CHƯƠNG 13
-
Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn
- Gerald Gordon
- 1994 chữ
- 2020-05-09 01:31:01
Số từ: 1975
Nguyên tác: Let The Day Perish
Dịch giả: Đắc Lê & Hoàng Túy
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Cuối cùng, gia đình Grêơm đã mua được một ngôi nhà thích hợp gần khu mới của thị trấn. Ở đó cũng có hàng xóm láng giềng đáng trọng, mặc dù khu vực ấy không phải nơi dành riêng cho người Âu.
Entơni được ở gần nhà Bôp Sotơ, rất sung sướng trong môi trường mới.
Giờ đây, nó cũng biết rõ là tuy có nước da trắng, song không thể coi mình như một người Âu thuần chủng được. Trong tâm trạng đó, nó cố bám chặt tình bạn với Bốp, cố bấu víu vào mối quan hệ khắng khít của nó với gia đình Sotơ, một gia đình được mọi người kính trọng.
Tuy Meri rất hài lòng với ngôi nhà mới mua ở đường Hà Lan, nhưng ngôi nhà lại ở sát khu của thị trấn và nó luôn luôn nhắc chị nhớ đến các giới hạn trong hoài bão cư trú của chị. Mỗi khi đi qua khu mới đó – nhất là đi cùng với Xtivơ, - chị đều cảm thấy như mình đan vi phạm một điều luật nào đó hoặc đang làm một việc gì trái phép. Càng ngày, chị càng bị cái cảm giá kinh sợ lạ lùng chế ngự, kinh sợ những kẻ - do hoàn cảnh và dòng dõi – không hề biết đến những điều kiện khắc nghiệt trong chứng thư chuyển nhượng bất động sản. Thật là nhục nhã khi thấy vợ Mơgrêgơ giấu mình kín đáo trong trung tâm khu vực mới xây, mặc dù không ít người biết chị ta mang dòng máu da màu.
Mấy tháng sau khi gia đình Grêơm dọn đến đường Hà Lan, vào một ngày chủ nhật, Entơni và Bố rủ nhau ra sông chơi. Mệt nhoài sau cuộc đua thuyền, chúng nghỉ ở một đoạn bờ có triền đổ dựng xuống dòng sông. Hai đứa ngồi trên một tản đá ngầm nhô lên khỏi mặt nước khoảng ba mươi phân, chúng trần truồng, nhàn nhã, đung đưa chân. Tiết trời đã vào cuối hè, không còn những trận mưa to, nước sông bắt đầu rút. Con sông khá an toàn, tuy thỉnh thoảng có các dòng nước ngầm chảy xiết.
Entơni nằm duỗi dài ra, mặt áp xuống cỏ xanh và đưa mắt nhìn đăm đăm các bụi rậm ở bờ bên kia. Nó khoắng mấy ngón tay trong nước lạnh màu nâu. Gió lạnh, nắng lấp lánh trên mặt nước. Hai con chuồn chuồn đầu xanh, cánh mỏng và nhẹ như tơ bay lượn phía trên người Entơni. Một ánh màu lướt qua, thế là chúng bay mất. Một con chim tincơtinki đậu nhẹ nhàng xuống hòn đá ở gần mặt Entơni. Con chim dùng cái đuôi dài, màu xám giữ thăng bằng.
- Mình xuống sông bơi đây, - Bốp nói. – Trời nóng hơn. Xuống không?
- Không, chưa mà… - Entơni đang nghĩ mung lung không muốn phá tan cái cảnh yên tĩnh, sự yên tĩnh của dòng sông sâu, cát nâu phía dưới, những dải bùn mềm mại, và phía trên là những cây mimôda rủ xuống, cành đan vào nhau, tạo thành một cái vòm giống như gian giữa của giáo đường nhà thờ.
Nó nằm như vậy một lúc lâu, ngạc nhiên trước cảnh yên lặng. Rồi nó như nghe thấy, một âm thanh ban đầu xa và nhẹ, sau đó gần hơn. Đó là âm thanh của dòng sông.
- Nào, - âm thanh đó rì rầm – hãy đến với các vực nước yên lặng, hãy tránh xa bạn bè mi, nhà mi, đứa em da màu của mi, cái trường học khủng khiếp của mi. Bọn chúng thì thầm và cười ríu rít sau lưng mi; Entơni này…
Dòng nước chảy im lìm ở những nơi sâu, nhưng thỉnh thoảng một mảnh bọt đánh dấu sự nhịp nhàng của dòng chảy
- Lại đây, Entơni!
