Chương 24: Kim Cương Say Rượu, Tính Hào Hiệp Tiền Bạc Coi Khinh Cô Gái Si Tình, Rơi Khăn Lụa Mơ Màng Nhớ Bạn


Số từ: 5728
Nguồn: vnthuquan
Đại Ngọc đương lúc tình tứ triền miên, nghĩ ngợi vơ vẩn, chợt có người vỗ vào lưng nói:
- Cô ngồi đây một mình làm gì?
Đại Ngọc giật mình ngoảnh lại, nhìn thấy Hương Lăng. Đại Ngọc nói:
- Con quái này làm người ta giật mình! Mày ở đâu đến đây?
Hương Lăng cười hì hì nói:
- Tôi đi tìm cô tôi, chẳng thấy đâu cả. Chị Tử Quyên cũng đương tìm cô, và nói là mợ Liễn cho người đưa biếu chè. Chúng ta về thôi.
Hương Lăng nói xong dắt Đại Ngọc về quán Tiêu Tương, thấy có hai bình chè của Phượng Thư đưa sang. Đại Ngọc và Hương Lăng ngồi xuống nói chuyện, chẳng qua: Người này thêu đẹp người kia thêu khéo, cùng nhau đánh cờ, xem sách một lúc, rồi Hương Lăng ra về.
Uyên Ương đang ngồi ghé trên giường xem đường kim thêu của Tập Nhân. Thấy Bảo Ngọc về, Uyên Ương hỏi:
- Cậu đi đâu về thế? Cụ đương chờ, bảo cậu sang thăm ông Cả. Cậu về thay quần áo ngay đi!
Tập Nhân vào buồng lấy quần áo ra.
Bảo Ngọc ngồi ở mép giường, bỏ giày ra, đang chờ mang ủng đến, ngoảnh thấy Uyên Ương mặc áo lụa đỏ, vai khoác đoạn xanh, cổ quàng khăn nhiễu tía, dưới đi đôi bít tất màu da ngà, đôi giày thêu đỏ, đương cúi xuống xem bức thêu. Bảo Ngọc ghé mặt gần vào cổ Uyên Ương, ngửi thấy mùi thơm, liền giơ tay xoa, thấy da trắng mịn, chẳng kém gì Tập Nhân, liền chồm lại gần, có vẻ thèm thuồng cười nói:
- Cho tôi nếm một ít sáp ở môi chị!
Nói xong, Bảo Ngọc bám chặt vào người Uyên ương. Uyên Ương kêu ầm lên:
- Chị Tập Nhân ra đây mà xem! Chị Ở liền với cậu ấy bao nhiêu lâu, chẳng biết khuyên ngăn, cứ để mãi thế này à?
Tập Nhân mang quần áo ra, nhìn Bảo Ngọc nói:
- Nay khuyên mai khuyên, tật nào vẫn chứng ấy. Cậu làm cái trò gì vậy? Cứ thế mãi tôi cũng khó lòng mà ở yên được.
Tập Nhân giục Bảo Ngọc thay quần áo, rồi cùng Uyên Ương ra đi. Sau khi chào Giả mẫu xong, Bảo Ngọc ra ngoài, người và ngựa đã sắp đủ cả. Bảo Ngọc đang lên ngựa, gặp Giả Liễn đi thăm bệnh trở về. Trông thấy, Bảo Ngọc xuống ngựa chạy lại. Hai người nói chuyện được mấy câu. Chợt có người đi đến bên nói: "Xin chào chú Bảo".
Bảo Ngọc thấy người ấy nét mặt dễ coi, người dong dỏng cao, chừng mười tám, mười chín tuổi, rất nho nhã lịch sự. Bảo Ngọc nhìn mặt quen quen, nhưng không biết con cái nhà ai, tên là gì. Giả Liễn cười nói:
- Sao chú đứng ngẩn ra thế? Không nhận được nó à? Nó là cháu Vân, con chị Năm ở bên cạnh đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Phải rồi. Thế mà tôi quên mất.
Rồi hỏi:
- Mẹ cháu có được mạnh không? Nay cháu làm việc gì?
Giả Vân trỏ vào Giả Liễn nói:
- Cháu đi tìm chú Hai nói câu chuyện.
Bảo Ngọc cười:
- Bây giờ cháu đã hơn trước nhiều, trông giống như con của chú!
Giả Liễn cười nói:
- Khéo nói, không biết ngượng! Người ta hơn mình đến năm sáu tuổi, mà lại muốn nhận làm con?
Bảo Ngọc cười hỏi:
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
Giả Vân nói:
- Cháu mười tám tuổi.
Giả Vân là người nhanh nhẹn láu lỉnh, nghe thấy Bảo Ngọc nói thế, liền cười nói:
- Tục ngữ nói đúng lắm, "ông còn ngồi lỏn trong nôi, cháu đã lụ khụ chống gậy". Cháu tuy nhiều tuổi, nhưng "núi cao không che nổi mặt trời". Từ khi cha cháu mất đi, cháu không có người trông nom. Nếu chú Bảo không cho cháu là hạng người ngu xuẩn, nhận cho làm con, thì thực phúc cho cháu lắm.
