Chương 1: Cô bé mồ côi khốn khổ


Số từ: 4539
Nguồn: NXB Văn học
Tôi không bao giờ thích dạo chơi lâu. Vì tôi luôn luôn thấy khổ mỗi khi trở về lúc trời đã tối. Khổ vì bị Bessie, chị trông trẻ, mắng mỏ, chị đâu có hiểu là chân tay tôi bị băng giá làm cho đau buốt. Tôi còn cảm thấy xấu hổ trước mặt Eliza, John và Georgiana Reed, chúng không bao giờ than phiền, và tôi thật thèm muốn được dai sức và khỏe mạnh như chúng.
Ngày hôm đó, trời đầy mây, mưa dữ dội, nên chúng tôi không đi ra ngoài được. Tôi lại lấy thế làm một điều rất đáng mừng. Eliza, John và Georgiana quây quần bên mẹ chúng, trong phòng khách. Bà Reed nằm dài trên một cái trường kỷ, ngắm nhìn các con mình. Tôi không được phép lại gần chúng... Đơn giản là người ta chê tôi xấu tính, không chan hòa, lại hay cáu kỉnh. Tóm lại, họ chẳng thích cái gì ở tôi cả. Và tôi cần phải thay đổi bản tính... Khi tôi hỏi, họ thường trả lời.
- Mày không biết điều. Vả lại, không được vặn hỏi người lớn, như thế là rất hỗn. Mày cứ ngồi yên ở chỗ của mày. Không biết chúng tôi đã làm nên tội gì mà ông trời lại bắt chúng tôi phải ở cùng nhà với một con bé đáng ghét và mất dạy đến thế?
Tôi không nói gì nữa, rồi kín đáo, nhẹ nhàng đi vào căn phòng, trong đó có một tủ sách hấp dẫn tôi. Tôi đến một chỗ tôi cho là hơn cả, thích nhất là đằng sau tấm màn, trong một khuôn cửa sổ. Tôi ngồi xếp bằng tròn. Tôi kéo ra sau lưng, tấm màn cửa nặng màu đỏ, và thấy mình được bọc kín trong một nơi ẩn dật thú vị. Qua các ô kính cửa sổ, tôi nhìn thấy các lùm cây trong vườn bị gió tháng mười một lay động và mưa rơi không ngớt. Quang cảnh tiêu điều ấy, cái rét cảm nhận được trước ấy, màn sương kéo lê khắp vùng ấy càng làm cho cảnh cô đơn của tôi thêm phần dễ chịu.
Tôi đã chọn lấy một quyển sách có tranh ảnh và bắt đầu giở xem từng tờ với một niềm vui thích vô biên. Chao ôi, chính vào tối hôm đó, tôi chợt nghe trong phòng có tiếng động, tôi cảnh giác, không nhúc nhích, để khỏi làm cho.cái màn cửa lay động. Đó là John Reed, nó đã la lên:
- Mày ở đâu thế?... Không biết nó nấp ở chỗ nào. Chẳng nhìn thấy nó đâu cả. Trong phòng chẳng có ai... Mày ở đâu thế, hả Jane? Trời đang mưa gió thế này, chắc con ngố ấy chẳng thể nào đi ra ngoài được.
Tôi không nhúc nhích và thấy vui thích, vì nghĩ rằng chẳng bao giờ nó có thể phát hiện được tôi, nó vốn là đứa không nhanh trí và sáng ý. Một lúc sau Eliza đến tìm anh nó. Con bé tinh ranh hơn và thông minh hơn thằng anh.
- Anh không thấy nó ư? Chỉ do anh chưa tìm kỹ thôi. Dĩ nhiên là nó không ra ngoài dạo chơi được. Nhưng anh thử nhìn vào khuôn cửa sổ xem. Hãy kéo tấm màn cửa, rồi nói với em là anh thấy cái gì. Em tin chắc là nó ở đó!
Tôi đành chịu thua và không do dự nữa: tôi thò đầu ra, không đợi để John phải lôi mình ra khỏi nơi ẩn nấp.
- Anh muốn gì hả? - Tôi hỏi. - Anh cần đến tôi à? Tôi chẳng làm gì xấu xa cả.