Khi nó áp một bên má xuống mặt đất, âm thanh đó hình như có thật.
- Entơni, Entơni, lại mau! – Giờ thì âm thanh to hơn nhiều. Nó chống người tựa trên hai khuỷu tay. Nó đã ngủ trong cái nóng ong ong của buổi sáng chăng? Nó lắng nghe, lại có âm thanh. Không, nó không phải mơ màng. Đó là tiếng người gọi.
- Cứu mình với, Entơni, cứu mình vơ…ơ…ới!
Tiếng cuối cùng kéo dài đau đớn, khắc khoải.
Nó lao xuống bờ sông chạy về phía có tiếng kêu. Nó thấy Bốp kẹt dưới một tảng đá ngầm dốc thẳng đứng. Trong mắt của bạn hiện lên vẻ cầu cứu tuyệt vọng.
- Mình bị mắc vào đám cỏ nước, - Bốp kêu to tuyệt vọng.
Suốt đời, Entơni nhớ mãi cái khoảnh khắc đó. Dường như nó vẫn đứng trên bờ sông và quan sát. Nó đưa mắt đảo lên đảo xuống tìm một tảng đá ngầm để từ đó lao vào chỗ nước xoáy vẩn bùn ở bên dưới. Cát ẩm kêu lạo xạo khi nó chạy qua. Một nhành gai chia ra làm thành hai vết xước kéo dài ngang cái đùi để trần của nó; và các vết xước đó lớn thêm khi chúng chuyển từ màu hồng sang màu đỏ, song nó không thấy đau. Nó lấy đà nhẩy. Nhưng Bốp lắc đầu điên cuồng hét to hổn hển:
- Đừng! Cậu sẽ bị mắc như mình mất.
Entơni lùi lại, chạy tới một chỗ bờ sông thấp hơn nhiều, rồi lao đầu xuống nước. Nó bơi, vung mạnh chân tay, cố vượt tới chỗ Bốp. Lúc tới nơi, bạn nó đang thở gấp. Entơni để bạn ôm lấy vai và cố gỡ hai chân bị cỏ cuốn, trong khi nó đạp nước dữ dội.
- Chẳng ăn thua gì.
Nó bèn lặn xuống, và qua làn nước mờ đục nâu nâu, nó thấy một đám cỏ nước cuốn vào nhau đang rung rung. Entơni vật lộn, cố gỡ cỏ quấn chặt hai chân Bốp; không gỡ được, nó lại phải ngoi lên để thở. Nhìn thấy Bốp, tóc ướt lòa xòa rũ xuống trán và hai mắt đầy vẻ tuyệt vọng của một kẻ sa bẫy, Entơni lại điên cuồng lặn xuống nước. Nó hết kéo lại giật đám cỏ, nhưng lúc này nó đã mệt nhoài và sức ép của nước làm nó kiệt sức. Mọi nỗ lực của Entơni chỉ làm bật tung được một nhánh cỏ, và rồi phổi lại vỡ tung, nó lại phải ngoi lên.
Tớp những hơi dài không khí, Entơni lặn xuống hai lần nữa mới gỡ được chân Bốp. Trong khi đó, những dải cỏ cuốn chặt vào chân Entơni như những cái vòi bạch tuộc sung sức.
Thật may mắn cho chúng, cuối cùng toàn bộ cái đám chằn chịt ấy đã bật ra và trôi đi, làm bọt sủi lên rất nhiều trên mặt nước.
Hai đứa bé nổi ngửa người lên hướng về Bờ cát nóng. Entơni hổn hển cố kéo đứa bạn mệt lả vào bờ…
Vợ một chủ trại chứng kiến từ đầu đến đuôi cảnh Entơni cứu Bốp, và chẳng bao lâu mọi người đã biết chuyện đó. Đó là đề tài bàn luận chủ yếu ở trường học và ở các trung tâm ngồi lê đôi mách ở Xtomhôc.
Tờ tuần báo địa phương phát hành với hàng tít lớn chạy suốt mặt trang báo: Hành động anh hùng của một thiếu nhi địa phương.
Ở khách sạn Đại Bàng, mọi người chúc mừng Giogiơ Grêơm có một đứa con trai gan dạ. Sự kiện đó làm nhiều người nhớ đến kỷ niệm cũ. Bên ly rượu uytxki hoặc bên cốc bia, khách hàng đột nhiên phát hiện trong quãng đời đã qua của mình những tình tiết tương tự, hoặc là suýt chết đuối, hoặc cứu được một người suýt chết đuối nào đó.
Bà Sotơ đã đến thăm Meri. Bà giải thích rằng bà rất ao ước được gặp người mẹ có đứa con quí hóa ấy. Trong khi trò chuyện, bà Sotơ cố đối xử với chủ nhà như một người ngang hàng, nhưng Meri vẫn nhận thấy vẻ lúng túng của khách.
Đúng là bà Sotơ rất duyên dáng, dễ yêu, và đã làm hết sức mình để gạt đi hàng rào ngăn cách hai người; nhưng tuy rất mừng rỡ về cuộc viếng thăm của một nhân vật hoạt động xã hội tiếng tăm, rất được quý trọng, Meri vẫn cảm thấy không thoải mái, và khi rót nước trà, tay chị run run.
Kể từ khi gia đình Sotơ đến Xtomhôc, nhiều năm đã trôi qua, nhưng Meri và bà Sotơ chưa từng bao giờ được giới thiệu với nhau. Phải cần đến hành động dũng cảm của con trai chị, thì bà Sotơ mới bước chân qua ngưỡng cửa nhà chị.
- Mong bà sớm đến chơi, dùng trà với tôi, có được không, thưa bà Grêơm? – Bà Sotơ nói khi đứng dậy ra về. – Tôi sẽ liên hệ với bà, và chúng ta sẽ hẹn ngày gặp mặt.
- Vâng, rất cám ơn bà. – Meri trả lời, nhưng trong thâm tâm, chị biết mình sẽ không bao giờ bước qua ngưỡng cửa gia đình nhà Sotơ.
Sự kiện ở dòng sông là đề tài bàn tán chủ yếu của các bà mẹ khác ở Xtomhôc.
- Họ cứ nhặng xị lên vì chuyện đó, - Vợ Mơgrêgơ nhận xét trong một buổi chiều đánh bài britgiơ.
- Chị có thích báo chí, - vợ Phêrêrơ lên tiếng hỏi, - kể lể dông dài về chuyện con trai chị đánh bạn với con một mụ da màu không? Tôi là quả là một điều nhục nhã cho bà Sotơ.
- Ấy, tôi không biết, - bà Hainơman nói. – Tôi cho rằng, họ nói gì mặc họ,
miễn
là con tôi được cứu sống, ngay dù một tên Caphia cứu nó đi nữa.
- Thật là xấu hổ cho tất cả các bà, - bà Van Din lên tiếng. – Hãy để mặc chú bé ấy. Tất cả vinh dự là thuộc về chú bé ấy, thế đấy.
- Tôi tự hỏi, không hiểu đứa con thứ hai của họ rồi sẽ ra sao, thằng bé da đen ấy mà – vợ Van De Mecvơ xen vào. – Chẳng bao lâu nữa, nó sẽ đi học; nếu họ cho nó đến trường Xtomhôc, tôi sẽ kiên quyết không chịu. Tôi không để con mình học cùng lớp với thằng con một mụ da màu. Trường của Hội truyền giáo, chỗ của nó là ở đấy.
- Phải, bà nói đúng lắm, - một người khác họa theo.
- Nhưng có thật nhà ấy cố đưa thằng bé vào trường Xtomhôc không? – Vợ Mêgrêgơ hỏi, vẻ hoài nghi.
- Có chứ, - vợ Matin đáp, gật đầu vẻ thông thạo. – Bà Hunđơ kể với tôi là mới đây tay Grêơm đã nói chuyện với chồng bà ta. Ôn Hunđơ vẫn là trưởng ban quản trị nhà trường mà. Bà Hunđơ bảo những người như tôi đây sẽ không chịu sự nhục nhã như thế. Mà đó lại là vợ của ông chủ gã Giogiơ đấy!
- Phải mà, chúng ta quyết không chịu. Quá quắt lắm!
- Bà vẫn ở trong Ban quản trị trường học phải không bà Phêrêrơ? – Chủ nhà hỏi, - Bà sẽ không cho phép làm chuyện đó chứ?
Mọi người nhìn vợ Phêrêrơ đầy vẻ quan tâm kính trọng. Vợ Phêrêrơ đưa mắt nhìn từ bộ mặt này sang bộ mặt khác. Có chân trong bản quản trị nhà trường đôi khi cũng bõ thật đấy. Như lúc này chẳng hạn.
- Chuyện đó cứ để tôi lo, các bà ạ. – Vợ Phêrêrơ trả lời