Chương 11


Số từ: 14911
Dịch giả: Lưu Quang Thuyết
Cổ Nguyệt Books phát hành
NXB Hồng Đức
1

Trời mưa suốt.
Đã tối rồi, từ cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thành phố như chìm trong màn đêm khói mưa mịt mù, giống như một cô gái chùm mạng che mặt. Bạch Bích ngồi lặng lẽ trong phòng, cẩn thận, thong thả bóc lá thư bố cô gửi cho cô. Vừa mở thư ra, cô đã như ngửi thấy có mùi gì từ trong thư từ từ lan toả ra. Đó là mùi của thời gian, giống như mở một chiếc bình ma, tất cả đã được thả ra, nhưng trong bình cất giấu cái gì, thì không ai biết.
Đó là một bức thư còn nguyên vẹn, nó được giữ gìn rất cẩn thận, ngay cả một nếp gấp nhỏ cũng không có. Có thể hiểu rằng, mười mấy năm nay mẹ cô đã nâng niu, cất giữ nó như thế nào. Trong phong bì có đến mười mấy trang giấy, được sắp xếp rất gọn gàng, lại còn theo số thứ tự. Nhưng những trang thư này không bằng nhau, mấy trang đầu và cuối được viết bằng giấy viết thư chuẩn mực, còn mười mấy trang ở giữa hình như đều là giấy xé ra từ một cuốn sổ ghi chép.
Bạch Bích bắt đầu đọc từ trang đầu tiên, trang đầu tiên viết như sau:
Bạch Bích, con yêu:

Khi con đọc lá thư này, bố và mẹ đã vĩnh viễn rời xa con rồi.
Xin lỗi, cục cưng của bố, bố chỉ có thể nói: Xin lỗi.
Bố và mẹ đã phải suy nghĩ rất kỹ mới quyết định nói cho con rõ sự thật. Nhưng hãy tha thứ cho bố mẹ, bố mẹ không thể nhìn vẻ mặt con khi con biết được sự thật, cho nên, chỉ có cách chờ bố mẹ sau khi vĩnh biệt thế giới này, con mới được đọc thư, hãy tha thứ cho bố mẹ.
Con yêu của bố, lúc này, ngoài trời đang mưa. Con đã ngủ say rồi, con ngủ say như thế làm sao biết được nỗi đau khổ trong lòng bố mẹ. Bố đang ngắm nhìn con đây. Con rất đẹp, thực sự rất đẹp, mong rằng sau khi lớn lên con sẽ được hạnh phúc và bình an.
Lúc này bố đang đối diện với trang giấy trắng, thật sự không biết sẽ viết thế nào. Sự việc cứ lần lượt hiện ra trước mắt, nhưng bố không thể viết lại được. Bố chỉ có thể lật giở cuốn nhật ký năm đó, từ những trang giấy đã ố vàng này, con nhất định sẽ biết thêm được nhiều điều. Cho nên, bố xé một số trang nhật ký của bố hồi đó, kẹp vào đây, nó sẽ giúp con hiểu được tất cả những gì bố đã trải qua.

Đọc nhé, đọc tiếp đi, con ngoan của bố, nếu như có thể được, bố sẽ trải cả tấm lòng ra trước mặt con, khi con đọc được những dòng ghi chép này, coi như con đã thấy được tấm lòng chân thực của bố.

Đây là trang đầu của bức thư. Bạch Bích lặng lẽ ngắm nhìn nét chữ bố cô lưu lại, như nhìn thấy bố cô đang đứng ngay trước mặt, nói với cô những tâm sự của lòng mình. Bây giờ, thời gian đã trở nên bất lực, cô như thấy bố mình vượt qua thời gian, bởi vì tình yêu của ông là không giới hạn. Lật qua trang đầu, trang thứ hai là trang ghi chép trong quyển nhật ký, xem ra những trang này còn cũ hơn cả trang thư đầu tiên. Trang thứ hai viết như sau:
Ngày 15 tháng 9 năm 1978.

Thời tiết: Nắng. Nhiệt độ khoảng từ 19 đến 22 độ. Địa điểm: Hồ La Bố.
Sáng nay, chúng tôi khảo sát một quần thể di chỉ cổ đại, quần thể di chỉ cổ này nằm bên một con sông cạn. Hai bên sông có gò cao, men theo các gò cao là những di tích nhà còn sót lại, đồng thời còn phát hiện những cây gỗ hồ dương đứng thành hàng, nhưng tất cả đều đã chết khô. Trong cát phát hiện những đồ gốm bị thiếu các bộ phận, đồng thời đã có hiện tượng bị đào bới. Đội trưởng khảo cổ nói rằng năm đó Marc Aurel Stein đã khai quật ở đây và mang đi nhiều di vật có giá trị. Mặc dù như vậy, nhưng những thứ còn sót lại vẫn rất khiến người ta phải kinh ngạc.
Bỗng nhiên trong tầm nhìn của tôi xuất hiện một kỳ quan ảo ảnh ít thấy trong sa mạc... Nền của ảo ảnh là mộ ốc đảo xanh, có cây cối, có nước chảy, nổi bật hẳn lên giữa hoang mạc mênh mông. Trong ốc đảo xanh đó dần dần xuất hiện bóng một cô gái mặc quần áo màu đỏ. Cô ta có mái tóc đen mượt, nước da trắng, đôi mắt kỳ diệu, vẻ đẹp tuyệt trần. Nhưng ngay sau đó, ảo ảnh lập tức biến mất không để lại dấu vết gì.
Tôi mãi mãi không thể nào quên.
Chúng tôi ăn bữa trưa ngay bên cạnh di chỉ, sau khi ăn xong, chúng tôi trở về đại bản doanh. Nhưng xe của chúng tôi bị hỏng, đội trưởng quyết định cưỡi lạc đà về đại bản doanh. Tôi được sự giúp đỡ của đồng nghiệp cũng cưỡi lên lưng một con lạc đà. Chúng tôi cưỡi lạc đà du hành trong hoang mạc trông giống như thương đội chở tơ lụa đi bán trên con đường tơ lụa cách đây hơn 2000 năm. Đi chưa được bao lâu, bỗng sắc trời thay đổi, một trận cuồng phong thốc tới, cát vàng cuồn cuộn vây kín chúng tôi. Đây là bão cát. Chúng tôi đã gặp phải bão cát, loại bão đáng sợ nhất trong hoang mạc. Tất cả chúng tôi đều phải dùng những mảnh vải để che kín mặt, nhưng những hạt cát nhỏ vẫn không ngừng chui vào lỗ mũi chúng tôi, cát che lấp móng lạc đà, gió làm tôi gần như rơi khỏi lưng lạc đà. Bỗng nhiên con lạc đà hí vang dưới háng tôi, hình như nó cũng bị bão cát làm cho hoảng sợ. Đây là một trường hợp ít gặp vì lạc đà vốn không sợ bão cát, nhưng khi lạc đà bị bão cát làm cho hoảng sợ thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ. Tôi đã không thể điều khiển được nó, cũng có thể là vì tôi không biết cưỡi lạc đà, còn con lạc đà thì chạy như điên theo hướng khác mang theo tôi trên lưng. Những đồng nghiệp của tôi cũng đang run lẩy bẩy trong gió cát khó bảo vệ được chính cả bản thân mình. Tôi không dám kêu cứu, chỉ cần há miệng là cát đua nhau lao vào, tôi chỉ còn cách phó thác cho trời, mặc cho lạc đà mang tôi chạy lung tung. Tôi nhắm nghiền mắt, cố gắng giữ thăng bằng trên lưng lạc đà. Bão cát vẫn tiếp tục hoành hành, gió thổi vù vù bên tai và quét qua má, tôi chỉ cảm thấy dưới thân mình lạc đà đang chạy, khoảng cách ngày một xa. Lạc đà bị hoảng sợ đã chạy với tốc độ như bay không kém gì ngựa phi, khiến toàn thân tôi run bần bật. Không biết bao lâu sau, tiếng vù vù bên tai dần dần vợi đi, lạc đà cũng chạy chậm lại. Tôi mở mắt ra, bão cát đã dừng hẳn, nhìn cảnh vật xung quanh vẫn như cũ, vẫn là hoang mạc mênh mông, chỉ khác là, bây giờ chỉ còn lại một mình tôi. Đất hoang, bão cát và lạc đà không thuần phục đều không làm tôi sợ, điều khiến tôi sợ là... sự đơn độc. Tôi một mình đơn độc giữa sa mạc bao la rộng lớn, không có một người bạn, không biết mình ở đâu, cũng không phân biệt được đông tây nam bắc. Tất cả đều làm tôi tuyệt vọng.
Tôi nhìn ra xung quanh, cả bốn phía đều như nhau, chẳng có gì khác biệt. Đồng nghiệp của tôi bây giờ ở đâu? Có lẽ cũng phải cách đây hàng chục cây số. Lạc đà đưa tôi đi lang thang trên sa mạc, không mục đích. Tôi phát hiện thấy nó cũng chỉ đi loanh quanh luẩn quẩn, ngay cả nó cũng bị lạc đường rồi. Trên người tôi đến cả nước cũng không có, chỉ có một ít lương khô, trong túi còn có một cái máy ảnh đến nay đã trở thành vô tích sự. Tôi không biết mình nên đi về hướng nào, tôi biết rằng lạc đường trên sa mạc đồng nghĩa với việc bị tuyên án tử hình. Trời đã sắp tối rồi, bóng đêm trên hoang mạc vô tình nuốt trọn tất cả. Tôi tranh thủ chút ánh sáng hoàng hôn còn đang le lói, vội vàng lấy nhật ký ra, trong cuốn sổ nhỏ này, tôi ghi lại hết những gì đã xảy ra hôm nay. Có lẽ nhiều năm sau, có người đi qua đây khi phát hiện ra một đống xương trắng, có thể nhìn thấy cuốn nhật ký này, họ sẽ biết tôi là ai, sẽ mang nắm xương tàn của tôi về quê hương. Nhưng tôi vẫn muốn sống, tôi không muốn chết. Phấn, người vợ trẻ mới cưới của tôi đang đợi tôi tại nhà ở Thượng Hải. Không, tôi không thể chết. Nhưng ai sẽ cứu tôi đây?
Tôi vô cùng tuyệt vọng.
Trang thứ ba viết như sau:
Ngày 16 tháng 9 năm 1978.