John có vẻ tức giận. Nó ngồi xuống một chiếc ghế bành, rồi ra hiệu bắt tôi đến gần.
- Tao muốn mày phải đến đây và phải gọi tao là cậu Reed, cậu John Reed, nghe chưa?
Tôi mới mười tuổi và nó thì chưa đầy mười bốn. Người tôi bé, so với thằng con trai cao lớn, khỏe mạnh ấy. Tôi ghét cái làn da có vẻ bệnh hoạn, độc hại và cái màu da khiến tôi phát tởm của nó, tôi ghét cái bộ mặt to bè, hai bàn tay quá khổ, hai con mắt đục lờ, hai cái má nát nhẽo của nó...
Sự có mặt của nó làm tôi sợ đến phát điên lên, vì tôi bị tất cả mọi người ruồng bỏ.
Chính bà Reed cũng như mù, như điếc, mỗi khi nó đánh đập, hoặc chửi rủa tôi trước mặt bà ấy, và dửng dưng trước tất cả những gì xảy ra với tôi. Hẳn bạn đọc có thể xét thấy là tôi khổ như thế nào... Tối hôm đó, nó đã rời khỏi ghế bành, bước đến gần tôi, chẳng khác một con ác thú tiến đến gần con mồi, và đánh tôi mấy cái rất mạnh.
Thấy nó giận dữ và độc ác đến thế, tôi đã phải lùi lại. Nó bèn giằng lấy quyển sách của tôi, rồi dùng hết sức, ném mạnh vào tôi. Tôi không tránh được và cảm thấy bị trúng vào đầu. Máu bắt đầu chảy xuống má tôi.
- Đồ kẻ cướp! - Tôi nói bất bình đến cực điểm. - Đồ khốn nạn! Quân giết người! Mày không hơn gì một tên hoàng đế La Mã!.Tôi đã đọc truyện Néron và truyện Caligula và tôi không thấy có lời chửi rủa nào kêu hơn và đích đáng hơn lời chửi rủa đó. Kẻ cướp! Khốn nạn! Giết người! Hoàng đế La Mã! Tôi thấy hả giận.
John tức đến nổ ruột. Nó không tìm được từ nào để nói lại tôi, cơn điên đã làm nó nghẹn lời. Nó nhảy xổ lên người tôi, kéo tóc tôi, lay tôi, chẳng để ý gì đến máu vẫn chảy xuống cổ tôi. Tôi đem hết sức mình ra để tự vệ. Con cừu đã biến thành con sư tử. Tôi đấm cho kẻ hành hung mình mấy quả thật thích đáng. Đúng lúc này, mẹ nó đi đến, cùng với cô Abbot, hầu phòng của bà ta, và chị Bessie. Bốn bàn tay túm lấy tôi, không chút gượng nhẹ, rồi tôi bị nhốt vào trong buồng đỏ.
Triển vọng không có gì hấp dẫn đối với tôi, và tôi không nhúc nhích nữa. Thế là hai cô canh giữ tôi tha hồ ngắm nhìn tôi, rồi họ lại bắt đầu lải nhải:
- Bọn mình chưa thấy cảnh này bao giờ. Nó đã lộ rõ bộ mặt thật của nó.
- Nó không thật thà, lại vô ơn.
- Thế mà nó đã được bà Reed đem về nuôi và chịu ơn bà rất nhiều.
- Nếu không có bà, có lẽ nó đã phải ở dưỡng đường hoặc cô nhi viện rồi.
- Có lẽ nó tưởng nó ngang hàng với bà Reed và các cô chăng?
- Có điều chắc chắn là nó sẽ chẳng bao giờ được giàu có bằng bà và các cô.
- Nếu nó biết tỏ ra khiêm nhường và tử tế hơn thì sẽ có lợi cho nó rất nhiều. Mọi người sẽ có nhiều thiện cảm với nó, chứ như hiện nay...
Rồi nói thẳng vào mặt tôi:
- Cô hãy tin tôi, những điều chúng tôi nói, những điều chúng tôi làm, những điều lương tâm chúng tôi mách bảo, tất cả những điều đó đều có lợi cho cô cả. Cô phải sẵn lòng giúp đỡ mọi người, phải có lễ phép và dễ bảo, thì rồi người ta mới cho cô ở lại đây... Nếu không, thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng dù thế nào đi nữa, thì cô cũng sẽ không được ở lâu đài này nữa.
Họ để tôi ở lại một mình. Chẳng mấy chốc tôi được biết là cánh cửa đã khóa hai vòng, và tôi sẽ chẳng hy vọng gì thoát ra được. Tôi đúng là một nữ tù nhân, không hơn, không kém.
Ngày tàn nhanh. Trời sắp về đêm. Như tôi đã nói, bóng tối luôn làm tôi sợ hãi. Bóng tối luôn ghẻ lạnh với tôi, nên, khi nó đến gần, tôi cảm thấy như mình bị đóng băng. Tôi bắt đầu run lên vì sợ và lạnh. Chính vào lúc này, tôi đã nghĩ đến ông Reed, bác tôi, vì ông là anh ruột của mẹ tôi. ông đã đón tôi về nuôi, khi tôi bị mồ côi, và trước khi chết, ông đã bắt vợ mình phải thề là sẽ chăm sóc tôi như những đứa con đẻ của bà ấy.
Đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng động nhẹ, như một tiếng thở dài, như một tiếng vỗ cánh, và tôi không chịu nổi nữa. Tôi mất cả niềm tự tin vững vàng thường ngày, và tôi hoảng sợ, hét lên. Tôi đấm mạnh và đá mạnh vào cánh cửa.
Tôi lay cái ổ khóa, nhưng không ăn thua gì.
Người ta đã nghe thấy những tiếng la hét của tôi. Người ta đã đến. Cái chìa khóa đã quay và cửa đã mở. Chị Bessie và cô Abbot đang ở đó.
Tôi túm lấy hai bàn tay chị Bessie và nói:
- Em tưởng như nghe thấy tiếng một hồn ma, hồn bác em, ông Reed ấy.
- Nó lại nói dối. - Cô Abbot nói. - Tôi biết con bé này mà. Nó hét tướng lên chỉ là để bắt chúng mình phải chạy đến.
Ngay lúc đó, bà Reed cũng đã tới, và họ phải cắt nghĩa mọi chuyện cho bà ấy biết. Cả bà ấy cũng không thương tôi, khi tôi xin bà cho phép tôi được đến buồng trẻ con, khi tôi bảo là tôi sẽ chết, nếu bà cứ bắt tôi phải ở lại trong buồng đỏ.
- Bác ơi, - tôi nói, - cháu xin lỗi bác, cháu xin cam đoan với bác là cháu sẽ chết trong căn buồng này. Xin bác cứ phạt cháu, vâng, bác cứ phạt cháu rõ thật nặng, bác cứ bắt cháu phải nhịn ăn, nhưng bác đừng để cháu phải ở đây, cháu van xin bác. Cháu không đáng phải chịu một hình phạt như thế.
Tôi chẳng biết làm thế nào nữa. Chị Bessie và cô Abbot đã bỏ đi. Tôi còn lại một mình, đối mặt với kẻ thù. Bà Reed túm lấy cánh tay tôi rồi lại đẩy tôi vào giữa cái buồng chết tiệt đó.
Căn buồng này lạnh giá vì ít khi người ta đốt lửa trong đó. Nó lại lặng lẽ vì ở xa bếp và xa buồng trẻ con, nó còn trang trọng vì rất ít khi có người lai vãng. Chỉ có một cô hầu vào đó vào các ngày thứ bảy để lau chùi bụi bậm bám trên các đồ đạc; đôi khi bà Reed cũng có đến để kiểm tra một cái ngăn kéo tủ áo, trong để giấy tờ lặt vặt, đồ trang sức và một bức tiểu họa người chồng quá cố. Bí ẩn và sự mê hoặc mầu nhiệm của buồng đỏ chính là ở những cái đó..ạng Reed chết đã được chín năm. ông đã trút hơi thở cuối cùng chính ở trong buồng đó; thi hài ông đã được đặt ở đây, trên linh sàng, trong một cỗ quan tài. Kể từ ngày ấy, một cảm nghĩ về chết chóc bi thảm đã gắn liền với căn buồng đó.
Chẳng mấy chốc, tôi đã lịm dần vào cõi vô thức.
