Chương 69: Không Có Da, Lông Mọc ở Đâu?
-
Mưu Trí Thời Tần Hán
- Dương Nhạn Sinh - Bạo Thúc Diễm - Chu Chính Thư
- 1886 chữ
- 2020-05-09 01:02:55
Số từ: 1875
Dịch giả: Ông Văn Tùng
Nxb Văn Học
Nguồn: vnthuquan.org
Nà Tây Hán thành, đời Ai Đế, nhà nho nổi tiếng thời đó là Lưu Hướng được nhà vua tuyên triệu, dẫn đầu một đám đông học giả và con trai là Lưu Hâm, chỉnh lý xét duyệt tàng thư trong thư viện quốc gia. Khi đó Lưu Hâm đã được vua cử làm Hoàng Môn Lang, trong quá trình giúp cha chỉnh lý điển tịch, đã viết ra bộ trước tác mục lục học "Thất lược". Đây là một bộ trước tác mục lục học sớm nhất của nước Trung Quốc, nó đặt nền móng cho địa vị học thuật về sau này của Lưu Hâm.
Trong quá trình chỉnh lý sách vở, cha con Lưu Hướng phát hiện một lượng lớn điển tịch viết bằng loại văn tự trước thời Chiến quốc, trong đó số sách được phát hiện trong vách tường nhà Khổng Tử là sớm nhất, sau này loại điển tịch viết bằng "cổ văn
này được tìm thấy càng ngày càng nhiều. Lưu Hướng không có chút tin tưởng gì vào loại sách này, nhưng Lưu Hâm ngược lại càng đọc càng đánh giá cao. Bê con mới sinh không sợ hổ. Thời bấy giờ, được triều đình coi là có địa vị chính thống đều là những điển tịch kinh học viết bằng "kim văn" lưu hành trong xã hội, Lưu Hâm kiên quyết dâng thư lên triều đình, mong muốn có thể giành được một chỗ đứng cho kinh học "cổ văn". Tiếc rằng, ông ta tuy được vua ủng hộ, nhưng lại gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của quan viên trong triều và những người có quyền uy trong giới kinh học, kim văn.
Sau khi Hán Ai Đế mất, Bình Đế kế vị, đại quyền rơi vào tay Vương Mãng. Từ hồi Lưu Hâm được vua cử làm Hoàng Môn Lang, Vương Mãng cũng được vua cử làm Hoàng Môn Lang, hai người từ lâu đã quen biết nhau, đối với học vấn của Lưu Hâm từ lâu Vương Mãng cũng đã hết sức tôn sùng. Vương Mãng là kẻ có dã tâm cướp ngôi, ông ta muốn cướp ngôi nhất thiết phải tìm cho được cơ sở lý luận trong kinh học. Lưu Hâm muốn xác lập địa vị cho kinh học "cổ văn", đương nhiên cũng cần được sự ủng hộ của Vương Mãng. Thế là Lưu Hâm ngả vào lòng Vương Mãng. Ông ta dựa vào điển tịch nổi tiếng trong kinh học "cổ văn" là "Chu lễ", thiết kế cho Vương Mãng hết đại điển này tới đại điển khác phỏng theo lối cổ, xây dựng lên hết nơi thờ cúng này đến nơi thờ cúng khác dựa theo "Chu lễ". Đối với những cái này, Vương Mãng hết sức tán thưởng, Lưu Hâm nhờ đó đã được trọng dụng, được phong làm Hồng Lưu Hầu, trở thành trợ thủ trọng yếu của Vương Mãng trên các phương diện tư tưởng, lý luận, học thuật. Lưu Hâm tuy không trực tiếp tham dự lập kế hoạch cụ thể cho cải cách chế độ của Vương Mãng, nhưng lý luận của ông ta, không còn phải nghi ngờ gì, đã trở thành cơ sở quan trọng của cải chế.
