Chương 2


Số từ: 564
Nguồn: Nhà xuất bản Kim Đồng
Đấy là một thanh niên, không, đấy là một thiếu niên thì đúng hơn, vì Hoài Văn chưa tròn mười sáu tuổi. Bộ áo vóc lùng thùng, chưa bó sát vào tấm thân mảnh khảnh. Tay áo chét theo kiểu nhà võ còn quá rộng so với cổ tay. Hầu vấn khăn nhiễu như người lớn. Nhưng búi tóc còn quá nhỏ, tinh ý mới nhìn thấy được. Những mớ tóc quá ngắn xùm xoà sau gáy và hai bên má. Kể ra thì Hầu là người chóng lớn, như tất cả con trai họ nhà Trần. Với thân hình dong dỏng cao, với khăn áo chỉnh tề, với thanh gươm lớn bên mình, với bước đi nhanh nhẹn, hiên ngang, Hoài Văn làm cho những người mới thoạt nom thấy có thể ngỡ chàng là một bậc vương hầu đã từng xông pha trăm trận. Nhưng khi ngắm chàng tận mặt thì không ai nhầm được cả. Khuôn mặt trái xoan với đôi má phinh phính còn bụ sữa. Nước da trắng mịn óng ánh những lông tơ. Môi dày đỏ chót. Đôi mắt to đen, lòng trắng xanh biếc, vừa trong sáng vừa mơ màng. Đôi lông mày chưa rậm viền cong cong trên mắt làm cho chàng thêm vẻ thanh tú. Hầu xinh như một cô gái. Nhiều vương tôn công tử mong ước được đẹp như Hoài Văn. Nhưng Hoài Văn không thích thứ đẹp ẻo lả ấy. Chàng muốn có cái uy phong quắc thước của Hưng Đạo Vương, cái tài trí của Chiêu Minh Vương, cái sức khoẻ lẫm liệt của Bảo Nghĩa Vương. Chàng muốn có xương đồng da sắt. Chàng muốn xông vào giữa muôn trùng giáo mác, chém tướng giật cờ dễ như trở bàn tay.
Quốc Toản chạy như bắn qua bao nhiêu vườn, bao nhiêu hồ, bao nhiêu toà giả sơn, bao nhiêu lâu đài cung điện, Hầu không biết nữa. Hầu chạy một mạch khỏi Tử Cấm thành, tìm đến quán nghỉ của những người đi theo hầu, hỏi:
- Đức ông đã ra đây chưa?
Một người thưa:
- Đại vương có ra đây, nhưng rồi đi từ tinh mơ.
- Đức ông đi đâu?
- Bẩm, vương tử không biết thì chúng con biết làm sao được. Chỉ thấy đức ông kéo quân ra bến đò. Đức ông có dặn chúng con nói với vương tử phải về Võ Ninh ngay, kẻo phu nhân ở nhà mong. Phu nhân cho đi một tháng, mà vương tử ở kinh thấm thoắt đã hai tháng rồi.
Hoài Văn bậm môi vì tức giận. Chú đưa ta về kinh, nay lại bảo ta về một mình, là nghĩa thế nào? Hoài Văn nói:
- Ta viết một lá thư. Một người mang về trình bà, thưa với bà rằng ta chưa về định tỉnh thần hôn được. Ta còn phải đi gặp đức ông đã.
Giao thư cho một người mang đi xong, Hoài Văn nhảy phắt lên ngựa, cùng đám gia nhân phóng ra khỏi thành Thăng Long. Qua những câu chuyện nghe lỏm được trong cung, Quốc Toản đoán là quan gia hạ giá tới bến Bình Than để bàn việc nước với các vương hầu ở khắp bốn phương về. Hoài Văn vung roi quất ngựa luôn tay, mình cúi rạp trên yên, miệng thét mọi người phi nước đại...
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng.