Chương 3


Số từ: 14285
Dịch giả: Lưu Quang Thuyết
Cổ Nguyệt Books phát hành
NXB Hồng Đức
1

Bạch Bích chưa bao giờ đến đây. Hàng loạt ngã tư như những mê cung từng cái từng cái một nối nhau, cô theo địa chỉ Tiêu Sắt đưa cho, đi xuyên qua hàng cây ngô đồng, cuối cùng cũng tìm ra cái rạp hát ấy.
Cửa rạp hát không có ai ra vào, chỉ treo một tờ áp phích quảng cáo rất bình thường. Bạch Bích cũng đã vẽ những áp phích tương tự, nói thực lòng, cô thấy tờ áp phích trước mặt vẽ thật chẳng ra làm sao. Mấy em sinh viên ở trường Mỹ thuật vẽ còn đẹp hơn tấm này. Khung cảnh trong tờ áp phích là một hoang mạc màu vàng đất, bầu trời màu xám chì, phủ đầy mây đen và sấm chớp. Ở chính giữa bức tranh vẽ một cô gái giống như người Tân Cương, đầu đội rất nhiều đồ trang sức châu báu, mặc một bộ quần áo rất sang trọng nhưng khuôn mặt cô gái lại được vẽ theo những nhân vật chính trong truyện tranh Nhật Bản. Mắt to quá mức, vẻ mặt trông rất đáng sợ. Bạch Bích nghĩ, tấm áp phích này chỉ có thể hấp dẫn những em học sinh trung học. Ở bên phải tờ áp phích, có mấy chữ được viết từ trên xuống dưới: Đoạn hồn Lâu Lan
.
Lâu Lan.
Lại là Lâu Lan. Nhìn thấy hai chữ này, Bạch Bích lại cảm thấy hơi khó chịu. Bên dưới tờ quảng cáo có in thời gian biểu diễn, khoảng mười ngày nữa. Bạch Bích thong thả bước vào rạp hát, ngoài cửa không có người trông, đoạn đường nối vào bên trong rạp tối om, cho đến khi đẩy cửa rạp hát bước vào bên trong mới nhìn thấy ánh đèn rọi xuống từ trên sân khấu phía trước.
Rạp hát không to như cô tưởng tượng, có phần nhỏ hẹp, chật chội. Trên những hàng ghế trống, có mấy người ngồi tản mạn; không biết họ là nhân viên của đoàn kịch hay là những người như cô chỉ đến xem diễn tập. Cô chọn một chỗ trong góc tối nhất để ngồi. Cô nhìn mọi người đang tập trên sân khấu. Ánh đèn hơi tối, không có âm nhạc, ngay cả bối cảnh sân khấu xem ra cũng mới hoàn thành được một nửa, nhưng diễn viên thì đều đang mặc phục trang. Mấy người đứng trên sân khấu, ăn mặc Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu. Phía chính giữa có đặt một chiếc ghế có thể nói là khá đẹp. Một người đội vương miện, mặc áo bào đang ngồi trên chiếc ghế đó. Người đó dán rất nhiều râu trên mặt, tạo đúng thành hình tượng người Tân Cương râu rậm. Xem chừng vai diễn đó có vẻ là Quốc vương.
Bỗng nhiên, một người ngồi trên hàng ghế đầu hét lên một tiếng:
- Màn này diễn chán quá! Xuống hết cả đi. Bây giờ bắt đầu chuẩn bị tập màn 3!
Sân khấu phía trước vụt tắt, không có hạ màn, chỉ thấy những bóng đen trên sân khấu đi đi lại lại, thỉnh thoảng có tiếng nam giới quát lên trong bóng tối. Bạch Bích chỉ nhìn thấy có vậy, trong lúc chờ đợi trong bóng tối mênh mông, trong đầu cô hiện lên những tấm ảnh về Lâu Lan cô đã xem tối hôm đó. Cuối cùng, trên sân khấu bừng lên một quầng sáng, một người con gái ngồi lặng lẽ chính giữa sân khấu, mặc dù hoá trang rất đậm nhưng Bạch Bích vừa nhìn đã nhận ra đó là Tiêu Sắt. Tiêu Sắt mặc một bộ quần áo đỏ, rất bắt mắt. Đôi mắt to tròn của cô trợn lên nhìn xuống phía dưới sân khấu. Sau đó ánh mắt lại dịu dàng trở lại. Tiếp đó, cô bắt đầu độc thoại:
- Đêm tối mông lung, mọi vật đã chìm vào giấc ngủ, cả thành Lâu Lan đang say sưa trong giấc mộng, chỉ có hoa hồng trong vườn là đang khe khẽ toả hương. Hôm nay Hoàng tử nước Vu Điền đã đến đây, cho người đưa thư hẹn ta gặp mặt chốn này. Lòng ta bỗng nhiên hồi hộp quá, bỗng nhiên xúc động quá, hoàng tử nước Vu Điền là một dũng sĩ thần kỳ nhất sa mạc, chàng đã thống lĩnh đội quân đánh bại quân xâm lược của người Hung Nô hùng mạnh. Chàng còn là thi sĩ nổi tiếng nhất vùng Tây Vực, tinh thông lịch sử và địa lý. Chàng còn có thể quan sát được thiên văn và khí tượng. Chàng là ước mơ của các thiếu nữ ở sa mạc này, nhưng ta không được để chàng nhìn thấy mặt ta. Ta phải bịt mặt vì con gái Lâu Lan không thể dễ dàng cho người lạ biết mặt. Hoàng tử à, ta phải làm thế nào mới thể hiện được nỗi lòng ta với chàng đây?

Nói xong, cô ta lấy một tấm mạng đen che lên mặt. Bạch Bích có cảm giác bộ dạng Tiêu Sắt trên sân khấu lúc này rất giống một người con gái Ả Rập.
Tiếp đó, trên sân khấu vang lên tiếng bước chân, Tiêu Sắt hào hứng nói:
- Hoàng tử đến rồi!

Nhưng người ra sân khấu không phải là Hoàng tử mà là hai võ sĩ mặc áo giáp.
Tiêu Sắt lo lắng hoảng sợ, lớn tiếng kêu lên:
- Các ngươi là ai?

Hai võ sĩ không thèm trả lời, họ nắm lấy cánh tay cô. Tiêu Sắt kêu to:
- Ta là Công chúa nước Lâu Lan, nếu các ngươi dám vô lễ với ta, phụ vương ta nhất định sẽ khiến các ngươi chết không có chỗ chôn.

Hai võ sĩ đồng thanh nói:
- Công chúa, chúng tôi xin lỗi, chúng tôi nghe lệnh Quốc vương đến đưa người về cung!

Tiêu Sắt nói:
- Lẽ nào chỉ vì phụ vương đã nhận sính lễ của Nhu Nhiên Khả Hãn nên kiên quyết gả ta sang nước Nhu Nhiên[17] sao?

Hai võ sĩ không trả lời, tiếp tục cầm tay cô kéo ra sau phông. Tiêu Sắt kêu to:
- Phụ vương, phụ vương, vì sao người lại nỡ đối xử với nhi thần như thế?

Tiêu Sắt và hai võ sĩ biến mất trên sân khấu. Bạch Bích không ngờ là Tiêu Sắt lại chỉ diễn có chút xíu thế đã rời sân khấu. Sau đó, cô thấy sân khấu lại bừng lên một quầng sáng,
Hoàng tử nước Vu Điền
xuất hiện. Hoàng tử ăn mặc trông rất phong trần, dáng vẻ lo lắng nhìn ra bốn phía xung quanh, vừa nhìn vừa nói:
- Ta đã hẹn Công chúa nước Lâu Lan gặp nhau ở đây, nhưng sao không có một bóng người, lẽ nào Công chúa không muốn gặp ta chăng?

Khi đó, trên sân khấu bừng lên quầng sáng thứ hai, lại một bóng người nữa xuất hiện. Đó là một người con gái khác. Cô mặc một chiếc váy lụa rất mỏng, bó sát người, lộ ra một vóc dáng vô cùng hoàn mỹ. Bạch Bích nhìn cô gái trên sân khấu, trong lòng bỗng trào dâng một cảm giác kỳ lạ, không hiểu vì sao tim cô đột nhiên đập nhanh hơn. Cô gái trên sân khấu cũng mang mạng che nên không thể nhìn rõ khuôn mặt, chỉ để lộ ra một đôi mắt rất đẹp. Đôi mắt đó đã gợi cho Bạch Bích nghĩ đến một điều gì đó. Tóc cô gái để xoã, không giống như Tiêu Sắt khi nãy, trên đầu Tiêu Sắt đeo đầy đồ trang sức, còn trên đầu cô gái này không đeo gì, nhìn cô giống như một thiếu nữ dân gian. Cô gái từ từ ra sân khấu, bước đi thong thả nhẹ nhàng mà hiếm người trần nào có được. Tóm lại, cảm giác trên sân khấu mang đến cho cô lúc này hoàn toàn không giống với cảm giác khi nãy. Và cảm giác kỳ lạ này là do sự xuất hiện của người con gái kia mang đến.
Hoàng tử nhìn thấy cô gái thì lập tức lao đến, gần như quỳ khuỵu một chân xuống. Chàng nói với cô gái:
- Công chúa thân yêu, cuối cùng nàng cũng đã đến!

Cô gái nhìn anh ta rồi quay đầu đi chỗ khác, có vẻ hơi hốt hoảng.
Hoàng tử cười tỏ ý xin lỗi:
- Công chúa, xin hãy tha thứ cho sự vô lễ của ta, được nhìn thấy viên trân châu rực rỡ nhất Tây Vực, công chúa của nước Lâu Lan, người con gái đẹp nhất thiên hạ, là niềm may mắn của đời ta.

Cô gái vẫn không nói gì, chỉ lắc đầu.
Hoàng tử nói tiếp:
- Ta xin lỗi, ta biết công chúa nước Lâu Lan tôn quý sẽ không dễ dàng gì mà nói chuyện với ta. Công chúa, nàng không cần nói gì, nàng chỉ cần nghe ta thổ lộ hết mối tâm tình là được. Mục đích ta đến Lâu Lan lần này là muốn cưới nàng. Về đến Vu Điền, ta sẽ để nàng ở trong một cung điện đẹp nhất thế giới, có tỳ nữ hầu hạ bên cạnh, có ngọc thạch Vu Điền đeo trước ngực, có những vần thơ Ba Tư tuyệt đẹp ngân nga bên tai nàng, có đồ trang sức tinh xảo, lụa là gấm vóc của Trung Nguyên trên người nàng. Hãy tin ta, ta dám lấy cả cuộc đời ra để đảm bảo, ta sẽ mang đến cho nàng một cuộc đời hạnh phúc.

Cô gái nhìn anh ta. Ánh mắt không rõ là đang sung sướng hay sợ hãi, cô chỉ lắc đầu, rồi quay lưng lại phía Hoàng tử.
Hoàng tử cũng lắc đầu nói:
- Công chúa, có lẽ nàng đã đến lúc phải về nghỉ ngơi, thế thì ta đi đây, nhưng tối mai, vào giờ này, khi mà hoa hồng đang lặng lẽ toả hương, ta sẽ lại đến đây. Công chúa, nếu như nàng bằng lòng, tối mai lại đến trò chuyện cùng ta. Còn nếu như nàng không bằng lòng thì hãy mãi mãi quên ta đi. Ta đi đây, chúc nàng hạnh phúc, Công chúa của ta!