Giả Liễn cười nói:
- Chú nghe chưa? Nếu nhận nó là con thì không thể bỏ liều nó được đâu.
Nói xong, cười rồi bỏ đi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Ngày mai rỗi, cháu đến thăm chú, đừng có thậm thậm thụt thụt với bọn họ. Bây giờ chú bận. Ngày mai cháu cứ đến thư phòng, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều. Rồi chú sẽ đưa cháu đi chơi vườn.
Nói xong, lên ngựa sang nhà Giả Xá. Thấy Giả Xá chỉ cảm xoàng thôi, Bảo Ngọc nói lại lời hỏi thăm của Giả mẫu, sau mới đến lượt mình. Giả Xá đứng dậy cảm tạ lời Giả mẫu, rồi sai người: "đưa cháu Bảo vào ngồi chơi trong buồng bà".
Bảo Ngọc đi về phía sau, vào buồng trên. Hình phu nhân trông thấy, đứng dậy hỏi thăm sức khỏe Giả mẫu, Bảo Ngọc chào hỏi xong. Hình phu nhân dắt lên bục ngồi, hỏi han mọi người, rồi sai pha nước. Đương uống nước, Giả Tôn chạy đến chào Bảo Ngọc. Hình phu nhân nói:
- Thằng khỉ kia chạy nhông đâu về thế! Vú bõ của mày chết cả rồi à! Sao không ai trông nom, để cho mày mặt mũi nhem nhuốc thế kia, xem có còn ra dáng con nhà gia thế thư hương nữa không?
Vừa lúc ấy hai chú cháu Giả Hoàn, Giả lan đến thăm. Hình phu nhân bảo hai người ngồi vào ghế. Giả Hoàn trông thấy Bảo Ngọc cùng ngồi trên nệm với Hình phu nhân, lại được Hình phu nhân vồn vã vỗ về đủ cách, trong bụng lấy làm khó chịu, ngồi một lúc, đưa mắt cho Giả Lan bảo về. Giả Lan phải nghe theo, cũng đứng dậy xin về.
Bảo Ngọc thấy chúng về, cũng muốn về một thể. Hình phu nhân nói:
- Cháu hãy ngồi lại đây, bác còn muốn nói chuyện với cháu.
Bảo Ngọc đành phải ngồi nán lại. Hình phu nhân ngoảnh lại bảo Giả Hoàn, Giả Lan:
- Các cháu về nói với mẹ các cháu rằng ta có lời hỏi thăm. Các cô các chị Ở cả bên này, nhộn lắm, làm ta nhức cả đầu! Hôm nay ta không thể giữ các cháu ở lại ăn cơm được.
Bọn Giả Hoàn chào rồi đi ra.
Bảo Ngọc cười:
- Thế ra các chị em ở cả bên này? Sao cháu không thấy?
Hình phu nhân nói:
- Lúc nãy họ ngồi ở đây, vừa mới ra cả phía sau, không biết chừng họ đã vào nhà nào rồi.
- Lúc nãy bác bảo cần nói câu chuyện, vậy thì chuyện gì ạ?
- Có chuyện gì đâu, chỉ muốn bảo cháu ở lại ăn cơm với các chị em đấy thôi. Rồi bác sẽ cho cháu cái này mang về mà chơi.
Đương nói chuyện, đã đến bữa cơm chiều. Bọn chị em đều đến đấy cả. Bàn ghế, bát đĩa được bày ra. Mọi người cùng ngồi ăn. Ăn xong, Bảo Ngọc cáo từ Giả Xá, cùng bọn chị em về trình Giả mẫu và Vương phu nhân, rồi đâu về đấy.
Giả Vân, hôm ấy đến thăm Giả Liễn, nhân tiện hỏi xem đã có việc gì làm chưa? Giả Liễn nói:
- Hôm nọ có một việc, nhưng thím cháu cố xin cho cháu Cần. Thím cháu có hứa với ta: nay mai trong vườn có mấy chỗ cần trồng cây, trồng hoa. Khi nào khởi công, nhất định để cháu làm.
Giả Vân nghĩ một lúc, nói:
- Nếu thế, cháu đành chờ vậy. Nhưng xin chú đừng nói với thím là hôm nay cháu đến đây hỏi dò, khi nào việc tới nơi, cháu nói cũng chưa muộn.
Giả Liễn nói:
- Chú nói làm gì! Thì giờ đâu nói những chuyện hão ấy? Sáng sớm mai chú phải đi sang ấp Hưng, nội nhật sẽ về. Tối mai cháu hãy lại, chứ đến sớm chú không rỗi đâu.
Nói xong, hắn vào nhà trong mặc quần áo rồi đi.
