Câu truyện thiền số 9


Số từ: 5748
Người dịch: Thích Nữ Minh Tâm
Nguồn: Nhà xuất bản Tôn giáo
Ngày kia, có một triết gia đến hỏi Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, không nói, không phải là không nói, Ngài có thể cho con biết sự thật không?"
Đức Phật im lặng.
Ông triết gia kia đảnh lễ Phật và xưng tán rằng: "Với ánh sáng đại bi đại trí của Phật chiếu soi tâm con, con đã đoạn trừ được mê vọng và bước vào chánh đạo."
Ông triết gia ra về rồi, ngài A Nan bèn bạch Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, triết nhân kia đã đạt tới những gì?"
Phật trả lời:
"Con chiến mã phi nhanh ngay cả dưới cái bóng của ngọn roi da!"
Rất hiếm khi các nhà triết học đến hỏi Phật. Nhưng một khi điều đó xảy ra thì đúng là một cuộc cách mạng, một sự biến chuyển lớn trong làng triết học.
Tại sao các triết gia đến gặp Phật lại có vẻ miễn cưỡng khó khăn quá như vậy? Bởi vì triết học và tôn giáo là hai vấn đề đối nghịch nhau, khác chiều hướng.
Triết học đặt nền tảng trên cơ sở suy tư nghiền ngẫm và Tôn giáo thì đặt trọng tâm niềm tin vào chân lý.
Người suy tư luôn dễ dàng đặt nghi vấn về một vấn đề gì đó; nhưng không thể tin dễ dàng vào bất cứ cái gì. Song người tôn giáo, điều tiên quyết cần có là niềm tin vững chắc kiên cố, không nghi ngờ. Triết gia sống bằng lập luận; nhà tôn giáo sống với Tình Thương. Lô gích và Tình Thương là hai con đường song song như đường rầy xe lửa, không bao giờ gặp nhau tại một trung điểm nào cả. Có thể hai con đường đó rất gần nhau nhưng luôn luôn song song.
Bạn hãy đứng tại một trạm đường rầy xe lửa, hãy nhìn những đường rầy chạy thẳng tít đằng xa kia, bạn tưởng rằng dù con đường có song song đi chăng nữa rồi cũng phải gặp nhau ở tận cuối chân trời, phải không; nhưng không, đó chỉ là ảo giác của bạn. Hai con đường song song không bao giờ gặp nhau. Đầu óc và trái tim không thể gặp nhau; lý trí và tình cảm, tri thức và trí tuệ, không thể nào gặp nhau. Bạn có thể nhẩy một bước từ con đường này nhẩy sang con đường kia, từ đầu óc nhẩy vào trái tim, nhưng chỉ là một cú nhẩy mà thôi, và chấm dứt, không có sự tiếp nối đâu.
Nếu bạn đặt nặng lý trí — nghĩa là bạn tin vào sự lập luận, nghi ngờ. Có rất nhiều triết gia vĩ đại, họ suy tư và suy tư, họ chìm đắm trong suy tư, rồi sáng tạo ra nhiều tình huống, hệ thống, phép lạ chữ nghĩa, thuật ngữ v.v... nhưng họ thực không bao giờ sát nhập hay tiến gần đến chân lý bằng những người ngây thơ, không biết một chút gì về triết học. Những người ngây thơ đó, có thể không học cao, không hiểu rộng bằng các triết gia, nhưng ít nhất ra họ cũng chân thật nhìn nhận họ dở họ kém nên tự ngã của họ vắng bóng, nhờ vậy họ đến với mọi người dễ dàng hơn, lắng nghe người khác dễ dàng hơn, thâm nhập chân lý dễ dàng hơn, gần gũi Phật dễ dàng hơn. Còn những hạng triết gia, vì tưởng rằng cái gì ta cũng biết hơn người, ta tài giỏi hơn người nên kiêu căng ngạo mạn, không cần tìm đến người khác để học hỏi — song thực ra, họ có hiểu biết gì đâu.
Tại sao đối với những nhà lô gích, Tình Thương đến với họ khó khăn như vậy? — bởi vì Tình Thương cần một hành động can đảm, quyết đoán, không chần chừ, do dự hay nghi kỵ gì cả. Yêu là tin, là giao phó, ngay cả sanh mạng mình, là can đảm hành động. Còn Lô gích là một tên hèn nhát, nó không bao giờ dám đối diện với sự không hiểu biết. Nó luôn nói: "Tôi phải biết rõ trước đã. Nếu lãnh vực đó, việc đó, tôi biết rõ ràng rồi, tôi mới hành động."
