Chương 102: Nhờ đâu độc giả đoán được tên một trong hai hành khách biết được tên người kia?
-
Hiệp Sĩ Sainte Hermine
- Alexandre Dumas
- 2995 chữ
- 2020-05-09 04:30:26
Số từ: 2983
Dịch giả: Xuân Dương
NXB Hội Nhà Văn
Nguồn: Sưu tầm
Họ đang đứng tại vị trí từng quyết định vận mệnh của thành Rome. Đó là chiến trường giữa người Horace và người Curiaces.
Trước thông tin này, chàng sĩ quan kỵ binh trẻ tuổi làm động tác cúi chào bằng cách dùng tay ngả cái mũ côn-bắc ra.
Cả hai cùng đứng dậy trong xe.
Con đường Albano chia làm hai, trước mắt họ là dải đồi hùng vĩ trong đó có ngọn Socacte, từ thời Horace còn phủ đầy tuyết giờ đây đã phủ một màu xanh ngút ngát, nằm ở tận cùng phía bên trái đỉnh cao nhất của dải đồi là nơi có đền thờ Jupiterlatial.
Phía trước, trắng xoá đến tận đỉnh một quả đồi là Albano, đứa con đỡ đầu của thành phố Albe La Longue, thành phố dành tên của mình cho đứa con tiếm quyền nổi lên trên đống đổ nát của trang viên Pompée và nơi đó, với tám trăm nóc nhà cùng ba nghìn dân cũng chưa vừa cho tên giết người như giết ruồi Domitien từng làm, còn phải thêm vào trang viên một kẻ giết người là Pompée nữa. Bên phải, tháp dần về phía biển Tyrrhène là dải đồi trải rộng theo hình vòng cung nơi từng là chiến trường lần lượt xâm chiếm lẫn nhau của các tộc người Falisquèque, Volsque, Sabine và Hemlque. Phía sau là Rome, thung lũng Egérie nơi Numa từng đến nghe lời phán truyền, chuỗi các lăng tẩm họ vừa đi qua giống như nối họ với thành Rome bằng một đường cày đổ nát. Cuối cùng, sau Rome là biển kỳ vĩ, đó đây đó những hòn đảo trăng trắng nổi lên giống những đám mây trên đường lên chốn vĩnh hằng đang thả neo trên nền trời.
Đấu trường gần đó đã có lịch sử hai nghìn năm trăm năm. Nó như cái cội trụ của lịch sử nhân loại trong hai mươi thế kỷ hoặc dưới thời cộng hoà hoặc dưới thời Giáo hoàng.
Sau khi ngựa lại sức, cỗ xe tiếp tục cuộc hành trình của nó.
Ngược lên trên mạn lăng mộ của ba anh em nhà Horaces có một con đường mòn nhỏ nằm tách hẳn bên phải con đường lớn và nó được nhìn rõ giữa đám cỏ màu hung hung và vàng nhạt phủ khắp miền nông thôn ngoại thành Rome giống như một lớp da sư tử.
- Con đường mòn này nhìn mờ dần rồi hút vào các lớp đồi núi uốn lượn. Nó còn tồn tại vì đây là quãng đường tắt dành cho người đi bộ từ Rome đến Vellatri.
- Ngài có nhìn thấy con đường mòn kia không? - Một chàng trai nói sau một hồi im lặng để người đồng hành của anh ta sốt ruột ra mặt - Rất có thể hai đấu sĩ Milon đã đi theo con đường mòn ấy rời khỏi bìa rừng với hơn chục lâu la hợp thành một đám người đi lùng bắt Clodius. Clodius bị một đường phóng lao làm cho bị thương đã lẩn trốn trong đống đổ nát này, nơi trước kia từng là một trang trại. Các đấu sĩ đuổi theo, bắt được anh ta trốn trong một cái lò nướng, kết liễu và kéo lê anh ta trên đường cái quan.
- Vậy ngài hãy giải thích xem do đâu mà Clodius, gần bị lụi bại do nợ nần lại có ảnh hưởng lớn như vậy đến dân chúng thành Rome?
- Rất đơn giản: trước tiên vì anh ta đẹp mã đến nỗi các công dân đã đặt cho anh ta biệt danh Pulcher. Ngài cũng biết ảnh hưởng của cái đẹp đến những dân tộc cổ đại rồi đấy. Một trận thất bại khi đấu với đấu sĩ Spartacus ở lối ra Capoue không hề hấn gì đến tiếng tăm của anh ta, sự nổi tiếng ấy có giúp đỡ của bốn chị em gái trong đó một cô là vợ của quan chấp chính Metellus Celer, một người là vợ của diễn giả Hortensius người thứ ba là vợ ông chủ nhà băng Lucullus và người thứ tư là Lesbia, từng là người tình của nhà thơ Catulle. Tuy nhiên tin đồn lại cho rằng anh ta là nhân tình của bốn chị em này. Dẫu sao, nhờ bốn chị em nói trên, Clodius đã có bốn sức mạnh lớn nhất trên đời: nhờ vợ Metellus Celer, anh ta có quyền chấp chính, nhờ vợ của Hortensius, anh ta có một trong những tiếng nói uy tín nhất thành Rome, nhờ vợ của Lucullus, anh ta nhập trong những két vàng bạc của một chủ nhà băng giàu nhất thế giới; cuối cùng nhà Lesbia, người tình của Catulle, anh ta có sự nổi tiếng nhờ qua lại với một thi sĩ vĩ đại.
