Quyển 6 - Chương 15: Quan tài nổi
-
Ma Thổi Đèn
- Thiên Hạ Bá Xướng
- 3595 chữ
- 2021-02-03 04:42:55
Trời đổ mưa như trút, mặt biển cuồn cuộn từng cơn sóng cao ngất, tàu Chĩa Ba gặp hết hiểm nguy này đến hiểm nguy khác giữa chốn phong ba, bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bị lật, tàu thì đắm còn người thì chôn thây nơi bụng cá. Minh Thúc ôm phao cứu sinh kêu lớn:
Mẹ tổ hiển thánh!
Bên này, thuyền trưởng Nguyễn Hắc cũng bắt đầu cùng với Minh Thúc niệm
Hải thiên thông thánh chú
cầu khẩn Mẹ tổ hiện thân cứu mạng. Nguyễn Hắc tuy tướng mạo thô hào hung dữ, râu quai nón tua tủa như lông nhím, nhưng đám thủy thủ này, dẫu có dũng cảm đến mấy khi đối đầu với sóng gió, cũng đều mê tín đến mức cực kỳ nghiêm trọng, ai cũng một lòng kính sợ các lực lượng của cõi khác. Đó có lẽ chính là nơi chốn duy nhất họ có thể gửi gắm tinh thần khi lênh đênh cô quạnh giữa giữa biển khơi.
Mắt thấy sóng to gió lớn, con tàu sắp bị lắc giật cho long ra đến nơi, chẳng rõ còn cầm cự được bao lâu nữa, tôi cũng không thể không mong chờ Mẹ tổ hiển linh mau chóng dẹp yên cơn phong ba bão táp trước mắt. Tôi cực kỳ phản cảm với cái kiểu quanh năm ngày tháng chẳng thắp hương, đến khi việc xảy ra mới ôm chân Bồ tát thế này cầu thần cầu Phật, chi bằng dựa vào bản thân mà nghĩ ra một biện pháp thiết thực khả thi còn hơn.
Cái câu cửa miệng
nhờ vào biện pháp
này, là ý chỉ chế độ khoán sản phẩm được thực hiện từ sau Cải cách mở cửa. Chính sách đến tận hộ gia đình, nông dân ai nấy đều hăng hái tăng gia sản xuất, có gan lớn chừng nào thì làm lớn chừng đó. Nếu nghĩ ra được càng nhiều biện pháp mới, tận dụng đất đai, sẽ thu được thành quả càng lớn, không thể cứ bảo thủ giậm chân tại chỗ, mãi mãi dừng ở giai đoạn sống nhờ thành tích cũ được. Khẩu hiệu này về sau cũng được áp dụng đến các hộ cá thể làm nghề buôn bán ở vùng biển, người người đều đem ra để tự khuyến khích mình. Nhưng chúng tôi lúc này, đã sắp không còn kiểm soát được con tàu đang lồng lộn trong sóng gió cuồng loạn nữa, ngoài tuân theo mệnh trời ra, còn lấy đâu ra biện pháp nào được nữa.
Bấy giờ, Shirley Dương nhích lại, hỏi tôi xem phải làm thế nào? Vừa lúc, một cơn sóng lớn từ ngoài cửa quật tới, xối ướt sũng tất cả người trong khoang lái, làm ai nấy toàn thân đều nhớp nháp thứ nước biển vừa mặn vừa tanh. Tôi gạt nước đẫm trên mặt, nói với Shirley Dương:
Không ngờ hiện tượng long thượng thủy lại có thanh thế ghê gớm nhường này. Những cách cũ dùng khi trộm mộ mò vàng trong núi thuở trước đều chẳng dùng được, mà mấy biện pháp mới của thủy thủ và dân mò ngọc thì chẳng biết dùng, cầu thần khấn Phật lại càng vô dụng, cả cái cách ào ào xông lên lấy cứng chọi cứng của bộ đội cũng không thể dùng. Tôi hoàn toàn bó tay rồi đấy. À, phải rồi... thuật Ban Sơn Trấn Hải có phép nào ứng phó với tình huống này không?
