1


Số từ: 2760
Tác giả: Cát Thảo
BachvietBooks phát hành
NXB Văn Học

Một câu chuyện được bắt đầu từ quá khứ
Một câu chuyện chẳng thể phai mờ theo thời gian
Một hiện tại chênh vênh
Một tương lai mà chưa ai nói trước được điều gì.


.......
N
hững tia nắng len yếu ớt qua tấm rèm rọi vào mắt khiến tôi thức giấc. Do dự vài giây, tôi kéo tấm rèm. Ánh nắng không khẽ khàng nhưng cũng chẳng gay gắt, nắng vẫn mang một màu tươi mới – màu săc không đượm ưu tư. Dụi đôi mắt sưng húp vì khóc cả đêm tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, tuyết đã rơi.
Con đường phía dưới lấm tấm tuyết. Trên nóc những chiếc ô tô phủ đầy tuyết trắng, tưởng như chỉ cần một vết chân đặt lên tấm thảm tuyết dưới kia thì sẽ phá vỡ đi vẻ thuần khiết ấy. Hôm qua, cái xơ xác của lá khô khiến đất trời ảm đạm thì hôm nay cái tinh khôi của tuyết trắng khiến người ta bàng hoàng. Tuyết rơi đêm, ông trời lén lút đem cho đứa con – mảnh đất nơi này tấm áo khoác khó phai màu, khó hoen ố.
Đông thật sự đã sang
, tay vuốt khung ảnh tôi thầm thì với anh như vậy.
Có lẽ anh chưa bao giờ biết sự tồn tại của tấm ảnh này.

Tôi trở về nhà sau những ngày thi cử căng thẳng. Thú thật, tôi không thích về nhà vì sợ cô đơn, nhất là trong thời tiết lạnh lẽo như thế này nhưng tôi không thể để người tôi yêu thương nhất chịu cô đơn được. Mẹ tôi lúc nào cũng luôn một mình, khi bà sống, khi bà nuôi tôi và cả khi bà ra đi. Nếu có ai hỏi tôi, thế nào là đau khổ, tôi sẽ nghĩ ngay đến mẹ và nói rằng
Hãy nhìn vào bà ấy!


Một ngày đông rét mướt. Bịt kín từ đầu đến chân, cúi gằm mình tránh rét, tôi bước trên lớp tuyết khá dày. Tuyết lạo xạo dưới chân. Ngoài đường chẳng vì thế mà ít người qua lại. Người ta ai cũng khoác lên mình áo lông vũ, giày đi tuyết, những mũ những khăn. Gương mặt của ai cũng như nhau, đều bị tuyết phủ lên vẻ lạnh lùng buốt giá. Đang bước, tôi khựng lại theo phản xạ bởi dáng người quen thuộc ở phía trước.
• Em về nhà sao không nói với anh? – Anh bước đến bên tôi, và hỏi.
• Em nghĩ là, em không phải nói với anh… – Tôi ấp úng trả lời.
• Em đừng trốn tránh anh nữa, được không?
Anh lại cười, nụ cười như ấm áp nhưng lại lành lạnh như những hạt mưa rơi trong tâm tưởng tôi. Có chúa mới biết sao anh lại có nụ cười kì lạ đến vậy, nhưng dù thế nào, tôi cũng ước thêm một lần mẹ được nhìn thấy nụ cười của anh.
Mẹ tôi, người luôn giữ gìn khung ảnh của anh, mẹ nhìn, mẹ vuốt ve, có lúc nước mắt lặng lẽ rơi. Vũ, là con của mẹ, là niềm vui và cũng là nước mắt của bà. Cũng có lẽ, bởi anh là Vũ nên bà gọi tôi là Lệ Dương.
Tôi không biêt nên nói ông trời công bằng hay bất công khi ban cho mẹ tôi vẻ đẹp mà một người phụ nữ nghèo khó mà có được, còn mẹ anh là một người đàn bà sang trọng nhưng lại bị tước đi thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ.
Cuộc sống xô đẩy như vậy, khiến hai người đàn bà và một người đàn ông vướng vào mối quan hệ quẩn quanh. Nhưng bởi ông – bố anh là người đàn ông dịu dàng, nên mẹ đã dành cho ông không chỉ một đứa con mà cả tình cảm sâu kín trong trái tim bà. Họ đưa anh đi khi anh mới ba tháng tuổi và anh chẳng thể biết sự thật ấy.
