Chương 22: Nghe Câu Hát, Bảo Ngọc Hiểu Đạo Thiền Đánh Đố Thơ, Giả Chính Lo Lời Sấm


Số từ: 5481
Nguồn: vnthuquan
Nghe Phượng Thư nói, Giả Liễn đứng lại hỏi việc gì. Phượng Thư nói:
- Hai mươi mốt này là ngày sinh nhật cô Bảo Thoa, cậu định làm thế nào?
- Tôi biết đâu đấy, xưa nay bao nhiêu lễ sinh nhật lớn, một mình mợ lo liệu được cả, bây giờ hỏi, tôi chẳng biết làm thế nào?
- Lễ sinh nhật lớn đã có lệ sẵn, nhưng lần này lớn không ra lớn, nhỏ không ra nhỏ, vì thế phải bàn với cậu.
Giả Liễn cúi đầu nghĩ ngợi một lúc nói:
- Mợ lẩn thẩn thật! Kể ra cũng có: lễ sinh nhật cô Lâm tức là lệ đấy. Năm ngoái mợ làm cho cô Lâm thế nào, năm nay cũng nên làm cho cô Bảo như thế.
Phượng Thư cười nhạt:
- Dễ thường tôi không biết? Tôi cũng đã nghĩ đến. Nhưng vì hôm qua bà hỏi đến sinh nhật của mọi người, nghe nói cô Bảo năm naỵmười lăm tuổi, không những là ngày sinh nhật, mà lại đến tuổi cập kê 1 rồi. Người bảo muốn lâm lễ sinh nhật cho cô ấy, tất nhiên không giống như của cô Lâm.
- Nếu thế thì làm to hơn một chút.
- Tôi cũng nghĩ như thế, nên mới phải hỏi cậu, cứ tự tiện làm, cậu lại kêu sao không nói trước.
- Thôi, thôi! Tử tế nước bọt ấy tôi không cần. Mợ không tra hỏi tôi là được rồi, tôi còn trách mợ nữa ư?
Nói xong hắn đi một mạch.
Sử Tương Vân đã ở chơi hai ngày, muốn xin về. Giả mẫu bảo:
- Cháu hãy ở lại, đến ngày sinh nhật chị Bảo, xem hát xong sẽ về.
Tương Vân vâng lời ở lại, sai người về nhà lấy hai bức thêu của mình sang mừng Bảo Thoa.
Từ ngày Bảo Thoa đến, Giả mẫu thấy cô ta là người đứng đắn, hòa nhã, nên rất yêu. Nhân gặp ngày sinh nhật lần thứ nhất của cô ta, Giả mẫu bỏ ra hai mươi lạng bạc gọi Phượng Thư đến bảo sửa tiệc rượu, bày trò chơi.
Phượng Thư nhân lúc vui, nói pha trò:
- Bà làm lễ sinh nhật cho các cháu, thế nào không được, còn ai dám nói? Nhưng bà lại sửa cả tiệc rượu nữa kia à? Muốn cho bữa tiệc vừa vui vừa nhộn, bà cũng nên bỏ ra một số tiền nữa! Nay chỉ trơ có hai mươi lạng bạc mốc meo này chi vào tiệc rượu, ý chừng bà muốn bắt các cháu phải bù nữa chăng? Nếu quả không có tiền đã đành, nhưng vàng bạc, thoi tròn, thoi dài, để phũng cả đáy hòm, chỉ tội làm phiền cho các cháu. Bà thử nghĩ xem, ai chẳng là cháu? Sau này chẳng lẽ chỉ có một mình chú Bảo rước bà lên Ngũ Đài Sơn 2 thôi à? Sao cái gì bà cũng ki cóp để dành cho chú ấy! Chúng cháu tuy không đáng được dùng của này, nhưng bà cũng không nên làm rầy chúng cháu. Món tiền này liệu có đủ sửa tiệc rượu và bày trò chơi không?
Nghe nói, cả nhả cười rộ lên. Giả mẫu cũng cười:
- Các người hãy nghe cái mồm nó kìa! Kể ra ta nói cũng khéo, nhưng bì thế nào được với con quái ấy! Mẹ chồng nó cũng còn chẳng dám nỏ mồm, nó lại cứ lem lém với ta à?
Phượng Thư cười:
- Mẹ chồng cháu cũng thương Bảo Ngọc như bà, cháu không có chỗ nào kêu oan! Bây giờ bà lại bảo cháu là nỏ mồm!
Giả mẫu nghe nói rất vui, lại phì cười một lần nữa.
