Quyển 5 - Chương 7: Lão điếu gia


Cái bệ gỗ hình tròn ấy phỏng chừng hình như là một bàn thờ, bảo đấy là bệ gỗ, nhưng thực tế là chất gỗ cực kỳ cứng rắn, trải qua bao năm tháng rồi mà không hề mục ruỗng, chắc hẳn là dùng một loại thạch mộc hiếm có tồn tại ở trạng thái bán hóa thạch mà chế thành. Hình tượng hoàng bì tử mặc quần áo con người khắc bên trên lại càng kỳ quái ngụy dị, trong sự thần bí còn toát lên mấy phần đáng sợ.

Tuyền béo nào có để ý xem trên bệ gỗ có cái gì, chỉ lo giải thích với tôi cậu ta béo như vậy là để chuẩn bị sau này còn trà trộn vào hàng ngũ kẻ địch, tôi xua xua tay bảo cậu ta, lúc này thôi đừng mồm loa mép giải nữa, xem ra chúng ta đã lọt vào một cái miếu thờ Hoàng đại tiên rồi. Về điểm này thì từ đồ án khắc trên bệ gỗ và các tượng thần bằng đất nung nằm đổ nghiêng đổ ngả trong gian điện đá có thể nhìn ra được.

Những bức tượng đổ trong gian điện đá này cũng gần giống như trong gian thờ thành hoàng ở các chùa miếu thông thường, hai bên đều là các tượng Thông phán, Câu hồn sứ giả mặt thú hình người, phía sau khám thờ là tượng một con hoàng bì tử thành tinh. Trong điện thờ vẫn còn giữ được rất nhiều hình vẽ và văn bia ly kỳ cổ quái, hình vẽ thì toàn là các cảnh tượng khủng khiếp dạng như chồn vàng thành tinh ăn thịt người... vân vân, còn nội dung trên văn bia thì đa phần đều là những thứ kỳ quặc mà tôi chẳng thể nào hiểu được.

Cánh cổng đá chìm sâu vào bùn đất, và tình cảnh hỗn loạn bừa bộn bên trong gian điện, những điều này chứng tỏ rằng thuở trước nơi đây từng xảy ra lở núi hoặc thiên tai gì đó đại loại, mới khiến cả ngôi miếu quỷ quái bằng đá này bị vùi lấp dưới đất. Nhưng hang ngầm phía trước cổng đá rõ ràng là do con người đào sau này. Không hiểu vì nguyên nhân gì mà những người đào hang ấy lại chẳng quản vất vả đào đất vào ngôi miếu cổ này? Chẳng lẽ họ muốn tìm thứ gì đó quan trọng? Một ngôi miếu thờ ma quỷ giữa chốn núi hoang rừng thẳm này liệu có thể có cái gì? Tôi thực không sao nghĩ thông được những vấn đề ấy, nhưng cũng chính vì những điều chưa biết mỗi lúc một nhiều, vô hình trung lại càng khiến tôi quyết tâm dò xét cho đến ngọn đến ngành.

Trong đầu Yến Tử toàn tư tưởng mê tín dị đoan, bẩm sinh đã có tâm lý khiếp hãi với truyền thuyết Quỷ nha môn rồi, cô nàng lấy găng tay lau lau một cái bát đá đầy những bụi đất bên cạnh bệ gỗ, trong bát toàn là một thứ đông đặc màu nâu đen. Cái bát ấy khiến Yến Tử nhớ đến truyền thuyết sơn quỷ uống máu người, vậy là cô bắt đầu nghi hoặc liệu có phải Hoàng tiên cô cố ý dẫn dụ chúng tôi vào trong ngôi miếu sơn quỷ này hay không, càng nghĩ lại càng thấy sợ.

Tôi và Tuyền béo đều không tin con chồn vàng nhãi nhép ấy lại càn quấy phản động đến thế, dám động thổ trên đầu thái tuế sao? Vậy nên tôi chẳng hề e ngại gì, nói với Yến Tử:
Muốn dụ chúng ta vào chỗ mai phục hả? Thế chẳng phải là phản con bà nhà nó rồi à? Vả lại, giống hoàng bì tử ấy tuy tinh minh giảo hoạt thật đấy, nhưng dù sao cũng chỉ là bọn thú vật, sao có thể thổi phồng sự lợi hại của lũ ngưu quỷ xà thần ấy lên như thế được? Khuynh hướng tư tưởng này thật quá là nguy hiểm, cô phải biết rằng nắm đấm sắt của giai cấp vô sản có thể đập tan mọi thế lực phản động đó nhé.