Shirley Dương nói:
Thuật Ban Sơn Trấn Hải đâu thể hô phong hoán vũ, lại càng chẳng thể nào khiến sóng yên gió lặng được. Tôi thấy trận bão do long thượng thủy này đến nhanh, chắc hẳn đi cũng rất nhanh, giờ chỉ còn cách gắng hết sức kiểm soát tàu, tranh thủ thời gian cầm cự đến khi bão tan thôi.
Nói thì dễ, làm mới khó. Con tàu gỗ liễu biển của chúng tôi dập dềnh trồi lên hụp xuống giữa muôn ngàn con sóng dữ, liên tục bị đẩy lên ngọn sóng rồi lại trượt xuống đáy khe sâu giữa hai con sóng cao ngất, mỗi giây mỗi phút đều ở trong tình thế hiểm nguy tột cùng. Bầu không phủ kín mây đen, u tối ảm đạm, đang giữa ban ngày ban mặt, song cũng chẳng khác gì nửa đêm canh ba. Giữa tầng mây thấp thoáng ẩn hiện sấm chớp ì ùng, nước biển sục sôi như chảo nước, mãi không bình lặng nổi. Cũng may kinh nghiệm lái tàu của Nguyễn Hắc và Minh Thúc đều rất phong phú, vì mạng sống của mình, cả hai cùng dốc toàn lực ứng phó với tình thế trước mắt. Những người còn lại cũng ra sức hiệp trợ, khiến tàu Chĩa Ba mỗi lần rơi vào giờ khắc sinh tử lại có thể hóa nguy thành an.
Con tàu được người Anh cải tạo lại này cũng thật kiên cố chắc chắn, cưỡi sóng vượt gió, bị quăng lên quật xuống như thế mà thân tàu vẫn nguyên vẹn không tổn hại mấy. Có điều, sau một trận giày vò, bản thân chúng tôi cũng không rõ mình cầm cự qua được khảo nghiệm của cơn bão này, rốt cuộc là do tàu bằng gỗ liễu biển đúng là bảo vật ngoài khơi, hay do Mẹ tổ hiển thánh nữa. Cuối cùng, chúng tôi cũng thấy một tia nắng rọi xuống qua đám mây đen, sóng gió lắng dần, mặt biển sôi trào từ từ bình lặng trở lại. Lúc này, tuy rằng không ai có chuyện, nhưng cả đám người trên tàu Chĩa Ba cơ hồ đã đến cực hạn của sức chịu đựng. Người nào người nấy sức cùng lực kiệt, toàn thân xương cốt rã rời muốn sụm cả xuống.
Thấy sóng gió cuối cùng đã qua đi, Minh Thúc kích động quỳ xuống sàn tàu đập đầu tạ ơn lia lịa, thuyền trưởng Nguyễn Hắc như làm trò ảo thuật, trong chớp mắt đã lấy trong khoang đáy ra lò hương, giấy tiền vàng bạc, định đốt cho Mẹ tổ. Tôi cũng không can thiệp quá sâu vào tín ngưỡng cá nhân của bọn họ, lại đưa mắt nhìn sang phía Tuyền béo, cậu ta nốc vào nhiều rượu trắng quá, giờ nằm lăn ra một góc khoang ngủ tít thò lò, sàn tàu bên cạnh nhoe nhoét những thứ do cu cậu nôn ọe ra. Cổ Thái và Đa Linh khó nhọc kéo lê thân hình mềm nhũn của Tuyền béo vào khoang trong, tránh để cậu ta nằm chắn cửa, vướng víu người ra kẻ vào.
Tôi đi tới mũi tàu, nhìn ánh dương chói mắt chiêu xuyên qua màn mây đen, thở phào một hơi. Trận bão này qua đi, ít nhất trong vài ngày tới sẽ không có hải khí ngưng tụ nhiều như vậy nữa, chúng tôi có thể nhân cơ hội này lợi dụng nước triều tiến vào vùng vực xoáy San Hô, hòng tìm kiếm tàu đắm và âm hỏa ở bên cạnh hải nhãn. Dĩ nhiên, còn phải mò thêm một mớ minh châu Nam Hải nữa, tuy rằng nhiệm vụ phức tạp khó khăn, nhưng thời gian như vậy chắc cũng đủ. Có điều, cơn bão vừa rồi đã đẩy chúng tôi đi lệch khỏi tuyến đường định sẵn, phải tốn thêm một ngày nữa so với dự tính thì mới đến được vùng biển có khu rừng san hô.
Nghĩ tới đây, tôi bèn nảy ra ý định đi kiếm Shirley Dương bàn cách lợi dụng nước triều để đưa tàu qua rặng đá ngầm dày đặc ở rìa ngoài vực xoáy San Hô. Đang tính lên khoang lái tìm cô nàng, tôi chợt thấy trên mặt biển hình như có gì đó không được bình thường cho lắm, nhìn kỹ lại, liền không khỏi giật thót mình, nước biển đã chuyển thành màu đen kịt. Hải khí đã đẩy những thứ bị vùi lấp dưới đáy biển sâu nổi lềnh phềnh trên mặt biển, hình thành một dòng thủy triều đen. Tàu Chĩa Ba của chúng tôi, đang đi giữa một vùng biển nước đen kịt như mực.
Những người khác cũng phát hiện ra cảnh tượng này, vừa quan sát mặt nước biển đen như mực vừa bàn tán xôn xao, mỗi người đều có lý lẽ riêng. Shirley Dương bảo, trên mặt biển có rất nhiều cá chết, thềm lục địa Nam Hải có kết cấu hình bậc thang đi xuống, dưới đáy vùng biển này vừa khéo lại là vực sâu, trong nham tầng dưới đó rất có thể có một lượng khí than lớn đã bị nước biển đẩy lên. Lũ cá dưới biển sâu sợ rằng phen này gặp phải tai ương lớn rồi.
Nguyễn Hắc thì lại tin theo cách giải thích của ngư dân Việt Nam. Ông ta nói, ở dưới đáy sâu có vài dòng nước biển màu đen, chỗ sâu nhất nước biển sôi sục, rất khác với nước biển bình thường, dù là các sinh vật đáy biển cũng không dám tiếp cận, nhiệt độ nước còn cao hơn ở suối nước nóng cả trăm lần. Rất có khả năng, thủy triều đen này chính là do những dòng nước đen dưới đáy biển phun trào gây ra.
Minh Thúc lại bảo, chắc chắn là long thượng thủy đã khiến bạch tuộc khổng lồ náu mình trong khe sâu dưới đáy biển xông ra. Giống bạch tuộc này có tám chân xúc tu, mỗi xúc tu dài đến cả trăm trượng, to lớn khôn cùng, trong bụng đầy chất dịch đen, lúc chết sẽ phun hết ra, vậy nên nước biển mới biến thành màu đen như thế. Nếu vớt được xác nó lên, có thể liên hệ với khách mua ở nước ngoài, cái xác mà còn nguyên vẹn thì rất được giá, đại khái cũng phải ngang tầm với xác người phụ nữ Lâu Lan dạo trước.
Tôi nói với Minh Thúc:
Thì ra bác chẳng những buôn bán xác khô, mà còn làm ăn cả tiêu bản cá chết nữa cơ à?
Mọi người mồm năm miệng mười, không ai chịu theo lý lẽ của ai, liệt kê hết mọi khả năng có thể làm sinh ra thủy triều đen, nhưng rốt cuộc vẫn không kết luận được vùng nước biển đen ngòm này được hình thành thế nào, chỉ biết là có thứ gì đó ở dưới đáy biển cuộn trào lên thôi. Nhưng nhìn cá chết phơi bụng dập dềnh trắng lóa giữa làn nước đen kịt, chẳng ai là không ngấm ngầm kinh hoảng, nếu không phải con tàu Chĩa Ba này cấu tạo chắc chắn, lúc này rất có thể chúng tôi cũng trở thành mấy cái xác nổi lềnh phềnh như lũ cá kia rồi.
Thủy triều đen dưới đáy biển dâng lên tuy lớn, nhưng chẳng mấy sau sẽ chìm lắng xuống rồi biến mất, chúng tôi đứng trên boong tàu quan sát một lúc lâu, định tìm cái xác bạch tuộc khổng lồ mà Minh Thúc nói đến, dù không thể mang được nó trở về thì mở mang tầm mắt một chút cũng là việc tốt. Kết quả, cũng phát hiện ra ở mặt biển phía xa quả nhiên có một vật thể màu trắng trôi, thoạt trông có cảm tưởng nó chỉ to bằng một người bình thường mà thôi. Tôi vội bảo Nguyễn Hắc lái tàu lại gần, còn Minh Thúc thì sớm đã lấy ống nhòm chĩa về hướng ấy:
Tiên sư cha bố nhà nó... quái lạ thật... không phải xác bạch tuộc đâu... trên biển hình như có một cỗ quan tài đang trôi... màu trắng...
Tôi còn tưởng mình nghe lầm, trên mặt biển sao lại có một cỗ quan tài màu trắng trôi nổi được, đang định giật ống nhòm của Minh Thúc xem thử, thì tàu Chĩa Ba đã đến gần vật ấy. Càng đến gần, chỉ bằng mắt thường cũng thấy rất rõ, trên mặt biển quả nhiên có một cỗ quan tài bằng đá trắng trôi nổi theo dòng hải lưu. Đám người chúng tôi đây đã nhìn thấy vô số quan tài rồi, tuyệt đối không thể nhận lầm được, Nguyễn Hắc cho tàu đến sát cạnh vật thể ấy, nhìn lại càng rõ hơn. Cái quan tài hình chữ nhật đó rất thẳng thớm phẳng phiu, góc cạnh rõ ràng, thể tích lớn hơn quan tài đá thông thường rất nhiều, bên trong chứa hai ba cái bánh tông cũng chẳng thành vấn đề. Phía mặt ngoài được điêu khắc rất kỳ công, vài chỗ còn có san hô bám vào, kết thành một lớp loang lổ màu trắng xám. Quan tài đá này được cố định bằng mấy sợi xích sắt lớn, nắp đậy rất chặt không thấy khe hở nào. Mấy sợi xích gỉ sét buộc chặt quan tài đá với một vật dưới mặt nước. Vật này to hơn bốn cái bàn tám người ngồi ghép lại, dập dềnh lên xuống theo dòng nước. Chính nhờ có thứ ấy nâng bên dưới, quan tài đá mới không bị chìm xuống đáy biển.
Có thể thứ này cũng bị long thượng thủy đưa từ dưới đáy biển lên, thoạt trông có vẻ rất cổ quái, chúng tôi thực là bình sinh chưa thấy bao giờ. Tôi có ý vớt nó lên thử xem sao, nhưng chưa kịp mở miệng thì đã nghe sau lưng có người hò hét chuẩn bị cánh tay cần cẩu, định vớt thanh đầu của Long vương tặng cho lên tàu. Thì ra Tuyền béo đã tỉnh rượu từ lúc nào không biết, thấy mọi người phát hiện một cỗ quan tài đang trôi trên biển, mà phàm có quan tài thì bên trong ắt hẳn sẽ có bánh tông và minh khí, nhất thời mừng rỡ như điên, lập tức lộ ra bộ mặt thật tham lam.
Nguyễn Hắc vội can ngăn:
Chúng ta không phải định đến vực xoáy San Hô mò ngọc quý hay sao, tốt nhất là đừng thêm chuyện rắc rối dây cà ra dây muống làm gì. Chẳng ai nói rõ được những chuyện lạ kỳ giữa biển khơi đâu. Ngộ nhỡ bên trong quan tài này nhốt yêu quái gì thì sao? Tốt nhất đừng tự gây phiền phức cho mình nữa, vả lại có quan tài trên tàu chẳng phải điềm lành, chỉ sợ sẽ xảy chuyện mất. Tôi thấy, chúng ta cứ coi như không nhìn thấy nó là được rồi, đằng nào không vớt nó lên thì chúng ta cũng có thiệt thòi gì đâu, việc gì phải ôm rơm giặm bụng chứ.
Tuyền béo chưa kịp mở mồm, Minh Thúc đã thay cậu ta trả lời Nguyễn Hắc:
Ai chà chà, tôi bảo chú Hắc này, chú không hiểu cái cậu béo này rồi. Cậu ta là loại người gì cơ chứ? Chính là cái loại không chiếm được lợi thì cảm thấy bị thiệt thòi đấy. Tôi thấy chúng ta cứ nên theo ý cậu ấy, vớt món hàng dưới biển kia lên xem thế nào, bằng không ngộ nhỡ cậu ta mà khó chịu thì mới là phiền phức tày trời đấy nhé...
Kỳ thực, Minh Thúc còn máu me vớt cái cỗ quan tài đá kia lên tàu hơn cả Tuyền béo, lão chẳng qua chỉ muốn mượn lời Nguyễn Hắc đẩy trách nhiệm qua cho Tuyền béo mà thôi. Tuyền béo nghe lão nông dân Hồng Kông ấy muốn phá hoại hình tượng chói lọi của mình trong lòng quảng đại quần chúng nhân dân, đùng đùng nổi giận, xốc tay áo khua chân múa tay định đánh người.
Tôi vội ngăn hai người họ lại:
Minh Thúc, bác thật đúng là, dù có muốn hủy hoại hình tượng Tuyền béo thì cũng nên lập kế hoạch trong bí thất, châm củi đốt lửa từ phía sau chứ, sao có thể làm ngay trước mặt cậu ta được? Thế chẳng phải là bại lộ mục tiêu à? Có thể thấy, hạng người chưa từng trải qua Cách mạng Văn hóa như bác, đúng là chưa thấm nhuần quy luật và bản chất của đấu tranh rồi. Khi nào trở về, tôi nhất định sẽ dạy bác cái sự tinh túy bên trong, thế nào là đấu trời, đấu đất, đấu người, có điều đạo lý trong này sâu xa quá, hạng người như bác chưa chắc đã lý giải được... Còn cả cậu nữa, Tuyền béo, Minh Thúc lớn tuổi như vậy rồi, sao cậu có thể động tay động chân với bác ấy được chứ? Chúng ta phải tuân theo nguyên tắc, đứng trước chân lý mọi người đều bình đẳng, phàm chuyện gì cũng phải lấy lý lẽ ra thuyết phục, dù làm gì cũng phải nói đạo lý trước chứ lại? Sau này, nếu bác ấy còn nói mấy câu cậu không thích nghe, thì cậu có thể nói lý với bác ấy trước, thậm chí là chửi bới bác ấy cũng được. Chửi bới thì chẳng sao cả, tiên sinh Lỗ Tấn ngày xưa chết rồi vẫn còn chửi bới người ta cơ mà, khi cần thiết thậm chí cậu có thể chụp mũ cho bác ấy cũng được luôn, nhưng ngàn vạn lần không được đánh người. Nếu thực sự muốn đập cho bác ấy một trận thì kiếm chỗ nào không có người mà đập, vậy thì chúng tôi cũng khỏi phải khó xử mà, cậu nói xem, chúng ta đều là người trong một nhóm, cậu đánh bác ấy trước mặt mọi người, chúng tôi nên ngăn lại hay là không nên đây?
Minh Thúc vừa nãy có lẽ đúng là nhất thời lỡ miệng, lúc này trông thấy Tuyền béo trợn mắt lên, lập tức rụt cả vòi lại, chỉ hận không thể nhảy xuống biển mà trốn, đành tỏ vẻ ăn năn hối cải, vội xun xoe với Tuyền béo, rối rít bảo rằng vừa nhìn thấy món hàng kia, tinh thần quá đỗi kích động, chứng tâm thần phân liệt lại tái phát, thậm chí bản thân còn không biết mình vừa nói cái gì nữa.