Lô gích không bao giờ dám phiêu lưu. Đối với người lô gích thì họ sẽ cho những con người sống với Tình Yêu kia là đám ngu xuẩn. "Anh đang làm gì vậy? Anh đâm đầu đi tới trước mà không rõ là mình đang đi đâu à? Trời ơi, sao ngu dại thế, rời bỏ một nơi chốn an toàn, lợi lộc để phiêu lưu tới một nơi không nhất định, không rõ ràng. Này, đừng nói với tôi là anh thích như thế nhé. Anh bạn của tôi ơi, đừng ngu dại đánh mất những gì mình đang có để trở thành kẻ không nhà, không tài sản. Trước khi quyết định làm gì, hãy suy nghĩ cho kỹ và biết chắc là mình sẽ được lợi lộc gì?"
Đó, người lô gích sẽ nói với bạn như vậy. Phải biết chắc bậc thang kế tiếp rồi mới dám đặt chân lên — thực ra nếu cứ lần dò như vậy thì còn lâu lắm bạn mới đặt chân lên bậc thang kế tiếp.
Tôi (tác giả) có nghe nói lại như thế này: Ngày kia, Mulla Nasruđin muốn học bơi. Ông ta đến gặp người huấn luyện viên dậy bơi và người này nói: Hãy đi với tôi ra bờ sông tập bơi. Không khó đâu, đừng sợ, bọn trẻ con còn tập được cơ mà!
Nhưng tai hại thay, khi Mulla đi tới gần bờ sông, ông ta trượt té một cú đau điếng vì bờ sông đầy bùn trơn trợt. Ngã một cú điếng hồn, Mulla hoảng kinh bỏ chạy, không dám xuống sông nữa. Huấn luyện viên nói: Tại sao ông nhát quá vậy? Ông chạy đi đâu? Mulla nói: Thôi thôi, trước hết ông dạy tôi cách bơi ra làm sao đi, rồi sau đó tôi sẽ xuống bơi. Nguy hiểm qúa! Nếu lỡ có chuyện gì xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm đây? Thôi, để tôi học xong phương pháp bơi lội đã rồi tôi sẽ xuống nước!
Ngộ nghĩnh qúa, phải không? Làm sao bạn có thể học bơi được nếu bạn không chịu xuống nước? Vì thế, Mulla chẳng bao giờ biết bơi cả.
Cái nguy hại của lô gích là thế đấy.. Lô gích hay lập luận trở thành một nấm mồ chôn sống tình cảm chân thật của con người. Nó không thể nào đưa ta đến Sự Thật, đến Chân Lý Giác Ngộ được. Nó giết chết sự hồn nhiên trong trắng của tâm hồn ta; nó tạo ra những nghi kỵ, do dự, lững lờ. Còn Tình Thương trinh nguyên kia dẫn đường ta đến Chân Như Phật Tánh. Con người của Tình Thưong quan tâm đến cái gì sẽ xảy ra cho ta, cho chủng tánh của ta, làm sao để hạt giống tình thương hướng tâm hồn ta về tương lai rộng mở, về phía ánh mặt trời rực sáng; còn lô gích kéo ta về vũng lầy nghi kỵ, băn khoăn. Đó là vì sao các triết gia rất khó gặp Phật. Họ quay tìm quá khứ, truy cứu nguyên nhân; nhưng Phật dạy ta hãy an nhiên tỉnh thức trong từng phút giây hiện tại và hướng bước tới tương lai. Bước chân của cả hai có thể giống nhau đều bước tới, nhưng hai hướng khác nhau hoàn toàn. Do đó, khi có triết gia nào đến thỉnh vấn Phật, đó là điều đáng ngạc nhiên, cần ghi nhớ. Vì sao? Vì khi có triết gia nào tìm tới Phật có nghĩa là tận cùng thâm tâm, ông ta đã cảm nhận sự thất bại của triết học, sự thất bại của lô gích. Suốt cả một đời, ông ta đã đi tìm, đã tranh luận, đã hăng say bảo vệ lập luận của mình và tưởng rằng sẽ tìm ra chân lý qua những cuộc tranh luận bàn cãi đó; nhưng nay ông ta đã nhận ra sự thật, ông ta đã thất vọng vì sự bất lực của lô gích. Chỉ có người trong cuộc mới thấm thía cái mùi vị thất bại đắng cay, cái đau đớn tận cùng của sự bất lực thảm hại đó. Những người khác không tài nào hiểu nổi đâu. Từ trên cao rơi xuống thấp, cái tự ngã trong người triết gia bỗng tan biến đâu mất, và vị bác học tri thức kia như đứa trẻ thơ chưa biết gì, quì xuống dưới chân Đức Phật, xin đươc dạy bảo.
