Chương 14
-
Nàng Ido
- Géza Gárdonyi
- 10139 chữ
- 2020-05-09 03:38:16
Số từ: 10130
Dịch giả: Hà Anh My
NXB Thanh Niên
Một buổi trưa, Iđo nghe thấy có tiếng chuông ngoài cửa. Nàng tưởng rằng chủ nhà đến thăm viếng bởi vì nàng cũng chẳng biết ông chánh án đi nghỉ đến lúc nào! Kati đi từ trong bếp ra mở cửa để xem khách nào.
Iđo bình thản lau quét phòng làm việc của Trobo.
Nàng nghe thấy tiếng chân đi vào phòng khách và gõ cửa.
Nàng nhìn ra thì thấy hai họa sỹ quen biết: Anh Bereky Rượu và anh cổ dài Đierchan cao, thò cả ra ngoài cổ áo khoác.
Nàng vội đi ra khỏi phòng vẽ, khóa cửa lại, rồi sang phòng khách mỉm cười chào:
— Đức Chúa mang các anh đến đây ư, chào anh Bereky rượu, chào anh Đierchan. Chồng em mới đi ra khỏi nhà khoảng mười lăm phút. Nào xin mời các anh ngồi xuống. Chồng em đi tìm mẫu đấy.
Nàng ngạc nhiên vì hai họa sỹ lại đến bất ngờ vào giờ này. Các họa sỹ thường chỉ gặp nhau ở trung tâm Luitpôld vào các buổi tối mà thôi. Nàng nghĩ có lẽ họ đến mời chồng mình đi dự lễ gì đó.
— Chúng tôi đến vì một việc quan trọng lắm - Bereky nói vẻ tiếc, - việc cần lắm. Thế Trobo có bảo bao giờ thì về không?
— Anh ấy không nói gì nhiều, anh ấy chỉ dặn nếu như có hai người bạn đến tìm anh ấy thì hãy bảo họ đến Union. Trưa nay sẽ gặp nhau ở đó. Thế Union là đâu, có phải là một hội thảo nghệ thuật không ạ?
— Đó là ở nơi mà chúng tôi vẫn hay đến các buổi tối. - Bereky nói nghiêm trang, - thế thì chúng tôi đi đây.
— Chồng em sẽ rất lấy làm tiếc nếu như không gặp các anh ở nhà đấy. Các anh hãy nói với chồng em rằng các anh chỉ có thể ngồi đây được mỗi một chút thôi nhé. Em không được hân hạnh tiếp khách.
Iđo cảm thấy hai người đàn ông đến có vẻ bất thường. Các họa sỹ một khi đang vẽ thì họ không còn nhớ, biết đến ai nữa đâu, và chỉ chú ý vào bức tranh mà thôi. Họ cũng đã có một hai lần tới thăm Trobo vội vã, Trobo cũng chẳng kịp mời họ ngồi nữa, chàng thanh minh:
— Mình rất tiếc vì mình chưa hoàn thành một bức tranh nào cả, vì thế mình không có thể giới thiệu với các bạn được.
Sau khi hai họa sỹ đã đi rồi, Iđo lại quay trở về với công việc.
Trong khi nàng đang dọn dẹp, nàng thấy chiếc áo khoác xanh của Trobo để cạnh bảng vẽ lớn nhất. Nàng nhấc chiếc áo lên treo vào tủ. Nàng nghĩ rằng chắc Trobo muốn ấm hơn nên mặc chiếc áo khoác len mầu xám đi.
Ở túi áo ngực có cái gì đó cưng cứng, thì ra Trobo để quên ví ở nhà, một cái ví da mầu đen mà chàng vẫn dùng.
Chưa bao giờ Trobo để quên ví ở nhà cả, nhưng Iđo cũng không nhạc nhiên. Bởi vì mấy tuần nay, Trobo chỉ đi đến bệnh viện và các viện thí nghiệm mà thôi. Chàng đến cả các bệnh viện do các bà Sơ làm việc, cốt để xem có ai sắp chết không? Chàng tìm khuôn mặt gần giống với nét mặt thiên thần, cô ta phải có làn da trắng muốt, nhưng vẫn còn đôi chút những mạch máu hồng và có hai bóng xanh sẫm ở cằm và dưới quầng mắt.
Buổi tối hôm trước chàng còn lắc đầu nói:
— Thế là bức tranh của tôi vẫn chỉ ở trong suy nghĩ!
— Không sao đâu, - Iđo an ủi, - rồi ngài sẽ tìm được. Nếu như không tìm được ở đây, thì chúng ta sẽ đi tới các thành phố lớn hơn. Ở đó sẽ có nhiều bệnh viện hơn. Điều quan trọng là bức tranh chứ không phải là nơi ở.
— Cảm ơn, tiểu thư, - Trobo thở dài, đôi mắt ươn ướt, - tôi không gặp may, ngôi sao chiếu mệnh của tôi không bao giờ sáng cả.
Nói rồi, chàng cầm lấy mũ và đi ra trung tâm Luitpôld.
Đầu tiên Iđo nghĩ, cứ treo chiếc áo vào tủ, nàng đã mở khóa cánh tủ ra, nhưng rồi nàng lại nghĩ Trobo phải tiêu tiền, không hiểu chàng có mang tiền đi không? Nàng nghĩ sẽ lấy ra khoảng năm mươi mác rồi đưa cho Kati, sai Kati mang đến Union cho Trobo, Kati là dân ở đây nên cô ta sẽ biết Union ở chỗ nào.
Nàng mở ví và nhìn thấy một lá thư gập tư trong ví. Nàng biết không được phép xem trộm thư.
Nàng đã tự nhủ như vậy, khi thấy bàn tay mình cầm tờ giấy lên:
— Không được phép, với một người phụ nữ đứng đắn không được làm việc đó!
Nhưng bàn tay như điếc, không chịu nghe lời. Bàn tay vẫn giở tờ giấy ra, đặt lên bàn. Nhưng đôi mắt cũng không nghe lời Iđo nói, nó vẫn cứ nhìn xuống. Như vậy cả đôi tay lẫn đôi mắt cũng không chịu nghe lời bà chủ.
Trên mặt sau của bức thư có rất nhiều chữ viết của Trobo, nét chữ nhỏ li ti. Đa số là địa chỉ cửa hàng, nhà máy sản xuất đồ vẽ, tên các đường phố hoặc phong cảnh, địa chỉ của các họa sỹ ở Muychen, một sơ đồ vẽ trại lính nhỏ ở vùng ngoại vi Muychen. Địa chỉ một bà giặt. Địa chỉ một người thợ đóng bàn và thợ hàn khung.
Mặt trước là bức thư với hàng chữ xiên xiên trên mầu giấy trắng ngà. Iđo nhìn xuống dưới chữ ký thì thấy có tên: Zôlan.
Thế là đôi mắt Iđo không thể rời khỏi tờ giấy được nữa.
Nàng cũng chưa đọc thư mà nàng đọc hàng chữ trên cùng: Anh Trobo tốt bụng, yêu quý duy nhất của em! Và hàng chữ cuối cùng: Em hôn anh thắm thiết, một khi trái tim còn đập và em chưa chết!
Sau đó nàng bắt đầu nhìn lướt vào giữa thư, nhìn lướt trên đầu rồi nhìn vội xuống cuối thư. Rốt cuộc nàng đã đọc từ đầu đến cuối thư:
... Cuối cùng anh cũng báo cho em biết, anh đã may mắn đến nơi bình yên và anh đã thuê được nhà. Em hy vọng những sóng gió trong tâm hồn anh sẽ dần dần nguôi đi, rồi em sẽ nói hết mọi chuyện với anh. Từ khi anh ra đi, suốt đêm ngày, một câu hỏi dày vò em, vì sao anh không trả lời cho em câu hỏi: Anh đào đâu ra tiền? Mà lại là một khoản tiền lớn đến thế. Anh là một người sống bằng lương tháng. Anh là người tự trọng. Tất nhiên em biết là anh không trộm cắp, không lừa đảo, nhưng anh cũng không thể làm ra ngần ấy tiền được. Anh cũng đã không nhận rằng món tiền đó là anh đã hy sinh vì em, lẽ ra em không được phép nhận nó dù rằng anh có nhặt được ngoài đường phố.
