Chương 36 Sự ghê tởm trong tiềm thức


(Quốc gia dân tộc không thể cao hơn một cá nhân. Những người có nội tâm ở cảnh giới gần nhau, sẽ tìm tới nhau. Căn cước của cá nhân nếu không mạnh, sớm muộn gì bị chôn vùi bởi căn cước của tập thể. Yhwh không dạy Abraham yêu nước, cũng như Jesus không dạy dân ông yêu nước. Quốc gia dân tộc không quan trọng hơn một cá nhân, bởi vì rất có thể, rằng vô thức tập thể tạo dựng nên quốc gia đó thấp kém hơn nội tâm của một cá nhân. )

Đêm mùa hè, đi dạo mát ở bên ngoài, youtube chuyển sang một talkshow, trong đó những người thảo luận có nói về sự "chia rẽ" trong cộng đồng người Việt qua sự kiện Donald Trump. Nghe tiếp một chút thì phát hiện ra trong cái premise của cuộc thảo luận có vài điểm không chính xác. Vậy thì pha một ly cà phê nặng đầu một chút.
Khi nói về sự "chia rẽ" của người Việt, ẩn chứa bên dưới là một premise về tình huống "không chia rẽ" trước đó. Ma quỷ trong chi tiết. Phải chăng trước đó người Việt không hề "chia rẽ?" Thế nào là "chia rẽ?"
Sở dĩ chúng ta cần một xã hội đa nguyên, là bởi vì mỗi người đều bước vào cuộc đời này như một tờ giấy trắng. Hãy giả định thôi, giả định mỗi người đều như tờ giấy trắng. Bởi vì lí luận hiện tại về trí tuệ con người, nhất là ở một số người có tài năng thiên bẩm, là họ đã mang theo từ tiền kiếp một bộ các tham số (parameters) nào đó rồi, chứ không phải là "blank" như tờ giấy trắng. Khi bước vào đời, người ta bắt đầu tiếp nhận một bộ các giá trị. Các giá trị này mang một tầm quan trọng khác nhau, nói cách khác là mỗi một giá trị có một trọng số khác nhau. Ví dụ như có người thì phải no bụng cái đã, tính gì thì tính. Tức là trọng số dành cho sự an toàn lương thực là cao nhất, và có thể overdrive rất cả các tham số khác. Dựa trên các bộ giá trị đó mà người ta có giác độ về thời cuộc rộng hẹp khác nhau, nông sâu khác nhau.
Người đặt trọng số cao nhất vào cái đói, khi nhìn vào không gian rộng lớn, họ sẽ tập trung vào nguồn thức ăn. Khi họ tập trung vào nguồn thức ăn, thì độ phân giải của các hình ảnh xung quanh trở nên nhạt nhòa. Người ta không thể sống chỉ nhờ bánh mì, Jesus đã từng nói với Satan như vậy. Và quả tình là ngoài thức ăn ra thì người ta còn có nhiều thứ phải lo khác, ví như sự nguy hiểm. Nhưng bởi vì giác độ tình huống của họ lại không làm cho độ phân giải của nguy hiểm rõ ràng, nên khi nó xuất hiện, họ không làm gì được nữa, đành chịu chết.
Đây là cách mà người thợ săn bẫy khỉ đầu chó. Họ để hạt dẻ ở trong một cái lồng. Khỉ đầu chó thò tay vào trong lòng, nắm được hạt dẻ. Nhưng vì nắm được hạt dẻ rồi, nó không chịu buông ra, vì không buông ra nên nắm tay nó to, không rút ra khỏi được cái lồng nữa. Thế là mắc bẫy, nó ngồi đó nắm chặt hạt dẻ, không chạy được. Một cái lồng, vậy mà bẫy được 4 5 con khỉ, là chuyện cũng mắc cười. Nhưng đó là tình huống người ta đi bẫy khỉ.