Đến chiều, mọi người đều đến nhà Giả mẫu. Thăm hỏi xong, cả nhà, mẹ con, chị em chuyện trò vui vẻ. Giả mẫu hỏi Bảo Thoa thích nghe vở hát gì? Muốn ăn thức ăn gì? Bảo Thoa vốn biết Giả mẫu tuổi già, thích nghe những vở hát vui nhộn, thích ăn những đồ ăn nhừ, ngọt, liền chọn cái gì Giả mẫu thường thích, kể ra một lượt. Giả mẫu lại càng vui. Hôm sau Giả mẫu cho mang quần áo, đồ chơi đến mừng. Vương phu nhân, Phượng Thư, Đại Ngọc, kẻ nhiều người ít, đều mang đồ mừng sang.
Đến ngày hai mươi mốt, trong nhà Giả mẫu dựng một cái sân khấu xinh đẹp, chọn một ban hát mới có cả hai điệu côn và giặc 3. Tiệc rượu thân mật đặt trong buồng Giả mẫu, có Tiết phu nhân, Sử Tương Vân và Bảo Thoa là khách, còn đều là người trong nhà cả.
Hôm ấy, sáng sớm dậy, Bảo Ngọc không thấy Đại Ngọc, bèn đến buồng tìm, gặp Đại Ngọc đang nằm nghiêng trên giường. Bảo Ngọc cười nói:
- Thôi dậy ăn cơm, rồi đi xem hát! Em thích nghe vở nào, anh sẽ chấm cho.
Đại Ngọc cười nhạt:
- Anh đã nói thế, phải tìm riêng một ban hát, chọn những bài nào em thích thì hát cho em nghe, chứ đi nghe nhờ thì đừng hỏi nữa.
Bảo Ngọc cười:
- Việc ấy khó gì? Ngày mai anh gọi một ban hát đến đây, thế là họ lại phải nghe nhờ chúng ta.
Nói xong kéo Đại Ngọc dậy, dắt tay nhau đi ăn cơm.
Khi chấm vở, Giả mẫu bảo Bảo Thoa chấm. Từ chối mãi không được, Bảo Thoa đành phải chấm một hồi trong vở Tây Du Ký. Giả mẫu vui lắm, lại bảo Phượng Thự Phượng Thư biết Giả mẫu thích vui, thích cười đùa, nên chấm ngay vở "Lưu Nhị đương ỳ". Giả mẫu lại càng vui, rồi lại bảo Đại Ngọc. Đại Ngọc xin nhường cho Vương phu nhân, Tiết phu nhân chấm trước.
Giả mẫu nói:
- Hôm nay ta cốt cùng các cháu bày cuộc vui. Chúng ta cứ biết chúng ta, đừng nghĩ đến các bà ấy. Nhất là bày ra tiệc rượu, ca hát có phải vì các bà ấy đâu! Các bà ấy được nghe hát, uống rượu, thế là tốt rồi, lại còn phải mời chấm vở nữa kia à!
Nghe nói cả nhà cười ầm lên.
Đại Ngọc chấm xong một vở, rồi đến Bảo Ngọc, Sử Tương Vân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân và Lý Hoàn đều chấm cả. Các vở cứ lần lượt theo thế mà diễn.
Đến lúc vào tiệc rượu, Giả mẫu lại sai Bảo Thoa chấm vở. Bảo Thoa chấm vở Lỗ Trí Thâm say rượu làm nhộn ở núi Ngũ Đài.
Bảo Ngọc hỏi Bảo Thoa:
- Chị chỉ thích nghe những vở hát ấy!
- Anh nghe hát đã mấy năm nay, vẫn không biết, vở này dàn cảnh và lời văn đều hay cả.
- Tôi sợ những vở này nhộn quá.
- Vở này mà bảo là nhộn! Anh thật không biết nghe hát! Lại đây tôi nói cho mà nghe. Đây là một điệu Bắc: Điểm giáng thần. Điệu rất du dương trầm bổng. Âm luật lại càng không cần phải nói. Về lời văn có bài Ký sinh thảo rất hay, chắc anh chưa được nghe bao giờ.
Bảo Ngọc thấy nói bài ấy văn hay, liền xích lại gần:
- Xin chị đọc cho tôi nghe.
Bảo thoa liền đọc:
Anh hùng chùi nước mắt,
Xử sĩ tiếc chi nhà.
Lạy Di đà, cắt tóc dưới tòa sen Phật.
Hết duyên pháp, chớp mắt thành ly biệt,
Trần trùi trụi, đi về không vướng víu.
Tìm đâu tá, nón mưa áo khói một mình đi?
Mặc kệ ta, giày rơm bát vỡ theo duyên đến!
Bảo Ngọc nghe xong, thích quá, vỗ đùi, lắc đầu, khen mãi. Lại khen Bảo Thoa học rộng, không sách nào không biết.