Có hai loại vô minh: một loại là Định tánh Vô Minh, có nghĩa là không hiểu biết gì, khó chuyển hóa; còn loại kia là Bất định tánh Vô Minh, có nghĩa là tự học hỏi và giác ngộ hoặc là nhờ người khác khai ngộ cho và chuyển hóa vô minh thành trí tuệ.
Có một triết gia đến hỏi Phật...
Vào thời Đức Phật còn tại thế, có rất nhiều triết gia, nhiều đạo phái, nhiều học thuyết. Chưa có một thời kỳ nào lại có qúa nhiều triết thuyết ra đời như thời Đức Phật tại thế. Không phải chỉ ở Ấn mà còn trên toàn thế giới. Ở Ấn, có Đức Phật, Mahavira, Prabuđha Katyayan, Ajit Keshakambal (một đại triết gia), Makkhali Goshal (một nhà trí thức lỗi lạc), Sanjay Vilethiputta và còn nhiều bác học nữa ở Bihar. Đương thời tại Hy Lạp, có Heraclite, Socrates, Plato Aristotle, ba vĩ nhân sáng tạo ra triết học Tây Phương. Cùng thời gian đó, bên Trung Hoa là Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử. Hình như đỉnh cao trí tuệ của lòai người tụ hội cả lại ở phương Đông.
Đúng ra chỉ có ba nền văn hóa lớn: một là Trung Hoa, hai là Ấn và ba là Hy Lạp.
Ba nền văn hóa đó là chính, ngoài ra đều là sản phẩm của ba nền văn hóa tư tưởng đó.
Xuất xứ của văn hóa Tây Phương bắt nguồn ở Athens, Hy Lạp. Toàn bộ văn minh Trung Hoa, một nền văn minh hoàn toàn khác biệt, nổi lên từ tư tưởng đối nghịch giữa Khổng Phu Tử và Lão Tử; và nét tinh hoa siêu tuyệt triết học và đạo học ở Ấn sản sanh ra do Đức Phật, Mahavira; và tất cả những bác học vĩ nhân đó đều hiện hữu trong cùng một giai đoạn lịch sử nhất định.
Các sử gia cho rằng Lịch sử di chuyển theo vòng tròn bánh xe: có những thời kỳ kiến thức siêu việt tận đỉnh cao, có lúc lại bị dìm xuống không ai mơ màng đến. Ví dụ như ở Ấn, trước và đương thời Đức Phật tại thế, có hàng ngàn, hàng triệu người là triết gia, đạo sĩ. Tư tưởng huyền bí siêu hình đạo học và đường lối lập luận triết học giao lưu nhau, bao trùm lên toàn xứ Ấn, tạo cho nó thêm vẻ trác tuyệt. Tuy nhiên, đỉnh cao trí tuệ đó gống như Kim Tự Tháp, đáy thì rộng bằng và chóp thì nhọn. Có nghiã là dù có hàng triệu triết gia, đạo sĩ đi chăng nữa, người đạt đạo cũng chẳng có bao nhiêu. Thời đó, duy chỉ có Đức Phật là bậc Đại Giác Ngộ và ánh sáng giáo lý của Ngài còn gieo rắc đến tận hơn hai thiên niên kỷ và chắc chắn sẽ còn mãi mãi.
Sự giác ngộ đạt đạo của Đức Phật không ai sánh nổi. Người Tây Phương nghĩ rằng họ là người thông thái tuyệt đỉnh, ví dụ như Sigmund Freud lập luận: "Tôi cho rằng nằm sâu dưới lớp tri thức là siêu thức và vô thức." Người Tây Phương cho rằng đó là một khám phá tuyệt diệu, một cách mạng lớn trong nền tư tưởng triết học Tây Phương. Nhưng thực ra, Đức Phật đã dạy: "Con người có 8 thức — đó là tiền ngũ thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) đệ lục thức (thức thứ 6 là Ý thức), đệ thất thức (thức thứ 7 là Mạt Na), và đệ bát thức (Tàng thức); mà sau đó, hai luận sư đệ nhất là Ngài Vô Trước và Thế Thân đã sáng lập ra hệ thống Duy Thức học vô cùng chặt chẽ và khoa học.