Thời tiết: Nắng. Nhiệt độ: không biết, có lẽ thấp hơn hôm qua. Địa điểm: Hồ La Bố.
Tôi vẫn còn sống.
Buổi sớm trên hồ La Bố. Khi tôi mở mắt thì thấy mình vẫn ngồi nguyên trên lưng lạc đà. Lạc đà đang thong thả đưa tôi tiến về phía trước. Tôi cảm thấy băn khoăn không biết mình đang ở đâu đây? Cả người tôi như đang tan ra, lại còn cơn khát hoành hành, chỉ có mặt trời đỏ đang từ từ mọc lên trên hoang mạc rọi vào người tôi, cho tôi thêm chút sinh khí.
Nhưng hình như con lạc đà của tôi không đi một mình mà có người đang dắt nó. Tôi ngồi thẳng dậy, nhìn người đang dắt lạc đà phía trước, nhìn từ đằng sau, đó là một cô gái. Tuy thân mình bị che kín bởi chiếc áo lông, nhưng mái tóc tết đen dài đã giúp tôi xác nhận được giới tính của cô. Không nhìn rõ được mặt cô, chỉ có thể nhìn thấy tay cô đang nắm dây thừng lạc đà. Tay cô láng bóng dưới ánh sáng mặt trời đang lên, làm chói cả mắt. Cô đang dắt lạc đà rảo bước lên phía trước trong hoang mạc chói chang ánh mặt trời. Tất cả đều giống như một giấc mơ. Thật không thể nào hiểu được, tôi còn nghi ngờ những điều nhìn thấy chỉ là ảo ảnh, nhưng đây đúng là sự thật. Vậy cô ấy là ai?
Nhìn trang phục của cô, chắc chắn là người địa phương rồi. Tôi lập tức kiểm tra lại trong đầu những từ Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) mà tôi mới học được mấy hôm nay. Mặc dù tôi đã học không ít những ngôn ngữ đã sớm bị lãng quên, những ngôn ngữ này đã từng lưu hành trên mảnh đất này từ nhiều năm nay, nhưng tôi không biết nói thứ ngôn ngữ trước mắt cần phải nói, thật là trớ trêu. Cuối cùng tôi nhớ được một câu tiếng Duy Ngô Nhĩ, đó là một câu chào, đại ý là chào buổi sáng. Tôi hướng về phía cô gái kêu to lên một câu.
Cô gái dừng bước, rồi từ từ quay lại. Trời ơi, đôi mắt, tôi nhìn thấy đôi mắt của cô ấy sao mà đẹp thế, đẹp như nền văn minh Tây Tạng cổ. Mặc dù bị ngược sáng, nhưng tôi vẫn cảm nhận được da của cô rất trắng. Cô có sống mũi cao và đôi môi hơi vểnh lên. Đường nét của cái cằm đặc biệt mềm mại, không tròn tròn như cằm các cô gái Duy Ngô Nhĩ. Cô chừng độ 20 tuổi, một tay cô dắt lạc đà, còn tay kia buông xuôi, lặng lẽ nhìn tôi. Trong mắt cô như ẩn chứa thứ gì đó khiến tôi cảm thấy bất an. Tôi thật không thể ngờ rằng ở một nơi xa xôi như hồ La Bố lại có thể có một người con gái đẹp đến nhường này. Cô bỗng cất tiếng nói:
Cuối cùng anh cũng đã tỉnh rồi.

Tôi không thể tin vào tai mình nữa, tiếng cô nói là tiếng Hán, mà là một thứ tiếng Hán chuẩn mực. Giọng cô vừa hiền hoà vừa thánh thót, ngọt như nước suối trong sa mạc, tôi ngạc nhiên đến mức không biết nói thế nào cho phải.
Cô nói tiếp:
Anh bị lạc đường, vừa nãy em phát hiện thấy anh đang ngủ mê mệt trên lưng lạc đà, nên dắt lạc đà đưa anh về nhà em.


Em đã cứu anh rồi, cảm ơn nhé. Thế nhà em ở đâu?
Tôi hỏi.

Ở trước mặt kia thôi.
Cô chỉ tay về phía trước. Tôi nhìn thấy một cái gì đó mờ mờ, nhưng vì xa quá nên nhìn không rõ.
Tôi gật đầu, cô bỗng nhìn tôi mỉm cười, tôi cũng máy móc cười đáp lại. Tôi bỗng nhận ra, mình là một đấng nam nhi cưỡi lạc đà mà lại để một cô gái trẻ dắt lạc đà, như thế thật là ái ngại. Tôi muốn tụt xuống, nhưng không cử động được vì hai chân tôi đã tê dại.

Anh muốn xuống à? Không cần đâu, anh chắc chắn vẫn còn mệt, vẫn cần ngồi trên lưng lạc đà mà.
Cô quay đầu, dắt lạc đà đi tiếp.
Tôi không biết nói thế nào cho phải, chỉ còn cách hỏi:
Em tên là gì?


Em là Mã Nhã, viết bằng chữ Hán là chữ Vương thêm chữ Mã, Nhã là chữ Nhã trong chữ nho nhã. Còn anh?
Cô vừa đi vừa nói.
Mã Nhã? Tôi thầm nhắc cái tên này trong lòng, nếu như viết bằng tiếng Anh sẽ là MAJA. Hình như có cái tên như thế này, nền văn minh cổ Trung Mỹ dịch sang chữ Hán cũng là cái tên này. Tôi cố không nghĩ nhiều, cứ thực thà trả lời:
Chào em, Mã Nhã, tên anh là Bạch Chính Thu, là đội viên đội khảo cổ. Hôm qua bọn anh sau khi khai quật một địa điểm khảo cổ thì gặp một cơn bão cát. Anh bị lạc đội, không biết làm thế nào lại đến được đây.


Anh là dân khảo cổ? Là đến hồ La Bố đào mộ chứ gì?
Cô nhíu mày hỏi tôi.

Bọn anh đến để bảo vệ di vật, chứ không phải là đến để phá hoại di vật, không đơn giản chỉ là đào mộ.
Tôi muốn uốn nắn cách nói của cô.

Giống như những người châu Âu đến đây từ những năm trước chứ gì?

Tôi giật mình, chắc cô ta đã biết Sven Ahders Hedin và Marc Aurel Stein, có lẽ do dân địa phương lưu truyền lại. Tôi trả lời ngay:
Bọn anh và họ không giống nhau, họ đến để ăn cướp, còn bọn anh đến là để bảo vệ.

Mã Nhã vẫn lắc đầu, nhưng cô lại cười và nói:
Thôi không nói nữa, anh chắc là khát nước lắm rồi.
Cô lấy từ trong người ra một bình nước bằng da cừu, đưa cho tôi, nói nhỏ nhẹ:
Uống đi!

Tôi thật sự không biết nên nói gì, có lẽ đây là truyền thống hiếu khách được hình thành từ cuộc sống đơn độc lâu dài của những cư dân địa phương trong hoang mạc. Trong hoang mạc không có gì có thể quý bằng nước, thế mà cứ đưa cho người lạ uống tự nhiên, có lẽ chỉ có người Hán là ích kỷ nhất. Tôi mở nắp bình, lòng đầy cảm kích. Nước trong bình rất đầy, tôi thong thả nhấp một ngụm, nước thấm ướt môi, tôi vẫn tưởng nước trong hoang mạc phải mặn nhưng không ngờ rằng nước này lại ngọt và trong như thế. Tôi uống thêm một ngụm nữa. Nước từ từ chảy qua cổ họng vào trong người, giống như nước mưa tưới vào ruộng cạn lâu ngày. Tôi thề rằng cả đời tôi chưa bao giờ được uống một loại nước ngon đến thế. Nhưng tôi không dám uống thêm nữa, hai ngụm là đủ rồi, tôi đưa bình nước trả lại cho Mã Nhã.
Mã Nhã lắc lắc bình nước, nói:
Tại sao lại chỉ uống có một chút thế này? Anh đang cần nước mà.


Thôi, uống thế đủ rồi.

Cô cười nói:
Thật không thể hiểu anh nghĩ gì nữa.
Sau đó cô quay đầu, tiếp tục dắt lạc đà tiến nhanh lên phía trước. Cô đi rất nhanh, những bước đi cũng rất dài, không e dè, ngại ngùng như mấy cô gái thành phố. Cô là người con gái khoẻ mạnh, tự nhiên. Tôi có cảm giác chỉ có ở hoang mạc hiếm dấu chân người mới có thể sinh ra được những người con gái như thế này.
Lại đi thêm một đoạn nữa, cuối cùng tôi đã nhìn thấy màu xanh, cái màu này làm tôi phấn chấn hẳn lên, chân tôi không thấy tê nữa. Tôi cố gắng nhảy xuống khỏi lưng lạc đà, đi đến bên cạnh Mã Nhã.

Sao anh nhảy xuống làm gì?


Anh không muốn để người khác nhìn thấy anh cưỡi trên lưng lạc đà còn em thì dắt.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được cái thảm xanh ấy. Thực ra đây là một ốc đảo trên hoang mạc. Một con sông lớn trên sa mạc chảy qua đây, nuôi dưỡng những hàng hồng liễu và những rừng hồ dương tươi tốt. Giữa sông mọc rất nhiều lau sậy, một đàn chim nghỉ ngơi bên sông, dưới sông còn có mấy chiếc thuyền độc mộc. Đi đến bên sông, thấy không còn cảm giác về hoang mạc nữa, mà như đang trở về sông nước Giang Nam. Tại trung tâm ốc đảo, có một thôn nhỏ chỉ có mười mấy nóc nhà được làm bằng đất và lau sậy cộng thêm gỗ hồ dương. Những căn nhà này nằm rải rác, nếu để bảo vệ lẫn nhau thì hơi cách xa. Nhưng những người dân ở đây sống với nhau rất thân mật, đối xử với nhau rất thân thiết. Khi Mã Nhã dẫn tôi đến, họ mang những đồ ăn trong nhà đến mời tôi, làm cho tôi đang đói được ăn một bữa trưa ra trò. Thức ăn chủ yếu là cá, thức ăn phụ còn có một ít thịt cừu khô. Mã Nhã nói, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, ngoài ra còn nuôi thêm cả cừu nữa. Hình dáng của họ sở dĩ không cao to, có lẽ nguyên nhân bởi vì cá là thực phẩm chính.
Nhưng những người ở đây, ngoài Mã Nhã ra không ai biết tiếng Hán. Mã Nhã từ lâu đã đóng vai người phiên dịch của họ. Nhìn bề ngoài thấy họ rất giống người Duy Ngô Nhĩ, nhưng tôi lắng nghe giọng nói của họ thì những ngôn ngữ này không phải ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ. Tôi lập tức nghĩ đến những ngôn ngữ Tây Tạng cổ mà tôi được học, thầm so sánh với thứ ngôn ngữ mà họ đang dùng, quả nhiên có một số từ giống nhau. Có thể ngôn ngữ của họ thuộc về một ngữ hệ khác: ngữ hệ Ấn Âu, cũng chính là chủng tộc Thành cổ Lâu Lan cổ. Thế thì những người tôi gặp là hậu duệ của người Thành cổ Lâu Lan trong truyền thuyết: Người La Bố. Họ đã rời bỏ vùng hồ La Bố khô hạn, di cư đến nơi có nước, sống cuộc sống cách biệt với thế giới. Trải qua những năm tháng dài, đại bộ phận họ đã bị Duy Ngô Nhĩ hoá.
Tôi đánh tiếng hỏi Mã Nhã đường về, tôi rất muốn trở lại đội khảo cổ. Những đồng nghiệp chắc chắn đang rất lo lắng cho tôi. Tôi muốn hôm nay trở về đại bản doanh của mình. Mã Nhã bỗng nhiên cười và nói:
Anh đêm nay muốn trở về à? Thế thì anh sẽ chết khát trong sa mạc. Trên thực tế, không ai có thể ra khỏi được nơi đây. Bốn xung quanh ốc đảo này là sa mạc mênh mông, cho dù có lạc đà cũng chẳng ích gì, bởi vì trong sa mạc mênh mông, lạc đà cũng có thể lạc đường, cuối cùng lại đi loanh quanh, lòng vòng trong sa mạc, cho đến khi chết khát. Cho nên đừng bao giờ nghĩ đến ý định ấy. Ngay cả vì sao anh đến được đây cũng là chuyện ngẫu nhiên thôi. Lạc đà của anh trong bão cát bị mất phương hướng, phi như điên mới đến được đây, do chạy mù trong bão cát nên nó sẽ không tìm được đường về nữa.

Tôi lặng đi một lúc, rồi hỏi cô:
Thế còn đường sông thì sao? Nếu anh đi theo con sông này?


Nếu anh đi theo hạ lưu con sông này, sau một ngày, anh sẽ dấn sâu hơn nữa vào hoang mạc. Ở đó con sông sẽ biến mất. Đây chỉ là một đoạn sông thôi, mà nơi đây chính là đoạn cuối của nó. Nếu anh đi lên phía thượng lưu, anh sẽ đến cao nguyên lạnh lẽo, cuối cùng là núi tuyết, đó chính là A Nhĩ Kim Sơn (A-erh-chin Mountains). Trên thực tế con sông này chính là băng tuyết tan chảy mà thành.


Ý em là anh sẽ mãi mãi chôn chân ở đây?
Tôi hỏi một cách tuyệt vọng.