Hoàng tử cúi gập người chào công chúa, sau đó từ từ rời khỏi sân khấu.
Lúc này trên sân khấu chỉ còn lại một mình cô gái, tất cả ánh sáng đều tập trung vào cô, xung quanh tối đen. Cô ngẩng đầu nhìn thẳng về phía trước, từ từ bỏ mạng che mặt ra.
Ánh sáng quá mạnh khiến khuôn mặt của cô gái trở thành một vầng trắng sáng. Người điều khiển ánh sáng phát hiện ra sai lầm vội điều chỉnh cho dịu đi. Khi đó khuôn mặt của cô gái mới từ từ hiện rõ các đường nét.
Bạch Bích ẩn trong chỗ ngồi ở góc tối, lặng lẽ quan sát khuôn mặt ấy. Cô ấy thật đẹp, Bạch Bích tự nhủ trong lòng.
Đôi mắt u buồn của cô gái trên sân khấu rất kỳ lạ. Ánh mắt đó như không phải nhìn thẳng về phía trước mà là nhìn về một phương trời xa xôi nào đó, môi cô khẽ động đậy, rồi từ từ thốt ra một lời thoại:
- Người mà Hoàng tử yêu là Công chúa, không phải ta!

Lời nói của cô như có một loại ma lực khiến cho tất cả những người xem đều bị hút vào. Câu thoại đơn giản như vậy được thốt ra từ miệng cô lại phảng phất như một câu thơ tình của xứ Ba Tư.
Tiếp đó cô quay đầu sang một bên, cái cổ thon dài của cô ánh lên như men sứ dưới ánh sáng trắng. Khi ánh sáng đó vụt qua ánh mắt Bạch Bích thì tất cả đèn trên sân khấu bỗng vụt tắt. Sân khấu tối om, một lúc sau ánh sáng lại sáng trở lại, trên sân khấu đã không còn một bóng người.
La Chu lại đứng lên, anh vỗ tay cổ vũ, sau đó cao giọng nói:
- Đoạn này diễn khá lắm, thôi, hôm nay hãy tập đến đây đã!
Ánh đèn màu vàng trong rạp hát lại sáng lên. Bạch Bích nhìn quanh bốn phía và nhanh chóng nhìn thấy Tiêu Sắt vừa mới tháo bỏ đống đồ trang sức và tẩy trang xong.
- Bạch Bích, cuối cùng cậu cũng đã đến!
Tiêu Sắt lên tiếng gọi rồi đến ngồi xuống bên cạnh cô, hỏi:
- Bạch Bích, mau nói xem, cậu thấy tớ diễn thế nào?
- Tớ không hiểu lắm, nhưng có vẻ hơi ngắn.
Tiêu Sắt có phần thất vọng nói:
- Đúng rồi, mấy màn đầu hơi mất hứng nhưng đến mấy màn sau khá hơn đấy, hãy tin tớ đi, vai của tớ mới đích thực là vai chính!
- Tiêu Sắt, cô nữ diễn viên lúc nãy chỉ nói có một câu thoại thì sao? - Bạch Bích cuối cùng đã không kiềm chế được sự tò mò.
- Cô ta á, chẳng biết cô ta từ đâu tới. Tớ cũng không rõ, hình như đạo diễn lúc đi đăng tuyển diễn viên tìm được về thì phải!
Giọng nói của Tiêu Sắt đầy vị chua chát. Bạch Bích đoán được thái độ của Tiêu Sắt nhưng cô không thể hiểu được, có lẽ sự đố kỵ là bản chất của phụ nữ. Nhưng cô không thề không thừa nhận rằng diễn xuất của cô gái trên sân khấu vừa nãy tốt hơn nhiều so với của Tiêu Sắc.
Bạch Bích lẩm bẩm một mình:
- Nhưng cô ấy diễn hay đấy chứ, đặc biệt là đôi mắt như biết nói của cô ấy.
Nhưng khi cô quay đầu lại nhìn, thấy sắc mặt của Tiêu Sắt thật khó coi, cô hiểu rằng câu nói của mình đã chạm đến lòng tự ái của Tiêu Sắt. Cô vội vàng nói tỏ vẻ biết lỗi:
- Xin lỗi cậu, Tiêu Sắt, tớ không cố ý!
Tiêu Sắt lãnh đạm nói:
- Thôi được rồi, tớ biết nó diễn hay hơn tớ, đạo diễn cũng thích nó, ngay cả cậu cũng thích nó. Ai cũng thế, không nói nữa, tớ chẳng để ý đâu.
- Vì chúng mình là bạn thân mà. - Bạch Bích an ủi cô. - Tối nay chúng mình cùng đi ăn cơm nhé?
Tiêu Sắt lắc đầu nói:
- Không được rồi, hôm nay tớ đã có hẹn với đạo diễn của chúng tớ.
Nói xong, cô đưa mắt nhìn La Chu đang nói chuyện với mọi người ở đằng trước.
Bạch Bích cũng nhìn về phía trước, ở hàng ghế trên cùng có hai người đàn ông đang đứng, trông có vẻ còn trẻ. Bởi vì họ đang đứng quay lưng lại phía cô nên cô không nhìn rõ khuôn mặt của họ, chỉ thấy một trong hai cái lưng trông rất quen, quen đến mức tim cô đập nhanh hơn. Trong đầu cô lập tức có cái gì đó lướt qua, nhưng lại nhanh chóng bị cô gạt đi, không thể nào, không thể nào thế được. Cô lại quay đầu lại, nhìn thấy ánh mắt của Tiêu Sắt đang hướng về phía trước, cô đã hiểu được tâm sự của Tiêu Sắt.
Bạch Bích tạm biệt Tiêu Sắt rồi một mình đi vào con đường tối om. Con đường dài không một bóng người, cô chỉ nghe thấy tiếng bước chân của chính mình vọng lên đều đều. Khi sắp bước ra đến bên ngoài, cô nghe thấy tiếng một bước chân nữa. Tiếng bước chân ấy hoà trộn với tiếng bước chân cô, thật khó phân biệt, điều đó làm cô có phần hơi sợ. Cô ngoảnh đầu lại, trong bóng tối chỉ nhìn thấy một bóng dáng mềm mại đang tiến lại.
Nhờ vào ánh đèn lấp loáng trong đêm tối, Bạch Bích dần dần nhìn rõ đó là một người con gái, vóc dáng cũng tựa như cô, mặc một bộ quần áo trắng. Trong khung cảnh bốn bề tối om, trông lại càng nổi bật. Chính là cô ấy, chính là cô gái trẻ vừa biểu diễn trên sân khấu. Bạch Bích nhìn cô ta với ánh mắt thiện cảm. Cô gái đi đến từ phía đối diện dừng lại trước mặt Bạch Bích. Bạch Bích nhìn vào mắt cô ta, tuy hai người đứng rất gần nhau nhưng vẫn có một cảm giác gì đó rất khó tiếp cận. Bạch Bích cảm thấy đôi mắt này có vẻ quen quen, hình như cô đã gặp ở đâu. Cô nhoẻn miệng cười trong vô thức. Cô gái kia cũng thể hiện rất lịch sự nhìn cô gật gật đầu. Điều đó khích lệ Bạch Bích mạnh dạn lên tiếng bắt chuyện:
- Vừa nãy chị diễn rất hay!
Cô gái khẽ cười. Bạch Bích thầm nghĩ nụ cười này của cô ta có thể hấp dẫn được nhiều người đàn ông. Cô gái khẽ nói:
- Cảm ơn chị, tôi chẳng qua cũng chỉ có một câu thoại thôi mà!
- Tôi cảm thấy câu thoại ấy của chị rất hay, hay hơn hẳn tất cả các lời thoại khác. Nhà biên kịch chắc phải tốn nhiều tâm huyết cho nó hơn những lời thoại khác.
- Câu thoại ấy là do tôi tự nghĩ ra đấy!
Bạch Bích không ngờ được rằng cô diễn viên đang đứng trước mặt mình lại có thể tự mình viết được lời thoại, thật là đáng nể. Cô nói với giọng ngưỡng mộ:
- Chị thật có tài! Tôi là Bạch Bích, bạn của Tiêu Sắt.
- Ồ, chị là bạn của chị Tiêu Sắt à! Chị ấy là một diễn viên giỏi. Tôi là Lam Nguyệt, lam trong màu xanh lam ấy, còn nguyệttrong chữ nhật nguyệt. - Cô gái điềm tĩnh nói.
- Lam Nguyệt? Ánh trăng xanh. Tên chị đẹp quá!
Họ đã đi đến cổng rạp hát. Ánh sáng tự nhiên rọi vào mặt Lam Nguyệt làm cho cô càng sáng bừng lên. Lam Nguyệt quay đầu lại nhìn tờ áp phích, cô cười với vẻ khinh miệt nói:
- Tờ áp phích này vẽ xấu quá!
- Đúng thế, mấy hôm nữa tôi sẽ vẽ cho đoàn kịch một tờ áp phích. - Bạch Bích buột miệng nói.
- Chị là họa sĩ à?
- Không, tôi không dám nhận là họa sĩ. Tôi chỉ vẽ tranh để kiếm sống thôi.
Lam Nguyệt cười với Bạch Bích, rồi nói:
- Rất vui được biết chị. Tôi có việc phải đi trước đây. Chào chị nhé!
Cô ta rẽ sang một con đường khác chẳng mấy chốc đã khuất sau những bóng cây.
Bạch Bích vẫn đứng ở cổng rạp, cô nhìn đồng hồ, còn lâu mới đến tối. Cô chẳng có việc gì cần làm cả nên cũng không muốn về nhà sớm. Cô cứ đứng ngây ra nhìn về phía Lam Nguyệt vừa đi.
- Bạch Bích!
Có người gọi cô, mà là giọng một người đàn ông. Cô quay đầu lại nhìn, là Diệp Tiêu.
Lại là anh ta, nhìn thấy mặt anh, cô lại nhớ đến Giang Hà. Điều này làm cho Bạch Bích hơi lúng túng, cô không kịp nghĩ nhiều, chỉ lạnh lùng hỏi:
- Cảnh sát Diệp, sao anh lại ở đây?
- Tôi đã nói rồi, đừng gọi tôi là cảnh sát Diệp, gọi tôi là Diệp Tiêu là được rồi!
Bạch Bích nhìn anh bằng cặp mắt đầy nghi ngờ, một lúc sau, cô mới nói một câu tự đáy lòng:
- Xin lỗi, cảnh sát Diệp, có một câu tôi không biết là có nên hỏi anh không?
- Cô hỏi đi!
- Có phải anh đang nghi ngờ tôi? - Cô đến gần Diệp Tiêu nói khẽ.
- Cô nói gì cơ?
- Vì sao tôi đến đâu anh cũng đến đấy, từ Viện Nghiên cứu Khảo cổ đến rạp hát này, ở đâu tôi cũng nhìn thấy anh. Tôi nghĩ đây chắc không phải là sự trùng hợp nhỉ? Chẳng lẽ anh cũng đến xem họ diễn tập? Anh đi theo tôi, đúng không? Anh cho rằng tôi có liên quan đến cái chết của Giang Hà à? Hay nói cách khác là, trong mắt anh, tôi mới chính là nghi phạm chính đúng không?
Cô có phần hơi kích động không khống chế nổi cảm xúc của bản thân nữa. Đó là một cảm giác tủi thân và chịu nhiều uất ức. Cảm giác này đã bắt đầu xuất hiện từ hôm tang lễ Giang Hà và cứ tích tụ lại cho đến tận ngày hôm nay. Cuối cùng cô đã không thể tiếp tục nén nhịn được thêm nữa. Mọi thứ cần phải được bộc phát ra. Đó là sự lựa chọn duy nhất.
Diệp Tiêu đứng đần người ra. Anh không ngờ là Bạch Bích lại nói như vậy. Anh than nhẹ một câu, nói:
- Tôi có một người bạn, một người bạn rất thân. Tên anh ấy là La Chu, anh ấy hiện là biên kịch kiêm đạo diễn một đoàn kịch nói. Anh ấy đang tập một vở kịch lịch sử trong rạp hát này. Chính là vở
Đoạn hồn Lâu Lan
dán trên tờ áp phích này. Hôm nay là ngày nghỉ của tôi, tôi đến để xem bạn tôi diễn tập. Đây quả thật là việc cá nhân của tôi. Nếu cô không tin, tôi có thể dẫn cô vào hỏi anh ấy để xem lời tôi nói có đúng không.
Bạch Bích thấy hơi ngượng. Cô nhớ lại vừa nãy trong rạp hát cô nhìn thấy hai người đàn ông ngồi ở hàng ghế trên cùng, trong đó có bóng dáng một người khiến cô nhớ đến Giang Hà, hoá ra đó là Diệp Tiêu. Có lẽ do mấy ngày nay cô đã gặp phải có quá nhiều việc khó hiểu nên cô luôn luôn ở trong trạng thái ngờ vực. Cô khẽ nói:
- Xin lỗi anh, Diệp Tiêu!
- Không sao, thế còn cô, cô đến đây làm gì?
- Thật đúng là trùng hợp, cũng như anh, tôi có người bạn rất thân đóng một vai trong vở kịch này.
- Khéo thật, bạn cô diễn vai nào?
- Vai công chúa.
- Ồ, cô ấy à. La Chu hình như không hài lòng về cô ấy lắm. Ôi, tôi xin lỗi!
- Không sao!
Bạch Bích không muốn đứng mãi trước mặt Diệp Tiêu, nhìn thấy mặt anh, khiến cô không chịu nổi. Cô nhìn trên đường thấy một chiếc taxi trống chạy qua, cô đưa tay ra vẫy rồi vội vàng tạm biệt Diệp Tiêu bước vào trong xe.
Diệp Tiêu nhìn thấy Bạch Bích lên taxi, trong lòng bỗng có cảm giác hụt hẫng. Khi anh quay đầu lại thì thấy La Chu và Tiêu Sắt đang bước ra khỏi rạp hát, họ cũng lên một chiếc taxi đi về phía trung tâm thành phố.
Cửa rạp chỉ còn lại mình anh, một cơn gió thu đầu mùa thổi qua, cảm giác lành lạnh lùa qua lưng anh.
2

Không khí buổi sớm ven sông Tô Châu rất trong lành. Con sông bẩn thỉu hỗn độn trước kia giờ đây đã bị những hàng cây và những cao ốc chọc trời vây bọc lại.
Diệp Tiêu một mình đi bộ ven sông. Anh dừng lại trước một chỗ ngoặt, ở chỗ này con sông Tô Châu lượn một vòng làm cho con đường ven sông cũng tự nhiên uốn vòng theo thành một khúc cua nhưng độ cua không lớn. Anh quan sát đèn hai bên đường, đèn đường rất tốt, buổi tối chắc chắn rất sáng và bên đường còn có biển chỉ dẫn đường cua, không thể không nhìn thấy. Đương nhiên nếu như người tài xế lái xe trong trạng thái loạng choạng sau khi uống rượu thì lại là chuyện khác. Diệp Tiêu cẩn thận xem xét hàng cây ven bờ đê. Hứa An Đa đâm xe chính ở chỗ này, vẫn còn lưu lại vết tay nắm xe cày vào xi măng. Anh quan sát lớp nhựa trên mặt đường, chú ý đến một mảng đường có một đám ruồi đang bay qua bay lại. Bọn ruồi này bất chấp xe pháo đang chạy qua, chỉ thích bu vào chỗ này. Anh đoán đây nhất định là nơi đầu Hứa An Đa đập xuống, não chảy ra. Tuy nó đã được dọn sạch nhưng mùi máu tanh của óc người vẫn còn lưu lại. Mặc dù đã lâu ngày, nhưng khứu giác của lũ ruồi nhặng vẫn phân biệt được cho nên chúng tập trung hết ở mảnh đất có của ngon vật lạ này. Vào lúc sáng sớm mà nghĩ đến những vấn đề này dễ khiến cho bụng dạ khó chịu. Diệp Tiêu vội vàng rời khỏi nơi đây, đi đến một tòa chung cư ven sông.
Chung cư cao tầng này tuy nhỏ nhưng cũng có thang máy, Diệp Tiêu vào thang máy lên tầng trên cùng, ấn chuông phòng La Chu. Đợi một lúc lâu cửa mới được mở ra, La Chu với khuôn mặt mệt mỏi xuất hiện trước mắt anh.
- Tớ đến có sớm quá không?
- Không, cậu vào đi!
La Chu mời anh vào nhà sau đó hỏi anh muốn uống gì. Diệp Tiêu không muốn uống gì cứ nhìn chằm chằm La Chu.
La Chu thấy lạ liền hỏi anh:
- Sao cậu cứ nhìn tớ vậy?
- Sắc mặt cậu kém quá! Vừa dậy hả, đã ăn sáng chưa?
La Chu gật đầu:
- Ăn rồi. Đêm qua tớ lại thức khuya quá. Mấy ngày nay tớ không ngủ được đủ giấc, toàn thức cả đêm.
- Hôm qua tớ thấy cậu với cô gái đóng vai công chúa đi chơi. Chắc về cũng muộn hả?
- Cô ấy à? - La Chu cười nhăn nhó lắc đầu. - Tớ bị cô ấy bám dai như đỉa, sống chết đòi đóng vai nữ chính. Cậu quá hiểu tớ rồi, tớ vốn là người rất cả nể nên chỉ còn cách đồng ý với cô ta. Tối qua cô ấy lại bắt đi hát karaoke mãi đến tận nửa đêm mới được về, như muốn hại chết tớ vậy.
Diệp Tiêu mỉm cười nói:
- Thế còn cái cô hôm qua có mỗi câu thoại thì sao? Cô ta diễn có vẻ được đấy chứ.
- Thực ra cô ấy mới là vai nữ chính. Nhưng dù sao kịch bản tớ viết cũng chưa xong, đến lúc đó sẽ tăng thêm lời thoại cho cô ta vậy.
- Cô ta cũng tốt nghiệp trường Sân khấu ra à?
- Không phải, Tiêu Sắt mới là dân chuyên nghiệp, nhưng tớ không coi trọng cái đó, cái tớ coi trọng là khí chất. Khí chất của cô này rất tốt, dù là trên sân khấu hay dưới sân khấu đều hấp dẫn ánh mắt của người khác, dù nam hay nữ cũng đều thích khí chất của cô ấy. Điều này chứng tỏ cái cô ta dựa vào không phải là sắc đẹp. Sắc đẹp của phụ nữ có thể lôi cuốn đàn ông nhưng chưa chắc đã lôi cuốn phụ nữ, chỉ có khí chất mới lôi cuốn được tất cả mọi người. Điều này không phân biệt giới tính. Cô ấy mới về đoàn kịch chưa lâu, là do tớ tuyển về trong lúc đi tuyển diễn viên. Bây giờ tuyển diễn viên tuy có rất nhiều ứng viên nhưng khả năng diễn xuất rất tồi. Có người khuôn mặt rất ưa nhìn nhưng khí chất rất kém, lời nói thốt ra từ miệng khiến người ta thấy khó chịu. Chỉ có cô ấy là người duy nhất tớ thấy bằng lòng. Ngay từ lúc chưa gặp, cô ấy đã để lại cho tớ ấn tượng rất sâu sắc.
- Ngay từ lúc chưa gặp cô ấy?
- Ừ, ngay từ khi tớ đọc thấy tên cô ấy trên bảng danh sách, tớ đã cảm thấy cô ấy có gì đó khác với mọi người. Tên cô ấy là Lam Nguyệt, ánh trăng xanh, tớ thích cái tên này. Về sau gặp, tớ mới phát hiện ra cô ấy có khí chất hơn người. Với tài năng của mình, cô ấy có thể trở thành một diễn viên rất xuất sắc. Diễn ở cái sân khấu này của tớ thật là thiệt thòi cho cô ấy. Thôi, không nói về việc này nữa. Buổi chiều phải đến sân khấu diễn tập, buổi tối phải hoàn thành nốt kịch bản. Tớ thực sự vô cùng mệt mỏi. Cậu biết không, mấy ngày nay tớ đã trải qua một sự việc ghê sợ nhất nhất trần đời.
- Việc ghê sợ nhất ? - Từng dây thần kinh trong đầu Diệp Tiêu lập tức lại căng lên.
La Chu uống một ngụm nước, giọng rất sợ sệt nói:
- Vào buổi tối cách đây mấy hôm, tớ ngồi trong phòng viết kịch bản cho vở kịch này. Lúc đó đã rất muộn, có lẽ phải đến hơn 11 giờ. Tớ không thể viết được tiếp nên quyết định xuống nhà, ra bờ sông vừa hít thở chút không khí, vừa có thể lấy thêm chút cảm hứng, thứ mà người ta gọi là lấy cảm hứng từ trời đất ấy, nhưng khoan nói đến việc ấy. Nói chung là khi tớ mới đi được mấy vòng thì phát hiện thấy có một anh chàng đi xe mô tô qua, sau đó dừng lại ven đường, anh ta bỏ mũ bảo hiểm ra, nằm trên yên xe. Số tớ thật là đen đủi, định đến xem anh ta có việc gì không nhưng vừa đi đến trước mặt anh ta bỗng ngồi dậy nắm lấy tay tớ, rồi không hiểu sao cứ la lên
Cứu tôi với
, mà miệng anh ta thì sặc sụa mùi rượu. Thế rồi đùng một cái anh ta bỗng nổ máy xe lao vụt về phía trước...
- Đến đoạn cua ven sông Tô Châu thì đâm vào bờ đê, chết ngay tại chỗ. - Diệp Tiêu cắt ngang lời La Chu, bổ sung vào phần kết của câu chuyện.
La Chu giật mình:
- Sao cậu biết?
- Tớ biết vụ án này. Hơn nữa còn chứng kiến việc khám nghiệm tử thi nữa cơ. Tớ chỉ không ngờ, người nhìn thấy sự việc và đến báo công an lại là cậu. Thật là khéo, Hứa An Đa tại sao lại chọn cậu làm người làm chứng cơ chứ?
- Hứa An Đa là ai?
- Là tên người bị chết. Thật đúng là... nếu tớ biết cậu là người đến báo án thì tớ đã sớm đến tìm cậu rồi. - Diệp Tiêu nhăn nhó cười, tự trách mình.
- Đừng đến tìm tớ, tớ đã ù cả đầu vì phải trả lời các câu hỏi ở bên cảnh sát các cậu rồi. Diệp Tiêu, cậu vừa nói người chết chọn tớ là người làm chứng à? Thế nghĩa là sao? - La Chu thấy hơi sợ.
- Đừng sợ, có thể là vì cậu biết viết tiểu thuyết và kịch bản, người chết hy vọng cậu sẽ đem sự việc này viết thành một cuốn tiểu thuyết kinh dị.
Diệp Tiêu cười nói:
- Đùa tí thôi, đừng tưởng thật nhé!
- Thôi xin cậu, anh em với nhau, cậu đừng doạ tớ nữa, được không! Nếu cậu đã xem khám nghiệm tử thi thằng cha đó, còn gọi là giải phẫu nữa, nghe phát ghê. Thế kết quả khám nghiệm là tai nạn do uống rượu rồi lái xe phải không?
Mặt Diệp Tiêu trầm xuống:
- Hình như họ đang chuẩn bị viết báo cáo như thế nhưng tớ vẫn thắc mắc, uống rượu rồi lái xe thì chắc chắn rồi, nhưng ngoài cái đó ra có thể còn có nguyên nhân nào khác.
- Nguyên nhân nào nữa? Cậu đừng có mà dọa tớ!
Thực ra La Chu có phần mê tín, anh tin vào số mệnh, đối với anh, tận mắt trông thấy sự việc chết người là một việc rất xúi quẩy.
- Tớ cũng chẳng biết, tốt nhất là không bàn đến chuyện này nữa. - Diệp Tiêu trả lời.
La Chu thở dài:
- Tốt nhất là không nên biết gì thì hơn!
Diệp Tiêu như không nghe thấy La Chu nói gì nữa, anh đưa mắt ra ngoài cửa sổ, từ đây có thể nhìn thấy con sông Tô Châu đang chầm chậm chảy.
- Cậu đang nhìn gì đấy? - La Chu hỏi anh.
- Ồ, nhìn gì đâu, La Chu, tớ hỏi cậu, vở kịch hiện nay cậu đang tập vì sao lại lấy Lâu Lan làm bối cảnh? - Diệp Tiêu bỗng nhiên nhớ đến tên vở kịch của La Chu:
Đoạn hồn Lâu Lan.