"Ngày kia, có một triết gia đến hỏi Phật... "
Hãy nhớ kỹ rằng Đức Phật chính là người bác bỏ lý luận trừu tượng, phủ nhận siêu hình học. Ngài cho rằng tất cả những câu hỏi triết học đều vô nghĩa, đi tìm cái không tưởng. Bây giờ ở phương Tây, Bertrand Russell, Wittgenstein là người phản kháng kịch liệt thuyết siêu hình, trừu tượng. Vì thế, nếu bạn hỏi một câu hỏi vô nghĩa vô lý, một câu hỏi triết học, Bertrand Russell cũng sẽ trả lời phải không phải, có không có. Song Đức Phật thì không trả lời. Ngài im lặng, vì câu hỏi vốn đã vô nghĩa thì nếu trả lời lại càng phi lý vô nghĩa hơn. Cách tốt nhất là im lặng. Cũng như có người thắc mắc "Thế giới này bắt nguồn từ đâu, ai sáng tạo ra; hay chết rồi linh hồn còn hay mất; trước khi có thế giới này, vũ trụ là gì ra sao v.v... và v.v... " đều là những câu hỏi không lợi ích thiết thực, Đức Phật không nhất thiết phải giải đáp. Ngài đơn giản dạy rằng: "Có 4 chân lý chắc thật mà chúng sanh cần hiểu rõ: "đó là Sanh, Lão, Bịnh, Tử, chúng sanh chắc chắn phải trải qua 4 chu kỳ Sanh Lão Bịnh Tử đó và vạn vật cũng phải trải qua 4 giai đoạn Thành Trụ Hoại Không." Ngoài ra, còn có 8 cái khổ căn bản là "Sanh khổ, Lão khổ, Bịnh khổ, Tử khổ, Cầu Bất Đắc khổ, Oán Tắng Hội khổ, Ái Biệt Ly khổ, Ngũ Ấm Xí Thịnh khổ... Đó, đó chính là những điều mà chúng sanh cần phải giải quyết, cần phải đoạn trừ để được hạnh phúc thật sự. Tại sao không lo trầm tư mặc tưởng tu tập quán chiếu về những đề tài này mà lại vẩn vơ đi tìm câu trả lời về những câu hỏi trừu tượng siêu hình như Thượng Đế có hay không có? Tạo Hóa là ai? v.v.
"Ngày kia, có một triết gia đến hỏi Phật: "Không nói cũng không phải là không nói, xin Ngài giảng cho con biết về Chân Lý?"
Ông ta hỏi một điều không thể nào làm được; nhưng với một vị Phật, một bậc đại giác ngộ, không có điều gì mà không thể làm được — và chỉ có Phật mới làm được cái không thể làm. Cái không thể sẽ biến thành có thể. Ở đây, tất cả qui luật bình thường của thế gian đều bị bẻ gãy.
Câu hỏi "Không nói cũng không phải là không nói" đã được nêu lên nhiều lần rồi, không phải đây là lần đầu. Trước ông triết gia này cũng đã có hàng ngàn triết gia học giả khác đến tham vấn Phật. Tuy nhiên, Đức Phật không nhất thiết chỉ có một câu trả lời. Ngài không có câu trả lời nhất định. Tùy theo căn cơ trình độ, tình huống, thời gian... mà Đức Phật tùy duyên uyển chuyển trả lời hay không.
Xưa kia, có người hỏi Phật: "Không nói cũng không phải là không nói, Phật cho con biết gì về chân lý?" Đức Phật trả lời: "Nếu ông hỏi tôi nhưng không nói cũng không phải là không nói, tôi sẽ trả lời cho ông. Nếu ông không làm được như thế, ông còn đòi hỏi mong cầu gì nữa? Vậy, hãy thực hành đi! Hãy sẵn sàng câu nói nhưng không phải là câu nói rồi hãy tới đây!"
Nhưng đối với ông triết gia này, Đức Phật không trả lời như vậy; vì tư chất ông triết gia này khác với người kia. Cũng cùng một câu hỏi nhưng tư chất hai người hoàn toàn khác nhau. Người trước hỏi Phật và đặt nặng trên cơ sở ngôn từ chữ nghĩa chứ không màng đến chân lý; người đó còn mang nặng hành trang phân tích lý luận trên vai, chỉ muốn thỏa mãn tri thức cạn cợt bề mặt của mình; còn ông triết gia này, câu hỏi của ông chứa đựng tổng thể con người ông và niềm khao khát tìm chân lý giải thoát. Câu hỏi đưa ra cho có lệ, ông triết gia muốn đào sâu vào cái tiềm ẩn bên trong sức sống muôn loài, chứ không cần định danh những chữ nghĩa chết cứng khô cằn kia.
Câu hỏi "Không nói cũng không phải là không nói" là một câu hỏi vô cùng hàm xúc. "Không nói" thì quả là dễ dàng rồi, ta chỉ cần im lặng. Nhưng "không phải là không nói" thì thật khó lòng. Im lặng cũng không phải là im lặng thì thế nào đây?
Đó chính là sự Im Lặng Tuyệt Đối của Đức Phật!
Có hai loại im lặng: "Khi ta im lặng không thốt lên một âm thanh nào cả, đó chính là sự im lặng kềm hãm, miễn cưỡng. Ta đè nén nó, không cho nó phát ra âm thanh nào mà thôi. Miệng ta không mở ra, môi ta không mấp máy, cổ họng ta không phát ra âm thanh, lưỡi không bật ra tiếng, nhưng sự thực trong tâm ta, trong đầu óc ta, chữ nghĩa quay cuồng, âm thanh nhẩy múa. Ta chỉ kềm hãm đè nén ngôn từ không cho nó phát ra tiếng. Đó là loại im lặng bề mặt, loại sóng ngầm dưới mặt đại dương phẳng lặng.
Loại im lặng thứ hai là không có ngôn từ ngoài và trong, không âm thanh, sững sờ, chết đứng, bất động, không lóe lên một tia chớp nào. Loại im lặng thứ hai này là loại im lặng phản ứng trong trường hợp nguy hiểm chết người, bất ngờ, vượt sức chiu. đựng, thành ra không kịp phản ứng. Tất cả cơ quan đầu não trong một tích tắc ngưng hoạt động. Nhưng đó cũng không phải là sự im lặng của Đức Phật. Sự im lặng của Đức Phật là loại thứ ba, hay nói đúng hơn là không thuộc loại nào cả, siêu việt ra ngoài sự xếp hạng tầm thường của thế tục.
Im Lặng của Đức Phật là Vô Ngôn, bặt dứt khái niệm ngôn từ, xóa sạch dấu vết vọng tưởng, loạn niệm. Sự Im Lặng này không cần sử dụng một chút áp lực nào để kềm hãm đè nén, cũng không bị sức ép mãnh liệt nào từ ngoài đưa vào. Im Lặng là im lặng, đơn giản vậy thôi. Sự Im Lặng này là Trung Đạo; không ở cực đoan này là nói, cũng không ở cực đoan kia là không nói. Sự Im Lặng của Đức Phật ở giữa, không chống phá, không gượng ép bên nào cả. Bình thản, thong dong, tự tại, an nhiên, đến đến đi đi. Đó là con đường Như Lai, hạnh Như Lai, im lặng Như Lai.
Ví dụ thêm thế này cho bạn dễ hiểu, khi bạn tọa thiền, bạn cần yên lặng — nhưng con bạn đang nô đùa, cười khúc khích, xe hơi chạy ngoài đường, có ai đó bóp còi inh ỏi v.v... Bạn cố im lặng tập trung nhưng tiếng động huyên náo đó vẫn lọt vào tai khiến bạn bực bội khó chịu. Đó, sự im lặng bề mặt luôn luôn gặp luồng đối kháng mãnh liệt trog tâm. Vì sao? Vì tự ngã của bạn vẫn có mặt 24 trên 24. Còn im lặng của Đức Phật là sự vắng bóng Tự Ngã. Tiếng trẻ con, tiếng động cơ, tiếng còi, tiếng nước v.v... vẫn có đó nhưng không tác động ảnh hưởng gì. Ta vẫn là ta, âm thanh là âm thanh.
"Nhạn độ hàn đàm,
Nhạn qúa, nhi đàm vô lưu ảnh,
Phong lai sơ trúc,
Phong khứ, nhi trúc bất lưu thinh."
(Bóng nhạn qua sông,
Nhạn bay đi, nước không giữ lại gì,
Gió thổi qua rừng trúc,
Gió vèo qua, trúc chẳng lưu lại chút âm thanh.)
Con chim én bay qua dòng sông, nó không cố tình phản chiếu bóng nó xuống mặt nước; và dòng sông cũng không cố ý lưu giữ lại bóng nó. Gió thổi qua rừng trúc, gió bay vèo qua, trúc chẳng cố tâm giữ lại chút gió thoảng nào. Đấy, một khi tự ngã vắng bóng, tất cả chỉ là "Không". Không trong Có, Có trong Không!
"Đức Phật im lặng — và người triết gia cúi đầu đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, với đại bi đại trí của Ngài, con đã quét sạch vô minh và bước vào chánh đạo."
