Chương 29


Số từ: 1724
Dịch giả: Văn Hòa - Kim Thùy
BXN Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
Trong hai năm kể từ khi Mẹ chấm dứt việc học của tôi, tôi hầu như quên hết những gì đã học. Và trong thời gian đi học trước đây, tôi hầu như cũng chẳng học được gì nhiều, vì trí óc tôi bận nghĩ đến trăm nghìn thứ khác. Cho nên khi tôi đi học lại sau khi đã được Mameha nhận làm chị cả, tôi cảm thấy như mình đi học lần đầu tiên.
Tôi đã 12 tuổi rồi, cao gần bằng Mameha rồi. Đi học đã lớn tuổi tưởng chừng như có lợi, nhưng thật sự không phải thế. Hầu hết các cô bắt đầu đi học khi còn nhỏ, có cô theo tập tục cổ truyền đi học lúc mới ba tuổi ba ngày. Số ít đi học lúc còn nhỏ này hầu hết là con của các geisha, học được học cách múa và nghệ thuật pha trà, xem như công việc hàng ngày trong đời sống, như tôi trước đây thường đi bơi trong hồ vậy.
Tôi đã miêu tả cách học đàn Shamisen với cô Chuột cho anh biết ra sao rồi. Nhưng geisha phải học nhiều môn nghệ thuật khác ngòai đàn Shamisen. Thực vậy, từ
gei
trong
geisha
có nghĩa là nghệ thuật, cho nên từ
geisha
có nghĩa là
thợ khéo tay
hay
nghệ nhân
. Bài học đầu tiên của tôi vào sáng hôm ấy là học về loại trống nhỏ mà chúng tôi gọi là tsutsumi. Chắc anh thắc mắc tại sao geisha phải học trống làm gì, nhưng câu trả lời rất đơn giản. Trong các buổi đại tiếc hay trong các buổi họp mặt chính thức ở Gion, geisha chỉ thường múa với đàn Shamisen phụ họa hay với một ca sĩ. Nhưng khi lên trình diễn trên sân khấu, như diễn vở Vũ khúc cố đô vào mỗi mùa xuân, thì phải có đến sáu hay nhiều hơn nhạc công đàn Shamisen hợp nhau làm thành một ban nhạc, được nhiều loại trống đánh đệm và một cây sáo Nhật mà chúng tôi gọi là fue. Cho nên anh thấy đấy, geisha phải biết chơi tất cả các nhạc cụ này, mặc dù cuối cùng họ được khuyên nên chuyên chú vào một hay hai thứ thôi.
Như tôi vưa nói, bài học khi sáng sớm là trống cơm mà chúng tôi gọi là tsutsumi, trống này đánh với thế quỳ như tất cả các nhạc cụ khác mà chúng tôi đã học. Trống tsutsumi khác với các loại trống khác, vì trống được để trên vai và đánh bằng tay, không giống lọai trống Okawa lớn hơn phải để trên đùi, hay trống lớn hơn hết, trống này được gọi là Taiko, phải để nằm nghiêng một bên trên giá và đánh bằng đũa lớn. Tôi lần lượt học hết các loại trống. Mỗi loại trống có thể được xem như một nhạc cụ, ngay cả trống cho trẻ em chơi, nhưng thực ra có nhiều cách đánh mỗi lọai trống, như loại trống lớn taiko chẳng hạn, người đánh phải hoa cánh tay qua thân trống rồi mới đánh chiếc đũa vào mặt trống, lối đánh này gọi là Uchikomi, hay khi tay đánh thì tay kia đưa lên, lối đánh này gọi là Sarashi. Còn nhiều cách đánh nữa, và mỗi cách phát ra một âm thanh khác nhau, nhưng chỉ sau khi luyện tập nhiều mới đánh được. Điều quan trọng nhất là ban nhạc thường ngồi trước mặt công chúng, nên các động tác cần phải uyển chuyển duyên dáng, cũng như phải hòa hợp với các nhạc công khác, một nửa là tạo nên âm thanh chính xác, nửa kia là động tác đúng quy cách.
Tiếp theo môn trống, bài học trong buổi sáng là sáo Nhật và đàn Shamisen. Phương pháp học các nhạc cụ này có ít nhiều điểm giống nhau. Giáo viên chơi nhạc trước rồi học viên theo đó mà làm. Có khi chúng tôi trông như bầy thú ở thảo cầm viên, nhưng thường thì không, vì các giáo viên cẩn thận chỉ cho từng người. Như khi bắt đầu học sáo, giáo viên thổi một nốt nhạc, rồi chúng tôi lần lượt thổi lại nôt đó. Thậm chí chỉ sau một nốt thôi, giáo viên tìm ra cả đống chỗ mà nói.
- Này này, cô phải hạ ngón tay út xuống. Đừng chống lên như thế. Còn cô kia, cái ống sáo của cô có mùi hôi hả? Tại sao nhăn lỗ mũi như thế?
Cô giáo rất nghiêm khắc, giống hầu hết các giáo viên khác, và tất nhiên là chúng tôi sợ mắc phải lỗi lầm. Rât nhiều cô giáo lấy cái ống sáo của cô gái thổi sai và đánh lên vai cô ta.
Sau trống, sáo và đàn, bài học tiếp theo là hát. Ở Nhật, chúng tôi thường hát trong các bữa tiệc, và dĩ nhiên đàn ông ở Gion đều thích đi dự tiệc. Nhưng cho dù một cô gái hát không đúng nhạc và không bao giờ được yêu cầu lên trình diễn trước mặt những người khác, cô ta cũng vẫn phải học hát để giúp cô ta hiểu được vở múa. Bởi vì các điệu múa thường được phỏng theo các bài nhạc hay, đều được một ca sĩ hát có đàn đệm theo.
Có nhiều loại ca khúc khác nhau – ôi, quá nhiều, tôi không sao kể hết – nhưng trong các bài học của chúng tôi, chúng tôi chỉ học năm loại khác nhau. Có loại là những bài dân ca phổ biến, có loại là những bài trường ca của kịch nghệ Kabuki kể chuyện cổ tích, còn có những bài như bài thơ phổ nhạc. Tôi thấy khó mà miêu tả hết cho anh những ca khúc này. Nhưng tôi xin nói rằng trong khi tôi coi những ca khúc này là mê ly, thì người nước ngoài lại cho rằng chúng nghe như tiếng mèo kêu trong sân đền hơn là âm nhạc. Quả đúng là cách hát cổ truyền của Nhật nghe có vẻ ê a thật và thường được hát trong họng cho nên âm thanh phát ra ở mũi chứ không phải từ miệng. Nhưng đây là vấn đề phải nghe quen mới thấy hay.
Trong tất cả các môn học, múa và âm nhạc là hai môn chúng tôi phải chú trọng nhất. Vì cô gái nào có giỏi nhiều môn đi nữa, mà không học kỹ cách xử thế hay tư cách thái độ, thì khi đi dự tiệc sẽ bị chê trách ngay. Cho nên đấy là lý do khiến cho giáo viên thường rất gắt gao về mặt tư cách, thái độ của học viên, thậm chí phải chú đến các điểm này ngay cả khi đi trên hành lang đến phòng vệ sinh. Thật vậy, việc một cô gái bị la rầy nặng nề nhất không phải là cô ta sử dụng nhạc cụ sai hay không thuộc lời bài ca, mà vì cô tay để móng tay dơ bẩn, hay tỏ ra bất kính hay vì một việc gì đại loại như thế.
Thỉnh thoảng khi tôi nói chuyện về việc luyện tập của tôi cho những người ngoại quốc nghe, họ thường hỏi tôi
Thế cô học cách cắm hoa khi nào?
– Câu trả lời của tôi là không bao giờ. Bất kỳ ai ngồi trước mặt đàn ông cắm hoa để cho họ mua vui, đều có thể bất thần nhìn lên, bắt gặp họ gục đầu xuống bàn mà ngủ hết. Anh phải nhớ rằng geisha là nhà nghệ sĩ, người trình diễn. Chúng tôi có thể rót rượu sake hay trà cho đàn ông, nhưng chúng tôi không đi lấy dưa chua cho họ nhấm. Và thực tế thì giới geisha có nhiều người hầu hạ nuông chiều, hiếm khi chúng tôi phải lo chăm sóc mình, lo chăm sóc phòng ngủ cho ngăn nắp, đừng nói gì đến chuyện cắm hoa để trang điểm cho phòng trà.
Bài học cuối cùng cho buổi sáng là nghệ thuật hầu trà. Đây là môn đã được nhiều sách vở nói đến, cho nên tôi không đi sâu vào chi tiết làm gì. Nhưng cơ bản thì nghệ thuật hầu trà được một hoặc hai người thực hiện, họ ngồi trước mặt khách, chuẩn bị trà theo phương pháp cổ truyền, dùng những cái tách thật đẹp, và những cái lọc bằng tre, và các thứ khác. Thậm chí khách cũng góp phần tham gia vào nghi thức này, vì họ phải cầm tách trà ra sao và uống trà như thế nào cho đúng kiểu. Nếu anh suy ngẫm đến nghi thức này khi ngồi trước mặt một tách trà ngon, ừ… nó giống một vở múa hay là một buổi thiền, được thực hiện trong khi đang quỳ gối. Trà được chế ra từ lá trà xay thành bột, rồi lọc vào trong nước sôi một hỗn hợp ga sủi bọt màu xanh lục mà chúng tôi gọi là matcha, thứ này rất xa lạ với người nước ngoài. Tôi xin nói trà giống như nước xà phòng màu xanh lục, có vị đắng, dùng lâu rất ngon.
Nghi thức uống trà là bộ môn quan trọng nhất trong việc luyện tập của geisha. Khi mở tiệc ở nhà riêng, thường thường người ta bắt đầu lễ uống trà gọn nhẹ. và khách đến xem múa hát theo mùa ở Gion đều được các geisha phục vụ trà trước tiên.
Cô giáo dạy môn phục vụ trà của chúng tôi là một cô gái khoảng 25 tuổi, cô ta là một geisha không thành đạt lắm, sau này tôi mới biết như thế; nhưng cô ta mê say môn nghi thức phục vụ trà, cho nên cô dạy môn này rất nhiệt tình, mỗi động tác của cô đều mang tính chất thiêng liêng. Vì cô ta nhiệt tình như thế nên tôi rất hâm mộ môn dạy của cô, và phải nói rằng đây là môn học hứng thú nhất trong cả buổi sáng. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn còn thấy nghi thức uống trà thật dễ chịu khoan khoái như một giấc ngủ ngon.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hồi Ức Của Một Geisha (Đời kỹ nữ).