Chương 11


Số từ: 2254
Dịch giả: Tuấn Minh
NXB Sống Mới
Nguồn: Sưu tầm
Đây là lần thứ ba, tôi đã từ chối không tiếp vị linh mục tuyên úy. Tôi không có chi để nói với ông, tôi không thích nói chuyện, tôi sẽ còn chán thì giờ để gặp ông. Điều làm tôi quan tâm lúc này, là làm sao thoát khỏi máy móc, là tìm biết coi cái điều không tránh khỏi liệu có còn một ngõ thoát hay không? Người ta thay đổi xà lim cho tôi. Ở xà lim mới này, khi nằm dài thời tôi trông thấy bầu trời và chỉ có trông thấy bầu trời thôi. Tất cả những ngày của tôi đều trôi qua để nhìn trên mặt bầu trời sự tàn tạ các màu sắc vẫn từ ngày tới đêm. Nằm dài, tôi gối đầu lên hai tay và chờ đợi. Không biết đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi liệu có những trường hợp tội nhân thoát khỏi guồng máy nghiêm ngặt này, biến mất trước khi hành hình, phá vỡ rào lính canh chăng? Thế là tôi tự oán trách đã không chú ý nhiều đến những câu chuyện về việc hành hình. Đáng lẽ người ta phải luôn luôn chú ý đến các vấn đề ấy. Không bao giờ người ta lại biết trước việc chỉ có thể xảy ra. Cũng như tất cả mọi người, tôi đã đọc các bài tường thuật trên báo chí, nhưng chắc chắn là hãy còn có những tác phẩm chuyên môn mà tôi chưa hề tò mò tra cứu. Có lẽ ở đây tôi sẽ thấy các truyện vượt ngục. Có lẽ tôi sẽ biết, ít nhất là trong một trường hợp, bánh xe ngưng lại, là trong cái dự định bất khả kháng ấy, chỉ một lần thôi, sự tình cờ và sự may mắn đã thay đổi được một chút gì. Một lần! Theo một nghĩa nào đó, tôi tưởng như thế sẽ là quá đủ cho tôi. Lương tâm tôi sẽ làm việc còn lại. Báo chí thường nói đến một món nợ của xã hội. Theo họ, cần phải trả món nợ ấy, nhưng điều ấy không nói với trí óc tưởng tượng. Điều cốt yếu là khả dĩ vượt ngục, một bước nhảy vọt ra khỏi cái nghi thức tàn nhẫn, một cuộc chạy đua đến sự điên rồ sẽ cống hiến cho mình tất cả những sự may mắn của hy vọng. Lẽ tất nhiên, hy vọng, đó là bị hạ ngay ở một góc phố trong khi đang chạy bằng một viên đạn. Nhưng suy nghĩ cho cùng, không có chi cho phép tôi sự xa xỉ ấy, mọi sự đều ngăn cấm tôi, máy móc chiếm giữ tôi.
Mặc dầu có thiên chí tôi không thể nào chấp nhận có điều xấc láo ấy. Vì rốt cuộc đã có sự chênh lệch, lố bịch giữa sự phán quyết đã đặt ra điều xác thực ấy và sự diễn tiến không nao núng của nó, kể từ lúc sự phán quyết được tuyên bố. Sự kiện bản án được tuyên bố hồi 20 giờ thay vì 17 giờ, sự kiện bản án có thể khác hẳn, sự kiện do sự quyết định của những con người thay đổi quần áo, dựa vào sự tin tưởng một khái niệm mơ hồ như dân tộc Pháp (hay Đức, hay Tàu) đối với tôi hình như mọi sự đó đã làm mất đi nhiều vẻ nghiêm trọng của một quyết định tương tự. Tuy nhiên, tôi bó buộc phải công nhận rằng kể từ giây phút mà bản án ấy được quyết định, các hậu quả của nó cũng trở nên chắc chắn, nghiêm trọng như là sự hiện của bức tường này mà tôi đang áp nén thân thể tôi dọc theo chiều dài.