Sở dĩ chúng ta cần sự đa nguyên trong xã hội loài người, là bởi vì khi gặp vấn đề, mỗi người lại có thể tham khảo giác độ của nhau. Rằng tôi đã gặp vấn đề này, anh đã nhìn vào tình huống như thế nào mà có thể giải quyết được nó. Thành ra một xã hội đa nguyên như thế trở thành một cơ chế tự sửa chữa rất tốt cho tình huống mắc sai lầm của cá nhân trong tập thể. Tại sao xứ sở đông dân Catholics lại không giàu có bằng xứ Tin Lành? Là bởi vì xứ Catholics không chấp nhận sự đa dạng trong giác độ nhìn vào tình huống, mà điển hình là nhìn vào Đức Tin. Nên các xứ Catholics đều không có cơ chế tự sửa chữa lỗi lầm tốt như các xứ Tin Lành. Sự xuất hiện của Tin Lành chính là một xu hướng tất yếu, khi người ta nhận ra rằng Đức Tin Catholics không khỏe mạnh như họ kỳ vọng.
Dần dần, trong một xã hội đa nguyên, có tự do thông tin, mỗi người trong quá trình tiếp cận liên tục với nhau, họ cũng từ từ thay đổi các giá trị trong nội tâm. Từ đó theo thời gian xuất hiện ra một nhóm người có cùng một bộ các giá trị sống. Các giá trị này định hình nên một tầng thứ, là tầng thứ vô thức tập thể trong tâm hồn mà Carl Jung nói tới.
Tại sao người Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ ra được tình huống của quẻ Tấn, và có đủ khả năng để quản trị xã hội như những bộ óc Âu Châu đương thời, lúc cụ Trần Trọng Kim lập nội các, nhưng nội các Trần Trọng Kim lại không bền?
Là bởi vì ở một tầng thứ sâu trong vô thức tập thể người Việt Nam, họ không xứng đáng với tình huống của quẻ Tấn. Trong nội cảm của người Việt Nam thời cụ Trần Trọng Kim, ở ngoài Bắc, người ta không còn tôn trọng văn hóa, lề thói xưa, hay các thiện tri thức nữa. Vô thức tập thể của dân tộc xuất hiện một con quái vật, hiển lộ qua tình huống của người Cộng Sản Bắc Việt. Lá cờ Bắc Việt, thực chất lại là biểu thị tình huống đối ứng với tầng vô thức nội tâm của người Việt lúc đó. Chính là con quái vật "báng bổ" đó.
Ở Miền Nam, do ảnh hưởng của chế độ Phong Kiến, cũng như lề thói sinh hoạt của người Hoa, nên trong nội cảm của họ chưa tệ tới mức đó. Đạo đức của người miền Trung và miền Nam tương đối cao hơn. Thành ra từ tầng vô thức, một giai đoạn quá độ trung gian xuất hiện, chính là quẻ Bĩ - lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa. Lá cờ này giải thích rằng những gì tốt đẹp rồi sẽ đi mất, và những gì xấu xa sẽ tìm đến.
Chưa đầy 30 năm sau khi cá lờ quẻ Bĩ xuất hiện, biến cố 1975 ập xuống tạo ra một thảm cảnh thuyền nhân chưa từng có, cũng đồng thời đánh dấu tình huống Minh Di lên toàn cõi Việt Nam. Lá cờ của dân tộc, về phương diện này giải thích một bộ các giá trị mà người dân lưu giữ trong tầng thứ vô thức tập thể.
Cho nên khi nói về tình huống "chia rẽ" của người Việt Nam. Thì những người bàn luận vấn đề trên đã cố tình ấn định rằng người Việt Nam trước đó không chia rẽ, hay dùng chữ của Cộng Sản là "đoàn kết". Đoàn kết là cách dùng từ của người Cộng Sản, hay người thiên tả, về tình huống người ta vì mục tiêu nào đó mà hợp quần lại với nhau. Tuy nhiên, trong nền văn hóa Á Đông, hợp quần là một tình huống tương đối phức tạp.
"Quân Tử Căng Nhi Bất Tranh, Quần Nhi Bất Đảng"
Hay:
"Quân tử hòa nhi bất đồng"
Chữ Quân, như đã giải thích ở bài trước, là nói về một bộ các giá trị, chứ không phải là quân vương. Làm chủ trong tâm hồn người "quân tử" là các giá trị đạo đức. Vậy thì khi quân tử "hợp quần" cũng là dựa trên một bộ các giá trị đạo đức đó. Còn kết "đảng" là nhắm vào "lợi ích", chứ không nhắm vào giá trị. Người cầu lợi là "tiểu nhân". Tiểu nhân mới kết bè kết đảng. Nói chính xác hơn, tiểu nhân mới "đoàn kết".