Không, vào cuối tháng 10 hàng năm, huyện thành cách đây mười mấy dặm, thường cử một đoàn lạc đà đi đến mỗi ốc đảo. Họ mang đến báo chí và bưu kiện, còn có cả một ít hàng hoá bán lẻ, tất nhiên là hàng đổi hàng thôi. Điều quan trọng là họ phái một bác sĩ đi cùng, đến khám bệnh cho chúng em, nhưng mỗi năm chỉ có một lần. Mặc dù ở đây phần lớn mọi người đều không biết chữ, cũng chẳng ai biết viết thư, nhưng chúng em ai cũng mong chờ họ. Mỗi lần họ đến ở đây vui như tết. Chỉ có đội lạc đà này là biết đường vào ốc đảo chúmg em, họ biết tránh những cơn bão cát và những dòng sông cát đổ về nơi đây. Nếu như anh muốn về chỉ còn cách đợi đến cuối tháng 10 sau khi đội lạc đà đến thì đi theo họ.

Tôi cúi đầu, tôi buộc phải tin lời cô, tôi không thể mong ước quá mức. Trong cái thôn nhỏ lạc hậu này, không có bất cứ một loại công cụ thông tin nào từ điện thoại, máy điện báo... có thể có mặt ở đây được. Đây là một nơi cách biệt thế giới. Nếu như hàng năm không có đội lạc đà của huyện thì chắc chắn sẽ không có ai biết đến sự tồn tại của nơi này. Lòng tôi thắc thỏm bất an, tôi nhớ đến Phấn của tôi. Chúng tôi mới cưới nhau được nửa năm nay, cô ấy nhất định đang mong chờ tôi. Còn bây giờ tôi phải đợi ở đây hơn một tháng nữa. Bọn họ chắc cho rằng tôi đã mất tích, hoặc dứt khoát cho rằng tôi đã chết trong bão cát. Nghĩ mãi, nghĩ mãi cả người tôi phát run lên.
Lúc này, trăng đã lên đến đỉnh đầu. Hình như trăng trong sa mạc sáng hơn nhiều so với trăng thành phố. Tôi ngắm nhìn vầng trăng, không nén được nỗi nhớ Phấn. Tôi trở lại căn nhà. Đây là một ngôi nhà đất nhỏ, bên trên lợp lau sậy khô, ngôi nhà này bà con trong thôn sắp xếp cho tôi. Lòng hiếu khách của họ khiến tôi cảm động. Mã Nhã thắp cho tôi một ngọn nến. Năm ngoái đội lạc đà khi đến đây đã tặng họ rất nhiều nến, nhưng ở đây không có ai dùng. Sau đó Mã Nhã rời khỏi căn nhà. Tôi nhìn bóng cô ấy dưới ánh trăng, trong lòng bỗng nhiên hoảng sợ, tim đập loạn xạ.

Tôi lấy nhật ký từ trong túi ra, dưới ánh nến tù mù tiếp tục ghi lại những điều đã nghe thấy, đã nhìn thấy trong ngày.

Bạch Bích đọc nhật ký của bố viết ngày 16 tháng 9 năm 1978, trong lòng không biết có cảm giác gì, nhật ký của ngày này rất dài, viết đủ ba trang giấy. Tiếp theo là trang sáu rồi:
Ngày 17 tháng 9 năm 1978.

Thời tiết: Nắng. Nhiệt độ: không biết. Địa điểm: ốc đảo hồ La Bố.
Tối qua tôi ngủ trên một đống lau khô, tỉnh dậy thấy trên người đắp một tấm chăn bằng da dê. Ai đã đắp cho mình nhỉ? Nếu không có cái chăn này, có lẽ tôi đã bị cảm rồi. Tôi xách chiếc túi của mình đi ra khỏi căn nhà. Bốn xung quanh đều là hồng liễu. Đi qua đám hồng liễu, tôi nhìn thấy các nhà trong thôn đều có khói bếp bay lên nghi ngút trong buổi sáng sớm. Có mấy gia đình trông thấy tôi, họ kéo tôi đi, mặc dù ngôn ngữ bất đồng, nhưng tôi đã hiểu nhiệt tình của họ. Tôi không thể từ chối được, tôi đoán nếu tôi từ chối họ có thể nổi nóng. Tôi chỉ còn cách ăn sáng cùng với họ. Bữa này chủ yếu là thịt cừu, từ trước đến nay tôi chưa bao giờ ăn một bữa chỉ có toàn thịt cừu. Tôi ăn đến nỗi mồm miệng toàn mùi thịt cừu.
Ăn xong bữa sáng ở nhà người khác, tôi cảm thấy như mắc nợ họ điều gì, lòng tôi trống rỗng. Thế là tôi đi ra bờ sông, tôi thấy có mấy người dân đã đẩy thuyền độc mộc xuống sông đánh cá, họ mang theo mái chèo, thả lưới, kiếm về bữa ăn hàng ngày. Tôi thấy vô cùng ngạc nhiên, trên con sông chảy qua sa mạc này sao mà nhiều cá thế, trong đó có những con cá rất to. Tôi là người sinh ra ở Giang Nam nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy cá to và nhiều như thế. Bên sông tôi gặp Mã Nhã. Cô không mặc bộ quần áo bằng da lông thú như hôm qua, mà mặc một chiếc váy màu đỏ, những chiếc váy kiểu này tôi đã thấy những cô gái Duy Ngô Nhĩ mặc ở Urumqi, chỉ khác là chiếc váy cả một màu đỏ rực rỡ thế này thì ít gặp.
Cô mỉm cười với tôi rồi nói:
Anh cảm thấy ở đây thế nào?

Tôi không biết nên trả lời thế nào, đành ngây ra nói lời cảm ơn.

Cảm ơn em để làm gì? Em hỏi anh ở đây anh cảm thấy thế nào?
Cô lại mỉm cười nhẹ nhàng. Một cơn gió nhẹ thổi qua sông, làm trào lên những gợn sóng lăn tăn, lau sậy cũng đung đưa theo làn gió, thổi bay nếp váy của cô.

Anh rất cảm động với tất cả những gì mọi người đã dành cho mình. Em thấy đấy, anh không biết mọi người, chỉ ngẫu nhiên gặp nhau, thế mà mọi người lại nhiệt tình với anh đến thế, thật tình anh không hiểu.


Đúng thế, người Hán các anh không thể hiểu được cuộc sống của những người dân sống trong sa mạc xa xôi chúng em. Thôn chúng em rất nhỏ, không đến hơn trăm nhân khẩu, cả ngày nhìn đi nhìn lại cũng chỉ ngần ấy khuôn mặt. Nếu tình cờ có một khuôn mặt lạ xuất hiện trước mắt chúng em, đối với chúng em đó là một sự may mắn vô cùng. Cho nên, chúng em coi anh như khách quý. Trong con mắt chúng em, anh là người mang đến những tin tức từ bên ngoài sa mạc, cũng là người đã mang đến một niềm hy vọng mới.


Nhưng bản thân anh bây giờ lại là người chẳng có hy vọng gì.
Tôi cười đau khổ.

Đừng nói thế, anh xem, ở đây tốt biết bao.

Tôi nhìn ra xung quanh, một vùng xanh biếc gió hiu hiu thổi. Tôi hài lòng nới lỏng cổ áo, thong thả nói:
Thực sự, ở đây rất tốt, như một thế giới thần tiên.


Không, đối với chúng em đây là mảnh đất sống đời đời kiếp kiếp.
Cô ngước nhìn những lau sậy và hồng liễu xung quanh nói rất tự tin.
Tôi gật đầu nói:
Anh muốn đi thăm bên ngoài ốc đảo.


Được thôi, nhưng anh đừng nghĩ có thể đi khỏi được hoang mạc. Anh đi không thoát đâu!
Mã Nhã đi trước, tôi đi theo sau. Nhìn dáng cô từ phía sau, tim tôi bỗng đập mạnh, đó có lẽ là sự phấn khích bản năng.
Chúng tôi đi xuyên qua rừng hồ dương và hồng liễu rậm rạp, sau đó là một lùm cây, một số người chăn thả gia súc đang chăn cừu. Đi qua rừng cây là sa mạc mênh mông vô tận rồi. Nhìn thấy sa mạc tôi nhẹ nhàng nói:
Đây như một đường biên giới vây bọc bọn em ở bên trong.


Không, đây là tấm lá chắn, nếu như không có đất hoang, có lẽ chúng em đã bị những kẻ xâm lược hủy diệt rồi. Anh xem, những người bọn em ở đây chỉ biết đánh cá, chăn thả gia súc, không biết đến sự hiểm ác của lòng người, không biết đến trên thế giới còn có chiến tranh và máu chảy, rời khỏi hoàn cảnh cách biệt thế giới này, họ sẽ không thể tồn tại.


Sự hiểm ác của lòng người? Lẽ nào em cũng biết?
Tôi có vẻ nghi ngờ hỏi.
Cô nhìn vào mắt tôi, điều đó làm tôi thấy bất an. Ánh mắt cô phát ra những tia lanh lợi, cô nhẹ nhàng nói:
Em đã thấy sự hiểm ác của lòng người. Sau khi cậu em chết, em là người duy nhất ở đây đã từng rời khỏi hoang mạc. Lúc nhỏ, cậu em đưa em đi theo đội lạc đà rời hoang mạc đến ở huyện thành, ở đó cậu em làm cán bộ, em thì học tiểu học. Sau đó em học ba năm trung học cơ sở ở Khố Nhĩ Lặc (Korla). Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, em đến Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) học trung học phổ thông trường chuyên, về sau khi chưa tốt nghiệp trường chuyên em đã về nhà. Cho nên phần lớn thời gian của em là ở bên ngoài sa mạc.

- Bây giờ anh mới hiểu, tại sao em lại nói tiếng phổ thông tốt thế. Thế thì vì sao lại không học nốt trường chuyên?


Bởi vì cậu em chết, cho nên em không muốn ở lại Ô Lỗ Mộc Tề nữa.


Vì sao vậy? Nếu em ở lại Ô Lỗ Mộc Tề, tương lai của em sẽ rất tốt, anh thật tiếc thay cho em.


Tương lai? Em không có hứng thú với tương lai mà anh vừa nói. Em chỉ thích nơi đây, thích sa mạc này, thích ốc đảo phía sau và những người dân ở đây. Họ không ai biết chữ, ngay cả những người về sau đi làm cán bộ như cậu em, cũng phải ra khỏi sa mạc mới bắt đầu học chữ. Em muốn dạy bọn trẻ đi học, biết chữ, cho chúng có tri thức, mặc dù, ở đây hàng năm chỉ có một lần đưa báo chí tới, chẳng nhìn thấy quyển sách nào. Biết chữ đối với chúng cũng chẳng để làm gì, nhưng em vẫn muốn làm như vậy. Bởi vì, có lẽ sẽ có ngày, chúng nó sẽ có cơ hội đi ra khỏi sa mạc. Nhưng khi chúng đi khỏi sa mạc không biết có còn muốn trở lại quê hương nữa không?

Nghe đến đây, tôi cảm thấy trong giọng nói của cô bao hàm cả mâu thuẫn và ưu tư, tôi nhẹ nhàng nói:
Được rồi, chúng nó sẽ trở về thôi. Vì sao hôm qua em lại phát hiện được anh ở ngoài sa mạc?


Bởi vì em thích đi dạo một mình trên sa mạc.


Không sợ lạc đường à?


Đừng có đi quá xa thì sẽ không lạc được. Cái số anh nó lớn, nếu như hôm qua con lạc đà của anh chỉ cần chạy chậm lại một chút, em đã không gặp được anh.
Cô cất tiếng cười vang. Lúc đó mặt trời đang mọc lên ở phía đông, mặt cô trắng ngời lên dưới ánh mặt trời. Tôi ngạc nhiên tại sao da cô không bị ánh nắng nhuộm đen. Ánh mắt cô trở nên hiền hoà, cô nhìn tôi đăm đắm, khiến tôi mất tự chủ, vội lùi lại. Tôi chăm chú ngắm nhìn cô, cảm thấy trước mắt là một bức tranh tuyệt đẹp: Trong sa mạc, phía sau là một ốc đảo, trên đầu là trời xanh tinh khiết, một người con gái đẹp mặc váy đỏ đang ngồi trước mặt tôi. Lúc đó cô hiện lên với vẻ đẹp hoàn mỹ, mà người bình thường không thể có được. Tôi khe khẽ cất tiếng ca ngợi sự sáng tạo của thiên nhiên.
Tôi bỗng nảy ra một ý định, phải giữ lại mãi mãi thời khắc đẹp đẽ này. Tôi lấy máy ảnh từ trong túi ra, nói với cô:
Mã Nhã, anh có thể chụp cho em một bức ảnh được không?


Chụp ảnh à? Được thôi.
Cô lại cười, sau đó sửa lại mái tóc, nói:
Anh xem em bây giờ thế nào?


Đẹp lắm rồi!

Trước tiên tôi kiểm tra lại máy ảnh, tôi chỉ sợ mấy ngày lắc lư, tròng trành có thể làm hỏng máy, nhưng bây giờ xem lại thấy vẫn rất tốt. Tôi cầm máy lên, ngắm ống kính vào cô. Tôi nhìn Mã Nhã qua khung ngắm nho nhỏ, khung ảnh rất đẹp. Tôi chuẩn bị bấm một kiểu bán thân. Trong ống kính khóe môi Mã Nhã hơi cong lên, nhưng không giống như đang cười, cũng không ra một biểu hiện gì. Tôi định nhắc cô cười lên, nhưng nghĩ lại, có lẽ như thế này mới là lúc cô đẹp nhất.
Tôi chỉnh lại cửa ánh sáng, sau đó lấy tiêu cự, mặt Mã Nhã trong khung lấy nét đẹp lắm rồi. Tôi từ từ bấm máy, đưa cái khoảng khắc ấy của cô lưu mãi mãi vào trong phim. Tôi muốn chụp tiếp cái thứ hai, nhưng nhận thấy phim đã hết. Pha chụp vừa nãy là tấm phim cuối cùng. Tôi lấy làm tiếc vì mấy hôm trước đã chụp quá nhiều ở Thành cổ Lâu Lan.
Mã Nhã chạy đến bên cạnh tôi, nói:
Cảm ơn anh, em chụp ảnh không nhiều, trước đây ở Khố Nhĩ Lặc và Ô Lỗ Mộc Tề chỉ chụp mấy bức ảnh chân dung và ảnh tập thể thôi.


Xin lỗi em, vừa nãy chụp là tấm phim cuối cùng rồi.


Không sao, có những thứ không cần nhiều, như thế là quá đủ rồi.
Cô nói với hàm ý sâu xa.

Có những thứ không cần nhiều, như thế là đủ rồi à?
Tôi thong thả nhắc lại câu nói, gật gật đầu, trong lòng bỗng cảm nhận được một điều gì đó.
Tiếp sau đó, chúng tôi đi lăng quăng trong sa mạc. Mã Nhã nuôi một ít cừu, chúng tôi cùng đi chăn cừu trong bụi cây. Buổi chiều cô trở về thôn dạy bọn trẻ học chữ. Không có lớp học, bọn trẻ ngồi học ngoài trời, trên bãi sông, dùng cành cây làm bút, dùng mặt cát làm bảng, còn bọn chúng thì ngồi trên cát. Bài học hôm nay là một bài văn Duy Ngô Nhĩ, tôi nghe không hiểu, chỉ đứng lặng lẽ nhìn cô giảng bài.

Buổi tối, Mã Nhã mang cho tôi hàng trăm cây nến, đều là của bà con trong thôn mấy năm không dùng, để lại. Cô biết đêm nào tôi cũng phải viết nhật ký, thậm chí còn mang cho tôi một ít mực. Lúc này tôi đang ngồi dưới ngọn nến để viết nhật ký của ngày hôm nay.

Nhật ký ngày này cũng vừa đủ ba trang. Bạch Bích sau khi đọc xong, mới hiểu người trong bức ảnh ở cuối tập tài liệu về Thành cổ Lâu Lan bố cô để lại rốt cuộc là ai. Cô lật giở sang trang chín:
29 đến 30 tháng 9 năm 1978.

Thời tiết: Nắng. Nhiệt độ: Đã trở lạnh. Địa điểm: Ốc đảo hồ La Bố.
Tôi đã sống ở đây hơn 10 ngày rồi. Tôi học được một số câu đơn giản của họ. Đây là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, tuy rất giống với ngôn ngữ Tây Tạng cổ, nhưng đã pha lẫn rất nhiều từ Duy Ngô Nhĩ. Mọi người ở đây đối xử với tôi rất tốt, họ gần như thay nhau mời tôi đến nhà ăn cơm. Để báo đáp lại thịnh tình của họ, tôi cũng học cách đánh cá, cùng họ chèo thuyền đi đánh cá, thậm chí còn cùng bọn đàn ông nhảy xuống sông tắm. Độ mười ngày sau, tôi đã gần như thích ứng được với cuộc sống ở đây. Những con người nơi đây sống cuộc sống vô tư thoải mái, không có buồn phiền. Ở đây không có hoạt động chính trị, không có tiền tệ, không có mùi tanh của đồng tiền, con người thuần khiết như nước sông trong sa mạc.
Mã Nhã sống độc thân. Cô ở trong một căn nhà cách căn nhà đất của tôi khoảng hơn 100 mét. Hàng ngày chúng tôi đi dạo cùng nhau, có lúc cùng đi ra sa mạc. Cô muốn tôi nói cho cô nghe những gì xảy ra ở bên ngoài. Tôi kể cho cô nghe tất cả những gì tôi biết, có những sự việc cô tỏ ra rất ngạc nhiên, có những việc cô chẳng hề động lòng. Cô đối với tôi rất tốt, có những đêm trời lạnh, cô mang cho tôi chăn lông cừu. Mỗi buổi sáng hàng ngày đều hỏi tôi tối qua ngủ có ngon không. Tôi rất cảm động, nhưng trong lòng tôi luôn có một nỗi lo lắng thường trực, vì cứ nhìn thấy đôi mắt của cô thì lại sợ đột nhiên mình mất hết lý trí.
Trong nhà Mã Nhã có một số đồ sành sứ. Trên những đồ sành sứ đó có những hình vẽ rất đẹp, cái có hình hoa văn, cái là cảnh người và vật. Những đồ sành sứ này phần lớn đã vỡ, thỉnh thoảng có cái còn rất hoàn chỉnh. Tôi hỏi cô những thứ đó lấy ở đâu, cô hình như không muốn trả lời. Tôi nhận thấy hình vẽ, hình thức chế tác của những đồ sứ này rất giống với đồ sành sứ tìm thấy ở Thành cổ Lâu Lan. Nhìn bề ngoài không có gì khác nhau, những đồ sành sứ này có niên đại từ nhiều năm nay. Tôi thậm chí còn phát hiện thấy trong một số đồ sành sứ có chữ Hán và chữ Kharosthi, trên mặt ghi tên người chế tác. Tuy không ghi thời gian, nhưng những đồ sứ có chữ Kharosthi có thể chứng minh chúng được lưu lại từ thời Lâu Lan cổ. Do ở đây cách biệt thế giới bên ngoài, nên không có người đến mang chúng đi, vậy thì có lẽ vùng này gần với một di chỉ cổ đại.
Buổi chiều, tôi một mình đi ra bên ngoài ốc đảo. Từ góc phía Nam vòng lại một vòng, tôi phát hiện hình như trong hoang mạc thấp thoáng có một con đường. Tôi lần theo
con đường đó
. Có vẻ như mặt đất ở đây bằng phẳng hơn ở xung quanh. Tôi thử vận may, xem đây có phải đường ra vào của lạc đà không. Tôi men theo con đường có sẵn đó tiến về phía trước. Không biết đi được bao xa, cho đến khi nhìn lại không thấy ốc đảo đâu nữa, tôi mới thấy sợ. Nhưng phía trước bỗng xuất hiện một hẻm núi. Khi tôi quyết định quay về thì bỗng phát hiện ở lối vào hẻm núi có mấy mảnh sành sứ bị vỡ. Có lẽ phía trước có người ở, hoặc là có di chỉ. Thế là tôi đi sâu vào hẻm núi. Hai bên dốc núi trọc lốc, nhìn lên chỉ thấy trắng xoá một màu, như chọc vào mắt. Tôi tiếp tục đi sâu vào hẻm núi. Càng đi vào bên trong, dốc núi hai bên càng dựng đứng. Tôi bỗng có cảm giác lạnh. Trong tầm nhìn của tôi dần dần xuất hiện những ngôi mộ, nhưng tôi vừa nhìn đã nhận ra đều là mộ mới, đi tiếp vào bên trong thì thấy càng vào sâu mộ càng lâu năm hơn. Trong đó có những ngôi mộ chỉ nhìn qua hình thức chôn cất đã thấy rất cổ rồi. Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi lại thấy những mảnh sành cổ, hoá ra những đồ sành sứ ở trước cửa nhà Mã Nhã đều từ đây mà ra.
Tôi đi thẳng vào tận cùng hẻm núi, phát hiện thấy một gò đất lớn nằm chắn ngang hẻm núi. Gò đất này cao khoảng 7, 8 mét, chiều ngang tương đối lớn, khoảng trên dưới 20 mét. Đất trên gò màu vàng, không giống như đất màu trắng ở xung quanh và hai bên dốc núi. Tôi đến gần, dùng tay sờ lên đất, chất đất ở đây khác so với đất đá xung quanh, tầng đất cứng, nhìn thấy rõ vết tích do bàn tay con người đầm chặt đất. Thì ra là một công trình do con người đắp nên. Tôi lùi lại mấy bước nhìn xem, thấy hai bên cân xứng nhau, giống như một kim tự tháp. Điều đó làm tôi liên tưởng đến Kim Tự Tháp Trung Quốc ở lăng mộ vương triều Tây Hạ.
Có lẽ đó là một lăng mộ cổ. Tôi ngẩng mặt lên nhìn, bỗng nảy sinh một lòng kính trọng. Trước lăng mộ cổ này, tôi thấy mình nhỏ bé biết bao, giống như cuộc đời ngắn ngủi của tôi, sao có thể so sánh được với lịch sử hàng ngàn năm của nó. Tôi được tận mắt nhìn thấy sự tồn tại của nó đã may mắn lắm rồi. Tôi quyết định ra khỏi nơi đây. Tôi quay trở lại phía sau, đi trên một đoạn đường rất dài nhưng mãi không thấy đến cửa hẻm núi. Tôi hơi hoang mang, phát hiện thấy hẻm núi này có mấy ngả đường không giống nhau, có lẽ tôi đã rẽ sai đường. Tôi cố gắng dựa vào trí nhớ tìm lại con đường mình vừa đi qua, nhưng ở đây chỉ thấy một màu trắng xoá, con đường nào cũng giống hệt nhau, chẳng thể nào phân biệt được. Tôi quay đi quay lại, cuối cùng lại trở về trước mặt gò đất cao to ban nãy. Cũng có thể nói, tôi đi cả nửa buổi cuối cùng vẫn trở về vị trí ban đầu. Tôi lại lạc đường một lần nữa, lần này tôi không thể trách được ai, tất cả là tại tôi. Lúc này mặt trời đang từ từ xuống núi, bóng tối nhanh chóng bao phủ khắp nơi. Trời tối không nhìn thấy gì, không ngờ lại tối nhanh như vậy, tôi chưa kịp có phản ứng gì, thì đã chìm vào đêm đen.
Nỗi tuyệt vọng lại một lần nữa bao trùm lên đầu tôi. Đáng lẽ tôi đã có cơ hội đi cùng đội lạc đà ra khỏi sa mạc, trở về bên Phấn của tôi, nhưng bây giờ, tôi sẽ trở thành đống xương trắng ở đây. Tôi ngồi trước gò đất, ngước nhìn lên trời, không biết có còn cơ hội sống sót nữa không.
Gió lạnh thổi qua người, khiến tôi run rẩy. Tôi biết rằng nằm ngủ ở những nơi hoang dã thế này đồng nghĩa với chết. Nhưng không biết thời gian trôi qua được bao lâu, tôi đã ngủ một giấc thật say. Tôi nằm mơ, mơ thấy một người mang mạng che mặt từ trong mộ cổ đi ra, người đó bóp cổ tôi, khiến tôi nghẹt thở, khi tôi định kêu lên thì giật mình tỉnh giấc. Tôi mở to mắt, trong bóng tối mông lung của bầu trời đêm đầy ánh sao, tôi lờ mờ nhìn thấy một cái bóng cao to, một lúc sau tôi mới có phản ứng. Đó là con lạc đà, con lạc đà của tôi, có người đang cưỡi trên lưng nó.

Dậy mau!
Hoá ra là Mã Nhã. Người cưỡi trên lưng lạc đà là Mã Nhã.
Tôi cố hết sức đứng dậy, đi đến bên chân cô.

Mau lên đi!
Cô đưa tay cho tôi. Đầu óc tôi trống rỗng, còn người tôi thì run lên. Tôi đã bị gió lạnh của chốn hoang dã này làm cho phát ốm. Tôi vội vàng đưa tay ra nắm lấy tay cô. Tôi giật mình, sao một cô gái bé nhỏ mà lại khoẻ như thế. Tôi một tay đu lên tay cô, tay kia bấu vào lưng lạc đà, trèo lên yên. Tôi ngồi đằng sau cô, yên lạc đà rất hẹp, khiến người tôi và người cô ép sát vào nhau, không cẩn thận chúng tôi có thể bị ngã từ trên lưng lạc đà xuống, lúc đó người tôi vẫn như sắp đổ.
Mã Nhã không biết kiếm đâu được cái chăn lông cừu đưa cho tôi, nói:
Khoác chăn vào, anh sắp chết rét rồi đấy!
Tôi chỉ còn biết khoác chăn lên người theo lời cô.
Cô nói tiếp:
Đưa hai tay ôm chặt lấy em, không anh rơi xuống đất bây giờ, nhanh lên!

Đầu tôi đã hơi tỉnh, tôi thấy do dự, nhưng tôi chẳng còn cách nào chống lại mệnh lệnh của cô, thế là tôi ôm thật chặt lấy lưng cô. Eo cô rất thon, nhưng chắc chắn, lại rất ấm.
Bỗng cô quay đầu lại, mắt cô chỉ cách tôi chừng mấy xăng-ti -mét, tuy trời rất tối, nhưng tôi vẫn nhìn thấy ánh mắt hút hồn của cô. Cô lại rướn đầu lên nhìn, hình như là nhìn gò đất phía sau lưng tôi. Trong đêm tối, mắt cô như ẩn chứa thứ gì. Sau đó cô quay đầu lại phía trước.

Được rồi, chúng ta đi!
Cô giục lạc đà rời khỏi nơi đó.
Tôi không dám nhìn cảnh vật xung quanh, trước mắt là màn đêm mênh mông và bím tóc đen của cô đang lay động. Tôi và cô đang rất gần nhau, chính xác là cơ thể của hai người đang dính chặt vào nhau, tay tôi đang ôm chặt eo lưng của cô. Tôi tuy vẫn còn rất lạnh, nhưng nhiệt độ từ người cô truyền sang người tôi, lại thêm cái chăn lông cừu giúp cho cơ thể tôi ấm dần lên. Mũi tôi toàn ngửi thấy mùi cơ thể cô. Đó là một thứ mùi do trời sinh, nó mang hương thơm của lau sậy ven sông.
Tôi bỗng thấy mình thật hạnh phúc, bây giờ nếu chẳng may tôi có chết vì lạnh, thì hạnh phúc này sẽ trở thành vĩnh cửu. Sao tôi lại ngu ngốc đến thế, trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ, nếu như cứ mãi thế này thì tốt biết mấy. Cuối cùng tôi không ngăn được mình, tôi tựa cằm mình vào vai cô, ghé môi vào tai cô nói nhỏ:
Mã Nhã, Mã Nhã.


Đừng nói nữa, em ghét anh muốn chết!
Cô nói nhẹ nhàng, sau đó thò tay ra véo một cái thật đau vào đùi tôi. Tôi đau quá kêu thét lên.

Đau lắm phải không?


Ôi! - Tôi đau đến mức không nói được nữa.

Em xin lỗi!
Tay kia của cô lại xoa xoa lên chỗ vừa bị véo trên đùi tôi.
Hãy nghe em, lần sau đừng đi đến nơi này nữa nhé. Từ trước đến nay chưa ai sống qua nổi một đêm ở đấy đâu. Ở đó chẳng có di chỉ nào cả, chỉ có những ngôi mộ của tổ tiên em mà thôi, ai đánh thức giấc ngủ của họ, người đó sẽ gặp phải lời nguyền muôn đời.


Thật đáng sợ!


Anh biết không? Em đã cưỡi lạc đà đi tìm anh suốt đêm. Em rất lo anh tìm cách rời bỏ ốc đảo, cuối cùng đã chết trên sa mạc. Nếu thế thì em sẽ không bao giờ được gặp anh nữa. Hãy nghe em anh đừng bao giờ đi nhé, hãy ở bên em, mãi mãi và mãi mãi.
Cô vừa nói vừa run rẩy, cơ thể cô như càng ngày càng nóng rực lên.
Tôi không biết nói gì.

Hãy nghe em, mãi mãi đừng xa em.
Mã Nhã thúc giục tôi.
Lúc này trái tim tôi đã hoàn toàn bị cô chiếm lĩnh rồi. Lạc đà tiếp tục đưa chúng tôi tiến lên phía trước, bốn bề là hoang mạc mênh mông. Tôi cứ ôm lấy cô như ôm mẹ mình, tôi như trở lại thời thơ ấu, tôi cảm thấy mình như được sinh ra ở đây, nơi đây như là quê hương của tôi. Tôi ghé miệng vào tai cô nói:
Anh muốn cho đêm nay mãi mãi không tàn. Anh muốn con đường trên sa mạc này càng ngày càng dài ra. Anh muốn lạc đà đưa chúng ta đi đến tận cùng thế giới.


Anh đồng ý rồi chứ?Anh hãy nói lại một lần nữa xem nào!


Anh muốn cho đêm nay mãi mãi không tàn. Anh muốn con đường trên sa mạc này càng ngày càng dài ra. Anh muốn lạc đà đưa chúng ta đi đến tận cùng thế giới.
Tôi bắt đầu nhắc lại câu nói đó, nhắc lại không ngập ngừng vấp váp. Trong sa mạc chỉ có hai người chúng tôi, tiếng tôi vang rất xa, tưởng như ở tận đầu bên kia sa mạc cũng có thể nghe thấy. Cô không nói gì, mặc cho tôi dựa đầu vào vai,chỉ giục lạc đà đi tiếp, cho đến khi chúng tôi về đến ốc đảo, thong thả chui qua một rừng hồ dương.
Khu rừng trước mắt rất rậm rạp, lạc đà không thể đi tiếp được nữa. Chúng tôi cùng nhảy xuống khỏi lưng lạc đà, cùng rơi vào một đám cỏ lau bên bờ sông. Hai đứa chúng tôi ngã xuống đất, bốn mắt nhìn nhau say đắm. Người chúng tôi cứ nóng dần lên, chúng tôi không ngồi dậy, đêm dần trôi, đêm nay tôi không thể làm chủ được mình nữa.
Mã Nhã, Mã Nhã.
Tôi gọi tên cô trong bóng tối, mặc dù cô ở ngay trước mắt tôi.
Cô cũng gọi tên tôi trong bóng tối. Tiếng gọi của cô mang vẻ hoang dã của hoang mạc, vang lên như tiếng hú của con sói độc hành, như muốn nuốt sống tôi. Trong phút chốc, tôi tự nguyện trao cả thân thể mình cho cô. Đó là một đêm cổ xưa và thần bí, tôi và Mã Nhã đều không vượt qua được nó. Linh hồn chúng tôi đã bị nhục thể chi phối, lý trí đã bị dục vọng thiêu đốt, chỉ còn lại chất nguyên thủy nhất là đang hoà quyện vào nhau. Thế là, tôi và em đã phạm một sai lầm vĩnh viễn ngay trước mũi lạc đà.
Đêm dài rồi cũng trôi qua, cơn hồng thủy dục vọng của tôi và em cuối cùng cũng trôi đi theo những gợn sóng nhẹ nhàng lay động của dòng sông. Phía đông bình minh đang lên, Mã Nhã và tôi nằm trên đống cỏ lau lặng lẽ ngắm nhìn ốc đảo tỉnh giấc từ trong bóng đêm.

Mã Nhã vừa nãy chúng ta đã làm gì đấy?
Trong lòng tôi thấy bất an và áy náy hổ thẹn hỏi nhỏ em.

Chúng ta đã làm cái việc thần thánh nhất giữa đàn ông và đàn bà!
Em dịu dàng nói, lúc đó da thịt em càng hồng lên đẹp đẽ.

Cái việc thần thánh nhất?
Tôi bỗng nhớ đến bức tranh Phục Hy Nữ Oa đào được trong một ngôi mộ cổ ở Asidana. Phục Hy tay phải ôm Nữ Oa, Nữ Oa tay trái ôm Phục Hy, hai người tay trong tay, mắt đắm đuối nhìn nhau, bên dưới họ là hình tượng những con rắn quấn quýt lấy nhau. Phục Hy và Nữ Oa là Adam và Eva của người Trung Quốc. Người ta vẽ tranh thể hiện họ vương vấn, quấn quýt nhau, coi đó là khởi đầu của nhân loại. Có lẽ trong mắt Mã Nhã, đây chính là cái việc thần thánh nhất của nam và nữ.
Mã Nhã vẫn tiếp tục thì thầm bên tai tôi:
Cái lúc vừa mới gặp anh, em đã biết, anh sẽ thuộc về em.


Vì sao?


Lẽ nào anh không phát hiện thấy em và những người ở đây không giống nhau sao? Bởi vì, bố em là người Hán.


Hoá ra em là con lai!
Đến bây giờ tôi mới hiểu nguyên nhân vì sao em lại đẹp như vậy. Em là một đứa con lai, con lai giữa một người Hán và một người La Bố hậu Thành cổ Lâu Lan. Trong huyết quản của em vừa có máu của người Thành cổ Lâu Lan cổ, vừa có máu của người Hán. Người lai vốn rất đẹp, cũng rất thông minh, bởi vì họ kết hợp được những ưu điểm chủng tộc, đặc biệt là giữa người da vàng và người da trắng. Người Thành cổ Lâu Lan thực ra là một nhánh của người da trắng Aryan[30]. Có lẽ trong thời Hán, đã có rất nhiều con lai giữa người Hán và người Thành cổ Lâu Lan giống như Mã Nhã. Cho đến bây giờ, chỉ có Mã Nhã là người duy nhất. Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt em, thấy trên cằm và đường viền quanh mặt có phần giống với người Hán, còn mắt, và sống mũi thì thuộc về người La Bố.
Em nói tiếp:
22 năm trước, có một người Hán tự nhiên xuất hiện ở hoang mạc, vì quá khát nước nên gục ngã trên cát, mẹ em nhìn thấy đã cứu ông ta. Về sau ông ta lưu lại đây, sống cùng với mẹ em, sinh ra một đứa con lai, đó là em.


Thế về sau nữa?


