Phần 5 - Chương 2: Nhân Quả Xuất Thế Gian - Giới Định Huệ
-
Luận Về Nhân Quả
- Vân Họa , Thích Chân Quang
- 1834 chữ
- 2020-05-09 03:59:11
Số từ: 1826
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Kinh Bộ Tăng Chi 2, tr 352)
Với căn không phòng hộ, này các Tỳ Kheo, người này đi đến giới bị hủy hoại. Với giới khiếm khuyết, người này đi đến chánh định bị hủy hoại. Với chánh định khiếm khuyết, người này đi đến tri kiến như thật bị hủy hoại. Với tri kiến như thật khiếm khuyết người này không còn nhàm chán ly tham. Thiếu nhàm chán ly tham, người này đi đến giải thoát tri kiến bị hủy hoại.
Ví như, này các Tỳ Kheo, một cây, với cành và lá khiếm khuyết thời các chồi non không đi đến viên mãn, vỏ cây không đi đến viên mãn, giác cây không đi đến viên mãn, lỏi cây không đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, với các căn không phòng hộ... giải thoát tri kiến bị hủy hoại.
Ngược lại, này các Tỳ Kheo, với các căn được phòng hộ.... giải thoát tri kiến được đầy đủ.
NHẬN XÉT:
Có sự liên hệ logic từ giới đến định và huệ đến nổi Phật gọi ba môn này là vô lậu học – học của giải thoát. Nếu thiếu một trong ba môn này, sự giải thoát không được gọi là viên mãn.
Do định sinh huệ, điều này dễ hiểu. Khi tâm suy nghĩ lắng yên, cái biết vẫn không mất mà khi cái biết không còn bị sự suy nghĩ bẻ cong, vo tròn, nó sẽ biết được sự thật của vạn hữu. Ví dụ có người không quán các pháp tướng sinh diệt vô thường, do một phương tiện khác như quán sổ tức hoặc tri vọng được định. Từ tâm an định này họ sẽ tự thấy sự sinh diệt vô thường của các pháp mà không cần học trước. Bình thường người này sống lặng lẽ không khởi quán sát, bất ngờ có duyên sự cám dỗ, tranh giành kéo tới, tự trong tâm tỉnh giác lặng lẽ đó khởi lên niệm
phê phán
mọi trần cảnh chỉ là trò hư ảo lừa gạt, rồi họ không bị duyên theo ngoại cảnh đó. Định sinh huệ là như vậy.
Riêng giới sinh định có nhiều khía cạnh tế nhị, thường thì chúng ta quan niệm trì giới để tránh sự ô nhiễm cho tâm. Do tâm không bị ô nhiễm nên tọa thiền dễ được định. Nếu chỉ hiểu như vậy thì chưa hiểu hết ý nghĩa của giới. Giới có một ý nghĩa rất lớn lao đến nổi người trì giới kỹ lưỡng được uy đức rất nhiều. Các Hòa Thượng Tôn Túc trong cuộc chấn hưng Phật giáo vừa qua không phải là những vị đạt đạo, nhưng bởi công năng trì giới mà làm được đại sự.
– Định thành tựu do phá được năm triền cái.
– Quả vị thành tựu do phá được các kiết sử.
Chúng ta sẽ nói về năm triền cái trước đó là tham dục, sân nhuế, hôn trầm, trạo cử, và nghi. Những triền cái này, thoạt nghe có vẻ chỉ là những tâm niệm sinh diệt lăng xăng nếu khéo lắng đọng sẽ biến mất. Nhưng người có thực hành Thiền Định sẽ thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Năm triền cái (che phủ) này quả thật là lớp mây mờ che phủ tâm. Khi lớp mây mờ này chưa tan, người tu thiền dễ bị hôn trầm tán loạn, thấy tâm mình nhỏ hẹp u ám. Một hôm lớp mây triền cái này chợt tan, hôn trầm tán loạn biến mất tâm trở nên khoáng đạt sáng tỏ. Như vậy người hành giả bắt đầu được định, tham sân mỏng nhạt, tự tin chắc chắn vào sự tu hành giải thoát. Tìm thấy niềm an vui thanh thản hơn mọi trò vui thế gian nào khác.
Nhưng do đâu triền cái bị phá vỡ?
Dĩ nhiên ai cũng thấy rằng do phương pháp nhiếp tâm tu tập Thiền Định nên triền cái được phá vỡ. Vấn đề không đơn giản như vậy! Chính do công đức trì giới góp phần lớn lao trong việc phá vỡ triền cái. Như thế phương tiện tu thiền và công đức trì giới họp lại phá vỡ triền cái. Bảo rằng do phương tiện tu thiền phá được triền cái, chúng ta dễ chấp nhận, vì điều này có thể suy luận được. Còn công đức trì giới là cái gì nghe mơ hồ khó thấy. Thật vậy, sự góp phần của công đức trì giới khó thấy như chúng ta vẫn thường khó thấy các hiện tượng Nhân Quả Nghiệp báo khác. Tại sao người làm ăn thất bại, tại sao người kinh doanh thành công, phước lực đã chi phối hầu hết mà không ai nhìn thấy. Cũng vậy, công đức trì giới rất là mầu nhiệm và cũng rất là khó thấy. Tại sao công đức trì giới lớn lao như vậy? Chúng ta không thể chỉ ra một cách cụ thể chỗ cao cả của công đức trì giới này, chỉ cử một ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề. Một hôm Ajatasattu đến hỏi Phật về quả báo hiện tại của Sa Môn. Phật nêu ra mười ba lợi ích, nhưng ở đây chúng ta trích lợi ích đầu tiên (Trường Bộ Kinh 1. Kinh Sa Môn Quả). Phật bảo:
Đại Vương nghĩ sau, nếu đại vương có một người nô bộc dậy sớm thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của đại vương một cách chu đáo, người ấy tự nghĩ do công đức quá khứ nên đại vương được địa vị như hiện tại, và người ấy muốn đi tìm công đức, nên cạo bỏ râu tóc, khoác áo casa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống với sự chế ngự thân, lời nói, ý nghĩ biết đủ với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y phục, hoan hỉ sống an tịnh.. .Biết điều này đại vương có bảo người đó trở lại làm nô bộc cho đại vương như trước chăng?
Bạch Đại Đức (Lúc này, vua chưa quy y, chỉ mới gặp Phật lần đầu), không như vậy. Trái lại chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy khi trông thấy người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y phục, túc xá, thuốc men để trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo pháp luật.
Này Đại Vương, Đại Vương nghĩ thế nào, nếu thật như vậy thì đó có phải chăng là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn?
Bạch Đại Đức, như vậy chính là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn.
Nếu so về phước của thế gian thì người nô bộc kia kém xa vua A Xà Thế. Nhưng nếu hành trì công đức xuất thế gian, bỗng nhiên người ấy đứng vào địa vị cao cả hơn nhà vua mà chính nhà vua phải công nhận. Khi trì giới một cách thầm lặng, dường như vị này chỉ có tự lợi, nhưng trong cái tự lợi thầm lặng riêng mình, vị này đã làm gương mẫu, làm niềm tin cho mọi người và đánh thức Đạo Đức lương tâm của họ. Sự thanh tịnh trong giới luật của một vị Tăng khiến cho mọi người tin rằng tu hành là việc có thể làm được.
Phải công nhận rằng khi sự chấn hưng Phật giáo trong thời kỳ phôi thai, giáo lý chưa được phổ cập, thì tư cách của phái khất sĩ do Đức Minh Đăng Quang dẫn đạo đã gây được niềm tin rất nhiều cho quần chúng ở miền Tây. Trong sự tu hành giải thoát việc tự lợi luôn luôn tỏa ra sự lợi tha một cách tự nhiên. Công đức trì giới được tán thán vì có thêm điều này.
Lại nữa, xét theo tương quan tâm lý, nếu đủ ý chí để giữ giới, người này đủ sức dứt khoát với vọng tưởng. Người tu thiền khó tiến vì không dứt khoát với vọng tưởng, lại hay dây dưa nhì nhằng với nó. Ý chí dứt khoát rất cần thiết cho việc tu thiền tập định. Ý chí của quyết tâm trì giới đưa đến ý chí dứt khoát với vọng tưởng, và như vậy ĐỊNH là kết quả tiếp theo đó.
Giới là Đức của tự tâm, phạm giới là làm chuyện thất đức. Hành vi giết người là hành vi độc ác bộc phát bởi triền cái sân hận quá đáng. Dâm dục là hành vi ô nhiễm bộc phát bởi triền cái tham dục. Trộm cắp là hành vi mờ ám bộc phát bởi triền cái tham lam. Nói dối – xưng mình chứng Thánh – là hành vi lường gạt tham cầu lợi dưỡng. Những ác giới như vậy từ triền cái phát khởi, nuôi dưỡng trở lại triền cái. Và khi triền cái nặng nề vây phủ thì chưa có sở đắc sẽ không có sở đắc, đã có sở đắc sẽ mất sở đắc.
Chúng ta phải biết những lời dạy của Phật xuất phát từ kinh nghiệm giáo hóa chúng sinh trong vô lượng kiếp. Phật biết rõ chỗ ưu chỗ khuyết của từng phương tiện, biết mặt trái mặt phải của từng đường đi nên đã dựng căn bản giới, định, huệ để làm chỗ cho chúng sinh y cứ. Khi nghe nói về lòng bàn tay, chúng ta phải hiểu rằng đã có lưng bàn tay. Khi nghe nói về chỗ rốt ráo KHÔNG, chúng ta phải hiểu rằng đã có đầy đủ giới, định, huệ. Thiếu giới định huệ, lối về Niết Bàn đã bít lấp, dù có ngộ được chút gì thì vẫn không thể tiến thêm và có khi bị thối thất. Bởi vậy, chúng ta muốn tu hành giải thoát phải nghiên cứu kỹ về giới bổn Patimokkha. Phải thấy rõ thâm ý tế nhị của Phật trong từng giới nhỏ nhặt và cố gắng GIỮ – GIỚI – TỪ – XA, nghĩa là tránh rất xa những duyên sự có thể đưa đến ô nhiễm.
Ngoài ý nghĩa giữ gìn sự vô nhiễm cho mình giới còn có ý nghĩa quan trọng thứ hai, đó là tránh sự nghi ngờ của người khác. Còn rất nhiều tế hạnh mà chúng ta phải khéo léo giữ gìn để giữ niềm tin của phật tử đối với chư Tăng. Mất niềm tin đối với chư Tăng họ sẽ gặp nhiều bất hạnh. Chính vì lợi ích của chúng sinh mà vị xuất gia tu hành cần phải giữ giới, và giữ trọn trên hai ý nghĩa.
Sự vô nhiễm cho chính mình và sự không nghi ngờ của Phật tử.