Em cứ khóc hoài nếu như em nghĩ đến chuyện đó. Câu hỏi trên cứ dằn vặt em trong những giấc mơ. Em yêu cầu anh, tha thiết yêu cầu anh đừng giấu em việc gì. Anh chỉ có thể làm em yên lòng bằng cách nói cho em biết anh lấy số tiền ấy ở đâu ra? Hay là để có nó, anh đã phải làm việc gì trái với lương tâm anh? Chúng ta chẳng có điều gì phải giấu giếm nhau cả. Nếu trái tim chung thủy, tốt đẹp của anh mà lại giấu em, không thể khác được, thì anh hãy cầu nguyện Đức Chúa đi, Chúa sẽ nghe thấy những lời của anh nếu như em không được phép nghe thấy.
Anh hãy viết thư cho em ngay lập tức!
Anh hãy viết thư cả cho em biết, anh đã gặp được bà chủ nhà tốt bụng của anh chưa, hay là anh phải đi ở chỗ khác? Ai chăm sóc anh không? Em rất lo lắng nếu nghĩ anh lại sống như bác già Bolaz (Có phải tên bác họa sỹ già yếu, sống giữa đám mạng nhện như vậy không?). Và rồi lúc anh đau ốm, không còn bàn tay dịu dàng nào đưa cho anh cốc nước.
Tái bút: bác sỹ mới của làng ta đã đến. Anh biết không, đó chính là ông Zanôvích, người có cô con gái anh đã từng nhảy với cô ta ấy. Cô gái đó thổ lộ với em rằng cô ta rất yêu thích anh, quả là kỳ quặc khi cô ta nói điều đó cho chính em! Nhưng cái chính là bây giờ đã có bác sỹ, nếu như trong nhà có người đau ốm chúng ta được cứu giúp, Chúa gìn giữ cho chúng ta!
Thôi em sẽ dừng bút ở đây, anh hãy đọc hết đi.
Về phần em bây giờ anh đừng lo gì cả. Liệu em có nên mong đợi anh về trong dịp lễ giáng sinh không? Lạy Chúa tôi! Đã từ lâu em không biết một ngày lễ giáng sinh nào vui vẻ hạnh phúc cả!
Iđo đợi Trobo về ăn trưa nhưng mãi đến hơn một giờ chàng mới về.
Ngồi bàn ăn, chàng báo tin cho Iđo biết, có một ông bác sỹ quen chàng đang chữa bệnh cho một cô tiểu thư trẻ có làn da mịn màng, cô gái này một mắt bị thương do chiếc kim may bắn vào. Ông bác sỹ đã hứa là sẽ hỏi ý kiến gia đình xem có cho Trobo đến vẽ không?!
— Tôi cũng không tin lắm vào mối này, nhưng cứ thử xem sao!
Iđo không trả lời. Nàng cũng chẳng nhìn lên Trobo. Bữa ăn trôi đi trong sự yên lặng, lạnh nhạt.
Sau bữa ăn trưa, Kati tìm Iđo và báo tin giọng bí mật:
— Có một người phụ nữ bí mật tìm tới đây, bà ta nói bà ta muốn nói chuyện với bà chủ nhà, bà ta xin bà chủ gia ân tiếp bà ta một lần.
— Ai vậy? Bà ta muốn gì?
— Bà ta không chịu nói tên, chỉ nói là có một việc rất khẩn cấp.
— Hãy mang bà ta vào đây.
— Nhưng bà ta nói, không được phép để cho ông nhà nhìn thấy bà ta.
— Không được ư? Vậy thì tôi không tiếp bà ta đâu.
— Nhưng mà bà ta van vỉ ghê lắm.
Iđo ngần ngại suy nghĩ rồi nàng đi ra nhà bếp.
Một người phụ nữ trang phục màu đen, trông không có vẻ gì là sang trọng cả, quãng chừng hai nhăm đến ba mươi tuổi, khuôn mặt trắng bệch như bột gạo hoặc là thạch cao. Đôi mắt mầu xanh rất đặc trưng của người Đức có những vằn đỏ như uống rượu. Dưới mắt lại là màu trắng như bột.
Người phụ nữ lắp bắp. Đôi mắt vằn đỏ như uống rượu hoặc đã khóc quá nhiều:
— Xin cô thứ lỗi, nhưng công việc khẩn cấp quá, - bà ta nói tiếng Đức và nhìn về phía Kati, - tôi không thể giới thiệu tên được một khi mà...
— Kati, em hãy vào phòng tôi lau sạch những cửa sổ đi, - Iđo sai Kati rồi nàng bồn chồn chờ đợi người đàn bà Đức nói.
— Tôi là vợ của Bekery Rượu, chắc là cô chẳng lạ gì anh ấy.
— Ồ, chị là vợ của Bekery ư? - Iđo ngạc nhiên hỏi.
— Tối hôm qua, chồng tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện xẩy ra ở trung tâm Luitpôld, và từ lúc đó tôi không thể chợp mắt được chút nào. Tội nghiệp chị Mikey... nếu chị ấy biết... không, không thể để chị ấy biết được! Tôi chắc rằng, nền văn minh trong đất nước này không thể để có chuyện như vậy được! Tất nhiên tôi không thể nói với chồng tôi, mà tôi nói đến Mikey kia...
— Xin lỗi chị, tôi vẫn chưa biết chuyện gì cả, - Iđo bình tĩnh nói.
Nàng lấy chiếc ghế nhà bếp mời người phụ nữ ngồi xuống. Còn nàng cũng ngồi xuống chiếc ghế băng dài.
— Cô không biết gì ư? Không biết tí gì?
— Không ạ, tôi không biết.
— Cả chuyện sáng mai ngài Trobo sẽ giết ngài Mikey sao? Ôi, chị ấy sẽ thành vợ góa, con chị ấy sẽ mồ côi cha... Ôi, lạy Chúa tôi!
Iđo đứng dậy.
— Xin lỗi chị, hay là chị nhầm...
Người phụ nữ cũng đứng dậy!
— Hay tôi nói chuyện không phải là với vợ của ngài Trobo...
— Đúng đấy ạ, tôi là vợ Trobo. Nhưng tôi biết rằng Mikey là người bạn thân nhất của anh Trobo kia mà.
Người phụ nữ lại ngồi xuống, để hai tay lên thành ghế.
— Vậy thì tôi phải nói từ đầu cho cô hiểu. Chồng tôi hôm qua trở về nhà lúc mười một giờ, anh ấy có vẻ bực mình. Rồi anh ấy nói:
Này em hãy nghe anh giành cho em một sự giải trí đẹp đẽ đây!
- Anh ấy lắc đầu và sau đó tôi được nghe chuyện gì đã xẩy ra. Chồng tôi kể lại tên của những người trong cuộc các biệt hiệu
Gà Trống
và
Tổng giám mục
... Cũng như mọi khi, anh ấy còn hút nốt một mẩu thuốc trong giường (những lúc có chuyện cần nói thì tôi vẫn cho phép anh ấy hút thuốc trên giường). Nhưng đó là hãn hữu thôi, vì tôi không thích ngửi khói thuốc, anh ấy biết vậy. Vả lại trong một đất nước văn minh thì người chồng không hút thuốc một khi đã nằm.
— Nhưng mà chị hãy nói rõ xem, chuyện gì dính dáng đến chồng tôi?
— À đến anh Trobo ấy ư? Cái anh mà được gọi là
Gà Trống
ấy. Cô có biết vậy không? Thế mà tôi không biết đâu nhé. Nhưng mà ở trong khu nhà tôi ở, còn có một học sinh trường mỹ thuật tên là Trôrbo Machi. Anh ta là một chàng trai rất có giáo dục. Mùa hè anh ấy mặc vải mỏng nhẹ, thắt caravat trắng. Mùa đông chuyển sang mầu đen nom như là một nghệ sỹ lớn ấy. Anh ấy có hứa rằng sẽ vẽ chân dung cho tôi, khi nào chồng tôi đi vắng, nhưng ban ngày thì chồng tôi luôn ngồi nhà. Chắc cô cũng biết rằng các họa sỹ vốn là người rất hay lăng nhăng ngay cả khi vẽ ký họa cho bạn bè cũng thế. Chồng tôi có hai người mẫu đàn ông to béo và bốn thanh niên. Các mẫu đàn bà là tôi không bao giờ cho vẽ. Tôi không thể chịu được! Vả lại tôi không thể tin nổi ông chồng của tôi: tôi sẽ không bao giờ cho bọn đàn bà mẫu vào nhà, một khi mà tôi còn sống! Bởi vì chúng nó là cái bọn bẩn thỉu, ô nhục và rẻ tiền, chúng nó...
