Chương 66: Thành Pégou


Số từ: 2550
Dịch giả: Xuân Dương
NXB Hội Nhà Văn
Nguồn: Sưu tầm
Nghe thấy tiếng súng, toàn đội tàu chạy lên boong. Họ tưởng lại bị người Mã Lai tấn công. Kernoch đang đi nghỉ là người chạy lên boong đầu tiên. Anh ta nhìn thấy người lái tàu và con báo đang nằm cạnh nhau không xa và cả hai đều bất động như đã chết.
Họ sợ cứu người lái tàu vì khi đánh lộn ông ta có thể bị vài vết cào nhưng thật may là ông ta bình an vô sự, con báo đã bị chết ngay sau phát đạn thứ hai.
Đầu bếp trên tàu lột da con báo rất cẩn thận. Da của nó ban đầu định dành cho Hélène nhưng Jane đã nài nỉ nên Hélène nhường lại cho em.
Con tàu vẫn tiếp tục đi. Vì gió khá thuận nên dù đi chậm, nó vẫn ngược lên dòng sông. Hai cô gái về phòng mình mà vẫn chưa hết run. Các cô bắt đầu thấy ít hứng thú với mảnh đất tuyệt đẹp mình sắp định cư. René ở lại bên họ đến tận ba giờ sáng. Các cô luôn tưởng tượng sau mỗi ô cửa sổ là những khuôn mặt khủng khiếp của con thú hoang khát máu nào đó.
Đêm qua đi trong những nỗi sợ nối tiếp. Ngay khi trời sáng, hai cô đã lên boong hy vọng gặp chàng trai bảo vệ họ. Vừa thấy họ, anh chàng René đã gọi:
- Lại đây! Tôi đang định đi gọi các cô dậy để xem hai ngôi chùa trong cảnh bình minh đẹp như thế nào. Chùa gần hơn là Dagoung. Các cô sẽ nhận ra nó qua mũi tên vàng và mái của nó. Đêm qua, chúng ta đã đến rất gần nó.
Hai cô gái nhìn thấy hai công trình đầy cuốn hút ấy nhất là ngôi chùa. Dagoung rất cao khắp các khu nông thôn lân cận đều nhìn thấy. Nền của nó vốn đã được xây dựng trên những gò: Cầu thang duy nhất đẫnlên thềm cũng phải đến một trăm bậc bằng đá.
Như René đã nói, các kim tự tháp mạ vàng này đẹp tuyệt vời hơn nhiều khi mặt trời dìm nó trong những chùm nắng. Xung quanh đều là miền đồng bằng rồi đến những cánh rừng nơi suốt đêm phát ra những tiếng rú kinh hồn bạt vía. Rừng rậm bao lấy dòng sông cũng không có vẻ an toàn nào cả. Suốt đêm, người ta nghe thấy tiếng cá sấu giống như tiếng trẻ con bị bóp cổ. Cánh rừng này thỉnh thoảng bị xen vào các cánh đồng rộng bát ngát do một tầng lớp dân cư đặc biệt cấy trồng. Những người đó được gọi là carainers. Họ có phong tục rất đơn sơ, nói thứ tiếng khác với tiếng Miến Điện. Họ cày bừa, cấy trồng và có một cuộc sống thuần nông. Họ không sống ở các thành thị mà ở quê trong những mái nhà sàn. Họ không bao giờ đánh lẫn nhau và cũng không tham gia vào các cuộc chinh phạt của triều đình.
Con sông mà đoàn người của chúng ta đi qua có rất nhiều cá, đến nỗi các thủy thủ chỉ cần thả vài mảnh lưới là thu được đủ cả ăn cho cả đoàn. Vài người muốn ăn thịt báo. Con báo này chỉ một tuổi rưỡi hoặc hai tuổi là cùng, người đầu bếp làm vài món thịt sườn nhưng những hàm răng khoẻ nhất cũng không xé nổi thịt ra khỏi xương nó Ngày hôm sau nữa trôi qua không có đụng độ nào ngoài một cuộc quyết đấu giữa một con cá sấu châu Á và một con cá sấu châu Mỹ. Một phát đạn đại bác đủ để kết thúc cuộc chiến ấy và cho hai đấu sĩ tan thành từng mảnh. Hôm ấy, họ đã đến thành Pégou.