Đại Ngọc bĩu môi:
- Hãy im mà nghe, chưa hát vở Sơn môn 4 anh lại đã muốn Trang phong 5 rồi.
Tương Vân ngồi đó phì cười. Mọi người nghe hát đến khuya mới tan.
Giả mẫu yêu nhất hai đứa bé đóng vai nữ và vai hề, bảo người dắt chúng lên, thấy rất đáng thương. Hỏi tuổi, đứa đóng vai nữ mới mười một, đứa đóng vai hề mới lên chín. Mọi người đều than thở. Giả mẫu sai lấy đồ ăn và hai quan tiền thưởng cho chúng. Phượng Thư cười nói:
- Thằng bé này lúc đóng vai nữ trông hệt như một người, thế mà chẳng ai biết cả.
Bảo Thoa hiểu ra ngay, chỉ gật đầu không nói gì. Bảo Ngọc cũng gật đầu không dám nói. Tương Vân mau miệng nói:
- Tôi biết rồi, trông giống cô Lâm.
Nghe vậy, Bảo Ngọc vội đưa mắt ra hiệu cho Tương Vân. Mọi người để ý nhìn kỹ, rồi cười ầm lên: "Quả là giống cô Lâm thật". Một lúc tiệc tan.
Đêm về, Tương Vân sai Thúy Lũ xếp quần áo, đồ đạc. Thúy Lũ hỏi:
- Việc gì mà cô vội thế, lúc nào đi thu xếp cũng vừa.
- Sáng mai về sớm. Ở đây làm gì nữa? Mày không thấy nét mặt người ta có vẻ không ưa đấy à?
Bảo Ngọc nghe thấy, vội đến kéo Tương Vân lại:
- Em hiểu lầm tôi. Em Lâm là người hay chấp, ai cũng biết cả, nhưng không muốn nói ra, vì sợ em Lâm giận. Ngờ đâu em buột mồm nói ngay, em Lâm lại không giận à? Tôi sợ em làm mất lòng em Lâm, nên đưa mắt ra hiệu. Bây giờ em lại giận tôi, há chẳng phụ lòng tôi hay sao? Nếu phải như ai, dù có gây chuyện với mười người, tôi cũng mặc kệ chẳng liên quan gì đến tôi!
Tương Vân hất tay:
- Những giọng văn hoa ấy đừng nói với tôi - tôi bì thế nào được với cô Lâm nhà anh! Người ta nói đùa cô ấy thì được, tôi nói lại có lỗi ngaỵ Tôi vốn không đáng nói chuyện với cô ta, cô chủ nhà, tôi chỉ là hạng con hầu đầy tớ thôi!
Bảo Ngọc vội nói:
- Thế ra vì em lại thành ra tôi có lỗi với em. Nếu tôi xấu bụng, xin lập tức hóa ra tro, cho mọi người giầy xéo lên.
Tương Vân nói:
- Đầu giêng năm mới, đừng có mở miệng là nói những câu nhảm nhí. Anh có thề, cứ thề với cái người tính nết nhỏ nhen, động một tí là giận dỗi; thề với cái người cai quản được anh ấy! Đừng để cho tôi phải bực mình với anh!
Tương Vân nói xong, hầm hầm đến ngay buồng Giả mẫu nằm xoài ra.
Bảo Ngọc chán ngán, lại đến tìm Đại Ngọc. Ngờ đâu vừa bước chân vào cửa, Đại Ngọc đã đẩy ra, đóng sập cửa lại. Bảo Ngọc không hiểu ra sao, đứng ngoài cửa sổ khẽ gọi: "Em ơi! em ơi!" Đại Ngọc mặc kệ không trả lời, Bảo Ngọc buồn quá, đứng rũ đầu không nói gì. Tử Quyên biết rõ đầu đuôi câu chuyện, nhưng chắc khuyên can ngay cũng chẳng được nào. Bảo Ngọc vẫn đứng ngẩn ở ngoài.
Đại Ngọc tưởng Bảo Ngọc đã về, mở cửa ra, thấy Bảo Ngọc vẫn đứng đấy, không tiện đóng lại. Bảo Ngọc theo vào hỏi:
- Việc gì cũng phải có duyên do, cứ nói ra để cho người ta khỏi áy náy. Sao tự nhiên em lại đâm ra giận dỗi?
Đại Ngọc cười nhạt:
- Tôi ấy à! Chẳng biết ra làm sao cả. Các người định đem tôi ra đùa! Đem tôi ví với con hát để làm trò cười cho các người!
- Tôi chẳng ví em, cũng chẳng cười em bao giờ, làm sao em lại giận tôi?
- Anh còn phải ví, còn phải cười! Anh không ví, không cười, nhưng so với người ví, người cười lại độc ác hơn.