Trong những lúc đó, tôi nhớ lại một câu chuyện do má tôi kể về ba tôi. Tôi không biết mặt ba tôi. Tất cả sự chi tôi biết rõ về người đàn ông này, có lẽ là do lời má tôi kể lại: ông đã đi xem xử tử một tên sát nhân. Nghĩ đến việc đi xem, ông phát ốm lên rồi. Tuy nhiên ông vẫn đi xem và khi về nhà, ông ói mửa suốt cả buổi sáng. Thế là ba tôi hơi làm tôi chán ngấy. Bây giờ tôi mới hiểu đó là lẽ tự nhiên. Tại sao trước tôi không thấy là không có chi quan trọng bằng một vụ xử tử và tóm lại, đó là một việc thực sự đáng kể đối với một con người! Nếu may mắn mà tôi ra khỏi lao xá này, tôi sẽ đi xem hết mọi vụ xử tử. Tôi ngờ là tôi đã lầm khi nghĩ đến khả dĩ ấy. Bởi vì chỉ việc nghĩ đến, một buổi sáng kia thấy mình được tự do đứng phía sau một hàng rào lính canh, hoặc là đứng bên phía khác, với ý nghĩ mình là một khán giả đi xem và sau đó có thể ói mửa cũng được, một đợt sóng vui mừng nhiễm độc dâng lên trong lòng tôi. Nhưng như thế là không hợp lẽ. Tôi đã lầm khi buông thả mình theo các giả thuyết đó vì, một lát sau, tôi thấy lạnh ghê gớm đến nỗi phải nằm co quắp dưới tấm mền. Tôi run lập cập, răng chạm vào nhau mà không giữ nổi.
Nhưng tất nhiên, không phải lúc nào người ta cũng có thể hợp lẽ phải. Ví dụ như các lần khác, tôi đã làm những vụ án luật. Tôi sửa đổi lại các hình phạt. Tôi nhận xét thấy điều chính yếu là cho người bị kết ánđược hưởng một sự may mắn. Chỉ một sự may mắn trong số một ngàn lần như vậy cũng đủ sắp xếp ổn thỏa mọi việc. Như thế, hình như tôi tưởng tượng có thể tìm ra một tổng hợp hóa chất để kẻ thụ hình (tôi nghĩ: kẻ thụ hình) ăn vào và mười người ăn thì chín kẻ chết. Đương sự sẽ biết điều đó, đấy là điều kiện. Vì suy nghĩ cho k , quan niệm sự việc một cách bình thản, tôi nhận thấy sự khiếm khuyết của lưỡi dao máy chém không có sự may mắn, tuyệt đối không có sự may mắn nào! Nói tóm lại, chỉ có một lần thôi, cái chết của người bị hành hình đã được quyết định. Đó là một việc xong xuôi, một sự trù hoạch đã dứt khoát, một sự đồng tình đã thỏa hiệp và về việc đó, không còn vấn đề trở lại nữa. Nếu do sự kỳ dị nào đó mà lưỡi dao trượt đi thì người ta bắt đầu lại. Do đấy có sự buồn thảm là tên tử tội cần phải ao ước cho máy chém chạy đều hòa. Tôi nói đây là khía cạnh khiếm khuyết. Theo mộ nghĩa nào đó, điều này là đúng nhưng theo nghĩa khác, tôi bó buộc phải công nhận là tất cả mọi sự bí mật của một tổ chức hoàn hảo là ở đó. Tóm lại, tội nhân bó buộc phải hợp tác về tinh thần. Mọi sự tiến hành trôi chảy đều có lợi cho y. Tôi cũng bó buộc phải công nhận là cho đến nay, tôi đã có những ý kiến không đúng về các vấn đề ấy.
Đã lâu nay tôi tưởng rằng – và tôi không hiểu tại sao muốn đi tới máy chém phải trèo lên một cái giàn và leo các bậc cấp. Tôi cho nguyên do là tại cuộc cách mạng năm 7 9, tôi muốn nói là tại tất cả những điều do người ta đã dạy tôi, hay cho tôi thấy về các vấn đề ấy.
Nhưng một buổi sáng kia, tôi chợt nhớ lại một tấm hình do các báo chí đăng nhân dịp một vụ hành quyết vang lừng. Thực ra, máy chém để sát mặt đất một cách rất giản dị. Máy chém nhỏ hẹp hơn là tôi tưởng tượng. Cũng khá ngộ nghĩnh là tôi không được báo cho biết trước điều ấy sớm hơn. Chiếc máy chém ở trên tấm hình đăng báo đã làm cho tôi ngạc nhiên, vì nó có hình dạng của một công cụ chính xác, hoàn hảo và sáng loáng. Người ta luôn luôn có những ý tưởng quá đáng về những thứ mà mình không biết. Trái lại, tôi công nhận là mọi sự đều giản dị: máy chém cũng ở ngang với mức người tiến về phía nó. Người ta đến bên nó như là đi đến gặp một người khác. Điều đó cũng buồn nản. Cái việc trèo lên đoạn đầu đài, việc thăng tiến lên giữa không trung, trì tưởng tượng có thể bám víu vào đấy. Trong khi chính ngay ở đây cũng vậy, máy móc hủy diệt hết cả: người ta bị giết một cách âm thầm, với một chút xấu hổ và nhiều chính xác.
Lại còn có việc mà tôi suy nghĩ hoài: buổi sớm tinh sương và sự chống án của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn suy luận và cố gắng không nghĩ ngợi đến nữa. Tôi nằm duỗi dài, nhìn bầu trời, cố chăm chú vào đấy. Bầu trời trở nên xanh hơn, đó là vào buổi chiều. Tôi lại rán thêm một cố gắng nữa để lái dòng tư tưởng đi theo một lối khác. Tôi nghe trái tim tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng tiếng động đã theo dõi tôi từ bao nhiêu lấu ấy lại có thể ngưng đập. Không bao giờ tôi có óc tưởng tượng thực sự. Tuy nhiên, tôi thử hình dung một giây nào đó, tiếng đập của trái tim sẽ không còn kéo dài ở trong đầu tôi nữa, nhưng vô ích. Buổi sáng tinh sương hay sự chống án của tôi vẫn còn đó. Sau cùng tôi tự nhủ thầm rằng điều hợp lý nhất là tôi chớ nên tự ép buộc tôi.
Họ đến vào một buổi sang tinh sương, tôi biết thế. Tóm lại, tôi bận rộn suốt các đêm tối của tôi để chờ đợi buổi sáng tinh sương ấy. Không bao giờ tôi thích bị bắt bất thình lình. Khi nào xảy ra cho tôi sự gì, tôi thích sẵn sàng trước. Vì thế, rốt cuộc tôi chỉ ngủ chút xíu ban ngày, và suốt các đêm dài dằng dặc, tôi kiên nhẫn đợi chờ ánh bình minh hiện ra trên mặt kính của bầu trời. Gay go nhất là cái giờ khả nghi mà tôi biết là thường thường họ ra tay. Quá nửa đêm, tôi chờ đợi và rình mò. Chưa bao giờ tôi lại nghe thấy nhiều tiếng động như thế, lại phân biệt được những tiếng tinh tế như thế. Vả lại, tôi cũng có thể nói là tôi đã gặp may mắn trong suốt thời gian ấy, vì tôi không hề nghe thấy tiếng bước chân. Má tôi thường nói rằng không bao giờ người ta hoàn toàn khổ sở. Tôi tán thành má tôi ở trong lao xá, khi bầu trời nhuộm màu và một ngày mới lướt vào xà lim của tôi. Vì rằng tôi có thể nghe thấy tiếng bước chân và trái tim tôi có thể nổ tung. Dù chỉ trượt nhẹ một chút cũng khiến tôi chồm ra ngoài cửa, dù áp tai vào gỗ, tôi đã chờ đợi cuống cuồng cho đến khi chỉ nghe thấy chính hơi thở của tôi, hoảng sợ vì thấy hơi thở ấy khàn khàn và giống hệt như tiếng chó rên rỉ, rốt cuộc trái tim tôi không nổ tung và tôi lại được thêm 24 giờ nữa.
Suốt cả ngày, đã có việc chống án của tôi. Tôi ngờ là đã rút tỉa được phần ích lợi hơn hết về ý nghĩ đó. Tôi tính toán các hiệu quả và do dự suy nghĩ, tôi đạt được năng suất tốt nhất.
Luôn luôn tôi đặt ra một gỉ thuyết tệ nhất: sự chống án của tôi bị bác bỏ. Vậy thời tôi sẽ chết! Chết sớm ơncacs người khác, dĩ nhiên. Nhưng mọi người đều biết rằng cuộc đời không phải là đáng sống. Kỳ thực ra, không phải là tôi không biết rằng, dù chết năm 30 tuổi hay năm 70 tuổi cũng không quan hệ mấy vì lẽ tất nhiên, trong cả hai trường hợp, các người đàn ông khác và các người đàn bà khác sẽ còn sống mãi và như thế trong hàng nghìn năm nữa. Tóm lại, không còn chi rõ rệt hơn. Vẫn là tôi sẽ chết, dù ngay bây giờ hay trong 0 năm nữa. Lúc đó, điều làm tôi hơi khó chịu trong sợ suy luận, là cái bước nhảy vọt khủng khiếp do tôi cảm thấy nơi mình, khi nghĩ đến hai mươi năm sắp tới… Nhưng tôi chỉ việc bóp nghẹ cái ý nghĩ ấy bằng cách tưởng tượng đến các tư tưởng của tôi trong 0 năm nữa khi mà rốt cuộc rồi vẫn phải tới chỗ ấy. Khi người ta chết thifcheets ra sao và chết lúc nào điều đó không can hệ mấy và dĩ nhiên như thế. Vậy (và điểm khó khăn là đừng quên cái giá trị luân lý của chữ
vậy
này) tôi phải chấp nhận việc bác bỏ sự chống án của tôi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Kẻ Xa Lạ.