Chuyện gì đã xảy ra vậy? Tại sao ông ta đảnh lễ Phật?
Đức Phật im lặng. Triết gia cũng im lặng. Dòng tư tưởng của cả hai đều bặt dứt. Tự ngã cả hai đều mất dấu. Phật ở trong triết giạ. Triết gia ở trong Phật. Cả hai hoà hợp nhau, tấu lên bản nhạc "Chân Như" bất tuyệt. Một mà hai, hai mà một. Một là tất cả, tất cả là một. Tiểu ngã hoà trong đại ngã. Đại ngã chan hoà lên vạn vật. Ta là vũ trụ. Vũ trụ là tạ Ngay lúc đó, phép lạ xảy ra, bí mật của Như Lai khai mở. Thực ra, cánh cửa Chân Lý nhiệm mầu vẫn luôn mở rộng cho người hữu duyên, giống như cánh hoa kia khai nhụy lúc nửa đêm. Không một ai hay biết. Cánh cửa, nụ hoa khai mở trong Im Lặng Tuyệt Đối. Nếu bạn đầy đủ kiên nhẫn chờ đợi, nụ hoa kia sẽ chia xẻ hương thơm ướp xông lên bạn, mời đón bạn. Đóa hồng Phật tánh nở trong bạn rồi đó!
Ông triết gia ra về rồi, ngài A Nan bèn bạch Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, triết nhân kia đã đạt tới những cảnh giới nào?"
Có đúng không, A Nan, thị giả của Phật, bậc đa văn đệ nhứt, lại không hiểu tại sao triết gia kia đãnh lễ Phật và tán thán Ngài, dù Phật không thốt lên lời nào sao? A Nan không hiểu thật sao? Phải, ngài A Nan không thể hiểu vì ông là người chạy theo chữ nghĩa ngôn từ. Như cái máy thâu băng, Phật nói ra lời nào là ông đều thâu lại hết không sót một chữ. Đức Phật nhập diệt, A Nan trùng tuyên lại lời Phật dạy suốt 50 năm — hàng ngàn trang lá bối được ghi chép, hàng triệu triệu chữ được trùng tuyên lại không sơ sót. A Nan là người có công đức nhất trong công cuộc kết tập lại tam tạng kinh điển — nhưng A Nan vẫn thiếu sót một cái gì. Đó là sự tu chứng, sự thể nhập.
Suốt 25 năm hầu Phật, A Nan chỉ lo khai triển tri thức, chạy theo chữ nghĩa mà quên bẵng đi vun bồi hạt giống giác ngộ. Thế cho nên A Nan đã bị ngài Ma Ha Ca Diếp quở trách: "Phải thể hiện tu chứng rồi mới cho tham dự Đại Hội Kết Tập Kinh Điển." Thực ra, đó chỉ là sự thị hiện, một ví dụ điển hình cho người đời nay chúng ta, đừng nên mù quáng rong tìm chữ nghĩa, đuổi bắt tri thức; vì tri thức là đầu mối của nghi kỵ, phân biệt, do dự v.v. Phật đã dạy trong tám cái nạn khó gặp được Phật, Pháp, Tăng thì Tri thức là một (bác văn tất nan thị đạo). Thông thái qúa khó gặp Phật, tri thức phân biệt đó là hàng rào ngăn trở con người tiến vào mảnh đất tâm linh, là vật chắn cửa chân lý, là cây song gài khóa giải thoát. Cái học thức thế gian đó chỉ giới hạn sức thăng hóa của tâm thần và giúp tự ngã của bạn thêm bành trướng nguy hại. Tâm nguyện của Phật là giúp chúng sanh tự thể nghiệm, tự chứng, tự mình là tia đạo nhãn phóng vào thực tại, thay vì bàn suông về phương pháp hoặc đùa với khái niệm. Phật ghét mọi trò triết lý ấy mà Ngài gọi là kiến chấp hoặc ngôn thuyết, vì chúng không đưa chúng ta về đâu hết, mà cũng không đem đến kết quả thực tiễn nào cho sinh hoạt tâm linh ( Thiền Luận cuả Dr. Suzuki). Tuy nhiên, bạn cũng đừng hiểu lầm lời Phật nói rồi lại đâm ra lười biếng hoặc chấp không và buông bỏ không tu học gì cả. Phật dạy là "đừng để bị dính mắc, đừng để bị vướng kẹt vào tri thức, trở thành nô lệ cho khái niệm ngôn từ, chứ không phải nói là buông bỏ tất cả, chấp không có gì hết, không cần gì hết." Có Không, Không Có — Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, đó mới đúng là chân tinh thần của người học Phật. (Ấy ấy, chớ hiểu lầm nhé; đây là nói tới hạng đa văn đạt thông nghĩa lý, còn hạng phàm tăng và chân tục như chúng ta đây thì phải y theo căn bản, nương theo giáo lý mà tu tập hành trì, giữ giới, tri túc thiểu dục, sống đúng chánh pháp, phạm hạnh thanh cao trước đã; chứ đừng lòe người bịp mình mà "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc" rồi tha hồ lợi dụng thiên hạ. Bịnh này khó chữa lắm đó nghen!)
