Phần 4 - Chương 22: Nhân Quả Thế Gian - Vua và Đất Nước


Số từ: 4245
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Tăng Chi 2a, tr 99)

Khi nào, này các Tỳ Kheo, các vua phi pháp có mặt, khi ấy các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà La Môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà La Môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở nên phi pháp. Khi nào dân chúng thị thành và các làng là phi pháp, khi ấy mặt trăng mặt trời đi sai quỹ đạo. Khi nào mặt trăng mặt trời đi sai quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi nào tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi sai quỹ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa. Khi nào gió thổi sai lạc trái mùa, khi ấy chư thiên bực mình. Khi nào chư thiên bực mình, khi ấy trời mưa không có điều hòa. Khi nào trời mưa không có điều hòa, khi ấy lúa chín trái mùa. Này các Tỳ Kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy loài người nuôi sống với loại lúa ấy thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh.


Khi nào, này các tỳ Kheo, các vua đúng pháp có mặt, khi ấy các vị đại thần đúng pháp có mặt (Diễn dịch ngược với đoạn trên.....)
......Này các Tỳ Kheo, khi nào lúa chín đúng mùa, khi ấy loài người nuôi sống với loại lúa ấy, thọ mạng sẽ dài, dung sắc đẹp đẽ, có sức mạnh và không có nhiều bệnh
.

Khi đàn bò lội sông
Đàn đầu đi sai lạc
Cả đoàn đều đi sai
Vì hướng dẫn sai lạc
Cũng vậy trong loài người
Vị được xem tối thắng
Nếu sở hành phi pháp
Còn nói gì người khác
Cả nước bị đau khổ
Nếu vua sống phi pháp
Khi đàn bò lội sông
Đàn đầu đi đúng hướng
Cả đàn đều đúng hướng
Vì hướng dẫn đúng đường
Cũng vậy trong loài người
Vị được xem tối thắng
Nếu sở hành đúng pháp
Còn nói gì người khác
Cả nước được an vui
Nếu vua sống đúng pháp.

NHẬN XÉT:
Bài kinh này Đức Phật nói về Nghiệp báo chung của cả quốc gia.
Dĩ nhiên không phải vô cớ mà những người dân sinh ra cùng một đất nước để chịu chung một hoàn cảnh, một hiến pháp, một nền văn minh. Cũng không phải vô cớ mà một người trở thành vua của quốc gia ấy. Công đức riêng của vị này và sự liên hệ nhiều đời với nhân dân đã đưa vị ấy trở thành vua của đất nước đó. Lịch sử đằng đẵng của loài người đã chứng tỏ rằng không phải vị vua nào cũng là hôn quân vô đạo, cũng không phải vị vua nào cũng là minh quân diệu đức. Dù là cùng một thể chế phong kiến, nhưng có khi vua là chính trực, có khi vua là hôn ám. Và thái độ của vua ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước. Bài kinh diễn dịch rất lạ tai về những sự đi lệch quỹ đạo của mặt trăng mặt trời, các thiên hà tinh tú, năm tháng không chính xác, chư thiên bực mình (?), thời tiết mùa màng thay đổi... nhưng có một điểm mốc quan trọng là:

Khi nào dân chúng thị thành và làng mạc trở thành phi pháp...

