Chương 79: Hợp Lý, Có Lợi, Tiết Chế


Số từ: 1284
Dịch giả: Ông Văn Tùng
Nxb Văn Học
Nguồn: vnthuquan.org
Sau khi chính quyền Đông Hán thành lập, Quang Vũ Đế Lưu Tú đã có cách xử trí khôn ngoan đối với những công thần từng có công giúp ông ta bình thiên hạ.
Cách xử trí đó vừa bảo đảm được sự mạnh hóa của tập quyền trung ương, lại vừa hết sức chăm lo chu đáo cho các công thần. Trong lịch sử đó là một thời kỳ tiêu biểu về chính sách đối đãi công thần.
Bản thân Lưu Tú là người dùng binh đao mà có được thiên hạ, nên ông có sự phòng thủ đối với các công thần sau khi chiến tranh kết thúc, ngăn ngừa họ ỷ công lộng quyền là chuyện hết sức thông thường. Hơn nữa các công thần phần đông là võ tướng, không thông thuộc chế độ điển chương triều chính. Không thể dựa vào bọn họ mà trị nước được. Do đó Lưu Tú luôn dùng phương châm "thoái công thần, tiến văn lại", cũng có nghĩa là tôn trọng địa vị xã hội của những võ tướng công thần, nhưng về mặt chính trị lại không cho họ nắm thực quyền, đồng thời Lưu Tú rất trọng thị những sĩ phu lánh chốn quan trường, ẩn cư trong rừng núi. Ông cho rằng những người đó vừa hiểu văn trị lại có cốt cách cao thượng nên ra sức cầu kiến, chiêu mộ. Những danh nho như Trác Dung, Phục Trạm đều được Lưu Tú chiêu mộ làm trọng thần.
Còn để những công thần đó phục tùng ý chỉ của mình, Lưu Tú lại lấy tư tưởng "công thành thân thoái" ra giáo dục họ: Một mặt vì bọn họ là công thần, không để bọn họ dây máu ăn phần chính trị, đó là điều bất di bất dịch, mặt khác chăm lo chu đáo cho cuộc sống những người này, để bọn họ có thể vui vẻ an hưởng tuổi già.
Năm thứ hai Lưu Tú làm hoàng đế, ông bắt đầu phong hầu dần dần cho các công thần, như Đặng Vũ phong làm Lương hầu, Ngô Hán phong làm Quảng Bình hầu v.v... Một mặt phong hầu, một mặt nhắc nhở bọn họ "làm người nên biết đủ, đừng nên chỉ vì nhất thời cao hứng mà quên đi vương pháp, cần giữ gìn những công lao trong quá khứ, mà cũng nên cẩn thận làm người, đừng sơ suất". Đó vừa là giáo huấn mà cũng là răn đe. Còn về chuyện phong đất, những công thần đó muốn phong ở đâu Lưu Tú đều cố gắng chiều ý bọn họ.
Sau khi những công thần đó cáo thoái, Lưu Tú một mặt chú ý tiết chế họ, nên không có trường hợp nào ỷ công phạm pháp, mặt khác cũng không sao lãng việc quan tâm đến bọn họ. Năm thứ 13 Kiến Vũ, Lưu Tú sau cuộc bình định thế lực cát cứ Công Tôn Thuật, rất đỗi vui mừng. Đồng thời ông tiến hành ban thưởng, phong hầu cho những quần thần có công trong chiến tranh, làm người người tâm phục khẩu phục. Để duy trì tính liên tục của chính sách. Đặng Hàn Tín, Lý Thông, Giả Phục ba người ở hàng Tam công tham dự vào triều chính. Sau này, thực quyền chính sự quy về bộ thượng thư. Ba người này cũng không can thiệp triều chính nữa.
Chính vì vậy mà những công thần năm đầu Đông Hán đều rất biết ơn Lưu Tú, không hề xảy ra bi kịch qua cầu rút ván, tàn sát công thần như chuyện những năm đầu Tây Hán đối với Hàn Tín, Bành Việt, Lư Quán, Trần Hi. Cách xử trí của Lưu Tú có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử sau này. Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn Bắc Tống trong phương pháp đối đãi công thần cũng đã học hỏi vay mượn rất nhiều kinh nghiệm của Lưu Tú Đông Hán.
Cách xử trí với công thần của Lưu Tú là vừa hợp lý, vừa có lợi, vừa tiết chế. Đó là một mưu lược ổn thỏa vừa bảo đảm sự vững mạnh của hoàng quyền Đông Hán, ngăn chặn được hậu quả không tốt của việc công thần can dự triều chính, lại vừa bảo toàn được công danh vãn tiết cho bản thân các công thần. Mưu trí trình độ cao này quả đáng cho người sau học hỏi. Trong thương trường hiện đại cũng có vấn đề "mức độ", vào lúc nào, đối với người nào, dùng phương pháp nào, để nắm được chừng mực chắc chắn một vấn đề khá đau đầu. Trong đàm phán thương nghiệp, càng cần chú ý vận dụng mưu trí này.
Năm 1986, có chuyện nhà máy thủy tinh Quảng Đông nhập thiết bị, tiến hành đàm phán với công ty thủy tinh Owenx của Mỹ. Hai bên tranh chấp không khoan nhượng vấn đề phải nhập hết toàn bộ hay chỉ một bộ phận. Phía Mỹ kiên quyết đòi phải nhập hết. Bên Trung Quốc lại kiên quyết chỉ nhập bộ phận thiết bị tiên tiến nhất trong số đó. Bên Mỹ cảm thấy chỉ nhập một bộ phận thì đối với bên Trung Quốc mà nói sẽ không phân định được, phía Trung Quốc lại cho rằng nhập toàn bộ thì dùng chẳng hết mà cũng không cần thiết. Tranh cãi qua lại, đàm phán rơi vào bế tắc.
Đại diện lãnh đạo bên nhà máy thủy tinh Quảng Đông để giải thoát cục diện bế tắc đã nhẹ nhàng cười nói: "Trình độ khoa học kỹ thuật, thiết bị và kỹ sư của công ty Owenx các bạn đều là hàng đầu thế giới. Công tác xuất khẩu thiết bị cũng là hàng đầu, không ai không biết uy tín. Hợp tác giữa nhà máy tôi với quý công ty chỉ có thể dùng thiết bị tiên tiến nhất, có như vậy chúng tôi mới có thể vươn lên hàng số một thế giới. Điều này không chỉ có lợi cho chúng tôi mà càng có lợi hơn cho các bạn
.
Đại diện công ty Owenx nghe những lời dẫn dụ ấy vô cùng vui vẻ. Vị đại diện lãnh đạo nhà máy Quảng Đông lại chuyển đề tài: "Ngoại hối của nhà máy chúng tôi rất có hạn, không thể mua quá nhiều được. Vì vậy những thiết bị mà trong nước sản xuất được thì không định nhập khẩu nữa. Hiện tại, các bạn cũng rõ, các nhà máy của Pháp, Bỉ, Nhật đều có hợp tác với các nhà máy cùng ngành ở miền Bắc nước tôi. Nếu như các bạn không nhanh chóng đi đến hiệp nghị với chúng tôi, không cho nhập thiết bị và kỹ thuật tiên tiến nhất thì e là các bạn sẽ mất cơ hội tốt, mất thị trường Trung Quốc, hơn nữa người ta cũng cười là công ty Owenx các bạn không có khả năng."
Cách nói hợp tình hợp lý, có cương có nhu khiến cho không khí căng thẳng trong cục diện đàm phán đã ôn hòa trở lại. Hai bên càng tiến thêm bước thuận lợi, đi đến Hiệp nghị chỉ nhập bộ phận thiết bị tiên tiến. Nhà máy thủy tinh Quảng Đông tiết kiệm được một khoản chi phí ngoại hối lớn. Công ty Owenx của Mỹ cũng được khuếch trương thanh thế, bởi nhà máy thủy tinh Quảng Đông sau khi lắp đặt thiết bị đã trở thành một xí nghiệp chất lượng sản phẩm cao nhất, hao mòn năng lượng thấp nhất trong các xí nghiệp cùng ngành.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mưu Trí Thời Tần Hán.