Cải cách chế độ của Vương Mãng đã gặp phải thất bại nặng nề chưa từng có, các mâu thuẫn trong nước trở nên gay gắt, khắp nơi trên cả nước khởi nghĩa nông dân và các thế lực chống Vương Mãng khởi binh cát cứ, Lưu Hâm đối với tình thế đó tuy không kịp tính trước được, song không thể tự tìm cho mình một con đường rút. Chính vào lúc đó, hai con trai của Lưu Hâm dính líu vào vụ tranh giành quyền lực với Vương Mãng, bị Vương Mãng giết và vứt xác ngoài biên thùy. Đó là một đòn đánh quá nặng đối với Lưu Hâm. Cuối cùng, Đại Tư Mã Đổng Trung cũng chọn trúng Lưu Hâm, hy vọng ông ta có thể bắt tay hợp tác với mình, phát động chính biến trong cung, trừ diệt Vương Mãng. Lưu Hâm đồng ý và tham gia trù lập kế hoạch chính biến.
Không ngờ, tin tức lọt ra ngoài, âm mưu bại lộ. Vương Mãng "tiên hạ thủ vi cường", cùng lúc bắt hết cả bọn Đổng Trung, Lưu Hâm và một người cùng tham dự kế hoạch khác nữa là Vương Thiệp. Đến lúc này, tất cả đều đã muộn, kết quả là Đổng Trung bị giết, Lưu Hâm và Vương Thiệp rút kiếm tự sát.
Lưu Hâm vốn là phần tử trí thức, cha là Lưu Hướng luôn luôn phản đối Vương Mãng chuyên quyền, rất lo rằng Lưu Hâm sẽ bị lôi cuốn vào chính trị, kết quả là sau khi Lưu Hướng chết, Lưu Hâm quả nhiên bị cuốn vào vòng xoáy chính trị đoạt quyền của Vương Mãng, dẫn tới càng ngày càng dấn sâu, không thể tự thoát ra được, cuối cùng rơi vào cảnh thân bại danh liệt bi thương. "Da không còn, lông mọc vào đâu." Lưu Hâm tự đem số phận mình buộc vào con thuyền Vương Mãng, lên thuyền của kẻ cướp dễ, xuống thuyền của kẻ cướp khó. Vương Mãng không thể nào thoát khỏi sự trừng phạt của lịch sử, Lưu Hâm cuối cùng có thể có được quả gì để ăn? Cho nên, bất kỳ ai muốn mưu sống cầu vinh đều phải nhìn cho đúng cái phương hướng phát triển của mình có đúng đắn hay không, đối tượng mà mình dựa vào đó có thích hợp hay không. Nếu nhìn sai phương hướng, vào nhầm cửa, một khi phát sinh tai nạn và rủi ro thì hối đã muộn rồi.
Trong thương chiến hiện đại, những cái "lông" công ty, xí nghiệp nên dựa vào "mảnh da" nào đây? Không chút nghi ngờ, "tấm da" đó phải là đối tượng phục vụ của mình.
Công ty Nike của Mỹ là một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày thể thao. Một trong những người sáng lập ra công ty là Pie Borman, nguyên trước đây là huấn luyện viên điền kinh của Trường đại học Michigan. Thực tiễn huấn luyện trong thời gian dài cho ông thấy rằng vấn đề khó xử nhất là chân vận động viên bị chấn thương, mà nguyên nhân gây chấn thương chân lại có liên quan rất lớn đến việc giày thể thao không phù hợp với chân. ông hạ quyết tâm phải nghiên cứu sản xuất ra loại giày thể thao có lực ma sát nhỏ, tính năng ổn định lại gọn nhẹ, được vận động viên ưa thích. Trải qua một thời gian nghiên cứu, ông cuối cùng đã thu được thành công. Các vận động viên do ông dẫn dắt sử dụng loại giày thể thao mà ông nghiên cứu sản xuất ra tham gia đại hội thể thao đều đạt được thành tích khá tốt. Pie Borman ngay từ đầu đã xác định đối tượng phục vụ của mình là các vận động viên. Để mang đến hạnh phúc cho nhiều vận động viên hơn, ông cùng với một số người cùng hợp tác làm ăn, gom góp được 1000 đô la, bắt đầu từ 200 đôi giày thể thao, đã trở thành khởi điểm xuất phát cho công ty Nike.