Như vậy không phải vua là nguyên nhân đưa đến đau khổ an lạc cho đất nước, mà chính sự phi pháp của dân chúng đưa đến bất hạnh cho họ. Vua chỉ là cái cớ ban đầu dẫn đến thái độ phi pháp hay đúng pháp của dân chúng mà thôi.
Nếu dân chúng hầu hết trở thành băng hoại Đạo Đức, phong hóa suy đồi, ác giới lừng thịnh, lấp đường bố thí, mở lối ích kỷ, thì từ đó những sinh hóa của thiên nhiên đi dần về phía bất lợi cho cuộc sống con người. Mưa gió sẽ thất thường không thuận lợi cho việc trồng tỉa; sâu bọ côn trùng sinh sôi nảy nở phá hoại hoa màu; động đất rung chuyển sụp lở làm chết người hư vật; bão tố lụt lội sẽ thường xuyên tàn phá xóm làng thị trấn; sóng thần trổi dậy cuốn trôi làng mạc ven biển, bệnh dịch phát khởi lan tràn gieo rắc chết chóc tóc tang. Những
cơn thịnh nộ
của thiên nhiên rất tàn khóc và vẫn nằm ngoài tầm tay kiểm soát của con người. Y học tiến bộ chừng nào thì bệnh nan y tăng vọt chừng nấy. AIDS đang là một loại bệnh mới xuất hiện làm điên đầu bao nhiêu nhà khoa học.
Trong các hình thức nghiệp, đạo Phật có nói đến cộng nghiệp – nghiệp chung. Do cộng nghiệp này mà những người cùng chung trong một điều kiện, một xứ sở, một địa phương, một làng xóm, một tập thể, một chuyến xe phải chịu chung một bất hạnh hay một may mắn. Những người dân Ả rập sống chung trên những túi dầu hỏa; những người Eskimo sống chung nơi vùng bắc cực lạnh lẻo hoang vắng; những người Nhật ở Hiroshima và Nagasaki chịu chung hai trái bom nguyên tử; những hành khách trên chuyến xe hôm qua chịu chung tình trạng lật; những gia đình bên kia chịu chung một quyết định dời nhà trong khu qui hoạch... Có lẽ do sự tạo nghiệp tập thể nào đó, do tâm trạng thiện ác tương ưng nào đó, đã đưa những người này nhận chung số phận vui khổ giống nhau. Dĩ nhiên trong cộng nghiệp vẫn có biệt nghiệp của từng người. Trái đạn nổ tung, khói bụi mịt mờ, hai ba người lính không còn tìm thấy xương thịt nguyên vẹn, nhưng có một người chỉ bị cháy nám sơ sơ. Chiếc xe nổ bánh trước lật nhào xuống ruộng, hành khách bị một phen kinh hoàng, nhưng chỉ có hai ba người chết. Một thành phố tối tân giàu có, nhà cửa cao lớn chọc trời, sinh hoạt tấp nập thịnh vượng, nhưng vẫn có những người nghèo khó sống kham khổ thiếu áo, thiếu nhà.
Tuy nhiên nghiệp thiện ác tương ưng trên toàn thể vẫn đem lại cho họ một sắc thái vui khổ chung chung.
Bài kinh này Phật nhấn mạnh đến trách nhiệm của người lãnh đạo đất nước là phải làm sao cho dân chúng sống đúng pháp. Khi họ đã sống đúng pháp rồi thì những kế hoạch ổn định trật tự, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống... dễ dàng thực hiện. Nếu người dân sống phi pháp, dù cố gắng tối đa, vị nguyên thủ vẫn không thành công trong việc đem lại cho họ một đời sống ấm no hạnh phúc. Trách nhiệm nặng nề của vị vua nằm ở chỗ này, là giúp họ có một đời sống chân chính Đạo Đức. Thường thì vị vua lãnh đạo đất nước chỉ đặt nặng khả năng tổ chức, thiết kế sách lược, sắp xếp kế hoạch, bổ dụng nhân sự... mà quên đi cái gốc nằm tại thái độ sống của người dân. Vị vua chân chính nào cũng muốn cho dân được hạnh phúc ấm no, nhưng nếu người dân thiếu phước thì không một sách lược nào thành tựu. Thế nên trên tất cả kế hoạch, vị vua phải có một kế hoạch xây dựng thái độ sống cho dân chúng. Kế hoạch này là nền tảng của mọi kế hoạch kinh tế, quốc phòng, giáo dục, công nghiệp... nào khác.
Nhưng muốn xây dựng thái độ sống của người dân thì vị vua phải chọn thái độ sống của chính mình trước hết, và chính thái độ sống của vua sẽ ảnh hưởng tới các vị đại thần, tới dân chúng. Chúng ta nói vị vua ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước nghĩa là như vậy. Từ thái độ sống của vua ảnh hưởng tới dân chúng, và từ thái độ sống của dân chúng ảnh hưởng đến đời sống khổ vui của họ.
Trong kinh cựu ước của Thiên Chúa giáo có một huyền thoại về sự tiêu diệt thành Sodoma. Dân thành Sodoma sống trụy lạc, ác độc và ích kỷ. Chúa trời Jéhova quyết định tiêu diệt toàn bộ thành này. Abraham xin chúa tha thứ nếu còn một số người có thiện tâm. Đấng Jéhova đồng ý tha thứ thành này khỏi bị hủy diệt nếu còn đến mười người có thiện tâm. Nhưng tiếc thay, cả thành chỉ còn gia đình của Lott có thiện tâm. Thiên sứ đã hiện ra đưa gia đình Lott ra khỏi thành, sau đó một cơn mưa diêm sanh và lửa từ trời giáng phủ tiêu diệt toàn bộ thành Sodoma và Gomose. Hai thành này bị sụp xuống thành Tử Hải cho đến hôm nay.
Chúng ta bỏ qua những chi tiết huyền thoại này, chỉ hiểu đơn giản rằng do thái độ sống phi pháp quá đáng của dân chúng hai thành này, nên thiên nhiên đã xuất hiện thiên tai, sự động đất sụp lở cùng với mưa lửa – mưa lửa có thể hiểu giống như mưa acid bây giờ.
Thật ra chúng ta khó đánh giá Nhân Quả của một quốc gia vì sự luân hồi tái sanh đã chuyển người dân nước này trở thành người dân nước khác. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy được những nét chung chung. Dân chúng các nước Ả rập (Arabic) theo Hồi giáo, tuân thủ lời dạy bố thí của tiên tri Mahomet rất triệt để. Họ bố thí rất rộng rãi với những số tiền lớn lao. Có những phú gia bố thí hết trọn cả gia tài. Nền văn minh của các quốc gia hồi giáo đã từng vượt lên khá cao bởi vì sự tài trợ rộng rãi của các vua chúa phú gia cho những nhà khoa học và văn hóa bấy giờ. Bây giờ họ là những quốc gia giàu có bởi các mỏ dầu khí nằm rãi rác trong đất nước sa mạc mênh mông của họ. Tuy giàu có, nhưng họ phải chịu đựng quả báo về chiến tranh thường xuyên. Sự xung đột giữa Isrel và các nước Ả rập, chiến tranh điên cuồng giữa Iran và Irak, là sự phản ánh những cuộc hành quân truyền giáo của quân đội Hồi Giáo trong quá khứ. Hồi giáo có truyền thống lạ lùng về sự truyền giáo. Họ dùng quân đội và nhiều hình thức chế tài để bắt buộc người khác theo Hồi Giáo. Giáo chủ Mahomet đi tiên phong trong phương pháp này. Đạo Phật tại Ấn độ đã bị tiêu diệt gần hết bởi quân đội Hồi Giáo ở thế kỷ thứ 13.
Bắt chước Hồi Giáo, Thiên Chúa giáo thành lập Thập tự quân để chiến đấu ngăn chận sự phát triển của Hồi Giáo. Những cuộc chiến đấu dai dẵng và tàn khốc của
Thánh chiến
này trong năm thế kỷ còn để lại nỗi kinh hoàng đến tận hôm nay. Máu người chảy thành dòng ngập đến đầu gối ngựa. Dựa vào dòng sông máu này chúng ta có thể đoán ra thây người nhiều hay ít ra sao.
Tại nước Nhật, Phật giáo được xem là quốc giáo cùng với truyền thống võ sĩ đạo tại đây. Trong một chiếu chỉ ban cho toàn dân. Thánh đức Thái Tử đã viết:

Toàn dân Nhật phải kính thờ đạo Phật

Và thế là đạo Phật nhanh chóng xâm nhập vào cuộc sống người dân Nhật. Họ sống thanh thản, thánh thiện và bình thường cho đến khi người Âu châu đặt chân đến đất nước họ. Minh Trị Thiên Hoàng đã sáng suốt tiếp nhận văn minh kỹ thuật Tây phương vào đất nước mình. Trí tuệ của thiền từ lâu ẩn núp trong phong cách mộc mạc của dân chúng Nhật, bây giờ trổi dậy tiếp thu và phát huy những kỹ thuật của Tây phương một cách sắc bén không ngờ. Nền văn minh cơ khí vật chất vượt lên cao độ, những phương tiện xe cộ, máy bay, tàu thủy, điện tử... đã đủ để họ trở nên cường quốc trong một thời gian không lâu. Khi sự vinh quang của vật chất được tôn sùng thì sự cao cả của thánh triết bị bỏ quên. Tinh thần võ sĩ đạo truyền thống của Nhật được phát tiết vào quân đội. Đảng Hắc Long ra đời với chủ thuyết đại đông Á, mưu đồ thôn tính các nước Á đông ven Thái Bình Dương. Tinh thần Phật giáo nhường chỗ cho chủ nghĩa quân phiệt (Militarism). Những chiến thắng liên tiếp từ Mãn Châu, lục địa Trung Hoa, Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương... đã làm cho Nhật trở thành bá chủ như chủ trương của họ. Những xác người để lại bên cuộc xâm lăng, hai triệu người Việt Nam chết đói vì chính quyền Nhật ra lệnh phá lúa trồng đay, còn là nỗi thương tâm khó xóa nhòa!
Và rồi quân đội đồng minh đã phản công mạnh mẽ, chiếm lại dần dần những vùng đất bị chiếm. Quân đội Nhật yếu thế từ từ. Hoa Kỳ đặt chân càng lúc càng gần nơi lãnh thổ Nhật. Trong lúc đen tối tuyệt vọng như vậy, những nhà quân đội lãnh đạo của Nhật còn hối thúc các nhà bác học chế ra bom nguyên tử để hy vọng chuyển bại thành thắng (kế hoạch Ni). Nhưng cuối cùng, mùa thu năm 1945, Hoa Kỳ đã chấm dứt cuộc chiến tranh Thái Bình Dương này bằng hai quả bom nguyên tử tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki! Nhật đầu hàng vô điều kiện.
Khi sự vinh quang của quyền uy và vật chất bị đập vỡ. Người Nhật trở về tìm sự an ủi trong đời sống Thiền Định cố hữu của họ. Hoa Kỳ đã thay thế chính quyền Nhật bởi những phần tử ôn hòa, giải trừ toàn bộ quân đội Nhật. Người Nhật chỉ còn lo xây dựng kinh tế. Sự thông minh do Thiền Định đem lại đã giúp cho người Nhật trở thành sắc xảo trong lãnh vực khoa học kỹ thuật và sự thành công về phương diện này đã khiến thế giới khâm phục họ.
Phước do lối sống Phật giáo luôn luôn sẵn sàng đem lại sự thành công cho họ, nhưng nếu họ hướng sự thành công đó về chiến tranh giết chóc, họ phải chịu hậu quả tức thì.
Nếu so sánh các loài động vật thì con người có phước hơn các loài thú khác. Dù to lớn như voi, hung dữ như cọp, con người vẫn có khả năng khống chế như thường. Nghiễm nhiên con người trở thành chủ nhân giữa các loài trên mặt đất.
Nếu so sánh giữa các giống dân thì giống dân da trắng có vẻ có phước hơn giống dân da màu. Bao nhiêu thế hệ trôi qua, người da trắng vẫn giữ vị trí hàng đầu của nhân loại. Dù cố gắng chống kỳ thị chủng tộc, nhưng trong thâm tâm, người ta vẫn có cảm tình với dân da trắng hơn dân da đen. Nếu ai muốn hy sinh cả đời mình để tìm giá trị cho dân da đen, họ sẽ được mãn nguyện tìm thấy giá trị cho chính họ ở những đời sống về sau, khi họ sinh vào giống dân da trắng. Thật vậy, ai có phước sẽ chuyển sinh về những giống dân da trắng để được giá trị hơn.
Không hề có sự cố định là loài vật nhỏ sẽ tiến hóa thành những loài vật cấp cao, cũng như không hề cố định những loài vật cấp cao sẽ thoái hóa thành loài vật cấp thấp. Phước của từng chúng sinh sẽ qui định sự tiến hóa hay thoái hóa của nó. Nếu con khỉ có chút lòng vị tha từ ái, nó sẽ chuyển thân thành người. Nếu con người mà vị kỷ ganh ghét, nó sẽ chuyển thân thành khỉ. Sự chuyển thân nghĩa là thần thức ra khỏi thân gá vào thai của loài giống khác, không phải chuyển thân là đổi hình dáng của nó. Nói khỉ thành người nghĩa là thần thức của con khỉ đó, sau khi chết, gá vào thai loài người. Nói người thành khỉ nghĩa là thần thức của người ấy, sau khi chết, gá vào thai loài khỉ. Cái động lực chính của sự tiến hóa hay thoái hóa là phước nghiệp của mỗi chúng sinh. Sức mạnh của phước nghiệp đã đưa thần thức của chúng sinh đi vào nơi tương xứng.
