Quyển 6 - Chương 27: Vực dưới biển - Bụng cá voi
-
Ma Thổi Đèn
- Thiên Hạ Bá Xướng
- 3902 chữ
- 2021-02-03 04:42:56
Mực nước bên trong Quy Khư xuống thấp, một vùng cổ thành hoang phế bị nhấn chìm từ dưới mặt nước dần dần hiện lên phía xa. Thành trì xây dựa lưng vào núi, trải qua mấy nghìn năm, nhưng dường như vẫn chưa bị thời gian triệt phá hoàn toàn. Nhìn từ xa, kết cấu chung của tòa thành vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn, phía sau tòa thành, từng cột khói vàng pha lẫn sắc đỏ lững lờ bốc lên nơi đường chân trời. Tôi và Shirley Dương đứng trên tàn tích của một trụ đá đổ quan sát hồi lâu, đều thấy rằng vùng đất dưới biển sâu này thật hết sức kỳ quái ngụy dị, chặng đường phía trước vẫn còn chưa rõ hung cát thế nào.
Tôi thầm nghĩ, thứ bị hút vào bên trong Quy Khư này đều chỉ là những mảnh tàn tích của kiến trúc còn sót lại trên mặt biển, tuyệt đối không thể nào có chuyện cả tòa thành cổ bị sụt lún xuống đây được, trừ phi là bản thân nó đã được xây ở đây rồi. Nghĩ đoạn, tôi bèn bảo Shirley Dương:
Thành cổ của nước Hận Thiên sao lại ở bên dưới hải nhãn thế này nhỉ? Chỗ này cũng bí mật thật đấy, nếu không có Hán gian dẫn đường, bọn xâm lược chắc là chẳng thể nào tìm nổi đâu.
Shirley Dương nhíu đôi hàng lông mày lại, dõi mắt nhìn tòa thành cổ lộ ra trên mặt nước, trầm ngâm nói:
Hồi nhỏ tôi có nghe một vị thuyền trưởng già kể chuyện cá voi khổng lồ nuốt cả một thành phố, từ đó trở đi, những người trong tòa thành ấy sinh sống bên trong bụng cá voi. Anh xem, địa hình bên trong Quy Khư này có phải rất giống bụng cá voi hay không? Sự kỳ diệu của thiên địa tạo hóa đúng thật là khiến người ta không thể nào tưởng tượng hết được. Sách cổ có ghi: tiến vào Quy Khư, thấy thiên tượng biến hóa theo sự tụ tan của gió âm, cảm giác như ngồi thuyền giữa biển U Minh, bánh lái lạc hướng, nước mênh mênh mang mang, không biết phải làm sao. Đoạn ghi chép này tuy không thể nói là hoàn toàn chính xác, nhưng có thể hiểu là, khi rơi vào chốn ấy, cảm giác như đang ở giữa chốn hỗn độn hư không, điều này ít nhiều cũng có chút trùng khớp với những gì các nhà địa lý học thời cổ đã nói.
Nghe Shirley Dương nói thế, tôi mới phát giác ra địa hình nơi này đích thực là giống như ở bên trong bụng một con cá voi khổng lồ. Đồng thời, tôi cũng sực nghĩ, trong vùng hoang phế kia, nói không chừng lại có bí mật về chuyện người xưa đốt đèn bói mai rùa cũng nên. Nhất thời, tôi quên béng mất con tàu đã hư hại nặng nề, bản thân và những người đồng hành đang bị vây khốn giữa biển khơi mênh mông, còn muốn tiến vào đó tìm hiểu một phen. Có điều, trong lòng tôi cũng thầm hiểu, làm như vậy thực sự không hợp thời điểm chút nào. Phía trên chúng tôi còn có mấy cái hải nhãn lớn nhỏ không đều, nhiệt độ cao của âm hỏa khiến những hang động dưới đáy biển sinh ra luồng gió nóng xoáy dữ dội, như thể địa nhiệt phun trào, ngăn cản nước biển đổ xuống. Nhưng một khi hải khí hình thành, hải nhãn sẽ lại hút vào Quy Khư này thêm một lượng nước biển khổng lồ nữa. Chúng tôi không thể phán đoán hiện tượng này sẽ còn kéo dài bao lâu, có lẽ là một hai ngày, cũng có lẽ là một hai tháng, tóm lại là giống như có một quả bom hẹn giờ treo lơ lửng trên đỉnh đầu vậy, một khi nước biển đổ xuống, chúng tôi sẽ
người thành cá thành tôm
[39] mất. Việc cấp bách trước mắt, chính là tìm một khu vực tương đối an toàn để chỉnh đốn đội ngũ, suy nghĩ bước hành động tiếp theo.
Đột nhiên, tiếng ồn ào huyên náo trên tàu làm dòng suy nghĩ của tôi đứt đoạn. Tuyền béo và Minh Thúc cũng vừa nhìn thấy kỳ quan xuất hiện trên mặt nước, sau một thoáng ngạc nhiên đến ngẩn cả người, Minh Thúc lại nói, cái túi đựng Nam châu ấy là tính mạng của cả bọn, sao có thể để cho hạng người thô lỗ không biết nặng nhẹ cao thấp như Tuyền béo cầm được. Nói đoạn, liền vươn tay ra tính giật trở về. Tuyền béo dứ dứ cánh tay, làm bộ muốn thụi cho Minh Thúc một quả, khiến lão già Hồng Kông sợ quýnh lên, không dám nói năng gì nữa. Tuyền béo thấy mình có uy, không khỏi lấy làm đắc ý, nghênh ngang xách cái ba lô, quay lại chỉ huy bọn Cổ Thái và Đa Linh khiêng Nguyễn Hắc lên, chuẩn bị chuyển sang xuồng cứu sinh.
Lúc này, vì mực nước vẫn đang dần hạ xuống, tàu Chĩa Ba hư tổn nặng nề sau khi bị tràn nước, mắc kẹt vào một bức phù điêu đá khổng lồ màu xám, nhất thời cũng không lo phải chôn thây dưới đáy nước, nhưng thân tàu lệch hẳn sang một bên, khiến mấy người trên tàu hành động hết sức bất tiện. Cổ Thái và Đa Linh trước tiên khiêng Nguyễn Hắc đặt lên một phiến đá bên dưới thân tàu, sau đó lại chạy đi giúp Minh Thúc hạ thủy xuồng cứu sinh, còn Tuyền béo thì chạy đi chạy lại khuân vác các loại trang bị dùng khi khẩn cấp lên xuồng.
Đang chuyển một bộ đồ lặn, Tuyền béo thình lình bị trượt chân trên phiến đá. Phiến đá ấy có lẽ ngâm nước biển quá lâu, bám đầy các sinh vật nhỏ li ti, hết sức trơn trượt. Cu cậu chân giẫm không chắc, ngã bổ ngửa, cái ba lô trên vai bị đá nhọn cứa đứt, mấy hạt trân châu bên trong văng ra rơi tõm xuống nước, ánh sáng lấp lóa hết sức chói mắt. Tuyền béo vội vàng đứng dậy nhảy xuống nước toan nhặt lên.
Đống đổ nát dưới nước chồng chất lên nhau chẳng theo một quy luật nào cả, các khe hở hình thành bởi tượng đồng, những tảng đá và cả xác tàu đắm chằng chịt tựa như vô số con kênh đào ngang dọc khắp nơi. Tuyền béo thấy vùng nước xung quanh chỗ mình không có cá mập lượn lờ, bèn lội ra chỗ nước ngập đến thắt lưng để nhặt một viên Nam châu bị rơi. Nam châu chiếu sáng một khoảng chu vi trăm bước chân, sáng hơn cả đèn, rơi xuống vùng nước nông nên cũng không khó tìm lắm. Nhưng tôi ở phía xa lại trông rất rõ ràng, chỉ thấy đúng lúc Tuyền béo nhặt được viên ngọc, khoảng chừng mười mét phía trước cậu ta có bọt nước cuộn lên, lộ ra một cái lưng cá đen ngòm phải to bằng cái bàn tám người ăn, vây lưng dựng như lưỡi kiếm, xông thẳng về phía Tuyền béo.
Tôi không biết nó là giống cá dữ nào, cuống cuồng lớn tiếng quát Tuyền béo phải cẩn thận, dưới nước có gì đó. Cổ Thái và Đa Linh trên tàu cũng trông thấy con quái ngư, nháo nhào hét lên:
Hải quái! Hải quái!
đồng thời nhặt súng bắn lao nhắm xuống mặt nước mà bắn. Mũi lao xiên cá bay vút đi, nhưng cũng chỉ khiến đà lao của con quái vật kia bị ngưng lại một chút. Tuyền béo thấy tình thế không ổn, chộp lấy viên Nam châu, bò vội trở lại đống đổ nát phía sau lưng.
Cái lưng cá đen ngòm lộ ra trên mặt nước bơi tới chỗ Tuyền béo thì đã chậm mất nửa bước, bỗng nhiên chìm xuống, mất tăm mất tích. Chúng tôi thấy Tuyền béo thoát hiểm, đều thở phào nhẹ nhõm. Tuyền béo đưa tay sờ xuống mông đít thấy vẫn còn, cũng chẳng buồn nghĩ lại xem vừa nãy mình phải đối mặt với hiểm nguy gì, chỉ tiện tay bỏ viên Nam châu vào ba lô. Lần này cậu ta đã biết khôn, buộc vết rách trên ba lô thật chặt.
Shirley Dương khum tay lên miệng, lớn tiếng nhắc nhở mấy người trên tàu không được lơ là cảnh giác, rồi quay đầu lại hỏi tôi:
Anh Nhất, vừa nãy anh có nhìn rõ con hải quái dưới nước là giống gì không?
Tôi thấy thần sắc cô có vẻ nghiêm trọng, cũng không dám nói bừa. Vừa nãy khoảng cách hơi xa, con cá dữ ấy lại chỉ lộ ra có cái sống lưng đen ngòm, thực tình không thể phân biệt được nó là giống quái ngư quái thú gì, có điều, nom thể hình ấy, có khả năng là một con cá mập cỡ đại cũng nên? Nhưng vây lưng cá mập làm sao rộng đến thế được chứ nhỉ?
Shirley Dương lắc đầu nói:
Ở vùng biển băng có một loài cá hổ kình, thiên tính hung ác tàn nhẫn, không chỉ có thể săn bắt các loài linh hoạt như cá heo, mà còn biết từ dưới đáy nước đột phá lớp băng, nuốt chửng người hay báo biển bên trên. Vùng Nam Hải cũng có một loài cá voi vây kiếm tương tự như thế, thể hình nhỏ hơn cá voi hổ kình, miệng rộng, lưng đen vây kiếm, bụng tròn dẹt, rất hay nhào lên mặt nước tấn công, có thể trực tiếp lao lên kéo thủy thủ trên tàu xuống nước, cùng với cá hổ kình nổi danh là đồ tể trên biển, hay còn được gọi là cá voi sát thủ. Tôi nhìn sống lưng của con cá kia, rất giống với loài cá voi sát thủ ở vùng nước sâu, nếu đúng là có thứ quái vật biển sâu đó ở đây, chúng ta ngồi xuồng cứu sinh quá gần với mặt nước, thực sự là rất nguy hiểm đấy.
Chúng tôi vội vàng báo cho bọn Tuyền béo và Minh Thúc, dặn họ cố gắng rời xa mặt nước đề phòng con cá kia nhao lên tấn công. Mấy người bọn Tuyền béo vốn đã hạ xuồng cứu sinh, Nguyễn Hắc bị thương cũng đã được khiêng đến bên cạnh. Cả hội đang chuẩn bị chuyển xong đồ đạc là bỏ tàu lên xuồng, thấy tình hình có biến, đành chuyển người bị thương ra chỗ khác trước, đề phòng nằm gần mép nước quá lại bị con hải quái kia tấn công.
Minh Thúc và Cổ Thái vừa đặt chân lên dốc đá gần chỗ Nguyễn Hắc đang nằm, liền thấy mặt nước bất thình lình dập dềnh nổi sóng, một con cá voi toàn thân đen kịt lao vèo tới, cả nửa thân trên nhao lên bờ, há miệng đớp lấy Nguyễn Hắc rồi quẫy đuôi thoắt cái đã lặn xuống nước. Liền ngay sau đó, từng vệt máu đỏ tươi đã hòa cùng bọt nước trắng xóa nổi lên.
Sự việc diễn ra quá nhanh, trước đó lại hoàn toàn không có một dấu hiệu gì báo trước, cả bọn chỉ kịp kêu lên một tiếng kinh hoảng, không ai kịp ra tay cứu viện, cứ thế mở mắt trân trân nhìn Nguyễn Hắc bị con cá voi há miệng đớp xuống nước. Dẫu lúc này chúng tôi có nhảy theo liều mạng quyết chiến với con cá dữ thì cũng không kịp nữa rồi. Con cá voi lưng kiếm được mệnh danh là tên đồ tể trên biển ấy hung dữ nhường nào chứ? Một khi đã bị nó đớp xuống nước, Nguyễn Hắc lại chẳng phải La Hán kim thân, thử hỏi làm sao có thể sống sót nổi đây?
Chúng tôi còn đang bần thần thì đồ đệ Cổ Thái của Nguyễn Hắc đã ngậm con dao găm vào miệng, bổ nhào xuống nước liều mạng cứu sư phụ, Minh Thúc muốn kéo cậu ta lại cũng không kịp, chỉ giật được một mảnh áo. Thực tình Minh Thúc rất coi trọng nhân tài như Cổ Thái, thấy cậu ta xuống nước liều chết, cuống quýt mắng chửi loạn cả lên:
Cái thằng ngu si đổ đốn kia, không muốn sống à!
Chốn Quy Khư này vây khốn rất nhiều loài thủy tộc, ngoài con cá voi lưng kiếm kia, còn rất nhiều cá mập, tình hình hỗn loạn, cá lớn nuốt cá bé, so với vùng biển vực xoáy San Hô trên kia còn hung hiểm hơn gấp vạn phần.
Tôi đứng trên trụ đá nhìn mà sốt hết cả ruột, thấy sự việc đã đến nước này rồi, đành nghiến răng nói với Shirley Dương:
Chúng ta xuống nước cứu người.
Shirley Dương gật gật đầu:
Được!
Lúc này, chẳng còn ai để ý xem dưới nước có bao nhiêu nguy hiểm nữa, hai chúng tôi nhanh chóng rút dao cầm tay, chuẩn bị nhảy khỏi trụ đá. Phía đối diện, Tuyền béo cũng cầm khẩu súng bắn lao, chực nhảy xuống cứu Cổ Thái.
Cả mấy người đang định mạo hiểm một phen, chợt thấy mặt nước cuồn cuộn, máu đỏ trào lên, rõ ràng dưới nước sâu đang nổ ra một cuộc ác đấu sinh tử. Nước dập dềnh liên tục, chỉ thấy Cổ Thái miệng ngậm con dao găm, tay kéo Nguyễn Hắc toàn thân đẫm máu, mượn sức dòng nước trở lại trên phiến đá. Không biết cậu ta đã làm thế nào, không ngờ lại cứu được sư phụ khỏi miệng con cá voi hung ác.
Chúng tôi nhìn cảnh ấy chỉ biết há hốc miệng ra ngạc nhiên, tuy nói là dân mò ngọc toàn dựa vào bản lĩnh ở dưới nước để mưu sinh, nhưng cái nạn chôn thây trong bụng cá khó mà tránh được, xưa nay chưa từng nghe có kẻ mò ngọc nào thực sự có thể cùng lũ cá dữ chính diện giao đấu cả. Cổ Thái chẳng qua mới chỉ mười lăm mười sáu tuổi đầu, từ nhỏ đã sinh sống trên đảo Miếu San Hô, trông chẳng có gì đặc biệt cả. Chúng tôi thấy cậu ta cứu được Nguyên Hắc, đều khó lòng tin nổi, không khỏi phải nhìn cậu ta với ánh mắt hoàn toàn khác: tên tiểu tử này rốt cuộc có còn bản lĩnh gì mà chúng tôi chưa biết nữa hay không?
Cổ Thái dùng dao găm chém con cá voi lưng kiếm bị thương, cả đàn cá mập vốn đã đói đến đỏ mắt, bị mùi máu tanh kích thích, ồ ạt lao đến tấn công con cá voi, tình cảnh dưới nước hỗn loạn vô cùng. Tôi thấy thời cơ không thể để lỡ, vội gọi Tuyền béo mau đưa xuồng cứu sinh qua, đón tôi và Shirley Dương tụ hợp với cả bọn.
