Phần II - Chương 6


Số từ: 1566
Nguồn: downloadsach.com
Đầu tháng chạp. Nắng cuối đông lóe lên chói chang, cố xua đuổi cảnh mưa dầm gió bấc, để đón bầu trời ấm áp mùa xuân - Xuân thứ bảy của cuộc kháng chiến trường kỳ. Nắng sấy khô những con đường lầy đất đỏ cho từng cặp, từng cặp vợ chồng, thường là tay xách cái gói bằng khăn trùm đầu, trong có trầu cau rượu và dăm quả cam chín vàng về lễ Tết bên quê ngoại…
Có nắng lên, các cụ già đem phơi lại tấm áo dài đen cái khăn xếp bằng the hoặc lượt. Các bà mẹ, các chị đứng tuổi phong lên dây phơi những cặp áo cưới đủ màu sắc, nào màu hồng, màu lục mà bồi hồi nhớ lại cái ngày người ta đốt pháo đưa đón mình về nhà chồng… Tuổi thơ lộng lẫy trôi về với ký ức họ. Hẳn rằng mỗi người sẽ mỉm một nụ cười nhớ tới đêm tân hôn
kỳ quặc
. Và dĩ nhiên, cũng có người, mắt ngấn lệ, nhìn vào vết ố trên áo cưới mà lòng se se một nỗi mừng về hạnh phúc.
Làng Phước Sơn, còn tới vài mươi hôm nữa mới đến Tết mà không khí đã có vẻ tưng bừng. Ngoài vườn, nhà nào nhà nấy, cam chín vàng, quýt chín đỏ, quả sai cành trĩu nặng. Nắng sớm mai óng ánh chiếu qua vòm lá vào từng vườn hàng ngàn tia ngang dọc như đan hoa. Một luống cải xanh, một cành mai hoa vàng đều chờ Tết đến.
Nhà Thìn. Ngoài sân, bên một gốc mít, Tân đang bổ củi để nấu bánh chưng. Mùa đông hanh lạnh mà Tân đã phải cởi hết áo, phơi cái lưng trơn láng mồ hôi, vật lộn với đống củi. Trong nhà, Thìn ngồi lau lá dong miệng đang khe khẽ hát:
Các anh đi…ngày ấy…đã lâu rồi…Xóm làng tôi…còn nhớ mãi.
Không phải họ đã chuẩn bị nấu bánh chưng Tết sớm đến thế. Họ nấu bánh chưng cho lễ thành hôn của họ.
Khi biết được chuyện Thìn đã yêu Tân, hai bên cha mẹ liền nhất trí với nhau theo câu tục ngữ
hỏi vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha!
. Thế là nhà Tân dẫn lễ hỏi, ngay sau khi nhà ông Bảng trả lễ cho bà Thành và, họ đã chọn được ngày lành tháng tốt để thành hôn cho Thìn và Tân.
Mẹ Thìn quảy gánh đi chợ mua sắm thức nấu dọn cỗ. Mấy đứa em vừa khóc, vừa lẽo đẽo chạy theo mẹ ra chợ. Trên cái phản gỗ gần chỗ Thìn ngồi lau lá dong, chỉ còn thằng cu út đang lấy mấy củ riềng đỏ như sơn làm đồ chơi. Nhỡ cắn vào riềng cay, chú bé nhăn mặt lại.
Vườn bên kia, Hoa đang đánh luống đất trồng rau. Mấy con chim xập xòe đuôi dài, sà cả vào luống đất Hoa đang làm để nhặt giun nhặt dế, cứ như để nó đùa làm vui với Hoa.
Thấy Tân đang bổ củi bên sân nhà Thìn, Hoa chống cuốc, cất tiếng lanh lảnh:
- Tân ơi, làm rể đắc lực thật. Bổ củi khỏe vào. Thìn đâu rồi. Thìn ơi, không ra mà xem, lưng anh rể bổ củi mà thẳng thế kia kìa! Cúi xuống tí nữa!
Tân chống búa, đứng thẳng lưng lên, hướng sang bên vườn với Hoa vừa lên tiếng, những dòng mồ hôi chảy ngoằn nghèo trên má, trên mình trần, Tân giơ nắm tay di Hoa qua bờ cây:
- Im ngay! Tớ làm thế nào mặc tớ! Muốn ăn đấm sao?
Cảnh thanh bình của làng Phước Sơn bỗng bị vỡ vụn ra theo tiếng kẻng sắt đường tàu đang rung lên từng hồi, từng hồi rùng rợn - Kẻng báo động máy bay!
Trên chiến trường, quân đội xâm lược pháp lâm vào thế bị động. Lực lượng kháng chiến Việt Nam đã lớn mạnh, đủ sức để mở những chiến dịch lớn, tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai. Bởi vậy, muốn vươn lên phá thế bị động, thực dân Pháp đã đề ra chiến dịch ném bom, đánh phá hậu phương của cuộc kháng chiến. Vùng Tuyên Hóa, chiến khu, đất tự do Quảng Bình đang bị không quân Pháp oanh tạc đêm cũng như ngày với đủ các loại máy bay: Hen-cát, Spit-phay, Kinh-cô-bra, B26… Chúng đánh phá theo tuyến đường tỉnh lộ số 2 từ Quảng Trạch lên, dọc theo sông Gianh, một hướng từ ngoài Hà Tĩnh vào, theo đường 12 và tuyến đường sắt…
Bom đạn, chiến tranh đã ập đến làng Phước Sơn yên ả?