Khi em chưa chào đời, bố em đã rời bỏ nơi đây, không ai biết ông đi đâu. Nhưng em có thể khẳng định, ông đã sớm biến thành đống xương trắng trong sa mạc rồi. Mẹ em sinh em chưa được bao lâu cũng bị chết. Em thành đứa trẻ không cha không mẹ. Cậu em đem em về nuôi, lại cho em rời bỏ nơi đây đi học. Khi em còn nhỏ, đã dự cảm sau này sẽ giống mẹ, sẽ yêu một người Hán bỗng nhiên xuất hiện trong sa mạc này. Bây giờ, người đó chính là anh. Đây là định mệnh rồi, khi gặp anh em đã quyết định rồi, anh và em không ai có thể chạy thoát được.


Em không cảm thấy mẹ em rất đáng thương sao?

Sắc mặt Mã Nhã bỗng nhiên trang trọng hẳn lên, em ghé sát mặt vào tôi, nói:
Anh sẽ rời bỏ em chăng? Cũng giống như bố em, để lại mẹ em phải một mình vất vả sinh em và phải chết trong đau khổ.

Tôi ớ người ra, không biết nên trả lời thế nào. Bây giờ tôi mới thấy hối hận, vì sao đêm qua mình yếu đuối thế, tôi đã mất hoàn toàn ý chí. Đêm qua mình đã làm những gì? Tôi bỗng nhớ đến Phấn của tôi. Lòng tôi tràn ngập đau khổ, tôi vội vàng mặc quần áo, ra khỏi bụi lau.
Tôi đến một nơi không có người, lôi cuốn nhật ký ra, viết lại tất cả sự thật.
Ngày 24 tháng 10 năm 1978.
Trời nắng. Thời tiết: Trở lạnh. Địa điểm: Ốc đảo hồ La Bố.
Tôi đến đây đã được bao lâu rồi nhỉ? Từ 15 tháng 9 đến hôm nay đã là hơn một tháng rồi. Tôi đã trải qua một thời gian thần kỳ nhất trong đời. Tất cả cứ như một giấc mơ, một giấc mơ có thật. Tôi đã rất quen với những người dân ở đây. Họ coi tôi như là chồng của Mã Nhã. Ở đây không có pháp luật nào cả, tất cả đều do ước định mà thành. Mọi người trong thôn tổ chức cho tôi và Mã Nhã một lễ thành hôn. Tôi không thể phản đối. Họ rất nhiệt tình. Tôi thấy sợ, cứ định nói cho họ biết mình đã có vợ để cho họ thất vọng, nhưng có khả năng họ không để ý đến chuyện ấy. Tôi đã tận mắt thấy một người đàn bà trong thôn ở với hai người đàn ông, nhưng ở đây họ coi đó là chuyện thường tình. Hôn lễ ở đây hơi khác với hôn lễ của người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có rất nhiều nghi lễ tế thần. Tín ngưỡng ở đây đối lập hoàn toàn với đạo Islam của người Duy Ngô Nhĩ. Trong suốt quá trình tổ chức hôn lễ, tôi không nói một lời, trong lòng tràn ngập sự bứt dứt đau khổ. Phụ nữ hát những lời dân ca La Bố cổ, những lời ca đẹp đẽ này tôi đã từng nghe người Thành cổ Lâu Lan hát, nhưng tôi chẳng còn lòng dạ nào nhớ được nó. Trong mắt tôi, chỉ có đôi mắt của Mã Nhã, tôi không thể không có đôi mắt ấy, nhưng còn Phấn thì sao?
Họ đưa tôi vào trong nhà của Mã Nhã, nhà không to, những người trong ốc đảo đã trang trí lại căn nhà nhỏ đó. Tương phản với vẻ bề ngoài đơn giản, bên trong căn nhà rất sạch sẽ và gọn gàng. Có một cái giường giống như giường đắp đất có lò sưởi, đây là thiên đường khoái lạc của chúng tôi. Cái ốc đảo này chính là vườn Eden của chúng tôi, tôi và em giống như Adam và Eva, Phục Hy và Nữ Oa, sống cuộc sống như tổ tiên xưa.
Đúng vậy, Mã Nhã đúng là một Eva, còn tôi, tôi không phải là Adam.
Rốt cuộc tôi thuộc về nơi nào đây?
Ngày 25 đến 26 tháng 10 năm 1978.
Trời nắng. Thời tiết: Lạnh. Địa điểm: Ốc đảo hồ La Bố.
Hôm nay, đội lạc đà của huyện thành đã đến ốc đảo. Họ men theo con đường trên sa mạc mà chỉ có những đội lạc đà chở hàng xưa kia mới biết được. Họ đi xuyên qua hàng chục km trên hoang mạc không một dấu chân người tiến vào trong thôn. Người trong thôn nhìn thấy họ thì vui như Tết. Họ mang tất cả đồ ăn ngon nhất và lễ vật đến chiêu đãi những người khách của đội lạc đà. Thành viên của đội lạc đà đều là người Duy Ngô Nhĩ. Họ là những người đầy kinh nghiệm trong việc đi lại trên sa mạc, những đôi mắt sắc bén như chim ưng núi. Tôi ngồi cùng với họ, nói chuyện với họ bằng những câu Duy Ngô Nhĩ đơn giản. Tất cả những điều đó đều không lọt qua mắt Mã Nhã.
Đội lạc đà ở lại trong thôn một đêm, sáng sớm mai họ lại lên đường. Khi họ đã chìm trong giấc ngủ say, Mã Nhã kéo tôi đến bên bờ sông.

Ngày mai đội lạc đà lại đi rồi!
Mã Nhã nói nhỏ.

Anh biết rồi!

Mã Nhã cầm tay tôi nói:
Anh sẽ bỏ em chứ?

Tôi không biết nên giải thích thế nào, tôi nói nhẹ nhàng:
Mã Nhã, em hãy tin anh!


Các người đều như vậy, bố em và anh, những người bên ngoài sa mạc, trước sau cũng chỉ là lòng dạ bên ngoài. Hãy chiều em đi, ở lại đây với em, em không thể mất anh, em muốn anh mãi mãi ở bên em.


Nếu anh không ở lại được thì sao?


Thì em sẽ chết!
Mã Nhã trịnh trọng nói.
Tôi lặng đi, tôi không biết trả lời sao nữa. Tôi nhìn vào mắt em, oi đôi mắt sao mà mê hồn, tôi không thể chống lại được. Nhưng lòng tôi đã quyết.
Tôi đưa tay ra ôm Mã Nhã vào lòng, nhẹ nhàng:
Chúng ta mãi mãi bên nhau, mãi mãi bên nhau.

Mã Nhã nhắm nghiền mắt lại, ôm lấy tôi thật chặt, miệng lẩm bẩm:
Đừng đi, đừng đi!
Tôi thấy những giọt nước mắt từ từ lăn xuống trong đôi mắt nhắm nghiền của em.
Sau đó là đêm cuối cùng của tôi trong vườn địa đàng.
Khi trời tang tảng sáng, Mã Nhã còn đang say giấc nồng. Tôi nhẹ nhàng đặt em xuống đống cỏ lau, kéo hai cái chăn lông cừu đắp cho em, rồi lặng lẽ chia tay. Tôi nhìn em lần cuối, không biết tương lai có còn gặp lại em nữa không. Em đẹp quá, đẹp có một không hai trên đời. Tôi cuối cùng cũng đành phải mất em. Tôi đi vòng qua bụi lau và rừng hồ dương. Bên cạnh ốc đảo, đội lạc đà đã chuẩn bị xong xuôi đang chờ xuất phát. Mặt trời đằng đông hé rạng, mọi người nhìn tôi bằng cặp mắt của chim ưng núi. Tối hôm qua, tôi đã nói hết với họ, nhờ họ dẫn qua sa mạc, trở về huyện thành. Tôi leo lên lạc đà của họ, rồi quay đầu nhìn lại ốc đảo, nhưng sau đó tôi lại ngoảnh mặt đi, tôi không dám nhìn nữa. Có thể lúc này Mã Nhã của tôi đã tỉnh dậy, không thấy tôi, em sẽ chạy đến đây tìm. Không, tôi không muốn nhìn thấy dáng vẻ đau thương của em. Tôi giục người đội trưởng mau khởi hành. Theo lệnh của đội trưởng, đàn lạc đà chở chúng tôi bắt đầu rời khỏi nơi đây, bước đi trên con đường sa mạc cuồn cuộn cát vàng.
Trước mặt là đất hoang mênh mông.
Không, đó là vườn địa đàng của tôi.
Không, đó là Mã Nhã của tôi.

Lúc này đây, tôi nước mắt lưng tròng, ngồi trên lưng lạc đà viết nhật ký.

Tiếp sau đó nhật ký của bố Bạch Bích đã chuyển đến một năm sau. Bạch Bích lặng lẽ đọc những dòng chữ đã vàng ố, lòng cô như hoà vào nước mưa đang rơi ngoài cửa sổ.
Ngày 18 tháng 10 năm 1979.

