Chương 108: La Forca(*)


Số từ: 2171
Dịch giả: Xuân Dương
NXB Hội Nhà Văn
Nguồn: Sưu tầm
Hoặc do lòng độ lượng hoặc thấy hắn không thể làm hại mình, mấy tên cướp bỏ mặc cho hẳn chết trên đường.
Vậy tại sao Fra Diavolo không nói tên mình? Bởi lẽ hắn biết cái đầu hắn trị giá sáu nghìn ducats, không nghi ngờ gì nữa, nếu bọn cướp mà biết, chúng sẽ nhanh chóng mang hắn đi nộp cho sở cẩm để lĩnh mỗi tên một nghìn năm trăm ducats bỏ túi.
Hắn đã nhận ra mình đang đối đầu với hạng người nào. Khi chúng đã đi xa, hắn gượng đứng dậy, lấy một cành cây vịn vào nó đi hú hoạ xuống núi. Cuối cùng, hắn tới cổng một ngôi làng, đó là làng Baromssi. Hắn rẽ vào ngõ đầu tiên và một lát sau đứng im như tượng tại quảng trường.
Một thày thuốc mở cửa hàng thấy mặt đất phủ đầy tuyết, ông ngạc nhiên nhìn một người đàn ông đứng ở chỗ công cộng dáo dác ngó nghiêng xung quanh với vẻ lo lắng, không ngay thẳng.
Ông lại gần anh ta và hỏi hắn tên gì.
- Tôi chờ một người bạn - Hắn đáp - Tôi đến từ Calabre, ngay khi anh ấy đến, tôi sẽ đi tiếp.
Thật không may cho Fra Diavolo, vị đại phu lại là người Calabre. Ông nhận ra ngay giọng nói người này không phải giọng người quê mình. Ông nghi ngờ hắn là kẻ đang bỏ trốn nên mời vào bếp sưởi ấm và uống vài giọt rượu. Trong lúc giả bộ chăm sóc, ông ra hiệu cho cô bé phục vụ lại gần nói thầm bảo cô chạy đến nhà xã trưởng và báo cho lực lượng dân phòng.
Một lúc sau, bốn người lính và một thầy cai bước vào cửa hàng. Thầy cai lại gần Fra Diavolo và hỏi giấy tờ của hắn:
- Giầy tờ nào - Fra Diavolo hỏi - Bây giờ người ta không thể đi lại mà không có giấy thông hành nữa hay sao?
- Đúng thế - Viên cai đáp - Bây giờ bọn cướp nhan nhản, chúng tôi không thể không đề phòng. Nếu ông không nói ông từ đâu đến, chúng tôi buộc phải đưa ông đến Saleme.
Hắn để họ dẫn đến đó. Họ đưa hắn vào phòng làm việc của ngài trung đội trưởng Farina để thầm vấn. Đúng lúc ấy, một lính công binh quân đội trực thuộc chỉ huy Hugo có tên là Pavese tình cờ đi ngang qua phòng này, nhìn thấy tù nhân và hét lên:
- Fra Diavolo!
Sau tiếng kêu ấy, các bạn có thể hiểu những người tham dự và nhất là tù nhân sửng sốt thế nào.
Hắn muốn chối nhưng khốn thay cho hắn, vào thời nhà Bourbon còn ở Naples, khi hắn làm đại tá và là công tước, khi hắn nghênh ngang diễu qua các phố Naples vênh váo với bộ quân phục và tước hiệu của mình thì cái anh chàng công binh thấp kém kia lại có quá nhiều vinh hạnh gặp hắn để bây giờ không thể không nhận ra, dù hắn có nửa trần, đã chết hay bị vấy máu cũng không lẫn vào đâu được. Anh chàng công binh quả quyết lời mình nói đến mức không ai nghi ngờ nữa mà họ chắc tên Fra Diavolo hay hớm cuối cùng đã bị bắt.
Chính chỉ huy Hugo là người báo cho vua Joseph tin tên cướp gớm ghiếc ấy đã bị bắt. Nhưng vì muốn thừa nhận và ngưỡng mộ lòng can đảm và tinh thần của hắn, ông xin cho hắn được hưởng khoan hồng từ chính quyền Pháp.
Nhưng vua Joseph đáp rằng, ngoài những hành vi phạm tội chính trị, Fra Diavolo còn phạm các tội dân sự không thể hưởng lượng khoan hồng của nhà vua. Fra Diavolo có thể là quân của nhà Bourbon, là sĩ quan quân đội của vua Ferdinand, công tước Cassano nhưng điều đó không ngăn hắn là kẻ sát nhân và đốt phá.