Ở Việt Nam, khi đảng nói "đoàn kết", thực ra là đảng muốn người ta "vâng lời". Về mặt tâm lý có tác dụng như vậy thôi.
Trong các tác phẩm của Kim Dung, có một nhân vật thú vị, là Nhạc Bất Quần - một ngụy quân tử. Từ cái tên của ông, cũng thấy rằng Kim Dung đang ám chỉ về một người "bất quần", hay nói đúng hơn là "đảng nhi bất quần", chứ không phải "quần nhi bất đảng". Nhạc Bất Quần có vẻ ngoài của bậc tôn sư, về sau làm một số chuyện "tiểu nhân", thậm chí "tự cung" - cắt luôn của quý để luyện Tịch Tà Kiếm Phổ.
Nên khi nói về "chia rẽ" và "đoàn kết", thì nhất thiết phải nói tới các bộ giá trị trong nội cảm kia cho rõ, rằng vì sao mà người ta lại "chia rẽ". Khi con người liên tục trao đổi thông tin với nhau, họ sẽ nhận ra các bộ giá trị nào phù hợp để lưu giữ trong nội tâm, việc gìn giữ các bộ giá trị đó, lâu dần tạo thành nếp sống, hình thành nên thứ gọi là "văn hóa". Tuy nhiên, các giá trị đó muốn trường tồn, đều cần phải đi qua thử thách của thời gian.
Ví như sự tình của Donald Trump là một phép thử rất hữu hiệu. Rằng rất nhiều người có cùng một bộ giá trị "tự do và dân chủ" có thể tới gần với nhau. Nhưng khi Donald Trump xuất hiện, ông cho thấy rằng trong tâm thức của một số người "dân chủ," các bộ giá trị "dân chủ - tự do" không quan trọng hay được ưu tiên như một bộ các giá trị khác. Khi người khác nhận ra rằng giữa họ hóa ra có sự khác biệt trong trật tự ưu tiên các giá trị đó, tự động người ta sẽ tránh xa nhau ra.
Đây là một cơ chế rất bình thường, để gìn giữ cơ thể khỏe mạnh. Người ta đã biết tới hệ miễn dịch và cách vận hành của nó. Thật ra, dưới giác độ tâm lý học, cũng có một hệ thống "miễn dịch" như vậy đang hoạt động. Đó là cảm giác "tởm" - disgusting.
Jonathan Haidt là chuyên gia nghiên cứu tâm lý người Mỹ, ông liên tục dành thời gian nghiên cứu khía cạnh này của con người. Nghiên cứu của ông là về hành vi "thấy tởm" của con người. Các hành vi ấy như thế này: cơ miệng căng lên giữ chặt miệng lại, có người còn cảm thấy buồn ói. Chính nhờ cảm giác disgust này có tác dụng bảo vệ người ta trước các mầm bệnh - pathogens, nên các nền văn hóa trong lịch sử mới có thể được bảo lưu. Những sắc tộc khác nhau sẽ tránh hòa huyết, nhằm đảm bảo cho bản đồ gene - tức là căn cước của một sắc dân sẽ được duy trì.
Cũng như hoạt động của hệ miễn dịch, nếu như người ta nhạy cảm quá, cái gì cũng thấy "gớm" thì tự nhiên họ bị cô lập về mặt tâm lý. Khi đó, không có các giá trị nào có thể đi vào trong tâm hồn họ, và họ không thể nào ghi nhớ nó, hay liễu giải nó. Tâm hồn họ trở nên đơn sơ và u tối.
Người khỏe mạnh là người có thể gặp gỡ những người khác, để hệ miễn dịch có thể không ngừng tiếp thu các loại vi khuẩn mới từ không gian xung quanh cơ thể khác, từ đó có thể liễu giải, và ghi nhớ, qua vài cơn sốt của cơ thể rồi dần dần khỏe mạnh trở lại, không "hay bệnh" nữa.
Điều này về mặt tâm lý cũng tương tự với người tiếp thụ các kiến thức mới, các luồng tư tưởng mới. Nếu chịu khó "nhức đầu" liễu giải nó, về sau đầu óc trở nên phong phú, nhạy bén, và có thể nhanh chóng thích nghi khi tình huống bên ngoài đòi hỏi cần có vài thay đổi trong các giá trị nội tâm. Biết cái gì nên tránh, cái gì nên tiếp thu.