Trời nắng. Nhiệt độ: Từ 12 đến 19 độ C. Địa điểm: Đại bản doanh đội Khảo cổ liên hợp hồ La Bố.
Đã một năm trôi qua, tôi trở lại nơi đây. Nhớ lại những chuyện cách đây một năm, lòng tôi đầy đau khổ, không thể nào kể xiết.
Hôm nay chúng tôi sẽ tham gia kết thúc đợt khảo cổ Thành cổ Lâu Lan. Đây là lần thứ hai tôi có mặt ở đây. Buổi chiều, chúng tôi trở về đại bản doanh của đội Khảo cổ liên hợp, thực ra nơi đây thuộc khu vực bảo vệ dọc ven hồ La Bố của một trung đoàn bộ đội. Tôi và Phấn ở trong lều bạt đơn giản. Đúng ra Phấn không được đến đây, điều kiện ở đây rất gian khổ, hầu như không có người phụ nữ nào, thực tế nó không phù hợp với Phấn. Nhưng cô rất náo nức với sự kiện tôi bị mất tích một năm trước, muốn cùng tôi đi một chuyến xem sao, cô còn viết rất nhiều đơn đề nghị gửi lên cấp trên. Tôi không ngăn được Phấn, đành phải chiều theo nguyện vọng của cô ấy. Nhật ký của tôi được cất giấu cẩn thận, xưa nay tôi chưa bao giờ khoá nhật ký, nhưng tôi tin rằng Phấn sẽ nghe lời tôi, không bao giờ tự ý đọc nó. Cho nên đến tận bây giờ, cô ấy vẫn tin vào những lời nói dối của tôi. Mặc dù tôi đã kể cho Phấn nghe tất cả những chuyện tôi đã trải qua, gặp bão cát, bị lạc đội khảo cổ, rồi đến sống hơn một tháng ở ốc đảo trong sa mạc, nhưng tôi đều bỏ qua Mã Nhã. Về cơ bản tôi không nhắc đến Mã Nhã, mọi người kể cả Phấn cũng không biết đến sự tồn tại của Mã Nhã. Tôi không dám nói hết sự thật với Phấn, tôi sợ cô ấy không chịu nổi khi biết tôi còn có người con gái khác. Tôi chỉ muốn quên đi tất cả, cùng với Phấn làm lại cuộc đời. Nhưng đã gần một năm nay, tôi không thể nào quên được vườn địa đàng của tôi. Mỗi khi đêm về, cho dù có Phấn nằm bên cạnh, nhưng tôi vẫn mơ về Mã Nhã. Lẽ nào tôi và Phấn lại thật sự đồng sàng dị mộng? Tinh thần tôi luôn mơ mơ màng màng, có lúc bên tai văng vẳng mấy âm tiết cổ. Thậm chí tôi còn cho rằng mình bị suy nhược thần kinh. Hàng ngày hàng đêm đều bị áp lực về mặc cảm tội lỗi, tôi muốn xin lỗi Phấn, càng muốn xin lỗi Mã Nhã. Tội lỗi của tôi rất lớn, tôi cần phải sám hối. Đêm nay, Phấn một mình ở bên cạnh tôi, cô ấy đã nhận thấy sự khác thường của tôi, có lẽ cô đã linh cảm thấy điều gì. Nhìn mắt cô, tôi không thể chịu đựng nổi nữa, tôi không thể tiếp tục làm tổn thương cô ấy, chỉ có cách kể hết sự thật với cô ấy tôi mới lấy lại được sự bình yên trong tâm hồn. Cuối cùng, trong chớp nhoáng tôi đã quyết định kể hết chuyện của tôi và Mã Nhã cho Phấn nghe. Tôi không biết tôi đã kể như thế nào, tất cả cứ như trong mộng. Tóm lại, tôi kể cho Phấn nghe hết những điều tôi cất giấu trong lòng, không để lại điều gì kể cả tâm trạng tôi lúc đó. Sau khi biết tất cả sự thật, Phấn rất đau khổ. Cô trầm lặng hồi lâu, cuối cùng đúng như tôi dự đoán, đã tha thứ cho tôi. Cô yêu cầu tôi đưa đi gặp Mã Nhã, cô muốn tận mắt nhìn thấy người con gái đã làm cho tôi đánh mất cả linh hồn, cũng đồng thời tạo điều kiện cho tôi một cơ hội đền bù. Lúc đầu tôi không đồng ý, nhưng về sau có lẽ do một sức mạnh thầm kín nào đó khiến tôi quyết định đi tìm Mã Nhã. Tôi mang cả Phấn cùng đi. Đem tất cả những chuyện về Mã Nhã nói ra, đối với tôi tuy rất đau khổ nhưng là một trách nhiệm không thể chối bỏ.
Đêm nay, tôi đã nhìn thấy nước mắt của Phấn.
Ngày 22 đến ngày 23 tháng 10 năm 1979.
Trời nắng. Nhiệt độ: 11 đến 16 độ c. Địa điểm: Vùng ven hồ La Bố.
Tôi và Phấn đang cưỡi trên lưng lạc đà, cùng với đội lạc đà năm ngoái đưa tôi ra khỏi ốc đảo từ từ tiến vào hoang mạc.
Chúng tôi xuất phát từ Đại bản doanh của đội Khảo cổ liên hợp. Trước tiên phải xin phép cấp trên, sau đó đi bộ ba tiếng đồng hồ đến một thị trấn nhỏ ở ven con đường vào sa mạc. Ở đó có một con đường đi xuyên qua. Chúng tôi thuê được một chiếc xe tải, chạy được độ mấy tiếng đồng hồ thì đến một huyện lỵ nhỏ ở Tây nam sa mạc. Sau lại đợi ở đó mấy ngày cho đến đúng ngày năm ngoái đội lạc đà đưa tôi ra khỏi ốc đảo giữa hoang mạc xa xôi.
Cuối cùng, chúng tôi đã có thể nhìn thấy từ xa những lùm cây xanh biếc. Lòng tôi bỗng trào dâng cảm xúc lạ thường. Vườn địa đàng của tôi vẫn nằm lặng lẽ ở đây, còn Mã Nhã của tôi đâu? Tôi quay đầu lại nhìn Phấn, vẻ mặt cô ấy cũng mơ màng.
Chúng tôi tiến vào ốc đảo, những người La Bố cổ vẫn giống như năm ngoái tôi đã gặp, nhiệt tình ra đón đội lạc đà. Nhưng họ nhanh chóng nhận ra tôi, tôi phát hiện thấy thái độ của họ đối với tôi khá lạnh nhạt. Đặc biệt là ánh mắt họ, như vô cùng thất vọng về tôi. Phấn đứng sát bên cạnh tôi, thế là họ cũng lạnh nhạt với cả cô ấy. Nhưng họ không đuổi tôi đi như tôi đã từng lo lắng, họ vẫn mang thực phẩm và nước uống cho chúng tôi, nhưng không ai nói chuyện với tôi cả, nhìn thấy tôi là lảng tránh ra xa. Tôi biết trong con mắt họ, tôi là một người thất tín, là một kẻ có tội.
Lúc đó Phấn đứng bên cạnh tôi nói:
Đi xem Mã Nhã của anh thế nào đi.

Tôi thấy rất cảm động, cầm tay cô ấy nói:
Phấn, anh xin lỗi em.
Tôi dẫn cô ấy đến cổng nhà Mã Nhã. Tôi nhìn căn nhà đất nho nhỏ ấy, đây đã từng là thiên đường khoái lạc của tôi và Mã Nhã. Phấn bỗng nói:
Anh vào một mình đi, em đợi ở ngoài này.


Không, em cũng vào đi, anh sẽ nói rõ mọi chuyện.


Nhưng đây là chuyện của anh và Mã Nhã.


Còn em là nạn nhân.
Tôi nắm lấy tay Phấn.

Cô ấy cũng thế.

Tôi chẳng có lời nào để cãi lại, đành một mình bước vào nhà. Trong nhà mọi thứ vẫn như cũ, vẫn giống như trước lúc tôi bỏ đi. Trên chiếc giường đất, Mã Nhã đang nằm lặng lẽ, trên người cô đắp một chiếc chăn lông cừu, bên cạnh có hai bọc tã lót. Tôi nhìn thấy có hai đứa trẻ độ mấy tháng tuổi nằm trong đó.
Tôi như bị sét đánh ngang tai, tôi hiểu ngay đó chính là hậu quả do tôi gây nên. Mã Nhã nhìn tôi ánh mắt vẫn như hút hồn người, khiến tôi không dám nhìn tiếp nữa. Nhưng tôi không thể không nhìn em, sắc mặt em không giống như trước, nó trắng bệch, nhìn biết ngay là thiếu máu, em nằm im dưới tấm chăn lông cừu, không hề động đậy, như một người con gái đã chết.
Cuối cùng em cũng cất tiếng nói:
Anh đến rồi à?
Giọng em khàn khàn, cái âm thanh dịu dàng êm ái trước kia đã không còn nữa.
Tôi ngẩn người đứng trước mặt em, lặng đi hồi lâu mới nói:
Mã Nhã, anh xin lỗi!

Mã Nhã hơi lắc đầu, giọng nói yếu ớt:
Hãy nhìn con gái anh đi, em sinh cho anh hai bé gái sinh đôi!


Đây là con gái anh à?

Mã Nhã gật đầu. Tôi nhẹ nhàng quỳ xuống ngắm hai đứa bé, chúng đang ngủ ngon lành. Bây giờ chưa biết chúng giống ai, nhưng tôi tin chúng là con gái tôi, trong phút chốc gặp lại ba mẹ con, tôi đã có cảm giác như vậy. Cảm giác ấy cứ quấn lấy trái tim tôi. Tôi không cầm được nước mắt, không muốn nhìn nữa, tôi quay mặt đi, khẽ nói:
Mã Nhã, anh có tội.


Cho chị ấy vào đi, đừng đứng ở ngoài ấy, kẻo người khác nhìn thấy lại bảo em hẹp hòi.


Em nói ai cơ?


Vừa nãy em đã nghe hết câu chuyện của hai người ở ngoài cửa rồi. Đó là vợ anh đúng không? Nếu như anh chưa có vợ, em tin rằng anh sẽ không bao giờ rời bỏ em. Để chị ấy vào, em muốn nhìn thấy chị ấy.
Giọng em như phải cố hết sức, rồi cứ nhỏ dần đi.
Tôi gật đầu, quay ra đưa Phấn vào nhà.
Mã Nhã của tôi và Phấn của tôi lần đầu gặp mặt. Họ nhìn nhau, không nói một lời, trong mắt Mã Nhã không có ánh nhìn thù hận như tôi lo lắng, em bình tĩnh gật gật đầu, sau đó nhẹ nhàng nói:
Chào chị, hoan nghênh chị đã đến làm khách ở ốc đảo chúng tôi.

Phấn không biết trả lời thế nào, bối rối nói:
Chào chị. Tôi là Phấn, vợ Bạch Chính Thu!

Mã Nhã lại chuyển ánh mắt sang tôi, em chậm rãi nói:
Thực ra em cũng có lỗi với anh, có một chuyện này em muốn nói với anh. Sau khi anh đi, em đã vô cùng đau khổ, đã lấy danh nghĩa của tổ tiên mình mà thề độc, nguyền rủa anh sẽ chết vào ngày sinh nhật lần thứ 40.

Tôi lắc đầu, nói:
Thôi, bỏ đi!


Không, lời nguyền của em không phải là để đùa. Em xin lỗi, lời nguyền một khi đã phát ra, thì không bao giờ có thể thu hồi lại được, đây là lời nguyền vĩnh hằng, anh hãy nhớ, là vĩnh hằng. Anh sẽ chết vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 40 của anh, đây là điều đã được định sẵn.
Mã Nhã nói với vẻ vô cùng chắc chắn.

Đừng nói nữa, Mã Nhã!

Cô đột nhiên hạ giọng, nói:
Hôm anh chết, anh sẽ nghe thấy tiếng em gọi anh: MUYO.
Em phát ra âm tiết cổ xưa đó, tôi không thể nào dùng tiếng Hán để thể hiện, chỉ có thể viết thành chữ cái Latin.

MUYO?
Tôi giật mình, thật không ngờ em cũng biết đơn từ Kharosthi cổ xưa này,
Là lời nguyền
phải không?

Mã Nhã gật đầu, ánh mắt yếu ớt hẳn đi, em ho mạnh mấy cái.
Phấn bỗng bước đến bên giường, sờ lên trán em nói:
Chị ốm rồi?

Mã Nhã nhìn Phấn cười đau khổ:
Tôi sắp chết rồi!


Không, em không thể chết được!
Tôi không kìm được mình, vội kêu to.

Từ sau khi em sinh hai cô con gái cho anh, em đã bị ốm nặng, ở đây không có bác sĩ, không có thuốc men, nếu không vì hai đứa trẻ, thì em đã không thể gắng gượng nổi.


Mã Nhã, anh là kẻ có tội!

Sau đó Mã Nhã lại nói với Phấn:
Sau khi tôi chết, nhờ chị nuôi hộ hai cháu bé, được không?

Phấn gật đầu:
Tôi đồng ý!

Mã Nhã lại nhìn thẳng vào tôi:
Bây giờ em có một yêu cầu cuối cùng, anh có thể hôn em được không?

Tôi đưa mắt sang Phấn, Phấn nhẹ nhàng nói:
Chính Thu, hãy đáp ứng mọi yêu cầu của chị ấy!

Tôi cảm kích nhìn Phấn một cái, sau đó quỳ xuống, ghé môi vào sát Mã Nhã, mắt em cứ nhìn tôi chằm chằm, tôi có thể nhìn thấy bóng của thời gian qua ánh mắt ấy. Cuối cùng, tôi hôn Mã Nhã, môi Mã Nhã đã lành lạnh, cái lạnh ấy ngay lập tức truyền vào người tôi, mắt tôi và em chỉ cách nhau một khoảng ngắn, tôi như nhìn thấy nước mắt lăn ra từ trong đôi mắt khô sít của em. Lúc này lòng tôi đau đớn như dao cắt.
Tôi không biết cái hôn không dứt ấy kéo dài bao lâu. Tôi không thể kìm nén được bản thân, cho dù tôi đang ở trước mặt Phấn. Môi Mã Nhã trong mười mấy phút ấy hình như đã nhập vào người tôi. Khi tôi ngẩng đầu lên một lần nữa thì bắt gặp ánh mắt của Phấn.
Phấn vội vàng nói:
Mạch của chị ấy không đập nữa rồi.

Đầu óc tôi lại một phen trống rỗng, tôi sờ vào mạch của Mã Nhã, đã không tìm thấy mạch đâu. Tôi lại ghé tai vào ngực em, tim em cũng đã ngừng đập. Em chết rồi. Mã Nhã của tôi chết rồi. Trong chớp mắt, khi tôi đang hôn em thì em đã vĩnh viễn rời bỏ tôi.
Những giọt nước mắt nóng hổi của tôi lại một lần nữa rơi trên mặt Mã Nhã, rồi từ từ lăn xuống. Lúc này tôi không biết mình phải làm gì, chỉ đứng ngẩn ra nhìn Phấn.

Chị ấy đã đi rồi, chúng ta phải chôn cất cho chị ấy.
Phấn hình như cũng rất xúc động, cô đã tha thứ cho tôi và Mã Nhã.
Sau đó, bà con trong thôn giúp chúng tôi làm vệ sinh cho Mã Nhã, rồi đưa em đến hẻm núi đầy mộ cổ. Cách cửa hẻm núi không xa, họ đào cho Mã Nhã một cái huyệt, sau đó mai táng em ở đó. Trong quá trình tang lễ, những người La Bố lại hát những câu ca dao cổ, có lẽ đó là những lời ca mà người Thành cổ Lâu Lan cổ đã từng hát. Cuối cùng, Mã Nhã của tôi đã vĩnh viễn nằm lại sa mạc. Trước khi xuất phát, những người dân trong thôn đã làm cho Mã Nhã một tấm bia bằng gỗ. Tôi dùng bút mực do những người ở đội lạc đà mang đến viết một dòng chữ Hán lên bia: Mộ của vợ yêu Mã Nhã. Bên dưới ghi: Người lập bia, Chồng: Bạch Chính Thu.
Tôi viết những dòng chữ trên bia mộ này sau khi đã được sự đồng ý của Phấn. Chúng tôi đặt tấm bia trước mộ Mã Nhã với mong muốn tấm bia này và ngôi mộ sau nó sẽ tồn tại mãi mãi cùng với sa mạc.
Sau đó, trước khi trời tối, chúng tôi cùng bà con trong thôn vội vàng rời khỏi phần mộ cốc.
Qua một đêm, khi trời hửng sáng, đội lạc đà rời khỏi ốc đảo. Chúng tôi mang theo hai đứa trẻ vừa mất mẹ cùng đội lạc đà rời khỏi nơi đây. Lần này tôi thật sự vĩnh biệt vườn địa đàng của tôi.
Tôi và Phấn mỗi người ôm một đứa trẻ, ngồi trên lưng lạc đà. Chúng là con gái tôi, tôi lấy một ít sữa cừu cho chúng ăn, thật là hai đứa trẻ đáng thương.
Ngước nhìn lên, trước mắt mênh mang là cát vàng.
Nhật ký của bố Bạch Bích đến đây thì dừng lại, cũng phải đến mười mấy trang. Bạch Bích nhìn đồng hồ đã nửa đêm rồi, hãy còn một trang nữa, Bạch Bích giở tiếp. Trang này có lẽ là thư bố cô viết riêng cho cô:
Con yêu của bố:
Tin rằng con đã đọc hết những trang nhật ký bố để lại, bố chỉ lưu lại mười mấy trang đó thôi, những phần khác bố đã đốt hết rồi.
Lúc này đây, chắc con đã hiểu hết mọi chuyện. Mã Nhã mới là mẹ đẻ của con. Nhưng người mẹ hiện giờ của con vẫn luôn đối xử với con rất tốt, cô ấy đã coi con như con đẻ của mình, yêu thương và quan tâm con, điều này có lẽ chính con cũng có thể cảm nhận được. Nhưng, khi con nhìn thấy bức thư này, mẹ con chắc cũng đã rời khỏi thế giới này rồi, cho nên, sự lo lắng của bố cũng không cần thiết nữa.
Qua những trang nhật ký, chắc con cũng đã biết con có một người chị em sinh đôi. Chính bố cũng không phân biệt được giữa hai con ai là chị, ai là em, nhưng bố và mẹ con vẫn quyết định coi con là em. Bố đặt tên con là Bạch Bích, đặt tên chị con là Bạch Ngọc. Bố mẹ đưa hai con về Thượng Hải nuôi nấng. Thời gian dần trôi, bố nhận ra các con trông không giống nhau, điều này khiến bố hơi lo lắng. Sau đó, bố đã đưa các con đến bệnh viện khám, qua xét nghiệm máu đã chứng thực các con đúng là chị em sinh đôi. Bác sỹ cũng nói hai người sinh đôi cũng có rất nhiều trường hợp không giống nhau lắm, thậm chí còn khác hẳn nhau nữa, cho nên cũng không có vấn đề gì cả. Nhưng một năm sau, chị con đã xảy ra vấn đề kỳ lạ, nó không giống với những đứa trẻ con khác, nó có thể yên lặng suốt cả ngày, không quấy khóc, cứ ngồi nhìn bố mẹ. Khi bố mẹ đút đồ ăn cho nó, nó có vẻ không thích ăn, lần nào cũng chỉ ăn một chút, thế nhưng khi người khác đút cho nó, nó lại có thể ăn được rất nhiều, hình như nó rất sợ bố mẹ.
Hơn nữa, nó rất nhạy cảm với một số việc. Có một vị chuyên gia đến khám cho nó, nói nó mặc dù chỉ mới 1 tuổi nhưng trí tuệ đã gần được bằng đứa bé 4 tuổi. Hơn nữa bố cũng thường có thể nhìn thấy hình ảnh mẹ các con trong mắt nó, điều này khiến bố rất phiền lòng. Còn con, thì lại luôn phát triển rất bình thường.
Chị con khiến cho bố mẹ rất lo lắng, bố không hề mong ước con gái có thể trở thành thiên tài gì cả, chỉ mong các con có thể trưởng thành trong sự yên bình. Cộng thêm việc mẹ con sau khi từ Tân Cương trở về, sức khỏe luôn không được tốt, hàng ngày phải đi làm, về nhà còn phải chăm sóc hai con, thực sự quá bận rộn. Cuối cùng, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, bố mẹ quyết định đưa chị con đến Trại trẻ mồ côi. Đây là quyết định bố mẹ buộc phải thực hiện, vì bố mẹ lo lắng chị con sẽ không thể sống được nếu ở cùng với bố mẹ, hơn nữa nó sống với người khác thì sẽ trở nên bình thường hơn. Cuối cùng, bố mẹ đã đưa chị con đi, nói dối là đứa bé nhặt được. Mấy năm sau, bố mẹ đến Trại trẻ mồ côi hỏi thăm, được biết chị con đã được một gia đình nhận nuôi. Bố nghe nói con bé đang sống rất tốt, thế là bố yên tâm rồi.
Bây giờ, bao năm đã trôi qua, trong lòng bố lại thấp thoáng cảm thấy bồn chồn lo lắng, bố e sợ, sợ rằng đột nhiên bố sẽ phải mãi mãi rời xa các con. Bởi vì trong mấy tháng gần đây, bên tai bố thường bất chợt vang lên thứ âm thanh kỳ lạ, đó chính là giọng nói của mẹ các con trước khi lâm chung.
Bố lại nhớ đến lời nguyền vĩnh hằng mà mẹ con đã từng nói. Chỉ mấy hôm nữa thôi, là bố sẽ tròn 40 tuổi, con gái yêu của bố, lời nguyền sẽ giáng xuống đầu bố sao? Có lẽ, thời gian của bố không còn nhiều nữa, bố cần phải cho con biết được thân thế của mình, để con có cơ hội biết được thân thế của mình, để con biết được mẹ đẻ của con là ai. Chỉ có như vậy, mới xứng đáng với Mã Nhã và cả Phấn nữa. Nhưng không phải ngay bây giờ, cần phải là khi cả bố và mẹ đã qua đời mới có thể cho con biết bí mật này, con hay tin bố mẹ, điều này là vì muốn tốt cho con.
Hôm qua, bố còn giả vờ làm người qua đường, lén đến thăm chị gái con. Nó rất thông minh, cũng xinh đẹp như con, sau này nếu có cơ hội, có lẽ hai con sẽ gặp được nhau.
Thôi nhé, con yêu của bố, thư của bố viết đến đây thôi. Bố đã kể cho con tất cả những gì bố biết. Khi con đọc được những dòng này, hãy tha thứ cho tất cả những việc bố và mẹ đã làm. Bố luôn ăn năn sám hối về sai lầm mà bố đã phạm phải trong những năm tháng đó, tất cả những tội lỗi đó đều do một mình bố gánh chịu.
Con yêu của bố, hãy tin rằng bố mãi mãi yêu con.
Chúc con yêu của bố luôn luôn hạnh phúc.
Hôn con.
Bố của con

15 tháng 7 năm 1988

Toàn bộ bức thư đã được đọc xong. Bạch Bích nhìn tập thư dày mười mấy trang, nước mắt cứ từ từ tuôn ra, cô tự nói với mình:
Bố, con cũng mãi mãi yêu bố!

Bạch Bích cẩn thận đút những lá thư trở lại phong bì, sau đó bỏ vào ngăn kéo đầu giường. Lúc này đây, trong đầu óc cô tràn ngập hình ảnh của bố, thì ra, mẹ đẻ của mình là một người con lai giữa người La Bố và người Hán, vậy trong huyết quản của mình, cũng ẩn chứa một phần tư huyết thống của người La Bố. Trong nhật ký của bố có viết, người La Bố là người đời sau của người Lâu Lan cổ, vậy thì cũng có nghĩa là, Bạch Bích cũng là một phần từ người Lâu Lan cổ.
Cô nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt trên mặt mình, rồi lại đi đến trước cửa sổ, nhìn cơn mưa đêm bên ngoài cửa sổ. Cô sờ tay lên cửa kính, cảm giác lạnh giá, ánh đèn trong phòng chiếu vào cửa kính, hiện lên khuôn mặt cô. Bất chợt, Bạch Bích cảm thấy khuôn mặt hiện lên trong cửa kính không phải là khuôn mặt của cô, mà chính là khuôn mặt người phụ nữ vẫn thường xuất hiện trong giấc mơ của cô: Mã Nhã.
Mẹ ơi, mẹ đến tìm con phải không?
Bạch Bích khẽ lên tiếng gọi.
Đêm mưa mênh mang.
2

- Diệp Tiêu!
Diệp Tiêu đang ngồi trước màn hình vi tính giật thót người, anh quay đầu lại, hoá ra là nữ đồng nghiệp. Anh lắc đầu, nói:
- Anh xin em lần sau đừng có bất ngờ gọi tên anh từ đằng sau như thế nhé, được không? Thôi được, có việc gì?
Nữ đồng nghiệp cười cười:
- Xin lỗi anh, vừa nãy Trại mồ côi gọi điện đến.
- Trại mồ côi á? - Diệu Tiêu cảm thấy hơi mơ hồ.
- Anh quên rồi à? Mấy hôm trước anh nhờ em tìm hiểu những ghi chép về cô Nhiếp Tiểu Thanh ở Trại mồ côi 20 năm trước đấy thôi.
Diệp Tiêu lúc này mới nhớ ra:
- Ồ, đúng rồi, anh quên mất, xem cái đầu anh đấy, mấy hôm nay mệt quá đấy mà.
Anh lắc đầu, đứng dậy khỏi ghế vận động mấy cái.
- Trại mồ côi đã tìm ra những ghi chép về Nhiếp Tiểu Thanh năm ấy, đó là tháng 9 năm 1980, do hai vợ chồng Bạch Chính Thu và Vu Phấn đưa đến.
Diệp Tiêu giật mình: - Gì cơ?
Nữ đồng nghiệp lại nhìn vào tờ giấy:
- Ghi chép lúc bấy giờ viết như vậy, đơn vị công tác của họ là ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ.
Diệp Tiêu thẫn thờ.
...........
[30] Người Aryan được gọi là người Ấn-Âu tiền sử. Người Ấn ở miền bắc Ấn Độ còn được gọi là người Ấn-Âu. Họ cao lớn, nước da sáng màu, trong khi người Ấn ở miền nam có nguồn gốc Dravidian, vóc dáng nhỏ bé hơn, nước da tối màu hơn.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Lời Nguyền Lâu Lan.