Bảo Ngọc nghe nói, chẳng biết phân trần thế nào, lặng lẽ không nói nửa lời.
Đại Ngọc lại nói:
- Điều ấy còn có thể tha thứ được. Nhưng làm sao anh lại còn đưa mắt cho con Vân? Bụng dạ anh là thế nào? Có phải anh cho rằng người ta đùa với tôi là người ta tự hạ thấp con người xuống không? Người ta là tiểu thư nhà công hầu, tôi là con nhà bình dân. Người ta đùa tôi, lỡ tôi nói lại, chẳng hóa ra làm mất giá đi hay sao? Có phải anh nghĩ thế không? Có thể là bụng anh tốt nhưng người ta không nhận cái tốt ấy, cũng lại giận anh. Anh lại đem tôi ra để lấy lòng người ta, bảo là tôi "tính nết nhỏ nhen, động một tí là giận dỗi". Anh lại sợ người ta gây chuyện với tôi để tôi giận người tạ Tôi giận người ta hoặc người ta gây chuyện với tôi thì việc gì đến anh?
Bảo Ngọc nghe thế, biết câu chuyện mình nói nhỏ với Tương Vân vừa rồi, Đại Ngọc nghe thấy cả, nghĩ bụng: "Chỉ vì mình sợ hai người giận nhau, nên ở giữa giàn xếp, không ngờ cả hai lại đều lèo nhèo trách móc mình. Đúng như kinh Nam hoa đã nói: Người khéo chỉ tổ nhọc xác, người khôn chỉ tổ lo phiền, người đần độn không cần gì cả, cứ việc ăn chơi thảnh thơi như thuyền không buộc vào cọc, lênh đênh trôi giữa dòng sông. Lại có câu: Rừng núi tự gọi kẻ cướp đến, sông ngòi tự gọi kẻ trộm đến 6. Càng nghĩ càng thấy chẳng thú vị gì; xét cho cùng, bây giờ chỉ có vài người, mà mình không thu xếp cho êm thấm, thì sau này còn làm gì nên thân?" Nghĩ đến đó, Bảo Ngọc không buồn phân trần, liền quay về buồng. Đại Ngọc thấy vậy, biết Bảo Ngọc chán nản, bực bội bỏ đi, chẳng nói câu gì, nên càng bực mình thêm, liền nói: "Từ rày, suốt đời đừng đến đây nữa cũng xong!"
Bảo Ngọc không để ý đến câu nói ấy, về nằm sõng sượt ở giường, buồn thiu. Tập Nhân biết đầu đuôi câu chuyện, nhưng không dám nói, chỉ muốn đánh lảng ra việc khác cho khuây khỏa, nhân cười hỏi:
- Hôm nay nghe hát rồi, mai kia chắc cậu lại được nghe nữa. Thế nào cô Bảo chẳng mời lại.
Bảo Ngọc cười nhạt:
- Mời lại hay không, có việc gì đến tôi!
Tập Nhân thấy câu nói khác thường, bèn cười:
- Thế là thế nào? Năm mới tốt lành, mẹ con, chị em ai cũng vui vẻ cả, sao cậu lại thế?
- Mẹ con chị em người ta vui hay không, cũng không can gì đến tôi!
- Cả nhà vui thì cậu cũng nên vui một tí có hơn không?
- Cả nhà là thế nào? Họ có người này người nọ chứ tôi thì chỉ trần trùi trụi, chả bấu víu vào đâu cả?
Nói đến đây, Bảo Ngọc tự nhiên nhỏ nước mắt. Tập Nhân thấy quang cảnh ấy, không dám hỏi nữa. Bảo Ngọc ngẫm nghĩ câu vừa rồi, khóc òa lên, đứng phắt dậy, đến bên án thư cầm bút viết một câu kệ:
Người chứng, ta chứng 7, lòng chứng, ý chứng. Đã không có chứng, mới gọi là chứng. Không có gì chứng, mới là chỗ đứng.
Viết xong, bản thân tuy đã hiểu, nhưng sợ người xem không hiểu, Bảo Ngọc lại viết thêm khúc "Ký sinh thảo" ở sau kệ, rồi đọc lại một lượt, trong bụng thấy khoan khoái, không vướng víu gì, liền lên giường ngủ.
Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc vừa rồi đi ra một cách quả quyết, bèn lấy cớ đến hỏi thăm Tập Nhân để xem ý tứ ra sao. Tập Nhân nói:
- Cậu ấy đi ngủ rồi.
Đại Ngọc muốn về ngaỵ Tập Nhân lại nói:
- Cô hãy đứng lại xem cái giấy này trong viết những gì?
