Chương IV: Người khoác áo chùng xanh


Số từ: 7507
Nguồn: diendanlequydon.com
Tất cả mọi người đều thành thật, chỉ có chính sự thật tự thay đổi, và chỉ có vậy thôi.
Tristan Bernard
Jules là người gác đêm ở tòa báo: "Paris-Nouvelles". Anh ta đang mơ màng với một cuốn truyện tình thì bỗng nghe thấy tiếng sập cửa thang máy. "Chắc lại một biên tập viên nào đó..." - Anh ta nghĩ thầm. Khách hàng ít khi đến tòa soạn vào cái giờ muộn màng như thế này.
Jules giở trang sách. Tiếng ván sàn kêu cọt kẹt ngoài hành lang dưới bước chân nặng nề của ai đó.
Đấy không phải dáng đi tự tin của một người thường xuyên đến đây. Rõ ràng là người ấy không định hướng được trong tòa soạn và đang tìm ai đó để hỏi thăm. "Không được nghỉ lấy một giây" - Anh ta nghĩ Jules đang nằm ấm áp đọc sách và ngủ gà ngủ gật... Anh ta đang giết thời giờ như vậy để chờ khi được phép về nhà. Đúng là trước khi về anh ta còn phải lấy những bản in thử đầu tiên từ xưởng in và mang cho Tổng biên tập và trưởng ban thông tin nếu như đến lúc đó họ vẫn còn ở chỗ của mình.
Thôi, cũng đành phải ra xem. Chắc hẳn là người đang đi trên hành lang kia cần gặp ai đó trong tòa soạn, và cũng có thể người ấy chỉ muốn cải chính chuyện gì đó. Chuyện như vậy vẫn thường xảy ra. Có lần một bà khóc lóc chạy đến. Chồng bà ta bị đưa về bót và bà ta yêu cầu: "Nếu như có thể, xin quý vị chỉ đăng các chữ đầu tên họ thôi, tôi sẵn sàng trả bao nhiêu cũng được".
Jules ra khỏi căn phòng nhỏ của mình và đúng lúc đó va phải một sinh vật kỳ dị quấn trong một cái áo chùng bằng dạ xanh, cái loại vải mà người ta thường đem phủ bàn làm việc. Trên đầu của cái sinh vật ấy có một cái mũ quá nhỏ nằm ở ngay trên chóp đầu.
Đấy là một người đàn ông cao gầy với bộ mặt giống như mõm ngựa. Mũi ông to bự và đỏ chót như quả cà chua. Hàng ria mép đã bạc của ông ta rất rậm rạp.
- Tôi muốn được gặp Joseph Robenne - phóng viên của "Paris-Nouvelles".
- Tôi không biết là anh ấy có còn ở đây không - Jules trả lời - Để tôi xem xét. Thế báo với anh ta là ai cần gặp ạ?
- Tôi là Gaston Simonie, thành viên của Hội đồng giám khảo Goncourt.
Jules kính cẩn gật đầu đề nghị ông khách vào phòng mình và mời ngồi.
- Xin cám ơn. - Simonie nói. Bẳng một động tác ông ta kéo vạt áo chùng và ngồi xuống ghế.
Ông ta có giọng nói trầm trầm, nói chậm rãi rành rọt như thể mắc tật nói lắp. Nhưng ông ta không nói lắp và cũng không hề mất bình tĩnh. Mắt ông ta bé tí, màu nâu với cái nhìn đờ đẫn. Sau mỗi câu nói ông ta lại nghiêng đầu và khép cái áo chùng xanh của mình lại.
Gaston Simonie ngồi một mình một lúc. Sau đó Jules trở lại và nói :
- Thưa ông, xin mời ông...
Anh ta đưa Simonie đến phòng làm việc của Joseph Robenne ở cuối hành lang. Đó là một căn phòng không lớn lắm bày biện rất giản dị: một cái bàn, cái tủ đựng giấy tờ và hai cái ghế bành mây.
- Ông Robenne phải không ạ? - Gaston Simonie chậm rãi hỏi.
Joseph gật đầu và đẩy chiếc ghế bành mời khách ngồi. Người khách lạ chìa tay ra.
- Rất vui mừng được làm quen, thưa ông Robenne! Và tôi xin được thứ lỗi vì đã làm phiền ông vào cái giờ muộn màng thế này. Nhưng...
Joseph mời khách hút thuốc nhưng ông ta từ chối.
- Chắc hẳn ông đã đoán ra mục đích cuộc viếng thăm này của tôi. Tôi đến đây vì cái chuyện bất hạnh ấy...
- Rất hân hạnh! - Joseph trả lời - Xin thú thực rằng tôi hoàn toàn không ngờ là được hân hạnh gặp ông ngay tối hôm nay!
Gaston Simonie lắc đầu với vẻ mệt mỏi.
- Tôi đã có dịp đọc tác phẩm của ông, - Joseph nói - và tôi rất mê nó. Thủ thật là tôi ít khi đọc thơ nhưng...
- Hôm nay chúng ta sẽ miễn bình luận thơ của tôi - Simonie cắt lời anh - Tôi rất vui mừng là ông thích thơ của tôi, nhưng tiếc rằng tôi đến đây gặp ông để nói chuyện Về tác phẩm của một tác giả khác.
- Về "Sự im lặng của Harpocrate" phải không? - Chàng phóng viên khẽ hỏi.
- Vâng, thưa ông. Ông đã biết rõ câu chuyện đáng buồn ấy rồi. Tôi có thể thú nhận với ông là tôi cảm thấy mình có lỗi trong một chừng mực nào đó.
Joseph nhíu mày.
- Vâng, vâng. Bởi vì tôi đã lôi kéo một số đồng nghiệp của mình bỏ phiếu cho... cho tay Doubois ấy, quỷ tha ma bắt hắn ta đi! Chắc hẳn là ông đã nghe thấy những lời đồn đại về tôi rồi phải không? Người ta coi tôi là kẻ bằn tính, cô độc và khó gần. Tôi căm ghét tất cả những cái gọi là món văn chương, tất cả những lời đề cử giới thiệu, những mưu mô, phương kế mà nhiều kẻ trong số chúng ta vẫn thích ấy. Khi tôi nhận được bản thảo và đọc nó - bởi vì tôi vẫn đọc tất cả các tác phẩm mà người ta gửi cho tôi - tôi đã nghĩ rằng đây chính là một cuốn tiểu thuyết thực thụ, đây chính là tác giả đã không dẫm lại con đường mòn cũ kỹ.