- Cậu hỏi cái đó để làm gì?
- Tớ hiện đang thụ lý một vụ án. Vụ án này có khả năng liên quan đến việc khảo cổ hồ La Bố. Nạn nhân bị chết cậu nhìn thấy hôm nọ là Hứa An Đa. Anh ta là nhân viên của một Viện Nghiên cứu Khảo cổ, tháng 9 vừa qua cũng đi khảo cổ ở hồ La Bố.
La Chu lắc đầu, nói:
- Tớ xin cậu đừng nói nữa, cứ nghĩ đến những việc ấy là tớ chịu không nổi! Ý cậu là, cái chết của anh ta có liên quan đến thành cổ Lâu Lan? Sợ quá đi, vở kịch mà tớ đang tập chính là nói về thành cổ Lâu Lan. Nói đi nói lại, cuối cùng cậu lại lôi tớ trở lại chủ đề này.
- Tớ xin lỗi, việc này không liên quan gì đến cậu, coi như tớ chưa nói gì!
- Thôi được, tớ nói cho cậu rõ nguyên nhân. Bởi vì tớ thích tiểu thuyết của Yasushi Inoue[18]. Tớ thích tất các các tác phẩm của lão nhà văn hàng đầu Nhật Bản này, như
Đôn Hoàng
,
Sói xanh
. Hơn nữa, ông còn là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu nền văn minh Tây Vực. Ông nghiên cứu rất nhiều về lịch sử và văn hoá Tân Cương. Năm hơn 70 tuổi, ông còn đích thân đến Tân Cương để khảo sát về nền văn minh cổ đại và các di chỉ. Ông ấy viết rất nhiều tiểu thuyết lấy Tây Vực, Trung Quốc làm đề tài, trong đó có một cuốn có tên là
Lâu Lan
, viết về Lâu Lan cổ đại. Tớ nhớ trong đó nói về một người đàn bà tự vẫn, cũng chính là hoàng hậu của nước Lâu Lan. Bà ta không muốn rời bỏ Lâu Lan nên đã tự vẫn, nhưng tớ vẫn nghi có khả năng bà ta đã tự vẫn vì tình. Vì lí do rất sùng bái các tiểu thuyết của Yasushi Inoue, cho nên tớ muốn lấy một câu chuyện về Tây Vực làm đề tài cho vở kịch đầu tiên của mình. Mà Lâu Lan là sự lựa chọn hay nhất, ít nhất nó cũng giúp tớ đặt được cái tên cho vở kịch
Đoạn hồn Lâu Lan
, nó sẽ thu hút được sự chú ý của mọi người. Còn với nội dung của vở kịch thì đương nhiên tớ không mấy tự tin lắm.
Diệp Tiêu gật đầu, hoá ra là niềm đam mê với tác phẩm của Yasushi Inoue, Diệp Tiêu chưa đọc cuốn
Lâu Lan
nhưng tiểu thuyết
Đôn Hoàng
và cả phim nữa, anh đều đã xem, nó để lại trong anh những ấn tượng rất sâu sắc. Anh nghĩ đã đến lúc mình nên về. Chú ý thấy mắt của La Chu đã sắp thâm quầng, anh vỗ vào vai La Chu nói:
- Cậu nên tranh thủ lúc rỗi buổi sáng nay ngủ đi một chút. Tớ về đây, đừng mải viết quá, hãy chú ý đến sức khoẻ.
La Chu gật đầu, tiễn Diệp Tiêu ra cửa. Bỗng nhiên La Chu mặt mũi nhăn nhó lại, nhìn chằm chằm Diệp Tiêu, và lắp bắp nói:
- Diệp Tiêu, tớ thật sự cảm thấy sợ!
- Đừng lo, còn có tớ mà. - Diệp Tiêu gật đầu với anh ta.
- Cậu đúng là bạn tốt nhất của tớ, người anh em ạ! - La Chu bỗng nhiên cảm thấy hơi xúc động.
- Vào ngủ đi!
Diệp Tiêu tạm biệt La Chu rồi bước ra thang máy. Trong thang máy chỉ có mình anh. Thang máy đi xuống một mạch không ngừng lại, anh lặng lẽ đứng nhìn đèn báo tầng lần lượt lướt qua. Bỗng nhiên anh nhớ lại mình và La Chu lúc nhỏ. Anh và La Chu là bạn rất thân của nhau, chơi với nhau từ hồi 5, 6 tuổi đến khi lớn. Hồi nhỏ La Chu mơ làm sĩ quan hải quân, chỉ huy tàu ngầm Trung Quốc lặn sâu dưới đáy Thái Bình Dương, còn Diệp Tiêu thì muốn trở thành một lữ hành gia. Anh rất sùng bái nhà thám hiểm Dư Thuần Thuận, thậm chí anh đã từng đi nghe các buổi nói chuyện của ông, đã từng viết thư cho ông. Anh hi vọng có một ngày sẽ đi theo dấu chân của Dư Thuần Thuận bước trên mảnh đất ở phía Tây Trung Quốc. Có lẽ niềm mong ước này có mối quan hệ với việc anh được sinh ra ở trong Binh đoàn sản xuất kiến thiết Tân Cương mặc dù anh lớn lên ở Thượng Hải, nhưng do bố mẹ anh đều vẫn làm việc ở một đoàn nông sư ở Tân Cương. Tuy nhiên tháng 6 năm 1996, Dư Thuần Thuận gặp nạn trong một lần đi xuyên qua hồ La Bố. Cái chết của ông đã tác động mạnh mẽ đến Diệp Tiêu, anh đau khổ mất mấy ngày mới từ bỏ được ước mơ của mình. Bây giờ Diệp Tiêu đã là một cảnh sát, còn La Chu thì ngay cả hải quân trên bờ cũng chẳng vào, chỉ mưu sinh bằng nghề viết lách, giờ lại làm đạo diễn và biên kịch. Cả hai đều đã từ bỏ ước mơ của mình và tiếp tục vòng quay của cuộc đời trong cái thành phố hiện thực đến tàn nhẫn này. Đó chính là số mệnh, trong thang máy Diệp Tiêu đã tự nói với mình như vậy.
Cửa thang máy đã mở, đã đến tầng cuối cùng, Diệp Tiêu thong thả ra khỏi toà nhà, đã là tháng 11 rồi, cơn gió thu lướt qua trán. Diệp Tiêu thấy ớn lạnh, anh dùng hai tay ôm lấy bả vai đi sang bãi cỏ ven sông, ngắm dòng Tô Châu đang lững lờ trôi.
3