Giả Vân ở phủ Vinh về, đi đường nảy ra một ý nghĩ, liền đến ngay nhà cậu là Bốc Thế Nhân. Bốc Thế Nhân có một cửa hiệu bán hương liệu 1. Khi ở hiệu về, Bốc trông thấy Giả Vân, liền hỏi:
- Cháu đến đây làm gì?
- Cháu có việc muốn đến nhờ cậu giúp chọ Xin cậu bán chịu cho cháu ít băng phiến, xạ hương, mỗi thứ bốn lạng, đến tháng tám cháu sẽ trả đủ số tiền.
Bốc Thế Nhân cười nhạt:
- Thôi cháu đừng nói chuyện mua chịu nữa! Độ trước có một anh buôn chung với ta, mua hàng cho bà con, chịu mấy lạng bạc đến nay vẫn chưa trả. Vì thế mọi người phải chia nhau mà bù, rồi giao ước với nhau: không ai được bán chịu cho bạn bè, nếu phạm điều này phải phạt hai mươi lạng. Vả chăng những thứ hàng này đang hiếm, cháu đem tiền mặt đi mua cũng khó mà tìm được, chỉ vác tiền đi vác tiền về thêm tốn công thôi. Đó là một việc. Hai là cháu chẳng có việc gì đáng cần đến, chẳng qua mua chịu về rồi làm phí phạm đi. Cháu cứ phàn nàn rằng: gặp cậu lúc nào là bị mắng lúc ấy, vì cháu còn trẻ tuổi, chưa biết điều hay lẽ phải. Cháu cũng nên nghĩ cách lập thân, kiếm tiền mà ăn mà mặc, thì cậu trông thấy mới vui lòng.
Giả Vân cười nói:
- Cậu nói đúng. Khi cha cháu chết, cháu hãy còn bé, chả hiểu gì cả; chỉ nghe mẹ cháu nói lại, là việc chôn cất cha cháu, đều nhờ cậu đứng ra lo liệu cả. Cậu cũng biết đấy, cháu chỉ còn có một mẫu ruộng và hai gian nhà, có phải tự tay cháu phung phá hết đâu? "Đàn bà dù giỏi dang đến đâu, nếu không có gạo cũng khó lòng thổi ra được cơm". Thế thì bây giờ cậu bảo cháu làm thế nào? Ấy là cháu đấy, chứ những đứa mặt dày mày dạn, cứ vài ba ngày lại đến vòi vĩnh cậu, nay ba thưng gạo, mai vài thưng đậu, thì cậu cũng đành chịu chứ biết làm sao.
Bốc Thế Nhân nói:
- Cháu ơi! Nếu cậu giàu có, thì còn nói gì? Cậu thường nói với mợ cháu, chỉ buồn là cháu không biết lo tính. Giá cháu biết nghĩ cách lập thân, cứ đến các nhà lớn trong họ, dầu không gặp được các ông trên, thì chịu khó nhũn nhặn niềm nở với những người quản gia, cũng dễ tìm được công việc. Hôm nọ cậu ra phố, gặp anh Tư ở phòng thứ ba, ngồi chễm chệ trên một cái xe sang trọng, đằng sau có bốn năm cỗ xe chở một bận bốn năm mươi ni cô, đạo cô ra ngoài miếu. Nếu anh ta không giỏi dang, làm gì lại được trông nom việc ấy.
Giả Vân thấy cậu nói lôi thôi khó chịu, liền đứng dậy xin về. Bốc Thế Nhân nói:
- Làm gì mà vội thế? Cháu ở lại ăn cơm đã.
Bà vợ Ở trong nhà nghe vậy nói:
- Ông mới lẩm cẩm chứ! Vừa kêu hết gạo, đã phải mua cho nửa cân mì mà ăn, ông lại còn giả cách phong lưu! Ông giữ cháu ở lại để nhịn đói à?
Bốc Thế Nhân nói:
- Mua thêm nửa cân nữa cũng được.
Bà ta liền gọi con gái:
- Con Ngân đâu! Mày sang bên nhà bà Vương trước cửa hỏi xem có tiền thì vay mấy chục đồng, sáng mai sẽ trả.
Giả Vân vội gạt ngay: "Xin đừng làm phiền nữa". Rồi chạy đi mất hút!
Giả Vân ở nhà cậu ra, trong lòng buồn bực, vừa nghĩ vừa cắm đầu chạy, không ngờ chạm ngay phải một người say rượu. Người kia mắng: "Con mẹ mày! Mù à, dám đâm cả vào tao!"
Giả Vân sợ giật nảy người, định lánh đi, nhưng bị người kia nắm được, nhìn kỹ, té ra Nghê Nhị, ở liền ngay bên xóm.
Nghê Nhị là một kẻ vô lại, làm nghề cho vay lãi, cho tiền đầu ở trong sòng bạc, thích uống rượu và đánh nhau. Bấy giờ hắn đi đòi nợ về, đã say khướt rồi, không ngờ Giả Vân chạy đâm sầm vào. Hắn giơ tay chực đánh, Giả Vân kêu lên:
- Ông Hai ơi! Hãy dừng tay! Tôi trót lỡ chạm phải ông!