Gaston Simonie hạ thấp giọng và nhìn thẳng vào mắt người tiếp chuyện :
- Thật kinh khủng, thưa ông, nhưng "Sự im lặng của Harpocrate" đúng là một tuyệt tác thực sự. Một cuốn tiểu thuyết hoàn hảo...
- Tóm lại, - Joseph nói - ông đã bảo vệ một kẻ vô danh, một nhà văn mới bắt đầu. Điều đó mang lại vinh dự cho ông!
- Đúng rồi, thưa ông, nhưng bây giờ ông đã rõ chuyện gì xảy ra tiếp theo sau. Doubois không muốn xuất hiện. Và tất cả Hội đồng giám khảo, trong đó có tôi đã trở thành trò cười cho giới văn học. Hơn nữa, và điều này cũng không phải là bí mật, Vollar thì cho rằng giải thưởng đã nằm gọn trong túi anh ta. Vollar là một thanh niên rất hiểu danh. Anh ta tin tưởng rằng sẽ nhận được đa số... Mọi việc dường như đã được quyết định, ông hiểu không? Nhưng tôi cho rằng cần phải phá vỡ kế hoạch của anh ta. Tôi vốn quá lõi đời trong những chuyện tranh cãi kiểu này. Và tôi đã giành được đa số phiếu cho Doubois. Một cuổn tiểu thuyết hay tuyệt, một tuyệt tác... Ờ, tôi đã đi quá xa... Thế đấy, như tôi đã nói với ông, tôi nằng nặc giữ ý kiến của mình. Thật đáng tiếc!
- Nhưng chưa phải đã mất tất cả. - Joseph nhận xét. Anh lấy tay vẩy tàn thuốc.
- Ông nghĩ vậy ư, Robenne? Tôi sẽ rất sung sướng nếu như ông sẽ không phải từ chối những lời của mình.
Joseph ngạc nhiên nhìn Simonie.
Người khoác áo chùng xanh dướn người về phía Joseph.
- Có thật là tờ báo của ông định đăng sáu cột với hàng tít lớn về vụ giết người dường như đã được miêu tả trong "Sự im lặng của Harpocrate" phải không?
- Từ đầu mà ông biết được chuyện đó? - Joseph hỏi.
- Có nghĩa đấy là sự thật! - Simonie thở dài nặng nề - Thậm chí tôi còn biết rằng các ông sẽ in hình tôi trên nền bóng đen của kẻ được giải thưởng bí ẩn đó.
- Từ đâu mà ông biết được chuyện đó? - Joseph hỏi lại lần nữa.
Nhà thơ cựa quậy trên ghế bành. Dường như ông ta sắp phát khùng lên. Ông ta rút tay nhét sâu trong chiếc áo chùng ra và bắt đầu khua khoắng.
- Từ đâu phải không? Tôi sẽ trả lời cho ông như trong truyện trinh thám: chính kẻ giết người đã gọi điện thoại cho tôi!
- Cái gì? - Đến lượt Joseph nhảy chồm lên.
Simonie đã định giấu đôi tay vào sau nếp áo chùng nhưng ngay lúc đó ông ta lại rút ra và đưa ngón trỏ dài ngoằng với cái móng lồi, ố vàng lên, vuốt râu mình.
- Lúc đó tôi đang ngồi ở nhà thì chuông điện thoại bỏng vang lên. Đầu tiên tôi định không nhấc ống nghe, thậm chí một ý nghĩ thoáng qua rằng không nên trả lời mà chỉ nhấn nút giập máy xuống. Sau một ngày như vậy chỉ muốn sao được ngồi yên tĩnh. Suốt buổi tối mấy ông phóng viên nhà báo, những anh em cùng nghề cạo giấy với tôi đã gọi điện thoại bao nhiêu lần. Họ cứ bám lấy tôi với hàng đống đề nghị và các câu hỏi có liên quan đến cuốn tiểu thuyết đáng nguyền rủa đó. Như ông thấy đấy, tôi đã đuổi tất cả đi cho khuất mắt. Vâng, và thế mà điện thoại cứ kêu hoài. Ờ, còn tôi, ông hiểu không, thì đang chờ đứa cháu nội ra đời từng ngày. Con trai tôi sống ở Bordeaux và tôi... Nói tóm lại là tôi nhấc máy và nghe thấy một giọng lạ lùng. Tôi nghĩ ngay là có kẻ nào đó định đùa cợt. Kẻ đối thoại chắc hẳn là sợ tôi sẽ không nói chuyện nên hắn ta tự giới thiệu ngay là tác giả cuốn tiểu thuyết "Sự im lặng của Harpocrate" và kể lại luôn một số chi tiết cụ thể về tác phẩm đó.
- Những chi tiết nào? - Joseph hỏi. Anh rất chăm chú lắng nghe câu chuyện.
- Nói tóm lại là hắn ta đã chứng minh cho tôi rằng hắn biết rõ tác phẩm. Nỗi tò mò trổi dậy trong tôi. Kẻ gọi điện thoại đọc lại cho tôi nghe câu đầu và câu cuối của cuốn truyện. Khi hắn hiểu rằng tôi sẵn sàng lắng nghe thì hắn ta tuyên bố rằng tội ác mô tả trong cuốn tiểu thuyết vừa mới được thực hiện ngoài thực tế... ông có thể tưởng tượng tôi đã sửng sốt như thế nào rồi chứ! Tôi không ghìm được và bắt đầu vặn hỏi hắn ta. Theo lời hắn ta thì người buôn sách cũ, kẻ bị giết trong "Sự im lặng của Harpocrate" không phải là một nhân vật tưởng tượng, mà là một người sống thực... nói đúng hơn là đã sống thực. Thông báo về vụ giết người này sẽ sắp xuất hiện trên báo chí. Nó đã được đăng ở báo địa phương rồi.
