Phần 5 - Chương 11: Nhân Quả Xuất Thế Gian - Đủ Công Đức Chứng Ngộ
-
Luận Về Nhân Quả
- Vân Họa , Thích Chân Quang
- 1350 chữ
- 2020-05-09 03:59:17
Số từ: 1341
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
Trích Trường Bộ kinh 3, 144)
...
Thế Tôn nói với đại đức Ananda đang ngồi một bên:
Thôi vừa rồi, Ananda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than. Này Ananda, Ta đã tuyên bố trước với người rằng mọi vật ái luyến tốt đẹp đều phải sinh diệt, tử biệt và dị biệt. Này Ananda, làm sao có được sự kiện này.
Có pháp sanh trụ, hữu vi, biến hoại đừng có bi tiêu diệt! Không thể có sự kiện như vậy được này Ananda đã lâu ngày ngươi đối với Như Lai, với thân nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai, vô lượng, với khẩu nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích an lạc, có một không hai, vô lượng. Với ý nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai, vô lượng. Này Ananda ngươi là người tác thành công đức. Hãy cố gắng tinh tấn lên, người sẽ chứng bậc vô lậu không bao lâu đâu
...
NHẬN XÉT:
Sau khi được Phật cho biết. Ngài sẽ nhập Niết Bàn, Tôn Giả Ananda đi vào trong Tinh xá, dựa trên cột cửa và đứng khóc than. Đức Phật cho gọi Tôn Giả vào an ủi những lời như trên. Công đức hầu hạ Phật trên ba mươi năm sắp đủ để Tôn giả chứng quả vị Alahán.
Chúng ta được biết sau khi Phật nhập diệt, các vị Alahán tập hội dưới sự chủ trì của tôn giả Maha Kassapa tại hang Tất Bát La. Tôn giả Maha Kassapa không đồng ý cho tôn giả Ananda đứng ra trùng tuyên lại lời Phật dạy chỉ vì tôn giả chưa chứng Alahán. Tôn giả ra đi, tinh tấn tọa thiền và kinh hành suốt đêm ấy. Đến lúc toan ngã người nằm nghỉ thì tôn giả hốt nhiên đốn chứng Alahán! Tôn giả dùng thần thông đi xuyên qua cửa hang đã bị đóng kín, đường bệ đến trước chư vị Alahán để trùng tuyên kinh điển trước sự tán thán của mọi người!
Tại sao tôn giả phải đi qua sự tác thành công đức hầu Phật hơn ba mươi năm rồi mới có thể chứng ngộ trong khi các Tỳ Kheo khác chỉ tự lo tu tập lấy phần mình cũng đủ chứng ngộ rất sớm từ bao giờ?
Nhân duyên nhiều đời của vị Alahán không dễ dàng đánh giá một chiều. Ở đây chúng ta chỉ xét đơn thuần trong hiện đời để nhìn thấy một số tính chất chung chung như sau. Các vị Tỳ Kheo kia chuyên nhất Thiền Định tu tập nên sớm thành tựu quả vị giải thoát. Tôn giả Ananda phải lo hầu Phật và học hỏi (đa văn) nên công phu của tự thân không thể chuyên chú được. Công đức hầu Phật quá lớn lao khiến cho Tôn giả chỉ cần tinh tấn một đêm liền chứng ngộ. Sau khi chứng ngộ rồi, sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của Tôn giả là độc nhất vô nhị trong lịch sử Phật giáo. Người đa văn thường chậm chứng ngộ, nhưng một khi người này chứng ngộ rồi thì việc giáo hóa rất rộng rãi.
Đức Phật khen ngợi Tôn Giả đã chu đáo, ân cần trong việc hầu hạ Ngài với trọn lòng ưu ái, quí kính. Sự ưu ái đó tràn đầy trong hành vi lời nói và ý nghĩ. Dường như không một ai đã cúng dường Đức Phật nhiều hơn Tôn giả Ananda với ba mươi năm gần gũi hầu hạ như thế. Công đức mà Tôn giả tác thành không còn ai có thể làm theo được nữa. Theo tương truyền của Thiền tông Trung Hoa thì Tôn giả là vị tổ thứ nhì được truyền thừa y và bát của Đức Phật sau tổ Ca Diếp. Ngay cả khi Đức Phật còn tại thế, khi chưa chứng ngộ, Tôn giả đã được mọi người quý mến. Tôn giả đã từng thuyết pháp khiến cho các Tỳ Kheo khác được chứng quả vị Alahán, đã mở đầu cho người nữ được xuất gia, đã khéo thưa hỏi để Phật nói lên những bài pháp giá trị muôn đời. Không có sự hiện diện của Tôn giả, chúng ta không tưởng tượng được bộ mặt của Phật giáo ngày nay ra sao! Công đức của Tôn giả Ananda thật ra chẳng phải chỉ đủ để chứng ngộ mà còn đủ để tác thành nhiều điều khác nữa!