Nghê Nhị nghe tiếng quen quen, trừng mắt nhìn, biết là Giả Vân, vội buông tay ra. Hắn đi lảo đảo, cười nói:
- Thế ra cậu hai Giả đấy à? Cậu ở đâu về đấy?
- Không thể nói hết được, vừa rồi tự nhiên tôi vấp phải một việc rất khó chịu!
- Không cần! Có việc gì bất bình cậu cứ nói lên, tôi sẽ trả thù chọ Ở đây ba làng bảy xóm, bất chấp thằng nào, cứ chạm đến người hàng xóm láng giềng của "tay thần rượu" này thì phải biết, thân tan nhà nát ngay!
- Xin ông đừng vội nóng, để tôi nói đầu đuôi cho ông nghe.
Rồi hắn kể lại việc Bốc Thế Nhân. Nghê Nhị nghe xong, giận nói:
- Nếu không phải bà con của cậu, đây sẽ mắng cho một trận. Việc này làm người ta tức chết được! Nhưng thôi, cậu đừng buồn. Có mấy lạng bạc đây, nếu cần, cậu mang về mà tiêu. Có một điều, tôi với cậu là chỗ hàng xóm láng giềng với nhau, đã bao lâu nay, tôi có tiếng là người cho vay nợ lãi ở ngoài, mà cậu chưa hề hé mồm hỏi tôi lần nào; có lẽ cậu sợ mất danh giá, hay sợ lãi nặng không dám chơi với tôi chăng? Nếu sợ lãi nặng, thì tiền đây, tôi không cần một đồng lãi và cũng không bắt cậu viết văn tự nữa. Nếu cậu sợ mất danh giá thì thôi, tôi không cho vay nữa. Cậu đi đằng cậu, tôi đi đằng tôi.
Vừa nói hắn vừa mở gói bạc ở trong túi ra.
Giả Vân nghĩ bụng: "Nghê Nhị xưa nay tuy là đứa vô lại, nhưng biết giúp người nghèo khổ, cũng có chút lòng nghĩa hiệp. Nếu ta không nhận, lỡ hắn nóng lên, lại xảy chuyện không hay; chi bằng ta cứ nhận, rồi sẽ trả gấp đôi là được". Liền cười nói:
- Thưa ông! Ông thực là bực hào hiệp. Tôi vẫn định đến hỏi vay ông. Nhưng thấy ông chơi bời toàn là với những người có tai tiếng, còn hạng chúng tôi bất tài bất lực, chắc ông chả đếm xỉa gì. Dù có hỏi, ông cũng chả cho vay nào. Nay ông đã có bụng tốt, tôi không dám từ chối; về nhà, tôi sẽ làm văn tự đem đến nộp ông.
Nghê Nhị cười khanh khách:
- Cậu nói khéo thật, tôi chưa nghe thấy bao giờ. Đã là bạn thân với nhau, thì cho vay lấy lãi làm gì. Đã cho vay lấy lãi, thì còn gì là bạn thân nữa? Thôi đừng nên dài lời. Cậu đã có lòng nghĩ đến, thì đây, món tiền mười lăm lạng ba đồng cân, cậu cầm lấy mà tiêu. Nếu làm văn tự, thì xin trả lại tiền, đây cho người có tai tiếng vay vậy.
Giả Vân cầm tiền, nói:
- Sao ông vội nóng thế? Tôi xin nghe theo lời ông là được rồi.
- Thế mới phải chứ! Bây giờ trời tối rồi, tôi không mời cậu đi uống rượu nữa. Cậu về thôi. Tôi còn phải đi có chút việc. Nhân tiện nhờ cậu bảo người nhà tôi cứ đóng cửa đi ngủ. Đêm nay tôi không về. Nếu có việc gì, bảo con cháu gái sáng mai đến nhà lái ngựa Vương thọt chân tìm tôi.
Hắn vừa nói, vừa lảo đảo đi.
Giả Vân may gặp được việc này, sung sướng lắm, không ngờ Nghê Nhị đối với mình lại tốt đến thế. Nhưng sau lại nghĩ: "Nghê Nhị lúc say thì hào phóng. nhưng mai tỉnh rượu, nó lại sang bắt ta giả gấp đôi thì làm thế nào?" Rồi lại nghĩ: "Không cần, đợi việc kia xong, ta cũng có thể giả gấp đôi được". Hắn liền chạy đến hàng bạc cân lại, đúng mười lăm lạng ba tiền bốn phân hai ly, không sai một tý nào, trong bụng càng mừng.
Về đến nơi, Giả Vân sang báo tin ngay cho vợ Nghê Nhị biết, rồi mới vào nhà. Bà mẹ đương ngồi trên bục xe chỉ, hỏi: "Mày đi đâu suốt ngày thế?"