Bóng cây hắt lên cửa sổ tạo thành những bóng đen không ngừng lay động trong gió. Ánh trăng ngoài cửa sổ lúc ẩn lúc hiện. Trương Khai đi đi lại lại không yên trong căn phòng chật hẹp. Bóng anh cũng lắc lư hệt như những cành cây ngoài cửa sổ. Anh không thể chịu nổi hơn được nữa. Anh châm một điếu thuốc. Đầu thuốc lập loè trong phòng toả ra một vầng sáng yếu ớt.
- Tắt thuốc đi! - Văn Hiếu Cổ đứng bên nói với giọng khó chịu.
Điếu thuốc trong tay Trương Khai run rẩy:
- Viện trưởng, em căng thẳng lắm!
- Tắt thuốc đi!
Giọng Văn Hiếu Cổ gần như ra lệnh, Trương Khai thấy hơi sợ, vội dập tắt điếu thuốc.
Sắc mặt Trương Khai ngày càng hoảng hốt. Anh ta lắp ba lắp bắp nói:
- Viện trưởng, sắp đến lúc rồi.
- Đừng sợ, ngồi xuống đi, cậu không chết được đâu! - Văn Hiếu Cổ bình tĩnh nói. Ông đang ngồi trên chiếc ghế Giang Hà vẫn hay ngồi, trước mặt là chiếc máy vi tính Giang Hà thường dùng. Tay cầm một tách trà, nhàn nhã ngồi trên ghế, vừa uống vừa đọc báo.
Trương Khai im lặng không nói gì. Anh ta ngồi ngay cạnh Văn Hiếu Cổ, đầu ngẩng lên, chốc nhìn trần nhà, chốc nhìn ra ngoài cửa sổ, và cuối cùng nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. Tim anh ta đập càng ngày càng nhanh, khuôn mặt trắng bệch, miệng rì rầm:
- Đây là một lời nguyền!
- Cậu nói gì đấy?
- Viện trưởng, anh hãy tin em, em tin rồi, bây giờ em đã rất tin. Đây đúng là một lời nguyền. Mấy ngày nay em cứ cảm thấy cơ thể em có điều gì đó không bình thường.
Văn Hiếu Cổ lạnh lùng hỏi:
- Cậu sợ quá đâm bệnh à?
- Em nghĩ chắc em bị mắc bệnh gì đấy rồi. Mấy hôm trước em đã đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ toàn diện, nhưng chẳng phát hiện ra bệnh gì. Nhưng em thật sự cảm thấy có gì đó, có lẽ, có lẽ sẽ là hôm nay, trong căn phòng này.
Trương Khai vụt đứng bật dậy, toàn thân run lẩy bẩy, sau đó lại ngồi xuống ghế, giấu đầu vào hai đầu gối, miệng không biết đang lẩm bẩm những gì. Văn Hiếu Cổ xưa nay chưa từng thấy anh ta sợ đến thế. Ông đưa tay xoa đầu anh ta, nhẹ nhàng nói:
- Sao cậu lại có thể sợ đến thế, có còn là một thằng đàn ông nữa không hả?
- Thế là em xong rồi! Đây đúng là một lời nguyền, em sắp chết rồi!
Trương Khai gần như phát khóc lên:
- Em còn có vợ và con. Họ sẽ ra sao đây? Viện trưởng, sau khi em chết, Viện hãy chăm lo chu đáo cho họ. Em đã viết sẵn di chúc rồi. À, còn nữa, nếu như em sống được qua đêm nay, ngày mai em sẽ đến công ty bảo hiểm mua loại bảo hiểm nhân thọ có giá trị cao nhất để nếu như em có chết, gia đình em sẽ được một khoản bồi thường. Nhưng không biết liệu em có sống qua được đêm nay không?
- Đừng có suy nghĩ vớ vẩn! Tất cả chỉ là do cậu tưởng tượng ra mà thôi! Cậu sẽ không sao hết!
Văn Hiếu Cổ nói một lèo rồi thở một hơi dài và uống một ngụm trà lớn.
Trương Khai lặng im nghe Văn Hiếu Cổ nói như nghe kể một câu chuyện, sau đó thì im lặng trở lại, anh ta cúi đầu lặng đi một lúc rồi nói:
- Viện trưởng Văn, nhưng đêm nay, liệu em có chịu nổi qua đêm nay không?
Văn Hiếu Cổ mỉm cười:
- Cậu hãy nhìn đồng hồ đi!
Trương Khai giơ tay lên:
- Đã quá 12 giờ rồi.
- Sở Công an nói, Giang Hà chết khoảng 11 giờ rưỡi. Bây giờ đã qua giờ ấy rồi, cậu chẳng đang sống sờ sờ ra đấy sao?
- Đúng rồi, mình vẫn sống!
Trương Khai thở phào một tiếng, như trút được gánh nặng. Anh lấy khăn mùi soa lau mồ hôi trên đầu và nước trong khóe mắt.
Văn Hiếu Cổ an ủi nói:
- Xong, không sao rồi! Giờ cũng đã muộn rồi, cậu ngủ lại đây đi, ở Viện có sẵn túi ngủ và giường xếp đấy!
- Ngủ đêm ở đây ư? Phòng này đã có người chết. Không được, không được, tuyệt đối không được, ngủ qua đêm ở đây em sẽ sợ đến chết mất, mà vợ em còn đang thức đợi em ở nhà. Đêm nay em nhất định phải về, hơn nữa nhà em cũng không xa, mai lại là ngày nghỉ. - Anh ta nói rồi đứng lên.
Văn Hiếu Cổ lắc đầu, lạnh lùng nói:
- Được thôi, cậu muốn về thì về đi nhưng cậu đi xe máy đúng không, cẩn thận đấy nhá!
Trương Khai gật đầu:
- Cảm ơn sự quan tâm của Viện trưởng, em sẽ đi cẩn thận! Nhưng còn Viện trưởng thì sao?
- Tôi chẳng có vợ con, ở đâu cũng thế, tôi sẽ ngủ lại căn phòng này, không sao đâu! - Văn Hiếu Cổ nói xong lại cầm cuốn tạp chí lên.
- Viện trưởng, em rất khâm phục sự gan dạ của anh, em mà có được một phần mười của anh thôi đã tốt lắm rồi. Thôi, em về đây, chào anh!
- Chào cậu, đi đường cẩn thận đấy! - Văn Hiếu Cổ vẫn quan tâm dặn dò thêm một câu.
4

Trương Khai một mình đi trong dãy hành lang tối om. Nghe tiếng bước chân mình vang lên, anh thấy hơi chột dạ, đặc biệt là lúc đi qua cửa nhà kho, anh đi như chạy. Anh sợ vào lúc đó, lời nguyền bỗng xuất hiện, nửa đêm đặt anh nằm vào một xó tối nào trong Viện Nghiên cứu, sáng ra đồng nghiệp kinh ngạc phát hiện ra xác của anh. Chỉ mới nghĩ đến đây, anh đã hầu như không bước đi được nữa, anh nhìn ra bốn bề tối om, cảm thấy tim mình như bị treo lên cao bằng một sợi dây mảnh, bất cứ lúc nào cũng có thể đứt.
Trong khi đang thận trọng đi trong bóng đêm bằng cảm giác, lúc sắp đến cửa ra vào của dãy nhà, anh bỗng cảm thấy phía trước có một luồng khí nóng, tiếp đó anh va phải một cái gì đó ngay trước mặt. Trong bóng tối anh không nhìn thấy gì hết. Trương Khai mở to mắt, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Anh muốn kêu lên thật to nhưng anh không thể kêu lên được, có lẽ cổ họng anh căng thẳng đến mức không còn nghe lời nữa. Anh chỉ có thể dùng giọng run rẩy, khàn khàn tít sâu trong cổ họng nói:
- Ai đấy?
- Tôi đây, Lâm Tử Tố đây! - Có tiếng người vang lên trong bóng tối.
Trương Khai lúc đó mới thở ra một tiếng, hổn hển nói nhỏ:
- Cậu làm tôi suýt nữa sợ chết đứng người. Tôi cứ tưởng mình va phải xác chết sống lại chứ!
- Xin lỗi cậu!
Trong bóng tối Lâm Tử Tố vội nắm lấy tay Trương Khai, sau đó kéo anh ta lên phía trước mấy bước, rồi lại rẽ sang bên, cuối cùng đã đến cửa ra vào. Ở đó có một chút ánh sáng hiếm hoi chiếu lên hai khuôn mặt mờ mờ ảo ảo của Lâm Tử Tố và Trương Khai.
Trương Khai vẫn chưa hết sợ, lấy tay xoa lên ngực, nhìn vào mặt Lâm Tử Tố nói:
- Nửa đêm gà gáy thế này sao cậu còn ở đây?
- Ừ, tôi về đến nhà mới phát hiện chìa khóa không ở trong người. Hóa ra là quên ở phòng làm việc cho nên phải quay lại Viện lấy nếu không đêm nay không biết ngủ ở đâu. - Lâm Tử Tố hạ giọng nói.
- Sao anh không trở lại từ sớm ấy? Bây giờ đã hơn 12 giờ rồi! - Trương Khai hơi nghi ngờ.
- À lúc tan làm, tôi không về nhà ngay mà còn ra ngoài làm mấy ly, uống đến tận tối muộn, về đến nhà lại không mở được cửa. Xin lỗi anh nhé, muộn thế này rồi còn làm cho anh giật mình!
- Ừm. - Trương Khai gật đầu, nhìn cái dáng cao cao của Lâm Tử Tố. Trong tay anh ta đang cầm một cái túi da to, màu đen, có trời biết trong đó đựng cái gì. Dưới ánh sáng thưa thớt, cái dáng đó hiện lên nhợt nhạt ngoài cửa sổ, nhìn anh ta như người ở thế giới khác. Nhìn một hồi anh lại thấy hơi sờ sợ.
Lâm Tử Tố bỗng dưng cất tiếng hỏi:
- Trương Khai, sao anh giờ này cũng hãy còn ở đây?
- Ôi chuyện dài lắm không kể hết bây giờ được. Viện trưởng Văn bây giờ vẫn đang ngồi ở cái phòng Giang Hà bị chết ấy, ông ấy còn chuẩn bị ngủ qua đêm ở đó.
- Viện trưởng Văn cũng đang ở căn phòng đó? - Lâm Tử Tố thấy hơi sợ.
- Ừ, chúng tôi đang làm một thử nghiệm! - Trương Khai nói nhỏ.
- Thử nghiệm gì?
Trương Khai nói vẻ thần bí:
- Thử nghiệm về cái chết!
- Thử nghiệm về cái chết? Trương Khai, anh mà gan thế sao? - Giọng Lâm Tử Tố có vẻ khinh miệt.
Trương Khai không hề để ý đến thái độ đó, có lẽ anh đã quá quen rồi, anh nói nhỏ:
- Tôi muốn thử xem, trong thời gian từ 11 giờ đến 12 giờ, trong căn phòng Giang Hà đã bị chết liệu có xảy ra việc chết người lần nữa không.
- Dùng chính mạng của anh để thử nghiệm á?
- Chả còn cách nào, Viện trưởng Văn cứ lôi tôi vào, chứ một mình tôi thì dù một phút tôi cũng không dám ở lại căn phòng đó. Bây giờ đã qua 12 giờ rồi, chắc sẽ không có việc gì đâu. Nhưng không biết vì sao mà tôi cứ thấy có điềm chẳng lành. Lâm Tử Tố, anh có tin vào lời nguyền không?
Lâm Tử Tố đã đi đến bên ngoài hàng cây, ánh trăng chiếu lên khuôn mặt anh ta:
- Tôi chỉ tin vào chính mình.
- Tôi mà tự tin được như anh thì tốt quá. Anh đã lấy được chìa khóa chưa?
Lâm Tử Tố lấy ra một chùm chìa khóa giơ ra trước mặt Trương Khai nói:
- Mình về thôi!
Trương Khai bước ra khỏi dãy nhà nhỏ, đi theo sau Lâm Tử Tố, anh xoa xoa ngực, mừng vì mình vẫn còn sống. Trên con đường nhỏ dưới tán cây, Trương Khai dễ dàng nhìn thấy ánh trăng. Ánh trăng sao mà lạnh lẽo. Họ đi qua cổng lớn của Viện Nghiên cứu, sau đó đóng cổng lại. Trương Khai trèo lên chiếc xe máy của mình, nói với Lâm Tử Tố bằng giọng khàn khàn:
- Tôi về đây, chào anh!
Anh khởi động xe rồi vội vàng phóng đi. Trên con đường nhỏ vắng lặng như chết, tiếng nổ của chiếc xe máy vang lên chậm chạp. Lâm Tử Tố nhìn theo bóng anh ta, nhếch miệng vẻ khinh bỉ, sau đó anh quay đầu lại nhìn về phía dãy nhà bên trong cổng lớn của Viện Nghiên cứu khảo cổ. Ánh mắt phát ra vẻ lanh lợi của con thú ăn đêm.
Gió thu ập đến, Lâm Tử Tố xách cái túi da màu đen thong thả đi ra khỏi Viện.
5

Đã quá nửa đêm rồi, Văn Hiếu Cổ tỉnh dậy sau một cơn ngủ gật. Ông hiểu rằng cái thời thanh niên của 20 năm trước khi ông có thể tác nghiệp khảo cổ trong mộ cổ suốt đêm đã qua rồi. Ông thở dài, nhìn ra bóng đêm ngoài cửa sổ. Trà trong cốc đã nguội. Ông rót thêm nước ở phích vào. Ông thong thả nhấp một ngụm, nước trà đặc quánh chảy qua cổ họng ngấm vào trong người. Giấc mơ vừa nãy lại chợt hiện lên trước mắt ông. Ông mơ thấy Trương Khai.
Trán Văn Hiếu Cổ ướt đẫm mồ hôi. Đây chỉ là một giấc mơ. Mà ông vốn không tin vào những giấc mơ, thậm chí không tin cả vào cuốn
Giải thích giấc mơ
của Freud[19], nhưng lúc này ông thấy rất căng thẳng. Trà đặc làm ông tỉnh táo, ông lại cầm cuốn tạp chí học thuật lên, đã đọc đến những trang cuối, trong bản tin khảo cổ học, ông đọc được một bài viết như thế này, tiêu đề của nó là:
Khóc không ra nước mắt ở hồ La Bố: Di tích Thành cổ Lâu Lan cổ bị đào trộm!

Đề mục ấy khiến cho Văn Hiếu Cổ xúc động, ông khẽ đọc một đoạn ngắn:
Các chuyên gia đến Thành cổ Lâu Lan đã giật mình khi thấy một cái hố to bị đào sâu bốn góc khoảng 1 mét, đường kính trên dưới 2 mét, ở nơi giáp gianh giữa
Nhà ba gian

Khu dân cư
, trong đó có một chiếc hầm to đào trực tiếp vào chính giữa một gian nhà. Nhà ba gian có quy mô kiến trúc cao to nhất trong thành, các chuyên gia khảo cổ cho rằng đây là nha môn lúc bấy giờ. Từ sau khi Sven Ahders Hedin phát hiện ra Thành cổ Lâu Lan và đào được rất nhiều những văn tự cổ Kharosthi quý ở chân tường nhà ba gian, các nhà khảo cổ Nhật Bản Quất Thụy Siêu
, Anh quốc Marc Aurel Stein... đều đã tiến hành đào bới với quy mô lớn ở đây và chuyển về nước nhiều di vật. Những di vật này sau bị chôn vùi trong các viện bảo tàng, trên thế giới nổi lên cao trào
Thành cổ Lâu Lan học.


Bộ phận quản lý di vật tin tưởng rằng, với khí hậu khắc nghiệt của vùng hồ La Bố và con đường gian nan của hoang mạc đủ đảm nhận trách nhiệm:
Cấm xâm nhập
, cho nên từ trước đến nay, ở đây chưa bao giờ có được sự phòng bị chủ động hữu hiệu. Theo giới thiệu của những cán bộ có liên quan: Nếu thực sự có yêu cầu đến bái yết Thành cổ Lâu Lan, người đi khảo sát tự giác tuân theo các quy định đến
Vùng cấm
, làm đơn gửi bộ phận liên quan, đương nhiên không thể thiếu số tiền lót tay rất cao thì sẽ được phê chuẩn. Nhưng trên thực tế thì chỉ cần một chiếc xe jeep, mang đủ nước, lương ăn và xăng dầu rồi đi theo những vết bánh xe hằn rõ, sâu chừng nửa mét là có thể đi đến bất cứ vùng nào trong Thành cổ Lâu Lan.

Di chỉ Mễ Lan là một vùng có diện tích rộng lớn. Di chỉ chủ yếu bao gồm thành quách Mễ Lan, hai ngôi chùa thờ Phật và các ngôi mộ. Dọc chân tường thành và các bức tường chính của ngôi chùa đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những chiếc hố. Mễ Lan thuộc đất đai của quốc gia cổ Lâu Lan, thời Hán đã từng canh tác ở đây. Có ý kiến tranh luận cho rằng đây là kinh đô của nước Lâu Lan sau khi dời đô. Ở đây đã từng phát hiện ra bức bích họa tuyệt tác mang tên:
Thiên thần có cánh
và những thẻ gỗ viết chữ Thổ Phồn vào khoảng thế kỷ 8, 9 sau Công nguyên. Đây là di tích lịch sử quan trọng trong việc khám phá sự hưng vong bí ẩn của cổ quốc này. Nó còn là một trong những minh chứng hiếm hoi về sự giao lưu giữa nước Thổ Phồn và Tây Vực trong quá khứ.

Thành cổ Doanh Bàn, những tháp Phật, mộ cổ của di chỉ Doanh Bàn nằm trên phần đường thuộc về nước Lâu Lan trên con đường tơ lụa trước đây. Nó có một vị trí hết sức quan trọng trên con đường tơ lụa. Ở đây đã phát hiện ra lụa, lụa hoa, gấm, gương sắt từ thời Hán, trong đó có cả mặt nạ thô ráp mang phong cách nghệ thuật Trung Á, đồ thủy tinh của Ba Tư và các loại sản phẩm dệt mang phong cách nghệ thuật Hy Lạp. Do việc tu sửa đường quốc lộ, di chỉ Doanh Bàn đã gặp phải sự phá hoại mang tính hủy diệt. Những bộ xương bị đào trộm từ trong mộ nằm rải rác khắp nơi, quan tài bị đập phá làm nhiều mảnh, những chiếc đầu lâu thậm chí phơi ngay ở bên đường. Những kẻ đào trộm mộ thường đi thành từng đoàn bằng xe Jeep. Chúng nói mà không hề kiêng kị rằng, chúng muốn đào bới các quan tài vì có những nhà sưu tập nước ngoài chỉ đích danh cần những quan tài sặc sỡ ở đây. Phạm vi di chỉ mộ địa ở Doanh Bàn tương đối rộng, trong mấy con rạch ở dãy núi Kuruktag, nghe nói bọn đào trộm mộ đã đào gần hết những ngôi mộ ở địa thế thấp, ăn trộm hết những ngôi mộ tương đối dễ đào. Chúng cho rằng những ngôi mộ cao cấp được chôn ở địa thế tương đối cao sẽ là
Mục tiêu trọng điểm
sau này.


Những mộ thái dương
thuộc rạch mộ cổ đã không còn nhìn thấy dáng dấp mộ táng
Thái dương
nữa... và những mộ huyệt ở trung tâm bị đào bới không chỉ một lần. Trong những ngôi mộ cạnh sông Thiết Bản có những ngôi mộ bị đào sâu tới 3 mét và bị đào thông giữa các mộ; hoặc là đào thẳng từ đỉnh mộ xuống để lấy những đồ tùy táng. Ở hoang mạc La Bố có rất nhiều những di vật cổ quý báu được chôn giấu, có nhiều thứ đến nay chưa ai biết đến. Sau khi thành lập nhà nước Trung Hoa mới[20], chúng ta chỉ mới tiến hành công tác thu dọn trong khoảng thời gian một tháng ngắn ngủi ở khu vực
Cổ mộ câu

Thành cổ Lâu Lan
. Vậy mà những phát hiện ở đây đã đủ để làm chấn động thế giới. Ở khu vực Cổ mộ câu Thái dương, chúng ta đã tìm được xác ướp của
Mỹ nhân Lâu Lan
thuộc chủng người Ấn Âu có niên đại 3800 năm; ở Thành cổ Lâu Lan, chúng ta đã tìm thấy số lượng lớn các văn thư chữ Hán. Những điều này đã cung cấp những chứng cứ khảo cổ không thể thiếu được trong việc tìm hiểu các vấn đề cư dân, vấn đề nhân chủng của vùng hồ La Bố cổ và những vấn đề kinh tế của Triều đình đối với vùng Tây Vực.

Việc
Mỹ nam Doanh Bàn
thời Hán Tấn được tìm thấy ở
di chỉ Doanh Bàn
trong quá trình khai quật để bảo tồn các ngôi mộ đã bị phá hoại nghiêm trọng. Mặc dù việc khai quật này về cơ bản chỉ tiến hành với những mộ huyệt bị phá hoại. Bộ xương khô của trẻ sơ sinh thuộc chủng người Âu Ấn cách hiện tại khoảng 4000 năm tìm thấy ở
Thành cổ Lâu Lan
và quan tài sặc sỡ từ thời nhà Hán trên thực tế không phải được phát hiện qua khảo cổ mà là do bên công an khi phá vụ án mua bán đồ cổ ở khu vực này thu hồi được.


Trước đây, gió cát và khí hậu vùng hồ La Bố là sức mạnh chủ yếu tàn phá đi những di chỉ này. Nhưng ngày nay, sự tàn phá của con người còn mạnh hơn cả thiên nhiên.


Văn Hiếu Cổ chưa đọc hết bài viết này đã gấp cuốn tập san lại, ngẩng đầu lên, khoé mắt ông như ngân ngấn nước. Thực ra phần lớn nội dung của bài viết ông đều đã rõ. Mười mấy năm nay, ông luôn theo dõi những hiện tượng đào trộm di vật trên toàn quốc, đặc biệt là ở Tân Cương. Hầu như mỗi lần ở vùng Tân Cương phát hiện ra vụ đào trộm di vật nào, ông cũng đều thông qua các cách đặc biệt để có được tin tức nội bộ một cách sớm nhất. Mỗi lần nhận được những thông tin này, tim ông đều nhói đau. Ông vừa thở dài vừa nói lại câu vừa đọc trong cuốn tập san:
sự tàn phá của con người còn mạnh hơn cả thiên nhiên
.
Văn Hiếu Cổ hiểu rõ, xét từ một góc độ nào đó, ai cũng đều là nghi phạm của việc đào trộm mộ cổ. Những hành động, việc làm của những người đi tiên phong trong việc khảo cổ thành cổ Lâu Lan như Sven Ahders Hedin hay Stain chẳng phải cũng là một kiểu đào trộm mộ cổ đó sao? Ngày 28 tháng 3 năm 1900, khi nhà khảo cổ Thụy Điển Sven Ahders Hedin phát hiện ra thành cổ Lâu Lan trên hoang mạc La Bố Nao Nhĩ, từ lần khai quật đầu tiên đến nay đã tròn 100 năm. Trước và sau thời điểm đó, rất nhiều các nhà khảo cổ người Nga như Nikolai Mikhaylovich Przhevalsky, Torbern Olof Bergman người Thụy điển, Huntington· Samuel·P người Mỹ, Marc Aurel Stein người Anh, Quất Thụy Siêu người Nhật đã đến đây. Năm đó phương Tây và Nhật Bản đều có người đến hồ La Bố hoặc là vào sâu trong Thành cổ Lâu Lan để khai quật những vùng xung quanh cổ mộ. Lâu Lan đương nhiên không thể tránh khỏi bị khai quật, thu gom và vận chuyển các di vật đi chỗ khác hết lần này đến lần khác. Những năm đó, những học giả Trung Quốc may mắn được đến khảo sát ở Lâu Lan chỉ có hai người là Hoàng Văn Bật và Trần Tôn Khí. Việc này là kết quả của cuộc tranh luận của giới học thuật Trung Quốc kiên quyết thành lập
Đoàn khảo sát khoa học Tây Bắc Trung Quốc - Thụy Điển
. Họ là thành viên đại diện từ phía Trung Quốc nên mới có được cơ hội này. Là một nhà khảo cổ và nhà thám hiểm, việc khai quật của của Sven Ahders Hedin và Stain quả thực là đáng được kính trọng, nhưng trong khi ghi danh tên mình vào sử sách, họ đồng thời cũng đã tiến hành một cuộc phá hoại và cướp bóc to lớn đối với mộ cổ. Nếu không có sự phát hiện của họ, những di chỉ ở Lâu Lan và các vùng phụ cận e rằng vẫn được bảo tồn ở đó một cách hoàn hảo như cũ, sẽ không có người phá hoại những di chỉ đó, bởi những tài sản to lớn đó không thuộc về bất cứ ai ngày hôm nay. Chúng là của tổ tiên chúng ta.
Trên bìa sau của cuốn tập san học thuật, Văn Hiếu Cổ nhìn thấy một bức vẽ vô cùng quen thuộc - một bức bích hoạ màu, vẽ bảy thiên sứ nhỏ mang trên mình đôi cánh. Bảy thiên sứ nhỏ theo kiểu cổ điển châu Âu đều giương to đôi mắt nhìn về phía trước một cách lanh lợi, đôi môi nhỏ xinh hơi mím lại, dường như không có gì có thể đẹp hơn thế. Năm 1907, ở di chỉ Mễ Lan tại Tân Cương, bức bích hoạ này đã khiến cho nhà thám hiểm danh tiếng Stain phải ngây ra. Ông ta lập tức liên tưởng đến bức hoạ thiếu nữ thời Hy Lạp cổ. Hình tượng thiên sứ đến từ thế giới phương Tây đã được mời vào nhà thờ Phật giáo ở miền Nam hoang mạc với sứ mệnh là người canh giữ và truyền giáo Phật pháp.
Văn Hiếu Cổ lặng lẽ ngắm nhìn bức bích họa. Nhiều năm trước khi ông được tận mắt nhìn thấy bức bích hoạ này cũng đã hết sức kinh hãi. Còn bây giờ, ông đang nghĩ đến đôi mắt, những đôi mắt to và sáng trong bức tranh đang chăm chú nhìn ông.
Trời đã sắp sáng.
6