Thế là chị ta tuôn hàng tràng câu đánh giá chất lượng về các cô mẫu, đôi mắt ánh lên vẻ căm ghét, đến độ Iđo phải toan hiểu rằng, có lẽ ở nhà, Bekery phải sống rất khắc khổ.
Nàng lại sốt ruột cắt ngang câu chuyện dài dòng:
— Nhưng mà tôi yêu cầu chị hãy nói xem Trôrbo Machi nói gì?
— Nói gì à, chính anh ấy đặt cho Trobo biệt hiệu
Gà Trống
. Chẳng phải ai khác mà chính là chồng cô đấy. Bởi vì, tôi đã tưởng nhầm họ gọi chồng tôi nên tôi sốt ruột hỏi ngay: vì sao người ta lại gọi anh là
Gà Trống
, vì sao vậy? Tôi không thể tin nổi, bởi vì tôi biết chồng tôi vốn là một người rất ngoan đạo, anh ta, Trôrbo Machi không khi nào dám gọi chồng tôi là "Gà Mái Ghẹ
đi chăng nữa! Nghe thế, chồng tôi cười và bảo rằng tôi nhầm, Trôrbo Machi gọi
Gà Trống
là gọi Trobo kia. Đấy cũng có lần, tôi đi tìm nhà của một người tên là Palôk. Tôi đã đi hỏi khắp, tôi sốt ruột vì không tìm thấy. Thế rồi có một người họa sỹ Đức đi tới và chỉ cho tôi rằng người Hung thay chữ cái b bằng chữ cái P đấy, thế là lúc đó tôi mới tìm được.
— Nhưng mà chuyện gì xảy ra mới được chứ?
Kati đã ba lần vào bếp báo các cửa sổ, phòng ngủ, phòng ăn, và phòng khác đã lau sạch cả. Suýt nữa thì Kati phải đi lau tất cả các cửa sổ của nhà trên tầng hai nữa, nếu như Trobo chưa đi ra khỏi nhà. Cũng may, chàng đã đi, và Iđo dẫn chị ta vào phòng khách, ở đó họ mới có thể nói hết cả câu chuyện.
Cuối cùng, sau hai giờ đồng hồ nghe chuyện của chị ta, Iđo mới đoán được ra đầu đuôi câu chuyện là thế này:
"Hai người bạn tốt thân thiết của nhau đã cùng uống rượu rồi sau đó hẹn hôm sau đấu súng với nhau. Còn các lý do, thì Iđo đành phải chắp nhặt lại trong các câu chuyện như cóc nhảy kia để mà hiểu.
Buổi tối hôm trước, các họa sỹ đến uống mừng niềm vui của Mikey. Mikey vừa bán được bức tranh lớn có tên là trận đánh thành Troa, cho một ông hoàng tử người Nga. Sau đó, anh còn ghi cho ông ta tên các họa sỹ Hung đang ở Muychen để ông đến đó mà mua tranh. Họ mở sâm panh. Ngay cả các họa sỹ chưa gặp ông hoàng người Nga kia cũng mua sâm panh đặt lên bàn và họ ca ngợi bức tranh đã bán được của Mikey. Trobo chưa thấy bức tranh đã hoàn thiện đó, nhưng chàng có ý kiến rằng bức tranh đó vẽ đề tài về Hy Lạp cho nên vẫn là chưa hay, lẽ ra các họa sỹ Hung thì phải vẽ đề tài lịch sử của dân tộc Hung kia. Chính chúng ta chưa hề khai thác mảng đó. Ngay cả các danh họa như Than, như Lôtz, như Benzur cũng là các họa sỹ Hung vẽ về chủ đề nước Đức. Mikey không thích ý kiến của Trobo, bởi vì anh đang chuẩn bị vẽ một bức tranh mới với chủ đề hôn lễ của Hêphaixtôx và Anphrôditê. Một tích trong chuyện cổ Hy Lạp, Trobo không hưởng ứng Mikey vẽ bức tranh mới này:
— Tốt nhất, bạn nên vẽ lễ cưới của đức vua Attilo của dân tộc Hung thì hơn đấy.
— Ôi, xá chi, - Mikey đập bàn, - người họa sỹ không có quyền tự thu hẹp phạm vi của mình lại.
Biên giới của các nghệ sỹ là cả thế giới!
kia mà.
— Không đúng! - Trobo kêu lên, - đó là câu thơ có tính tượng trưng thôi, nhưng không phải các họa sỹ đều học theo kiểu đó.
— Nhưng câu thơ đó là do chính nhà thơ Hung Aranhi Lanôs viết đấy.
— Người ta có thể viết theo tưởng tượng, ước muốn chứ không phải theo thực tế.
— Nhưng mà nghệ thuật hội họa cần phải có mầu sắc lộng lẫy, chứ hôn lễ của Attilo thì chỉ gần giống hôn lễ của một người nông dân mà thôi.
— Chỉ cần trên bức tranh lễ cưới nông dân có ba nhạc công Digan là đã đủ làm rung động trái tim, ánh mắt của mọi người hơn bất cứ một lễ cưới nào trên đỉnh Olempơ của các thiên thần.
— Tôi lại không thấy vậy.
— Nếu thế bạn không phải là một người Hung!
— Từ khi tôi là họa sỹ tới giờ, tôi không chỉ là người Hung nữa.
— Vậy thì anh cũng chẳng thể là người được!
— Vì sao tôi lại không phải là người!
— Bởi vì ai chối bỏ dân tộc mình, người đó không thể thành người! Tôi lấy làm xấu hổ vì có người bạn như anh.
Họ đã quá tức giận tới đỗi hất cả rượu sâm panh lên mặt nhau.
Iđo ngẫm nghĩ.
Nàng đã từng đọc nhiều chuyện khác trên báo chí. Những kiểu đôi bạn thành tử thù của nhau không ít. Trobo lại là người không bao giờ chịu nhún mình, nhịn nhục một khi chàng bị xúc phạm. Mikey cũng vậy. Họ sẽ đấu súng với nhau chăng?
Nếu như Mikey chết thì sẽ có vợ góa, con côi. Còn nếu như Trobo chết... nàng trở thành góa bụa...
Trong suy nghĩ của nàng tự nhiên có hai tình cảm khác nhau. Nàng kinh sợ khi nghĩ đến cái chết của Trobo, nhưng đồng thời nếu như Trobo chết, nàng sẽ được tự do. Nàng muốn làm gì thì làm. Nàng ở xa cha nàng, nhà sẽ của nàng và nàng có một, hai người giúp việc... Chỉ vài tháng nữa cha nàng sẽ trao cho nàng toàn bộ hồi môn của nàng. Lúc đó nàng có thể sống lập thân, và nàng sẽ tự chọn bạn đời cho mình nếu nàng muốn.
Nhưng mà lấy lại tự do bằng cái chết của Trobo thì quả là một ý nghĩ khủng khiếp!
Trobo là gì đối với nàng? Và nếu như chàng bị giết thật, thì khi đi sau xe tang, nàng sẽ chảy nước mắt vì lí do gì?
Nàng không thể nghĩ tiếp được nữa.
— Chỉ còn một cách làm thế nào cho Trobo cũng không chết mà Mikey cũng vẫn sống!
Nhưng nàng phải làm gì đây?
Nàng không thể nào nói với Trobo, nói với
một người khách lạ
, những câu đại loại:
— Tôi xin anh, đừng có thách đấu với nhau nữa, bởi chính ý nghĩ anh bị đe dọa tính mạng làm tôi không yên lòng.
Nàng cũng không thể nói với Mikey:
— Xin anh hãy bỏ qua chuyện đó. Đừng vì một cốc rượu hắt lên mặt mà giết chết bạn của nhau.
Nàng cứ đứng, rồi đi đi, lại lại từ góc phòng này đến góc phòng kia. Rồi lại ngồi xuống:
— Nhưng chính mình thì dính gì đến vụ này chứ?
Nàng lại đứng lên.
— Mình cũng không thể đang tâm ngồi nhìn sự bất hạnh đến thế được!
Nàng tự nhủ hay là đi tới nhà Mikey. Nhưng mà, chị Mikey có mời nàng đến đâu. Nghe chuyện, biết đâu chị ấy chẳng khóc và không thèm tiếp nàng, hoặc tiếp nàng với những lời lẽ:
— Thế mà cô còn dám bước chân tới đây à?
Hoặc là chị ấy còn nói những lời xúc phạm hơn nữa... Chị ấy sẽ nguyền rủa Trobo. Nhưng ít ra chị ấy sẽ biết cách ngăn chặn chuyện này lại.
Nàng đội mũ lên đầu, nhưng rồi lại ngồi xuống, hai tay ôm lấy trán.
— Những người phụ nữ thường gào lên khi họ tức giận. Ôi có trời mà biết được chuyện gì sẽ xẩy ra với mình? Nhưng biết đâu họ lại không đấu với nhau nữa, họ đã hòa giải!... Không, mình không được phép can thiệp vào.
Mình có quyền gì mà ngăn giữ việc này.
Nàng lại đặt mũ xuống bàn.
Nàng đứng bên cửa sổ. Nhìn ra những lùm cây trong công viên Ănglê. Những chiếc lá đã ngả sang màu vàng. Những con chim sẻ ríu rít trên những mái nhà trong ánh sáng tháng tám. Ở nhà hàng xóm này nghe thấy có tiếng thổi sáo bài hát về cây bồ đề của Tannhauser:
Oh du mein lieber Atendstern...[9]
[9] Ồ, các bạn Atendstern thân yêu của tôi... (Tiếng Đức).
Iđo cảm thấy lạnh cả người.
Nàng lại đội mũ lên đầu, vắt chiếc áo choàng mỏng màu nâu lên tay, và cầm lấy chiếc dù, rồi đi ra cửa.
Đến bậc tam cấp, nàng đứng lại, suy nghĩ rồi quay sang nhà chị hàng xóm:
— Chị ơi, chị có hiểu thách đấu là thế nào không?
Chị Dôzêphin mở to mắt hỏi lại:
— Không phải chồng em thách đấu đấy chứ?
— Chồng em và một họa sỹ nữa. Em cảm thấy lo lắng quá. Làm thế nào để ngăn họ lại?
— Chị cũng chẳng biết được.
— Chị có đọc đâu ở trong sách không?
— Chị có đọc và thấy rằng người ta đấu gươm, đấu súng với nhau nhưng chưa bao giờ đọc thấy chuyện phải ngăn cản ra sao. Cơ mà, khoan hãy, chị có xem một vở kịch đó, vở nhà máy sắt thì phải, chị đã xem thấy người phụ nữ chạy vào giữa hai đấu thủ và lấy thân che hàng đạn.
— Chị có quyển sách đó ở đây không?
— Không, chị chỉ xem trên sân khấu thôi, không phải đọc, để tối chị hỏi chồng chị xem.
— Nhưng chị đừng có nói đến chồng em đấy nhé.
— Được rồi.
— Với chồng chị đã xảy ra chuyện như vậy bao giờ chưa?
— Chưa! Ở nước Đức, không có thói quen thách đấu. Nếu người ta tức giận người ta thường chửi bới thô tục, đập phá bàn, đĩa v.v... nhưng không cầm tới vũ khí. Chỉ người lính có vũ khí thôi. Trong các tiểu thuyết, chị thường thấy những người Pháp hay thách đấu.
Iđo nhìn lên đồng hồ. Đã gần sáu giờ chiều rồi. Nàng đứng lên, vội vã đi đến nhà Mikey.
Dùng thân mình chắn đạn ư?
Trên đường đi nàng nghĩ, -
mình làm thế để làm gì? Mình là
một người xa lạ
cơ mà. Mà nếu như chính mình là vợ thật, mình cũng chẳng nên làm như vậy. Tất nhiên là Mikey sẽ không bắn rồi, nhưng họ sẽ lôi mình nhốt đi chỗ khác và họ tiếp tục bắn nhau.
Nàng không tìm thấy chị Mikey ở nhà, chỉ có người giúp việc bảo:
— Bà chủ cùng con trai đi chơi ở công viên Ănglê rồi.
Điều đó khiến Iđo bình tĩnh. Nàng để danh thiếp của mình lại rồi đi.
Nàng vòng vào công viên Ănglê.
Kia rồi, chị Mikey cùng với Peti và con chó nhỏ chân dài đang đi dạo. Chị không khóc mà lại cười vui vẻ.
Có lẽ không phải chuyện đó có thực, chị vợ Bereky nằm mơ đó thôi.
Hay là chị ta không bình thường, hay là chị ấy không phải là vợ Bereky mà chỉ là một nhân tình vớ vẩn nào của anh thôi?
Nàng cũng không dám kể cho chị Mikey nghe, mà chỉ thân mật hỏi chuyện Peti, rồi với khuôn mặt khả ái, quay lại nghe chuyện của chị Mikey.
Khi nghe chị kể đến ông hoàng Nga, thì nét mặt Iđo lại biến đổi.
— Em biết không, anh chị thật là may nhé, bán được bức tranh bốn nghìn mác...
Chị dài dòng kể cho Iđo nghe ông hoàng Nga tốt như thế nào, ngay lập tức ông ta để ý đến bức tranh lớn, rồi thì ông ta mua cả những bức tranh ở trên tường nữa. Sau khi ông ta đi rồi, hai vợ chồng cứ buồn cười mãi. Còn tất cả những bức tranh có vẽ người ông ta đều hỏi:
— Được đấy, giá cả ra sao?
Những bức tranh nhỏ ông ta không hề mặc cả, chỉ có bức tranh lớn kia ông ta lắc đầu mà nói:
— Bốn nghìn thì hơi nhiều.
Nhưng anh Mikey đã hiểu ông ta không phải là người buôn tranh sành sỏi, nên anh nhất quyết không giảm giá.
— Những bức tranh vẽ Hy Lạp cổ đại thế này bao giờ giá cũng cao.
— Vì sao thế? - ông hoàng hỏi lại?
— Vì cần phải vẽ mất nhiều thời gian. - Chồng chị trả lời.
Ông hoàng Nga lúc đó đã ưng chịu, rồi ông trả tiền.
— Ông ta sẽ đến nhà các em đấy, em có biết tiếng Pháp không? Tiếng Đức ông ta nói tồi lắm. Em cứ hét giá thật cao vào, nếu như nhà em vẽ được nhiều tranh. Hình như ông ta sắp khánh thành một lâu đài gì đó, cho nên ông ta định mua hẳn một toa tầu tranh chở về đấy.
Iđo cũng chẳng còn bụng dạ gì khi nghe chuyện ông hoàng người Nga cả, nhưng mà nàng cũng lịch sự cám ơn những lời khuyên của chị Mikey, nhất là cám ơn anh Mikey đã giới thiệu chồng nàng với ông hoàng mua tranh nọ.
— Vì sao lại không giới thiệu chồng em cơ chứ, anh ấy viết tên Trobo ngay đầu tiên, chắc em cũng biết thế.
Lúc đó họ đã về gần tới nhà. Họ chia tay nhau bên cầu. Iđo chạy theo chị Mikey và hỏi:
— Chị ơi, chị có biết nhà Bereky Rượu ở đâu không? Buổi trưa hôm nay chồng em hỏi em mà em không biết.
— Nhà Bereky ư? Chưa đến cuối tuần thì em đừng có đến thăm.
Iđo gật đầu.
— Em hỏi không phải để đến thăm đâu, nhưng mà bởi anh ấy là bạn của chồng em, nhỡ có ai hỏi anh ấy ở đâu? Em không thể biết dù là tên phố. Mà nhỡ ra cái ông hoàng Nga đến nhà em lúc chồng em đi vắng thì em cũng phải giới thiệu cho ông ta nhà khác chứ.
Chị Mikey cười:
— Nhưng mà chị cũng chỉ nghe chồng chị nói thôi, chị chưa tới đó bao giờ, nhà anh ấy ở số 7 phố Adalbert Stranse.
Iđo trầm ngâm đi về nhà.