Gaston Simouie nghỉ lấy hơi và nói tiếp :
- Tôi có cảm tưởng rằng tôi đang ngủ và mơ thấy chuyện hãi hùng. Bởi rằng cú điện thoại ấy dường như là đoạn kết cho cả cái ngày hôm nay. Tôi không biết ông có hiểu toàn bộ tình cảnh của tôi hay không? À mà sau đó hắn ta chuyển sang nói về ông...
- Về tôi ư?
- Vâng, về ông, về Joseph Robenne, phóng viên báo "Paris-Nouvelles". Thậm chí hắn ta còn nhấn mạnh rằng ông đã biết một số chi tiết của vụ này và ông định sử dụng chúng để...
Joseph từ từ đứng dậy. Khuôn mặt anh trở nên nghiêm nghị và chăm chú hơn. Anh ném điếu thuốc đang hút dở vào gạt tàn và đi vòng quanh chiếc bàn, đầu hơi cúi xuống.
- Hắn ta nói với tôi rằng ông là chuyên viên về các vấn đề hình sự... cần phải nói rằng tôi đã biết tiếng ông từ lâu...
- Cảm ơn ông - Joseph nói - Vậy là ông nói rằng giọng nói rất lạ lùng phải không? Ông có ý gì vậy? Đó là giọng đàn ông hay đàn bà?
- Tôi không rõ nữa - Simonie trả lời với vẻ thiếu tin tưởng - Hắn ta nói giọng the thé và rất không tự nhiên. Chính điều đó khiến tôi thấy lạ lùng. Tôi không sao hiểu được đấy là giọng đàn ông hay giọng đàn bà nữa.
Chàng phóng viên trở lại ghế bành của mình và ngồi xuống. Nhưng ngay lúc đó anh lại chồm dậy và đưa tay vuốt những món tóc xoăn màu sáng rối bù của mình.
- Đúng thật... Vụ này rắc rối thật...
- Kẻ nói chuyện với tôi đã chỉ chính xác địa điểm vụ giết người - Nhà thơ nói tiếp - Đó là thành phố Mouasac ở tỉnh Tarn-et-Garonne.
- Đúng rồi. Ông biết thành phố nhỏ đó chứ?
- Cũng biết chút ít thôi.
Simonie bực bội xoắn ria mép.
- Thật khủng khiếp!
- Chúng ta sẽ coi xem mọi sự tiến triển ra sao. Tạm thời ta đã biết chắc chắn một điều: có một ông Gustave Muet nào đó làm nghề buôn sách cũ, sống ở thành phố Mouasac đã bị giết ngay trong quầy sách của mình. Chúng đã giết ông ta bằng ba phát súng lục. Chúng tôi đã liên hệ vời viên chánh cẩm thành phố. Mọi thứ khẳng định là vụ giết người đã xảy ra tối qua.
- Tối qua ư?
- Vâng.
- Có nghĩa là đầu tiên hắn viết cuốn tiểu thuyết của mình rồi sau đó giết ông ta?
- Đúng vậy! Đầu tiên hắn ta mô tả tội lỗi rồi sau đó biến nó thành hiện thực!
- Và chúng tôi đã trao giải thưởng văn học Goncourt cho hắn?!
- Các ông không thể biết trước được. Các ông đã trao giải thưởng cho cuốn tiểu thuyết.
- Thật khủng khiếp!
Gaston khó nhọc nuốt nước bọt.
- Robenne, xin ông hãy nói, có phải sự thật là ông định cho công bố rộng rãi chuyện này không? Tôi van ông, hãy đừng làm thế! Hoặc ít ra là ông hãy để từ từ đã! Chính vì thế mà tôi đến đây gặp ông. Ông đã tưởng tượng được mọi việc sẽ ầm ĩ thế nào rồi! Một vụ tai tiếng! Cảnh sát sẽ hỏi cung chúng tôi... Rồi sẽ điều tra...
"Ông ta phát điên lên rồi, tất cả bọn họ đều mất trí hết cả. - Ý nghĩ thoáng qua trong đầu Joseph - Hoặc là ta đã quá rung động. Dường như cuối cùng vạ án đã bẻ gãy ý chí của ta..."
Người khoác áo chùng xanh khua đôi tay gầy gò tái xanh của mình và nói tiếp :
- Ông hãy nghĩ đến hậu quả... Vấn đề ở đây là danh dự của Viện hàn lâm chúng tôi. Ông thử tưởng tượng xem kẻ giết người được nhận giải thưởng văn học Goncourt! Bởi chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi nâng đỡ tài năng trẻ, một tài năng còn vô danh, thế mà hóa ra hắn ta lại là một tên giết người... Một tên tội phạm! Văn học đã khuyến khích tội ác!
Simonie nói từ tốn, nghỉ lấy hơi giữa các câu. Chàng plióng viên lịch sự gật đầu.
- Chúng ta đang sống trong một thời đại khủng khiếp. - Simonic nói tiếp - Thế kỷ của chúng ta là thế kỷ của cướp bóc và của tội ác, thế kỷ của bọn găngxtơ...
Ông ta rung rung ngón trỏ như thể nỗi kinh hoàng bỗng nhiên bao trùm ông ta.
- Tình cảnh của chúng tôi thật thảm thương... Chỉ bây giờ tôi mới hiểu điều đó. Chúng tôi đã trao giải thưởng cho một tên tội phạm! Điều này quá tượng trưng, ông có hiểu tôi không?
- Tôi hiểu - Joseph trả lời - Nhung tôi sợ rằng giờ đây đã không thể ỉm chuyện này đi được nữa. Tôi là nhà báo. Đây là nghề nghiệp của tôi. Tôi có nghĩa vụ phải thông báo cho các độc giả của mình. Ngoài ra chúng tôi còn phải tính đến khía cạnh thương mãi nữa. Giả sử như chúng tôi im lặng, nhưng những người khác chắc hẳn sẽ thiếu lịch sự hơn. Vâng, và nói chung là đằng nào cũng muộn rồi... Ông nghe thấy tiếng ồn chứ?