Hơn thế nữa anh ta còn được phú hộ Crassus nâng đỡ, được César cưng chiều mà anh ta chia sẻ những rối ren với ông ta bằng cách cố lén lút với vợ của ông. Lại còn ân sủng lớn của Pompée dành cho nữa chứ. Anh ta cũng có quan hệ với Cicéron người yêu Lesbia và muốn trở thành người tình của cô nàng, điều này chẳng có hại gì cho Clodius cả. Tình yêu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Clodius. Như tôi đã nói anh ta là người anh của Mussia con gái Pompeé vợ César. Để được thoả thích gặp bà ta, anh ta cải trang thành phụ nữ, như ngài cũng biết đấy việc đàn ông xuất hiện chốn thâm cung như vậy là hoàn toàn bị cấm. Một nữ tỳ đã nhận ra và tố cáo hắn: Mussia đưa anh ta trốn bằng hành lang bí mật nhưng tiếng đồn về sự xuất hiện của anh ta lan rất nhanh là một vụ tai tiếng khủng khiếp đã xảy ra.
Anh ta bị một toà án buộc tội có hành vi nghịch đạo và buộc phải ra toà cấp cao. Nhưng Crassus bảo anh ta không cần phải bận tâm, ông ta sẽ lo chuyện đó. Quả nhiên với tiền và sự ủng hộ của các quý bà quý tộc xinh đẹp; chuyện trở nên ầm ĩ hơn bao giờ lại thành Sénèque từng nói: "Tội của Clodius không nặng bằng sự ân xá".
Tuy vậy Clodius cũng phải chịu hình phạt đi biệt xứ: anh ta định trước ngày lễ Nữ thần Nhân từ sẽ đi cách Rome 100 dặm.
Thật ra anh ta không thể đi 35 dặm trong năm tiếng. Thật không may, Terentia, vợ của Cicéron là người có máu hoạn thư, vô cùng căm tức khi biết chồng dan díu với Lesbia, tối hôm ấy bắt gặp chồng mình nói chuyện với Clodius. Chị ta lập luận nói Cicéron đến nỗi ông này không chối vào đâu được:
- Hoặc ông là tình nhân của chị Clodius, nếu thế tôi biết phải làm sao, ông mới không tố cáo hắn ta; hoặc ông không phải là tình nhân của ả, nếu thế chẳng có lý do gì mà không tố cáo hắn.
Cicéron vốn là anh chàng râu quặp, vô cùng sợ vợ nên đã tố cáo Clodius. Clodius không bao giờ tha thứ cho ông ta. Từ đó, lòng căm giận lấp đấy Rome bằng những bạo động và nổi dậy trong suốt một năm và chỉ chấm dứt khi Milon giúp cho Cicéron một việc là ám sát Clodius.
Dân chúng còn trung thành với thần tượng của họ đến tận lúc anh ta chết, đó là điều hiếm thấy, vì xác hắn còn được một nghị sĩ mang về Rome trên xe của mình, Fulvia, vợ của ông ta ném lửa vào viện nguyên lão còn dân chúng thì ném than củi và đốt một khu phố ở Rome.
- Bạn đồng hành thân mến - Anh chàng sĩ quan thốt lên - Ngài cũng là một thư viện sống và tôi sẽ ca ngợi cả đời khi đã đi cùng đường với một thầy Varron nữa! Ngài thấy đấy, tôi cũng hiểu đôi chút về lịch sử La Mã đấy - Anh chàng sĩ quan nói tiếp vừa hoan hỉ khi tự mình cũng vừa dẫn ra một nhân vật vừa vỗ tay…
- Ta tiếp tục đi. Cái lăng mộ kia là gì? Tôi đang tò mò muốn một lần thấy ngài mắc lỗi đấy.