Giả Vân sợ mẹ giận, không dám kể lại chuyện Bốc Thế Nhân, chỉ nói:
- Con phải ở lại chờ chú Liễn bên phủ tây. Mẹ đã ăn cơm chưa?
Bà mẹ trả lời:
- Ăn rồi, có để phần con đấy.
Rồi bảo thằng bé con lấy cơm ra cho Giả Vân ăn. Bấy giờ trời mới tối thật, đã lên đèn.
Giả Vân ăn cơm xong, xếp dọn đi ngủ. Hôm sau hắn dậy rửa mặt, rồi ra cửa phía nam vào hàng hương mua băng phiến và xạ hương đem đến phủ Vinh. Dò biết Giả Liễn đi vắng, hắn lẻn vào cửa sau, đến trước nhà Giả Liễn, thấy mấy đứa hầu nhỏ đang quét sân. Chợt nghe tiếng vợ Chu Thụy ở trong nhà ra bảo: "Đừng quét vội, mợ sắp ra đấy".
Giả Vân vội đến cười hỏi:
- Mợ sắp đi đâu thế?
Vợ Chu Thụy nói:
- Cụ gọi, chắc hỏi việc may quần áo gì đó.
Họ đương nói chuyện thì một đám người đưa Phượng Thư ra. Giả Vân biết Phượng Thư ưa nịnh, liền khép nép kính cẩn chạy đến chào. Phượng Thư cứ việc đi, mắt không thèm nhìn, chỉ hỏi:
- Mẹ cháu có được khỏe không, sao không thấy sang chơi?
- Mẹ cháu nhớ thím luôn. Chỉ vì người không được khỏe, nên không sang được.
- Sao khéo nói dối thế. Nếu thím không nhắc, thì cháu cũng chẳng nhớ gì đến thím.
- Cháu không sợ trời đánh hay sao, mà đứng trước bề trên, dám bày chuyện nói dối? Ngay chiều hôm qua, mẹ cháu còn nhắc đến: thím người yếu lại nhiều việc, được cái là sáng suốt, sắp xếp công việc đâu vào đấy. Nếu không, chỉ sai một ly, chưa biết sẽ xảy ra bao nhiêu chuyện lôi thôi.
Phượng Thư nghe đến câu ấy, mặt vui hẳn lên, đứng dừng lại hỏi:
- Làm sao tự nhiên vắng thím mà mẹ con cháu lại giở chuyện ấy ra nói?
Giả Vân cười nói:
- Vì cháu có người bạn thân mở một cửa hàng bán hương liệu. Sau nó quyên chức thông phán, được bổ đi một nơi trong tỉnh Vân Nam. Nó mang cả gia quyến đi. Hiệu ấy đóng cửa, nó xếp dọn hết hàng hóa, cái gì đáng bán rẻ thì bán, cái gì đáng cho thì cho, thứ gì quý giá thì đem tặng bạn thân, nên cháu mới được một ít băng phiến và xạ hương. Cháu về bàn với mẹ cháu, nếu đem bán đi, không những không đủ vốn, cũng chả ai có tiền muạ Ngay nhà có tiền, cũng chỉ bỏ ra vài đồng là đã rụt tay rồi. Nhược bằng đưa cho ai, cũng chẳng ai đáng dùng, lại đành bán rẻ bán rúng, của mười được một thôi. Sực nhớ năm ngoái thím phải mang một bọc bạc tướng đi mua những thứ này; chưa nói năm nay trong cung Qúi phi cần dùng đã đành mà đến tiết Đoan dương, nhất định phải đắt gấp mười, gấp trăm, vì thế cháu nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có đem biếu thím là đúng hơn hết.
Hắn vừa nói vừa đưa cái hộp gấm ra.
Phượng Thư đương sắm đồ tết, cần dùng các thứ hương, thấy vậy, vừa đắc ý, vừa mừng, liền bảo Phong Nhi: "Cháu Vân đã cho thì nhận lấy đem về đưa cho Bình Nhi". Rồi lại nói:
- Xem cháu cũng biết điều đấy, không trách chú cháu thường bảo cháu là người tốt, nói chuyện thẳng thắn, biết lời ăn lẽ ở.
Giả Vân thấy mình nói đã được đắt lời, lại rán hỏi thêm nữa:
- Thế ra chú cháu thường nhắc đến cháu?
Phượng Thư thấy hỏi, muốn hứa cho hắn làm một việc, sau lại nghĩ: "Nó mới đưa các thứ hương đến, ta đã hứa cho việc làm ngay, sợ nó coi thường mình".
Vì vậy Phượng Thư chưa nhắc đến việc trồng cây trồng hoa vội, chỉ nói một vài câu chuyện suông, rồi sang bên Giả mẫu.
