Chương 1
-
Kẻ Xa Lạ
- Albert Camus
- 4901 chữ
- 2020-05-09 02:16:35
Số từ: 4890
Dịch giả: Tuấn Minh
NXB Sống Mới
Nguồn: Sưu tầm
Má tôi chết ngày hôm nay, hay có lẽ từ hôm qua, tôi cũng không biết nữa. Tôi nhận được một bức điện tín của viện dưỡng lão: mẹ chết. An táng ngày mai. Thành thực phân ưu
. Như thế không có gì rõ rệt cả. Có lẽ chết hôm qua.
Viện dưỡng lão ở Marengo, cách Alger tám mươi cây số. Tôi sẽ đi xe buýt hồi hai giờ trưa và tới nơi vào buổi chiều. Như thế, tôi có thể thức để canh tử thi và chiều mai sẽ trở về. Tôi xin phép chủ nghỉ hai ngày và ông không thể nào từ chối được trước một lý do như vậy. Nhưng ông có vẻ không bằng lòng. Tôi đã phải nói với ông:
Đó không phải lỗi tại tôi
. Ông không trả lời. Sau tôi nghĩ, đáng lẽ tôi không nên nói với ông như vậy. Kể ra tôi không vệc gì phải tự bào chữa. Đáng lý ra chính ông phải chia buồn với tôi. Nhưng có lẽ đến ngày kia, ông sẽ chia buồn khi thấy tôi đeo băng tang. Còn bây giờ, cứ coi như má tôi chưa chết. Trái lại, sau lễ an táng thời đấy là một việc đã rồi và tất cả mọi sự sẽ có một tính cách chính thức hơn.
Tôi đi xe buýt hồi hai giờ. Trời rất nóng bức. như thường lệ, tôi ăn tại khách sạn của lão Ce1leste. Ai nấy đều tỏ vẻ đau buồn với tôi và Céleste bảo tôi:
Người ta chỉ có một mẹ thôi!
.
Khi tôi đi, họ theo tiễn tôi đến cửa. Tôi hơi bối rối vì phải lên phòng Emmanuel mượn y một cái ca-vát đen và một băng tang. Y có người chú mới chết, cách đây vài tháng.
Tôi chạy vội vàng để khỏi lỡ xe. Vừa hấp tấp, vừa chạy nhanh, có lẽ tại mọi thứ đó, thêm với xe nhồi xốc, mùi dầu xăng, sự phản chiếu của mặt đường dưới ánh nắng chói chang làm tôi buồn ngủ. Tôi đã ngủ gần hết cuộc hành trình. Khi chợt thức giấc, tôi thấy mình ngồi chèn ép với một quân nhân; y mỉm cười và hỏi có phải tôi từ xa đến. Tôi trả lời
phải
đế khỏi nói thêm.
Viện dưỡng lão cách làng hai cây số. Tôi đi bộ đến nơi. Tôi muốn thăm má tôi ngay.
Nhưng người gác cổng bảo tôi phải đến gặp viên Giám đốc. Vì ông đang bận, tôi phải chờ một chút. Trong suốt thời gian đó, người gác cổng nói chuyện và sau cùng tôi gặp viên Giám đốc:
ông tiếp tôi ở văn phòng. Đây là một ông già nhỏ thó, có Bắc-đẩu Bội-tinh. Ông nhìn tôi với ánh mặt trong trẻo. Rồi ông bắt tay tôi và giữ thiệt lâu đến nỗi tôi không biết làm thế nào để rút tay ra. Ông xem một hồ sơ và bảo tôi:
Bà Meursault vào đây đã ba năm nay. Anh là nơi sở cậy duy nhất của bà cụ
. Tôi tưởng là ông quở trách tôi điều chi và ông bắt đầu sắp giải thích. Nhưng ông ngắt lời tôi:
Anh không cần phải thanh minh. Tôi đã đọc hồ sơ của cụ. Anh không thể cấp dưỡng đầy đủ cho cụ. Cụ cần phải có một người săn sóc. Lương anh ít ỏi. Dù sao ở đây cụ vẫn sung sướng hơn!
. Tôi nói:
Thưa ông Giám đốc, vâng
. Ông nói thêm :
Anh nên biết là cụ còn có bạn hữu, những người đồng tuổi với cụ. Cụ có thể trao đổi với họ những chuyện thích thú của một thời khác. Anh còn trẻ, nếu ở với anh thời cụ sẽ buồn nản
.
Đúng thế. Khi còn ở nhà, mà tôi cả ngày cứ yên lặng đưa mắt ngó theo tôi hoài. Trong những ngày đầu ở viện dưỡng lão, bà thường khóc luôn. Nhưng đấy là thói quen. Một vài tháng sau, nếu người ta đưa bà ra khỏi viện, chắc bà sẽ khóc. Luôn luôn vẫn là do thói quen. Vì thế nên trong năm cuối cùng, tôi gần như không đến thăm bà. Và cũng vì sự viếng thăm đó sẽ làm mất hết của tôi một ngày chủ nhật - ấy là chưa kể sự cố gắng để đi xe buýt, mua vé và ngồi xe trong hai giờ liền! Viên Giám đốc còn nói nhưng tôi gần như không nghe nữa. Rồi ông bào tôi:
Tôi chắc là anh muốn nhìn mặt bà cụ
. Tôi đứng lên không nói năng gì và ông đi trước, tôi theo, sau cùng ra cửa. Trong cầu thang, ông cắt nghĩa:
Chúng tôi đã đưa cụ sang nhà xác để cho mọi người khỏi xúc động. Mỗi khi một người trong viện dưỡng lão chết thời các người khác đều bị kích động trong hai ba ngày. Như thế, công việc thêm khó khăn
. Chúng tôi đi qua sân, có nhiều ông già tụ tập thành từng nhóm đang nói chuyện. Họ ngừng bặt khi chúng tôi đi qua. Và lại tiếp tục khi chúng tôi đi khỏi. Người ta tưởng đấy là tiếng kêu khèn khẹc của những con vẹt mái. Tới cửa một căn nhà nhỏ, viên Giám đốc từ giã tôi:
Thôi chào anh Meursault. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng tiếp nh ở văn phòng. Theo nguyên tắc, đám táng định vào hồi mười giờ sáng. Như thế, chúng tôi thiết nghĩ là anh có thể thức để canh người quá cố. Một lời dặn cuối cùng: hình như cụ thường bày tỏ ý kiến với các bạn hữu là thích được an táng theo lễ nghi tôn giáo. Tôi đã lo liệu đủ mọi sự cần thiết, nhưng tôi muốn cho anh biết rõ
. Tôi cảm ơn ông ta. Tuy không phải là người vô thần, nhưng khi còn sống không hề bao giờ má tôi nghĩ đến tôn giáo.
Tôi vào nhà xác. Đó là một căn buồng rất sáng, quét vôi trắng, có một cửa sổ lớn lắp kính màu. Trong phòng bày nhiều ghế dựa và những cái giá hình chữ X. Một cỗ quan tài đậy nắp đặt trên hai cái giá để giữa nhà. Người ta chỉ trông thấy các đanh vít bóng loáng, vặn hờ, nổi bật lên trên mặt ván màu nâu vỏ hồ đào. Gần quan tài có một nữ khán hộ Ả-rập, mặc áo choàng trắng, đầu quấn khăn màu sặc sỡ.
Ngay lúc đó, người gác cổng đi vào ở sau lưng tôi. Có lẽ y đã chạy đến. Y hơi nói lắp:
Người ta đã đậy nắp quan tài rồi, nhưng tôi phải thá đanh vít ra để ông trông mặt bà cụ
. Tôi ngăn y lại trong lúc tôi đến gần quan tài. Y hỏi tôi:
Ông không muốn hay sao?
. Tôi trả lời:
Không
. Y ngừng bặt và thấy tôi ngượng ngùng vì tôi cảm thấy đáng lẽ tôi không nên nói như thế! Trong giây lát, y nhìn tôi và hỏi như để biết thôi chứ không có vẻ trách móc:
Tại sao?
Tôi trả lời:
Tôi không biết
. Y xoắn bộ râu mép bạc và nói mà không nhìn tôi:
Tôi hiểu
. Y có đôi mắt đẹp, màu xanh biếc, nước da hơi đỏ. Y đưa cho tôi một chiếc ghế dựa và chính ý cũng ngồi hơi tụt về đằng sau tôi. Người nữ khán hộ đứng lên và đi ra cửa. Ngay lúc đó, người gác cổng bảo tôi:
Mụ ta bị bệnh hạ cam
. Vì tôi không hiểu nên tôi nhìn người nữ khán hộ thì thấy nàng quấn ở dưới mắt một băng bịt vòng quanh đầu. Chiếc băng lép kẹp ở chỗ ngang mũi. Người ta chỉ trông thấy màu băng trắng xóa ở trên mặt nàng.
Khi nàng đi rồi, người gác cổng nói:
Tôi để ông lại một mình
. Không hiểu tôi đã có cử chỉ ra sao nhưng thấy y vẫn đứng nguyên ở đằng sau tôi. Sự hiện diện ấy ở sau lưng tôi làm cho tôi ngượng ngập. Căn nhà đầy dẫy ánh sáng đẹp buổi chiều tà.. Hai con ong bầu bay vu vu trước cửa kính và tôi thấy buồn ngủ. Không quay lại, tôi nói với người gác cổng:
Ông ở đây lâu chưa?
–
Năm năm rồi
. Y trả lời ngay tức khắc, như có ý chờ đợi câu hỏi của tôi đã lâu.
Rồi y nói huyên thuyên. Chắc y ngạc nhiên lắm nếu người ta bảo cho y biết là y sẽ gác cổng ở viện dưỡng lão Marengo cho đến mãn đời. Y đã 64 tuổi và gốc người Ba-lê. Ngay lúc đó, tôi ngắt lời y:
Ồ! Ông không phải là người ở đây ư?
. Rồi tôi nhớ lại là y đã nói về má tôi, trước khi dẫn tôi đến gặp viên Giám đốc. Y bảo tôi là cần phải chôn má tôi thiệt nhanh vì ngoài đồng nóng bức lắm, nhất là ở xứ này. Thế là y nói cho tôi biết rằng y đã sống ở Ba-lê và y khó lòng quên được. Tại Ba-lê, người ta còn ở chung với xác chết tới ba bốn ngày. Tại đây người ta không có thì giờ, chưa kịp có một nhân thức rõ rệt thì đã phải chạy theo xe tang rồi. Thế là vợ y nói:
Thôi mình, không nên kể với ông những chuyện ấy!
. Lão già đỏ mặt lên và xin lỗi. Tôi bèn can thiệp:
Không sao. Không có gì!
Tôi thấy câu chuyện của y kể rất đúng và thú vị.
Trong nhà xác bé nhỏ, y nói cho tôi biết là mới đầu y vào viện dưỡng lão với tư cách một người bần cùng. Sau y thấy mình hãy còn mạnh khỏe nên tự nguyện làm chân gác cổng. Tôi nhận xét là dù sao y cũng vẫn là một khách trọ của viện. Y cãi rằng không phải. Tôi đã ngạc nhiên về cách thức y dùng chữ
họ
,
những người khác
và đôi khi
những người già
, lúc nói đến các người ở trong viện dưỡng lão mà có người không nhiều tuổi hơn y. Nhưng lẽ tất nhiên tình trạng không giống nhau. Y là người gác cổng thì trong một phạm vi nào đó, y vẫn có quyền hành đối với họ.
Lúc đó người nữ khán hộ đi vào. Chiều tàn thình lình. Đêm xuống mau lẹ, dày đặc trên cửa sổ lắp kinh màu. Người gác cổng bậc đèn điện nên bỗng dưng tôi bị lóa mắt vì ánh sáng chói chang. Y mời tôi xuống phòng ăn để ăn tối, nhưng tôi không đói. Y đề nghị mang cà phê sữa đến cho tôi. Tôi nhận lời vì rất thích cà phê sữa nên một lát sau y trở lại với chiếc khay. Tôi uống.
Rồi tôi lại thèm hút nhưng tôi ngần ngại không biết có thể hút trước thi hài má tôi không. Tôi suy nghĩ là điều đó không mảy may can hệ. Tôi tặng người gác cổng một điếu thuốc lá và chúng tôi cùng hút.
Một lát, y bảo tôi:
Chắc ông rõ, các bạn hữu của cụ sắp cùng đến canh tử thi. Đấy là theo phong tục. Tôi cần phải đi lấy thêm ghế và cà phê đen
. Tôi hỏi y có thể tắt bớt đi một ngọn đèn không. Ánh sáng đèn chiếu vào tường trắng làm tôi mệt mỏi. Y trả lời không thể được: hệ thống dây điện đã đặt như vậy rồi, hoặc là sáng cả hay tối thui. Tôi không buồn để ý tới y nữa..
Y đi ra rồi trở vào xếp ghế. Trên một chiếc ghế, y đặt ly chung quanh bình cà-phê. Rồi y ngồi trước mặt tôi, phía bên kia má tôi. Người nữ khán hộ ngồi ở trong cùng, quay lưng ra. Tôi không biết nàng làm gì, nhưng cứ theo hai cánh tay chuyển động, tôi có thể đoán là nàng đan áo.
Không khí êm dịu, cà-phê làm tôi nóng ran người lên và do cửa ngõ, mùi của đêm tối và hoa lá tràn vào phòng. Tôi ngờ là tôi đã mơ màng, ngủ chập chờn… Có tiếng sột soạt làm tôi chợt tỉnh. Vì mới chợp mắt, nên tôi thấy căn nhà hình như càng có vẻ sáng trắng, chói chang hơn. Trước mặt tôi, không có một bóng mờ và mỗi sự vật, mỗi góc cạnh, mỗi đường cong đều lộ rõ những hình nét sắc sảo đến nhức mắt. Chính lúc đó, các bạn hữu của má tôi đi vào. Tất cả có độ mười người và họ yên lặng lướt đi dưới ánh sáng chói lòa.
Họ ngồi xuống mà không có tiếng ghế kêu lách cách. Tôi nhìn họ như tôi chưa hề nhìn ai như thế và không có một chi tiết nào về gương mặt hay quần áo của họ qua khỏi mắt tôi. Tuy nhiên, tôi không nghe thấy họ nói gì và tôi gần như không ngờ họ có thực. Hầu hết các người đàn bà đều choàng một tấm khăn ở trước ngực và chiếc dây nhỏ bó sát người càng làm cho bụng họ phình ra. Tôi chưa bao giờ để ý bụng các bà già phồng bự tới đâu. Phần nhiều các người đàn ông đều chống can và rất gầy gò. Điều đó làm tôi ngạc nhiên về gương mặt của họ, là tôi không trông thấy mắt họ đâu, nhưng chỉ thấy một ánh sáng lờ đờ giữa một ổ trũng đầy nếp nhăn nheo. Khi họ đã ngồi xuống ghế, ai nấy đều nhìn tôi và lắc đầu với vẻ ngượng ngập, mồm họ không răng nên hai môi bị lém mất, tôi không thể biết rõ là họ có chào tôi hay họ bị giật gân. Tôi ngờ là họ chào tôi. Chính lúc đó tôi mới nhận thấy họ đang ngồi cả ở trước mặt tôi, chung quanh người gác cổng, đầu họ lắc lư. Có lúc tôi có cảm tưởng ngộ nghĩnh là họ đang ngồi để xét xử tôi.
Một lát sau, một người đàn bà trong bọn khóc nức nở. Mụ ngồi ở hàng thứ hai, bị một bạn gái che lấp nên tôi không rõ mặt. Mụ khóc nho nhỏ, đều đặn: tôi có cảm tưởng như không bao giờ mụ sẽ ngừng khóc. Các người khác có vẻ không nghe thấy tiếng mụ khóc. Họ suy nhược, ủ rũ và yên lặng. Họ nhìn quan tài hoặc nhìn cái can hay bất cứ cái gì, nhưng họ chỉ nhìn có cái ấy mà thôi. Người đàn bà vẫn khóc hoài. Tôi hết sức ngạc nhiên vì tôi chưa hề biết mụ.
Tôi không muốn nghe thấy tiếng mụ nữa. Tuy vậy tôi không dám nói ra. Người gác cổng ghé xuống nói nhỏ với mụ nhưng mụ lắc đầu, lắp bắp một vài tiếng, rồi lại khóc đều đặn như trước.
Người gác cổng đến ngồi gần tôi. Mãi một lúc sau, y nói cho tôi biết nhưng không nhìn tôi:
Bà ấy rất thân với cụ. Bà ta nói cụ là người bạn duy nhất của bà và hiện nay bà ta không còn ai cả.
Chúng tôi ngồi như thế một lúc lâu. Tiếng thở dài và tiếng khóc của mụ mỗi lúc thêm ít đi. Mụ hít hà rất nhiều, rồi sau mụ yên hẳn. Tôi không buồn ngủ nữa nhưng mệt mỏi và đau ở ngang hông. Bây giờ thì lại là sự yên lặng của những người ấy làm tôi khó chịu. Chỉ thỉnh thoảng, tôi nghe thấy một tiếng kỳ lạ nhưng tôi không hiểu là tiếng gì. Mãi sau tôi mới đoán ra là một vài ông già mút đôi má hóp nên làm bật ra những tiếng tắc lưỡi kỳ dị ấy. Họ không nghe thấy vì họ đang mải suy nghĩ. Chính tôi đã có cảm tưởng rằng người chết, đang nằm kia, không có nghĩa lý chi đối với họ. Nhưng bây giờ tôi tin rằng đây là một cảm tưởng sai lầm.
Chúng tôi đều uống cà phê do người gác cổng pha. Rồi tôi không biết chi nữa. Đêm tối trôi qua. Tôi nhớ lại có một lúc mở mắt ra, tôi thấy các ông già dựa vào nhau, ngoại trừ có một ông, hay tay, úp chặt vào chiếc can chống xuống đất, cằm dựa lên mu bàn tay, nhìn tôi trừng trừng hình như chỉ đợi tôi thức dậy. Rồi tôi lại ngủ nữa. Tôi chợt thức giấc vì môi lúc thêm đau nhiều ở ngang hông. Ánh rạng đông lướt trên mặt cửa kính. Lát sau, một ông già thức giấc và ông ta ho nhiều. Ông khạc nhổ vào trong một chiếc mùi-soa lớn kẻ ô vuông và mỗi khi khạc nhổ hình như là một sự đau đớn. Ông đánh thức các người khác dậy và người gác cổng báo cho tôi biết là nên ra đi. Họ đứng lên. Sự thức đêm khó chịu này làm cho họ có bộ mặt xám ngoét như tro. Tôi hết sức ngạc nhiên lúc họ đi ra. Ai nấy đều bắt tay tôi – hình như sự kiện chúng tôi không hề trao đổi một lời trong đếm qua đã làm triển nở tình thân hưu giữa chúng tôi.
Tôi mệt mỏi. Người gác cổng dẫn tôi về nhà y và tôi có thể rửa ráy sơ sơ. Tôi lại uống cà phê sữa rất ngon. Khi tôi ra ngoài, trời đã sáng rõ. Trên các ngọn đồi ngăn cách Marengo với biển khơi, bầu trời có nhiều đám đỏ ối. Gió thổi trên đỉnh đồi đưa tới đây mùi muối mặn. Đó là dấu báo hiệu một ngày quang đãng, đẹp trời. Đã lâu lắm tôi chưa về nhà quê và tôi cảm thấy nếu không có má tôi nằm đấy thì tôi được đi tản bộ vui thú xiết bao! Tôi đứng đợi ở ngoài sân, dưới gốc cây ngô đồng. Tôi hít thở mùi đất tươi mát và hết cả buồn ngủ. Tôi nghĩ đến các bạn đồng nghiệp ở văn-phòng. Giờ này, họ đã dậy đi làm: đối với tôi, giờ này luôn luôn là một giờ rất khó chịu. T6i hãy còn đang nghĩ lan man đến các chuyện ấy nhưng tôi đã bị chia trí vì tiếng chuông reo ở trong nhà . Có sự ồn ào, lộn xộn đằng sau các cửa sổ, rồi tất cả lại êm dịu. Mặt trời lên cao: tôi đã thấy nóng rát ở chân. Người gác cổng đi qua sân và bảo là viên Giám đốc hỏi tôi. Tôi vào văn-phòng. Viên Giám đốc bảo tôi ký vào một vài thứ giấy tờ. Tôi thấy ông mặc đồ đen với chiếc quần kẻ sọc. Ông nhấc điện-thoại lên và bảo tôi:
Phu đòn đã tới rồi. Tôi sẽ bảo họ đóng nắp quan tài
. Tôi nói không. Ông ta hạ thấp giọng, ra lệnh trong điện thoại:
Figeac! Báo cho họ biết có thể tiến hành
.
Rồi ông bảo tôi là ông sẽ dự lễ an táng và tôi cám ơn ông. Ông ngồi sau bàn giấy, hai chân nhỏ bé gác lên nhau. Ông báo trước là chỉ có sự hiện diện của ông và tôi với người nữ khán hộ thôi. Theo nguyên tắc, các người khách trọ của viện dưỡng lão không nên dự các đám táng.
Ông chỉ để cho họ canh thức tử thi. Ông nhận xét:
Đấy là một vấn đề nhân đạo
. Trong trường hợp này, ông đã cho phép lão Thomaz Pérez, một người bạn già thân thiết của má tôi được theo sau xe tang. Nói tới đây, viên Giám đốc mỉm cười, ông bảo tôi:
Chắc anh hiểu, đấy là một thứ cảm tình hơi có vẻ con nít. Nhưng lão ấy và bà cụ không mấy khi rời nhau. Trong viện, người ta đùa giỡn cả hai người và thường bảo lão Pérez:
Hôn thê của ông đấy!
. Lão cười. Việc đó làm cho cả hai ông bà vui thích. Nói đúng ra, cái chết của bà Meursault làm cho lão rất xúc động. Tôi nghĩ không nỡ từ chối cho phép lão đi theo xe tang. Nhưng theo lời khuyến cáo của thầy thuốc, đêm qua tôi đã cấm lão không được canh thức tử thi
.
Chúng tôi yên lặng khá lâu. Viên Giám đốc đứng lên và nhìn qua cửa sổ văn phòng. Một lát sau, ông nhận xét:
Cha sở Marengo kia rồi. Ông đến sớm quá!
. Ông đã báo cho tôi biết trước phải mất ít nhất ba khắc để đi tới nhà thờ ở ngay trong làng. Chúng tôi đi xuống. Trước cửa viện đã thấy Cha sở cùng với hai em giúp lễ. Một em cầm chiếc bình trầm và Linh-mục cúi xuống phía em để điều chỉnh lại chiều dài chiếc dây bạc. Khi chúng tôi tới nơi, Linh-mục ngẩng lên. Ông gọi tôi là
con
và nói với tôi một vài lời. Rồi ông đi vào, tôi theo sau.
Bỗng nhiên tôi thấy các đinh vít đã vặn hết vào quan tài và có bốn người mặc đồ đen đang ở trong phòng. Đồng thời tôi cũng nghe thấy viên Giám đốc nói là xe đang đợi ở ngoài đường và Linh mục bắt đầu đọc kinh. Từ lúc đó, mọi sự đều tiến hành rất mau lẹ. Các phu đòn tiến về phía quan tài với tấm khăn phủ. Linh mục, các em giúp lễ, viên Giám đốc và tôi cùng đi ra. Trước cửa, có một bà mà tôi chưa quen biết. Viên Giám đốc giới thiệu:
Ông Meursault
. Tôi chưa hề nghe nói đến tên bà, mãi sau tôi mới hiểu bà ta là nữ y-tá đại diện. Bà hơi cúi khuôn mặt xương xẩu và dài ngoằng, không mỉm cười. Rồi chúng tôi đứng tránh sang bên để họ chuyển cữu. Chúng tôi theo các phu đòn ra khỏi viện dưỡng-lão, xe đang đậu trước cổng. Xe đánh vẹc ni, hình thuôn thuôn và bóng loáng, làm cho ta liên tưởng đến một cái hộp bút. Bên cạnh xe là người sắp đặt công việc, bé nhỏ, quần áo ngộ nghĩnh và một ông già, dáng điệu ngượng nghịu.
Sau tôi biết đấy là ông Pérez. Ông có một cái mũ nỉ mềm, chỏm tròn, vành rộng (ông đã cất mũ khi linh cữu đi qua), một bộ quần áo mà quần thì xoắn ruột gà trên đôi giày và một cái nơ đen quá nhỏ đối với chiếc áo sơ-mi cổ lớn trắng toát. Môi ông run run dưới một cái mũi phồng những chấm đen. Tóc ông bạc, khá mịn màng, để lộ ra hai vành tai thô kệch, đong đưa, màu đỏ như máu giữa gương mặt nhợt nhạt làm tôi ngạc nhiên. Người chỉ huy đám tang sắp đặt chỗ cho chúng tôi. Cha Sở đi đầu tiên rồi đến linh cữu. Chung quanh xe là bốn người phu đòn. Sau xe là viên Giám đốc, tôi và cuối cùng là người nữ y tá đại diện và ông Pérez.
Trời đã nắng chói chang. Mặt trời bắt đầu chiếu gắt xuống và nóng bức tăng thêm mau lẹ.
Tôi không hiểu tại sao chúng tôi đã phải chờ đợi khá lâu trước khi khởi hành. Người tôi nóng ran trong bộ quần áo màu sẫm. Lão già nhỏ thó đội mũ vào rồi lại bỏ mũ ra. Tôi hơi quay về phía lão và đang nhìn lão thì viên Giám đốc nói chuyện về lão. Ông bảo tôi rằng thường buổi chiều, má tôi cùng lão Pérez hay đi dạo xuống tận làng, có một nữ khán hộ đi theo. Tôi nhìn cánh đồng quê chung quanh. Tôi thấu hiểu má tôi qua những hàng cây trắc bá dẫn đến các ngọn đồi ở tận chân trời, giải đất đỏ hoe và xanh rờn, những căn nhà hiếm hoi có những có những đường nét rõ rệt.
Buổi chiều ở xứ này có lẽ như là một sự ngưng trệ ưu phiền. Bữa nay, mặt trời tràn trề làm run rẩy cảnh vật và khiến cho nó có vẻ khốc liệt, điêu tàn.
Chúng tôi khởi hành. Mãi lúc đótôi mới nhận thấy lão Pérez đi hơi khập khễnh. Xe dần dần đi nhanh và lão theo không kịp. Một người phu đòn, trước đi cạnh xe, cũng bị bỏ rơi và bây giờ đi ngang hàng với tôi. Tôi sửng sốt vì mặt trời lên quá nhanh. Tôi nhận thấy là đã từ lâu, cánh đồng đầy dẫy những tiếng sâu bọ kêu vo ve và cây cỏ lách tách. Mồ hôi chảy trên má tôi.
Vì không có mũ, tôi lấy mùi-xoa phe phẩy. Người phu đòn nói với tôi điều gì mà tôi không nghe rõ. Đồng thời tay trái y cầm mùi-xoa lau đầu, còn tay phải nâng vành mũ cát-két lên. Tôi hỏi y:
Thế nào?
. Y vừa nhắc lại vừa chỉ lên trời:
Nắng gắt
. Tôi lại nói:
Phải
. –
Bà cụ già chưa?
.
Tôi trả lời:
Thế đấy
, vì tôi không nhớ rõ tuổi má tôi. Sau đó, y yên lặng. Tôi quay lại thấy lão Pérez đi sau chúng tôi độ 50 thước. Lão vừa đi vội vàng vừa phe phẩy mạnh chiếc mũ nỉ. Tôi cũng nhìn viên Giám đốc. Ông đi rất đường hoàng, không một cử chỉ nào vô ích. Một vài giọt mồ hôi đọng ở trên trán nhưng ông không lau.
Hình như đám tang đi nhanh hơn. Chung quanh tôi, vẫn là cảnh đồng quê ấy, sáng chói mặt trời. Bầu trời sáng lóe không tài nào kham nổi. Có lúc chúng tôi đi trên một đoạn đường vừa sửa chữa xong. Mặt trời làm chảy nhựa đường. Chân đi qua giẫm lún xuống và để lại những vết giày bóng loáng. Ở trên xe, mũ người xà-ích bằng da mềm hình như được nhào nặn trong thứ bùn đen này. Tôi hơi bị lạc lõng giữa bầu trời xanh và trắng với tính cách đơn điệu của các màu sắc: màu đen bầy nhầy của hắc ín chảy ra, màu đen màu xạm của quần áo, màu đen sơn then của xe tang. Tất cả mọi cái: mặt trời, mùi da và phân ngựa, mùi vẹc-ni và trầm, sự mệt mỏi của một đêm mất ngủ làm tôi hoa mắt và rối trí. Tôi quay lại nhìn một lần nữa: lão Pérez hình như ở tít đằng xa, lẫn trong đám hơi nóng bức, rồi tôi không trông thấy lão đâu nữa. Tôi liếc mắt tìm thì thấy lão bỏ đường cái và đi tắt qua cánh đồng. Tôi cũng nhân thấy đường cái chạy vòng ở trước mặt tôi. Tôi hiểu ngay là Pérez biết rõ miền này nên đi tắt theo đường ngắn nhất để bắt kịp chúng tôi. Tới chỗ quẹo, lão gặp lại chúng tôi. Rồi chúng tôi mất hút lão. Lão lại đi tắt cánh đồng và cứ như thế nhiều lần. Về phần tôi, tôi thấy máu đập mạnh ở thái dương.
Rồi tất cả mọi sự xảy ra vội vàng, chắc chắn và tự nhiên, đến nỗi tôi không còn nhớ chi nữa. Chỉ nhớ một việc duy nhất: tới đầu làng, người nữ y tá đại diện nói chuyện với tôi. Nàng có một giọng nói dị kỳ, thảnh thót và run run, không phù hợp với gương mặt nàng. Nàng bảo tôi:
Nếu người ta đi từ từ thì dễ bị say nắng. Nhưng nếu đi nhanh quá thì bị toát mồ hôi và vào trong nhà thờ, người ta bị cảm thử
. Nàng nói có lý. Không có lối nào thoát cả. Tôi còn nhớ một vài hình ảnh của ngày hôm ấy: ví dụ như mặt Pérez khi lần cuối cùng lão bắt kịp chúng tôi ở gần làng. Những giọt nước mắt của sự bực dọc và đau khổ chảy ròng ròng trên hai gò má… nhưng vì vướng những nếp nhăn, nó không chảy xuống được! Nó tản ra rồi tụ lại và tạo thành những giọt nước bóng loáng trên gương mặt tàn tạ. Rồi lại còn nhà thờ với những người làng đứng trên các vỉa hè, những cây phong lữ thảo đỏ ối trên các ngôi mộ ở nghĩa địa, lão Pérez ngất xỉu (giống như một hình nhân bị tan rã), đất màu máu lăn trên quan tài má tôi, rễ cây trắng hếu lẫn lộn với đất, rồi lại người, lại tiếng nói ồn ào, làng xóm, sự chờ đợi trước một tiệm cà phê, tiếng động cơ rồ không ngớt và sự vui mừng của tôi khi xe buýt tiến vào trong tổ ánh sáng của Alger và tôi nghĩ là tôi sẽ đi nằm ngay và ngủ suốt mười hai giờ liền…