Người khoác áo chùng xanh lắng nghe.
- Đó là máy đang in những số báo cuối cùng. - Joseph giải thích.
Cả tòa nhà rung lên vì tiếng ầm ầm khô khốc. Cái gạt tàn nhỏ bằng thủy tinh của Joseph cũng rung lên bần bật. Tay phóng viên đặt nó sang chỗ khác.
- Thế mà tôi cứ hy vọng là còn chưa muộn. - Simonie thốt lên, giọng lạc hẳn đi.
- Hắn ta gọi điện thoại cho ông lúc mấy giờ? - Joseph hôi.
- Tôi không nhớ chính xác, hình như là gần 12 giờ đêm... Thật kinh khủng làm sao!
- Ông nói về cú điện thoại ư?
- Không phải, tôi nói chung về tất cả... Đúng là cái thời đại kinh khủng!
Simonie cúi đầu và lẩm bẩm như nói với riêng mình :
- Nhưng đó là một tuyệt tác... Một tuyệt tác thật sự...
- Xin lỗi ông? - Tay phóng viên hỏi lại.
- Đấy là tôi nói về bản thảo... Một tuyệt tác thật sự.
Ngoài hàng lang vang lên tiếng bước chân vội vã và tiếng d’Arjean vọng vào :
- Robenne, Robenne, anh đang ở trong phòng đấy chứ? Bary đang chờ anh đó.
Cửa mở ra. Bình luận viên văn học bước vào phòng. Anh ta nhận ra Simonie ngay bởi cái áo chùng màu xanh của ông ta.
- Mong ông thứ lỗi...
- Đây là người bạn d’Arjean của chúng tôi - bình luận viên văn học của "Paris-Nouvelles" - Joseph giới thiệu - Đây là Gaston Simonie, thành viên của Viện hàn lâm Goncourt.
D’Arjean kính cẩn nghiêng người. Simonie chìa tay ra cho anh ta.
- Ông d’Arjean, tôi thường đọc các bài báo của ông. Chúng được viết rất mẫu mực và rất có ích.
- Xin đa tạ ông - D’Arjean trả lời - Tiếc rằng người ta cho chúng tôi quá ít chỗ, và văn học không giành được vị trí xứng đáng trong lòng độc giả khiến cho...
Joseph nhăn mặt.
Simonie gật đầu.
- Tôi sợ là ngày mai, như ông vừa nói, văn học sẽ chiếm một vị trí xứng đáng trong lòng độc giả, dù rằng chúng tôi vẫn mong sao để chuyện đó không xảy ra thì vẫn tốt hơn!
- Tất cả những chuyện đó rất đáng buồn - D’Arjean lịch sự đồng tình với ông ta.
Simonie vén áo và giấu tay vào đó.
- Vâng, bây giờ thì không thể giấu nhũng sự kiện của ông hôm nay được nữa. Thế nhưng, thưa các ông, tôi chỉ yêu cầu một điều: Dù sao các ông cũng hãy nghĩ đến chúng tôi, đúng hơn là nghĩ đến danh dự vẫn được Viện chúng tôi giữ gìn trong khi có những kẻ rất sẵn lòng giẫm đạp nó xuống bùn. Tôi cho rằng ngài Chủ tịch của chúng tôi sẽ tập hợp các đại diện của giới báo chí và yêu cầu họ thể hiện phép lịch sự và tính điềm đạm trong khi làm sáng tỏ vấn đề. Có kẽ nào đó đã định diễn một trò đùa với chúng tôi, một trò đùa đẫm máu...
- Chúng tôi sẽ làm tất cả để vạch mặt hắn, tôi hứa với ông đó. - Joseph tin tưởng nói.
- Ôi, nếu được như vậy! - Nhà thơ thở dài và đứng dậy. Ông ta giơ tay lên rồi lại buông xuống và nói thêm - Điều khủng khiếp nhất là khi tôi làm quen với cái sinh vật kinh tởm ấy thì tôi sẽ không đủ sức để nén lòng thán phục hắn ta ở ngay trong tôi.
Và hạ thấp giọng, ông ta kết luận :
- Điều đó thật kinh khủng nhưng cuốn tiểu thuyết của hắn ta đúng là một tác phẩm xuất sắc. Biết làm sao được!
Ông ta bắt tay Joseph, rồi d’Arjean, và đẩy cánh cửa hơi hé mở.
- Vâng, còn một yêu cầu nữa. Tôi sẽ vô cùng biết ơn nếu các ông thông báo cho tôi biết công việc điều tra tiến triển ra sao. Tôi biết ông Robenne là một chuyên gia thành thạo công việc của mình.
- Nhất định rồi. - Joseph hứa.
- Tlura, ông có muốn nói chuyện với tòng biên tập của chúng tôi không? - D’Arjean đề nghị.
- Thôi, không cần thiết. Bây giờ đã muộn rồi. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào quý ông và hy vọng rằng chúng ta sẽ còn có dịp gặp nhau. Bởi vì quý ông còn phải làm việc, đúng không ạ? Tôi sẽ không làm phiền quý ông nữa. Tạm biệt quý ông.
Bằng một cử chỉ dứt khoát, Simonie đội chiếc mũ phớt đen lên cái đầu hói của mình và đi ra. Hai nhà báo đứng ở cửa nhìn theo bóng nhà thơ: Ông ta đi dọc theo hành lang lưng còng xuống. Vạt áo chùng của ông ta bay lất phất. Đi ngang qua ban tin tức Simonie quay đầu lại. Trong mấy giây đồng hồ dường như ông ta ngắm nhìn hai nhà báo chẳng giống nhau chút nào: Robenne là một thanh niên tóc vàng, người chắc nịch với đôi mắt xanh biếc trong sáng, còn d’Arjean thì có mái tóc đen, người gầy, với khuôn mặt hình ô-van dài và ánh mắt được giấu sau cặp kính gọng lớn bằng sừng.