Tri thức phân biệt, triết học luận lý đã che mờ A Nan, đã che mờ chúng ta.
Tôi (tác giả) đã thấy rất nhiều người ghi chép khi tôi giảng. Tôi nói và họ ghi chép. Họ ngồi trước mặt tôi nhưng tâm hồn họ ruỗi rong theo mớ ngôn từ tôi nói. Họ hụt mất tôi rồi; khi họ ghi chép được đoạn này thì đoạn kia đã mất. Về nhà, họ đọc lại và cố tìm hiểu ý nghĩa câu văn, ngôn ngữ — nhưng chỉ là một mớ chữ lòng thòng hỗn độn. Cũng như có nhiều người du lịch Hy Mã Lạp Sơn; đến nơi, họ vội vàng lấy máy quay phim, máy chụp hình ra quay chụp đủ kiểu, đủ cảnh, mọi nơi mọi góc... Núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ sừng sững ở đó, nhưng họ có thấy gì đâu, chỉ có máy ảnh thấy mà thôi. Rồi về nhà, họ lôi album ra và ngắm nghía trầm trồ. Cái Thật đã bị gạt bỏ qua một bên và thiên hạ ngắm nhìn bản sao của nó. Nếu chỉ ngắm Hy Mã Lạp Sơn qua hình ảnh thì cần gì phải đi đến tận nơi? Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không giỏi hơn bạn à? Những bức ảnh họ chụp không như thật à? Vậy bạn chỉ cần bỏ ra vài đồng là có ngay bức ảnh Hy Mã Lạp Sơn, tội gì tốn bao nhiêu tiền đi đến tận nơi để chụp hình? Bạn có thấy là bạn đã bỏ quên cái Thật để chạy theo cái giả không?
Hãy lắng nghe những gì tôi nói. Đừng ghi chép. Đừng thâu băng. Không cần thiết đâu, và rồi cũng quăng đi những gì tôi nói. Nếu bạn hiểu thực sự những gì tôi nói, thì không cần ghi chép, những lời nói của tôi nói cũng theo bạn như mùi hương. Không cần nhớ, không cần vác ngôn từ chữ nghĩa trên vai, nó đã là một phần trong cơ thể bạn, nó là một phần của con người bạn rồi!
Ông triết gia kia đến thỉnh vấn Phật với tâm trạng khát khao cầu tìm chân lý. Ông ta đã đeo gông cùm chữ nghĩa suốt bao năm và không phút giây nào được Tự Do thực sự cả. Cái danh tiếng là một nhà bác học thông thái tự lâu đã giam hãm ông ta trong ngục tù khái niệm và ngôn thuyết, và giờ đây ông ta muốn tự do, muốn trở về, muốn tìm lại chính con người thật của mình.
Đức Phật im lặng, nhìn ông ta với đôi mắt tràn đầy từ bị Tình Thương cực thuần của Ngài chan hòa lên ông ta, chan hòa lên vạn vật sanh linh. Triết nhân kia ngẩng đầu lên nhắm mắt tận hưởng dòng suối Tình Thương ngọt ngào đang thấm dần trên từng thớ thịt làn da, và ông ta cũng im lặng. Ông ta đã thấm, đã hiểu, đã nhận và đang cất bước trở về chốn cũ xa xưa, nơi thanh bình hạnh phúc.
Nhưng A Nan (hay chúng ta) vẫn chẳng lãnh hội được gì. Tại sao Phật không nói lời gì mà ông triết gia kia lại ngộ đạo? Sự Im Lặng đó có tính chất quyền năng gì, nhiệm mầu thế nào khiến con người đa văn thông thái kia quay ngược bước trở về? A Nan bèn bạch Phật — và câu trả lời của Phật mới thâm thúy hàm xúc làm sao!
"Con chiến mã phi nhanh ngay dưới bóng ngọn roi da!"
Trên đời này có 3 loại ngựa: loại thứ nhất rất cứng đầu cứng cổ, trừ phi bạn phải đánh nó, thúc nó thì nó mới chiu. chạy, còn không thì cứ ù lì ra đó. Bạn quất nó một roi, nó đi một bước, quất hai roi nó đi hai bước, ngừng tay quất là ngừng bước. Gặp nhằm loại ngựa này thì bạn rất phiền não, mệt nhọc, tốn công sức dạy dỗ rất nhiều.
Loại ngựa thứ hai không cần phải quất nhưng phải đe dọa nạt nộ thì mới chiu. cất bước.
Còn loại thứ ba thì không cần phải dùng roi quất, cũng không cần phải nạt nộ đe dọa gì cả, chỉ thấy bóng ngọn roi thì nó đã cất vó phi nhanh rồi.
Bạn có hiểu ẩn dụ này không? Nếu chưa thì bạn cố gắng suy nghĩ và đọc cho kỹ đi nhé!
Đức Phật không làm gì hết, không nói gì hết. Đức Phật chỉ im lặng từ hòa — và trong sự Im Lặng tột cùng, bức màn vô minh đã vén mở. Con chiến mã triết gia kia đã phi vào Tâm Cảnh. Triết nhân đã "trở về quê nhà và lặng lẽ nghỉ ngơi."
Trở về là trở về với trời đất, với muôn sinh, với nguồn sống vô tận ở trong ta và ở ngòai ta, trở về để như mọi người "thấy núi là núi, thấy sông là sông"; để sống giản dị với đất trời bao la muôn thuở mà vì vô minh nên ta đã lầm đường lạc lối, đã lãng quên bao tháng ngày và sư tự do tuyệt đối mà ta nhiệt thành tìm kiếm vẫn có đó tự bao giờ. (chua thêm của người dịch: Thi hào Tô Đông Pha, một quan đại phu đời nhà Tống, diễn đạt ý nghĩa ấy bằng mấy vần thơ sau:
" Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sư.
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều "
"Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến được hận muôn ngàn
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang "
Ngày kia có ông đạo hỏi Thiền Sư Mục Châu, một cao tăng ở hậu bán thế kỷ thứ 9:
"Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?" Sư đáp: "Mặc áo, ăn cơm" Thầy kia trả lời không hiểu. Sư đáp: "Không hiểu thì mặc áo ăn cơm."
Thiền luôn luôn tiếp xử với những cái cụ thể như vậy, không thích suy luận mơ hồ. Chúng ta đều là hữu hạn hết, ta không thể nào sống ngoài không gian; bởi lẽ chúng ta sanh ra từ trái đất nên không thể đạt tới cái vô hạn. Làm sao thoát ngoài những giới hạn của cuộc sống? Có lẽ đó là ý nghĩ của ông đạo trong câu hỏi đầu đối lại. Sư Mục Châu đáp: "Giải thoát phải tìm ngay trong cái hữu hạn; không đâu có cái vô hạn ngoài những sự vật hữu hạn của thế gian; ông đi tìm cái vô hạn nào khác tức ông cắt đứt với thế gian tương đối này, như thế khác nào ông tự hủy ông. Ông không muốn có được sự giải thoát trả giá bằng cuộc sống thường tục này. Vậy, thà là cứ bình thường mà ăn và uống, và tìm giải thoát ngay trong cảnh bình thường ấy.)
Từ đời thuở nào, con người vốn là thanh tịnh, vốn là không, nên Phật dạy trở về để mà nhập cuộc.
Nhập cuộc là nhập vào cái trật tự tự nhiên, không thỉ không chung của trời đất.
Trong trật tự ấy, chúng sanh là một pháp vô tâm nên vô sự. Viên sỏi bên đường là một pháp vô sự nên vô vị Muôn pháp đều vô vi mà bình đẳng nhau trong Pháp giới vô ngại: nước chảy, hoa trôi, trăng lên, gió mát. Muôn vật đều vô ngại nên tự tại, không phải tự tại ở Niết Bàn, không phải tự tại trong phiền não mà tự tại trong Không. Trong trạng thái Không ấy, những danh từ phàm thánh, phải trái, tỉnh mê, đều mất nghĩa, tất cả đều là đại đồng, ứng hóa từ một giác tánh, nên
Nhứt thiết không Niết Bàn
Không có Niết Bàn Phật
Không có Phật Niết Bàn.
Tất cả là một, một là tất cả
Trăng Lăng Già tỏa sáng trên đỉnh Linh Thứu Sơn!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mười mẫu truyện thiền.