Pégou còn mang vết tích của các cuộc khởi nghĩa và nơi này từng là kịch trường. Những thành quách của nó phần lớn đã bị đổ nát, chúng chỉ còn cao khoảng ba mươi bộ tính từ dưới mặt nước sông nơi mà khi triều cường có thể dâng lên cao chục bộ.
Các con tàu có độ mớn nước từ mười đến mười hai bộ buộc phải dừng lại ở đây vì khi thủy triều hạ đi thêm một dặm nữa sẽ bị mắc cạn. Con tàu lại buộc ở trạm kiểm soát sẽ đặt dưới sự giám sát của một Chékey, tức một quan trực thuộc Bộ binh.
Du khách được vào một nơi như cung điện mà người ta gọi là phủ ngoại quốc vì nó dành cho những người nước ngoài hiếm hoi đặt chân đến Pégou.
Nhưng khi René nhìn kỹ các phòng thì anh nói mình muốn ở trên tàu hơn, rằng như thế sẽ chuẩn bị tốt cho việc đến mảnh đất của tử tước Sainte-Hermine mà theo cách gọi của dân bản địa là Đất Trầu vì trên đó loại cây này có rất nhiều. Người ta trồng nó và đó là khoản thu nhập chủ yếu. Việc một con tàu Slúp với mười sáu khẩu pháo đại bác của nước Mỹ hùng mạnh xuất hiện, bắt đầu chiếm được sự trân trọng trên Ấn Độ Dương, trở thành điều tò mò cho dân Pégou. Chính vì thế khi con tàu vừa đến, người đầu tiên đến thăm con tàu là người thông ngôn của hoàng đế. Ông ta chịu trách nhiệm mang hoa quả vật phẩm của Shabunder(1) của Pégou đồng thời thông báo ngài Nak-kan và ngài Serédogée hôm sau sẽ đến thăm họ.
René vốn lường trước các cuộc viếng thăm này nên đã mua sẵn vải vóc và vũ khí trên đảo Pháp. Anh gởi tặng một khẩu súng trường hai viên cho ngài Shabunder. Thấy ông ta thích thú với món quà, nhân cơ hội ấy, anh xin nhập cảnh cho con tàu Slúp và nhờ ông ta, với chức danh như một cảnh sát trưởng hải quân ở Anh, để mắt giùm.
Trong suốt thời gian viên cảnh sát trưởng hải quân đến thăm, ông này mang theo hai tên hầu cắp theo tráp bạc, ông ta chỉ ăn trầu và mời anh ăn.
René nhai thứ lá thơm thơm ấy như một người theo đạo Phật thật sự nhưng khi khách vừa đi để giữ cho bộ răng trắng của mình anh đã vội xúc miệng bằng nước trắng thêm vài giọt rượu Arack.
Hôm sau, như đã được ông Shabunder báo, anh đón hai người nak-kan và Serédogée đến thăm. Nak-kan tương đương với chức hộ vệ có nghĩa là tai của vua còn Serédogée tương đương với chức thư lại.
Cả hai người này đều có tên hầu cắp tráp đi theo. Họ nhai trầu liên tục và nhổ nước trong lúc nhai nhưng câu chuyện với họ khá thú vị René được cung cấp nhiều tin tức quan trọng để đến mảnh đất của hai tiểu thư xinh đẹp. Anh được biết rằng không gì bằng trồng trầu vì người ta có thể thu được ít nhất là năm mươi nghìn phăng, gần bằng trồng lúa hay mía. Mảnh đất ấy rộng năm mươi dặm Anh, tức là gần bằng thành Pégou. Chỉ có điều, để đến được đó phải qua những khu rừng đầy hổ báo, ngoài ra nghe nói còn có những băng cướp người Xiêm và người Miến Điện ẩn nấp trong những khu rừng ấy và chúng còn hung bạo hơn đám dã thú.
Hai vị khách đều ăn mặc gần giống nhau, một người áo tím và người kia áo xanh. Cả hai đều mặc một loại áo dài như váy ngủ có thêu các đường chỉ vàng ở các chỗ khoét và hai đầu ống tay.
René gởi cho vị thượng thư một tấm thảm Ba Tư thêu vàng và cho hộ vệ hoàng thượng một cặp súng lục sản xuất ở Versailles.
Trong suốt cuộc nói chuyện ấy, cả hai vị khách đều ngồi xổm, viên thư lại biết nói tiếng Anh, làm thông ngôn cho người còn lại.
Trầu ở vùng này là một loại cây leo như cây thường xuân. Lá của chúng gần giống như lá chanh nhưng to và dài hơn, một đầu thót lại. Quả trầu gần giống như quả nho dại nhưng người ta thích lá hơn. Dân ở đây trồng trầu như trồng nho, người ta bắc giàn cho chúng leo. Thỉnh thoảng họ nhai cùng với miếng cau. Cây trầu sinh trưởng khắp Đông Ấn và nhất là vùng ven biển.
Người Ấn nhai trầu suốt ngày thậm chí cả ban đêm, nhưng nếu nhai không thì lá rất đắng nên người ta nhai cùng cau và một chút vôi quệt vào trong phiến lá. Những ai giàu có hơn thì nhai cùng nước long não Bornéo, vỏ quạch hương nhu.
Khi nhai đủ các vị trên ta sẽ thấy một vị và mùi dễ chịu vô cùng khiến người Ấn trở nên nghiện. Tất cả những ai khá giả đều coi đó là món khoái khẩu của họ. Cũng có người còn nhai cau với quế và cây đinh hương những vị không bằng cau với lá trầu thêm chút vôi.
Người Ấn nhổ nước tiết ra đầu tiên, đó là một thứ nước đỏ nhờn nhợt họ có hơi thở dịu và dễ chịu lan khắp phòng. Nhưng lại làm răng của họ đen lại, bị hỏng rồi rụng. Có chăng người Ấn Độ chỉ còn mỗi một cái răng khi mới ở tuổi hai mươi lăm, nguyên do là nhai quá nhiều trầu.
Thỉnh thoảng, khi từ biệt nhau, người ta trao cho nhau vài miếng trầu bọc trong một mảnh vải lụa và sẽ không về nếu chưa được người thân thiết mời trầu. Người ta cũng không dám nói chuyện với người có địa vị sang trọng trong xã hội mà không có cái miệng phảng phất hơi trầu. Với người ngang hàng khi nói chuyện việc không nhai trầu cũng coi là phép thiếu lịch sự.
Lại nói hai kẻ nhai trầu nọ đi vừa chưa được lâu thì tiếng đồn về con tàu Slúp của một người Mỹ giàu có tặng súng ngắn, thảm và súng trường hai viên đã lan xa và người ta đã nghe thấy tiếng nhạc vọng đến.
René gọi ngay hai cô gái đến để hai cô thưởng thức âm nhạc cho đỡ buồn. Hai cô gái lên khoang thượng, họ thấy ba chiếc thuyền chở các nhạc công, mỗi thuyền có một bó gồm hai sáo, hai chũm chọe và một cái có dạng như cái trống. Tiếng sáo nghe giống như tiếng kêu ô-boa. Thứ âm nhạc đó dù không bác học nhưng rất thú vị. René yêu cầu họ chơi vài ba khúc để ghi lại những giai điệu chính: Mỗi tấu được thưởng mười hai talks (mỗi talks tương đương với ba phăng rưỡi)
Ngay từ ngày đầu, René luôn lo lắng làm cách nào đến được mảnh đất của tử tước Sainte-Hermine. Nhưng cách thức duy nhất đến đó là đi ngựa hoặc voi. Ngoài ra viên cảnh sát trưởng hải quân Anh khẳng định anh còn cần ít nhất hơn chục người đàn ông tháp tùng. Trong vùng sắp có lễ hội nên không người đàn ông nào muốn rời Pégou trước khi dâng lễ xong. Buổi lễ ấy kết thúc, ngài Shabunder sẽ thuê ngựa hoặc voi cho René kèm theo một bộ đồ nghề săn hổ. Anh có thể giữ một tháng, hai tháng hoặc ba tháng tuỳ thích. Giá thuê ngựa và người đánh ngựa là hai mươi talks, giá voi và quản tượng là ba mươi talks.