Trên boong tàu Chĩa Ba đã đổ nghiêng, Cổ Thái và Đa Linh ngồi bên Nguyễn Hắc khóc rống lên. Nguyễn Hắc bị con cá voi đớp gần đứt lìa cả hai chân, vết thương rất lớn, không có cách nào cầm máu, hơi thở yếu như đường tơ, xem chừng khó mà sống nổi. Lúc bọn tôi và Tuyền béo đến bên cạnh, Nguyễn Hắc đột nhiên mở bừng mắt. Tôi biết, đây là giây phút bùng sáng cuối cùng trước khi ngọn đèn phụt tắt, có thể ông ta muốn trăng trối điều gì đó, bèn vội nắm chặt bàn tay đã giá lạnh của ông ta, nói:
Ông Hắc, muốn nói gì thì ông cứ nói ra hết đi, chúng tôi nhất định sẽ cố gắng hết sức làm bằng được.
Nguyễn Hắc hai mắt đã đờ đẫn vô thần, cực nhọc lắm miệng mới hơi mấp máy nói, mãi hồi lâu không thốt ra được nửa chữ. Ông ta chỉ hướng ánh mắt về phía Đa Linh, tôi đoán được tâm ý ấy, bèn bảo ông ta cứ yên tâm, tôi nhất định sẽ giúp Đa Linh tìm được người thân của cô ở bên Pháp.
Shirley Dương cũng rơi nước mắt, mấy thầy trò Nguyễn Hắc đều do cô thuê đến giúp, bằng không ba người họ giờ vẫn đang ở trên đảo đánh cá mò ngọc, cuộc sống tuy rất khó khăn túng thiếu, nhưng ít nhất thì cũng không đến nỗi phải mất mạng thế này.
Nguyễn Hắc dồn hết sức lực rặn ra âm thanh, nói bập bõm hồi lâu câu được câu mất. Bọn họ cả đời đi mò ngọc, cơ hồ như trúng phải tà, biết rõ là đáy biển nhiều hiểm nguy, sóng to gió cả, cá lớn nuốt thuyền, thập tử nhất sinh, nhưng vẫn cam tâm tình nguyện liều chết xông tới, hồi xưa nghĩ mãi cũng không thông, đến giờ hình như đã sực tỉnh ngộ, xét cho cùng, rốt cuộc cất cả cũng chỉ vì tiền mà thôi. Không hứng cơn sóng dữ thì chẳng thể mò được ngọc quý ngàn vàng, đã bước lên con đường này rồi, sống chết thế nào đều chỉ có thể trách bản thân, không quy trách nhiệm cho ai được, một khi đã đen đủi gặp nạn, thì cũng chính là lúc tổ sư gia Ngư chủ không cho bát cơm ăn nữa, khi ấy đành chỉ biết chấp nhận số mệnh thôi chứ chẳng làm gì được.
Nguyễn Hắc sống cả đời nghèo khổ, ngoài hai đồ đệ xưa nay vẫn nương tựa lẫn nhau thì không có mắc míu nào trên thế gian này nữa. Tuy nhiên, suốt một đời mò ngọc, khốn nỗi lại sinh không gặp thời, ông ta chưa từng mò được món thanh đầu thật sự nào cả, chỉ ao ước sau khi chết có thể ngậm một viên Trú nhan châu mà nhắm mắt. Từ thời cổ xưa, đây đã là phương thức mai táng vẻ vang nhất đối với dân mò ngọc, đi đến tận cùng của con đường nhân sinh, ngậm ngọc nhập thổ, coi như cũng có cái để ăn nói với chính bản thân mình, không uổng những gian nan bao năm nơi đầu sóng ngọn gió vào sinh ra tử xuống biển bắt trai mò ngọc.
Tôi nghe chỉ biết thầm thở dài, đã đến nước này rồi mà vẫn còn nhớ đến Nam châu, lẽ nào giá trị quan của đám dân mò ngọc chỉ có thế thôi? Người cũng chết rồi, miệng ngậm châu ngọc phỏng có tác dụng gì chứ? Lẽ nào lúc sống không được hưởng, sau khi chết có thể hưởng dụng được chắc? Có điều, có lẽ đây là tập tục từ ngàn xưa để lại của dân mò ngọc bọn họ, giờ Nguyễn Hắc đang hấp hối, chúng tôi cũng chỉ đành nhất nhất đồng ý, để ông ta được yên tâm mà lên đường.
Nguyễn Hắc thấy tôi đã nhận lời, ánh mắt liền nhìn chằm chằm vào cái ba lô trên lưng Tuyền béo, bên trong ấy chính là minh châu Nam Hải mà ông ta cả đời liều mạng mò kiếm. Bất thình lình, ông ta giơ cánh tay lên chụp vào khoảng không một cái, hơi thở đứt đoạn, cứ thế mà thõng tay về cõi Tây Thiên.