Nhưng không phải vẻ ngoài của mấy nhà báo khiến ông ta phải lưu ý. Simonie quay lại chỗ họ và nhấc mũ nói :
- Xin lỗi, tôi suýt quên... Các ông có thể cho tôi số báo buổi chiều được không? Hay nói đúng hơn là số báo buổi sáng ấy!
Ông ta mỉm cười yếu ớt và ngượng nghịu xoắn bộ ria mép đã bạc của mình.
- Tất nhiên rồi - D’Arjean trả lời - Xin ông chờ cho một phút...
Joseph còn lại một mình với nhà thơ.
Trong tòa nhà rộng lớn lúc này hầu như yên tĩnh. Tiếng máy tê-lê-tip cuối cùng đã ngừng hẳn. Các máy in đã thôi rung tường. Từ sau các cánh cửa vọng lại nhiều giọng nói. Đó là các biên tập viên làm ca đêm đang tỏa về nhà.
Gaston Simonie thận trọng nhìn quanh. Ông ta đến sát gần Joseph và khẽ nói với anh :
- Robenne, tôi phải... Tôi phải thú thật rằng...
Joseph kính cẩn cúi đầu lắng nghe nhà thơ.
- Tôi cảm thấy khó chịu trorrg người quá. - Nhà thơ nói thở gấp gáp - Chắc là cú điện thoại ấy đã làm tôi lo lắng quá. Tôi vốn bị đau tim mà ngày hôm nay lại nhiều chuyện phiền phức như thế...
- Hay là ông ngồi nghĩ chút nhé? Hay uống thuốc gì đó được không?
- Không, không. Tôi chỉ muốn được về nhà thôi.
Người khoác áo chùng xanh rõ là đã quá sợ hãi. Ông ta lo lắng xoắn cái vạt áo chùng của mình và luôn đảo mắt nhìn quanh. Khuôn mặt ông ta tái nhợt như kẻ sắp chết.
- Tôi sống khá xa đây... ở bờ sông Anjou, trên đảo Saint-Louis.
- Ông có muốn chúng tôi cho người đưa về không?
- Tôi sẽ biết ơn vô cùng!
D’Arjean cầm tờ báo quay lại.
Ở trên trang nhất, phía trên sáu cột báo cỏ một tít lớn in đậm:
"Một chuyện không bao giờ xuất hiện trong đầu một nhà văn nào!
Kẻ giết người được giải thưởng văn học Goncourt!
Có đúng thật là tác giả giấu mặt của ‘Sự im lặng của Harpocrate’ mà người viện sĩ đã nhất trí trao giải thưởng văn học Goncourt là kẻ đã giết người buôn sách cũ ở Monastic hay không?
Bí mật hoàn toàn!
(Bài của đặc phái viên Joseph và d’Arjean)".
- Tôi mong ước được tránh đúng cái này đây! - Simonie thì thào sau khi chăm chú đọc đề mục.
Joseph khoát tay như muốn nói: Chúng tôi không thể làm gì được... Mọi sự đã rồi...
Simonie chậm chạp gập tờ báo lại và nhét vào trong áo chùng. Chàng phóng viên thở ra nhẹ nhõm. Nhà thơ không nhìn thấy bức ảnh mà d’Arjean bố trí ở dưới cột sáu. Joseph mừng rỡ. Ơn trời, ít ra là ông ta chưa nhận ra ngay cái đó. Người ta đã ghép ảnh thật khéo và cực kỳ ác độc: Simonie được bọc nỉ trong chiếc áo chùng nổi tiếng của mình trên nền một bóng đen. "Ai là tác giả của ‘Sự im lặng của Harpocrate’? - Lời đề tựa viết vậy. Câu hỏi này được đặt ra cho tất cả, cùng với Gaston Simonie, nhà thơ nổi tiếng với tập thơ ‘Những nhánh hoa của bóng râm’, một trong số những thành viên được kính trọng nhất của Viện hàn lâm Goncourt".
- Tôi sẽ gọi điện cho ga-ra ô-tô - Joseph đề nghị - Còn anh, d’Arjean, anh tiễn ông Simonie được không?
- Một lần nữa tôi xin cám ơn trước về tất cả những gì mà quý ông có thể giúp chúng tôi! - Và nhà thơ bắt tay Joseph.
Simonie và d’Arjean đi ra thang máy.
Chiếc áo chùng xanh thấp thoáng vài giây dưới ánh sáng yếu ớt ở hành lang rồi biến mất sau chỗ ngoặt.
° ° °
Một giờ đêm. Xưởng in chìm trong giấc ngủ ngắn ngủi. Những chồng báo sẵn sàng đem đi giao cho các đại lý báo. Máy linôtip im bặt, chỉ nghe thấy tiếng máy gập báo xào xạc. Cuộc sống ngắn ngủi của những tờ báo với các hàng chữ in mực bắt đầu vào lúc bình minh. Trong phân xưởng sắp chữ có mấy công nhân đang đi dọc theo dãy bàn mà người ta vẫn gọi theo kiểu cổ là khuôn xếp chữ. Họ gạt những dòng chữ kim loại và ném chúng vào những toa xe nhỏ xíu kêu cót két trên dây chuyền để đưa đi nấu lại. Ngài mai tất cả những dòng chữ chết ấy sẽ sống lại. Kim loại sẽ được đưa vào khuôn đúc và những dòng chữ mới sẽ đứng vào thành hàng. Máy dập chạy ro ro. Từng cột báo được in ra rồi cả tờ báo được chuyển sang cái mâm quay của máy in.
Tất cả các biên tập viên đã ra về. Cả người gác đêm Jules cũng đã đi khỏi căn phòng bé xíu ở gần thang máy của mình.
Vào lúc 2 giờ 10 phút ở trong tòa soạn chỉ còn lại có bốn người. Họ ngồi ở phòng làm việc của Tổng biên tập.
Dưới ánh đèn có chụp màu xanh, Bary đang vội vã giở quyển sổ chỉ dẫn đường sắt.
Rosie Sativage ngồi đọc bản in thử của tờ báo cách ông ta không xa.
D’Arjean tì tay lên trán, nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế bành lớn ở gần cửa ra vào. Dường như anh ta đang thiu thiu ngủ.
