Phần I - Chương 4


Số từ: 1445
Nguồn: downloadsach.com
Đã hai tuần lễ trôi qua, ngày giờ cứ dài đằng đẵng cho đến sáng chủ nhật hôm nay, xem như vừa qua Liêu bị một trận ốm, giờ đã ngồi đánh cờ được với trung đoàn trưởng, sức khỏe trở lại như trước. Phải nói rằng sau vụ Liêu cứu người chết đuối, trung đoàn trưởng đã tỏ ra quý anh thật sự. Chính hôm đó ông cũng có mặt ở bờ sông, lúc mà quân y đang cứu chữa cho cả Liêu và Hoa. Đứng trước hành động đẹp đẽ đó của cấp dưới mình, trung đoàn trưởng đã phải thốt lên trước mặt mọi người:
Chiến sĩ quân đội nhân dân là phải như thế!
Biết Liêu đã hoàn toàn khỏe mạnh, sáng chủ nhật hôm nay, ông cho liên lạc xuống tận nhà tạm trú mời Liêu lên bằng được để chơi cờ với ông, không phải để gỡ hòa, chính là biểu lộ thiện cảm của mình đối với Liêu.
Liêu biết chơi cờ tướng từ lúc bận quần chưa chặt giải rút. Bố Liêu là một ông đồ nho, hiếm hoi, sinh Liêu vào năm ông đã tuổi sáu mươi. Ông đồ rất cưng con, từ lúc con còn nhỏ, ông đã dạy chữ, dạy cho con đánh cờ.
Nhà nghèo, tấm liếp không đủ che. Ông đồ quanh năm chỉ làm nghề dạy mấy đứa học trò trong xóm, kiêm cả nghề viết thuê dẫu rất ít người có việc phải thuê ông viết. Mẹ của Liêu làm nghề khâu mướn. Cứ thế, cha mẹ lần hồi nuôi con lớn lên trên đất Hương Trà, cạnh con sông Bồ trong mát. Đến năm 1913 thì một bất hạnh không tưởng được đã trút xuống đầu đứa trẻ, gặp phải cơn trời hơi gió, cả hai cha mẹ đều đã ra đi cùng trong một tháng! Nước hồ trên khăn tang cha chưa kịp mềm thì Liêu đã chịu nốt tang mẹ. Và, cũng từ đấy, cậu bước vào cuộc đời đi ở chăn trâu. Sang tháng tám năm 1944, vì chủ nhà túng thiếu, gặp lúc đói kém, không nuôi nổi Liêu nữa, cậu đành đi tiếp một bước ra thành phố. Từ giã nơi chôn rau cắt rốn của mình, từ giã các ông bạn nón mê tơi rách, Liêu bước đi mà không hề biết đến tương lai ra sao.
Hết thời Tây, sang thời Nhật, cuộc đời cậu bé ấy vẫn đầu đường xó chợ nơi thành phố Huế với cung cấm lộng lẫy, vàng son, với cuộc sống ăn chơi của các vua quan trên bến dưới thuyền. Nay ở tiệm ăn, mai nằm cạnh bờ tường rào đồn Mang Cá, nào nhà
Xẹc
, căng đá ban, nếu cứ trôi mãi dòng đời ấy thì chẳng bao lâu Liêu sẽ trở thành một gã lưu manh, một tên côn đồ. May thay, cách mạng tháng Tám đã bùng lên, lật đổ cả ngai vàng triều Nguyễn, thiêu đốt tất cả những gì thối nát, cứu vớt mọi cuộc đời nô lệ lầm than… Hồi còn bé, Liêu có học được ít nhiều chữ quốc ngữ và chữ nho, anh đã được vào chạy giấy cho Ủy ban cách mạng lâm thời. Đến tháng mười một thì Liêu lại xin vào chăn ngựa cho quân giải phóng tại đồn Mang Cá.
Nhớ lại, hôm Liêu trở về thăm làng, anh mặc bộ quân phục màu ô liu, chân đi giày da, đầu cũng mũ ca-lô đội lệch như ai, ngồi gọn gàng trên lưng ngựa. Ngựa phóng như gió cuốn ra khỏi thành phố, băng qua các làng mạc ven đô, vượt ngang cánh đồng chiêm quê nhà và Liêu đã dừng ngựa trước sân đình mà gọi vang lên:
Tuấn ơi! Tín ơi! Lưu ơi! Đào ơi! Tao đã về đây này…!
Bọn con trai, con gái trong làng, kéo nhau chạy ra quây quanh Liêu mừng rỡ, chuyện này qua chuyện nọ, tíu ta tíu tít, không biết mấy cho vừa. Đám con nít còn nói lắp, nói ngọng thì sờ mó, vuốt ve vào mình Liêu, từ đôi giày, đến cái nịt da lên thấu mũ ca-lô. Mấy thằng bạn trai ngang lứa chỉ thích xin Liêu phi ngựa một vòng. Chỉ có các cô bạn gái là ưa trò chuyện nhất…
Năm tháng làm một người chiến sĩ, Liêu đã sớm trưởng thành trên bước đường chiến đấu của mình.
Trung đoàn trưởng đang mải gỡ nước pháo lồng ngoài hiên có người vào:
- Báo cáo đồng chí! Có một bà già và một cô gái muốn được gặp đồng chí.
Trung đoàn trưởng ngước nhìn ra cửa, nghe lại báo cáo lần nữa, rồi gật đầu:
- Được, mời họ vào – Ông ta cũng không quên bảo Liêu rốn lại và giữ nguyên bàn cờ.
Bà Nhương dẫn cô con gái là Hoa đến gặp ban chỉ huy trung đoàn để cảm ơn bộ đội. Trung đoàn trưởng đứng lên, niềm nở đón tiếp hai mẹ con. Khi đã được mời ngồi vào ghế, bà Nhương mở gói xách tay, đặt lên bàn hai nải chuối đẹp và một chục quả trứng, nói lời lẽ hết sức chân thành, thưa chuyện với trung đoàn trưởng:
- Thưa cấp chỉ huy! Hôm nay tôi đem cháu đến để cảm ơn cấp chỉ huy, cảm ơn đơn vị. Con tôi chết đi, được bộ đội cứu sống, biết đền ơn gì cho vừa…
Trong lúc này, Hoa đã trông thấy Liêu đứng tựa cột nhà phía sau trung đoàn trưởng. Và đôi mắt sáng của Liêu thì cũng đang nhìn vào Hoa làm cho cô mắc cỡ phải nép vào bên cánh cửa.
Bà Nhương vẫn đang nói với trung đoàn trưởng:
-… Trước hết, xin chào cấp chỉ huy. Sau nhờ cấp chỉ huy chuyển đến anh bộ đội đã cứu cháu, lời biết ơn của gia đình tôi. Ơn trời bể đó, cháu nó xin ghi nhớ suốt đời.
Trung đoàn trưởng nở nụ cười sung sướng. Ông lấy làm tự hào, đưa tay ngoái chỉ vào Liêu đang đứng phía sau mình:
- Anh bộ đội ấy đây mẹ này!
Liêu trở nên mất tự nhiên. Không biết sẽ làm gì, nói gì, cử động ra sao sau sự giới thiệu đó của trung đoàn trưởng. Tay chân cứ như thừa, anh sờ sờ túi để tìm thuốc lá hút.
Bà Nhương nhìn Liêu, khẽ gật đầu.
- Chào anh.
Liêu cũng nghiêm mình đáp lễ:
- Xin chào bà mẹ.
Trung đoàn trưởng mời bà cụ xơi nước. Đoạn, nhân thể, ông ta phân tách bản chất tốt đẹp của quân đội nhân dân cho bà Nhương nghe. Ông nói hay như đang đứng ở diễn đàn, giọng nói khi ấm áp đầy tình cảm khi thì rất hùng hồn.
Trong lúc này, Hoa và Liêu, hai người vẫn ở hai phía, chỉ có những ánh mắt giao nhau, bắt gặp nhau, gương mặt đôi bên mỗi lúc một chín đỏ.
Trong nhà, hai cô gái con ông chủ đã lại rúc rích cười, không dám cười to như nắc nẻ, ngài trung đoàn trưởng quở trách như bữa trước. Họ lấp ló ở cửa buồng, hết nhìn Liêu sang nhìn Hoa. Thái độ ấy càng làm cho Liêu và Hoa thêm ngượng ngùng, thẹn nóng cả mặt.
Nếu là một người ngoài bước vào, chưa rõ nội dung câu chuyện, dễ cho rằng đây là một đám ăn hỏi.
Sau khi nghe cấp chỉ huy bộ đội giảng giải về
tình quân dân, tình cá nước
một cách đầy đủ, có lúc thừa nữa, bà Nhương liền đứng lên, bước tới trước mặt Liêu. Bà đưa đôi bàn tay già nhăn nheo da mồi cầm lấy bàn tay Liêu, giọng hết sức cảm động:
- Công ơn của anh biết lấy gì đền đáp. Anh đã cải tử hoàn sinh cho cháu. Ơn ấy, cháu nó nguyện sống để dạ, chết mang theo.
Liêu cũng chỉ biết đỡ lấy đôi bàn tay bà Nhương, nhìn vào bà đang có những giọt nước mắt chảy quanh. Mái tóc bà Nhương đã bạc, Liêu thấy mủi lòng, nhớ đến mẹ mình. Chẳng bao giờ Liêu có thể được gặp lại mẹ mình nữa…!
Đứng ở phía cửa bên này, Hoa cũng đang sống những giây phút hết sức bồi hồi. Tay cô cứ giữ chặt vạt áo như cố nén nỗi rạo rực của con tim. Đôi mắt tròn của cô càng dương to nhìn Liêu, như cốt để khắc sâu hình ảnh ân nhân của mình.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mùa Hoa Dẻ.