Nói chung, "thấy gớm" là một cơ chế tự vệ về mặt tâm lý, tương tự như hệ miễn dịch. Hoạt động thái quá thì dễ lâm vào tình huống autoimmune (tự nhiễm) làm hại chính mình. Tiếp xúc quá nhiều, thì dễ làm yếu đi hệ miễn dịch của mình, làm mình trở nên rất mệt mỏi.
Joseph de Maistre (1753-1821) đã viết thế này 1811:
Toute nation a le gouvernement qu’elle merite.

Dân tộc nào thì chính quyền đó. Chúng ta thấy rằng cùng một bộ giá trị "tự do dân chủ," nhưng đi qua nhiều phép thử khác nhau, thì trong lòng mỗi người có trật tự ưu tiên hay lối diễn giải các khái niệm đó khác nhau.
Cùng một giác độ, thì họ sẽ ở gần nhau. Khi nhận ra khác biệt và không thể dung hòa, rất tự nhiên, họ sẽ "thấy gớm" mà rời xa nhau.
Cho nên tại sao nơi này nói rằng quốc gia không thể cao hơn một cá nhân. Bởi vì nếu như quốc gia đó tập hợp những tâm hồn mang vô thức tập thể thấp kém, thì cũng có nghĩa là quốc gia đó không xứng đáng với cá nhân nữa, và cá nhân đó thuộc về điều gì đó cao hơn - tương xứng với nội tâm. Tự nhiên người này sẽ tìm đường đi nước ngoài, hay bỏ vào nơi hoang vắng sống.
Hoa Kỳ là một xứ sở như vậy, thoát thai từ một tầng vô thức tập thể có thể chứng minh rằng căn cước của một người tới từ nước Anh không còn là người Anh nữa, hay người Đức, hay người Pháp... Vô thức tập thể trong họ ứng với một quốc gia vĩ đại hơn, và đã tới lúc xuất hiện, là Hoa Kỳ.
Thành ra nơi này vẫn nhắc người đọc hãy thương quý bản thân mình, cũng là cách lật ngược lại một thứ đang kiểm soát nội cảm của người Việt nói chung - Minh Di. Minh Di có nghĩa là đồ quý bị vấy bẩn. Trên khắp xứ, người Việt Nam thực ra rất coi thường bản thân mình. Họ sẵn sàng ăn thức ăn rất bẩn, uống rượu bia độc hại, thuốc giả tràn lan. Đối với tâm hồn mình thì không chịu làm cho phong phú, có thống kê trung bình mỗi người đọc chưa tới một quyển sách mỗi năm. Đối đãi với nhau đảo điên dối trá. Về tâm linh thì thờ cúng loạn bậy... Đối ứng lên đời sống chính trị xã hội là thiện tri thức bị bức hại cầm tù, lên sức khỏe dân tộc là Việt Nam nay đã thành cường quốc... ung thư.
Cho nên, một người Việt thương quý bản thân mình, cũng là đang chiến đấu với thứ ma quỷ đang kiểm soát nội cảm của người Việt. Nội tâm cao hơn sẽ mang người ta tới xứ sở tốt đẹp hơn, hoặc là nó quán chiếu lên những sinh mệnh xung quanh, cải biến hoàn cảnh nơi họ đang sống. Việt Nam có một diện mạo mới hay không, không phải là điều quan trọng. Quan trọng là cá nhân người Việt có tìm thấy được phần thánh khiết nội tâm để trân quý hay không.
Mỗi một cá nhân như vậy, sẽ nhận được tín thác của đất trời, như cách mà Yhwh tín thác Abraham - biến ông thành Father of Nations - người cha của các quốc gia.
Tại sao Yhwh không dạy Abraham yêu nước?
Tại sao Jesus không dạy dân Do Thái yêu nước?
Quốc gia không thể cao hơn cá nhân.
Xin kết thúc ly cà phê này ở đây, mười đầu ngón tay không kịp dừng, thành ra tưởng là sẽ ngắn, mà nhìn lại đã gần ba ngàn chữ rồi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luris Fantasy.