— Mình sẽ viết thư cho Bereky, tốt nhất là mình nhờ anh ấy giúp đỡ.
Trobo đã ngồi ở nhà, đang viết cái gì đó ở bàn. Iđo nhìn thấy trên bàn có mấy cái phong bì.
Nhìn thấy Iđo bước vào, chàng ngẩng lên chào nàng rồi lại viết tiếp.
— Tôi muốn hỏi ngài xem ngài có ăn cơm nhà chiều nay không?
— Không.
Chàng trả lời rồi lại cắm cúi viết vội.
Có thể nhìn thấy nét suy nghĩ căng thẳng trên mặt chàng. Chàng bật chiếc đèn, chiếu ánh sáng nhỏ xuống mặt bàn.
Chàng viết rất nhanh.
Mười lăm phút sau, chàng cho các bức thư vào phong bì rồi dán cả ba chiếc phong bì lại, viết địa chỉ lên đó, rồi lấy giấy thấm, thấm khô cả ba. Sau đó cho vào túi rồi cầm mũ, cầm áo choàng vội vã đi.
Chàng vừa ra đến cửa, Iđo đã chạy vội vào, đến bên chiếc bàn cầm cái thấm mực lên soi vào gương nhỏ. Nàng muốn biết ba bức thư đó gửi cho ai.
Trên giấy thấm còn in lại nhiều chữ ký và chữ viết của ông chánh án. Nhưng các chữ viết của ông chánh án là chữ Đức, vì thế nàng có thể nhìn thấy chữ Trobo viết bằng tiếng Hung. Một góc trên thư có đề tên nàng, bức thư thứ hai đề tên Bereky với địa chỉ số 7 phố Adalbert Stranse. Còn bức thư thứ ba chỉ đọc được mỗi tên: Zôlan, còn địa chỉ và họ đều không thấy rõ.
Như vậy là bức thư gửi cho Zôlan viết đầu tiên, bởi thế cho nên trên giấy thấm nó bị các thư sau chồng lên đọc không rõ, sau đó đến bức thư đề tên vợ, rồi thư đề tên Bereky.
Iđo lại đội mũ lên đầu và nói với Kati:
— Kati, em hãy đi với chị. Phố Adalbert Stranse ở đâu?
Nàng đã định là sẽ đến gặp Bereky để hỏi cho biết cụ thể họ sẽ đấu tay đôi ở đâu? Và có cách nào làm cho sự nguy hiểm của trận đấu giảm đi được chăng?
Nhưng nàng không cần đi đến tận phố Adalbert Stranse, khi đi qua tiệm cà phê, nàng nhìn thấy Bereky trong đó.
Họ ngồi đó bốn người, Bereky cùng anh họa sỹ cổ dài Dierchan và hai người nữa mà nàng không biết mặt. Họ đang hút thuốc lá và nghiêm trang bàn việc gì đó.
— Vào đây Kati. - Nàng bảo Kati rồi bước vào.
Họ ngồi xuống một cái bàn trống và gọi nước chè. Sau đó nàng lấy ra tờ danh thiếp của mình viết lên đó dòng chữ:
Tôi muốn yêu cầu anh một việc
.
Nàng đưa cho Kati mang lại cho Bereky.
Một phút sau Bereky đã đến bên nàng:
— Em cứ ra lệnh!
— Anh ngồi xuống đây em hỏi một chút. Anh tha lỗi vì em đã quấy rầy anh trong lúc này, nhưng em cần lời khuyên, chắc anh cũng biết em đến vì việc gì rồi chứ.
— Anh cũng có cảm thấy.
— Em cần lời khuyên của anh.
— Trobo nói cho em biết ư?
— Không phải! Trobo vẫn tưởng em không hề biết chuyện gì, vì sao em biết được, thì cũng chỉ là việc phụ thôi. Em biết là đủ rồi, còn một điều em chưa biết là anh đã làm gì khi các bạn thân của anh Trobo và Mikey sắp đi vào trận đổ máu.
— Đổ máu ư?
— Theo em được biết thì hình như họ sẽ đấu gươm hoặc đấu súng.
Bereky ái ngại trả lời:
— Đấu súng.
— Thế anh là người quản lý súng ư?
— Đúng vậy, hai khẩu súng có nòng tốt lắm. Nhưng mà em cứ bình tĩnh nào, trưa mai Trobo sẽ về ăn trưa với em ở nhà như hôm nay.
— Trobo không cảm thấy vậy đâu. Anh ấy đã viết thư vĩnh biệt rồi đấy, ba thư kia.
— Kệ anh ấy, cứ cho anh ấy viết bốn bức thư cũng được. Ngày mai sẽ không có chuyện phải đổ máu đâu, anh đã chuẩn bị rồi, em hãy bình tâm đi, anh sẽ tìm cách hóa giải giữa họ. Chiếc cối xay cứ việc xay tiếp, sẽ không có thảm cảnh gì ở đó đâu.
Anh xin lỗi Iđo vì phải quay lại bàn.
— Em không được nói gì với Trobo biết đâu nhé. Có như vậy anh mới dàn xếp được.
— Ngược lại, em cũng yêu cầu anh một cách nghiêm trọng rằng anh không được nói chuyện em đến tìm anh cho chồng em biết nhé; anh hãy hứa với em đi.
— Thế thì tốt rồi! Anh sẵn sàng hứa là anh cũng yên lòng vì Trobo không hề biết việc anh sẽ làm. Không ai được phép biết cả, anh chỉ nói cho em rõ, vì anh muốn em yên lòng. Như vậy mọi việc chúng ta sẽ bí mật nhé!
Iđo cũng chẳng biết Bereky sẽ làm gì, nhưng nàng cảm thấy yên lòng và trở về nhà, Bereky sẽ làm cho mối bất hòa giữa họ tan đi. Anh thật dũng cảm!
Trước khi đi nằm, nàng còn chơi bản
Oh du mein lieber Atendstern...
mà nàng đã nghe thấy buổi chiều.
Với trái tim bình yên nàng chui vào chăn. Nàng sẽ không thể là vợ góa được, mà Trobo thì vẫn sống cùng nàng, rồi chỉ nửa năm sau họ sẽ li dị nhau như
hai người xa lạ
, cùng đi trên một con tàu xuyên Thái Bình Dương đến một vùng đất mới. Họ đã cùng nhau ăn, ngồi cùng bên nhau, dạo chơi cùng nhau và phòng ngủ cạnh nhau. Cuối cùng thì con tàu cũng phải cập bến. Họ sẽ lịch sự chào nhau, bắt tay nhau. Rồi sau đó, mỗi người đi một ngả, mà không còn nhớ gì đến nhau. Câu chuyện như vậy, nàng đã đọc ở đâu đó rồi, hình như là ở trong truyện của Mỹ thì phải.
Nàng cũng chưa ngủ được ngay như mọi khi. Nàng nghĩ và lại hồi hộp. Nhỡ mà Bereky lại bị ốm đêm nay thì sao? Hoặc là không phải anh ốm mà vợ anh ốm, thế là anh phải ở nhà ngồi cạnh vợ? Hoặc là cái trò dàn xếp của anh không thành công và rồi súng cứ nổ.
Như bầu trời trong xanh xuất hiện một vài đám mây. Nàng không biết mối lo từ đâu đến, nay nó đã xuất hiện và ngày một lớn lên, bầu trời càng thêm u ám, đen tối. Iđo mỗi lúc một thêm bồn chồn, hồi hộp không yên.
Nàng nghe tiếng Trobo trở về, khoảng hơn mười giờ đêm. Chàng đi ngủ ngay, cũng không có tiếng chàng đi lại hoặc kéo đàn.
Hay là sự việc đã trở nên khó hòa giải hơn? Họ sẽ đấu ở đâu.
Chắc chắn vào buổi sáng sớm khi mà mọi người còn chưa ra khỏi nhà, họ sẽ tìm đến một cánh đồng cỏ ở bên cối xay. Nhưng cối xay nào mới được chứ? Về phía vườn Isar có biết bao nhiêu là cối xay. Nhưng không phải cạnh cối xay nào cũng có cánh đồng cỏ. Chắc chắn họ phải đến cánh đồng cỏ nào đó bằng phẳng chứ không phải đường khúc khuỷu. Trobo chắc sẽ giới thiệu với mọi người biết một nơi yên tĩnh, không có người qua lại. Đúng là họ sẽ đến đó, đến cối xay mà Iđo đã từng biết.