Rồi anh ta chỉ một công trình hiện ra phía bên trái
- Ngài chọn nhầm chỗ rồi - Chàng hướng dẫn tham quan nói tiếp vì tôi biết rõ về lăng này. Đó là mộ của Ascagne, con trai Éneé người do bất cẩn đã thả váy mẹ trong cuộc cướp phá thành Troy đến nỗi lạc mẹ và chỉ thấy cha mình, người từng mang theo Anchise và những vị thần giữ nhà: từ nơi đó dựng lên thành Rome. Thật kỳ lạ thay hầu như cùng lúc đó, qua một cổng khác cũng có một người đi ra đó là Télégones, con trai Ulysse, người lập lên Tusailum có lăng mộ cách đây gần hai dặm. Hai con người này, một người Hy Lạp, một người châu Á tức là hai người con trai của hai chủng tộc thù địch, hai quốc gia đối đầu lại đến khẳng định mình ở châu Âu. Hai quốc gia trở thành đối thủ của nhau, hai cư dân trở thành thù địch. Những cuộc đọ gươm của cha họ đã bắt đầu trước thành Troye sau này con cháu họ lại tái diễn trước thành Rome. Hai thủ lĩnh của thành Albe và Tusculum là hai nhà Julia sinh ra César và nhà Porcia sinh ra Caton về sau. Ngài cũng biết cuộc chiến kinh hoàng giữa hai thế lực ấy rồi đấy. Gần một nghìn năm sau, cuộc đọ gươm thành Troye kết thúc ở Utique. César, hậu duệ của kẻ bại trận đã trả thù Hector lên Caton, hậu duệ của những kẻ thắng trận. Lăng của Ascayne là lăng đầu tiên trên đường từ Naples trở lại và là cái cuối cùng từ phía Rome trở đi. Chuỗi lăng mộ còn nhiều nhưng chúng hầu như không còn dấu vết vì lưỡi hái của thời gian đã cào bằng chúng rồi.
Chàng trai nhiều tuổi hơn, tức là người biết ít hơn, trầm ngâm suy nghĩ một lát. Rõ ràng anh ta phải nghĩ mông lung trong đầu lắm.
- Chắc ngài là từng giáo sư lịch sử phải không? - Anh ta hỏi.
- Ồ nói thật lòng là không - Người kia trả lời.
- Thế làm thế nào mà ngài biết tất cả những chuyện ấy?
- Tôi cũng chẳng rõ: khi đọc cuốn sách này, lúc xem cuốn sách khác. Những thứ như thế không tự có, chúng phải được đắp bồi. Khi con người ta có niềm đam mê lịch sử, người ta có tư tưởng quay về cái kỳ mỹ, các sự kiện và con người sẽ đi vào đầu bạn, trì óc bạn sẽ cho chúng những hình thù và bạn sẽ thấy những con người và sự kiện ấy dưới một ngày khác.
- Lạy Chúa! Giá mà tôi có bộ óc như của ngài, tôi sẽ chỉ dành nó để đọc cả đời.
- Tôi không mong ngài như vậy đâu - Chàng trai bác học vừa nói vừa cười - Nghiên cứu trong điều kiện như của tôi thì… Tôi đã bị kết án tử hình nhưng lại nằm trong nhà ngục suốt ba năm chực chờ bị bắn hay đem đi chặt đầu. Tôi cũng phải thư giãn chứ.
- Thế thì hẳn ngài phải có quãng đời thăng trầm lắm - Chàng sĩ quan vừa chăm chú nhìn người bạn đồng hành vừa tìm cách đọc những dấu ấn quá khứ trên những đường nét khắc khổ trên khuôn mặt.
- Quả thật tôi đã không được ngủ mãi trên chiếc giường trải toàn hoa hồng.
- Chắc chắn ngài xuất thân từ gia đình quý tộc phải không?
- Tôi còn hơn cả quý tộc thưa ngài, tôi là một quý ông.
- Vì lý tưởng chính trị mà ngài bị kết án tử hình à?
- Lý tưởng chính trị, phải.
- Ngài có phiền khi tôi hỏi như vậy không?
- Không hề. Với những gì tôi không thể trả lời… hay không muốn trả lời, tôi sẽ không nói, có vậy thôi.
- Ngài bao nhiêu tuổi.
- Hai mươi bảy.
- Kỳ lạ thật, nhìn ngài vừa trẻ hơn lại vừa già dặn hơn tuổi đấy Ngài ra tù bao lâu rồi?
- Ba năm.
- Ngài làm gì khi ra khỏi đó?
- Tôi tham chiến.
- Trên biển hay trên cạn?
- Đánh nhau với người trên biển, với thú hoang trên cạn.
- Thế có nghĩa là…?
- Là trên biển, tôi là cướp biển, trên cạn tôi là thợ săn.
- Trên biển ngài đánh gì?
- Quân Anh.
- Thế trên bộ, ngài săn gì?
- Hổ, báo, trăn.
- Ngài đã đến Ấn Độ hay châu Phi?
- Tôi đã đến Ấn Độ.
- Nơi nào ở Ấn Độ?
- Một chỗ gần như cùng trời cuối đất, ở Miến Điện.
- Ngài có tham dự vài trận lớn nào trên biển không?