Sáng sớm chủ nhật, con đường nhỏ vốn rất vắng vẻ thì hôm nay lại tập trung rất đông người. Người qua đường và những dân cư ở quanh đây vẫn đang tiếp tục đổ dồn về, vây chặt thành vòng, nhưng cảnh sát đã có mặt để ngăn họ lại, vẽ các đường kí hiệu và đặt đường cảnh giới. May mà con đường này ngày thường cũng không nhiều xe qua lại nên người đi đường và xe cộ có thể đi vòng sang một con đường khác cách đó chừng hơn 100 mét, vì thế không gây ra tắc đường.
Diệp Tiêu không lái chiếc Satana của Sở mà bắt taxi chạy thẳng từ nhà đến. Anh xuống xe, xuất trình thẻ cảnh sát hình sự rồi bước qua đường cảnh giới. Một trận gió thu thổi tới, anh cảm thấy hơi lạnh, vận động chút gân cốt rồi bước tới trước mặt một người cảnh sát già.
- Tiểu Diệp, sao cậu lại đến đây? Ăn sáng chưa? - Người cảnh sát già rõ ràng là không thân với Diệp Tiêu lắm, hỏi vài câu xã giao.
- Lão pháp sư, cháu ăn sáng rồi. Cháu vừa nghe nói ở đây xảy ra án mạng nên đến xem thế nào, vì vụ án cháu đang phụ trách cũng xảy ra ở gần đây. Tình hình nạn nhân thế nào hả chú?
- Vẫn chưa rõ tên tuổi và thân phận, là một người đàn ông, tuổi khoảng 35 đến 40, không cao, chắc khoảng 1m65, mặc áo sơ mi màu đen, quần màu xanh sậm. Lúc phát hiện ra, nạn nhân nằm sát lề đường bên phải, đầu một phía, người một phía. Phía bên trái đường là một chiếc xe máy vẫn chưa tắt máy. Lúc đó xung quanh không có xe cộ gì, một người đi đường đã phát hiện ra anh ta. Giờ báo án là 6 giờ 10 phút sáng. Phân tích từ hiện trường cho thấy, chiếc xe máy không có dấu vết của sự đụng độ, va chạm. Nạn nhân cũng không có vết máu hay dấu tích xây xát. Trên đường cũng không có dấu vết của tai nạn giao thông, cho nên đây không thể là một vụ đâm xe. Có khả năng là nạn nhân ngã từ trên xe xuống nhưng nguyên nhân ngã chưa rõ ràng, thậm chí nguyên nhân chết có phải là do ngã từ trên xe máy xuống hay không vẫn còn phải chờ giám định thêm.
Cách người cảnh sát già dùng ngôn ngữ thường dùng trong các bản báo cáo thuật lại tình hình khiến Diệp Tiêu thấy rất khâm phục.
- Cháu ngó qua một chút được không ạ?
- Đương nhiên rồi!
Người cảnh sát già đưa Diệp Tiêu đến hiện trường vụ án. Xung quanh có người đang bận chụp ảnh, có người đang thu thập các dấu vân tay. Diệp Tiêu nhìn người chết đang nằm trên mặt đất, anh cảm thấy hơi lạ. Nếu nạn nhân ngã từ trên xe máy xuống thì một chân phải bị xe máy đè lên. Đằng này nạn nhân lại nằm cách xe máy khoảng 2 mét, ở tư thế nằm ngửa. Tư thế nằm như thế rất lạ, vì nếu sau khi nhảy ra khỏi xe đi được mấy bước rồi ngã thì nạn nhân phải nằm nghiêng về một bên còn nếu bò trên mặt đất thì mặt phải úp xuống đất mới đúng. Theo tư thế này thì khả năng lớn nhất là nạn nhân sau khi nhảy ra khỏi xe đã lùi lại mấy bước rồi mới ngã xuống, hoặc là vừa bắt đầu nhảy đã ngã nên dùng tay chống lùi về phía sau hai mét. Đương nhiên không loại trừ khả năng khác là chiếc xe máy đổ dưới đất về cơ bản không phải như lúc nạn nhân lái, mà là có ai đó đã lái, sau khi nạn nhân ngã, người đó đã để lại xe và bỏ chạy. Diệp Tiêu chăm chú nhìn kỹ mặt nạn nhân. Biểu hiện trên khuôn mặt rất lạ lùng, không rõ là tuyệt vọng hay sợ hãi. Biểu hiện ấy của nạn nhân khiến Diệp Tiêu cảm thấy có gì đó bất an.
- Có lẽ nạn nhân lúc sống là một người rất nhát, nhìn biểu hiện trên mặt anh ta thì biết. Người cảnh sát già đứng bên chen vào một câu.
Diệp Tiêu rất khâm phục kinh nghiệm và khả năng quan sát của người cảnh sát già này. Anh nghe nói ông đã tham gia phá nhiều vụ án lớn và phức tạp. Anh em trong Sở vẫn bí mật lưu truyền những câu chuyện phá án hấp dẫn hơn cả Sherlock Holmes của ông, thế nên
Lão pháp sư
đã giành được sự kính trọng của anh.
Nhìn thi thể nạn nhân nằm trên mặt đất, Diệp Tiêu bỗng có một linh cảm. Để chứng tỏ tính xác thực của linh cảm này, anh nói với người cảnh sát già:
- Lão pháp sư, cháu có thể xem xét quần áo của nạn nhân được không? Cháu đang nghi ngờ thân phận của người này có liên quan đến vụ án cháu đang thụ lý.
Người cảnh sát già hơi do dự, xem ra ông không tin lắm vào lớp trẻ nhưng cuối cùng cũng gật đầu. Diệp Tiêu đeo găng tay rồi cúi xuống xác nạn nhân. Đầu tiên anh sờ trên người nạn nhân, nhận thấy trong quần áo nạn nhân có ví tiền. Anh kéo phéc mơ tuya cẩn thận lấy chiếc ví ra. Trước mặt người cảnh sát già, anh mở chiếc ví ra, ngoài tiền ra trong ví còn có một ít giấy tờ, đầu tiên là chứng minh thư, tên trên chứng minh thư là Trương Khai. Tờ thứ hai là giấy chứng nhận công tác, trên giấy ghi tên đơn vị: Viện Nghiên cứu Khảo cổ.
Diệp Tiêu gật đầu, linh cảm của anh đã đúng. Anh nói với người cảnh sát già với vẻ mặt rất nghiêm trọng:
- Lão pháp sư, vụ án này là của cháu rồi!
Người cảnh sát già vỗ vai anh, sau đó nói nhẹ nhàng:
- Nếu cần tôi giúp gì thì cứ nói.
Diệp Tiêu đang định nói thì thấy xe ô tô của Sở đi đến. Nạn nhân được bọc vào túi xác, khiêng lên xe. Chiếc xe rú còi rời khỏi hiện trường. Một cuộc giải phẫu thi thể đang chờ đợi Trương Khai.
Hiện trường tiếp tục được dọn dẹp. Người cảnh sát già lại tiếp tục công việc của ông. Diệp Tiêu ngẩng đầu lên thấy những cây ngô đồng đang xào xạc run rẩy trước gió thu. Trong đầu anh đang bấn lên những ký hiệu và con số, khiến anh thấy mơ hồ và buồn ngủ. Cuối cùng anh lên một chiếc xe của Sở phái tới, trở về Sở để chứng kiến cuộc khám nghiệm. Trước mặt anh lại hiện lên khuôn mặt của Giang Hà và nội tạng đầy máu tươi của anh ta.
7

Phương Tân trong chiếc áo blu trắng đang chăm chú nhìn vào chiếc kính hiển vi. Bỗng nhiên nghe thấy có tiếng mở cửa, anh quay phắt đầu lại thì nhìn thấy Diệp Tiêu đang đi vào.
Phương Tân tỏ ra rất bất ngờ:
- Diệp Tiêu, cậu đến rồi đấy à, sao nhanh thế?
- Xác nạn nhân mang đến hồi sáng đã có kết quả khám nghiệm chưa?
- Ừm, cậu đoán đúng đấy. Nạn nhân không phải chết do chấn thương bên ngoài. Nguyên nhân trực tiếp là động mạch vành bị tắc nghẽn dẫn đến nhồi máu cơ tim mà chết.
Diệp Tiêu gật đầu, lẩm bẩm nói:
- Quả nhiên là giống Giang Hà!
- Đúng vậy, nạn nhân rõ ràng là có biểu hiện của việc bị tắc nghẽn động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim, do đau đớn mà ngã từ trên xe xuống, sau khi giãy giụa trên mặt đất mấy giây thì tim ngừng đập.
- Thế nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn động mạch vành đã tìm ra chưa?
Phương Tân đẩy chiếc kính hiển vi sang một bên:
- Sao mà nhanh thế được, tớ đang cho kiểm định mẫu máu và mẫu mô của nạn nhân.
- Liệu có tìm ra được không?
- Diệp Tiêu, nói thật với cậu, tớ không chắc chắn đâu. Từ những gì tớ mà tớ biết thì có lẽ đây là một loại bệnh hoàn toàn mới, chưa có gì để giải đáp được cả!
Diệp Tiêu bán tín bán nghi hỏi:
- Có nghiêm trọng đến thế không?
Nét mặt Phương Tân tỏ ra nghiêm túc một cách khác thường. Anh gật đầu, sau đó chậm rãi nói:
- Có thể sự việc còn nghiêm trọng hơn cả trong tưởng tượng.
Anh thở dài một tiếng rồi nói tiếp:
- Đêm nay tớ lại phải thức trắng đêm rồi.
Sau đó anh lại vùi đầu vào chiếc kính hiển vi.
Diệp Tiêu không nói gì, nét mặt cũng vô cùng nghiêm trọng, từ từ bước ra khỏi phòng thí nghiệm pháp y.
8