Joseph khẽ khàng đi đi lại lại dọc theo bức tường có treo những cái giá để đẩy sổ sách.
Rosie đặt tờ báo xuống và nhìn Bary. Cái đầu hói của tổng biên tập lúc thì quay sang phải, lúc thì quay sang trái, lúc thì cúi xuống, lúc thì ngẩng lên. Bary đưa ngón trỏ dò theo những dòng khó đọc trên quyển sổ hướng dẫn mở rộng trước mặt ông ta.
- Không, định đi bằng xe lửa thì thật vố nghĩa! - Ông ta nói với giọng khàn khàn. Rõ làng là buổi chiều sóng gió đã làm ông ta mệt mỏi. Rồi Bary đẩy bảng giờ tàu ra - Nếu anh muốn đến Mouasac thật nhanh thì tốt hơn hết hãy đi bằng máy bay.
- Thì chính tôi cũng đề nghị vậy mà. - Rosie nhẹ nhàng nói.
Bary nhíu mày. Chống khuỷu tay giữa đống giấy tờ la liệt đầy bàn làm việc, Bary chúi đầu dưới hai bàn tay đan vào nhau. Bây giờ cái đầu hói của ông ta được chiếu rõ, còn khuôn mặt thì bị sấp bóng khiến ta liên tưởng tới cái mặt nạ kỳ quặc nặn bằng đất sét. Cặp mày rậm treo trên đôi mắt tối sầm. Cái mũi tròn to tướng nhô ra phía trước, còn cái miệng và cằm thì ẩn trong bóng tối.
"Trông ông ta giống như tượng gỗ ấy!" - D’Arjean nghĩ thầm.
Nhưng rồi Bary ngẩng lên và nhún vai.
- Tôi hiểu là rất cần thiết phải có mặt tại hiện trường và tự mình xem xét... Đấy là phương pháp của anh, mà nói chung... Nhưng tôi không muốn phải anh đi vào lúc nóng bỏng như thế này. Không hiểu sao tôi có cảm tưởng rằng điểm nóng bỏng chính là ở Paris. Đây là chuyện của Paris.
Joseph tiến một bước về phía Bary.
- Anh có cảm tưởng như vậy! Hừm! Tôi không thích linh cảm mà chỉ thích những chứng cớ hợp lý và có căn cứ hơn.
- Tôi muốn nói rằng hiện giờ chắc hẳn tên giết người đang ở Paris - Bary bực bội phản đối - và hắn ta cũng sẽ không rời khỏi đây. Hắn ta sẽ làm gì ở Mouasac? Ở đó hắn ta có thể bị tóm ngay. Tự mình chúi đầu vào hang sói làm gì! Anh có đáng để phí thì giờ cho chuyến đi này hay không?
- Xin anh chờ cho một phút - Joseph khẽ nói - Tự anh cũng hiểu rằng ở Mouasac tôi có hy vọng đánh hơi thấy cái gì đó... thu thập tài liệu. Ở đó có hàng xóm láng giềng, bối cảnh sự việc, những điều ong tiếng ve, những tang chứng nhỏ mà không cần bỏ nhiều công sức vẫn có thể tìm biết được.
- Thôi được rồi - Bary đồng ý - Nhưng tôi rất muốn để cho một phóng viên khác lo những cái vặt vãnh đó, còn anh sẽ đi theo một hướng khác mà theo tôi thì sẽ đáng lưu ý nhiều hơn. Nói chung tôi cho rằng
vụ giết người này rất lạ lùng và tên tội phạm cũng là một kẻ rất không bình thường. Đây là một tội phạm văn học! Anh hiểu chứ? Tội phạm văn học. Nghe kêu đấy nhỉ? Có thể đưa cái đề mục này lên số báo ngày mai.
- Thế tiếp theo thì sao? - D’Arjean tỏ vẻ quan tâm hỏi.
- Còn tiếp theo thì thế này: Robenne phải gặp gỡ các nhà văn, tất nhiên là cùng với anh. Tôi tin tưởng rằng sẽ có kết quả tốt đẹp. D’Arjean thân mến, anh rất biết đánh giá đúng đắn các hiện tượng, anh khéo léo và nhanh nhẹn, nhưng dù sao anh cùng không phải là thám tử mà là bình luận viên văn học. Trong khi đó tôi lại cần trước hết là một phóng viên thật sành sỏi, có kinh nghiệm, một người có khả năng nhìn vào phía bên trong của sự việc.
- Tôi có cảm tưởng - Rosie xen vào - rằng anh lại phạm thêm một sai lầm nữa mà Robenne vừa nói với anh xong. Anh xuất phát từ chỗ tác giả của "Sự im lặng của Harpocrate" và kẻ giết người là một. Nhưng điều đó đã được chứng minh đâu.
Bary giơ hai tay lên.
- Xin đầu hàng!
- Đấy anh thử tưởng tượng xem, - Cô gái nói tiếp - một quý vị nào đó đọc xong bản thảo của Paul Doubois - bởi vì tôi chỉ biết tác giả dưới cái tên này thôi - anh cứ thử tưởng tượng xem, kẻ đó bỗng muốn biến cái đã nảy nở theo óc tưởng tượng của nhà văn thành sự thật.
- Cũng có lý. - Joseph gật đầu khẽ nói.
- Không có căn cứ! - Bary lầu bầu.
- Hoàn toàn không phải thế - Rosie vẫn khăng khăng một mực - Biết bao kẻ đã trở thành tội phạm bởi ảnh hưởng của loại văn chương độc hại! Và đây cũng không phải là lần đầu!
D’Arjean nhổm người trên ghế bành.
- Trong toàn bộ chuyện này có một điểm rất khác thường. Tất nhiên là có những trường hợp mà nhà văn đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật thực, tôi muốn nói là những nhân vật sống thật, những người có tồn tại trên thực tế với đầy đủ tính cách của họ và thậm chí không dùng cả tên giả nữa. Có nhưng rất hiểm, đúng không nhỉ? Còn tay Doubois này đã làm gì? Hắn ta đã lấy đúng một nhân vật như vậy là người buôn sách cũ Gustave Muet và miêu tả còn sống rồi sau đó biến thành xác chết! Có thể nói rằng hắn ta đã thể hiện ông lão hai lần: trong cuốn sách của mình và... ngoài thực tế. Bởi vì người buôn sách cũ thì đã chết. Và ông ta chết đúng như đã được mô tả từ trước... Theo quan điểm của tôi thì có về như tác giả và kẻ giết người là một. Không biết là tôi đã thuyết phục được quý vị chưa nhỉ?
- Phải, tôi đồng ý với anh - Bary nói - Nhân vật bí ẩn này là một nhà văn. Văn học đã làm hắn ta choáng váng đầu ốc.
- Rất có thể - Joseph đồng tình - Còn bây giờ thì...
Anh đến bên mắc áo và lấy chiếc áo choàng của mình.
D’Arjean đứng dậy.
- Thế nào, Robenne, anh quyết định đi Mouasac chứ? - Rosie hỏi.
- Tất nhiên. Máy bay sẽ cất cánh lúc 5 giờ. Bary có lầu bầu chút ít nhưng đã lo liệu hết mọi việc rồi. Tôi đi nghỉ và tập trung ý nghĩ...
- Anh sẽ nghỉ ở đâu? - Bary quan tâm hỏi.
- Tất nhiên là ở trong phòng làm việc của tôi. Anh đã biết là tôi sống ở một nơi khỉ ho cò gáy... Tôi còn quá ít thời gian để về đến giường của mình.
- Tôi có thể chở anh về, xe của tôi để ở ngay dưới nhà. - Tổng biên tập đề nghị.
- Cám ơn anh, nhưng tôi ở lại đây thôi. Đối với tôi thì ở đây cũng tốt chán.
Bary khoác áo choàng của mình và lấy găng tay từ trong túi ra. Rosie đã đứng ở cửa phòng làm việc, cửa mở. Joseph suy nghĩ. Đúng hơn là theo phương pháp thông thường của mình anh lặp lại trong óc tất cả các chi tiết có liên quan đến chuyện này trước khi bắt tay vào việc điều tra. Trong óc thoáng qua những mẩu đối thoại, trước mắt hiện lên những bức tranh xa mờ nào đó, những khuôn mặt mờ ảo. Anh kiền nhẫn chờ đợi cho đến khi bức tranh này hay bức tranh khác hay một khuôn mặt đã thể hiện rõ ràng hẳn.
Dường như được ngâm người trong làn nước ấm, Joseph chìm đắm vào trong những bức tranh mờ ảo thoáng qua ấy. Mấy giây đồng hồ trôi qua. Bỗng nhiên tâm trí anh ghi nhận một chi tiết rất nhỏ, hoàn toàn không đáng kể. Khi Bary rút găng tay ra có một viên giấy vo tròn bé xíu rơi khỏi túi áo choàng của ông ta và lăn về phía cửa ra vào. Sau đó Rosie tình cờ đá viên giấy ra ngoài. Một chuyện vặt vãnh hoàn toàn chỉ là một chi tiết nhỏ không đáng kể. Bởi vì không ai để ý đến hạt bụi bay trong không khí, đến mẩu giấy con trên đất hay chiếc vé tàu điện ngầm đánh rơi... Joseph lơ đãng nhìn theo viên giấy. Sau đó anh ngúc ngoắc đầu rời bỏ những ý nghĩ của mình, bắt tay Bary chìa ra và từ biệt Rosie Sauvage.
- D’Arjean, anh về cùng với họ phải không? - Anh hỏi.
- Không, anh biết là tôi sống ở ngay gần đây mà.
- Vậy thì anh nán lại một phút được không?
- Đừng chờ tôi! - D’Arjean kêu với theo Tổng biên tập và Rosie.
- Họ muốn hoàn chỉnh kế hoạch tấn công của mình đấy. - Cô gái bật cười.
- D’Arjean, anh hãy nghe nhé! Tôi sẽ bay đến Mouasac và ở đó không lâu. Bary nói đúng, điểm mấu chốt chắc hẳn là ở Paris. Nhưng tôi dứt khoát muốn nhìn mọi thứ tận mắt. Như vậy là anh sẽ theo dõi sự phát triển của các sự kiện ở đây. Anh cần phải thâm nhập vào tất cả các giới văn học mà trực tiếp hay gián tiếp có thể có liên quan đến vụ này. À, suýt nữa thì tôi quên... Điều này rất quan trọng. Bằng bất kỳ giá nào anh phải kiếm được tập bản thảo ít ra là một thời gian để được đọc kỹ càng. Anh hãy giữ liên hệ với Morelly và Gaston Simonie. Trước hết là với Simonie. Chuyện cú điện thoại rất lạ lùng. Tóm lại là anh đừng bỏ sót điều gì! Trong trường hợp cần thiết tôi sẽ gọi điện thoại cho anh, anh đồng ý chứ?
- Hoàn toàn đồng ý - Và d’Arjean chìa tay cho Joseph - Tôi không dám chúc anh ngủ ngon nữa.
- Không sao. - Joseph bật cười.
D’Arjean ngập ngừng. Rõ ràng là anh ta muốn nói thêm điều gì đó nữa.
- Chúc anh ngủ ngon - Joseph nói.
- Anh... anh sẽ ở lại đây ư? - Cuối cùng d’Arjean hỏi.
- Tất nhiên rồi.
- Tôi có linh cảm rằng...
- Vớ vẩn, anh định dọa tôi ư? Tôi không phải là Simonie và sau đó là kẻ giết người đâu có gọi điện thoại cho tôi.
- Anh có súng không?
- Không, tôi không mang theo người.
Joseph mỉm cười nhìn vẻ luống cuống của d’Arjean
- Tôi nghĩ rằng Bary có lý, - D’Arjean nói - Doubois không có ở Mouasac. Hắn ta đang ở Paris. Và thậm chí là ở đâu đó quanh đây! Tòa báo của chủng ta làm hắn lo ngại. Nếu không tại sao khi gọi điện cho Simonie hắn ta đã nói chuyện với ông ta về tay phóng viên của "Paris-Nouvelles".