- Tôi từng ở trận Trafalgar.
- Trên tàu nào.
- Redoutable.
- Ngài có thấy Nelson không?
- Có thậm chí rất gần nữa kia.
- Làm sao ngài thoát khỏi người Anh?
- Tôi không thoát khỏi họ. Tôi bị bắt và bị đưa sang Anh làm tù binh.
- Ngài được trao đổi à?
- Tôi tự trốn.
- Khỏi các trại tù à?
- Ở Ai xơ len.
- Bây giờ, ngài đi đâu?
- Tôi không biết.
- Ngài tên là gì?
- Tôi chẳng có tên. Khi nào chúng ta chia tay, ngài cho tôi một cái tên, tôi sẽ coi đó như cái tên người con nuôi nhận từ cha đỡ đầu.
Người sĩ quan nhìn kẻ đồng hành với mình bằng vẻ ngỡ ngàng. Anh ta cảm thấy trong mảnh đời vô tư và phiêu bạt của con người này hẳn phải có bí ẩn thật sự nào đó. Anh ta bằng lòng với những câu trả lời ấy, không muốn biết thêm điều người kia muốn giấu.
- Thế ngài không hỏi tôi là ai sao?
- Tôi không thích tò mò, nhưng nếu ngài vui lòng nói cho tôi hay thì tôi xin tỏ lòng biết ơn.
- Ồ! Tôi ấy à, cuộc đời của tôi bình thường ngang với cuộc đời lý thú và có lẽ cũng nên thơ của ngài vậy. Tôi tên là Charles Antoine Manhès. Tôi sinh ngày 4 tháng Mười năm 1777 trong một làng nhỏ ở Aurillac, tỉnh Cantal. Cha tôi là đốc thuế của nhà vua gần toà dân chính. Ngài thấy là tôi không thuộc vào giới quý tộc Pháp như ngài. A nhân tiện xin hỏi ngài mang Tước hiệu gì?
- Bá tước.
- Tôi được đi học trong trường làng, chính vì vậy ngài có thể hiểu việc học hành của tôi chểnh mảng thế nào. Các quan chức trong tỉnh nhận thấy tôi có khả năng quân sự nên gửi tôi đến trường Mars. Tôi đặc biệt thiên về pháo binh và đã tiến bộ nhiều đến nỗi mới 16 tuổi tôi đã được bổ nhiệm làm sĩ quan huấn luyện.
Nhưng rồi trường Mars giải tán, người ta cho tôi tham dự một kỳ thi nhờ nó tôi được bổ về tiểu đoàn 3 ở Cantal và tiểu đoàn này thuộc trung đoàn số 26. Tôi tham chiến năm 1795. Tôi đi chiến dịch bốn năm trong đội quân sông Rhin và Moselle. Năm thứ VI, VIII và IX tôi vào đội quân đánh Italie, bị thương nặng ở Novi, tôi mất sáu tuần mới hồi phục vết thương và đuổi kịp đơn vị trên sông Gêne… Ngài đã bao giờ ăn thịt bò điên chưa?
- Rồi, vài bận.
- Còn tôi ấy à, ngày nào tôi cũng ăn, tôi còn có thể nói cho ngài hay nó thế nào nữa kia. Tôi được thăng chức trung uý qua tiến cử của các đồng đội, sau đó được phong hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh ngày 6 tháng 6 năm ngoái. Sau chiến dịch Austerlitz tôi được thăng cấp đại uý. Hiện giờ tôi là đại uý và sĩ quan cận vệ của đại công tước Berg(1), tôi đi báo tin của ngài về việc vào thành Berlin của Hoàng đế cho anh trai Joseph của Hoàng đế và báo cho ông mọi chi tiết về chiến dịch Jéna mà tôi có tham gia. Khi trở về, tôi được hứa là sẽ được thăng cấp chỉ huy một đại đội kỵ binh. Hai mươi chín tuổi được như vậy cũng không tệ lắm. Đó là toàn bộ chuyện của tôi. Ngài thấy nó ngắn ngủi và ít hấp dẫn nhưng điều hấp dẫn nhất là chúng ta đã đến Velletri còn tôi đang đói cồn cào đây chúng ta hãy xuống ăn tối cái đã.
Hành khách vô danh thấy đề nghị này dễ ợt nên nhảy khỏi xe đi theo viên chỉ huy đại đội kỵ binh tương lai Charles Antoine Manhès vào khách sạn có tên Nơi sinh Auguste.
Điều này có nghĩ là, trừ sự kiểm chứng của các nhà khảo cổ, cái khách sạn này được xây trên nền đổ nát của các nhà khảo cổ, sinh ra vị hoàng đế La Mã đầu tiên.
Chú thích:
(1) Tức tướng Murat. em rể của hoàng đế Napoléon Bonaparte