Chương 34


Số từ: 1134
Dịch giả: Lê Chu Cầu
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Gã ở lại Montpellier thêm vài tuần. Gã đã khá nổi tiếng, được mời đến nhiều buổi mạn đàm; ở đấy người ta hỏi gã về đời sống trong hang và về việc gã được ngài Marquis chữa khỏi. Gã cứ phải kể đi kể lại câu chuyện bọn cướp bắt gã, về cái giỏ thòng xuống và về cái thang. Mỗi lần như thế gã đều thêm thắt cho ly kỳ với nhiều tình tiết mới; thế là gã có dịp tập nói, dù rất hạn chế vì trong đời gã chưa bao giờ giỏi về ngôn ngữ, nhưng quan trọng hơn nữa là gã có dịp tập nói dối thành thạo.
Gã nghiệm ra rằng thật ra gã có thể kể bất cứ cái gì gã muốn. Khi họ đã tin thì họ tin tất cả, và họ tin gã qua hơi thở đầu tiên hít vào cái mùi giả tạo của gã. Thế là gã có thêm được một chút vững tin khi giao tiếp với giới thượng lưu mà gã chưa từng có. Sự vững tin này thể hiện cả trên cơ thể nữa. Gã như cao lớn hơn. Cái bướu như biến mất. Gã đi đứng gần hoàn toàn thẳng người. Và khi có ai hỏi chuyện thì gã không rúm người lại nữa mà vẫn đứng thẳng người, nhìn thẳng vào người hỏi chuyện. Tất nhiên, gã không thể trở thành một người lịch duyệt, một kẻ được hâm mộ trong các buổi mạn đàm hay một người phong nhã hoàn toàn trong một thời gian ngắn như thế.Nhưng sự ngượng nghịu và vụng về ở gã giảm thấy rõ, nhường chỗ cho một cung cách được xem là bản tính khiêm tốn hay cùng lắm là hơi nhút nhát bẩm sinh, gây một ấn tượng dễ mến nơi một số quý ông, quý bà; thời bấy giờ thi hiếu trong giới thượng lưu là những gì tự nhiên và một sự dễ thương chất phác.
Một sáng đầu tháng ba, gã thu vén đồ đạc và lén lút bỏ đi ngay khi cổng thành vừa mở, khoác cái áo nâu loại tồi gã mua được ở chợ quần áo cũ hôm trước, đội một cái mũ sờn che nửa mặt.
Không ai nhận ra gã, không ai thấy hay chú ý đến gã vì hôm ấy gã thận trọng không dùng nước hoa. Gần trưa khi ngài Marquis cho điều tra thì bọn lính canh thề sống thề chết rằng họ thấy đủ mọi thứ người ra khỏi thành phố nhưng không thấy cái gã người ở hang nổi tiếng nọ, vì chắc chắn họ phải nhận ra gã ngay. Rồi ngài Marquis cho loan tìn rằng Grenouille được ngài đồng ý cho rời Montpellier đi Paris vì chuyện gia đình. Nhưng trong thâm tâm ngài giận tím ruột vì ngài định chu du khắp vương quốc cùng với Grenouille để thu thêm đồ đệ cho học thuyết lưu chất của ngài.
Sau một thời gian ngài cũng nguôi đi vì danh tiếng của ngài lan rộng mà chẳng cần chu du, gần như ngài chẳng phải làm gì cả. Nhiều bài tràng giang đại hải về fluidum letale Taillade đăng trên Journal des Scavans [1] cả trên Courrier de l’Europe nữa. Rồi những người bị nhiễm độc khí từ những nơi xa xôi đổ về để được ngài chữa. Hè 1764 ngài thành lập
Hội fluidum vital
đầu tiên ở Montpellier với 120 thành viên, hội có chi nhánh ở Marseille và Lyon. Rồi ngài quyết định mạo hiểm lập chi nhánh ở Paris, để từ đây chinh phục toàn thế giới văn minh cho học thuyết của ngài. Nhưng trước đó ngài muốn hoàn thành một kỳ công về lưu chất nhằm mục đích tuyên truyền, hỗ trợ cho cuộc chinh phục, kỳ công ấy sẽ làm lu mờ việc chữa khỏi gã người ở hang và mọi thứ thí nghiệm khác. Đầu tháng chạp ngài làm một chuyến thám hiểm trên ngọn Pic du Canigou với một nhóm môn đệ dũng cảm tháp tùng. Pic du Canigou nằm trên cùng một kinh tuyến với Paris và được coi là ngọn núi cao nhất của rặng Pyrénées. Ngài Marquis, sắp bước vào tuổi lão, muốn được khiêng lên đỉnh núi cao 2800m, ở trên đó suốt ba tuần trong cái hơi sinh khí trong sạch nhất để rồi thành một chàng trai nhanh nhẹn hai mươi tuổi, xuống núi vào Giáng sinh, ngài tuyên bố như thế.
Bọn môn đệ bỏ cuộc ngay sau Vernet, khu dân cư cuộc cùng ngay dưới chân ngọn núi đáng sợ ấy. Song ngài Marquis chẳng sờn lòng. Ngài vứt cả quần áo trong cái lạnh như nước đá rồi lớn tiếng reo hò, lên núi một mình. Rồi người ta chỉ còn thấy cái bóng của ngài, hai tay giơ cao cuồng nhiệt, ca hát và mất hút trong bão tuyết.
Ngày Giáng sinh, đám môn đệ đợi hoài công sự trở về của ngài Marquis de la Taillade-Espinasse. Ngài vẫn không về, dù là ông lão hay là chàng thanh niên. Đầu hè năm sau, những kẻ gan dạ nhất đi tìm, leo tận đỉnh Pic du Canigou vẫn còn rơi tuyết, nhưng không tìm thấy chút gì còn sót lại của ngài, không quần áo, không một phần thân thể, không một mẩu xương.
Nhưng học thuyết của ngài không vì thế mà bị gián đoạn. Ngược lại. Truyền thuyết nhanh chóng lan đi rằng ngài đã thành hôn với sinh khí bất tử trên đỉnh núi, cả hai hoà vào nhau và từ đó trở nên vô hình nhưng trẻ trung mãi mãi, lượn trên đỉnh rặng Pyrénées, ai leo lên với ngài sẽ được phúc của ngài, suốt một năm sẽ không bị đau yếu hay già đi. Cho đến tận thế kỷ 19, học thuyết lưu chất của ngài Taillade được ủng hộ ở một số học viện y khoa và được dùng để trị bệnh ở nhiều hội bí mật. Ngay cả hiện nay ở hai bên rặng Pyrénées vẫn còn có những hội bí mật của những người theo học thuyết Taillade ở Perpignan và Figueras, họ gặp nhau hàng năm để leo lên Pic du Canigou.
Ở đó họ đốt một ngọn lửa thật to, nói là để làm dấu chí điểm [2] và để vinh danh thánh Jean nhưng thật ra là để tỏ lòng tôn kính giáo chủ Taillade-Espinasse của họ với học thuyết lưu chất vĩ đại và để được trường thọ.
Chú thích:.
[1] Tờ báo của những nhà thông thái. Thời xưa scavan dùng chỉ nhà thông thái, thay cho từ savant bây giờ.
[2] chí điểm: ngày bắt đầu mùa hè hoặc mùa đông.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mùi Hương.