Tôn giả vừa hầu Phật, vừa làm lợi ích chúng sinh, vừa nghe nhiều học rộng. Những cái tích lũy đó đã đưa đến đỉnh cao chứng ngộ khi cơ duyên đầy đủ. Khi một người muốn tu tập để được giải thoát giác ngộ. Nếu họ không đủ những công đức cần thiết, họ sẽ gặp nhiều trắc trở nơi nội tâm và ngoại cảnh. Có một giai đoạn công quả tác thành công đức, sự tu tập sẽ dễ dàng hơn về sau. Công quả ấy là sự hầu hạ những bậc trưởng thượng, quên mình phụng sự cho đại chúng, ủng hộ những Phật sự của vị khác, nghiên cứu học hỏi kinh luận. Văn hào Léon Tolstoi dường như thấy được điều này khi ông dựng một kiệt tác truyện ngắn
Cha Sergei
. Qua nhiều trạng huống éo le ngang trái, chàng sĩ quan đội cận vệ Vua Nicholas I tên Kasatsky bỏ vào dòng tu. Chàng tu một cách nghiêm cẩn và siêng năng. Rồi một sự bất mãn đối với hình thức bên ngoài của nhà thờ, chàng, Cha Sergei bây giờ, xin phép đến Tambov ẩn tu trong thất nhỏ ngót mười lăm năm trời. Cha dành trọn thì giờ vào công việc cầu nguyện với chúa. Cha đã vượt khỏi sự cám dỗ của một người thiếu phụ và chứng tỏ sự cương quyết của mình bằng cách chặt đứt một ngón tay ngay lúc ấy. Người thiếu phụ hối hận và trở thành một nữ tu sau đó, Cha trở nên nổi danh hơn nữa với những phép lạ chữa bệnh xuất hiện bất ngờ. Mọi người ồ ạt tìm tới chiêm ngưỡng Cha và gọi Cha là vị Thánh. Nhưng ngay lúc vinh quang tột đỉnh đó thì Cha phạm tội với một cô bé vừa lớn. Cha trốn đi định tự tử và mất hết niềm tin đối với Chúa, vì Chúa đã không bảo vệ Cha khỏi cám dỗ của trần gian. Trong một giấc mơ bên bờ sông, Thiên thần hiện ra bảo cha hãy đến học hỏi với Pasenkka, một người em gái họ. Người em gái bây giờ đã trở thành một bà ngoại nghèo khổ của mấy đứa cháu nhỏ. Đứa con rể bệnh hoạn, đứa con gái yếu ớt bà phải đi dạy nhạc kiếm từng đồng về nuôi cả nhà. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng bà vẫn luôn luôn vui vẻ chu toàn bổn phận với con cháu, luôn san sẻ với những người cần đến sự giúp đỡ của bà. Và dường như quên bẵng Chúa với giáo đường.
Cuối cùng cha Sergei đã hiểu. Ông khổ tu bao nhiêu năm hướng về Chúa vì những mục đích của chính mình, trong khi Pasenka quên mình để sống vì mọi người mặc dù không để ý gì tới Chúa. Từ đó ông đi lang thang khắp nơi thản nhiên trước sự đánh giá của kẻ khác và dành trọn khả năng phụng sự cho mọi người.
...Dần dần Chúa hiện hữu trong ông
Công đức vị tha chân thật đã khiến một người tìm thấy chân lý. Khi nào cần phải gây tạo công đức, chúng ta hãy làm hết sức mình. Rồi đến khi nào cần phải tu tập, hãy tu tập quyết liệt. Nhưng sự tu hành phải luôn luôn có mặt trong bất cứ phút giây nào của cuộc sống dù đó là giai đoạn đầu cần phải gây tạo công đức.