Kết luận cuối cùng của tôi và Tuyền béo là, người vùng núi này quá mê tín hoàng đại tiên, xem ra nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, dạy người phải dạy tâm tính, máy móc để lâu không lau chùi sẽ sinh ra gỉ sét, người không học tập sẽ thành bọn theo chủ nghĩa xét lại, điều này chứng tỏ công tác giáo dục tư tưởng của chúng ta vẫn còn chưa đủ, cần phải để Yến Tử nhận thức được, hoàng bì tử chính là hoàng bì tử, dù nó khoác da người lên cũng chẳng thể nào thành tinh được.

Yến Tử tức giận mắng lớn:
Hai tên con rùa nhà các anh toàn chỉ biết lắm mồm phét lác thôi, tôi nói cho các anh biết nhé, ai mà vào Quỷ nha môn đều bị sơn quỷ bắt lấy hút sạch máu đấy, các anh xem cái bát đá bên dưới bệ thờ gỗ này mà xem, bị máu người nhuộm hết cả rồi. Đây rõ là sự thực rành rành còn gì, sao lại bảo tôi mê tín cơ chứ?


Tôi thầm nhủ, sơn quỷ uống máu người? Chuyện này thì cũng tà dị thật đấy? Lẽ nào đúng là có những chuyện bi kịch nhân gian như thế? Nghĩ đoạn, tôi cúi đầu xuống quan sát cái bát bằng đá đựng máu người mà Yến Tử nói đến, bên dưới bệ thờ hình tròn bằng gỗ quả nhiên có một cái bát đá rất to. Vùng Đông Bắc gọi loại bát cổ cực lớn này là bát bể (biển), cái bát đá này cũng là đồ từ nhiều đời trước rồi, hư tổn rất nặng, phần rìa mép hầu như chẳng còn nguyên vẹn.

Tôi muốn xem kỹ những vết tích màu đen sẫm bên trong bát có phải máu người hay không, bèn cầm bát đá lên lật ngược lại, đập đập xuống đất. Cái bát bị chấn động rụng ra rất nhiều mạt phấn màu tím đen. Tôi lại quan sát hình tượng chồn lông vàng thành tinh trên bệ gỗ, lập tức hiểu ra, liền vung tay xuống, làm động tác như chặt đầu, đoạn nói với Yến Tử và Tuyền béo:
Cái bệ gỗ này không phải ban thờ đâu, mà là đoạn đầu đài, chắc chắn là để chặt đầu gà lấy máu. Hai người nhìn bên rìa mép chi chít những vết dao, vết búa chặt xuống đây này. Chặt đầu gà ở đây, chắc chắn là để máu chảy vào bát đá cho Hoàng đại tiên hưởng dụng. Tại sao tôi lại nói là máu gà ư? Ấy là bởi gian điện đá này thờ hoàng bì tử, mà hoàng bì tử thì không ăn thịt người. Mấy cả chuyện hoàng bì tử thích ăn thịt gà cũng chắc chắn chỉ là tin đồn nhảm thôi, nó không thích ăn thịt gà, hoàng bì tử trộm gà cũng không phải để ăn thịt, mà chỉ là thích uống máu gà thôi.


Những lời này của tôi làm Yến Tử nghe mà chỉ biết gật đầu lia lịa, phân tích rõ ràng hợp tình hợp lý, mà thời xưa cũng đúng là có phong tục này, khiến cô tin rằng gian điện đá này chẳng qua chỉ là một cái miếu thờ Hoàng đại tiên từ thời xưa rất xưa chứ chẳng phải Quỷ nha môn có sơn quỷ uống máu người cái gì gì đó. Yến Tử chỉ sợ sơn quỷ chứ không sợ hoàng bì tử, xét cho cùng thì mấy nhà thợ săn trong núi có ai là chưa từng đánh bẫy hoàng bì tử đâu chứ. Tinh thần đã bình tĩnh lại, đầu óc cô cũng tỉnh táo hơn nhiều, không còn chỉ nghĩ đến chuyện kéo chúng tôi bỏ chạy nữa. Yến Tử nhìn cái bát đá dùng đựng máu gà cho hoàng bì tử uống, bỗng nhiên nhớ đến một truyền thuyết xa xưa đã lưu truyền rất nhiều năm. Cô nói, nhắc đến miếu Hoàng đại tiên, hồi xưa trong núi Đoàn Sơn hình như cũng có một ngôi như thế thật.

Rất nhiều rất nhiều năm về trước, dưới dãy Đoàn Sơn có mạch vàng, ban ngày người ta ở trên núi đào đất tìm vàng, tối về cắm trại bên bờ sông Sát Can Cáp bên dưới chân núi, người nhiều quá nên cứ đến tối khi các trại đốt đèn, là chiếu sáng cả vùng sơn cốc như ban ngày. Những người đi tìm mạch vàng đều thờ Hoàng đại tiên, cho rằng vàng trong núi là của đại tiên gia cả, để họ đào được ấy là Hoàng đại tiên đại phát từ bi cứu khổ cứu nạn cho đám dân nghèo, ai nấy vô cùng cảm kích, thường hay đến dưới chân núi bái tế miếu thờ Hoàng đại tiên ở đó.

Cái miếu đó đã có từ trước đó lâu lắm rồi, cũng đã bỏ hoang phế nhiều năm, nhưng chính vì địa điểm xây cất miếu Hoàng đại tiên ấy khá đặc biệt, vừa khéo lại đối diện với khoảng đất trống người đào vàng cắm trại dưới chân núi, cũng tức là lâm trường hiện nay. Những người đào vàng ăn cơm, đốt lửa sưởi ấm, cũng bằng như thắp hương cho Hoàng đại tiên, vì người đào vàng đông quá, khiến cho miếu Hoàng đại tiên ấy được
ngày hưởng nghìn mâm cúng, đêm thụ vạn nắm hương
, làm gì có thần tiên nào được đãi ngộ tốt như thế? Kết quả là chuyện này để Sơn thần gia biết được, vừa ghen vừa tức, vậy là ngài cho sập núi đè chết vô số người. Từ đó trở đi, miếu Hoàng đại tiên cũng không còn nữa, mạch vàng trong núi cũng biến mất không tăm không tích. Lại có một thuyết khác kể rằng, có người đào được một cái hộp bằng đồng xanh trong mạch quặng, cái hộp ấy là của Hoàng đại tiên, người phàm tuyệt đối không được mở ra. Sau khi người ấy mở hộp ra, núi liền sập xuống, trong hộp có gì thì chẳng ai biết, vì những người nhìn thấy nó đều chết tiệt cả rồi.

Cuối cùng Yến Tử nói:
Đây toàn là những chuyện từ đời cha đời ông, không biết đã truyền được mấy trăm năm rồi nữa. Chỗ này nếu không phải là Quỷ nha môn, thì chắc chắn là ngôi miếu thờ Hoàng đại tiên mà những người đào vàng thời xưa dựng nên đấy.


Tôi gật đầu, thế này nghe còn có lý chút chút, không ngờ cái chốn rừng sâu núi thẳm hiếm dấu chân người thời trước lại có một khoảng thời gian phồn vinh thịnh vượng, còn tìm được cả mạch vàng, nếu không phải tận mắt trông thấy ngôi miếu thờ hoàng bì tử bị chôn vùi dưới đất, tôi thật cũng không dám tin. Có điều, dĩ nhiên tôi không tin chuyện núi lở liên quan gì đến cơn giận của Sơn thần, lại càng không tin việc đào được cái hộp đồng xanh làm núi lở. Động đất tức là động đất, tại sao cứ phải cố gán ghép chắp vá vào những thành phần khiến người ta nghe mà thấy sởn cả tóc gáy lên như thế?

Nói tới đây, hai cây đuốc thông chúng tôi đốt lên đã dần tàn lụi, sắp cháy hết đến nơi. Bọn tôi vội lấy ra hai cây nến nhựa thông đốt lên, đây là một loại nến nhà quê của người vùng núi này, cực kỳ đơn giản, nhược điểm là cháy rất nhanh chứ không cháy lâu như nến xịn. Có điều, lúc đi đường ban đêm cũng có thể đem ra dùng tạm, dù sao còn hơn là không có ánh sáng.

Tôi bảo với Yến Tử và Tuyền béo, chỗ này chỉ là miếu thờ hoàng bì tử, vậy thì cũng chẳng có gì ly kỳ cả, chúng ta thừa thắng xông lên đuổi đến tận cùng, vào trong hậu điện bắt con Hoàng tiên cô kia, rồi nhân lúc trời chưa tối mau trở về lâm trường.

Hoàng tiên cô đã bị Tuyền béo lấy quả dưa tê bít miệng đổ sáp bịt lỗ đít, chân sau cũng bị trói bằng dây thép, giờ nó chẳng thể kêu lên, cũng không phun hơi thối được, mà bò cũng chẳng thể bò nhanh, gần như chỉ còn lại có nửa cái mạng thôi. Vì vậy chúng tôi cũng không lo nó mọc cánh mà bay đi đâu được, ba người cứ thong thong thả thả mò vào trong gian điện đá.