Diệp Tiêu đến Viện Nghiên cứu Khảo cổ vào đầu giờ chiều. Anh đi trên con đường nhỏ xuyên qua những lùm cây, bước vào tòa nhà nhỏ của Viện. Trong khi điều tra vụ án về cái chết của Giang Hà, anh đã đến đây mấy lần, vì thế anh nhanh chóng tìm ra phòng làm việc của Văn Hiếu Cổ.
Khi Văn Hiếu Cổ nhìn thấy người sĩ quan cảnh sát trẻ đi về phía văn phòng mình, từ khuôn mặt của Diệp Tiêu, ông đã đoán ra được một điềm gì đó không lành sắp xảy đến. Vì thế ông chuẩn bị sẵn tư tưởng. Ông bình tĩnh hỏi:
- Cảnh sát Diệp, anh lại đến rồi. Có gì cần tôi giúp đỡ không?
Diệp Tiêu không nói gì, anh lặng lẽ quan sát Văn Hiếu Cổ. Vành mắt Văn Hiếu Cổ hơi đỏ, xem ra có vẻ rất mệt mỏi. Điều này làm Diệp Tiêu liên tưởng đến điều gì đó nhưng khuôn mặt không chút biểu cảm nào của Văn Hiếu Cổ khiến cho anh không biết phải làm thế nào. Tuy nhiên, Diệp Tiêu vẫn đi thẳng vào vấn đề:
- Viện trưởng Văn, thông báo cho ông biết một tin không may, Trương Khai, cán bộ của Viện sáng sớm nay đã được phát hiện thấy qua đời do tai nạn.
- Phát hiện thấy ở đâu?
Diệp Tiêu có phần thấy ngạc nhiên, Văn Hiếu Cổ hình như không hề giật mình với tin này. Diệp Tiêu nói tiếp:
- Chúng tôi phát hiện thấy thi thể của anh ta trên con đường cách cổng Viện khoảng 1000 mét. Bên cảnh sát đã thông báo cho gia đình nạn nhân. Họ đã xác nhận đó chính là Trương Khai.
Văn Hiếu Cổ vẫn tiếp tục bình tĩnh hỏi:
- Cậu ta bị tai nạn xe à?
- Không, mặc dù anh ta bị ngã từ trên xe xuống, nhưng sau khi khám nghiệm tử thi, nguyên nhân cái chết của anh ta là do bị tắc nghẽn động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim mà chết.
- Lẽ nào cũng lại như Giang Hà?
- Không loại trừ khả năng này. - Diệp Tiêu lạnh lùng đáp. - Qua giám định pháp y, thời gian chết của Trương Khai là khoảng từ 12 giờ đêm qua đến 1 giờ sáng nay. Căn cứ vào hiện trường tử vong chỉ cách Viện khoảng năm phút đi xe, có thể phán đoán rằng, anh ta đã chết trên đường từ Viện về nhà. Từ đó suy ra, rất có thể khoảng 12 giờ đêm qua anh ta mới từ Viện về nhà. Viện trưởng Văn, gần đây ở Viện ta có làm ca đêm không?
Văn Hiếu Cổ lắc đầu.
Diệp Tiêu nói tiếp:
- Thế thì tôi cũng thấy lạ, tại sao Trương Khai lại về nhà muộn đến thế?
- Có lẽ anh ta đang viết luận văn hoặc làm nốt phần việc ban ngày còn đang làm dở. Điều này không hề lạ, ở Viện có rất nhiều tài liệu và máy móc nên cũng có những cán bộ chỗ chúng tôi tự nguyện ở lại làm thêm.
- Cũng giống như trường hợp vào đêm Giang Hà bị chết phải không?
Văn Hiếu Cổ sững người, ánh mắt của ông đụng ngay phải ánh mắt của Diệp Tiêu nhưng ông không né tránh mà cứ nhìn bất động vào anh. Diệp Tiêu cảm thấy kỳ quặc nhưng ánh mắt của Văn Hiếu Cổ vẫn vô cùng điềm nhiên trấn tĩnh. Thấy vậy, giọng Diệp Tiêu lại mềm trở lại:
- Viện trưởng Văn, mấy tuần gần đây, sau vụ việc của Giang Hà và Hứa An Đa, đây đã là vụ tai nạn chết người thứ ba rồi. Ông không cảm thấy giữa những việc này có mối quan hệ gì đó sao?
- Vì sao chúng nhất định lại phải có quan hệ với nhau? Trên thế giới này có rất nhiều việc không thể nói rõ ràng được, cũng giống như chúng tôi trong các hoạt động khảo cổ cũng thường xuyên gặp những sự việc rất khó giải thích. Đây gọi là bí ẩn! Mà những bí ẩn nhân loại để lại từ hàng nghìn năm nay đâu có ít đâu?
Diệp Tiêu không chịu thua:
- Viện trưởng Văn, tôi là một sĩ quan cảnh sát, nhiệm vụ của tôi là đưa chân tướng ra ánh sáng, đưa hung thủ vào vòng pháp luật.
- Cảnh sát Diệp, tôi biết. Tôi hy vọng anh sẽ sớm điều tra ra chân tướng.
Diệp Tiêu thấy hơi nản lòng. Anh biết là mình không thể tìm ra đầu mối có giá trị gì ở con người này. Văn Hiếu Cổ tiễn anh ra khỏi phòng làm việc của Viện trưởng. Diệp Tiêu chợt nói:
- Viện trưởng Văn, tôi có thể đi xem các phòng khác ở Viện Khảo cổ được không?
Văn Hiếu Cổ do dự một lúc rồi đồng ý. Ông dẫn Diệp Tiêu lên tầng 2.
- Tầng 2 là bộ phận hành chính của Viện, phòng làm việc của phòng Tài vụ, phòng Tổ chức cán bộ và cả phòng họp nữa đều ở cả đây, anh có cần kiểm tra không?
- Không cần! - Nhưng Diệp Tiêu bỗng nảy ra câu hỏi. Anh nói: - Viện trưởng Văn, tôi có một vấn đề không được rõ, thông thường mà nói, phòng làm việc của lãnh đạo một đơn vị phải ở tầng 2 cùng với bộ phận Hành chính, vì sao phòng làm việc của ông lại ở tầng 1?
- Tôi chỉ là người làm công tác khảo cổ, từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nhận mình là cán bộ lãnh đạo gì cả. Tôi không thích các công tác hành chính, cũng không muốn dính líu gì đến họ. Tôi chỉ muốn hoàn thành được công việc của mình ở vị trí của mình. - Văn Hiếu Cổ thờ ơ đáp.
Họ đi lên tầng 3, Văn Hiếu Cổ nói:
- Trong các phòng ở tầng 3 đều là văn hiến và tư liệu về khảo cổ và lịch sử. Viện chúng tôi kinh phí chẳng có là bao, cứ âm thầm lặng lẽ thế thôi. Nhưng Viện cũng có chút thành quả nghiên cứu, đặc biệt là chúng tôi có vài chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử vùng Tây Vực. Như Bạch Chính Thu, bạn học đại học với tôi, sau lại là đồng nghiệp. Ông ấy có sự hiểu biết rất sâu về vấn đề này. Đáng tiếc là, hơn mười năm trước, ông ấy chẳng may đã qua đời trong một tai nạn. Cô con gái của ông tên là Bạch Bích, chính là vợ chưa cưới của Giang Hà đấy!
Diệp Tiêu nghe thấy tên của Bạch Bích thì chợt sững người lại, anh gật đầu nói:
- Thật là trùng hợp!
Văn Hiếu Cổ như đang nhớ lại điều gì đó, ánh mắt có gì đó xa xăm, nhưng ngay lập tức ông lấy lại được phong thái bình thường. Ông bình tĩnh nói:
- Đúng là rất trùng hợp, Giang Hà và Bạch Bích tự tìm đến nhau! Đó là chuyện của bọn trẻ, không liên quan gì đến tôi! Chúng ta xuống dưới nhà đi!
Văn Hiếu Cổ dẫn Diệp Tiêu quay xuống tầng trệt, trong hành lang tối om, lúc họ đi qua một cánh cửa sắt màu đen xem ra rất nặng, Diệp Tiêu bất ngờ hỏi:
- Viện trưởng Văn, lần trước chúng tôi đã kiểm tra hết các phòng ở tầng trệt, duy nhất chỉ có phòng này hình như là chưa vào.
- Xin lỗi anh! Đây là cánh cửa nhà kho. Chúng tôi là Viện Nghiên cứu Khảo cổ, luôn có một số di vật khảo cổ quan trọng khai quật được tạm thời cất giữ ở đây. Đợi sau khi hoàn tất các công việc sau khi khai quật sẽ giao lại cho bên Quản lý Di vật quốc gia. Các di vật khai quật được đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, cho nên những đồ vật trong kho này không thuộc Viện chúng tôi, cũng không thuộc về cá nhân nào. Tôi mặc dù là Viện trưởng, cũng không có quyền mở nó ra cho anh vào xem, trừ khi có lệnh khám xét của bên Sở Tư pháp. Mong anh thông cảm!
Diệp Tiêu gật đầu:
- Hoá ra là như vậy, tôi hiểu rồi! Thế cái cửa này bình thường có những ai được ra vào?
- Ngoài tôi ra, chỉ có Giang Hà và Lâm Tử Tố. Tuy nhiên dù là vậy, mấy người chúng tôi cũng không thể tùy tiện vào. Khi có nhu cầu nghiên cứu, phải có hai người cùng vào. Về nguyên tắc, không được phép vào một mình.
- Để đề phòng trộm trong Viện sao?
Văn Hiếu Cổ gượng cười:
- Đại loại là như vậy. Nhưng anh cho rằng nó có liên quan đến vụ án của anh đang điều tra chăng?
Diệp Tiêu xem xét cánh cửa sắt nặng nề này, trong lòng cứ có cảm giác khó chịu. Anh lùi lại một bước, hy vọng tìm thấy đầu mối gì đó trên cánh cửa nhưng chẳng phát hiện thấy gì. Anh chán nản nói:
- Chí ít thì có khả năng liên quan đến Giang Hà, bởi vì anh ta được phép vào đây! Thôi, tôi về đây!
Rời khỏi cánh cửa, Diệp Tiêu còn ngoái đầu lại nhìn lần nữa. Ở phía cuối hành lang âm u kia là một mảng màu đen mờ ảo. Điều này khiến tim anh đập nhanh dần lên. Mau ra khỏi đây thôi, anh không muốn ở lại thêm nữa, rảo bước đi ra khỏi tòa nhà nhỏ.
Văn Hiếu Cổ tiễn Diệp Tiêu ra tận cổng lớn của Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Diệp Tiêu bỗng quay lại hỏi một câu:
- Đúng rồi, Viện trưởng Văn, tôi còn một câu hỏi cuối cùng! Đêm hôm qua ông ở đâu?
Văn Hiếu Cổ nhìn anh bằng cặp mắt lạ lùng, mặt hơi biến sắc. Ông ta lặng đi một lúc, rồi trả lời:
- Tôi ở Viện cả đêm qua.
Diệp Tiêu gật đầu, rồi hỏi tiếp:
- Ông không nhìn thấy Trương Khai sao?
Lại là một khoảng lặng rất dài.
- Không!
Đây là câu trả lời cuối cùng của Văn Hiếu Cổ.
Diệp Tiêu mỉm cười nói:
- Cảm ơn ông! - Sau đó nhanh chân bước qua đường, lên chiếc xe Santana của Sở nhanh chóng rời khỏi nơi đây.
Văn Hiếu Cổ sau khi nhìn theo bóng Diệp Tiêu đi xa, quay lại con đường với những hàng cây. Trong một góc khuất không người, ông rút khăn ra lau mồ hôi, thở hắt ra một hơi thật dài, miệng thầm gọi tên Trương Khai. Sau đó ông ta lên phòng Tài vụ ở tầng 2, dặn dò bên tài vụ cấp cho gia đình Trương Khai tiền mai táng phí và tiền trợ cấp ở chế độ cao nhất.
..............
[17] Nhu Nhiên: hay còn gọi là Hung Nô.

[18] Yasushi Inoue (1907-1991): nhà văn nổi tiếng người Nhật Bản. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở khắp trên thế giới.
[19] Sigmund Freud (6/5/1856 - 23/9/1939): nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học. Cho đến ngày nay mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20.

[20] Ngày quốc khánh Trung Quốc 1/10/1949.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Lời Nguyền Lâu Lan.