Khi tỉnh lại, tôi tưởng như mình vừa qua một cơn ác mộng khủng khiếp. Có ai đó lại gần tôi, sờ vào người tôi, nhấc bổng tôi lên, song tôi không cảm thấy sợ hãi gì cả. Trái lại, tôi thấy mình được ở trong một tư thế dễ chịu. Có ai đó đang săn sóc tôi rất tử tế, đặt lại gối cho tôi, giắt màn cho tôi... Tôi đang nằm trong giường mình, và trong buồng có nhóm lửa ấm áp. Tôi lại thấy vững lòng. Trên bàn có một ngọn nến đang cháy khiến tôi thấy rõ chị Bessie đang cầm một bình nước. Bên cạnh chị, tôi nhận thấy một người lạ mặt, một ông nào đó, đang chăm chú nhìn tôi. Tôi nhìn kỹ người đàn ông đó và nhận ra ông Loyd, dược sĩ.
- Cháu có nhận ra chú không? - ông Loyd hỏi:
- Có ạ, chú là ông Loyd, chú là dược sĩ.
- Cháu đừng sợ. - ông nói với tôi bằng một giọng nhẹ nhàng đáng mến. - Cháu sẽ không ốm lâu đâu...
Rồi ông cẩn thận sắp xếp lại chăn mền cho tôi và dặn dò chị Bessie một cách kỹ càng: cần phải làm cái này, không nên làm cái kia...
Khi ông đã đi rồi, tôi thử hỏi chị một câu:
- Chị Bessie này, chị hãy nói thật cho em biết là em có ốm không? Em bị bệnh gì? Có nguy hiểm không?
- Chẳng có gì hệ trọng đâu, cô Jane ạ. Cô đã bị ngất, chỉ là do sợ hãi và buồn rầu mà thôi.
Nhưng khi chị đã về buồng mình rồi, tôi nghe thấy chị nói với chị Sarah:
- Chị ở lại đây với em, - chị nói bằng một giọng run run, - con bé ấy ốm nặng lắm, song dĩ nhiên là em chẳng hề nói với nó như thế. Em sợ là nó sẽ chết trong đêm nay.
Tôi đã qua được một đêm khá yên ổn. Chỉ có thần kinh tôi vẫn còn bị rung chuyển, và đến hôm nay, tôi vẫn còn cảm thấy hậu quả của những giờ phút bi thảm ấy. Hôm sau, ông dược sĩ đã trở lại như ông đã hứa. ông hoàn toàn.sửng sốt khi thấy tôi đã đứng dậy được. ông Loyd lắc đầu và cầm lấy tay tôi.
- Thật sự thì đã xảy ra chuyện gì? - ông hỏi.
- Thưa chú, - tôi nói, - thật sự là họ đã đánh cháu. Cháu đã bị thương. .. cháu đã bị đau. Cháu xin thề với chú rằng thật sự là thế.
Đúng lúc này, có tiếng chuông gọi chị Bessie.
- Chị cứ đi, mặc chú cháu tôi ở đây, - ông dược sĩ nói, - tôi muốn được ở lại với cháu gái đáng yêu này, và đọc truyện cho cháu nghe...
Sau khi chị Bessie đã đi ra, tôi được nói chuyện thoải mái với người mà tôi cảm thấy có thể tin cậy được. Tôi bảo ông là người ta đã nhốt tôi vào trong buồng đỏ và một hồn ma đã làm cho tôi sợ hãi.
- Các anh chị họ cháu ghét cháu. John đánh chửi cháu. Bác gái cháu ra lệnh nhốt cháu vào buồng đỏ. ôi! Giá như cháu bỏ đi được, thì cháu sẽ không do dự đâu... Nhưng đi đâu... Cháu chẳng còn bà con, họ hàng gì cả.
- Ngay cả về đằng bố cháu nữa ư?
- Cháu cũng không biết nữa... có thể còn vài người anh em họ xa, rất nghèo, mang họ Eyre...
Cháu chẳng biết gì khác. Có thể cháu còn một người chú... nhưng không biết hiện nay ông ở đâu?
- Nhưng chú đang nghĩ đến chuyện này, -ông Loyd nói thêm, - chú chưa bao giờ tính đến chuyện cho cháu vào trường nội trú. ấy vậy mà nếu làm như thế, có khi lại giải quyết được mọi vấn đề, cả cho cháu và cho những người khác.
- Vào trường nội trú! - Tôi reo lên. - ôi!
Sướng quá! Nhưng làm thế nào để vào được đấy ạ?
- ông để tôi ở lại một mình. Niềm hy vọng thâm nhập lòng tôi như một làn hơi ấm áp, êm dịu, và tôi bắt đầu mơ thấy đủ thứ dễ chịu. Thần hạnh phúc đã ở bên tôi và chạm cánh vào tôi rồi. ông Loyd đã tìm gặp bà Reed và nói chuyện với bà ấy hồi lâu. Chắc hẳn ông đã thuyết phục được bà ấy, vì ngay tối hôm đó, tôi đã nghe thấy cô Abbot bảo chị Bessie:
- Thật khó tin, ông Loyd đã đề nghị với bà chủ để ông ấy lo hộ chuyện cô Jane. ông ấy đã khuyên bà chủ cho cô ấy vào trường nội trú... và bà chủ không tranh cãi nửa lời, đã đồng ý ngay lập tức.
Tôi đã chăm chú lắng nghe và còn được biết thêm là bố tôi rất nghèo, song vẫn lấy mẹ tôi, mặc dù bà chẳng giàu gì hơn ông. Rồi một hôm.bố tôi đi thăm một số công nhân ốm, và bị lây bệnh sốt chấy rận. Gần như ngay sau đó, ông chết. Mẹ tôi chăm nom bố tôi, cũng bị lây căn bệnh khủng khiếp ấy và chết, sau ông không đầy một tháng.
Tôi nghĩ mình biết được thế cũng là khá đủ.
Tôi mồ côi. Tôi nghèo. Tôi chỉ có một thân, một mình... nhưng một người bạn vừa xuất hiện, và tôi cảm động nghĩ đến ông dược sĩ, ông Loyd tốt bụng.
Tôi không nói, thì bạn đọc cũng biết là tôi chỉ còn sống với niềm hy vọng sẽ được ra đi đến một trường nội trú, và sẽ được sung sướng ở đó.
Tôi làm hết sức mình để nhanh chóng khỏi ốm, và tôi tin tưởng đợi ông Loyd đến. Bà Reed không mắng mỏ tôi nữa, cũng chẳng nói gì với tôi nữa. Đôi lần, bà chằm chằm nhìn tôi, không một chút âu yếm, không một chút thân thiện.
Thời gian trôi qua. Vào một ngày mùa đông không còn việc gì phải làm trong buồng, tôi bèn di tan sương giá phủ trên các ô kính, rồi nhìn ra ngoài. Đúng là mùa đông, một mùa đông khắc nghiệt. Đất đã đóng băng. Tôi nhận thấy, ngay trước mặt, ngôi nhà của bác gác cổng và con đường xe cộ thường qua để đến lâu đài. Đúng lúc này có một cỗ xe đang đi tới.
Chị Bessie bước vào buồng. Chị lôi mạnh tôi ra chỗ chậu nước để rửa mặt và tay cho tôi.
- Nhanh lên, - chị bảo tôi, - vào ngay buồng ăn. Có người đang đợi cô... Phải, phải, một ông khách vừa đến, đặc biệt về việc của cô.
Khi tôi mở cửa buồng ăn, tim tôi đập thình thịch. Tôi bước vào, rồi vừa chào, vừa tiến bước.
Tôi thấy trước mặt tôi, có bác tôi, ở chỗ bà vẫn thường ngồi và, bên cạnh bà, một nhân vật mà tôi thấy có vẻ rất lạ. ông ta gầy, người thẳng đuỗn như một cái cột nhà và ăn mặc toàn đồ đen.
Bà Reed đang ngồi trong chiếc ghế bành của bà. Bà ra hiệu cho tôi lại gần. Tôi vâng lời. Người đàn ông nhìn tôi. ông quan sát tôi chán chê, xong rồi, ông hỏi tôi bằng một giọng nói, nghe như phát ra từ trong lòng đất sâu thẳm:
- Cô tên là gì?
- Cháu tên là Jane Eyre. - Tôi lễ phép trả lời.
