Phần 4 - Chương 9: Nhân Quả Thế Gian - Làm tròn bổn phận


Số từ: 1954
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Tăng Chi Bộ Kinh 8a, tr 239)
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Lúc ấy giờ tôn giả Anuruddha đang đi nghỉ ban ngày, ngồi Thiền Định. Rồi rất nhiều thiên nữ với thân khả ái đi đến tôn giả Anuruddha, đảnh lễ và đứng một bên, thưa với tôn giả:
"Chúng con là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt chúng con có quyền lực và có tự tại. Thưa Tôn giả, chúng con muốn có hình sắc như thế nào, chúng con liền được hình sắc như thế ấy ngay lập tức. Chúng con muốn được âm thanh như thế nào, chúng con liền được âm thanh ấy ngay lập tức. Chúng con muốn được lạc thọ như thế nào, chúng con liền được lạc thọ ấy ngay lập tức. Thưa Tôn giả Anuruddha, chúng con là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt, chúng con có quyền lực và có tự tại".
Rồi tôn giả Anuruddha suy nghĩ:"Mong rằng các thiên nữ này đều trở thành xanh," Các thiên nữ liền biến thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh. Tương tự như vậy với hồng, trắng.
Rồi các thiên nữ ấy, một người hát, một người múa, một người vỗ tay. Ví như năm loại nhạc khí khéo hòa điệu, khéo chơi, khéo đánh, bởi người thiện xảo thì tiếng phát ra được đáng yêu, khả lạc, khả dục, mê ly. Cũng vậy, nhạc của các thiên nữ ấy tiếng được đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Nhưng tôn giả Anuruddha giữ các căn nhiếp phục. Các thiên nữ ấy nghĩ rằng:"Tôn giả Anuruddha không có thưởng thức." Liền biến mất tại chỗ.
Và buổi chiều Tôn giả đến thuật lại cho Thế Tôn và hỏi:
"Bạch Thế Tôn, thành tựu bao nhiêu pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với các thiên nữ có thân khả ý?"
Phật bảo:
"Này Anuruddha, đầy đủ tám pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh cộng trú với các thiên nữ có thân khả ý. Thế nào là tám?"
"Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân đối với người chồng nào cha mẹ gả cho, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên. Đối với người ấy, nữ nhân dậy trước, đi ngủ sau, vui lòng nhận mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương. Những ai được người chồng kính trọng như mẹ, cha, Sa Môn, Bà La Môn, nữ nhân ấy cung kính tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và khi họ đến sẽ dâng hiến chỗ ngồi và nước. Phàm có những việc trong nhà, hoặc thuộc về len hay vải bông, ở đây nữ nhân thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm. Trong nhà người chồng phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin nào, hay người công thợ, nữ nhân biết công việc của chúng với công việc đã làm, biết sự thiếu sót của chúng, với công việc không được làm tốt, biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh, biết chia các đồ ăn loại cứng và loại mềm cho mỗi người tùy theo từng phần của họ. Phàm có tiền bạc, lúa gạo, vàng bạc do người chồng đem về, nữ nhân ấy phòng hộ, bảo vệ, gìn giữ để khỏi bị ăn trộm, ăn cắp. Kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Nữ cư sĩ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nữ cư sĩ giữ giới, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục (ngoại tình), từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say men rượu nấu. Nữ cư sĩ bố thí, sống ở gia đình với tâm từ bỏ cấu uế của sân tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia xẻ các vật dụng bố thí. Thành tựu tám pháp này, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư thiên có thân khả ái."
NHẬN XÉT
Chúng ta tóm lược tám pháp cần thiết cho một nữ cư sĩ tại gia sống có gia đình như sau.
1, Thương quý và lo lắng cho chồng.
2, Tôn trọng thân quyến và sư trưởng của chồng.
3, Quán xuyến công việc trong nhà.
4, Quản lý và đối xử thích hợp với người giúp việc.
5, Bảo quản tài sản kỹ càng.
6, Quy y Tam Bảo.
7, Giữ gìn năm giới.
8, Bố thí rộng rãi.
Đầy đủ tám pháp này, sau khi mất nữ nhân sẽ sinh lên cõi trời dành cho các thiên nữ được quyền lực và tự tại trên ba địa hạt dung sắc, âm thanh và lạc thọ.
Trong tám pháp trên, chúng ta cũng nhận thấy chia làm hai phần rõ rệt. Năm pháp đầu là bổn phận đối với gia đình, đối với liên hệ xã hội. Ba pháp sau là những công đức trong Phật Pháp. Ba công đức căn bản trong Phật Pháp sẽ được nhắc nhở nhiều về sau. Bây giờ chúng ta sẽ nhận xét năm pháp nói về bổn phận đối với gia đình, xã hội của một người vợ.
Năm pháp được Phật nêu ra có hai tính chất nổi bật, đó là trái tim thương yêu quý kính và khối óc sáng suốt đảm đang. Người vợ sẽ phải thương yêu quý kính chồng, quý kính thân quyến sư trưởng của chồng, quý mến những người giúp việc. Người vợ sẽ phải sáng suốt đảm đang để săn sóc cho chồng, tiếp đãi ân cần với thân quyến sư trưởng của chồng, đối xử thích hợp với người giúp việc, biết và sắp đặt công việc, bảo vệ tài sản chu đáo. Một người vợ muốn được công đức lớn trong bổn phận đối với gia đình cần phải có hai điều kiện, tài năng và lòng độ lượng. Chưa nói đến công đức trong Phật Pháp. Chỉ để đầy đủ bổn phận đối với gia đình mà hai điều kiện này cần phải có.
Công đức được tăng trưởng khi người vợ, với tài năng và lòng độ lượng đã làm tròn bổn phận của mình trong lãnh vực gia đình. Chúng ta suy rộng ra với mọi người trên mọi lãnh vực. Bất cứ ai ở cương vị nào, nếu đủ tài năng và lòng độ lượng để làm tròn bổn phận đều sẽ được tăng trưởng công đức. Chúng ta không đòi hỏi phải có những hoàn cảnh thuận tiện để làm nhiều phước nghiệp rộng lớn, chỉ cần cố gắng, với tình thương và sự tháo vát, để làm tròn bổn phận khiêm tốn của mình cũng đều là nhân lành cho mai sau. Dù là người chồng, người con trong gia đình, dù là viên chức trong một cơ quan xí nghiệp, dù là một thầy giáo, thậm chí chỉ là một học sinh, nhưng nếu bổn phận được làm đầy đủ với tài năng và trái tim từ ái, người này sẽ gặt hái những phúc lạc xứng đáng.
Trước hết lòng thương quý mọi người đã hướng dẫn lời nói, việc làm và ý nghĩ của chúng ta đi về hướng thiện, chỉ cốt làm sao đem lại an vui hạnh phúc cho mọi người chung quanh mà không mong cầu tư lợi cho mình. Người có lòng thương người sẽ không nỡ nói nặng ai lời nào. Ai sống cũng cần vật chất, nhưng cũng rất cần tình thương. Chúng ta phải biết ban phát tình thương cho mọi người trong những món tài vật dâng tặng, trong những câu nói ưu ái, trong những cử chỉ săn sóc, trong những ánh mắt ân cần. Lịch sự chính là thể hiện tình thương quý đối với mọi người. Tuy nhiên, có khi vì thói quen, chúng ta lịch sự một cách máy móc mà thiếu một trái tim nồng cháy tình người bên trong. Lịch sự là biểu hiện văn minh của một xã hội. Khi nền văn minh tiến bộ ở mức độ cao, con người trở nên lịch sự với nhau hơn. Những quốc gia giàu có và có văn hóa đều có lối sống rất đậm tình người. Bổn phận con người, dù ở môi trường nào, cũng đều phải ban phát tình thương cho nhau qua sự quan tâm săn sóc của mình. Một bổn phận của người vợ được Đức Phật nêu ra chính là thể hiện tình thương quý đối với chồng qua sự lo lắng săn sóc, thể hiện sự quý kính đối với thân quyến và sư trưởng của chồng qua sự ân cần tiếp đãi, thể hiện sự quý kính đối với người giúp việc qua sự quan tâm chăm sóc họ. Tình thương không được thể hiện là một thứ tình thương rỗng. Giá trị của tình thương nằm ở chỗ thể hiện qua cử chỉ ân cần, lời nói ưu ái, tài vật dâng tặng. Đây là một trong những bổn phận thiêng liêng của con người với nhau.
Điều kiện để làm tròn bổn phận kế đó là khả năng. Có được khả năng cũng là do phước đời trước. Tuy nhiên dù khả năng ít hay nhiều, chúng ta cũng đều phải cố gắng quán xuyến công việc của mình một cách tường tận. Phật đã nêu những điểm căn bản để một người vợ được gọi là quán xuyến những việc trong gia đình. Người có lòng nhân từ tức là người siêng năng. Không thể gọi là nhân từ nơi một người lười biếng. Ở không và đòi hỏi sự hy sinh phụng sự của người khác đối với mình, rõ ràng là người thiếu lòng nhân đạo, nếu không muốn nói là người ác. Chúng ta phải siêng năng làm tròn bổn phận của mình, có nghĩa là siêng năng phụng sự cho mọi người chung quanh. Người công nhân tận tâm thực hiện và chăm sóc kỹ công việc của mình, người thầy giáo tận tâm dạy dỗ và kiểm soát học sinh của mình... đều là công đức cho đời sau. Người càng có khả năng nắm vững thấu đáo và tháo vát thực hiện là càng đem lại hiệu quả cho lợi ích chung. Người thiếu khả năng, không nắm vững vấn đề, dù có nhiệt tình cũng không đem lại lợi ích lớn. Thế nên người tài giỏi, nếu biết sử dụng, dễ tác thành phước nghiệp hơn người kém cõi.
Phần còn lại, Phật nêu ba tiêu chuẩn công đức căn bản trong Phật Pháp, quy y Tam Bảo giữ gìn năm giới và bố thí rộng rãi. Người thực hiện ba điều này, lợi ích là vô hạn ở mai sau. Quả phước tối thượng từ một niềm tin tối thượng. Khi một người đặt niềm tin kính nơi Tam Bảo, họ đã đặt được niềm tin nơi thiêng liêng tối thượng và tùy theo sự tu tập về sau, họ đóng cửa nẻo ác, mở cửa đường thiện đi về cõi phúc lạc vô biên. Phần đầøu của sự tu tập là giữ năm giới để không mất thân người. Kế đó họ phải chắc mót để bố thí thường xuyên vì công đức lành nào cũng bắt nguồn từ hành vi bố thí.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.