn quân trở về báo tin thắng trận. Ô Lê quốc cữu vui mừng.
Diệp Thanh nói:
- Nay quốc cữu đã có Toàn Vũ và quận chúa Quỳnh Anh, không còn lo ngại gì quân Tống, việc lớn tất phải thành.
Diệp Thanh lại nói:
- Ngày trước quận chúa đã tỏ ý khi nào gặp người giỏi ném đá mới chịu sánh duyên. Nay tướng quân Toàn Vũ tỏ rõ là bậc anh hùng thật không làm xấu mặt quận chúa Quỳnh Anh.
Diệp Thanh hai ba lần nói vun vào, Ô Lê quốc cữu cũng thấy hợp tình. Âu cũng là duyên số của Trương Thanh, Quỳnh Anh đã có sợ tơ hồng xoắn buộc từ trước không gỡ ra được. Ô Lê ưng thuận cho chọn ngày mười sáu tháng ba mở tiệc mừng cho Trương Thanh làm rể.
Đến ngày đã định, gấm vóc phủ sàn che trướng, cỗ bàn tiệc rượu linh đình, Toàn Vũ, Quỳnh Anh quân hồng áo gấm song song cúi đầu lạy tạ nhạc phục Ô Lê quốc cữu. Đàn trống vang lừng, hương thơm toả ngát. Lạy nhạc phụ đã xong, Toàn Vũ, Qùynh Anh vào phòng riêng cạn lời thề ước. Lễ động phong hoa chúc tốt đẹp khỏi phải nói. Cả hai cùng vui như cá nước keo sơn.
Đêm ấy tựa đầu trên gối, Toàn Vũ nói thật cho Qùynh Anh biết mình chính là Một vũ tiễn Trương Thanh, chánh tướng của quân Tống. Người thầy thuốc Toàn Linh chính là thần y An Đạo Toàn. Qùynh Anh cũng đem nỗi oan khổ bấy lâu nay của mình kể cho Trương Thanh nghe.
Hai ngày sau, Trươnng Thanh, Qùynh Anh bỏ thuốc độc vào thức ăn, giết Ô Lê, rồi sai mời Từ Uy vào phủ, hạ sát nốt. Quân tướng còn lại đều chịu đầu hàng.
Trương Thanh, Qùynh Anh hạ lệnh không ai được tiết lộ tin tức ra ngoài, kẻ trái lệnh thì tru di ba họ, người đồng ngũ cũng đều bị chém. Vì vậy trong ngoài kín như bưng, không ai biết chuyện xảy ra trong thành.
Giải Trân, Giải Bảo đã được tha khỏi nhà giam, cùng với Trương Thanh, Diệp Thanh chia đi đốc suất việc canh gác bốn cửa thành. An Đạo Toàn được lệnh dẫn quân của Diệp Thanh đi phủ Chiêu Đức báo cho Tống tiên phong biết tin. Ngô Dụng lại sai Lý Quỳ, Võ Tòng, đi hộ vệ Thánh thủ thư sinh Tiêu Nhượng ngay trong đêm ấy đến thành Tương Viên gặp Trương Thanh, Qùynh Anh tìm kiếm bút tích của Ô lê. Tiêu Nhượng sẽ mạo chữ của Ô Lê viết văn thư giao cho Diệp Thanh đem đến châu Uy Thắng tâu với Điền Hổ về việc kén Toàn Vũ làm rễ, sau đó sẽ tuy cơ ứng biến.
Diệp Thanh nhận biểu văn, cáo từ Trương Thanh, Quỳnh Anh lên đường đi Uy Thắng.
Lại nói chuệyn Tống Giang ở thành Chiêu Đức, sau khi sai Tiêu Nhượng và An Đạo Toàn ra đi thì có quân của Sách Siêu, Từ Ninh trở về báo tin thắng trận. Người báo tin nói:
- Sách tướng quân và các đầu lĩnh đem quân đến bao vây huyện Lộ Thành, tướng giặc là Trì Phương đóng chặt cổng không ra giao chiến. Từ Ninh và các tướng cho quân cởi quần áo đến dưới chân thành chửi mắng khiêu khích. Quân trong thành tức giận muốn ra đánh, Trì Phương không ngăn cản được, phải mở cổng thành đem quân ra giao chiến. Quân của Sách Siêu vờ thua chạy, dụ cho quân Trì Phương đuổi theo xa thành. Rồi từ phía đông, Đường Bân dẫn quân ập đến, từ phía tây quân của Thang Long xông vào. Quân canh thành ở hai cửa đông tây đóng cổng không kịp. Hai tướng Đường Bân, Thang Long thúc quân đánh tràn vào, đoạt lấy thành trì. Từ Ninh giết Trì Phương tại trận. Các tướng khác bị thương hoặc chạy trốn. Quân của Trì Phương bị chết trận hơn năm nghìn người, quân Tống Giang đoạt được hơn ba nghìn ngựa chiến, quân sĩ theo giặc đầu hàng hơn một vạn tên. Sách tướng quân vào thành treo bảng vỗ yên trăm họ, sai tiểu nhân về báo tin thắng trận với Tiên phong, một mặt làm sổ sách kê khai hộ khẩu quân dân, kiểm kê lại vàng bạc kho báu.
Tống Giang lấy làm mừng, viết thư báo tin cho Trần an phủ biết, rồi ghi công đầu trận ấy cho Sách Siêu. Những người khác cũng đuợc ban thưởng ghi công theo thức bậc khác nhau. Rồi đó Tống Giang viết quân thiếp phúc đáp, sai đem vềo báo cho Sách Siêu, hẹn ngày hội quân để tiến phát.
Lại nói trong thành Uy Thắng, quan cảnh viện của Điền Hổ nghe quân thám mã báo tin Kiều Đạo Thanh, Tôn An đã đầu hàng quân Tống; lai nghe nói hai thành Chiêu Đức, Lộ Thành đã bị hạ. Ngày hôm sau trong buổi chầu sáng, quan sảnh viện tâu ngay cho Điền Hổ biết. Điền Hổ cả sợ, gọi các tướng vào bàn cách đối phó. Bỗng có tin báo tướng trấn thủ thành Tương Viên là Diệp Thanh đưa thư của Ô Lê quốc cữu đến. Điền Hổ bèn cho Diệp Thanh vào. Chỉ biết rồi đây:
Thành Uy Thắng dẹp loạn tặc hung đồ
Huyện Vũ Hương bắt gian tàn phản nghịch
Chưa biết Điền Hổ xem thư của Ô Lê rồi phúc đáp ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.