Tôi là một đứa trẻ được mẹ đem về nuôi. Cũng từ lúc đó, tôi biết gọi tiếng
mẹ
, mẹ được gọi
con
. Hai mẹ con sống trong một căn hộ nhỏ, đồ đạc đơn sơ. Lúc mới về đây, tôi hỏi mẹ:
• Mẹ ơi! Cậu bé kia là ai vậy?
• Không phải cậu bé đâu con, là anh trai con đấy?
• Sao anh không ở đây với mình hả mẹ?
• Ừ, anh có một gia đình khác.
• Con muốn gặp anh quá.
Mẹ chỉ vuốt tóc tôi mà không nói gì. Lúc ấy, tôi chưa đủ lớn để hiểu những nhớ nhung mẹ dành cho anh, tôi cứ ngây ngô cứa thêm nỗi đau vào lòng mẹ. Buổi tối trước khi đi ngủ tay mẹ trôi trên khung hình, miệng mẹ thầm thì điều gì đó. Tôi làm theo mẹ, và thì thầm với anh, đủ để mẹ nghe thấy
Vũ à, anh ngủ ngon nhé!

Khi lớn hơn, tôi không còn ngây ngô như khi còn nhỏ. Tôi cảm nhận được đôi mắt mẹ sâu trũng như để giấu nước mắt. Tôi biết mẹ rất vất vả. Mẹ làm việc tại một siêu thị lớn, công việc bận rộn, nhưng đồng lương chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Cho đến một hôm, tôi về nhà thấy cửa không đóng và một đôi giày nam xếp gọn gàng trước cửa. Khi tôi đi vào thì mẹ và người đàn ông lạ đang ngồi giữ khoảng cách, nhưng bàn tay mẹ nằm gọn trong bàn tay người đàn ông ấy. Thấy tôi, họ bối rối buông tay.
• Con về rồi!
• Về rồi à con, chào bác đi!
• Cháu chào bác ạ. – Tôi vẫn lễ phép chào, dù thấy hơi lạ vì cảnh tượng vừa rồi.
• Ngoan quá. – Bác hiền từ nhìn tôi, ánh mắt thật ấm áp thân quen.
Tôi ngồi trong phòng, băn khoăn không biết có nên ra ngoài ngồi không vì mẹ và bác đang nói chuyện, nhưng tôi lại tò mò muốn biết người đàn ông kia là ai, sao mẹ và ông ấy lại thân mật đến vậy. Sau cùng, tôi ngồi trong phòng chờ đợi với những câu hỏi cứ xoay lòng vòng trong đầu của một đứa trẻ mới lớn. Có khi nào mẹ sẽ kết hôn? Tôi băn khoăn rồi lại tự nói với chính mình, nếu có ai che chở được cho mẹ và đừng ghét bỏ tôi thì quả thực là tốt quá.
Chừng năm mười phút sau, mẹ gọi tôi ra, người đàn ông ấy đã về, tôi mới dám hỏi mẹ.
• Bác ấy là ai vậy mẹ?
Mẹ lưỡng lự nhìn tôi hồi lâu. – Mẹ nghĩ là đã đến lúc con đủ lớn để biết mọi chuyện.
Mẹ ôm lấy tôi, trầm ngâm kể:
Con vẫn hỏi mẹ vì sao Vũ không ở cùng chúng ta phải không? Chuyện xảy ra cách đây cũng gần hai mươi năm rồi. Bác ấy là cha của Vũ. Dạo đó bác ấy không còn trẻ, dù cố gắng nhưng gia đình ấy vẫn không thể có con. Rồi vợ bác ấy gặp mẹ phụ việc ở một hàng ăn, nên ngỏ lời với mẹ. Mẹ cũng không hiểu vì sao bà ấy lại chọn mẹ, bà ấy hứa sẽ cho mẹ một căn hộ nhỏ và tìm một công việc tốt hơn.
Mẹ ngừng một lúc rồi nói tiếp:
– Ban đầu mẹ không đồng ý, việc không có chồng mà lại có bầu, mà nhất là với một người xa lạ thì điều đó thật quá khó khăn cho mẹ. Nhưng rồi sự chân thành của bác gái, sự nhẫn nhịn một người phụ nữ chấp nhận để chồng mình có con với người khác, chấp nhận nuôi một đứa trẻ không phải máu mủ của mình đã khiến mẹ đã suy nghĩ rất nhiều. Lúc ấy bà ngoại bệnh, gia đình khó khăn, nên lần thứ hai bà ấy quay lại, mẹ đã đồng ý. Cha của Vũ là một người đàn ông tốt, khi mẹ mang bầu, bác ấy không chỉ đến thăm mẹ, mà đến thăm cả bà ngoại. Khi bà ngoại mất, bác ấy cũng động viên mẹ rất nhiều.