Tôi bảo Tuyền béo đưa một viên minh châu sáng nhất, đoạn dùng thủ pháp lấy ngọc trong miệng chủ mộ của Mô Kim hiệu úy, nâng xương chẩm sau ót Nguyễn Hắc lên, ấn vào xương quai hàm, rồi đặt viên Trú nhan châu vào miệng ông ta, cuối cùng nâng cằm lên, để hai môi Nguyễn Hắc khép lại. Ông ta vừa mới qua đời, thi thể vẫn chưa cứng, rất dễ dàng bỏ viên ngọc vào miệng. Tinh khí của những viên ngọc chúng tôi mò được ở vùng vực xoáy San Hô rất thịnh, để người chết ngậm trong miệng thì dù trăm năm sau, đám người chúng tôi có thành tro bụi hết cả, thi thể ông ta vẫn không bị hóa đi, mặt mũi sẽ hệt như lúc còn sống.
Theo tục lệ xưa, dân mò ngọc nếu được chết yên lành, thì nhất thiết không thể thủy táng. Ở trên biển, tập tục bọc xác người vào rồi thả chìm xuống biển tương đối phổ biến, một là vì để xác chết trên tàu không may mắn, hai là vì thời tiết nóng bức, xác chết thối rữa là nguồn gốc của dịch bệnh. Nhưng dân mò ngọc cả đời đều phải đối mặt với nguy cơ chôn thây trong bụng cá, lúc chết nếu được toàn thây, đa phần đều hy vọng có thể nhập thổ vi an. Tôi thấy ở gần đây chỉ có di tích tòa thành cổ kia là có thể an táng Nguyễn Hắc, bèn bảo Cổ Thái giúp sư phụ cậu ta thay một bộ đồ sạch sẽ, lau rửa vết máu trên người đi.
Cổ Thái và Đa Linh tuổi tác chưa lớn, ít giao thiệp bên ngoài, đột nhiên mất đi người thầy bao năm sớm tối có nhau, gần như sụp đổ, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn thất thần, nước mắt đầm đìa mà tay chân luống cuống chẳng biết làm sao. Tôi phải khuyên bảo mãi cả hai mới tạm thời nén nỗi bi thương để chỉnh trang di thể cho Nguyễn Hắc.
Minh Thúc thấy tôi nhét viên Nam châu đẹp nhất vào miệng Nguyễn Hắc, hình như hơi xót của, cứ vòng đi vòng lại lượn lờ quanh xác chết, song lại không tiện nói trắng ra, chỉ đành nhẫn nhịn chịu đựng nỗi đau cắt da cắt thịt ấy. Có điều, dường như lão đột nhiên phát hiện ra chuyện gì đó không bình thường, thình lình chụp lấy cánh tay tôi, kéo ra phía sau lưng Cổ Thái:
Chú Nhất, chú xem thằng nhãi Cổ Thái kia... có gì... có gì không bình thường không?
Tôi nhìn Cổ Thái quỳ dưới đất đang chỉnh trang cho Nguyễn Hắc, nửa thân trên để trần, vì áo đã bị Minh Thúc xé toạc lúc cậu ta nhảy xuống nước cứu người, để lộ ra những hình xăm chi chít. Những hình xăm này đủ màu sắc lại hết sức phức tạp, chủ yếu toàn là các hình sóng to gió lớn ngư long dưới biển đuổi theo hỏa châu..., khí thế ngập trời, toát lên một vẻ ảo diệu khó nói. Vùng Nam Dương rất phổ biến tục xăm mình, nhưng hình xăm toàn thân mà lại kỳ công tinh xảo như Cổ Thái thì thực sự hiếm thấy, song tôi cũng không hiểu ý tứ của Minh Thúc cho lắm. Có điều, tôi lại sực nghĩ: Gã thiếu niên này có thể xuống nước vật lộn với cá voi sát thủ, một dân mò ngọc tầm thường có thể làm được hay sao?
Nghĩ tới đây, tôi lập tức giật mình, vội hỏi Minh Thúc nói vậy là có ý gì? Lẽ nào Cổ Thái có gì không ổn? Minh Thúc liền ghé miệng sát tai tôi thấp giọng thì thầm:
Tôi thấy thằng nhóc Cổ Thái này thân thế không phải tầm thường, rất có thể là rồng trong biển...