Lúc này, Shirley Dương nói với tôi:
Các anh cứ lằng nhằng mãi thì cỗ quan tài kia sẽ trôi theo dòng hải lưu đi mất đấy.
Tôi nghe cô nhắc nhở, vội bảo Cổ Thái chuẩn bị dây móc, Tuyền béo, Minh Thúc đi dọn dẹp boong sau. Trên tàu chỉ có boong sau là tương đối rộng rãi. Còn Đa Linh thì chạy đi nối ống nước, chuẩn bị xì rửa những thứ bẩn thỉu bám trên quan tài.
Cả bọn chia nhau làm việc, cuống quýt bận rộn một hồi, cuối cùng cũng kéo được cỗ quan tài đá lên, dùng cân treo treo lơ lửng ở đuôi tàu. Thì ra phần bên dưới cỗ quan tài đá bị khóa chặt vào một cái mai rùa rất lớn. Đa Linh và Cổ Thái đều là những người trưởng thành trong lao động gian khổ, làm việc rất chăm chỉ, lại hết sức quen thuộc với các hoạt động trên tàu, không cần tôi nhắc nhở đã mở máy bơm, hút nước biển đen kịt lên xì sạch tảo biển và các uế vật bám lên quan tài.
Luồng nước phun tới, các chi tiết ở mặt bên quan tài đá hiện rõ dần, chỉ thấy đó là vô số dấu hiệu kỳ quái khắc chi chít. Shirley Dương có thị lực hơn người, dù cỗ quan tài vẫn còn treo lơ lửng trên cao, đã lập tức phán đoán:
Trên đó hình như điêu khắc đồ án trong Kinh Dịch, anh Nhất, anh hiểu được quẻ tượng, thử xem có gì không?
Minh Thúc đánh tay phát tín hiệu, Nguyễn Hắc bèn thu cần treo. Khoảng cách dần hẹp lại, có thể thấy trên cỗ quan tài khắc rất nhiều đồ hình bát quái, nhưng cặn san hô xám bám đóng cứng nhiều quá, nhiều chỗ thành ra nhìn không được rõ. Cả bọn vội tháo cỗ quan tài đặt xuống boong tàu, thấy bên trong mai rùa vẫn còn một cái xác nguyên vẹn, chưa phân hủy, có vẻ mới chết chưa lâu. Có điều, xét bề ngoài của cỗ quan tài đá này thì ít nhất nó cũng đã nghìn năm tuổi có lẻ. Thường có câu:
Rùa sống nghìn vạn năm,
tuổi thọ của rùa cao hơn các loài sinh vật khác rất nhiều, không biết con rùa già to tướng vác quan tài đá trên lưng đó đã sống bao nhiêu năm rồi mới chết đi nữa.
Trên mai con rùa đội quan tài cũng khắc hoa văn, có điều nhìn rất lờ mờ. Môi trường dưới đáy biển gây tác hại ăn mòn quá lớn đối với những thứ này, giờ chỉ hy vọng thứ bên trong quan tài vẫn còn bảo tồn được phần nào mà thôi. Tuyền béo đã chạy đi lấy thám âm trảo để nạy nắp. Khe nắp quan tài đá bít kín bùn đất, vừa nạy lên, bên trong hiện ra một lớp quan tài nữa, hình điêu khắc ở mặt trong nắp quan tài đá vẫn rất nguyên vẹn. Sau khi lấy nước xối sạch các thứ bẩn bám bên trên, trước mắt chúng tôi liền hiện ra một quẻ tượng trong Kinh Dịch, xem thử mấy chi tiết đặc trưng, thấy hoàn toàn trùng khớp với bức tượng ngọc được giáo sư Trần phục nguyên mấy hôm trước.