Giả Vân tất nhiên không tiện nhắc đến việc ấy, đành phải đi về. Nhân hôm trước Bảo Ngọc dặn đến đợi ở thư phòng, nên ăn cơm xong, hắn lại sang đấy ngaỵ Đến trước thư phòng Ỷ Tán Trai gặp Bồi Dính cùng Sừ Dược đánh cờ, đang cãi nhau vì tranh nhau con xe. Lại có bọn Dẫn Tuyền, Tảo Hoa, Khiêu Vân, Bạn Hạc, bốn năm a hoàn đương bắt chim sẻ trên nóc nhà. Giả Vân đứng đằng sau, giẫm chân một cái, nói:
- Thằng khỉ con, lại nghịch gì đấy. Tao đến đây.
Bọn a hoàn trông thấy Giả Vân, liền tản ra, mỗi người đi mỗi ngả.
Giả Vân vào ngồi trên một cái ghế trong thư phòng, hỏi:
- Chú Bảo có xuống đây không?
Bồi Dính nói:
- Hôm nay chưa xuống, cậu có việc gì, để tôi đi dò hộ xem.
Nói xong đi ra.
Giả Vân ở đấy xem tranh và đồ cổ, Một lúc lâu, không thấy Bồi Dính về, muốn tìm người hầu khác để hỏi, nhưng chúng đều đi chơi cả. Đương lúc ngồi buồn, nghe ngoài cửa sổ có tiếng thỏ thẻ: "Anh ơi!". Giả Vân nhìn ra, thấy một a hoàn độ mười lăm, mười sáu tuổi, vẻ người xinh xắn. Trông thấy Giả Vân, a hoàn ấy quay mình chực tránh. Vừa lúc Bồi Dính về, thấy nó đứng ở cửa, liền nói:
- May quá, đương tìm không được người nào vào trình.
Giả Vân thấy Bồi Dính, chạy ngay lại hỏi: "Thế nào?" Bồi Dính nói:
- Chờ lâu lắm cũng chẳng gặp người nào. May gặp cô này là người trong nhà cậu Bảo. - Nhân nói: - Nhờ cô vào báo, có cậu Hai bên kia sang chơi.
A hoàn nghe nói, biết là người trong họ, không lẩn tránh như trước nữa, cứ dán hai mắt nhìn chòng chọc vào mặt Giả Vân.
Giả Vân cười nói:
- Thôi đừng nói bên kia bên này nữa, cứ nói có Giả Vân là được rồi.
Một chốc a hoàn ra dáng đon đả nói:
- Cứ ý tôi, mời cậu hãy về, ngày mai sẽ đến. Tối hôm nay rỗi, tôi sẽ nói giúp.
Bồi Dính hỏi:
- Thế là thế nào?
A hoàn nói:
- Hôm nay cậu Bảo không nghỉ trưa, chắc bữa cơm chiều ăn sớm, rồi đi nghỉ ngay, không xuống thư phòng nữa đâu. Bảo cậu Hai chờ ở đây để nhịn đói à? Chi bằng cứ về, ngày mai cậu hãy đến là hơn. Ngay bây giờ có đưa tin vào, cậu ấy cũng chỉ ừ hử cho xong chuyện, không ăn thua đâu.
Giả Vân thấy a hoàn ấy nói năng rành rọt, dịu dàng, muốn biết tên, nhưng vì là người trong phòng Bảo Ngọc nên không tiện hỏi, chỉ nói:
- Cô ấy nói phải đấy, ngày mai tôi sẽ lại.
Nói xong đi ra.
Bồi Dính nói:
- Để tôi pha trà cậu xơi đã.
Giả Vân vừa đi vừa ngoảnh lại nói:
- Thôi không cần, tôi còn vội đi có việc.
Mồm nói, mắt hắn vẫn liếc nhìn a hoàn.
Hôm sau, Giả Vân lại đến, vừa gặp lúc Phượng Thư đi rạMới lên xe, Phượng Thư trông thấy Giả Vân liền bảo người gọi lại, và ở trong cửa xe nói ra:
- Cháu Vân, cháu lại cả gan giở trò ma mãnh trước mặt ta! Té ra cháu muốn xin việc, mới đem các thứ tới biếu tạ Hôm nọ chú cháu vừa mới mách ta, cháu muốn xin chú ấy một việc.
Giả Vân nói:
- Xin thím đừng nhắc đến việc cháu nhờ chú nữa. Cháu đương hối hận đây. Nếu biết thế này, lúc đầu cháu nhờ ngay thím, thì việc xong từ bao giờ rồi. Ai ngờ chú lại chẳng giúp cháu được việc gì.
Phượng Thư cười nói:
- Đằng ấy chẳng giúp được việc, nên hôm qua mới tìm đến ta chứ gì?
Giả Vân nói:
- Thím chẳng xét cho lòng thành của cháu. Cháu không bao giờ có ý ấy. Nếu có ý ấy thì hôm qua cháu đã chả đến cầu xin với thím. Nay thím biết rồi, cháu xin thôi không nhờ chú nữa. Cháu trông nhờ vào thím, xin thím thương cho!
Phượng Thư cười nhạt:
- Các cháu chỉ chọn công xa mà đi thôi. Nếu nói với ta sớm, dù việc to lớn thế nào, cũng chẳng để nhỡ nhàng đến tận bây giờ! Trong vườn này cần trồng cây trồng hoa, ta đương tìm người. Nói sớm thì việc cháu xong rồi.
Giả Vân cười:
- Nếu thế, sáng mai thím cho cháu đi làm ngay.
Một lúc sau Phượng Thư nói:
- Ta xem việc này không ăn thua gì đâu. Chờ đến tháng giêng sang năm, ta sẽ cho cháu thầu món dầu đèn, chẳng tốt hơn ư?
Giả Vân nói:
- Xin thím cứ cho cháu nhận việc này. Nếu làm được, thím lại giao cho cháu việc kia.
Phượng Thư cười nói:
- Cháu lại định "thả dây câu dài để bắt con cá lớn" 2 chứ gì? Nếu chú không nói hộ thì thím cũng thây kệ. Cơm xong, thím sẽ về ngaỵ Vào khoảng quá trưa, cháu đến lĩnh tiền. Ngày mai thì bắt đầu trồng hoa.
Nói xong lên xe đi.
Giả Vân mừng cuống lên, lại đến Ỷ Tán Trai tìm Bảo Ngọc. Nhưng từ sớm, Bảo Ngọc đã đi sang phủ Bắc Tĩnh vương rồi. Giả Vân ngồi chờ đến trưa. Khi nghe Phượng Thư về, hắn vội đến để viết giấy lĩnh đối bài. Đến nhà ngoài, nhờ người vào trình. Thái Minh ra mang phiếu lĩnh vào, ghi số tiền và ngày tháng, rồi mang cả phiếu và đối bài ra trao cho Giả Vân. Giả Vân cầm lấy xem, thấy được lĩnh hai trăm lạng bạc, mừng quá, chạy vụt ngay đến kho lĩnh, rồi về nhà nói với mẹ, mẹ con đều mừng rỡ hớn hở. Sáng hôm sau, canh năm Giả Vân đã đem tiền đến giả Nghê Nhị, rồi mang năm mươi lạng ra cửa Tây, đến nhà Phương Thung là thợ trồng hoa mua các thứ cây.
Hôm trước, Bảo Ngọc có hẹn Giả Vân đến chơi. Câu nói ấy chẳng qua là câu khách sáo của bọn con nhà phú quí, nói rồi quên ngay, khi nào còn để ý đến.
Chiều hôm ấy Bảo Ngọc ở phủ Bắc Tĩnh vương về, vào thăm Giả mẫu, Vương phu nhân, rồi về thay quần áo, định đi tắm. Lúc này Tập Nhân đang bận xe dây ở nhà Bảo Thoa; Thu Văn, Bích Ngân thì đi quảy nước; Đàn Vân thì về nhà mừng ngày sinh nhật mẹ; Xạ Nguyệt thì ốm nằm trong nhà, chỉ còn vài a hoàn ở đó sai vặt. Chúng chắc là không ai gọi đến, nên ra chơi đùa với nhau. Bấy giờ chỉ có một mình Bảo Ngọc ở nhà, muốn uống nước, gọi hai ba lần, mới thấy hai bà già đến. Bảo Ngọc trông thấy liền xua tay:
- Thôi, thôi, không cần nữa.
Bọn bà già đều phải lui ra.
Bảo Ngọc đi tìm lấy chén để rót nước. Chợt đằng sau có người nói: "Thưa cậu, không khéo bỏng tay, để tôi rót". Vừa nói nó vừa chạy đến cầm lấy chén. Bảo Ngọc giật mình hỏi:
- Cô ở đâu đến? Làm ta giật mình.
A hoàn ấy vừa cười vừa nói:
- Tôi ở nhà phía sau. Vừa mới ở cửa sau lên, cậu không nghe thấy tiếng chân đi à?
Bảo Ngọc vừa uống nước vừa ngắm nghía, thấy a hoàn ấy mặc bộ quần áo dung dúc, mái tóc vén lên đen nhánh, gương mặt thon thon, thân hình óng ả, trông rất xinh xắn tươi tỉnh. Liền cười hỏi:
- Cô cũng là người trong nhà này à?
- Vâng.
- Người trong nhà sao ta lại không biết?
- Còn nhiều người cậu không biết, nào phải có một mình tôi! Xưa nay tôi không pha nước, không mang thứ nọ thứ kia, không làm một việc gì ở trước mặt cậu, thì cậu làm sao biết được?
- Tại sao cô lại không làm việc gì trước mặt ta?
- Chuyện ấy tôi cũng khó nói. Nay chỉ thưa cậu một việc: Hôm qua có cậu nào tên là cậu Vân đến thăm. Tôi đoán cậu bận, nên nhờ Bồi Dính bảo cậu ấy hôm nay đến, không ngờ cậu lại sang bên phủ Bắc chơi.
Đương nói thì Thu Văn và Bích Ngân cười khanh khách chạy đến. Hai người khiêng một thùng nước, tay vén quần áo, loạng choạng bước thấp bước cao. A hoàn này vội ra đỡ lấy. Thu Văn và Bích Ngân đang gắt nhau, người này kêu "mày làm ướt quần áo tao", người kia kêu "mày giẫm lên giày tao". Chợt trông thấy một người đến đỡ lấy nước, nhìn kỹ thì chính là Tiểu Hồng.
Hai người lấy làm lạ, bỏ thùng nước xuống, vội chạy vào trong nhà xem có ai nữa không, chỉ thấy có một mình Bảo Ngọc. Hai người đều khó chịu, nhưng còn phải sắp sửa đồ tắm. Chờ Bảo Ngọc cới quần áo xong, hai người khép cửa lại rồi chạy sang buồng bên cạnh tìm Tiểu Hồng, hỏi: "Mày vừa ở trong nhà làm gì?"
Tiểu Hồng nói:
- Tôi có ở trong nhà đâu? Tôi đương đi tìm cái khăn lụa của tôi ở phía sau, không ngờ cậu Hai muốn uống nước, gọi các chị, chẳng có ai ở nhà. Tôi vừa mới lên rót nước thì các chị về.
Thu Văn vênh mặt nhổ toẹt một cái mắng:
- Đồ mặt dày! Lẽ ra mày phải đi khiêng nước, mày kêu bận, chúng tao phải đi thay, mày vớ lấy dịp may chực một bước nhảy tót lên cao hay sao? Mày cho chúng tao không bằng mày à? Lấy gương mà soi xem, cái mặt ấy đã đáng rót nước chưa?
Bích Ngân nói:
- Thôi ngày mai ta bảo nhau, bao nhiêu việc lấy chè, lấy nước, cùng các thứ, đừng ai động đến, cứ để cho một mình nó làm tất.
Thu Văn nói:
- Chi bằng chúng ta đi hết cả, cứ để cho một mình nó ở nhà này xem sao?
Hai người đương lời qua tiếng lại, thì có một bà già đến truyền lời của Phượng Thư:
- Ngày mai có người đem thợ đến trồng cây, trồng hoa, các cô phải cẩn thận, không được phơi quần áo bừa bãi. Chỗ núi đất đều che màn kín xung quanh, không ai được chạy lung tung.
Thu Văn liền hỏi:
- Không biết ngày mai ai đến trông nom đám thợ?
Bà già nói:
- Hình như là cậu Vân ở nhà phía sau.
Thu Văn và Bích Ngân không biết là ai, cứ hỏi lẫn nhau. Duy Tiểu Hồng biết rõ là người đã gặp ở thư phòng hôm trước.
Nguyên Tiểu Hồng họ Lâm, tên là Hồng Ngọc. Vì chữ "Ngọc" trùng với tên Bảo Ngọc và Đại Ngọc, nên đổi là Tiểu Hồng. Nhà ấy mấy đời làm đầy tớ trong phủ Vinh. Cha Hồng Ngọc hiện giữ việc thu quản ruộng đất nhà cửa các nơi. Hồng Ngọc năm nay mới mười sáu tuổi. Khi chia người đến vườn Đại Quan, Hồng Ngọc được đến ở viện Di Hồng, chỗ này rất thanh nhã và tĩnh mịch. Sau ngày các chị em vào ở trong vườn, thì viện Di Hồng lại là nhà ở của Bảo Ngọc.
Hồng Ngọc tuy là a hoàn chưa hiểu mấy việc đời, nhưng vì có đôi phần nhan sắc, nên cũng mơ tưởng được vươn mình lên cao, lúc nào cũng muốn khoe khoang trước mặt Bảo Ngọc. Nhưng bên cạnh Bảo Ngọc biết bao nhiêu người lanh lợi sắc sảo, nên khó có chỗ mà lọt vào được. Ngờ đâu hôm nay nó mới có dịp này, thì lại bị bọn Thu Văn mắng cho một trận nên thân, trong lòng nguội đi quá nửa. Đang lúc bực mình, chợt nghe bà già nói đến Giả Vân, tự nhiên lòng thấy nao nao, nó lủi thủi về buồng, âm thầm nghĩ ngợi, một mình trằn trọc bâng khuâng như mất vật gì, ngủ đi lúc nào không biết. Bỗng nghe tiếng gọi khe khẽ ngoài cửa sổ: "Hồng Ngọc! Khăn lụa của em ta nhặt được đây này". Hồng Ngọc vội chạy ra xem, thì chính là Giả Vân. Mặt liền đỏ bừng lên, có dáng bẽn lẽn, hỏi:
- Cậu Hai nhặt được khăn ấy ở đâu?
Giả Vân cười nói:
- Em lại đây, anh sẽ bảo.
Vừa nói vừa kéo lấy áo, Hồng Ngọc đỏ mặt quay mình chạy, vướng phải bực cửa, ngã lăn ra.
1 Các chất thơm như bạch đàn, băng phiến, xạ hương, v.v..
2 Ý nói tham muốn ăn to.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hồng Lâu Mộng.