- Hắn ta muốn ghi nhận thành tích của tôi, một thám tử không chuyên nghiệp. - Joseph tiếp tục cười nói.
- Có thể là như vậy nhưng dù sao ở lại đây một mình cũng không khôn ngoan lắm...
- Ồ, anh nói quá đi! Người gác cửa ngồi ở dưới nhà, ngoài ra còn có các công nhân trong xưởng in nữa. Máy điện thoại thì ở ngay tầm tay tôi. Anh hãy yên tâm về nhà và ngủ cho ngon. Tạm thời chưa có gì đe dọa tôi cả...
- Chúc anh ngủ ngon. - Cuối cùng d’Arjean dựng cổ áo lên và nói.
Joseph đi dọc theo hành lang về phòng của mình. Anh nghe thấy tiếng cửa thang máy sập lại và tiếng ca-bin kêu u u chạy xuống dưới.
Chàng phóng viên ngồi xuống sau bàn viết của mình. Anh lấy ra một tờ giấy trắng và bắt đầu ghi:
"Thứ hai ngày 25 tháng XI - trao giải thưởng văn học Goncourt.
Náo động trong giới văn học.
Giới báo chí lo ngại.
Buổi tối kẻ giết người gọi điện thoại cho nhà thơ Simonie.
Simonie đến gặp Joseph Robenne".
Sau khi suy nghĩ Joseph viết thêm:
"Bên cạnh xác chết có một đồng tiền vàng.
Muet vốn keo kiệt.
Nguyên nhân thúc đẩy - Văn học?
Cần kiểm tra: ngày giờ khi người buôn sách cũ bị giết.
Áo chùng xanh lo sợ (đau tim)?".
Joseph vuốt cái nắp bút máy của mình và viết tiếp:
"Horpechrude, Harpocrate.
Thần với ngón tay trên miệng.
Một tuyệt tác không cần tranh cãi.
Một thiên tài chưa được công nhận.
Tên tội phạm được giải thưởng văn học Goncourt?"
Joseph ngẩng đầu lên và vươn vai. Cơn buồn ngủ biến đâu mất. Nói chung bao giờ anh cũng vậy. Chỉ cần bắt tay vào việc là anh hết cảm thấy mệt.
Anh lắng nghe. Trên tầng gác yên ắng. Chỉ có ở phía dưới, từ phía các phân xưởng vọng lại những tiếng động không phân biệt. Và thêm vào đó là tiếng ầm ì khe khẽ xa xôi của thành phố đang chìm trong giấc ngủ vọng vào phòng làm việc.
Tòa soạn nằm trên tầng bốn. Ở tầng ba và tầng hai là các bộ phận hành chính quản lý.
Im lặng hoàn toàn, cảnh tĩnh mịch dễ chịu làm yên lòng nhưng lại rất không bình thường đối với tòa nhà này, nơi mà cuộc sống sôi động suốt từ sáng đến tối mịt.
Mấy bà lao công sắp đến. Với cái phất trần trong tay, họ đi từ phòng này sang phòng khác quét bụi và thu nhặt những mẩu giấy vụn vương vãi bỏ vào giỏ rác. "Những mảnh giấy vụn vương vãi" - Joseph tự nhắc lại cho mình và chợt nhớ đến mẩu giấy từ trong túi Bary rớt ra. Chắc là một cái gì vớ vẩn đấy thôi. Có thể đấy là một cái vé xem phim cũ hay là một mẩu thư đã bỏ mà Bary định vứt đi và nhét vào túi áo.
Nhưng tiếng nói bên trong anh lại khẳng định: Hãy nhớ là phương pháp lâu đời nói rằng không có cái gì không cần thiết, bất kỳ một chi tiết, thậm chí dù là nhỏ nhặt qua cái nhìn bau đầu, đều có thể giữ một vai trò quan trọng.
Joseph đứng dậy và đi ra hành lang.
Anh nhìn thấy ngay mẩu giấy vo viên ở cửa phòng làm việc của Bary. Nó không biến mất và cũng không lăn đi đâu cả. Joseph lại gần và nhặt lên.
Hóa ra đó là một mẩu giấy xé từ quyển sổ tay ra. Trên mảnh giấy có ghi rõ ngày 18 tháng VII.
Joseph nhận ra nét chữ của Tổng biên tập, nét chữ tao nhã hoàn toàn không giống với tính cách của Bary. Chữ viết tròn trịa, rõ ràng, cẩn thận và nhiều chữ không viết liền với chữ sau.
"Thế đấy! Thế mà ta đâu có ngờ rằng Tổng biên tập của mình lại đánh bạn với nàng thơ" - Joseph tự nói với mình.
Trên mẩu giấy là một bài thơ, hay đúng hơn là phần mở đầu của một bài thơ, đó là bản nháp. Chắc hẳn nó không vừa ý tác giả nên ông ta gạch chéo bằng hai dòng ngoằn ngoèo và vò đi.
"Bài thơ thất lạc" - Joseph thì thầm.
Bài thơ như sau:
CHIỀU NAY...
Tạm biệt, tạm biệt chiều dần buông
Thành phố chìm vào trong giấc ngủ
Còn đâu những ánh lửa của ta?
(Lúc đầu tác giả viết: "Còn đâu những con đường của ta" sau đó gạch "những con đường" đi và thay vào đó là "những ánh lửa").
Còn đâu những kỷ niệm về bạn,
Tạm biệt, tạm biệt nhé!
Thành phố chìm dần vào im lặng,
Vào trong thanh bình...
Bài thơ dứt đoạn ở đây.
Joseph huýt sáo. Ý muốn đầu tiên của anh là vò mẩu giấy đi. Và anh đã khoa tay định ném đi nhưng anh lại thay đổi ý định. Anh mở tờ giấy ra, cố gắng vuốt thẳng như cũ và đọc lại bài thơ lần nữa...
Đúng lúc đó từ phía tầng một của tòa nhà vang lên một phát súng. Sau đó là phát súng thứ hai.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook KẺ GIẾT NGƯỜI ĐƯỢC GIẢI GONCOURT.