Vì René hứa sẽ chỉ thuê ngựa hoặc voi qua ngài Shabunder nên ông này tặng cho anh một khung cửa sổ trong một ngôi nhà trên lối chính vào chùa. René đã chấp nhận, lúc anh cùng hai cô gái đến đó, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy ngài võ quan có ý trải thảm và kê ghế ở đó.
Dòng người tham dự vào buổi lễ ấy rất đông. Từ lúc mặt trời mọc đến mười giờ sáng, phải có ba mươi nghìn người trèo lên, môi người mang một khay đồ lễ tuỳ lòng thành và điều kiện của họ. Vài người còn ôm ngang lưng một cái cây rủ xuống dưới sức nặng của những món quà dành cho sư sãi. Đó là cây trầu, mứt, bánh trái, có người lại vác những con cá sấu và các con thú lớn bằng giấy trên những cái khay đựng đủ loại đồ lễ. Cuối cùng là những con voi giấy, hoàn tất cho đoàn cúng tiến lên chùa.
Tất cả mọi người đều mặc bộ quần áo hội đẹp nhất, phần lớn dệt từ lụa trong cùng giống với các xưởng dệt ở phương Tây và thường có chất lượng tốt hơn. Phụ nữ Miến Điện cũng được tự do như phụ nữ Châu Âu, họ không phải bịt mặt. Thật buồn là đàn ông lại ít khi dành cho họ đặc quyền như thế. Đàn ông coi họ như kẻ dưới và đặt họ ở khoảng cách giữa con vật và con người.
Người Miến Điện bán vợ mình cho người nước ngoài. Trong những trường hợp như thế, vì chăng người vợ chỉ phục tùng lệnh của chồng nên họ không thấy bị hổ thẹn. Họ có hai lý do để thanh minh cho thái độ của mình, thứ nhất là do luật phục tùng và thứ hai họ phải hy sinh để giúp đỡ gia đình.
Ở Rangoon và ở Pégou cũng có các kỹ nữ. Có thể là do lười lao động hay hư hỏng hay sa đoạ mà các cô gái trẻ bán thân vào cái nghề nhơ nhớp ấy, ngay ở các thành phố văn minh cũng vậy.
Luật nợ tiền ở người Miến Điện cũng không khác ở Rome thời đạo luật Mười Hai Bàn, đó là: tất cả các chủ nô trở thành ông chủ của con nợ hay gia đình con nợ, khi con nợ không trả nổi tiền, chủ nợ bán con nợ như một nô lệ và khi vợ hay con của họ xinh đẹp và các chủ thanh lâu trả giá cao thì các chủ nợ sẽ bán những kẻ bất hạnh ấy. Người ta có thể gọi đó là gái vỡ nợ. Ngày trước còn đồn đại có một tầng lớp kỹ nữ quý phái có xuất thân khác, người ta gọi các ả đó là gái hạng sang.
Nếu một phụ nữ cầu mong sinh con trai nhưng lại đẻ ra con gái, chị ta mang nó đến gửi ở chỗ gái hạng sang và các cô nàng này sẽ trả khoản tiền người mẹ yêu cầu. Người ta sử dụng cô gái dưới chức danh hạng sang cho những người nước ngoài qua đây với dân bản địa, các cô gái đó được gọi là valasi (nô lệ của gái sang), người nước ngoài lại gọi là bayadère với những vũ công và kỹ nữ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hiệp Sĩ Sainte Hermine.