Nói như vậy không có nghĩa chúng sinh không có quyền tự làm chủ và phước nghiệp là sức mạnh bên ngoài. Chúng sinh có quyền làm chủ từ ban đầu khi họ quyết định tạo thiện hay ác. Khi nghiệp thiện hay ác đã được tạo ra rồi thì họ trở lại bị nghiệp đó làm chủ. Chính chúng sinh tạo ra chủ nhân của mình. Nếu đó là chủ nhân thiện, chúng sinh có nhiều tự do và may mắn. Nếu đó là chủ nhân ác, chúng sinh chịu nhiều ràng buộc và bất hạnh.
Nếu người có tâm từ ái tốt lành, sức mạnh của phước sẽ đưa thần thức họ về một xứ sở có nhiều người từ ái thân thiện. Nếu người có tâm vị kỷ ganh tỵ, sức mạnh của nghiệp sẽ đưa thần thức họ về một xứ sở có nhiều người hay đấu tranh bỏn xẻn. Nơi xứ sở tương xứng đó, họ sẽ nhận được sự đối xử thích hợp của mọi người chung quanh. Nói như vậy cũng không có nghĩa quơ đũa cả nắm vì trong cái chung cũng có vô vàn dị biệt, nhưng ngược lại trong cái dị biệt vẫn có nét chung.
Bài kinh trên, Phật đặt trách nhiệm chính nơi vị vua, giống như con bò đầu đàn hướng dẫn đàn bò. Nếu con đầu đàn đi sai, cả đàn sẽ kéo nhau vào vực sâu thác ghềnh nguy hiểm. Nếu con đầu đàn đi đúng, cả đàn sẽ đến bờ an ổn. Do đó, vị vua phải sống chân chính hướng dẫn dân chúng cùng sống chân chính. Đó là nói vị vua biết vì dân vì nước, nhưng còn có thể phạm sai lầm trong đường lối. Trong trường hợp khác, có những bạo chúa không có một chút vì dân vì nước, trái lại còn đày đọa áp bức dân chúng, đối xử tàn bạo với dân chúng như kẻ thù. Cả một tập đoàn vua quan chỉ xúm nhau hà hiếp bốc lột dân chúng. Vua Néron giải trí bằng cách đốt cháy nhà dân chúng rồi đứng trên đài cao ngắm lửa cháy một cách vui sướng! Hitler với chủ nghĩa quốc xã đã vắt cạn sức lực của toàn dân cho mưu đồ bá chủ. Polpot chụp mũ phản động để đập bể đầu gần hết dân Campuchia. Chúng ta không hiểu nổi mối thù truyền kiếp nào đã đưa đến tình trạng éo le như vậy, nhưng rõ ràng có mối thù giữa tập đoàn thống trị và dân chúng. Vua Asoka trong giai đoạn ban đầu cũng là bạo chúa, đã đối xử tàn bạo và khắc nghiệt với mọi người. Vua còn đem quân tàn phá thôn tính các nơi để mở rộng đế quốc. Người dân đã gọi vua là Ác A dục. Đến khi vua bị đạo Phật tấn công và cai trị cả cõi lòng. Vua bỗng trở thành minh quân, sáng suốt, suốt đời hướng dẫn toàn dân sống theo chánh pháp và hỗ trợ sự phát triển của đạo Phật. Vua còn cho cả công chúa xuất gia sang truyền giáo tại Tích Lan. Đế quốc của vua trải qua một thời gian dài và thịnh vượng.
Thường thì ít có trường hợp đặc biệt một người đời này là thường dân rồi qua đời sau làm vua. Họ phải trải qua nhiều đời làm quan nhỏ quan lớn. Nếu ở giai đoạn làm quan này họ lo lắng cho dân một cách tận tình thì sẽ được làm vua ở những đời sau. Nhưng họ dễ rớt ở giai đoạn làm quan này vì quyền uy và vật chất đã chôn vùi khá nhiều sự cao thượng của họ. Hiếm người vượt qua sự cám dỗ của ngũ dục để giữ trọn lập trường vì dân vì nước như ban đầu. Nếu họ vượt qua sự cám dỗ của ngũ dục để giữ trọn lập trường vì dân vì nước, họ sẽ tiến đến đỉnh cao của ngôi vị nhân vương.
Lại nữa, nếu một người có duyên phước được làm vua tại một quốc gia giàu có thịnh vượng, phải biết trong những đời trước, họ đã từng giáo hóa dân chúng sống theo Đạo Đức chân chính. Nếu họ chưa từng giáo hóa dân chúng Đạo Đức, họ sẽ phải làm vua một quốc gia nghèo khổ bất hạnh, thiên tai liên miên, thất mùa thường xuyên, kế hoạch thất bại, làm vua một quốc gia như thế khổ sở như sống trong địa ngục.
Chúng ta cũng cám ơn những nhà tư tưởng lớn đã ra đời để sáng tạo đường lối chính trị tiến bộ cho loài người, làm hạn chế sự sai lầm của tập đoàn lãnh đạo.
Tuy nhiên không phải vô cớ mà đất nước có vua độc tài hay có vị nguyên thủ dân chủ. Những vị lãnh tụ độc tài có cái uy lực lạ lùng, có thể khống chế tâm hồn của người dưới một cách mạnh mẽ, buộc họ phải làm theo ý muốn của mình mà không ai dám phản đối. Vua Quang Trung được diễn tả:

Có đôi mắt sáng như sao và tràn đầy uy lực, không ai dám nhìn thẳng. Mỗi khi chỉ tay ra lệnh như có sấm sét. Lời nói vang như chuông.

Uy lực của vua Quang Trung đã truyền sức mạnh cho quân sĩ để họ đủ sức phá tan ba mươi vạn quân Thanh nhiều hơn họ gấp sáu lần.
Hitler có cái nhìn thấu suốt tâm hồn người đối diện như thôi miên họ, không ai dám cãi Hitler điều gì dù biết đó là sai. Đại chiến thứ hai bùng nổ chỉ bởi con người có uy lực độc tài này.
Do phước của dân chúng để họ có được vị vua độc tài như Asoka, và cũng bởi nghiệp của họ phải chịu vị vua độc tài như Tần Thủy Hoàng. Cấu kết của Nhân Quả quốc gia rất linh động và tương đối, không một sự kiện nào hình thành độc lập, tất cả đều nương vào nhau mà hiện hữu. Phước của dân chúng cho họ một vị vua, và sự sáng suốt của vị vua cho họ cơ hội để tạo phước. Phước của người Việt Nam cho họ một Trần Nhân Tôn, và Trần Nhân Tôn đã cho họ một nền Đạo Đức Phật giáo.
Tóm lại, trên bình diện quốc gia, vua là người ảnh hưởng lớn tới vận mệnh đất nước. Nếu vua là nguyên nhân khiến cho Đạo Đức dân chúng suy đồi, đất nước sẽ điêu linh khổ sở. Nếu vua là nguyên nhân khiến cho Đạo Đức dân chúng tăng tịnh, đất nước sẽ thái bình thịnh vượng. Vị vua phải thấy cả ba mặt của vấn đề Đạo Đức.
Một, ngành tư pháp hữu hiệu có khả năng chế tài những kẻ phạm pháp, không cho kẻ phạm tội tiếp tục phạm tội, răn đe những kẻ muốn phạm tội.
Hai, ngành giáo dục Đạo Đức hữu hiệu đánh thức lương tâm phân biệt thiện ác của mọi người, đem lại sự tự giác cho họ. Trong tất cả, sự hiểu biết về đường đi của Nhân Quả Nghiệp báo là Đạo Đức căn bản hơn hết.
Ba, guồng máy kinh tế hữu hiệu không để cho người dân trở thành bần cùng sinh đạo tặc. Họ cần dư dả để bố thí và sự bố thí là điều kiện mấu chốt để tăng nhanh sự giàu mạnh cho đất nước. Những nước Tây phương Thiên chúa giáo lập nhiều hội từ thiện cứu tế cho những nơi bị nghèo đói, chiến tranh và tai nạn. Hầu hết các gia đình giàu có đều đóng góp cho hội từ thiện và như vậy sự giàu có của họ còn kéo dài rất lâu.
Đủ cả ba ngành hữu hiệu – Tư pháp, giáo dục Đạo Đức, kinh tế – người dân sẽ trở nên hoàn thiện hơn về Đạo Đức, đất nước sẽ bớt những thiên tai mùa màng sẽ tươi tốt, những kế hoạch xây dựng sẽ thành công, cõi đời bớt đi khổ đau và thêm nhiều vui sướng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.