Tiếng tăm của Fra Diavolo quả không nhỏ do đó phòng xử án chật ních những kẻ hiếu kỳ. Tên tội đồ bị đem ra chất vấn, thủ tục trước thời trị vì của Joseph và Murat bị coi là hình thức không cần thiết. Khi được mời đứng ra tự bào chữa, hắn luôn từ chối.
Lúc trong ngục, hắn nhắc đi nhắc lại mình chỉ làm theo mệnh lệnh. Hắn bình thản nghe tuyên bản án tử hình và khi người ta đọc xong hắn kêu lên.
- Tuy nhiên thế cũng đáng nếu tôi làm được một nửa những gì ngài Sidney Smith ra lệnh cho tôi.
Buổi thi hành án được ấn định vào trưa ngày hôm sau.
Và đúng trưa ngày hôm sau ấy Manhès và bá tước Léo vừa đến quảng trường Chợ Cũ; nhờ bộ quân phục của Manhès, họ cùng ngựa, hai tù nhân và tên đánh xe tìm được một chỗ thoải mái trên quảng trường Del Mercato Vecchino.
Từ con hẻm "Tiếng thở dài của vực thẳm", Fra Diavolo xuất hiện với nước da tái nhưng khuôn mặt nghiêm nghị. Mái tóc của hắn được cắt vòng tròn cao đến tai để không vướng vào dây chão.
Hắn đã đeo vào cổ tấm bằng phong tước hạ sĩ quân đội của nhà vua, kèm theo những hình thù các thứ vũ khí là dấu xi đỏ và chữ ký của nhà vua Ferdinand. Chiếc áo khoác quàng qua vai và đến chân cầu thang sẽ bị lấy lại để hở phần tay, một trong hai cánh tay hắn còn đeo chiếc vòng tay bằng tóc vàng của hoàng hậu Caroline.
Fra Diavolo không vênh váo xấc xược cũng không quá nhún mình. Hắn tỏ ra bình thản, qua đó cho thấy sức mạnh tinh thần chế ngự thể xác và ý chí hắn lấn át vật chất. Ba phần tư đám người đến xem đều quen biết hắn, nhưng hắn chỉ đáp lại lời chào của những người chào hắn đầu tiên. Hắn mỉm cười nhìn vài phụ nữ và chào một hai người. Một hàng quân Pháp dẹp đường phía trước xe và chắn cách bậc lên giá treo cổ vài bước. Dưới chân cầu thang là đao phủ, thầy Donato và hai phụ tá của lão.
Cỗ xe dừng lại. Người ta muốn đỡ Fra Diavolo nhưng hắn nhẹ nhàng tự nhảy xuống đất tiến những bước chắc chắn đến chân cầu thang. Một thầy tu và một lục sự đi theo sau. Đến nơi viên lực sự đọc to bản án của hắn.
Bản án nêu tất cả những ca thán của xã hội đổ lên Fra Diavolo bắt đầu từ vụ giết hại ông chủ của hắn đến việc ám hại hai binh sĩ Pháp. Toàn bộ hội Tử thiện đã đi theo cỗ xe từ Castel Capuano đến giá treo cổ. Một thành viên của hội ngồi cạnh hắn trên xe. Anh ta xuống xe cùng hắn, khoác tay lên vai và đưa hắn đến chân giá treo cổ. Trong lúc người này còn khoác tay lên tử tù, đao phủ không có quyền đụng vào hắn, một khi cánh tay ấy nhấc lên, án phạm mới thuộc về kế hành quyết.
Bản án đọc xong, Fra Diavolo đứng im không chao đảo, nói khe khẽ với con người khoác chiếc áo choàng màu trắng. Đao phủ đang chờ đợi. Cuối cùng bằng giọng giõng dạc, Fra Diavolo nói với thành viên hội Tử thiện khi quay lưng vào giá treo cổ rằng:
- Tôi không còn gì để nói với ông nữa, hãy nhấc cánh tay của ông lên hỡi người anh em của tôi, tôi sẵn sàng rồi.
Đao phủ đi sau hắn muốn đỡ hắn nhưng hắn lắc đầu.
- Không cần - Hắn nói - tôi có thể tự trèo lên một mình.
Và dù hai tay bị trói, hắn vẫn trèo lùi lên các bậc thang, mỗi bậc hắn đều nói: "Ave Maria, Ave Maria, Ave Maria"; cho đến khi lên đến bậc cao nhất chạm vào nút thòng lọng, đao phủ quàng sợi dây qua đầu hắn, chờ một giây xem trong trường hợp ấy, tội đồ có muốn nói gì không.
Quả nhiên, Fra Diavolo hét to:
- Con cầu xin Chúa tha tội, mong những nạn nhân do tôi sát hại tha thứ, tôi cầu mong được cầu nguyện Đức Mẹ Đồng…
Hắn chưa dút lời: một nhát hẩy chân của thầy Donato đã tung hắn vào cõi vĩnh hằng.
Tên cướp cảm thấy rơi vào chốn hư không, dùng hết sức định gỡ hai tay trói ra. Đao phủ nhanh chóng trèo lên ba bốn bậc, túm lấy đầu dây đang đung đưa gần chỗ ông ta để, nếu cột sống chưa gãy cũng gãy luôn khi có thêm trọng lượng của ông ta. Ông ta lắc lắc vài cái rồi trượt xuống dọc theo cơ thể của tội đồ rồi nhảy xuống đất.
Nhưng hoặc vì nút thắt thít kém, hoặc sợi dây mới quá nên không trơn hoặc cuối cùng do tên tử tội mạnh mẽ khác thường hơn hẳn những người khác nên khi đao phủ trượt xuống ngang ngực, tên tử tội túm lấy ngang lưng đao phủ dùng hết sức bình sinh siết chặt, càng lúc càng mạnh trong cơn giãy giụa khi hấp hối.
Dân chúng đồng thanh kêu lên: "Hoan hô, Fra Diavolo, hoan hô!" trong khi đao phủ cũng gần cái chết như tội phạm, đang rú lên đau đớn.
Hai trợ thủ của lão lao vào cứu ông chủ. Trong giây lát bốn con người hầu như cùng lơ lửng trên một đầu dây tạo thành một khối hình thù dị dạng, xứng làm quả của cây giá treo cổ. Nhưng đột nhiên sợi dây đứt và bốn người cùng rơi xuống sàn của giá treo cổ.
Nhìn cảnh tượng ấy, những tiếng kêu giận dữ vang lên trong đám đông, đá bay tới tấp, những người bán hàng giơ gậy của họ, đám người Lazzaroni giơ dao găm, tất cả lao về phía giá treo cổ vừa hô "Donato chết đi! Bọn giúp việc chết đi!".
Nhưng đám bình dân Naples không còn được như những ngày dưới sự trị vì của vua Ferdinand, họ có thể lật đổ giá treo cổ và cho đao phủ tan xác khi không thành thực kỹ nghệ của hắn.
Lính Pháp đứng vòng tròn xung quanh giá treo cổ giương lưỡi lê về phía đám đông, đẩy họ về phía cuối chợ để giữ khoảng cách.
Trong lúc như vậy, viên sĩ quan điều khiển buổi hành quyết đã nhận ra một nhóm người đặc biệt bao gồm Manhès, bá tước, hai tên cướp bị bắt trong xe và tên đánh xe đang ngồi trên ngựa.
Anh ta lịch sự hỏi vài câu hỏi ngắn gọn và nhận được những câu trả lời lịch lãm không kém. Manhès giải thích ngắn gọn hai tên tù nhân là thế nào và hỏi xem mình có thể làm gì.
Viên sĩ quan khuyên họ nên đưa chúng đến nhà tù Vicaria.
Nhân đó, hai chàng trai hỏi:
- Khách sạn sang trọng nhất thành phố là gì?
Viên sĩ quan trả lời ngay tắp lự:
- Nhà Martin Zir, khách sạn La Vittoria.
- Mày nghe rõ rồi đấy chứ? - Manhès nói với tên đánh xe sau khi đã cảm ơn viên sĩ quan.
Tên đánh xe đưa hai hành khách đến nhà tù Vicaria. Cả hai xuống ngựa trao bọn cướp cho người gác cổng đổi lại, người này hỏi họ tên của họ là gì. Trước lúc ra đi, Léo nghĩ những kẻ khốn nạn kia chẳng có đồng nào dắt lưng và chúng cần hoàn lương nên thả một đồng louis vào tay của anh ta. Mười phút sau, họ đến khách sạn La Vittoria, trả tiền cho kẻ đánh xe rồi vào yêu cầu tắm rửa và bữa trưa, hai thứ họ đang rất cần sau một chuyến đi đêm qua đầm Pontins và mười hai dặm ngồi trên lưng ngựa.
Tuy vậy, trước lúc đi tắm, Manhès viết một lá thư đến viên đại nội thị thần của vua Joseph Bonaparte còn bá tước Léo cũng gửi danh thiếp của mình đến ngài bộ trưởng Quân cảnh Saliceti.
Lúc ngồi vào bàn ăn, cả hai đều nhận được hồi âm, viên thị thần báo lại cho Manhès rằng vua Joseph chờ anh đến càng sớm càng tốt vì ngài đang mong tin tức của hoàng đế và Murat.
Bá tước Léo cũng nhận được thư của thư ký ngài bộ trưởng Quân cảnh rằng ngài Bộ trưởng của anh ta sẽ hân hạnh khi anh đến điện.
Cả hai cùng tin chắc như thế và bắt đầu sửa soạn.
Chú thích:
() giá treo cổ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hiệp Sĩ Sainte Hermine.