Muốn sản xuất giày thể thao với số lượng lớn, cần thiết phải có kênh cung ứng nguyên liệu cố định. Thế nhưng, khi họ tìm đến gõ cửa, không có một công ty nào đồng ý cung cấp hàng cho họ, bởi vì quy mô sản xuất của họ quả thật quá nhỏ. Trong lúc đang khó khăn đó, một thương nhân Nhật Bản trong ngành giày đã giúp họ, người Nhật Bản này ngay lập tức đã nhận ra rằng đây là một sản phẩm rất có triển vọng, tương lai nhất định có thể nên trò trống, liền thẳng thắn đồng ý ký hợp đồng cung ứng hàng với họ.
Các nhà cung cấp của Mỹ đều hướng mắt tới những công ty lớn, mà không hề để mắt tới công ty Nike, nhưng công ty Nike suy nghĩ từ nhu cầu thực tế của vận động viên, họ không ngừng đi sâu vào vận động viên để tìm hiểu ý kiến của họ về sản phẩm, kịp thời cải tiến thiết kế, nhờ đó giày thể thao do họ thiết kế ngày càng được ưa chuộng, kinh doanh cũng ngày càng phát triển. Khi mà họ đạt tới doanh số hơn 2 triệu đô la, thì số vận động viên đi giày thể thao Nike trong xã hội càng ngày càng nhiều, mức độ nổi tiếng của giày Nike trong xã hội cũng càng ngày càng lớn, cuối cùng đã thu hút sự chú ý của một số công ty lớn.
Một trong những nhà sản xuất đồ thể thao lớn nhất trên thế giới, công ty Adidas, Mỹ, xem công ty Nike mới nổi là cái gai trước mắt, cái dằm trong thịt, họ ỷ với cơ sở vật chất hùng hậu, chi một khoản quảng cáo lớn, phái đi rất nhiều nhân viên tiếp thị, lợi dụng cơ hội Thế vận hội Olympic Los Angeles, Mỹ năm 1976, ra sức đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình, làm cho hầu như tất cả các vận động viên đoạt huy chương vàng đều mang giày thể thao của mình, từ đó dồn sản phẩm của hãng Nike đến thảm bại.
Pie Borman đứng trước áp lực của công ty lớn, không hề nản lòng. Ông ta tin chắc, chỉ cần sản phẩm của mình được vận động viên ưa thích thì không thể không có thị trường. ông càng dốc hết tâm sức vào việc nghiên cứu sản xuất kiểu giày thể thao mới, căn cứ vào thông tin phản hồi từ vận động viên, thiết kế ra hàng loạt sản phẩm kiểu dáng mới, họ xem những điểm chưa vừa ý và chê trách của vận động viên về giày thể thao là động lực thúc đẩy mình tiến bộ. Vì vậy, giày thể thao do họ sản xuất, các vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư đều rất thích.
Chính là niềm tin vững chắc vào đối tượng phục vụ của mình, dựa vào đối tượng phục vụ của mình, tâm niệm kiên định từ trước tới sau hết lòng hết sức vì đối tượng phục vụ của mình, đã giúp công ty Nike chiến thắng hết khó khăn này đến khó khăn khác, ngoan cường vươn lên. Ngày nay, giày thể thao Nike đã thịnh hành trên toàn thế giới, lượng tiêu thụ của công ty Nike đã từ 1000 đô la lúc ban đầu phát triển tới con số hàng tỉ đô la.
Chỉ cần tấm "da" mà mình dựa vào đó càng ngày càng chắc chắn, càng ngày càng rộng, càng ngày càng lớn, mình là những "lông" dựa trên "da" đó mới có được cơ sở hùng hậu vững chắc lâu bền cho mình phát triển. "Da" đối với "lông" mà nói, thật quan trọng biết bao.