Chương 20: Bằng bất cứ giá nào


Số từ: 2128
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Dự định của A-lanh là chỉ ghé lại nghỉ mấy hôm ở Ca-da-blăng-ca, và sẽ rời cảng này đi tiếp vào sáng Chủ nhật 24 tháng tám, cho dù có việc gì xảy ra. Nhưng sự việc trên thực tế không diễn ra như anh mong muốn. Lại xảy ra bất đồng ý kiến giữa những người có trách nhiệm, có thẩm quyền. Hai người nồng nhiệt tán thành cuộc thực nghiệm lớn vượt Đại Tây Dương. Đó là tiến sĩ Phuya-ne-xtanh, Giám đốc Sở hải sản Ma-rốc, và một kỹ sư hàng hải. Ba người khác phản đối: chủ nhiệm Câu lạc bộ du thuyền, thuyền trưởng thuyền cấp cứu, và chủ chiếc tàu được giao nhiệm vụ kéo Ngược đời ra xa bờ, để từ đó nó tự lực đi sâu vào Đại Tây Dương. Các bạn bè khác khoanh tay im lặng. Vì phân vân, họ không muốn tác động đến quyết định của anh, một quyết định hệ trọng liên quan tới cái sống và cái chết của người ra đi. Một mình một chiếc xuồng con, không nước uống lương ăn, chưa có nhiều kinh nghiệm đi biển, lao vào Đại Tây Dương, đâu phải chuyện bình thường. Cũng không phải quá đáng khi có người gọi hành động của A-lanh là sự thách thức cái chết. Trong bầu không khí căng thẳng, chợt anh nghe hai nhà báo nói chuyện riêng với nhau:
-Chúng ta về thôi, anh chàng chẳng đi đâu.
-Ai bảo ông thế? Tôi đang chờ sương mù tan bớt để cho tàu kéo đi cơ mà
-anh hỏi lại.
-Không đâu. Chủ tàu từ chối. Và chẳng có ai chịu kéo ông ra xa bờ đâu. Hóa ra chủ nhiệm Câu lạc bộ vừa tuyên bố: thuyền nào nhận kéo chiếc Ngược đời ra khơi thì không được trương cờ của Câu lạc bộ. Tuyên bố ấy có nghĩa là: việc làm đó bất hợp pháp. Điên tiết, A-lanh chạy đến gặp chủ nhiệm, nói thẳng vào mặt:
-Tự tôi sẽ tìm được người kéo tôi đi. May sao, ở bến có một người chơi du thuyền đồng ý giúp anh. Chiếc Ngược đời nhờ vậy rời được cảng Ca-da-blăng-ca, theo sau có một số thuyền nhẹ tiễn đưa. Từ biệt bạn bè, mình anh lại mất hút trong sương mù. Và anh biết, cuộc chia tay lần này còn lâu mới lại gặp nhau. Từ hôm ấy, anh bắt đầu ghi đều nhật ký.
Chủ nhật 24-8. Chiếc tàu kéo rời tôi ở ngoài khơi En Hăng. Biển lặng. Ruột tôi co thắt nhưng không phải vì đói. Đêm: sương mù dày. Không có gió.
Thứ hai 25-8. Xuồng vẫn ở nguyên vị trí của nó đêm hôm qua. Nhưng gió vừa lên, hướng tây bắc -đông nam. Mù vẫn dày đặc. Không có cách nào ước lượng mình đi cách bờ bao xa. 14 giờ. Nhìn thấy bờ biển ở hướng chính nam. Đấy là đâu nhỉ? 18 giờ. Có lẽ đó là A-dem-mua. Nếu đúng thì thật tuyệt vời. Câu được nhiều cá quá, chẳng biết dùng làm gì cho hết.. Chắc chỉ đi chừng mười lăm hải lý nữa sẽ thấy được ánh sáng đèn biển Xi-đi Bu A-phi. Thấy nó ở hướng tây nam thì đúng. 21 giờ. Tuyệt! Thấy ánh hải đăng kia rồi.
Thứ ba 26-8. Sáng. Trời rất trong. Thời cơ tốt để vượt qua mũi Blăng. Nếu ta đi đúng thì phải thẳng tiến theo hướng 240 độ, và phải dong liền trong bảy ngày. Miễn là có đủ nghị lực. Đã làm quen được với dụng cụ xác định tọa độ rồi. Sẽ đánh dấu vào hải đồ. Đêm nay chắc sẽ thấy ánh hải đăng mũi Căng-tanh. Đó là lần cuối cùng ta còn nhìn thấy đất liền, trước khi tới quần đảo Ca-na-ri. Đêm. Có vẻ như tôi đang hướng thẳng vào bờ. Mà đường của mình thì đúng ra phải song song với bờ chứ. Không thấy mũi Căng-tanh. ánh hải đăng của nó chiếu xa tới ba mươi hải lý, như vậy có nghĩa là mình còn cách bờ khá xa. Câu cá vào lúc tranh tối tranh sáng thật tuyệt diệu. Một giờ sáng. ánh sáng đèn biển Căng-tanh kia, về nam -tây nam.
Tuyệt!
Thứ tư 27-8. Thấy rõ bờ biển. Tầm nhìn xa rất tốt. Chỉ bằng vào những chi tiết mô tả trong cuốn Chỉ dẫn hàng hải, đủ để biết đấy là đâu. Vậy là, không tính ngày
Chủ nhật, ta đã đi được khoảng 60 hải lý một ngày. Từ lúc này trở đi, sẽ không còn nhìn thấy bờ nữa đâu. Phải theo hướng tây -tây nam sáu ngày liền nữa. Vững vàng nhé, chú mình ơi!
Thứ sáu 29-8. Gió vẫn thuận. Có lúc mạnh đến nỗi phải cuộn bớt buồm. Chín giờ. Gặp một chiếc tàu chở hàng đi ngược, hẳn là từ Ca-na-ri tới. Vậy là ta đi đúng đường. Giá mà chẳng phải lo âu về chuyện sẽ cập bờ...
Thứ bảy 30-8. Trời ơi! Suốt đêm qua không chợp mắt. Mệt nhoài. Khoảng bốn giờ chiều qua, sóng dữ. Phải thả neo nổi. Tôi tự hỏi: 1. Chiếc xuồng mong manh này có chịu nổi những đợt tiến công liên tiếp của biển cả hay không? 2. Tim mình có chịu nổi cuộc thử thách này không? Như vậy là tinh thần có dao động rồi đấy. Có lẽ đến Ca-na-ri phải dừng lại thôi. Mong đêm nay ngủ được một giấc.
Chủ nhật 31-8. Hôm qua, xuồng bị giạt quá về nam hơn là ước lượng của mình. May sao, hồi ba giờ chiều gặp một chiếc tàu Bồ Đào Nha, họ xác nhận giúp tọa độ. Họ còn mời ăn. Tôi từ chối. Thật ra, việc ăn uống đang suôn sẻ. Ngày nào cũng câu được cá béo bự, và thật thà mà nói, tôi dùng món cá sống đã quen mùi. Nước Đại Tây Dương có vẻ ngon hơn so với nước Địa Trung Hải. Nó ít mặn hơn, giải khát tốt. Chẳng biết rồi mai đây tình hình có được tốt đẹp mãi như thế này nữa hay không, khi phải kéo dài tuần này sang tuần khác nhịp sống không bình thường. Đang đi đúng đường. Hiện cách A-lê-grăng-da 70 hải lý về bắc -đông bắc. Phải cẩn thận đây. Ba mươi sáu giờ nữa thì đi vào vùng biển bên trong quần đảo. Lạy trời! Mong sao ta đừng lạc ra bên ngoài quá xa. Chiều nào cũng vậy, đúng bốn giờ, những con chim có bộ lông đen trắng rất đáng yêu lại đến làm bạn với tôi.
Thứ hai 1 tháng chín. Đêm qua là đêm cực nhọc nhất kể từ hôm rời bến Mô-na-cô đến nay. Biển động quá chừng. Trước khi đi ngủ, tôi cố định chèo lái và tự nhủ:

Nếu ta đi đúng đường thì sáng mai sẽ trông thấy hòn đảo đầu tiên, về phía trái". Sáng nay, thức dậy, nhìn thấy ở hướng nam, cách chừng hai mươi hải lý, về mé trái của chiếc xuồng, hai hòn đảo mang những tên mỹ miều: A-lê-grăng-da và Gra-xi-ô-da. Dấu hiệu thật sự đáng mừng. Bây giờ chỉ còn chuyện làm sao đừng để thất bại trong chuyện cập bờ. Lần thứ nhất đã thành công, thì lần thứ hai nhất định thành công chứ. Hãy tin như vậy.
Thứ ba 2-9. Tôi phát hoảng lên khi nhìn thấy hai hòn đảo cách nhau xa quá, nhất là lúc nghĩ tới khoảng không gian ghê rợn mà rồi đây mình sẽ sa vào, nếu chẳng may không cập bờ được chỗ này. Bởi vì nếu để hụt và bị giạt quá đi thì chẳng còn mong gì quay trở lại. Phải ghi lòng tạc dạ điều này. Một khi mình đã bỏ xa quần đảo Ca-na-ri, không ghé vào được, thì chớ có hy vọng hão huyền quay trở lại. Lúc ấy quãng đường ngắn nhất phải vượt qua để ghé bờ là sáu nghìn cây số. Đương nhiên, trong trường hợp này, cũng tin là mình sẽ chịu đựng nổi, nhưng gia đình sẽ lo âu xiết bao, và những người đã quả quyết trước rằng chiếc Ngược đời sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được Lát Pan-mát sẽ hớn hở đến đâu. Muốn thuyết phục, phải có thực tế để chứng minh. Đã hứa rằng sẽ cập bờ ở đảo Ca-na-ri Lớn, thì sống chết cũng phải đặt chân lên đây, chứ không phải bất kỳ một nơi nào khác.
Cập bờ ngay những hòn đảo trông thấy đầu tiên thì dễ hơn. Nhưng tôi quyết chứng minh: hễ muốn tới đâu là đến được nơi đó. Đây là điều quan hệ hàng đầu đối với người đắm tàu; cũng như tôi, họ phải tới được nơi muốn đến. Chiều. Chiếc xuồng cao su cỏn con này, mà bất cứ ai cũng không cho rằng có thể dùng để lưu thông, càng ngày càng làm cho tôi kinh ngạc về tính năng của nó. Sáng nào cũng vậy, đến mười một giờ trưa tôi xì bớt hơi, đề phòng nắng đốt giãn không khí, có thể làm cho phao nổi. Tối đến lại phải bơm thêm hơi vào. Những đêm đầu, thật khó ngủ yên giấc. Thỉnh thoảng giật thót, rồi choàng dậy với cảm giác một tai họa nào đó vừa xảy ra. Dần dần mới yên tâm. ừ, tôi tự trấn an, ban ngày chiếc xuồng này chưa bao giờ bị lật úp, thì làm sao việc đó lại xảy ra vào ban đêm cơ chứ? Mà mình thì không thể nào suốt ngày suốt đêm giữ khư khư lấy đốc chèo. Theo dõi thấy, khi có gió thuận thổi từ phía sau, thì cho dù chèo lái có bị buộc chặt, xuồng cũng đi rất thẳng hướng. Bởi vậy, khi xuồng ở ngoài khơi, bao giờ mình cũng ngủ yên giấc hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi vào gần bờ? Có thể đi ngược gió không? Có thể đi ngang gió không?
Thứ hai 3-9. Trời đất ơi, điều gì đang xảy ra thế này nhỉ? Suốt đêm mình thức chờ ánh hải đăng của Lát Pan-mát và đáng lẽ phải nhìn rõ rồi, thế mà cho đến bây giờ chưa nom thấy gì sất. Làm thế nào bây giờ? Dừng lại chờ sương mù loãng bớt chăng? Hay là, ngược lại, cứ tiếp tục thẳng tiến về nam?
Đúng trưa. Cuối cùng, có một chiếc máy bay bay về phía bên phải. Nó chưa lên hết độ cao, chứng tỏ đất liền không xa; ta phải cập bờ về phía ấy. Ba giờ chiều. Thế là hết. Chẳng bao giờ ta đến được hòn đảo ấy. Hồi trưa, tưởng máy bay cất cánh từ phía bắc đảo. Bây giờ thấy bờ, mới ngã ngửa ra mình đã đi quá mất bốn mươi cây số. Lúc này nếu muốn cho xuồng cập bến, thì chỉ còn mươi cây số bờ nữa mà thôi. Thế mà một dòng hải lưu rất mạnh lại đang hộc tốc cuốn chiếc xuồng về nam cơ chứ. Ta sẽ đi sát bờ, cách vài ba hải lý, song chẳng mong gì ghé vào được đâu. Sáu giờ. May ra, may ra thì còn chút hy vọng. Có một dòng nước ngược đang nắn hướng giạt của chiếc Ngược đời. Hễ tuột qua khỏi mũi cực nam của đảo, là mênh mông Đại Tây Dương. Mênh mông... Nhưng hãy còn trông thấy mũi kia. May ra...
o O o
Anh đã không mơ ước hão huyền khi ghi những dòng nhật ký trên đây. Quả vậy, khoảng tám giờ tối, xuồng vào gần bờ, chỉ cách chừng một trăm mét. Quá lo âu, có lúc anh nghĩ tới chuyện bỏ chiếc xuồng và nhào xuống nước bơi vào. Vấn đề gay cấn giờ phút này là giữ sao cho đừng để các mũi đá ngầm chọc thủng xuồng. May sao, những người đánh cá trên bờ trông thấy, họ chỉ cho anh lạch để ghé vào bãi cát, len lỏi giữa những dãy đá nhọn hoắt. Xuồng đã cập bờ. Tai qua nạn khỏi! Anh đã đến được nơi muốn đến. Không những anh đã chứng minh có khả năng dùng chiếc xuồng cấp cứu này để đi xa ngoài biển, mà còn cho thấy có thể đi nhanh là khác. Từ Ca-da-blăng-ca tới quần đảo Ca-na-ri đi mất 11 ngày (từ 24-8 tới 3-9). Một thời gian không quá tồi nếu so sánh với thành tích những phương tiện không cơ giới khác, như du thuyền chẳng hạn.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Một mình giữa đại dương.