Nàng khoác tấm áo choàng trong nhà ra ngoài váy ngủ, sau đó nhón chân đi ra nhà bếp gọi Kati:
— Kati, tôi đây.
Kati sực tỉnh, cô gái bật đèn điện sáng lên, rồi hé cửa nhìn ra xem bà chủ hay là ai khác? Cô mở hẳn cửa ra và đôi mắt ngái ngủ nhìn thấy bà chủ mặc váy ngủ, áo khoác, đi chân đất.
— Trước tiên hãy tha lỗi cho tôi, vì tôi dựng em dậy vào lúc này, nhưng tôi muốn biết ông chủ dặn em chuẩn bị uống chè vào lúc mấy giờ?
Kati mở to mắt sững sờ như con cá chép nhảy lên bờ nằm vậy, cô không hiểu vì sao Iđo lại hỏi cô chuyện đó.
— Ông dặn con năm giờ ạ, ông bảo con phải đánh thức ông dậy.
— Thế thì em hãy gọi cả tôi nữa nhé, nhưng Kati, em đừng cho ông chủ biết nghe chưa.
Kati ngơ ngác gật đầu.
— Nhưng mà thưa bà, ông chủ ra lệnh con không được làm ồn để bà thức giấc.
— Thì em cứ thức tôi dậy mà không cho ông chủ biết. Em hãy dậy và cầm theo chìa khóa phòng chờ. Sau đó em hãy đến phòng tôi trước khi sang phòng ông chủ. Rồi tôi sẽ nói cho em lí do sau. Em sẽ đến gọi tôi chứ?
— Nếu như bắt buộc phải thế thì con xin vâng lệnh ạ.
— Rất cần đấy Kati ạ. Cám ơn em nhé, nào đi theo tôi và khóa cửa phòng chờ lại. Chúc em ngủ ngon!
Chiếc xe ngựa chở Iđo đến nơi đầu tiên, xe dừng lại trước cối xay gió. Iđo bước ra.
— Xin lỗi bà vì tôi quấy rầy sớm thế. - Nàng nói với bà giúp việc, khi bà ta tay cầm bốn con gà trống thiến chạy ra mở cửa vườn. - Tôi đến để ăn sáng. Bà có gì không?
Bà chủ nhà cũng bước từ trong bếp ra.
— Có chứ, thưa phu nhân. Tôi sẵn sàng hầu phu nhân. Bà muốn uống gì, cà phê hay sữa? Hay là ăn các đồ mặn ví dụ như gà trống thiến quay? Muốn ăn món đó thì phải chờ.
— Ở đây các vị ăn sáng bằng gà quay ư?
— Ồ không. Các ông lớn ở thành phố tối qua đã tới đây đặt thực đơn đấy. Họ đã trả tiền trước rồi. Họ đặt một bữa ăn sáng khá to cho tám người, hay là nhiều hơn gì đó, nhưng chắc chắn là tám người. Mời bà vào đây, vào phòng khách này.
Iđo vào phòng và vui sướng soi mình vào cửa kính nhà bếp, nàng có thể soi thay gương được; nàng nhìn qua trang phục: Chiếc áo choàng ngoài màu nâu không cài cúc càng tôn thêm màu trắng tinh khiết của hàng cúc nạm xà cừ. Nàng nghĩ thầm, lẽ ra mình nên thay chiếc áo sơmi mầu trắng bằng cái áo màu xanh có kẻ sọc. Nhưng trong lúc vội vàng, nàng đã mặc cái gì nàng vớ được.
— Bà hãy cho tôi một cốc sữa, - Nàng yêu cầu, - Nhưng mà tôi không uống ở đây đâu, tôi muốn uống trong vườn kia nếu như có chỗ nào thích hợp.
— Có đấy, dưới gốc cây hồ đào có bàn ghế. Hanzi, - Bà gọi vào phòng trong, - con hãy dẫn quý bà đây ra ngồi dưới gốc cây hồ đào. Con nhớ mang theo giẻ lau để lau bàn ghế đi nhé. Thưa phu nhân, rồi người giúp việc sẽ mang sữa cho phu nhân.
Hanzi chính là cậu thiếu niên đã bắn chết con chim câu lần nào, đôi mắt cậu ta vẫn còn đỏ vì buồn ngủ. Áo còn chưa kịp đeo cổ áo. Cậu ta chào Iđo và ngạc nhiên:
— Dưới gốc cây hồ đào ư? Quý bà không thể ngồi đó được đâu, quý bà sợ ong kia mà?
— Ong ư? Không tôi không sợ nữa, Hanzi cứ dẫn tôi ra đấy.
Và nàng đi vội vã ra, bởi nàng đã nghe thấy tiếng vó ngựa tới gần.
Một cỗ xe ngựa dừng lại trước vườn. Bốn người đàn ông ra khỏi xe. Cả bốn đều mặc đồ lễ phục mầu đen, buộc áo choàng ở ngoài.
Họ kéo nhau ra cánh đồng cạnh hàng rào, một cánh đồng buổi sáng sớm lạnh lẽo: những cơn gió còn đưa mùi phân lợn ra tận ngoài đồng.
Iđo run rẩy ở dưới những bọng ong, sau nàng, Hanzi cũng chui vào góc đó đứng. Cậu ta lẩm bẩm:
— Hình như họ định làm gì đó ở dưới đồng cỏ, thưa bà.
— Suỵt, yên nào, đừng có nói gì nhé.
Hanzi không hiểu ở dưới cánh đồng người ta định làm gì? Vì sao mà quý bà thành phố này lại phải chui vào giữa vườn cây rậm rạp này? Cậu ta cũng đứng lại và tò mò nhìn xuống cánh đồng qua các khe hở của đám lau sậy trước mặt.
Lại có tiếng một cỗ xe ngựa nữa tiến đến, xe dừng lại, từ trong xe, có bốn người đàn ông bước ra, cũng mặc lễ phục đen và vội vã đi ra phía cánh đồng. Họ cũng khoác áo choàng buộc dây cổ.
Iđo và Hanzi chăm chú nhìn qua các cây sậy đã khô và họ nhìn rất rõ cảnh bên ngoài.
Tất cả tám người đàn ông đó đều im lặng nghiêm trang chuẩn bị làm việc gì đó, nom họ lạnh lùng như người máy. Iđo cảm thấy mình run rẩy. Nàng muốn chạy ra cầm cái biển cấm có chữ Đức Verboten và hô to lên:
— Cấm làm thế!
Cánh đàn ông soạn lại hai khẩu súng, hai ông bác sỹ xách hộp đồ nghề trong tay. Cả hai ông đều đeo kính trắng, da ngăm ngăm và hộp đồ nghề của họ to dài hơn bình thường.
Hai người phụ việc nhồi thuốc vào hai khẩu súng.
Trobo cởi áo choàng ra và vắt lên cái biển cấm, Mikey thì ném áo xuống bãi cỏ.
— Chồng của quý bà kia, - Hanzi thì thầm nói, - Đúng là chồng của bà rồi.
— Suỵt!
— Hình như họ định bắn nhau!
— Có thể ngăn cản họ được không nhỉ?
— Để cháu chạy lên gọi ba cháu, rồi sẽ gọi mọi người trong cối xay chạy ra can.
— Thế thì họ sẽ lại đi chỗ khác thôi. Khoan hẵng, xem họ dàn hòa với nhau đã, người ta nói với tôi rằng sẽ dàn hòa mà.
Hanzi lại im lặng. Bởi cậu ta nghĩ đến bốn con gà trống thiến đã vặt trụi lông và chai rượu trong nhà, những thứ đã chuẩn bị cho các ông khách kia. Nhưng mà vì sao, các ông khách lại không vào bàn ngay chứ?
Những khẩu súng đã nhồi đạn xong và được đặt chéo nhau theo hình thánh giá trên một chiếc hộp nhung màu đỏ. Cả hai chàng giúp việc trẻ tuổi đều nhìn vào Bereky chờ đợi.
— Trước hết, tôi xin nói với các ngài hãy cầm súng lên tay. Ngài Mikey tới lấy súng trước, - Bereky trịnh trọng nói.
Iđo run rẩy. Nàng tái mặt đi. Thế là đã rõ, Bereky đã nói dối nàng. Anh nói dối cho nàng yên lòng thôi.
Một tình cảm thôi thúc, giục giã nàng chạy vụt từ đám tổ ong ra đứng giữa hai người như một cái biển cấm vậy, và hô lên:
— Tôi cấm các người nhân danh Đức Chúa, tôi cấm các người đấu súng.
— Nhưng tiểu thư có quyền gì mà cấm chứ? - Nàng như nghe giọng Trobo nói.
Thực tế, nàng có quyền gì nhỉ? Lẽ nào lại có thể nói: Quyền của một trái tim theo đạo ư? Đến nàng còn không cho mình quyền ấy nữa là Trobo.
Rồi thế nào nữa? Hai chàng giúp việc kia sẽ dìu nàng lên cối xay và nói với bà chủ.
— Thưa bà, bà hãy cho phu nhân đây nằm nghỉ một chút, phu nhân khó chịu trong người, rồi sẽ qua cả thôi.
Sau đó, họ sẽ đóng chặt cửa nhốt nàng lại, hoặc cả toán người sẽ lên xe và đi đến những nơi khác xa hơn.
Bereky lại nói:
— Theo luật lệ của cuộc đấu súng, tôi cần phải nói với các quý ngài rằng các ngài có muốn hòa giải không? Muốn hay không? Còn tôi xin nói cả hai ngài đều là những người vô tội. Hai ngài đứng thẳng trên đôi chân và cả hai cơ thể đều đầy đủ như nhau. Các ngài đều có đầu óc, vì vậy, nếu giờ đây các ngài là những kẻ ngu ngốc thì các ngài cứ việc đấu súng giết chết tình bạn bè và làm tổn hại đến gia đình. Các ngài hãy tỏ ra cao thượng và hãy sống dài lâu. Đừng có chỉ vì tranh cãi nhau cái chuyện người Hy Lạp đẹp hơn người Hung mà phải chĩa súng vào người nhau. Đối với tôi, thì dù cho một con gà trống vàng có gáy vào mặt tôi, hay là dội rượu vào tranh của tôi, thì cũng không vì thế mà tôi lại thách thức bạn tôi đấu súng được. Tốt nhất là tôi sẽ nói với người hắt rượu vào tranh tôi:
Cậu hãy cho mình dội lại cậu một cốc rượu hoặc là chúng ta sẽ vĩnh viễn không thèm nhìn mặt nhau nữa
. Chỉ cần thế thôi. Nếu như các ngài cũng nghĩ như tôi, thì các ngài hãy đừng làm tội nhau nữa. Còn tôi, giờ phút này tôi sẽ quay lưng vào các ngài nếu các ngài còn muốn bắn nhau.
Trobo vứt khẩu súng xuống nói:
— Mình cũng không thể bắn cậu được. Bereky đã nói đúng.
— Nhưng mà, cậu đúng là một gã gà trống vàng. Nếu như mình không làm cho da cậu thủng được, thì ít ra mình sẽ cho áo choàng của cậu một lỗ. Hãy nhận lấy làm kỷ niệm nhé.
Mikey nâng khẩu súng lên và nhằm vào áo Trobo đang vắt trên cột biển cấm bắn một phát: Đurr!
Mọi người cười phá lên:
— Thôi đi lên cối xay nào! - Bereky kêu to vui vẻ. - Bữa ăn thịnh soạn đang chờ ta.
Trobo cũng cười, chàng cầm lấy chiếc áo choàng có lỗ thủng vắt trên vai, khoác tay Mikey đi.
— Mình giận cậu quá, - Mikey nói, - nhưng sau đó, nghĩ lại những lời cậu nói, mình lại cảm thấy đúng. Nếu như danh họa Munkaay đã vẽ cái chết của Mozar, thì sao mình lại không thể vẽ cái chết của Rakôchi kia chứ. Những người đứng xung quanh ông sẽ là những người lang thang. Bức tranh đó sẽ mang màu sắc dân tộc biết bao! Mình có thể vẽ họ với trang phục Hung màu sắc như thời kỳ Thổ nhĩ kỳ xâm chiếm nước ta. Rồi những ngọn nến sáng... Nhưng tại sao cậu lại chẳng nói những chuyện này với mình từ trước?
Trobo vừa máy môi định trả lời, thì bất chợt nghe tiếng kêu từ trong vườn, tiếng kêu hoảng hốt lo sợ:
— Hãy đến đây, đến đây ngay!
Rồi chàng thấy một khuôn mặt thiếu niên thò ra vẫy chàng:
— Đến đây nào, giúp cháu với! Vợ của ngài chết rồi, vợ của ngài đấy!
Nói rồi cậu ta chỉ tay vào Trobo.
Mọi người không hiểu có chuyện gì, nhưng cứ nhìn nét mặt tái xanh của cậu bé và giọng kêu thất thanh đó thì tất cả đám đàn ông đều nhảy qua hàng rào lao vào vườn.
Thì ra chiếc áo choàng của Trobo vắt trên tấm biển cấm chỉ cách hàng rào có hai mươi bước chân, mà lại chiếu thẳng đến chỗ có tổ ong, nơi mà Iđo đang nấp ở đó. Khi viên đạn xuyên qua áo choàng nó còn đi tiếp đến chỗ bọng ong. Rồi thật bất ngờ, như sự bất ngờ không tính trước được trong dự kiến của mọi người thợ săn, không nhằm vào đó mà lại bắn được một con thú. Cái vở hài kịch vui vẻ ấy lại không may, - viên đạn xuyên vào ngực Iđo...
Nàng đổ vào người Hanzi như một bao gạo. Ô che nắng, ví xách tay đều rời khỏi tay nàng và rơi xuống trên mặt đất.
Phút đầu tiên, Hanzi còn chưa biết chuyện gì xảy ra với bà phu nhân trẻ tuổi đó. Quý bà giật mình vì tiếng nổ? Hay là vì bị ong đốt? Cậu thiếu niên đỡ Iđo trong cánh tay và nhìn Iđo một cách bất lực. Nhưng rồi Hanzi bỗng thấy có một vết máu tròn ở ngực áo sơ mi nhìn qua chiếc áo khoác nhung không cài khuy.
— Chết, thế này thì nguy rồi!
Cậu ta đỡ Iđo ra khỏi đám tổ ong rồi mới kêu to:
— Lại đây mau! Lại mau!
Trobo tưởng chừng như bị rơi vào giấc mộng khủng khiếp. Chàng ngẩn ngơ nhìn, và quì gối xuống nâng Iđo lên cánh tay mình gọi:
— Iđo!
Iđo dường như không còn thở nữa.
Vệt máu tròn trên ngực trắng cứ mỗi lúc một loang rộng hơn. Đầu của nàng mềm oặt trong tay Trobo. Tóc nàng xổ tung rơi xuống đất. Làn da vẫn trắng mịn màng trên mặt nàng nhưng rợp dưới hàng mi đen là hai quầng mắt màu xanh xẫm. Dưới cằm nàng cũng hắt bóng xanh, một độ chênh mịn màng.
Trobo cứ nhìn thẫn thờ vào mặt nàng như người bị hóa đá.
Mọi người xung quanh nháo nhác bảo nhau:
— Mang nước tới đây! Mang dấm lại đây!
Những người ở trong cối xay cũng chạy ra, nhìn cảnh đó với một sự khủng khiếp.
Chỉ có một mình Bereky là lắc lắc đầu rống lên:
— Không thể được! Hoàn toàn không thể thế được! Tôi đã trộn bụi than vào thuốc súng nhiều đến nỗi, đứng cách nhau mười lăm bước có bắn trúng người cũng không thể chết được.
Nhưng anh cũng tái mặt như tất cả mọi người vây xung quanh Iđo; kể cả dân bản xứ nữa. Người đầu bếp cùng với cả gà quay chạy ra, bà chủ cối xay đứng đó nét mặt ngơ ngác thất thần.
— Ôi, giết người, - Bà lẩm bẩm. - Sự giết người đây mà!... Thôi, thế là tôi phải ra vành móng ngựa rồi, vì chuyện xảy ra tại nhà tôi đây.
— Này các ngài bác sỹ, làm việc đi - Trobo gầm lên bằng tiếng Đức.
Hai ông bác sỹ lúng túng như chưa từng bao giờ nom thấy người bệnh cả. Hai ông xách hòm đồ lề lẩn ra phía sau mọi người dù có nắm cổ áo mà kéo lại, thì các ông cũng không thể biết được đâu là vết thương nữa.
— Bọn họ không phải là bác sỹ đâu, - Bereky đau khổ thốt lên, - Chúng ta cần phải tìm bác sỹ ở đây mới được, ở tại địa phương này.
— Nếu đến thành phố thì cô gái chết rồi còn gì, - bà chủ cối xay gió mặt đầy nước mắt nói, - Đấy em gái tôi cũng chết vào cái tuổi như thế này đấy. Tên em tôi là Adel. Bây giờ, tôi lại nhìn thấy mặt cô ấy...
Trobo lại kêu ầm lên gọi bác sỹ.
— Thế gần đây nhất có bác sỹ nào không?
Vết máu trên ngực Iđo vẫn loang rộng thêm.
— Gần đây nhất có bác sỹ Wagner, nhà ở cạnh ngôi nhà mái đỏ kia kìa.
— Thế thì cháu hãy lên xe đi! Hãy quất ngựa chạy nhanh lên mời ông ta tới đây. Này Đierchan, cậu vốn là sinh viên trường y phải không? Hãy thử xem nào, cởi áo cô ấy xem vết thương đi!
Chàng đặt Iđo nằm xuống, rồi chạy theo Hanzi:
— Đợi đấy, chú sẽ đi cùng cháu, để nếu như ông bác sỹ này không có nhà, chúng ta sẽ đi tìm chỗ khác.
Chàng nhìn trong hai cỗ xe, xem ngựa bên nào khỏe hơn, rồi chàng không chui vào trong xe, mà nhẩy lên chỗ ngồi của xà ích, rồi nắm lấy dây cương giục ngựa chạy.
— Tôi sẽ trả tiền thuê ngựa thêm! - chàng ngoảnh lại nói với người đánh xe.
Người đánh xe đã biết chuyện gì vừa xảy ra, cho nên đáp lời:
— Ngài cứ việc phóng hết sức.
Trobo ngạc nhiên khi có cảm giác chiếc xe không nhúc nhích, hoặc là chạy quá chậm đi.
Khi cỗ xe đến trước ngôi nhà, Trobo như đã mất hết hy vọng:
— Cô ấy chết mất thôi.
Nước mắt chàng cứ rơi ra.
— Tội nghiệp con chim bồ câu bé nhỏ...
Bác sỹ không có nhà. Họ lại đi tìm một ông bác sỹ khác.
Trobo xé một tờ giấy trong quyển sổ ra, tay run rẩy viết lên đó địa chỉ ông Ô Pêter với dòng chữ:
Iđo bất ngờ bị chết, đợi cha đến rồi sẽ quyết định nhé!
— Hanzi, cháu hãy mang tờ giấy này đến phòng điện báo nhé, đi tàu điện ấy. Đây, chú đưa cho cháu hai mươi mác đây.
Chàng nghĩ, nếu như Iđo qua khỏi, chàng sẽ đánh ngay bức điện thứ hai để ông Pêter khỏi phải đến.
Vừa lúc đó, ông bác sỹ về nhà, ông khoác một áo choàng rộng, bộ râu quai nón rậm màu xám, nom ông đã có tuổi.
— Thưa bác sỹ, mời bác sỹ đi với tôi ngay, vợ tôi bị bắn vào người, không hiểu cô ấy còn sống không hay đã chết mất, tôi chưa biết được. Bác sỹ hãy mang theo đồ cấp cứu nhé.
— Cô ấy bị ngất ư?
— Không phải.
— Ở khóe môi có máu chảy ra không?
— Không.
— Đạn có xuyên qua sau lưng không?
— Tôi chưa kịp nhìn, nhưng mà tôi thấy máu trên ngực.
— Thế thì lẽ ra phải đi tìm bác sỹ chữa vết thương cơ, bởi vì tôi chỉ là bác sỹ đa khoa, nhưng mà trong lúc chưa có bác sỹ chuyên khoa tôi sẽ cấp cứu cho đã.
Một vài phút sau, ông chạy ra với chiếc vali da nhỏ màu đen, ông nhảy lên xe ngồi.
Trobo lại quất ngựa chạy vội.
Iđo vẫn còn nằm ở chỗ cũ, như khi chàng chạy đi. Bây giờ, đầu nàng nằm trong lòng bà chủ cối xay. Áo nàng đã được mở ra và trên ngực có miếng bông ướt. Đierchan đang lau máu trên ngực nàng.
— Máu không bị chảy nhiều đâu - Đierchan quay lại nói khi ông bác sỹ bước vào, - nhưng mà máu vẫn rỉ ra liên tục.
Anh giở miếng bông lên thấy một vết thương mảnh và dài, ở ngang khoảng giữa xương ngực. Vết thương dài khoảng vài xăngtimét.
Ông bác sỹ cúi xuống xem xét vết thương, rồi lấy trong vali đồ nghề ra một lọ thủy tinh nhỏ dí vào mũi Iđo.
Bỗng mũi và mắt Iđo động đậy.
— Còn sống, còn sống! - Mọi người xôn xao kêu lên một lúc.
Nhưng rồi những nét mặt vẫn đọng vẻ bồn chồn.
Ông bác sỹ lấy từ trong vết thương ra một mảnh sắt nhọn mảnh, khi ông khám xét vết thương.
— Không sao đâu! - ông tuyên bố.
— Ôi nhờ ơn Chúa! - Anh Mikey thở phào thốt lên nhẹ nhõm, - Nếu có việc gì xảy ra thì tôi không bao giờ có thể chuộc lỗi nổi.
Khuôn mặt bà chủ cối xay gió cũng tươi hẳn.
— May quá, nếu cảnh sát mà phải tới đây thì chết tôi rồi.
— Không có gì nguy hiểm đâu, - ông bác sỹ nhắc lại, - vết thương không phải do đạn gây ra. Cô ấy bị ngất vì lý do khác.
Ông lại lấy một miếng bông thấm cồn áp vào vết thương, và máu không còn chảy ra nữa.
— Tôi sẽ dán vào đây một miếng cao Ănglê rất tốt, cô ấy sẽ không cảm thấy đau nữa đâu.
Iđo đã đứng dậy, nhưng nàng phải dựa vào tay Trobo mới đi lên nhà được.
Mọi người vui mừng cầm ô, xắc tay, mũ của nàng vào theo.
Bây giờ mọi người mới hiểu nguyên nhân, viên đạn vô tình chạm vào đúng cán ô. Cán ô lại đập mạnh vào ngực Iđo và những mảnh xước ở trên cán ô, do viên đạn làm tước ra đã đâm vào ngực Iđo. Nhưng nàng không bị ngất đi vì vết thương mà lại bị ngất vì cán ô đang cầm trong tay bị viên đạn động tới đập mạnh vào đúng ngực, Iđo tưởng là nàng đã trúng đạn và thế là nàng ngất đi.
Nửa giờ sau, họ đã ngồi xung quanh bàn. Người ta đã lau gột máu từ áo sơ mi và áo khoác của Iđo. Làn da mịn màng của nàng nom hơi xanh xao, nhưng mà nàng cũng vẫn có thể ăn được món gà quay của bà chủ cối xay.
Hai ông bác sỹ giả mạo bỏ hai đôi kính không số ra, lấy trong hộp đồ lề to ra hai chiếc đàn violon. Thì ra họ là những nhạc công người Hung - Digan. Tất nhiên, trong dự trù của Bereky không tính đến việc thuê bác sỹ thật.
Buổi tối, khá muộn họ mới về đến nhà. Kati ra đón họ, và đưa cho họ một bức điện gửi đến từ chiều.
— Điện của ông chủ đây ạ.
— Trời, chó má quá, thế mà tôi quên bẵng đi mất, - Trobo đập tay lên trán:
Trên bức điện chỉ có hàng chữ:
Hãy đặt lên quan tài hai vòng hoa tên cha và tên Nôra. Cha không thể đến dự lễ tang được, cha sẽ gửi tiền nếu con rể cần.
Ô. Pêter.