CHƯƠNG 6 - BƯỚC ĐẦU NHẬP NGHỀ
-
Không Gia Đình
- Hector Malot
- 4098 chữ
- 2020-05-09 02:07:50
Số từ: 4087
Dịch Giả: Huỳnh Lý
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu Tầm
Hôm sau, chúng tôi lên đường sớm. Mưa tạnh. Trời xanh. Nhờ gió thổi ban đêm nên bùn đã ráo. Trong các bụi rậm bên đường, chim chóc ca hát vui tai. Mấy con chó nhảy nhót chung quanh chúng tôi. Thỉnh thoảng, Capi lại đứng hai chân quay về phía tôi kêu ăng ẳng hai ba tiếng, nó muốn bảo tôi:
- Can đảm lên! Can đảm lên!
Đó là con chó rất khôn. Nó hiểu hết và làm cho người ta hiểu nó. Nó không nói được, nhưng tôi không nghĩ thế. Chỉ một cái đuôi, nó có thể biểu lộ ra bao nhiêu điều hùng hồn hơn con mắt, cái lưỡi của người nhiều. Vì thế, lời nói trở nên vô ích giữa Capi và tôi; ngay buổi đầu tiên, chúng tôi đã hiểu nhau rồi.
Từ bé đến giờ không bao giờ tôi ra khỏi làng, nên nói đến tỉnh tôi rất thích được đi xem. Nhưng tôi phải thú thực rằng thị trấn Utxen đã làm cho tôi mất hứng. Những ngôi nhà cổ kính có tháp, có lẽ chỉ bổ ích cho những người thích khảo cổ, không làm cho tôi vui mắt chút nào.
Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn kỹ những ngôi nhà đó, không phải để xem xét kiến trúc, vẻ mỹ lệ, mà chỉ để xem trong đó có một hiệu giày nào không?
Đôi giày của tôi, đôi giày mà ông già đã hứa, bây giờ sắp đến lúc tôi được xỏ chân!
Cái cửa hàng đáng quý ấy, cửa hàng sắp bán cho tôi đôi giày mới không biết ở chỗ nào? Tôi chỉ để mắt nhìn cửa hàng đó, còn ngoài ra, nào tháp, nào lầu, nào cột trụ mỹ thuật, tôi chẳng thiết gì.
Vì thế mỗi ký ức độc nhất mà thị trấn Utxen còn để lại cho tôi là cái cửa hàng tường ám khói, trông tối om, ở cạnh chợ. Mặt trước cửa hàng có bày bán nhiều đồ cũ: súng gỉ, áo nhà binh thêu những lon vàng và những ngù vai tua bạc, rất nhiều đèn và một thúng đồ sắt cũ trong đó có vô số khóa hỏng. Phải bước xuống ba bậc, mới vào được trong cửa hàng. Đó là một phòng lớn và thấp, có lẽ từ ngày cất nóc đến nay, mặt trời chưa chiếu vào đây bao giờ.
Sao một vật quý giá như đôi giày lại có thể bán trong cái hiệu ghê tởm này được?
Tuy nhiên, khi bước vào hiệu này. Ông Vitali đã biết rõ là phải được việc, nên một lúc sau tôi được cái diễm phúc là xỏ chân vào đôi giày đế đinh nặng gấp mười lần đôi guốc của tôi.
Tính rộng rãi của thầy tôi đến đó chưa hết. Mua xong giày, thầy tôi còn sắm cho tôi một cái áo vét nhung xanh, một cái quần len và một cái mũ phớt, tóm lại là đủ các thứ mà thầy tôi đã hứa. Một kẻ xưa nay mặc toàn đồ vải, nay có áo nhung, xưa nay chỉ dùng guốc gỗ, nay có giày đế đinh, xưa nay chỉ lấy tóc để đỡ nắng mưa, nay có mũ phớt, thực không ngờ đến. Thầy tôi thực sự là một người tử tế nhất trên đời, một người quảng đại nhất và giàu nhất.
Sự thực thì nhung đã nhàu, len đã sờn, cũng sự thực là khó mà phân biệt được màu sắc của một cái mũ phớt đã trải qua bao phong trần, nhưng lúc đó tôi thích quá thành ra lóa mắt không nhận thấy những khuyết điểm ở bộ đồ mới của tôi.
Tôi mong chóng được mặc quần áo mới. Nhưng trước khi trao quần áo cho tôi, thầy tôi đã sửa nó đi làm cho tôi vừa kinh ngạc vừa đau lòng. Chả là khi về đến nhà trọ, thầy tôi đã lấy kéo trong đẫy cắt cụt hai ống quần đến đầu gối. Thấy tôi nhìn bằng đôi mắt kinh hãi, thầy tôi bảo:
- Việc này cốt làm sao cho con khác hẳn những đứa trẻ khác. Chúng ta đang ở Pháp, ta cho con mặc kiểu Ý. Rồi nếu chúng ta sang Ý, ta sẽ cho con mặc kiểu Pháp, không khó khăn gì.
Tôi chưa hết kinh ngạc, thầy tôi nói tiếp:
- Chúng ta là ai? Là những tài tử phải không? Là những kịch sĩ thì phải gợi tính hiếu kỳ của công chúng, tức là phải làm thế nào cho công chúng chú ý mới được. Con có tin rằng với những bộ quần áo nhà giàu hay dân quê, chúng ta diễn trò, người ta phải đứng lại nhìn chúng ta không? Chắc chắn không? Phải thế không con? Con phải biết ở đời, sự quảng cáo đôi khi cũng cần thiết, điều đó đáng buồn, nhưng ta không thể nào làm khác được.
Vì lẽ đó, có khi mỗi buổi sáng tôi là người Pháp, chưa đến buổi chiều tôi đã là người Ý rồi.
Quần áo cắt cụt đến đầu gối. Bít tất dài của tôi được thầy tôi dùng dây quấn chéo ở ngoài như chiếc xà cạp. Còn mũ của tôi cũng được quấn thêm nhiều dải lụa sặc sỡ và đính thêm một túm hoa bằng len.
Tôi không rõ người ngoài coi bộ dáng đó sẽ nghĩ gì về tôi. Nhưng để tỏ ra là thành thực, tôi xin nói là tôi tự thấy mình oai quá. Mà có lẽ đẹp thật, vì con Capi, bạn tôi, đã ngắm nghía tôi rất lâu và giơ chân bắt tay tôi, lấy làm thích thú lắm. Sự thay đổi hình dạng của tôi không những được Capi khen ngợi mà còn được Giôlicơ vui vẻ tán thành, vì trông khi tôi mặc quần áo, vừa nhăn mặt nó vừa bắt chước bộ diện tôi và cường điệu lên. Khi tôi mặc xong, nó để hai tay lên cạnh sườn, đứng ngả đầu về phía đằng sau gật gù và "cười" lên những tiếng chế nhạo.
Tôi thường nghe người ta nói rằng: thực là một vấn đề khoa học lý thú nếu tìm hiểu xem giống khỉ có biết cười hay không. Tôi tưởng rằng những người nêu ra vấn đề đó là những nhà bác học chỉ biết ngồi trong văn phòng không bao giờ trông thấy con khỉ và để công nghiên cứu giống khỉ. Còn tôi, được sống trong tình thân mật với khỉ, với Giôlicơ, trong một thời gian khá lâu, tôi có thể nói quả quyết rằng giống khỉ biết cười và lắm khi còn chế nhạo tôi nữa. Cái cười của giống khỉ nhất định không giống cái cười của người. Nhưng khi có điều gì làm cho nó hoan hỉ, người ta trông thấy hai bên mí mắt nó híp lại, hai hàm răng nó rung lên, nhất là hai con mắt tỏa ra một tia lửa như hai hòn than hồng được thổi rực lên.
Những dấu hiệu đặc biệt của cái cười đó đã có lần làm cho tôi rất khó chịu. Khi tôi đội mũ xong, ông Vitali bảo tôi:
- Ngày mai là phiên chợ, ta sẽ mở cuộc biểu diễn. Con đã ăn mặc xong rồi, bây giờ chúng ta bắt tay vào việc để đến mai con có thể "nhập nghề".
Tôi tự hỏi, không biết "nhập nghề" là cái gì, thì ông Vitali bảo tôi:
- Nghĩa là con sẽ ra sân khấu lần thứ nhất diễn trò trước công chúng.
Ông nói tiếp:
- Ngày mai là buổi biểu diễn đầu tiên, con sẽ có mặt ở đó. Nay ta dạy con đóng vai trò mà con phải đảm trách.
Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì cả.
- Con ơi, vai trò tức là những việc con phải làm trong buổi diễn. Ta đưa con đi, không phải là cốt cho con cái thú đi chơi, vì ta chẳng giàu có gì. Đưa con đi là để cho con làm việc. Mà việc của con chính là việc đóng trò với đồ đệ của ta. Tôi lo sợ kêu lên:
- Con không biết diễn trò.
- Chính vì thế mà ta phải dạy con. Chắc con cũng biết rằng không phải tự nhiên mà con Capi biết đi bằng hai chân sau, không phải vì khoái chí mà con Đônxơ thích nhảy dây. Chúng phải tập tành khá nhiều và khá công phu mới có được những biệt tài đó và mới trở thành những diễn viên kỳ diệu. Thế thì con, con cũng phải luyện tập những vai trò mà con phải đóng với chúng. Vậy ta phải bắt đầu tập luôn.
Hồi ấy, tôi có một ý nghĩ rất ngây thơ về làm việc. Tôi tưởng tượng đi làm tức là phải cuốc đất, chặt cây, đẽo đá và không biết gì khác nữa. Ông Vitali nói:
- Vở kịch mà chúng ta sắp diễn nhan đề là "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ" hay là "Kẻ đần độn nhất không phải là kẻ người ta tưởng". Đây là cốt truyện: Ngài Giôlicơ từ trước vẫn có một người đầy tớ rất vừa ý là Capi. Nhưng Capi ngày một già yếu, nên ngài Giôlicơ muốn nuôi một người đầy tớ khác. Capi được cử đi tìm người đầy tớ đó, nhưng nó không tìm được một con chó khác để kế chân nó, mà nó tìm một đứa con trai ở nhà quê tên là Rêmi.
- Như con.
- Không như con, mà chính là con. Con ở làng lên tỉnh để giúp việc cho ngài Giôlicơ.
- Nhưng con khỉ làm gì có đầy tớ?
- Trong hài kịch thì có. Con đến nơi, ngài Giôlicơ nhận thấy con có vẻ khờ dại.
- Thế thì chẳng thú vị chút nào.
- Không sao, vì để làm trò cười thôi. Con hãy tưởng tượng con đến một nhà giàu để hầu hạ thực, và họ sai con dọn bàn ăn chẳng hạn. Kia là cái bàn sẽ dùng khi diễn trò. Con lại xem và thử đặt bát đĩa. Trên bàn đó, có mấy cái đĩa, một cái cốc, một con dao, một cái dĩa và một cái khăn ăn trắng. Sẽ phải sếp đặt thế nào nhỉ? Đứng bên cạnh bàn, tôi tự hỏi thế, mặt thuỗn ra, mồm há hốc, đầu cúi về đằng trước, hai tay giơ ra, luống cuống không biết phải làm gì trước. Thầy tôi vỗ tay, cười ngặt nghẽo.
- Hay! Hay tuyệt! Cách vận dụng dung mạo của con khéo lắm. Thằng bé ta nuôi trước con làm hỏng vì coi bộ láu lỉnh quá. Con không khờ khạo, vẻ ngây thơ của con trông rất thích hợp.
- Con chẳng hiểu con làm gì.
- Chính điều đó lại là điều cốt yếu. Đến mai, hay trong vài ngày nữa, con sẽ hiểu rõ những điều mà con sẽ phải làm. Lúc đó, con phải nhớ lại cái điệu bộ bối rối của con bây giờ và làm như con không biết gì. Nếu con diễn lại được cái điệu bộ ngây ngô và cái dáng điệu lúng túng đó, con sẽ được hoan hô nhiệt liệt. Vai của con là phải diễn tả một người quê mùa, chưa trông thấy gì và không biết gì. Anh ta đến nhà một con khỉ, anh ta tự thấy mình ngu xuẩn và vụng về hơn con khỉ. Kẻ ngu hơn con khỉ, đó là vai của con. Muốn đóng cho tốt, con chỉ việc giữ dáng điệu của con như ngày hôm nay là được.
"Người đầy tớ của ngài Giôlicơ" không phải là kịch dài, diễn độ hai mươi phút là xong. Nhưng chúng tôi phải luyện tập và diễn thử đến ba tiếng đồng hồ. Ông Vitali bắt tôi và nhất là những con chó làm đi làm lại mỗi việc đến ba lần, bốn lần, có khi đến mười lần.
Thực vậy, những con chó hay quên một vài phân trong vai của chúng, nên ông Vitali phải bắt đầu dạy lại. Lúc đó, tôi nhận thấy chúng tôi là một người rất nhẫn nại và ôn hòa. Tôi còn nhớ ở làng tôi, người ta đối đãi với con vật một cách khác hẳn. Chửi và đánh là hai phương pháp duy nhất để huấn luyện gia súc.
Việc diễn tập dù phải kéo dài đến bao nhiêu, thầy chúng tôi không hề bực tức một lần nào, không hề chửi rủa một câu nào. Khi không vừa ý, thầy tôi chỉ nghiêm nét mặt mà nói:
- Capi! Hỏng, không được! Còn Giôlicơ! Con không bao giờ để ý cả. Phải mắng bây giờ!
Có thế thôi. Chỉ thế là cùng. Buổi diễn tập xong, thầy bảo tôi:
- Này con! Con xem con có thể theo nghề diễn trò được không?
- Con không biết.
- Con có thấy chán không?
- Không. Con có phần thích.
- Như thế thì tốt lắm. Con có tư chất thông minh và có nết, quý hơn nữa là sự chú ý. Chú ý và dễ bảo thì làm gì cũng được. Con hãy trông những con chó của ta và so sánh nó với con Giôlicơ. Có lẽ con khỉ lanh lợi hơn, nhưng nó rất khó bảo. Nó dễ thuộc, nhưng dễ quên. Nó không bao giờ vui lòng làm những điều ta sai bảo nó, lại hay hục hặc, bướng bỉnh. Đó là bản tính của nó, nên ta không bực tức. Giống khỉ không như giống chó, nó không có ý thức về bổn phận và do đó kém xa giống chó. Con có hiểu không?
- Dạ!
- Vậy con ơi! Con phải chú ý, phải dễ bảo. Phải hết lòng, hết sức vào công việc con làm. Trong đời phải như thế.
- Thầy thực là hiện thấn của sự nhẫn nại. Suốt buổi diễn tập, lúc nào cũng bình tĩnh không hề gắt gỏng với con hay các con vật bao giờ.
Ông Vitali mỉm cười:
- Từ trước đến giờ con chỉ ở cạnh những người dân quê quen tàn nhẫn với loài vật. Họ tưởng muốn sai khiến loài vật lúc nào cũng phải có cái gậy trong tay.
- Mẹ con rất tốt với con Russet.
- Thế là bà ấy biết lẽ phải. Bà ấy sáng suốt hơn mọi người khác, bà hiểu rằng ngọt ngào hơn là hung hãn. Ta không bao giờ đánh những con vật ta nuôi. Chúng sẽ khiếp sợ, sự khiếp sợ làm nhụt trí khôn. Hơn nữa, ta cũng không bao giờ nổi giận lên với chúng, vì nếu ta phải khùng thì ta không phải là ta nữa, ta sẽ không giữ được cái tính kiên trì mà con đã nhận thấy. Chính những kẻ dạy người ta học lại học được nhiều điều. Ta đã cho những con chó của ta bao nhiêu bài học, thì ngược lại, ta đã nhận của chúng bấy nhiêu bài. Ta mở mang trí khôn cho chúng, chúng tu dưỡng tính tình cho ta.
Nghe câu nói lạ, tôi cười.
- Con cho thế là lạ lùng phải không? Một con chó có thể dạy được người? Thế mà thực đấy. Con thử nghĩ xem. Con có nhận thấy rằng một con chó bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của chủ không?
- Điều đó đúng lắm.
- Vì thế, khi đã bắt tay vào việc giao hóa một con vật, người chỉ phải giữ gìn tư cách. Trong khi dạy Capi, giả sử ta phát khùng, phát cáu, Capi sẽ làm gì? Nó cũng sẽ theo gương ta phát khùng, phát cáu rồi thành ra hư hỏng. Con chó thường là tấm gương phản chiếu của người nuôi. Cho ta xem con chó của con, ta có thể bảo con là người thế nào. Quân cướp có con chó ăn cướp, kẻ trộm có con chó ăn trộm. Người quê mùa có con chó thô tục. Người phong nhã có con chó đáng yêu.
Các bạn tôi, ba con chó và con khỉ, được tôi cùng đóng trong trò nên vui thích lắm, chúng chờ ngày mai đến không e sợ gì. Về phần chúng, chúng đã được làm đi làm lại đến trăm, nghìn lần rồi. Còn tôi, tôi không được yên tâm như chúng. Tôi nghĩ ngợi, nếu tôi diễn hỏng, thầy tôi sẽ bảo sao? Khách xem sẽ nói gì? ý nghĩ đó làm tôi rối óc. Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy những người đến xem ôm bụng cười, chế nhạo tôi.
Vì thế, sáng hôm sau, lúc rời nhà trọ ra chỗ diễn, lòng tôi xao xuyến vô cùng. Ông Vitali đi trước, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn, tay ve vẩy, chân bước theo nhịp tiêu ông thổi bài khiêu vũ. Sau ông là Giôlicơ, với bộ nhung phục đại tướng Anh, áo quần đỏ, lon vàng, mũ cao đỉnh cắm một chiếc lông dài, Giôlicơ bệ vệ cưỡi trên lưng Capi. Rồi cách xa một chút để tỏ ý kính trọng, Decbinô và Đônxơ xếp hàng đôi đi sau. Cuối cùng là tôi.
Vẻ rầm rộ của đoàn chúng tôi làm mọi người chú ý. Hơn nữa tiếng tiêu lanh lảnh của thầy tôi lại lọt vào tới tận cùng mọi nhà, gợi óc tò mò của dân phố Utxen. Họ đổ xô ra cửa. Họ vén màn cửa sổ để xem chúng tôi đi qua. Một lũ trẻ con theo sau chúng tôi, cả mấy người nhà quê cũng nhập bọn thành một đoàn dài.
Sân khấu của chúng tôi được dựng một cách nhanh chóng: một cuộn dây chăng xung quanh bốn gốc cây thành một hình vuông dài, chúng tôi ở giữa.
Phần thứ nhất của cuộc diễn gồm có những trò múa của những con chó. Chúng diễn thế nào tôi cũng không biết, vì óc tôi còn mải ôn lại vai trò sắp diễn ra và rất lo lắng. Tôi chỉ nhớ rằng ông Vitali cất ống tiêu vào túi, lấy vĩ cầm ra kéo những khúc khiêu vũ rất nhịp nhàng hoặc những bài êm ái du dương.
Công chúng đến mỗi lúc một đông, chen chúc chung quanh hàng dây chắn. Tôi ngẩng mặt lên, mắt tôi vấp phải trăm nghìn con mắt tò mò nhìn chòng chọc dường như ra những tia sáng chói.
Phần thứ nhất chấm dứt. Capi mồm ngậm cái bát gỗ con, đi bằng hai chân sau, lần lượt tới các quý khán giả đứng chung quanh hàng dây. Khi không có ai ném tiền cho nữa, nó đặt bát xuống sân, lấy hai chân trước kề vào áo khán giả nào dửng dưng, ăng ẳng hai ba tiếng và lấy chân vỗ vào túi quý vị đó như muốn mở ra. Lúc đó, công chúng như cười phá lên, kẻ nói đùa, người chế nhạo:
- Con chó tinh thế! Nó biết người nào túi nặng!
- Thôi, cho ra đi!
- Anh ta sắp cho.
- Anh ta chẳng cho!
- Cho đi! Gia tài chú anh sẽ đền bù cho anh!
Thế là cuối cùng những đồng bạc dù nằm sâu ở đáy túi cũng phải thòi ra.
Trong khi đó, ông Vitali không nói một câu gì, mắt không quên nhìn bát tiền, tay luôn luôn kéo những bài khi nhặt, khi khoan. Lát sau, Capi ngậm bát tiền đầy đem lại cho chủ, có vẻ hãnh diện lắm.
Bây giờ đến lượt Giôlicơ và tôi diễn trò.
Vitali ra hiệu cả bằng tay kéo và tay đàn cho chúng tôi và nói:
- Thưa quý bà, thưa quý ngài, chúng tôi xin tiếp tục buổi diễn bằng một vở kịch vui "Người đầy tớ của ngài Giôlicơ". Một người như tôi không bao giờ tự hạ để khoe hay và khen trước những tài tử của mình. Tôi trân trọng đề nghị một điều là xin quý vị hãy để mắt, để tai vào tấn kịch và sửa soạn tay để hoan hô.
Cái mà ông Vitali gọi là kịch vui đó là một tấn tuồng câm, nghĩa là một bản diễn toàn bằng điệu bộ, chứ không dùng lời. Mà bắt buộc phải như thế, vì một lẽ rất dễ hiểu là hai vai chính trong kịch không biết nói. Và vai thứ ba là tôi, tôi không thể mở miệng nói được hai câu. Tuy nhiên, muốn cho công chúng dễ hiểu ông Vitali giới thiệu và giải thích trước khi mỗi trò sắp ra.
Vừa kéo khúc quân hành, ông vừa giới thiệu lúc Giôlicơ ra sân khấu:
- Đây là ngài Giôlicơ, đại tướng Anh quốc đã thăng quan tiến chức và làm giàu trong thời chiến tranh ở Ấn Độ. Từ trước đến giờ ngài có một kẻ hầu là con Capi. Nhưng ngày nay ngài muốn dùng người để thay thế. Ngài có thừa đủ phương tiện để làm việc xa xỉ đó: những giống vật đã làm nô lệ cho loài người lâu lắm rồi, bây giờ là lúc đổi lại. Trong khi đợi người đầy tớ mới, đại tướng Giôlicơ đi lại chững chạc, miệng ngậm điếu xì-gà lớn. Ngài lại tinh quái nhằm thở khói vào mặt khán giả.
Đợi lâu, đại tướng nóng ruột, ngài bắt đầu trợn mắt lên như sắp nổi trận lôi đình, rồi ngài cắn môi, rồi ngài giậm chân xuống đất. Đến cái giậm chân thứ ba, tôi phải ra trò do Capi dắt. Nếu tôi quên thì có Capi nhớ. Tôi đang bàng hoàng. Capi bỗng giơ chân ra dắt tôi vào cạnh đại tướng.
Vừa nhìn thấy tôi, đại tướng giơ hai tay lên trời, thất vọng. Tìm cho ngài người đầy tớ thế này ư? Rồi, ngài ngửa đầu nhìn kỹ mặt tôi, ngắm chung quanh tôi và so vai lên tỏ ý không bằng lòng. Điệu bộ ngài trông rất ngộ, mọi người đều cười ầm. Công chúng hiểu rằng đại tướng nhận thấy tôi là một kẻ đại ngu ngốc. Mà chính ngay khán giả cũng cho tôi là thằng ngu ngốc.
Vở kịch đã chú ý xây dựng để phô diễn được hết cái ngu ngốc của một người ngu xuẩn. Mỗi một lớp, tôi lại phải tỏ một vài cử chỉ khờ dại, trái lại con Giôlicơ lại có dịp để biểu lộ trí thông minh và tài lanh lợi của nó.
Sau khi đã ngắm nghía tôi từ chân lên đến đầu, đại tướng tỏ ý thương tình và cho tôi ăn. Ông Vitali nói:
- Đại tướng nghĩ rằng khi thằng bé này được ăn no thì nó không ngốc nữa. Chúng ta hãy xem nào.
Tôi vào ngồi cạnh một cái bàn con, trên có đặt đủ bộ đồ dùng để ăn. Trước mặt tôi có một cái khăn đặt trong cái đĩa.
Cái khăn này dùng để làm gì? Capi ra hiệu cho tôi bảo dùng đi. Nhưng dùng thế nào bây giờ? Tôi nghĩ ngợi mãi, rồi cầm khăn lên toan xì mũi vào.
Thấy vậy, đại tướng cười ngạt nghẽo. Capi thất vọng ngã lăn ra, bốn chân chổng lên trời.
Nhận thấy mình nhầm, tôi ngắm nghía cái khăn lần nữa, nghĩ mãi, nghĩ mãi mới ra. Tôi liền cầm khăn cuộn lại thành cái cà-vạt quàng vào cổ. Capi lại lăn đùng ra. Đại tướng lại ôm bụng cười.
Rồi tôi cứ dùng nhầm mãi, đại tướng bực mình lôi tôi ra khỏi ghế. Ngài ngồi vào chỗ tôi, dùng suất ăn đã dành cho tôi.
A! Đại tướng dùng khăn ăn rất thạo! Một cách rất duyên dáng, ngài cài một đầu khăn vào khuyết áo, còn đầu kia trải lên đầu gối. Rồi ngài bẻ bánh và uống rượu một cách rất tự nhiên. Ăn xong, ngài lại không quên dùng tăm xỉa bộ răng trắng ởn.
Tiếng vỗ tay nổi dậy từ bốn phía. Và cuộc diễn kết thúc một cách rất hoàn hảo.
Con khỉ đã thông minh biết bao! Người đầy tớ thực đã khờ khạo biết bao! Khi trở về nhà trọ, thầy tôi không dứt lời khen ngợi tôi. Tôi rất sung sướng đã làm thầy tôi vui lòng.