Máy bay địch như một đàn quái vật quần đảo, gầm rú. Tiếng gầm rú của máy bay địch tưởng đen tỏa bầu trời.
Dân Phước Sơn nháo nhác!
Ba máy bay địch cắm đuôi nhau lao xuống, mỗi chiếc thả hai quả bom na-pan. Sáu quả bom từ dưới cánh máy bay lắc lư, lắc lư rơi xuống, là những chiếc gầu trút lửa đốt cháy làng Phước Sơn.
Trút xong đợt bom na-pan, máy bay địch lại thay nhau ném bom nổ, bắn ca-nô bô-pho và quét đại liêu vô bồi xuống vùng dân cư này. Lửa cháy rừng rực, tiếng bom nổ long tai nhức óc…Đứng ngoài xa nhìn tới, người dân vùng lân cận xót đau, thương người Phước Sơn, thương cả làng đang bị chà nát bằng bom đạn địch.
Còn dân Phước Sơn thì sao? Trẻ con như chết khiếp không hé nổi một tiếng khóc! Tiếng khóc la thảm thiết sợ hãi giành cho người lớn giữa lửa khói và tan tác, chết chóc.
Nhà Thìn, nhà Hoa cũng đang bốc cháy!
Ở trong hầm cạnh một góc vườn, Thìn bỗng hét lớn:
- Anh Tân ơi! Còn em Chung! Em Chung!
Thằng cu Út em Thìn đang nằm trong nhà cháy, giãy dụa, khóc không ra tiếng trên phản. Khi máy bay ập đến, Thìn hốt hoảng vùng chạy, đã quên bẵng mất đứa em đang chơi gần đấy.
Mặt Thìn chẳng còn hột máu! Cô nhảy bật lên khỏi hầm để xông vào nhà cứu em.
Tân kéo giật Thìn trở lại.
Lửa vẫn cháy rừng rực, hung hãn. Tiếng tre nứa bị cháy, nổ lốp đốp như pháo chuyền. Tàn lửa vây quanh đứa bé mỗi lúc một dày đặc.
Trên trời máy bay địch vẫn quần đảo, uy hiếp, chừng như chúng muốn cả làng Phước Sơn bị cháy trụi, không cho người ngóc đầu lên cứu chữa.
Sau khi kéo Thìn ngả lại hầm, Tân xông thẳng vào cồn lửa đặc quánh để cứu em Thìn. Khi Thìn vùng dậy kịp thì bóng Tân đã hút vào trong lửa. Thìn nhìn theo Tân hốt hoảng, như thể cô sắp lao lên cùng với Tân.
- Tân! Tân! _ Thìn thất thanh gọi theo.
Và, mỗi khoảnh khắc lúc này đến với Thìn sao dài đằng đặc, cứ như lửa đã bén cháy vào gan ruột của cô, Tân ra sao sau màn lửa kia?
Tân từ trong màn lửa hung hãn chui ra. Anh đã ôm được đứa bé trên tay.
Thìn vội xông lên đón ngay, đón lấy em từ đôi cánh tay nóng ran như hai thanh củi cháy của Tân. Thì bỗng, Tân lảo đảo!
Đợt oanh tạc cuối cùng của máy bay đã trút một tràng đạn trọng liên làm Tân bị thương vào cánh tay. Vừa từ trong lửa khói thoát ra, lại bị thương vì máy bay bắn, Tân lảo đảo rồi ngã vật trên mặt đất cạnh hầm, miệng lẩm bẩm những điều gì đó không thành tiếng, hẳn là lời nguyền rủa quân giết người.
Thìn vô cùng lúng túng, đứa em trên tay đã lả đi như ngọn rau héo. Cô gọi, cô gào:
- Hoa ơi! Hoa ơi! Sang đây, Hoa ơi!
Biết là có chuyện nguy hiểm khi nghe tiếng Thìn gọi, ở hầm vườn bên kia, Hoa đã băng sang với Thìn.
Trao vội đứa em trên tay cho Hoa, không còn kịp khóc nữa, Thìn cởi ngay áo quấn chặt lấy vết thương trên tay Tân, mong cầm máu. Máu đỏ quạch cả một vùng trên mặt đất. Đôi bàn tay Thìn đẫm máu lóng ngóng mãi với vết thương.
Tốp máy bay cút thẳng sau khi bọn giết người nhìn thấy rất rõ làng Phước Sơn đã bị phủ kín bởi ngọn lửa đỏ rực và bầu khói hung hung đen.
Làng Phước Sơn đang được mọi lực lượng như thanh niên, du kích, ai còn sức, già, trẻ, gái, trai đều xông vào cứu chữa, dập tắt lửa.
Ông Bảng từ đâu cũng đã chạy ngay về. Ông cứ như một người mất hồn, ngồi cạnh Tân mà chẳng nghĩ gì đến nhà mình đang cháy. Thìn đã băng tạm được vết thương cho Tân và cũng chỉ còn biết ngồi lặng thinh bên cạnh Tân như cha. Hoa bế thằng cu Út, em trai Thìn trên tay cũng cùng tâm trạng…
Lúc này mới kịp có những giọt nước mắt đau đớn, thương xót từ trong mắt Thìn ứa ra…Mắt ông Bảng, mắt Hoa cũng đều ngấn lệ.
Làng Phước Sơn vẫn đang cháy!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mùa Hoa Dẻ.