• Thế sao bác ấy vẫn mang anh Vũ đi mà không để anh ấy ở lại đây với mẹ?
• Dù sao để Vũ lớn lên với họ cũng tốt cho Vũ hơn… – Mẹ nói rất chậm, đôi mắt trũng sâu lại đong đầy nước.
• Vậy hôm nay bác ấy đến là…
• Hôm nay bác ấy đến để báo cho mẹ Vũ đã đỗ vào trường X, trường mà Vũ thích.
• Sau này con cũng sẽ thi vào đó.
Mẹ nghe rồi chỉ lặng im, tôi không biết mẹ buồn hay vui và có đồng ý với quyết định của tôi không. Chỉ biết mẹ vẫn cứ trầm tư như vậy.
• Mà có phải anh ấy là Vũ, nên mẹ gọi con là Dương không?
Mẹ chỉ xoa đầu tôi, đôi mắt mẹ cười, nhưng buồn lắm. Khi ấy, tôi chưa thể hiểu hết nỗi đau trong mẹ. Tôi, đơn thuần chỉ tìm thấy sự đồng điệu của hai người phụ nữ, tôi không giận bà ấy – người đã mang Vũ đi, vì có lẽ, trong bà cũng ẩn chứa nỗi đau, nỗi đau của một người không có thiên chức làm mẹ, bởi vậy bà phải chăm sóc và yêu thương một đứa trẻ không phải máu mủ ruột thịt. Và có lẽ, bà cũng là người tốt thì mới có thể hành động như vậy, cũng như mẹ nhận tôi về nuôi, nhận một đứa trẻ xa lạ về làm con.
Tôi chỉ biết đôi mắt mẹ buồn xa xăm, chứ tôi không biết rằng, ở nơi xa xăm ấy là nỗi đau của một người đem con mình cho người khác, không chỉ đau, mà còn xót. Có lẽ, bà luôn day dứt, bà muốn được nghe tiếng gọi
Mẹ
từ Vũ, bà thèm cảm giác thức đêm, canh giấc ngủ cho con trai, hay ầu ơ những câu dân ca mộc mạc. Giấc ngủ con thiếu lời ru của mẹ, sự lớn lên của con thiếu bàn tay mẹ chăm sóc. Nhưng, Vũ sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được điều ấy, bởi với anh, người phụ nữ kia mới là mẹ anh.
Với tôi khi ấy, Vũ là một người vừa gần gũi, vừa xa vời, vừa hạnh phúc, vừa ẩn chứa những điều đắng cay. Và những điều đắng cay, mà bản thân Vũ không hề biết.
Thời gian mải miết trôi, những cố gắng của tôi cũng được đền đáp. Tôi đỗ vào trường X. Và tôi bắt đầu tìm anh. Tôi lên mạng, tìm trường X và tên anh. Thật lạ, kết quả chỉ có một. Chỉ một cái tên Vũ Cười hiện ra, tôi ngỡ ngàng nhìn tấm hình đại diện, đó là một chàng trai với nụ cười rất rực rỡ. Nụ cười của mưa là như vậy sao?
Anh đã khác, đã khác với tấm hình khi bé rất nhiều. Anh không còn là cậu bé tôi vẫn nói chúc ngủ ngon hàng ngày, mà đã ra dáng đàn ông và rất chững chạc. Nhưng có lẽ, vẫn là anh có nụ cười của mưa, mướt một màu mát mẻ, không ưu phiền. Tôi kết bạn với anh và lặng lẽ theo dõi những dòng trạng thái, những tấm ảnh anh chụp, những MV anh xem. Tôi, chỉ đơn giản muốn biết cuộc sống của anh thế nào, có hạnh phúc hay không, thật may mắn là cuộc sống của anh luôn vui vẻ.
Kì học đầu tiên tôi không đăng kí những môn tự chọn, những ngày cuối tuần tôi về nhà với mẹ. Mỗi ngày của tôi có bạn bè, có học tập nhưng mẹ không phải vậy, tôi không muốn thấy mẹ đơn côi trong căn nhà ấy. Tôi mang về nhà những câu chuyện trường lớp và cả những câu chuyện của anh. Có lẽ không bao giờ tôi quên được hình ảnh của mẹ khi ấy, khi tôi nhắc đến Vũ.
Chỉ cần nghe thấy tên anh là khiến đôi mắt mẹ vụn vỡ, những trũng sâu, những trong veo mẹ gìn giữ bấy lâu bỗng trào dâng, òa trên gương mặt khắc khổ. Mẹ khóc. Mẹ cười. Nhưng, tuần nào cũng vậy, tôi vẫn về và nhắc đến anh, đôi mắt mẹ vẫn vỡ vụn. Mẹ vẫn khóc. Mẹ vẫn cười. Cũng như tôi biết, mẹ vẫn buồn, nhưng mẹ cũng vui.
Tôi vẫn dõi theo anh. Ngày ngày, khi mở máy tính, việc đầu tiên tôi làm là vào xem trang cá nhân của anh, việc ấy khiến đám bạn cùng phòng nói tôi thích anh, tôi chỉ cười, đôi khi đâu cần giải thích. Có đôi lần anh cũng vào trang của tôi, có lẽ anh cũng tò mò hoặc thấy khó chịu về việc tôi thường xuyên đến thăm
nhà
anh như vậy. Nhưng rồi mọi chuyện lại lặng trôi.
Kì học thứ hai, tôi vẫn không đăng kí môn tự chọn. Tôi đến trường nhưng hầu như không ở lại kí túc. Mẹ bị bệnh nằm viện nên mỗi khi không có giờ học tôi lại đến với mẹ. Tôi mơ hồ cảm giác sẽ chẳng còn nhiều thời gian ở bên mẹ. Thời gian qua đi nhanh thật nhanh, nhanh đến mức tôi chẳng kịp nhận ra vẻ héo hắt ở mẹ. Mẹ khéo léo giấu đau thương trong từng nụ cười, và có lẽ, cả một nụ cười lúc mẹ ra đi.
Mẹ ra đi vào một ngày nắng hạ hiu hắt, là ngày thi cuối kì, tôi làm bài thi trong tâm trạng gấp gáp, bất an. Đêm trước mẹ bên tôi, dựa gương mặt hốc hác lên bờ vai ướt đẫm, mẹ khóc, mẹ nhớ anh và mẹ nhớ cả cha anh. Tôi chưa từng thấy mẹ yếu đuối đến vậy, tôi lặng im lắng nghe từng hơi thở yếu ớt, từng lời nói chua chát mẹ nói ra.
Hôm sau, khi đám bạn vừa nộp bài thi vừa tíu tít nói về dự định du lịch trong kì nghỉ thì tôi vội vàng mở điện thoại. Tin nhắn bác sỹ gửi khiến trái tim tôi vỡ vụn. Chưa khi nào tôi thấy quãng đường từ trường đến bệnh viện lại dài đến vậy, và cũng chưa khi nào, nước mắt của tôi miên man đến thế.
Mẹ đã ra đi, ra đi khi không kịp nhìn tôi lần cuối, ra đi khi những câu chuyện về anh còn dang dở, ra đi khi những nỗi đau của mẹ còn chất đầy. Họ nói với tôi rằng khi ra đi mẹ không hề đau đớn. Họ nhắn nhủ với tôi rằng mẹ xin lỗi vì không thể ở bên và chăm sóc tôi nhiều hơn. Họ an ủi tôi rằng mẹ rất yêu tôi, nếu như tôi yêu mẹ thì phải mạnh mẽ, đừng suy sụp.
Họ nói, họ cứ nói, họ vẫn nói. Họ không biết, mẹ là người cho tôi cuộc sống, mái nhà và tình yêu thương, nếu không có mẹ, giờ này tôi sẽ là ai, liệu tôi có còn tồn tại trên thế gian này nếu ngày ấy mẹ không đưa tôi đi, nếu mẹ không đưa cho tôi chiếc bánh bao nóng khi tôi đang bới thùng rác để tìm thứ gì đó cho vào bụng. Với tôi, mẹ là tất cả, tôi ở bên mẹ mà chưa thể báo đáp mẹ một ngày, dù tôi có tỏ ra ngoan ngoãn hay giỏi giang, nhưng tôi vẫn chưa từng chăm lo cho mẹ, dù chỉ một ngày.
• Bác đã thanh toán viện phí, bác cũng sẽ giúp cháu lo liệu tang lễ. Cháu đừng quá buồn phiền, hãy để mẹ cháu nơi suối vàng yên tâm về cháu. – Người phụ nữ ấy nói với tôi như thế, nhưng tôi chẳng thể đáp lời.
Mