Chương 5 - 2


Số từ: 5670
Người dịch: Mỹ Linh
Phát hành: Pavicobooks
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn học
--2--

Quỳ nâng Lộ Thân dậy, lại cầm con dao trong tay đưa cho nàng. Trước cử chỉ đầy tín nhiệm và khoan dung của Quỳ, Lộ Thân càng hổ thẹn hơn vì lời nói và hành động khi nãy của mình. Nhưng lúc này nàng cũng không còn tâm trạng đâu mà xin lỗi. Chân tướng mà Quỳ vạch ra khiến nàng nghi hoặc, nàng không hiểu tại sao Tiểu Hưu lại phải sát hại Bạch tiên sinh và người thân của nàng.

Lộ Thân còn nhớ không, trong bữa tiệc hôm nọ, Bạch tiên sinh tới muộn. Khi ông ấy còn chưa tới thì ta đã giới thiệu bản thân với mọi người, cũng tiện thể giới thiệu cả Tiểu Hưu rồi. Khi đó ông ấy không có mặt nên đương nhiên không biết tên của Tiểu Hưu. Sau đó, Tiểu Hưu hỏi ta về mối liên hệ giữa ‘Thái Nhất’ và ‘Đông Hoàng Thái Nhất’, ta khen em ấy hiếu học, còn nói ‘Không uổng công ta chọn cho em cái tên này từ trong Kinh Thi
.’ Bạch tiên sinh đã nghe được câu nói ấy. Xin ngươi chớ quên 'Tử khâm' cũng được trích từ Kinh Thi
, bởi vậy ông ấy hoàn toàn có thể hiểu lầm tên của Tiểu Hưu là ‘Tử Khâm’.


Vậy thì tại sao lại nảy sinh loại hiểu lầm này?


Tiểu Hưu đã lừa ông ấy. Trước khi đẩy Bạch tiên sinh xuống khe núi, Tiểu Hưu từng trò chuyện với ông ấy một hồi. Khi đó, Tiểu Hưu đã nói dối Bạch tiên sinh rằng tên của mình là ‘Tử Khâm’.


Sao Tiểu Hưu phải làm như vậy? E sợ sau khi ông ấy ngã xuống thì vẫn có thể viết tên của mình trong khi hấp hối ư?


Đương nhiên Tiểu Hưu không đoán được rằng, Bạch tiên sinh đã rơi xuống khe núi sâu như vậy mà vẫn có thể viết tên của hung thủ. Em ấy nói dối là vì mục đích khác: Khi đó Tiểu Hưu nhất định phải hiểu rõ hàm nghĩa của hai chữ 'Tử khâm' – Không, nói đúng hơn thì em ấy muốn biết hàm nghĩa của cả bài Tử khâm
, em ấy rất muốn biết rốt cuộc bài thơ này nói về điều gì.


Tiểu Hưu muốn hiểu rõ những điều này là vì… À, ta nhớ ra rồi, là thẻ tre mà chúng ta từng nhìn thấy ở chỗ Giang Ly tỷ!


Chính vì lý do này. Khi rời khỏi nơi ở của Quan Giang Ly, chúng ta đã trò chuyện về tấm thẻ tre ấy, hơn nữa ta còn giải thích ý nghĩa của Lục y
, nhưng lại không giải thích ý nghĩa của Tử khâm
. Ta còn nói với ngươi, ‘Nếu ngươi thực sự muốn biết ý nghĩa của Tử khâm
, ngày mai ngươi có thể đi hỏi Bạch tiên sinh.’ Tiểu Hưu ghi nhớ câu nói này, sau đó em ấy thực sự đã thỉnh giáo vấn đề này với Bạch tiên sinh.


Ta không thể hiểu nổi, tại sao Tiểu Hưu phải…


Chỉ có hiểu được hàm nghĩa của câu thơ kia thì Tiểu Hưu mới quyết định được có nên giết Quan Giang Ly hay không. Nhưng về động cơ giết người của Tiểu Hưu, ta muốn để đến cuối cùng rồi giải thích sau. Bây giờ ta chỉ muốn giải thích một vấn đề, đó là vì sao Bạch tiên sinh lại hiểu lầm tên của Tiểu Hưu là ‘Tử Khâm’, tức là tại sao em ấy lại tự xưng là ‘Tử Khâm’. Theo suy đoán của ta, Tiểu Hưu nói dối như vậy chủ yếu là muốn nêu ra vấn đề mình muốn hỏi một cách tự nhiên, để tránh bị Bạch tiên sinh nghi ngờ. Trên bữa tiệc chuyện em ấy hỏi ta, hẳn là Bạch tiên sinh vẫn còn nhớ, bởi vậy trong mắt ông ấy, tuy thân phận Tiểu Hưu thấp kém nhưng là một đứa trẻ có lòng hiếu kỳ rất lớn. Tuy nhiên, nhỡ Bạch tiên sinh hỏi em ấy tại sao chỉ tò mò về nội dung của bài thơ này, em ấy phải nghĩ ra một nguyên do hợp lý. Vậy nguyên do nào hợp lý nhất, phù hợp với thân phận của em ấy nhất? Quá đơn giản, đó là ta đặt tên cho em ấy là 'Tử Khâm', em ấy hỏi Bạch tiên sinh hàm nghĩa của bài thơ ấy là chuyện bình thường. Bởi vậy Bạch tiên sinh tưởng lầm 'Tử Khâm' là tên của em ấy, rồi viết lời nhắn trước khi chết như vậy.


Có lẽ trong vụ án của Bạch tiên sinh còn giải thích được, nhưng Giang Ly tỷ bị người ta dùng nỏ bắn chết, Tiểu Hưu em ấy biết dùng nỏ thế nào ư?


Khi xem xét nhà kho nơi đặt thi thể Chung phu nhân, ta từng dùng nỏ một lần trước mặt Tiểu Hưu. Em ấy thông minh như vậy, có lẽ chỉ nhìn một lần là có thể học được rồi.


Vậy rốt cuộc vụ án của cô phải giải thích thế nào? Nếu hung thủ là Tiểu Hưu thì làm sao em ấy có thể trốn thoát trước mắt của tất cả mọi người?


Giải thích vấn đề này cần tốn chút thời gian. Sợ rằng còn phải bắt đầu từ vụ thảm án diệt môn bốn năm trước. Trong vụ án ấy, Quan Nhã Anh đã chịu kích thích quá lớn, nên trong lòng tỷ ấy vẫn còn lưu lại vết thương rất nghiêm trọng. Vì vậy trong sự kiện lần này, tỷ ấy không thể được coi như một người làm chứng hoàn toàn đáng tin. Mà thôi, có lẽ ta nên giải thích lại từ đầu thì hơn…


Nhã Anh tỷ…


Tỷ ấy đúng là hung thủ của vụ án bốn năm trước. Lộ Thân, ta hỏi ngươi một vấn đề rất đơn giản: Hôm nay tại sao ngươi lại chọn cách giấu dao trong người để tới gặp ta?


Bởi vì nó dễ cất giấu.


Trong nhà kho còn có rất nhiều mũi tên để ngươi sử dụng, tại sao ngươi không giấu một mũi tên trong người?


Mũi tên quá dài, lại không có vỏ, không thích hợp giấu trên người, dù bẻ gãy một nửa mũi tên thì…


Sao ngươi không nói tiếp đi?


… Tại sao Nhã Anh tỷ phải tự sát bằng một mũi tên gãy?


Cuối cùng ngươi cũng chú ý tới điểm đáng ngờ này. Khi vừa nghe chuyện này, ta đoán rằng tỷ ấy muốn chọn một cái chết giống như Giang Ly, dù sao bọn họ cũng thân thiết như vậy. Nhưng sau đó ta lại nghĩ tới một số điểm đáng ngờ. Nếu suy xét chúng và phương pháp tự sát của Nhã Anh thì có thể đưa ra một kết luận.


Điểm đáng ngờ gì? Kết luận gì thế?


Chúng ta nhìn thấy tấm thẻ tre nọ trong phòng Giang Ly, trên đó có dấu vết bôi xóa sửa chữa, ở giữa chữ ‘ngã’ và chữ ‘tâm’ của dòng thứ ba. Bắt đầu từ dòng thứ ba là nét chữ của Giang Ly, ta không thể hiểu nổi tại sao tỷ ấy không dùng dao sách cạo chữ viết sai đi rồi viết lại như người bình thường, mà viết đè lên chữ viết sai? Lộ Thân, ngươi có nhận ra không, tại nơi ở của Giang Ly và Nhã Anh, chúng ta vốn không nhìn thấy dù chỉ một con dao sách. Không những thế, hôm qua ở trong phòng ta, khi ngươi đột nhiên cầm dao sách đặt trên bàn đi về phía ta, phản ứng của Nhã Anh cũng hơi quá khích. Ngươi cũng nghe thấy rồi đúng không, khi đó tỷ ấy kêu lên ‘Đừng tới đây’.


Rốt cuộc điều này chứng tỏ cái gì?


Chứng tỏ Nhã Anh sợ dao. E rằng thứ đó sẽ gợi ra hồi ức không vui của tỷ ấy – ví dụ như, dùng dao sát hại cả nhà mình.

Lộ Thân rơi vào im lặng trong sự kinh ngạc.

Nhưng lý do khiến Nhã Anh sát hại người thân của mình không phải như tỷ ấy nói – chỉ vì muốn được một gia đình bao dung hơn nhận nuôi. Mà khi hành hung thì tỷ ấy vừa trải qua cơn cửu tử nhất sinh, vô cùng sợ hãi, tỷ ấy sát hại phụ mẫu và huynh đệ của mình bắt nguồn từ mục đích tự vệ. Chúng ta hãy ngẫm lại tình tiết vụ án mà ngươi thuật lại cho ta nhé. Ngươi từng nói bên cạnh thi thể Quan Thượng Nguyên có một thùng gỗ rỗng, còn có một đoạn dây thừng bị cắt đứt buông xuống từ trên cây, cách mặt đất chừng bảy, tám thước. Ta nghĩ từ hai chi tiết nhỏ trên hiện trường này có thể suy ra rốt cuộc nơi đó đã xảy ra chuyện gì.


Ta nhớ một giả thiết mà ngươi từng nói, cho rằng Ký Y tỷ mới là hung thủ. Khi ấy ngươi có giải thích về dây thừng và thùng gỗ, ngươi nói dây thừng là do bá phụ quấn lên cây, để treo Nhã Anh tỷ lên rồi đánh đập. Chuẩn bị một thùng nước là để khi Nhã Anh tỷ ngất xỉu thì dùng nước giội cho tỷ ấy tỉnh lại…


Tuy nhiên giả thiết này không thể thành lập. Suy luận trước đó của ta đã quên đi yếu tố thời tiết. Khi vụ án xảy ra, nếu đặt một thùng nước trong sân thì e là chẳng mấy chốc nước trong thùng sẽ đóng băng, đúng không? Vậy thì không thể dùng được nữa rồi. Sau khi Tiểu Hưu chết đi, ta mới nghĩ ra có lẽ thùng gỗ này còn có công dụng khác.


Tiểu Hưu… Ý ngươi là…


Dây thừng, thùng gỗ, hai thứ này kết hợp với nhau, lời giải thích hợp lý nhất mà ta nghĩ ra chính là điều này: Thắt cổ tự sát. E là phần bị cắt mất của sợi dây thừng kia chính là một cái thòng lọng. Hơn nữa, trước khi thòng lọng bị cắt đi, cổ của Nhã Anh đã nằm trong đó.


Ý ngươi là bá phụ đã..

Đáy lòng Lộ Thân dâng lên dự cảm không lành, khiến nàng ngạt thở. Nàng biết Quỳ sắp nói ra những điều nàng không muốn, cũng không nên nghe tiếp. Qua cái chết của Nhã Anh, lúc này Lộ Thân đã có chuẩn bị tâm lý với việc có thể gặp phải đả kích, dù sao đây cũng là chuyện liên quan đến Nhã Anh từng kề cận bên nàng suốt bao năm, cho dù rất có thể nó là chuyện khủng khiếp nhất trong số những câu chuyện cũ của nhà họ Quan.

Đúng vậy.
Quỳ gật đầu,
E là sau khi quất roi, bá phụ ngươi lại buộc Nhã Anh tự sát bằng cách treo cổ trên sợi dây thừng kia. Dựa theo các phản ứng của Nhã Anh với dây thừng và những thứ tương tự dây thừng, ta không thể không suy đoán như vậy.


Phản ứng của Nhã Anh tỷ?


Quả nhiên ngươi không hề nhận ra. Thứ nhất, tại sao Nhã Anh lại đột nhiên sợ rắn? Có lẽ khi nhìn thấy con rắn hoa quấn trên cành cây, tỷ ấy lại nhớ về ký ức kinh hoàng nào đó. Thứ hai, tại sao khi Ký Y ôm tỷ ấy thì lại bị tỷ ấy đẩy ra? Ta nghĩ khi ấy Ký Y không ôm lấy cánh tay Nhã Anh, mà ôm lấy cổ tỷ ấy. Thứ ba, tại sao trong viện nơi Nhã Anh ở lại không có giếng nước? Nơi ở mà nhà họ Quan tạm thời chuẩn bị cho ta vẫn có giếng nước ở trong viện. Mà nơi ở của Quan Nhã Anh, giếng nước lại ở ngoài viện, vậy thì khi lấy nước để dùng sẽ rất bất tiện. Huống chi Giang Ly còn trồng hoa cỏ trong viện, vậy mỗi lần tỷ ấy muốn tưới cho chúng đều phải xách thùng nước đi qua phòng khách, thế cũng quá phiền phức nhỉ? Thế nên ta nghĩ nơi ấy không có giếng nước cũng là có nguyên do. Vì trên giếng nước nhà họ Quan đều có trục quay, trên trục quay lại có dây thừng quấn quanh. Nếu Nhã Anh sợ dây thừng thì cũng không muốn phải nhìn thấy trục quay có quấn dây thừng trên giếng suốt ngày đúng không? Theo phản ứng của tỷ ấy, nhất là khi Ký Y ôm lấy mình, tỷ ấy tỏ ra kháng cự, ta đưa ra suy đoán thế này: Bá phụ ngươi từng buộc Nhã Anh thắt cổ tự sát.


… Vậy ai là người đã cắt đứt dây thừng?


Có lẽ chính là đường ca của ngươi – Quan Thượng Nguyên, vì hắn bị sát hại dưới tán cây, chứng tỏ khi đó hắn là người ở gần Nhã Anh nhất.


Nhưng điều này vẫn chưa hợp lý. Giả sử Nhã Anh tỷ được Thượng Nguyên ca cứu, tại sao phải sát hại huynh ấy ngay tại đó? Hơn nữa tại sao bá phụ lại muốn buộc Nhã Anh tỷ tự sát, rõ ràng Nhã Anh là con gái ruột của ông ấy cơ mà?


Hai vấn đề này có thể được giải đáp cùng một lúc. Bá phụ ngươi hẳn là không có ý định bức tử Nhã Anh, ông ấy chỉ muốn đe dọa tỷ ấy mà thôi. Nhã Anh từng nhắc đến trong bữa tiệc đấy thôi, tỷ ấy từng nói với bá phụ ngươi về lý tưởng của mình, song không nhận được sự đồng cảm, đây chính là chuyện khi ấy. Bá phụ ngươi nghe Nhã Anh nói xong, sau khi kinh ngạc thì bèn ra tay đánh tỷ ấy, song ông ấy cũng biết làm vậy không đủ để Nhã Anh từ bỏ ý định của mình, thế là, ông ấy dự định để Nhã Anh trải nghiệm cảm giác kinh khủng hơn…

Nghe tới đây, Lộ Thân không khỏi dời mắt đi.

… Lúc đó, ông ấy định để Nhã Anh hiểu được cảm giác sợ hãi khi cận kề cái chết – đầu tiên là buộc Nhã Anh tự sát, lại lệnh cho Quan Thượng Nguyên cắt đứt dây thừng đúng lúc. Bá phụ ngươi nghĩ chỉ cần làm vậy thì Nhã Anh sẽ cải tà quy chính, không còn dũng khí thực hiện lý tưởng của tỷ ấy nữa. Nhưng với Nhã Anh mà nói, sự đả kích này quá nặng nề. Dưới tác động của ý chí cầu sinh, tỷ ấy đã mất đi lý trí. Bởi vậy người đầu tiên bị giết là đường ca của ngươi. Có thể suy luận được rằng, sau khi cắt đứt dây thừng, đường ca ngươi quăng dao găm trên mặt đất, ôm Nhã Anh xuống. Sau cơn kinh hãi, Nhã Anh cầm lấy dao găm, giết chết Thượng Nguyên. Khi nhìn thấy Nhã Anh cầm dao găm lao về phía mình, bá phụ ngươi tự biết rằng tay không thì không thể thắng được, bèn quay người chạy về phía gian chính, định lấy thanh kiếm dài kia. Tuy nhiên tới cửa thì bị Nhã Anh đuổi kịp, lưng bị trúng dao mà chết. Cuối cùng…


Được rồi, Tiểu Quỳ không cần nói nữa.


Sau khi làm xong tất cả, Nhã Anh thay bộ quần áo nhuốm máu ra, đốt nó đi, xử lý hiện trường một cách qua loa rồi chạy về phía nhà ngươi. Trên đây chính là chân tướng của vụ thảm kịch xảy ra vào bốn năm trước.


Nhưng Quỳ, ta không hiểu. Tại sao bá phụ nhất thiết phải làm tới nước này để buộc Nhã Anh từ bỏ lý tưởng của mình?


Lộ Thân, đúng là ngươi vẫn không hiểu. Nếu như cho Nhã Anh thực hiện lý tưởng của tỷ ấy thì sẽ đem lại hậu quả gì cho nhà họ Quan? Ta có thể tóm tắt cho ngươi đó là: Diệt tộc. Mấy năm nay nhà họ Quan ẩn cư nơi núi rừng, chẳng qua là không muốn bị cuốn vào vòng tranh chấp quyền lực, vì tuy đắc thế có thể đạt được vinh quang và của cải, song chỉ cần thất thế là toàn tộc sẽ bị đuổi tận giết tuyệt. Mà Nhã Anh lại một mực theo đuổi điều đó. Có lý tưởng như vậy, song lại sinh trong một gia tộc như thế, khó tránh được việc bị hãm hại. Còn bá phụ ngươi lại là một người lạnh lùng cay nghiệt, ông ấy không coi con cái của mình như một cá thể độc lập, một người sống khỏe mạnh mà chỉ coi như đồ vật do mình sáng tạo ra. Bởi vậy khi nghe Nhã Anh bày tỏ, ông ấy chỉ thấy suy nghĩ của Nhã Anh là lung tung xằng bậy, cho rằng những điều mình đã dạy tỷ ấy đều uổng phí, thậm chí coi Nhã Anh như một thứ phế phẩm mà ông ấy không nên tạo ra. Thực ra mà nói, nếu Nhã Anh không ra tay giết người, lại không muốn từ bỏ lý tưởng của mình, với tính cách của bá phụ ngươi thì tình cảnh ngày đó sẽ còn tái diễn, mà khi ấy, chưa chắc đã có người cắt đứt dây thừng cho tỷ ấy…

Nói tới đây Quỳ khẽ thở dài, không thể nói tiếp nữa. Lộ Thân cũng cảm nhận sự im lặng của nàng, từ trong sự im lặng ấy có thể nhận ra rất nhiều điều mà Quỳ không nói ra miệng: Đó là về sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái, về việc cha mẹ có quyền hủy diệt tư tưởng phản nghịch của con cái hay không, và rất nhiều tâm sự về thân thế của chính nàng.
effeffeffeff
Một lúc lâu sau, Lộ Thân hỏi:

Vậy chuyện khi đó có liên quan gì đến vụ án của cô?


Thực ra sự liên quan này ta cũng đã nói ra rồi. Nhã Anh là một người làm chứng không hoàn toàn đáng tin, vì đã chịu đả kích quá lớn trong vụ việc hồi bốn năm trước nên tầm mắt của tỷ ấy luôn cố gắng tránh né một vài thứ.


Có điều Nhã Anh tỷ đã qua đời, chúng ta không thể xác nhận điểm này với tỷ ấy.


Không cần sự xác nhận của tỷ ấy. Lời chứng của tỷ ấy đã nói lên tất cả. Tỷ ấy đã miêu tả về sự xuất hiện của Tiểu Hưu thế này: ‘Nghe thấy phía sau có tiếng bước chân, quay người lại thì nhìn thấy Tiểu Hưu.’ Lộ Thân, ngươi không thấy câu nói này thật là kỳ lạ ư? Khi ấy Nhã Anh đang đứng đối diện với nhà kho, vị trí ấy gần như tựa sát vào vách núi, nếu tỷ ấy đứng đối diện với nhà kho thì sao tiếng bước chân có thể truyền tới từ phía sau được? Hay đúng hơn là khi ấy thực ra Nhã Anh không đứng đối diện thẳng với nhà kho, mà quay mặt về một hướng khác.


Hướng khác?


Nhã Anh ở phía Nam, nhà kho ở phía Bắc, lối vào hẻm núi ở phía Đông, đường đi tới suối nước ở phía Tây. Mà ban đầu Nhã Anh không nghi ngờ Tiểu Hưu, điều này chứng tỏ hành động của Tiểu Hưu không hề khả nghi. Vậy nên nhất định là em ấy đã đi từ lối vào hẻm núi – cũng chính là phía Đông – tới chỗ Nhã Anh. Tức là, khi ấy chắc chắn Nhã Anh đã quay mặt về hướng Tây, cũng chính là hướng dòng suối.


Tại sao Nhã Anh tỷ lại quay mặt về hướng đó, ở đó đâu có gì?


Chính vì không có thứ gì cả nên tỷ ấy mới quay mặt về hướng đó. Ngươi ngẫm lại đi, phía Đông nhà kho có thứ gì?


Phía Đông… Phía Đông… Ý ngươi là, giếng nước?


Chính xác. Đứng ở chỗ của Nhã Anh thì dù tỷ ấy nhìn về phía Đông hay phía Bắc đều có thể thấy cái giếng kia. Xin đừng quên, trên miệng giếng có trục quay, trên trục quay quấn đầy dây thừng, đó là thứ mà Nhã Anh tuyệt đối không muốn thấy, bởi vậy lúc đó tỷ ấy đành đứng hướng về phía Tây. Như vậy thì dây thừng sẽ không xuất hiện trong tầm mắt của tỷ ấy. Ta nghĩ, sau khi Tiểu Hưu sát hại Chung phu nhân, nghe được tiếng ngươi truyền từ trong hẻm núi, bèn trốn ở sau thành giếng. Tiểu Hưu vốn định nhân lúc mọi người đều đi vào nhà kho thì sẽ rời khỏi đó, thế nhưng Nhã Anh vẫn cứ đứng trước nhà kho. Tiểu Hưu tưởng rằng mình khó mà trốn được, rồi dần dần nhận ra Nhã Anh luôn hướng mặt về phía Tây, chưa bao giờ nhìn về phía mình. Thế là em ấy bí quá hóa liều, đi vòng ra phía Đông của Nhã Anh, cũng chính là sau lưng Nhã Anh, vờ như vừa tới từ nơi ở của chúng ta.


Nếu khi ấy người xuất hiện sau lưng tỷ ấy không phải Tiểu Hưu, có lẽ Nhã Anh tỷ sẽ lập tức sinh nghi, vậy thì Bạch tiên sinh và Giang Ly tỷ sẽ không phải chết, Nhã Anh tỷ cũng…


Đúng thế, tiếc là không ai nghi ngờ Tiểu Hưu, bởi vì dường như em ấy không hề có động cơ để sát hại Chung phu nhân. Cũng chính vì nguyên nhân này mà đến chết Giang Ly cũng không biết được thân phận của hung thủ, cũng không biết động cơ giết người của hung thủ. Di ngôn của tỷ ấy hướng mục tiêu vào sự thay đổi đối tượng tế bái, thực ra đó chỉ là suy nghĩ của cá nhân tỷ ấy, không phải chân tướng của vụ án.

Lộ Thân nhớ lại cuộc đối thoại của Nhã Anh và Quỳ hôm qua:
Đó không phải lỗi của ngươi, Vu Lăng quân, ta không thể trách ngươi được. Huống chi, nguyện vọng của Giang Ly chỉ có thể giao cho ngươi.

Quả nhiên, Nhã Anh, tỷ biết tất cả.


Hôm qua sau khi Nhã Anh tỷ ngăn cản ý đồ tự sát của Tiểu Quỳ, đã nói một câu ‘Vu Lăng quân, xin đừng phụ lòng’, khi ấy trời mưa, ta không nghe rõ đoạn sau. Rốt cuộc Nhã Anh tỷ đã nói điều gì?


Tỷ ấy nói ta đừng phụ lòng cái chết của Tiểu Hưu, cũng đừng phụ lòng Tiểu Hưu đã phạm tội vì ta.


Vì… Tiểu Quỳ?


Đúng, sở dĩ Tiểu Hưu làm vậy, đều là tại ta. Lộ Thân, Chung phu nhân, Bạch tiên sinh và Giang Ly đích thực đều là những người học cao hiểu rộng, ngoài điểm này, bọn họ còn có một điểm chung nữa, mà điểm chung này khá bí ẩn, không dễ nhận ra. Khi nãy ta đã nói, Tiểu Hưu từng thỉnh giáo Bạch tiên sinh hàm nghĩa của bài thơ Tử khâm,
bởi vì chỉ khi hiểu được ý nghĩa của hai câu trích từ Tử khâm
kia, em ấy mới quyết định được có nên giết Giang Ly hay không. Bắt đầu từ điểm này, có thể phát hiện ra điểm chung của người bị hại.


Ta không hiểu.


Tiểu Hưu đã nghe ta giải thích về hai câu thơ do Chung Triển Thi viết, còn nội dung bức thư hồi đáp của Giang Ly, tức là hai câu Tử khâm
, ta lại chưa giải thích hàm nghĩa của chúng, bởi vậy em ấy không hiểu được hồi âm của Giang Ly có nghĩa là gì, nói cách khác em ấy không thể xác định được thái độ của Giang Ly với Chung Triển Thi.


Thái độ nào có thể khiến Tiểu Hưu nảy sinh ý định giết người? Ta vẫn không hiểu.


E là Tiểu Hưu cho rằng, lá thư ấy là sự bày tỏ lòng ái mộ của Chung Triển Thi với Giang Ly.


Đúng thế. Nghe ngươi giải thích hai câu Lục y
mà Triển Thi ca viết ra, quả thực Tiểu Hưu sẽ hiểu như vậy.


Cho nên em ấy muốn biết, liệu Quan Giang Ly có chấp nhận tình cảm này hay không – Nói đúng hơn, em ấy muốn biết liệu Giang Ly có ái mộ Chung Triển Thi hay không.


Nếu Giang Ly tỷ thích biểu ca thì Tiểu Hưu buộc phải sát hại tỷ ấy ư?


Đúng vậy. Nếu Tiểu Hưu nhận định Quan Giang Ly đã đón nhận tình cảm của Chung Triển Thi thì chắc chắn em ấy phải giết Quan Giang Ly. Mà hai câu thơ Giang Ly viết ra, ‘Thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm. Túng ngã bất vãng, tử ninh bất tự âm.’
hôm trước ta từng giải thích rồi, đúng là có thể diễn đạt ý nghĩa là đồng ý đón nhận. Ta nghĩ chắc hẳn Bạch tiên sinh cũng giải thích với Tiểu Hưu như vậy. Thế là sau khi sát hại Bạch tiên sinh, Tiểu Hưu bèn coi Giang Ly là mục tiêu kế tiếp.


Ta vẫn không hiểu, rốt cuộc tại sao Tiểu Hưu phải giết người…


Người bị Tiểu Hưu sát hại đều có liên quan tới một chuyện, đó là – Cấm kị của Vu nữ. Ta đã kể với ngươi rồi, tất cả người Tề bao gồm gia tộc ta đều cho rằng Vu nữ không được quyền yêu và kết hôn, dưới cái nhìn của họ, tình yêu và hôn nhân là điều cấm kị với Vu nữ. Tiểu Hưu cũng cho là thế. Dựa theo quan niệm này, em ấy mới sát hại Chung phu nhân, Bạch tiên sinh và Quan Giang Ly. Tiểu Hưu cho rằng hành vi của Chung phu nhân và Giang Ly đã phá vỡ cấm kị này, còn Bạch tiên sinh thì lại đưa ra lời bàn rằng Vu nữ có thể phá vỡ cấm kị ấy – Đây chính là điểm chung của người bị hại.


Nhưng Nhã Anh tỷ đã nói trên bữa tiệc rồi mà, Vu nữ đất Sở không bị ràng buộc bởi cấm kị này. Khi đó Tiểu Hưu cũng có mặt, em ấy phải nghe được mới đúng.


Tiểu Hưu không để ý tới điều đó, bởi vì mục đích em ấy giết người không phải vì muốn trừng phạt người phá vỡ cấm kị, mà vì muốn… khuyên răn ta.

Lời giải thích Quỳ đưa ra đã vượt qua khả năng phân tích của Lộ Thân.

Thực ra mọi thảm kịch đều bắt nguồn từ vài câu bông đùa của hai chúng ta. Trong bữa tiệc hôm ấy, ngươi múc cho ta một đĩa quỳ muối, ta bảo ngươi tự ăn đi, ngươi lại hỏi ta có ăn luôn được cả ta không. Sau đó ta nói đến chuyện về Khuất Nguyên. Trong lúc đó, chúng ta đã nói mấy câu bông đùa. Lộ Thân, ngươi còn nhớ không?

Ngoài ăn ra thì đâu còn cách nào khiến đối phương trở thành một phần của chính mình nữa?

Yêu một người thì phải khiến người đó trở thành một phần của chính mình ư? Sở thích của Lộ Thân kỳ lạ thật đấy.

Ừ, hoặc là khiến bản thân trở thành một phần của người ấy cũng được.

Điều này thì dễ dàng hơn đó. Chỉ cần làm người ấy tổn thương là được. Ý ta không phải là sự tổn thương về gân cốt da thịt mà là tổn thương trong lòng. Làm một vài chuyện mà người ấy không thể chịu nổi, nói ra những lời mà người ấy không thể tiếp thu, khiến trong lòng người ấy luôn có vết thương do ngươi tạo nên suốt quãng đời còn lại. Vậy thì ngươi cũng đã trở thành một phần của người ấy. Thế nhưng, chỉ vậy vẫn chưa đủ. Dù sao mình vẫn là mình, chưa thể hoàn toàn biến thành một phần của đối phương. Nếu muốn làm tới cùng thì phải khiến bản thân thực sự biến mất mới được.

Dùng cái chết của mình để làm người ấy tổn thương? Lại có người dùng phương thức này để biểu đạt tình yêu của mình thật ư? Nếu vậy mà cũng gọi là yêu thì thực ra thứ tình yêu này chẳng khác gì hận.

Ngươi sai rồi, Lộ Thân. Đây mới là tình yêu mãnh liệt nhất. Những danh thần thời xưa, thẳng thắn can gián, hy sinh vì chính nghĩa là như thế - Dùng cái chết của mình để lưu lại thương tổn trong lòng quân vương, dựa vào đó để đạt được mục đích khuyên răn. Ngũ Tử Tư từng hưng binh diệt Sở đã làm như vậy, mà Khuất Nguyên một lòng muốn phục hưng nước Sở cũng làm như thế. Việc bọn họ tự sát bắt nguồn từ lòng trung quân ái quốc hết mực: Khiến chính kiến của bản thân trở thành một phần trong sinh mệnh của quân vương.


Ta còn nhớ…


Lời nói đùa của ta khi đó, không may đã biến thành cương lĩnh hành động của Tiểu Hưu. Dựa vào suy nghĩ ấy, Tiểu Hưu đã sát hại ba người, cuối cùng tự sát mà chết. Tất cả những điều em ấy làm đều chỉ vì khuyên răn ta chớ có phá vỡ cấm kị của Vu nữ mà thôi.


Rõ ràng Tiểu Hưu ngoan ngoãn, hiền lành là thế, tại sao…


Tất cả đều là lỗi của ta. Tất cả đều vì ta lỡ lời mới tạo thành cục diện hôm nay, mới hại chết tất cả mọi người.
Khuôn mặt Quỳ lại hiện lên vẻ đau đớn như vào buổi sáng hôm qua khi ôm thi thể của Tiểu Hưu, rồi lại rơi nước mắt, giọng nói cũng khản đi,
Dù sao trong bữa tiệc hôm ấy, ta đã nói ‘Hâm mộ Vu nữ đất Sở’ ngay trước mặt Tiểu Hưu, còn nói chẳng qua ta chưa gặp được người mình thích mà thôi. Đêm hôm đó, trên đường tới nơi ở của Nhã Anh, ta lại nói ngay trước mặt em ấy, ‘Ta cũng đã suy xét rất kỹ mới lựa chọn cách sống hiện giờ’, còn nói ‘Nếu một ngày nào đó ta mất hết hứng thú với những thứ này, có khi ta sẽ phản bội lại gia tộc của chính mình ấy chứ’… Lộ Thân, ta đã nói với ngươi, tất cả người Tề, kể cả gia tộc của ta đều tin rằng, nếu ‘Vu nhi’ yêu và kết hôn thì gia tộc của nàng sẽ gặp tai ương, bản thân nàng cũng vô cùng bất hạnh. Tiểu Hưu cũng tin vào điều này, chắc chắn em ấy không mong ta gặp bất hạnh nên mới làm như vậy. Nếu ta phát hiện ra tấm lòng của em ấy sớm hơn một chút thì có lẽ, có lẽ…

Lộ Thân quăng con dao trong tay đi, ôm Quỳ vào lòng an ủi.

Vào đêm Giang Ly tạ thế, ta chợt nghĩ đến giả thiết Tiểu Hưu là hung thủ, đương nhiên ta không cho đây là chân tướng, nhưng vẫn nửa đùa nửa thật nói cho Tiểu Hưu nghe. Kết quả em ấy lại thú nhận rằng, tất cả đều là những tội lỗi mà em ấy đã phạm vì ta. Lộ Thân, ngươi có thể tưởng tượng được tâm trạng khi ấy của ta không? Ta hận không thể lập tức lấy cái chết để tạ tội trước mặt ngươi và người thân của ngươi. Nhưng cuối cùng ta vẫn tha thứ cho Tiểu Hưu. Lộ Thân, ngươi mau buông ta ra, ngươi phải hận ta mới đúng. Khi nãy nếu ngươi đâm một nhát kết liễu tính mạng của ta thì tốt rồi… Bởi vì ta là một người như vậy, khi biết người hầu của mình vì mình mà giết ba người vô tội, ta lại tha thứ cho em ấy mà không hề do dự. Ta bảo em ấy quên chuyện này đi, quên đi việc bản thân em ấy chính là hung thủ sát hại ba người. Ta còn nói, trên thế gian này chỉ ta mới có tư cách trừng phạt em ấy, chỉ ta mới có thể phán xét tội ác của em ấy, rồi thực thi trừng phạt. Bởi vậy ta mới đánh em ấy. Ta chưa từng xuống tay nặng như vậy, đây cũng là lần đầu tiên em ấy khóc khi chịu đòn. Sau đó ta cũng khóc. Ta đã đoán em ấy sẽ chết, đoán được cuối cùng em ấy sẽ chọn phương thức này để hoàn thành sự can gián của mình. Tuy nhiên ta không biết mình có thể làm gì. Ta thoa thuốc trị thương cho em ấy, để em ấy nằm ngủ cạnh ta, lặp lại hết lần này đến lần khác rằng ta tha thứ cho em ấy. Còn em ấy chỉ nói, em ấy rất hạnh phúc vì được trở thành người hầu của ta. Ta sợ ngày hôm sau tỉnh lại sẽ đánh mất Tiểu Hưu, bèn gắng để mình không ngủ quên, nhưng cuối cùng ta vẫn thiếp đi. Trước khi chìm vào giấc ngủ, ta đã ôm chặt lấy Tiểu Hưu, ta tưởng rằng làm vậy thì em ấy sẽ không rời bỏ ta. Song khi ta tỉnh lại, Tiểu Hưu đã không còn ở bên ta nữa…

Thế rồi, Lộ Thân cũng tha thứ cho Quỳ đang khóc thảm thiết trong lòng nàng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Lễ tế mùa xuân.