Rồi đem tờ giấy Bảo Ngọc vừa viết đưa cho Đại Ngọc xem. Biết Bảo Ngọc vì một lúc tức giận mà làm ra bài này, đáng cười lại đáng than, Đại Ngọc liền bảo Tập Nhân:
- Cậu ấy viết đùa đấy, chẳng có gì đâu.
Nói xong cầm tờ giấy về buồng.
Đến hôm sau, Đại Ngọc đưa cho Bảo Thoa, Tương Vân cùng xem. Bảo Thoa đọc lên có những câu:
Không phải ta không phải người,
Theo ai nhưng chẳng biết là ai?
Tha hồ đi lại không vướng mắc,
Vui vẻ hão huyền thôi cũng mặc.
Thân sơ ai có kể làm chi!
Trước đây lận đận bởi duyên gì?
Bây giờ nghĩ lại thật là vô vị!
Bảo Thoa đọc xong, xem lại những câu kệ, cười nói:
- Người này đã tỉnh ngộ rồi đây. Đó là lỗi ở tôi, vì hôm nọ tôi đọc cho anh ấy nghe một bài hát, thành ra gợi chuyện này. Những lời bí ẩn trong sách đạo dễ làm người ta thay đổi tính tình. Sau này anh ấy cứ cho những câu nói gàn dở là phải, lúc nào bụng cũng nghĩ vớ vẩn, há chẳng phải là tự tôi đọc một bài hát mà sinh ra lắm chuyện hay sao? Tôi thật là đầu têu việc này!
Nói xong, Bảo Thoa xé vụn tờ giấy, bảo a hoàn đốt đi. Đại Ngọc cười nói:
- Cần gì phải xé, để tôi hỏi anh tạ Chị em cứ theo tôi. Tôi sẽ làm cho anh ta chừa những ý nghĩ ngây ngô đi.
Ba người cùng sang gặp Bảo Ngọc. Đại Ngọc cười, nói:
- Anh Bảo Ngọc, tôi hỏi anh! Qúy nhất là của "bảo", bền nhất là "ngọc". Anh có gì là quý, là bền?
Bảo Ngọc không trả lời được. Ba người đều cười nói:
- Ngu ngốc như thế mà muốn "tham thiền" 8.
Đại Ngọc nói:
- Anh nói trong kệ: không có gì chứng. mới là chỗ đứng, câu ấy cũng đúng, nhưng cứ ý tôi thì chưa đủ, nên nói thêm câu này:
Không có chỗ đứng, mới thực can tịnh 9.
Bảo Thoa cười nói:
- Đúng đấy, như thế mới là hiểu thấu đạo Phật. Ngày trước vị tổ thứ sáu của Nam Tông là Huệ Năng đi tìm thầy, đến Thiều Châu, nghe nói có vị tổ thứ năm là Hoẵng Nhẫn ở Hoàng Mai, liền vào xin làm "hỏa đầu tăng" 10. Tổ thứ năm muốn tìm người thừa tự đạo Phật. bảo các sư mỗi người làm một bài kệ. Sư thượng tọa là Thần Tú nói: Mình là cây bồ đề, lòng như đài gương sáng. Phải nên lau chùi luôn, đừng để cát bụi bám. Bấy giờ sư Huệ Năng đương giã gạo ở dưới bếp, nói: "Hay thì hay thực, nhưng chưa được trọn nghĩa". Nhân đọc một bài kệ: Bồ đề nào phải cây, gương sáng nào phải đài, không có vật gì cả, đâu vướng bụi trần ai. Tổ thứ năm bèn đem áo và bát 11 truyền cho sư Huệ Năng. Câu kệ vừa rồi cũng là nghĩa ấy, nhưng mới chỉ là câu bí ẩn, chưa hoàn toàn kết thúc, không lẽ nửa chừng lại thôi hay sao?
Đại Ngọc cười nói:
- Lúc nãy không trả lời được, thế là anh ấy thua rồi; bây giờ có trả lời cũng chẳng lấy gì làm giỏi. Thôi từ nay trở đi anh không được nói chuyện đạo Phật nữa. Ngay những điều hai chúng tôi biết, anh cũng còn chưa hiểu, thế mà cũng đòi tham thiền!
Bảo Ngọc vẫn cứ cho mình là đã giác ngộ, không ngờ bị Đại Ngọc hỏi một câu không trả lời được; lại đến Bảo Thoa lôi chuyện trong Ngữ lục 12 ra, đều là những chuyện đột ngột bất ngờ. Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Họ hiểu biết trước ta, cũng còn chưa giác ngộ, sao ta lại tự chuốc lấy khổ não vào mình". Rồi cười nói:
- Ai tham thiền? Chẳng qua nói đùa một lúc đấy thôi.
Sau đó, bốn người lại vui vẻ như cũ.
Chợt có người báo: Nguyên phi sai người mang đến cái đèn có viết câu đố, bảo mọi người đoán xem. Đoán xong, mỗi người viết một câu dâng lên.
Bốn người nghe nói, vội chạy đến buồng Giả mẫu, thấy một thái giám nhỏ mang cái đèn lụa trắng, bốn góc bằng nhau, trên lụa đã viết sẵn câu đố. Mọi người tranh nhau đoán. Viên thái giám nhỏ nói:
- Các vị đoán xong đừng nói ra, cứ viết kín và niêm phong đệ lên để người xem ai đoán đúng.
Bảo Thoa đến gần thấy một bài thơ bốn câu bảy chữ, không có gì mới lạ, nhưng cũng khen ngợi, kêu là khó đoán lắm. Rồi giả cách như nghĩ ngợi, nhưng thực ra cô ta đã đoán được rồi. Bọn Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Tương Vân, Thám Xuân đều đoán cả. Lại gọi bọn Giả Hoàn, Giả Lan đến đoán. Sau đó mỗi người lấy một vật gì làm thành câu đố, viết cẩn thận vào giấy và treo lên đèn.
Viên thái giám đi về, đến chiều, đưa dụ ra: "Bài của quý phi đố, các vị đều đoán đúng cả, chỉ có cô Hai và cậu Ba là đoán sai. Những câu đố của các vị tiểu thư, người đã đoán cả rồi, không biết có đúng hay không?" Hắn giở những câu Nguyên phi đoán ra, có câu đúng, cũng có câu sai, kể lại một lượt. Viên thái giám lại đem những đồ thưởng ra cho những người đoán đúng. Mỗi người được một cái ống đựng thơ do trong cung làm ra và một cái thìa lấy bã chè. Chỉ có Nghênh Xuân, Giả Hoàn là không được gì cả. Nghênh Xuân cho là trò chơi nhỏ nhặt không để ý đến, duy Giả Hoàn thì buồn bực. Viên thái giám lại nói:
- Câu đố của cậu Ba không thông, quý phi không đoán, bảo tôi mang đến hỏi cậu Ba là cái gì?
Mọi người nghe nói, đến xem, thấy hắn viết:
Anh Cả có những tám sừng,
Anh Hai chỉ có hai sừng mà thôi.
Trên giường anh Cả ngồi chơi.
Cửa buồng chồm chỗm anh Hai thích ngồi.
Xem xong, ai nấy cười ồ lên, Giả Hoàn nói với viên thái giám:
- Một câu là cái gối, một câu là đầu con thú.
Ghi xong, viên thái giám uống nước rồi về.
Giả mẫu thấy Nguyên Xuân có những trò chơi hứng thú, lại càng vui thêm, bèn sai làm một cái đèn lồng rất khéo và đẹp, để ở giữa nhà, bảo bọn chị em mỗi người viết một câu đố, dán ở ngoài đèn, rồi sửa soạn những đồ thưởng, như chè thơm, quả tươi cùng các đồ chơi khác.
Giả Chính đi chầu về, thấy Giả mẫu vui, vả lại, giữa ngày xuân, nên chiều hôm ấy ông ta cũng sang hầu để mẹ vui thêm.
Mâm trên Giả mẫu, Giả Chính và Bảo Ngọc; mâm dưới có Vương phu nhân, Bảo Thoa, Đại Ngọc và Tương Vân; dưới nữa là Nghênh Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân. Các bà hầu già và bọn a hoàn đứng hầu xung quanh. Mâm gian trong thì Lý Cung Tài và Vương Hy Phượng.
Giả Chính hỏi:
- Sao không thấy Giả Lan đâu?
Bọn hầu vào hỏi Lý thị. Lý thị đứng dậy cười nói:
- Cháu nó không thấy ông gọi, nên không chịu đến.
Người hầu ra trình Giả Chính. Mọi người cười nói:
- Thằng cháu ương gàn quá!
Giả Chính liền bảo Giả Hoàn và người hầu gọi Giả Lan đến. Giả mẫu cho ngồi bên cạnh và cho ăn quả. Cả nhà chuyện trò vui vẻ.
Bảo Ngọc xưa nay vẫn hay nói ba hoa, nay có Giả Chính ngồi đấy, nên chỉ ngồi yên vâng vâng dạ dạ. Tương Vân tuy là con gái, vốn thích chuyện trò cười đùa, nhưng cũng khóa miệng nốt. Đại Ngọc thì hay làm vẻ không thích nói nhiều. Bảo Thoa thì hay giữ gìn cẩn thận, cũng ngồi yên không nói gì. Thành ra tiệc vui trong gia đình, nhưng vẫn thấy gò bó.
Giả mẫu biết là có Giả Chính ở đấy, nên uống hết ba tuần rượu, liền giục Giả Chính về nghỉ. Giả Chính biết ý Giả mẫu bảo mình về để cho các cháu được thoải mái, liền cười nói:
- Hôm nay được nghe bà đặt tiệc, đố đèn, nên con mang rượn và lễ vật đến xin vào hội, sao bà lại không chia sẻ lòng thương yêu các cháu cho con một chút nào?
Giả mẫu cười nói:
- Vì anh ở đây, chúng nó không dám vui cười, khiến ta buồn. Anh muốn đoán câu đố, ta ra cho một câu, nếu đoán không đúng thì phải phạt.
Giả Chính vội cười:
- Vâng, xin chịu phạt; nếu đoán đúng, xin bà thưởng cho.
- Cái ấy cố nhiên.
Rồi giả mẫu đọc luôn:
- Con khỉ lơ lửng bám trên cành (Đố tên một thứ quả).
Giả Chính biết ngay tà quả vải, nhưng cố ý đoán sai, để chịu phạt mấy thứ rồi mới đoán đúng. GIả mẫu lại thưởng cho mấy thứ. Sau Giả Chính lại đọc một câu đố để Giả mẫu đoán:
- Mình thì vuông vắn, chất thì cứng rắn, tuy không biết nói, trả lời đúng đắn. (Đố một thứ đồ dùng).
Ông ta đọc xong, rồi khẽ bảo Bảo Ngọc. Bảo Ngọc biết ý, khẽ đến gà Giả mẫu. Giả mẫu nghĩ một lúc cho là đúng, liền nói:
- Đó là cái nghiên.
Giả Chính cười nói:
- Bà đoán một lần đúng ngay.
Rồi quay lại bảo đem đồ mừng đến. Bọn hầu vâng lời mang hết khay lớn, khay nhỏ lên. Giả mẫu xem từng cái một, đều là đồ mới đẹp, để dùng vào ngày hội hoa đăng cả, trong bụng rất vui, liền bảo:
- Rót rượu cho cha mày uống.
Bảo Ngọc rót rượu, Nghênh Xuân dâng rượu. Giả mẫu bảo Giả Chính:
- Những câu viết ở trên đèn lồng đều là của chị em nó làm cả. Anh thử đoán đi cho ta nghe.
Giả Chính vâng lời, đến gần bình phong, thấy một câu của Nguyên phi viết:
Yêu ma hồn vía còn chăng,
Mình như cuốn lụa hơi đằng sấm ran.
Ai nghe thấy cũng hết hồn,
Ngoảnh đầu nhìn lại tro tàn khói bay.
(Đố một thứ đồ chơi)
Giả Chính nói:
- Đó là cái pháo.
Bảo Ngọc đáp:
- Đúng.
Giả Chính lại xem câu của Nghênh Xuân:
Trời chuyển, người xoay, lý chẳng cùng,
Người xoay trời đứng cũng không xong,
Tại vì tính toán quanh co mãi,
Mà số âm dương vẫn chửa thông!
(Đố một thứ đồ dùng).
Giả Chính nói:
- Đó là bàn tính.
Nghênh Xuân cười nói:
- Đúng.
Giả Chính lại xem câu đố của Thám Xuân:
Trẻ con ngửa mặt nhìn trời,
Thanh minh là tiết dong chơi hợp thì.
Mỏng manh một sợi du ti,
Biệt ly đừng có trách gì gió đông.
(Đố một đồ chơi)
Giả Chính nói:
- Đó là cái diều.
Thám Xuân nói:
- Đúng.
Lại xem một bài:
Kiếp trước long đong ngán phận mình,
Nghe ca không thích thích nghe kinh!
Đừng cho thân đã chìm trong bể,
Chói lọi còn nguyên chữ tính linh.
(Đố một thứ đồ dùng)
Giả Chính đoán:
- Đó là cái đèn đại hải trước cửa Phật.
Tích Xuân cười nói:
- Đúng là đèn đại hải.
Giả Chính trong lòng suy nghĩ: "Qúy phi làm bài cái pháo là một thứ nổ tan tành; Nghênh Xuân làm bài cái bàn tính là một thứ biến động lung tung; Thám Xuân đố cái diều là một thứ nhẹ bay trước gió; Tích Xuân làm cái đèn đại hải, một thứ tịch mịch cô đơn. Lúc này giữa tiết thượng nguyên, sao chúng nó lại chơi những trò quái gở ấy?" Giả Chính càng nghĩ càng buồn. Chỉ vì đứng trước Giả mẫu nên ông ta không dám lộ ra sắc mặt, đành cứ gắng gượng xem suốt lượt. Xem đến câu của Bảo Thoa là một bài thơ thất ngôn:
Áo chầu đầy khói để ai mang?