- Chào Jane Eyre. - ông lại nói. - Tính nết cô có tốt không?
- Ta không nên đánh thức vật gì còn đang ngủ, thưa ông Brockelhurst thân mến, - bà Reed nói, - ta càng nói ít đến tính nết nó thì càng hay, xin ông hãy tin tôi..- Nhưng dù sao, tự tôi cũng cần phải tìm hiểu cô bé này một chút. - ông Brockelhurst nói thêm. - Tôi sẽ nói chuyện với cô ấy vài phút, nếu bà cho phép. Trên đời này không gì xấu hơn một đứa bé mất dạy, nhất lại là một bé gái.
- Con bé này, - bà Reed nói, - đã làm cho tôi cực kỳ thất vọng, thưa ông Brockelhurst.
Chúng tôi đã tưởng nó ngoan và tận tâm, nhưng lại thấy là hoàn toàn ngược lại. Tôi đã viết thư nói thế với ông. Trong lá thư vừa rồi, tôi đã miêu tả đầy đủ với ông, tính nết xấu xa của nó, vừa vô kỷ luật, lại vừa vô ơn. Nếu ông nhận cho nó được vào học trường Lowood, thì tôi xin yêu cầu bà hiệu trưởng và các bà giáo phải cực kỳ nghiêm khắc. Theo như tôi biết, thì không có cách nào khác. Xin hãy tin tôi, tôi đã thử đủ cách. Con bé này vừa dối trá vừa hay vờ vĩnh, tuy bề ngoài, nó không có vẻ như thế. Và nếu bác nói thế trước mặt cháu, Jane ạ, là để cháu biết rằng sẽ chẳng có ai còn bị cháu lừa với những mánh khóe của cháu nữa đâu. Nếu cháu không sửa đổi, cháu sẽ phải xuống địa ngục đấy...
Thật quá đáng. Khó khăn lắm, tôi mới kìm được mình khỏi bật lên một tiếng khóc to, song vẫn phải rớt vài giọt nước mắt.
- Thật là rất khổ tâm khi phải nhìn thấy và nghe thấy tất cả những cái đó. - ông Brockelhurst nói thêm. - Nhưng cái đó sẽ không xảy ra với cô nữa đâu. Chúng tôi sẽ sửa chữa cho cô. Cô sẽ được giám sát và giáo dục đến nơi, đến chốn.
Cô Temple và các cô giáo ở trường cô đã từng giải quyết những trường hợp khó khăn không kém trường hợp của cô. Kỷ luật của chúng tôi là nhằm xây dựng tính cách cho trẻ.
- Nghe ông nói, tôi thật phấn khởi. - Bà Reed nói. - Bây giờ tôi đã biết là Jane Eyre được giao cho những người tốt. Tôi sẽ cố gắng gửi nó đến chỗ ông hết sức sớm, chỉ trong vài ngày nữa thôi, vì chẳng giấu gì ông, nó ra đi chậm ngày nào là tôi sốt ruột thêm ngày ấy. Khi nào nó đi khỏi đây, chúng tôi sẽ thật sự được giải thoát.
Ông Brockelhurst ra về và bà Reed có vẻ như không biết đến sự có mặt của tôi. Bà lại tiếp tục khâu một cách chăm chú trong mấy phút. Bỗng chốc, bà ngửng lên nhìn tôi, như ngạc nhiên thấy tôi ở trước mặt, và kêu lên:
- Đi ngay! Đi vào buồng mày ngay lập tức.
Mày ở đây làm tao khó chịu..Đáng lẽ tôi cũng muốn vâng lời bà ấy ngay, nhưng tôi thấy có cái gì đó làm tôi tức thở và cần phải nói ra, và thế là tôi nói liền một mạch:
- Thưa bà, tôi đâu phải như bà nghĩ. Nếu tôi là một con bé giả nhân, giả nghĩa, thì suốt ngày tôi đã nói là tôi yêu bà như một người mẹ; trái lại, tôi xin cam đoan với bà là tôi ghét bà và ghét cả John Reed, con trai bà, không kém.
Trong cái nhà này, tôi thật khốn khổ, vì Geor-gianna, con gái bà, luôn luôn lừa dối bà mà không biết chán, và tất cả những gì nó kể với bà về tôi đều sai sự thật.
- Mày đã diễn thuyết xong chưa? - Bà ấy hỏi tôi.
Thế là tôi lại càng tức và không kiềm chế được mình thêm nữa.
- ôi! - Tôi nói. - Tôi hài lòng biết bao khi thấy giữa chúng ta chẳng có quan hệ họ hàng gì cả. Bà không phải là bác tôi... Bà chỉ là vợ của bác tôi, ông bác tốt bụng của tôi. Sau này, khi tôi lớn lên, nếu một ngày nào đó, có ai nói với tôi về bà, tôi sẽ kể tất cả những gì bà đã làm với tôi, không quên gì hết, và tôi sẽ mô tả những trò độc ác của bà đối với một con bé mồ côi không ai bảo vệ.
- Sau này, cháu sẽ hiểu hơn, Jane ạ, - bà dịu giọng nói thêm. - Cháu sẽ hiểu là cần phải sửa chữa cho trẻ con nếu người ta muốn cho chúng trở nên tốt hơn và chiếm được một vị trí vẻ vang và hữu ích trong xã hội.
- Tôi không phải là đứa dối trá! Tôi không độc ác! Tôi không giả nhân giả nghĩa! Nhưng bà đã bắt buộc tôi trở thành người như thế.
- Thôi, đừng nổi giận như thế, Jane. Cháu về buồng nằm nghỉ đi, như thế sẽ có lợi cho cháu hơn.
- Tôi không buồn ngủ, mà chỉ muốn rời khỏi ngay cái nhà ghê tởm này.
- Đừng sợ, - Bà Reed lẩm bẩm trong miệng, - cũng chẳng còn lâu nữa đâu. Tao cũng vui mừng vì sẽ không phải nhìn thấy mặt mày nữa.
Bà ấy rời khỏi ghế bành và bước ra khỏi buồng. Một mình tôi là người chiến thắng trên một trận địa mà đối phương đã rút bỏ. Tôi vui sướng vô cùng. Tôi mở toang cửa sổ. Vườn hoa, dưới lớp băng giá, nom thật đẹp. Tôi mặc quần áo ấm, rồi ra đấy dạo chơi. Tôi đi sâu vào trong các lùm cây, và khi nghe thấy chị Bessie gọi về ăn bữa trưa, tôi đã không trả lời. Chị bèn xuống vườn hoa, rồi tiến về chỗ tôi nấp..- Tại sao cô không trả lời? - Chị hỏi tôi. -Cô làm tôi sợ. Tôi nghĩ là cô đã biến mất.
Tôi nhảy phốc lên bám vào cổ chị.
- Chị Bessie ơi, em đang vui đây. Chị đừng bực mình! Chị đừng mắng em! Em vừa thắng một trận lớn.
- Có chuyện gì thế? - Chị nói với tôi. - Tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi chưa thấy cô vui như thế này bao giờ, cởi mở như thế này bao giờ. Cô lạ thật đấy!... Hình như cô sắp xa rời chúng tôi thì phải.
- Đúng đấy, chị Bessie ạ, người ta đã hứa cho em vào trường nội trú.
- Và cô không buồn vì phải rời bỏ tôi ư?
- Chị Bessie vẫn không ngớt mắng em!... Chị Bessie ơi, từ giờ đến lúc em ra đi, xem xin chị đừng mắng em nữa, và em sẽ giữ được một kỷ niệm đẹp tuyệt vời về chị.
- Đồng ý, cô Jane ạ, và nhỡ tôi có nói hơi to, thì cô cũng đừng bỏ trốn nữa nhé. Tôi yêu cô, cô bé kỳ dị ạ.
Chúng tôi ôm hôn nhau, và tôi đi theo chị vào nhà, trong người thấy khỏe khoắn hẳn lại.
Buổi chiều trôi qua, yên bình và hài hòa; rồi tối đến, chị Bessie đã kể tôi nghe vài chuyện trong số những chuyện lý thú nhất của chị và đã hát cho tôi nghe những bài hát êm dịu nhất của chị.
Thế là, ngay cả đối với tôi, cuộc sống cũng đôi lúc hửng sáng..
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Jane Eyre.