Gian thạch điện thờ Hoàng đại tiên này không sâu cho lắm, tường phía hậu diện được xây dựa vào vách núi, vô cùng kín kẽ, cả gian điện chỉ có cánh cổng đá chúng tôi tiến vào là cửa duy nhất, không hề có cửa sau. Trên tường đá, hay phía mé trên bức tường đá có mấy chỗ hư tổn, gió lạnh lùa vào vù vù, bên trên có lẽ là hốc rễ cây trên triền núi hoặc hang động gì đấy, nhưng mấy chỗ hở ấy đều không bằng bàn tay, con Hoàng tiên cô cũng không thể nào chui ra từ đó được.

Trong điện có một pho tượng đất hơi nghiêng đi một nửa, ấy chính là thần vị của Hoàng đại tiên, người đất ấy mặc áo dài, cao như người bình thường, hình tượng cũng rất giống người, chỉ là đầu cheo mắt chuột, khóe miệng còn để mấy sợi râu lưa thưa, lại còn cái miệng rất giống miệng của giống chồn lông vàng nữa. Sau lưng tượng đất của Hoàng đại tiên có một cái hầm, bên dưới còn có cầu thang đá dẫn xuống sâu hơn, xem ra con Hoàng tiên cô hẳn đã chạy xuống đây định tìm lão tổ tông nhà nó bảo hộ rồi.

Tôi thấy cái hầm này cũng khá là kỳ lạ, miệng hầm vốn phỏng chừng được đậy lại bằng đá xanh, giờ miếng đá xanh ấy đã bị bậy ra vứt sang một bên. Đây rõ ràng là lối vào của một đường hầm bí mật được ngụy trang rất tốt, xem ra cái hầm bị bậy nắp này có lẽ chính là do những người đào hang xuống ngôi miếu dưới lòng đất này gây ra. Bọn họ hiển nhiên là đến có mục đích. Rốt cuộc họ muốn tìm thứ gì nhỉ? Lẽ nào chính là cái hộp bằng đồng xanh đựng bảo bối của Hoàng đại tiên được nhắc đến trong truyền thuyết vùng này?

Tôi và Yến Tử một trước một sau giơ cao ngọn nến nhựa thông, Tuyền béo cầm vũ khí đi ở giữa, lần từng bước đi xuống bậc thang, cầu thang đá vừa dốc vừa hẹp, trong hầm lạnh lẽo thấu cả xương, tôi vừa đi vừa nói tóm lược nghi vấn vừa nãy với Tuyền béo và Yến Tử. Tuyền béo nói:
Nhất ơi là Nhất, cậu đúng là thông minh cả đời mà hồ đồ một lúc, lúc nãy chui xuống có phải cậu không trông thấy đâu, lớp đất bên trên cửa lối thông vào đây dày chừng nào chứ? Đó đều là đất đá bị nước mưa xối xuống lấp lên một lớp nữa đấy. Dẫu là hồi trước có người đào vào trong núi tìm báu vật thì chắc cũng phải là chuyện của mấy chục hay cả trăm năm trước rồi, có thứ gì hay ho cũng bị người ta hớt hết cả, còn gì để lại cho chúng ta đâu chứ? Giờ vào đấy chỉ có mà hót phân, cố gắng bắt được vài con hoàng bì tử đi đổi mấy cân kẹo hoa quả là tôi hoan hỉ lắm rồi. Cậu cũng đừng tham lam quá, chẳng phải chúng ta đã có một cái tay gấu với cả mấy miếng vàng rồi sao? Hai hôm nay phải nói là phát con bà nó tài rồi còn gì, tiền đi đường để Tết về nhà thăm người thân với tiền rượu thuốc từ giờ trở đi coi như cũng tàm tạm đủ rồi đấy.


Tôi cùng Tuyền béo và Yến Tử vừa nói vừa đi xuống dưới, mới phát hiện cái hầm này sâu hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều, trống ngực bắt đầu đập thình thịch hồi hộp, không đoán được đường hầm rốt cuộc sẽ thông đến tận đâu. Càng đi xuống dưới chất lượng không khí càng kém, vẫn tạm có thể thở được, nhưng khó chịu nhất là ngọn lửa của cây nến nhựa thông từ màu xanh lam chuyển sang xanh lục, ánh sáng lúc mạnh lúc yếu hắt lên, làm mặt ai nấy đều như phủ một lớp ánh sáng xanh nhàn nhạt. Tôi chưa gặp ma quỷ bao giờ, nhưng phỏng chừng có gặp ma quỷ thật, đem so sắc mặt với ba bọn tôi bây giờ e là cũng chẳng khác nhau là mấy.

Thứ nến nhựa thông này chẳng những hun cay cả mắt, mà ngọn lửa cũng không được lớn, dù không có gió, nhiều khi cũng tự động tắt phụt. Tôi phải một tay cầm nến, tay kia khum lại che ngọn lửa đề phòng hơi thở của mình hoặc luồng khí lưu dẫn động khi bước đi làm nó tắt ngúm đi mất, nhưng thứ nến phò phạch này dù sao cũng quá kém, cẩn thận như thế rồi mà nó vẫn đột nhiên tắt mất.

Ngọn nến trong tay tôi vừa tắt, đằng trước liền tối om như mực, tôi dừng lại định đốt nến lên rồi mới đi tiếp, nhưng Tuyền béo ở đằng sau theo sát quá, cầu thang lại hẹp, không hãm lại được. Tôi bị cậu ta huých cho một cú, liền không đứng vững được nữa. Yến Tử đi sau cùng thấy hai chúng tôi lăn xuống bậc thang, vội vàng vươn tay ra kéo lấy cánh tay Tuyền béo. Nhưng cô làm sao mà giữ được thằng béo ấy, vậy là cũng lăn lông lốc theo chúng tôi xuống bên dưới hầm tối.

Cũng may bọn tôi đi gần hết bậc thang rồi, trên người mặc khá dày dặn nên không bị thương gì mấy, chỉ có điều cây nến nhựa thông trên tay Yến Tử cũng tắt mất, phía trước tối om như mực, tay giơ trước mặt không thấy năm ngón đâu. Tôi xoa xoa bắp tay bị va đập đau điếng cả người, định lấy trong túi đeo chéo ra cây nến khác đốt lên, xem thử coi bọn tôi bị rơi xuống chỗ nào đây.

Nhưng vừa ngồi dậy, tôi liền có cảm giác cái đầu đội mũ da của mình đập vào thứ gì đó, bên má cũng có vật gì đang đung qua đưa lại, cao hơn nữa lại có tiếng dây thừng cọ vào gỗ, không ngừng phát ra những âm thanh
kẽo ca kẽo kẹt
chát sít. Tôi thầm nhủ, chắc là thứ gì bị treo lên à? Nghĩ đoạn bèn tiện tay rờ thử một cái, dựa vào cảm giác tay mà phán đoán thì hơi giống với loại giày bông đế dày của vùng Đông Bắc hồi xưa, rờ vào bên trong thì thấy cưng cứng như ống chân người, rờ lên trên nữa là bắp chân mặc quần bông, ống quần còn bó chặt vào nữa. Tôi lập tức giật bắn mình, đế giày vừa khéo ngang với mặt tôi, người gì mà hai chân lại lơ lửng đu qua đu lại trên không thế kia? Chắc chắn là bị chết treo rồi. Giữa một chốn tối đen như mực đèn đuốc chẳng có, không ngờ tôi lại rờ phải một xác người chết treo thế này. Vùng Đông Bắc gọi xác chết treo là
lão điếu gia
, mà truyền thuyết nào về
lão điếu gia
này cũng cực kỳ khủng bố ghê rợn, tuy rằng tôi xưa nay chẳng bao giờ tin, nhưng sự việc ập xuống đầu thế này, không sợ mới gọi là lạ. Lúc ấy, tôi liền không nén được hét lên một tiếng
Á!
rõ to.

Tiếng hét của tôi làm Yến Tử và Tuyền béo ngã lăn bò càng bên cạnh đều giật bắn người. Tuyền béo ngã mạnh nhất, xương cụt đập ngay vào góc cạnh của bậc thang, cậu ta đang đau đớn hít hà xuýt xoa, nằm bệt không bò dậy được, nghe tôi hoảng hốt kêu toáng lên như thế lại càng thêm lo lắng, vội vàng hỏi:
Nhất ơi là Nhất, cậu làm sao thế? Cậu... cậu kêu làm cái gì? Mau mau thắp sáng lên đi.


Vừa rồi đích thực là tôi sợ đến đần cả người ra, tay vẫn ôm hai chân nguời chết treo lơ lửng quên cả buông ra, chợt nghe Tuyền béo hỏi thế, cũng không biết phải giải thích làm sao, chỉ thuận miệng đáp:
Tôi... tôi... hai cái chân... sợ chết đi được.


Yến Tử áng chừng cũng bị tôi làm cho hồ đồ, trong bóng tối chỉ nghe tiếng cô hoảng hốt nói:
Á! Anh sao lại chết? Không được chết đâu, lúc về làng bác bí thư mắng tôi, tôi còn chờ anh gánh tội hộ cơ mà, anh chết rồi tôi biết làm sao bây giờ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ma Thổi Đèn.