Phần I - Chương 1
-
Mùa Hoa Dẻ
- Vân Linh
- 1865 chữ
- 2020-05-09 01:54:00
Số từ: 1860
Nguồn: downloadsach.com
Tù hú! Tù hú! Chắc. Chắc… chắc!
Tiếng chim nghe quen thuộc. Chim báo rằng: Lúa tháng năm sắp chín, mùa năm nay được. Một tiếng chim tù hú gọi mùa cũng đủ gợi nhớ về một miền quê cho những ai đi xa. Quê hương kháng chiến đang vươn lên muôn màu muôn vẻ: Trống rung trong đêm hội tòng quân, những dân công vai gánh vai gồng lên đường, một vụ chiêm thắng lợi, tiếng trẻ học bài ê a cho năm học kết thúc tốt đẹp, tất cả để cho tiền tuyến giành chiến thắng này qua chiến thắng khác, nào Lương Mai, Phò Trạch, nào Xuân Bồ, từ Sen Bàng sang Ba Đồn…
Trường Sơn đã lùi xa về phía sau. Cây mua cây sim hai bên đường mỗi bước một thưa dần và đến đây hầu như không còn nữa. Liêu dừng chân. Trải rộng trước mắt anh là cả một cánh đồng lúa bắt đầu chín lấm tấm vàng. Bên kia cánh đồng, sau lũy tre xanh thẳm, tháp chuông nhà thờ nhô lên cao, giống hệt một ngòi bút khổng lồ đang phác vẽ vào nền trời những đám mây mùa hè và những cánh chim. Tiếng chuông nhà thờ đổ hồi ngân nga…
Liêu là một cán bộ quân đội. Đầu đội mũ nan, chân đi dép cao-su. Cái ba lô vải nằm gọn gàng sau vai. Bên nách đeo toòng teng một ruột tượng gạo còn khoảng vài ba lon. Anh lại sải bước trên đường, băng qua cánh đồng. Những con chiền chiện lách mình kiếm ăn trong lúa, nghe động người đi, vụt bay bổng lên, gieo vào không trung tiếng hót lảnh lót, thanh cao… Liêu chiến đấu trong một trung đoàn tình – nguyện – quân Việt Nam, hoạt động trên chiến trường Trung Lào. Xa quê hương xa Tổ quốc đã hai năm, lẽ ra ngày trở lại này đối với Liêu thật là vui… Nay Liêu về vì một chuyện không lấy gì làm hay, theo lệnh triệu tập của Trung đoàn.
Cảnh vật đang vẽ lên trước mắt Liêu, ở mỗi góc trời quê là một bức tranh tuyệt đẹp, một khúc dân ca thoảng vọng, tiếng đỗ quyên giục giã vào hè, tất cả như cố tình đưa lại cho anh niềm vui, làm khuây khỏa, vơi đi trong anh mọi buồn phiền.
Một làn gió thổi qua, uốn sóng trên đồng lúa. Gió thổi phồng thân áo, thổi lật cả mũ nan của Liêu. Chừng như trong hơi gió đượm hương lúa, Liêu còn bắt gặp một mùi thơm khang khác, vừa là lạ vừa trìu mến… Anh nhớ ra rồi, đấy là hương hoa dẻ.
Chao ơi là nhớ! Liêu nhớ đến quê hương mình, cũng có cánh đồng lúa chiêm, cũng có tháp chuông nhà thờ và tiếng chuông đồng vọng, còn có cả dòng sông xanh uốn khúc, ôm ấp một thời thơ ấu của mình. Những buổi trưa hè anh cùng trâu đầm mình dưới sông, cùng bè bạn vật nhau, giành cướp nhau từng bông hoa để trước cổng đình. Rồi những đêm cho trâu ăn dưới trăng, ngồi trên lưng trâu thổi sáo trúc véo von… Liêu những muốn gọi to lên tên các bạn:
Tuấn, Tín, Lựu, Đào…!
Bây giờ chắc rằng ai nấy đã ấm tổ cả rồi.
Lác đác trước mặt Liêu có những đám ruộng lúa sớm đang gặt. Bà con nông dân vừa gặt vừa ví hát. Liêu bỗng nhớ đến một thằng bạn cùng học một khóa sĩ quan với Liêu. Tên hắn là Chung, vốn là một cậu học sinh nông thôn yêu thơ và đầy mơ mộng. Ngày mãn khóa chia tay, Chung đã chép tặng vào sổ lưu niệm của Liêu một bài thơ tự sáng tác. Như hợp tình hợp cảnh. Liêu cất giọng ngâm bài thơ ấy của bạn, những mong nói lên tình cảm mình, những muốn cho lời thơ và giọng ngâm của mình được bay cao trên cánh đồng, bay thật xa khắp đó đây, biết đâu lại chẳng lọt vào tai một cô gái quê trong mùa gặt này:
Khi nào mùa lúa chín
Em sẽ đón anh về
Cùng nhau ta gặt lúa
Ví hát giữa đồng quê
……………………..
Rồi mùa, hai cha mẹ
Bàn lễ cưới chúng mình
Anh và em chẳng nói
Đỏ mặt đứng làm thinh…
Liêu mỉm cười và tự hỏi:
Bao giờ hạnh phúc ấy đến với mình?
Chiều hôm đó Liêu về đến Phước Sơn. Đứng ngoài nhìn vào, làng chẳng khác gì một rừng cọ im mát, yên tĩnh nằm bên bờ sông Gianh miền thượng nguồn. Trong làng, người đi lại thưa thớt, có chờ hàng tiếng đồng hồ cũng chưa chắc đã thấy bóng dáng bộ đội.
Đi qua một bãi dâu cao quá đầu người, Liêu nhìn thấy trên cây cọ có một tấm biển quét vôi, chữ đen:
Trạm liên lạc 35
, dưới có mũi tên chỉ vào một căn nhà lá nhỏ, lối vào nhà có trồng chè mãn hảo hai bên, trên thả tơ hồng leo loắn xoắn vàng.
Liêu vào đứng giữa sân, trông trước ngó sau chẳng thấy một ai. Ánh mặt trời chiều chiếu xô vào cửa, bóng cau ngã xuống sân gối cả vào thềm nhà. Liêu trút một hơi thở khoan khoái, rồi bỏ ba lô, ngồi bệt xuống trước hiên nhà nghỉ chân.
Đang lúc không ai để ý đến ai, từ phía ngoài cổng một người con gái gánh một gánh cỏ đầy, chạy thẳng vào sân. Hai người đột ngột trông thấy nhau. Liêu thì vội vàng đứng lên, người con gái thì đặt cỏ xuống, thẹn thùng sửa sang lại tấm áo trên mình, tránh những sơ hở như cài lại khuy cổ áo…
Khoảnh khắc ngỡ ngàng trôi qua, cả hai đều đã trấn tĩnh nhanh chóng. Rồi, người con gái lễ phép hỏi trước:
- Thưa anh! Anh hỏi thăm ai?
- Xin lỗi cô, trạm liên lạc của bộ đội đóng tại nhà này phải không.
Không nhịn nổi, cô gái đã phì cười, vội đưa tay che miệng, nghiêng mặt sang bên để tránh thái độ bất nhã. Điều đó càng làm cho Liêu vô cùng khó hiểu:
Mình có sơ suất gì chăng?
Cô gái đã trở lại điềm đạm:
- Thưa anh, trạm liên lạc bộ đội ở cách đây tới ba nhà nữa.
Liêu khẽ cau mày:
- Tại sao mũi tên ở tấm biển kia lại chỉ vào đây?
- Chắc rằng họ cắm nhầm – cô gái mỉm cười – Anh chịu khó ra ngoài đó, em chỉ cho.
Liêu nhìn kỹ cô gái một lượt và để ý thấy những bông hoa dẻ chín vàng treo lủng lẳng trong vành nón cô gái.
Con cái nhà ai mà dễ thương lạ lùng!
Liêu lại khoác ba-lô lên vai, theo cô gái ra cổng, lòng bâng khuâng…
Cô gái chỉ lối đi.
- Bỏ cổng này, anh đến cổng thứ ba, chỗ có gốc xoan to thì vào. Em thấy bộ đội thường ra vào ở đấy.
Chừng như Liêu không để ý đến lời chỉ đường, đang mải nhìn vào vành nón cô gái, rồi buột miệng hỏi:
- Ở đây, hoa trong vành nón ấy, gọi là hoa gì hở cô?
Cô gái đỏ mặt:
- Hoa dẻ, anh ạ!
- Quê tôi cũng gọi là hoa dẻ. Hoa dẻ thơm thật. Cô cho tôi xin vài bông nào!
Cô gái thẹn, đôi bàn tay trắng nhỏ của cô run run, gỡ hoa dẻ từ vành nón, trao cho Liêu, vừa chạm đến tay anh, cô đã ù té chạy. Liêu nhìn theo cô gái chạy hút vào giữa hai hàng chè mạn hảo phủ tơ hồng, bồi hồi một niềm vui.
Cô gái ấy tên là Hoa, con út bà Nhương, một người mẹ góa. Cô bước vào đầu năm mười bảy tuổi, cũng vừa mới được kết nạp vào Đoàn thanh niên hồi tháng hai. Hoa có người anh đầu đi bộ đội, chị gái đã lấy chồng, người anh sinh gần cô hiện đang học ở trường thiếu sinh quân. Hoa là một cô gái khá nết na từ công việc đồng áng, cửa nhà, đến công tác xã hội đều chăm chỉ siêng năng, bà con, bầu bạn ai ai cũng mến.
Hoa lấp ló ở hiên nhà, chờ cho anh bộ đội đi khỏi rồi mới dám ra lại, lấy cái biển chỉ đường nọ treo vào chỗ cũ của nó. Vừa móc biển lên gốc cọ, cô vừa nói một mình:
- Thằng quỷ ấy cứ đùa dai mãi.
Trong lúc đó, Tân và Luyến, hai thanh niên trong xóm, nhiều lắm cũng chỉ hơn Hoa một vài tuổi đang kéo nhau nấp vào sau một khóm cây dâm bụt. Hoa không để ý thấy họ, móc xong tấm biển vào gốc cọ liền trở vào nhà.
Để Luyến ngồi lại chỗ bên khóm dâm bụt, một mình Tân rón rén đến bên gốc cọ, gở tấm biển, đem treo lại chỗ cũ.
Vừa lúc Hoa ngoái lại thấy Tân đang treo biển:
- Thằng quỷ nhà trời! Sao mày quá lắm thế? Vừa có anh bộ đội nhầm đấy!
Tân đưa nắm tay lến dứ dứ, đe dọa, vừa quát:
- Im đi con yêu! Để mặc người ta!
- Bộ đội chém cổ đi đấy!
Tân vẫn tiếp tục hành động:
- Bộ đội, trái lại, rất thương tao.
Hoa cau hai nét lông mày thanh nhỏ:
- Thương gì thứ mày?
Treo xong biển, Tân rời khỏi gốc cọ, làm bộ nhơn nhơn trước mặt Hoa, một tay ấp lên ngực, hài hước:
- Bộ đội thương vì tao đã treo biển ở đây, báo cho họ biết rằng tại nhà này có một bông hoa tuyệt đẹp.
Hoa rút đòn gánh cỏ đuổi Tân, Tân vừa chạy vừa reo cười, hoan hô, cả người lẫn tiếng phút chốc hút vào trong xóm.
Luyến bấy giờ mới đứng lên bên khóm dâm bụt, thích chí cười tủm tỉm. Cậu học sinh con nhà khá giả này vốn nhát, chỉ biết đi theo bạn để xem bạn đùa. Cậu là con trai một của bà Thành, hiện học ở trường Phan Bội Châu. Luyến sắp cưới Thìn, con gái ông Bản, cùng ở làng này. Nghe đâu đã ăn hỏi giữa hai gia đình nhưng gần đây người ta xì xào rằng cô Thìn hình như không ưa tính nết bà Thành, sợ không hợp, cậu Luyến thì lại cứ thích đi chơi với Tân, Tân không theo học ở trường phổ thông, mà cùng học lớp bổ túc buổi trưa với Hoa. Hắn là một thanh niên khỏe mạnh, nghịch ngợm, thường là một anh chàng đầu tiên trong mọi trò đùa, giữa bạn bè như chuyện vừa rồi…
Có lớp trai gái mới lớn lên, vui vẻ, trẻ trung, nếu không, làng Phước Sơn e sẽ chết lụi vì buồn ở nơi ngọn nguồn sông Gianh này.