Đàn đấy, chăn đây, luống bẽ bàng,
Chú lính sớm không cần đếm thẻ,
Chị hầu đêm cũng biếng thêm hương,
Vùi đầu trải biết bao hôm sớm,
Đốt ruột không nài mấy tuyết sương,
Thấm thoát bóng xuân đà đáng tiếc,
Kể gì thay đổi cuộc tang thương.
(Đố một thứ đồ dùng)
Giả Chính xem xong, nghĩ bụng: "Vật này cũng dễ đoán thôi. Có điều người còn ít tuổi mà đã nói ra những điềm không haỵ Xem ra không phải là hạng người được hưởng phúc". Nghĩ đến đấy, ông ta cúi đầu im lặng, có vẻ thương cảm, mất hết tính tình vui vẻ lúc đầu.
Giả mẫu thấy thế, cho là Giả Chính đã mệt, lại sợ các cháu bị gò bó, không được chơi đùa tự do, liền bảo:
- Anh không cần phải ở đây nữa, về nghỉ thôi, để ta ngồi chơi với các cháu một lúc.
Giả Chính nghe nói, vâng lời, lại cố mời Giả mẫu uống thêm một tuần rượu nữa, rồi xin phép ra về. Đến buồng, ông ta ngẫm nghĩ mãi, càng thấy buồn thiu, trằn trọc không sao ngủ được.
Giả mẫu thấy Giả Chính về rồi, bảo:
- Bây giờ các cháu vui chơi đi.
Nói chưa dứt lời thì Bảo Ngọc đã như con khỉ sổ xích, chạy đến trước cái đèn lồng, chỉ đông chỉ tây, chê bai luôn mồm, câu này không hay, câu kia không đúng. Bảo Thoa liền nói:
- Cứ ngồi một chỗ mà cười nói như trước, có phải đứng đắn hơn không?
Phượng Thư ở trong nhà chạy ra nói góp:
- Hạng người như chú, thì phải bắt ở liền bên ông, không được rời đi một bước mới được. Vừa rồi quên mất, làm sao trước mặt ông lại không bắt chú làm mấy câu đố? Sợ chú lại không toát mồ hôi!
Bảo Ngọc vội nắm lấy Phượng Thư, nũng nịu một lúc. Giả mẫu cùng với Lý Cung Tài và bọn chị em cười nói một hồi, chừng đã mệt, xem đồng hồ đã canh tư, liền sai mang các thứ đồ ăn thưởng cho người nhà, rồi đứng dậy nói:
- Thôi chúng ta đi nghỉ, mai còn là ngày tết, nên dậy sớm một tí, đến chiều lại chơi.
Tiệc tan, mọi người ra về.
1 Theo tục cổ ở Trung Quốc, con gái đến mười lăm tuổi thì cài trâm.
2 Tên một quả núi thuộc tỉnh Sơn tây Trung Quốc. Tương truyền nơi Phật hóa thân.
3 Côn sơn vả Giặc đương là hai điệu hát. Côn thuộc về nhã nhạc. Giặc thuộc về tạp hí.
4 Tích Lỗ Trí Thâm say rượu... nói ở trên.
5 Tên một khúc hát, diễn tích Uất Trì Kính Đức đời Đường giả điên. Ở đây Đại Ngọc dùng tiếng song quan để giễu Bảo Ngọc. Câu này còn có nghĩa: chưa hát "Sơn môn" anh đã giả điên.
6 Ý nói những chỗ rừng núi sông ngòi tự nhiên thành chỗ tụ tập của kẻ cướp kẻ trộm.
7 Bài kệ này viết theo giáo lý nhà Phật. Chứng là theo bằng chứng, giáo nghĩa là giáo lý. Chứng có nhiều bực, từ sắc giới đi đến không giới. Bài kệ này là theo ý bài "Ký sinh thảo" trong vở Sơn môn mà Bảo Ngọc suy rộng ra.
8 Hiểu theo đạo Phật.
9 Sạch sẽ và im lặng. Câu này theo nghĩa bài kệ trên, lên cao một bậc nữa, tức là thoát hẳn ra "không giới".
10 Sư nấu bếp.
11 Áo là áo cà sa, bát lả bát khất thực (xin ăn). Theo tục lệ đạo Phật ngày trước, các tín đồ nuôi các sư, đến bữa vác bát đi lấy cơm, gọi là khất thực, nhà sư tùy thân chỉ có cái áo và cái bát, sư thầy truyền đạo cho người thừa tự, gọi là "truyền y bát".
12 Sách chép những triết học, tư tưởng và ngôn luận của các danh tăng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hồng Lâu Mộng.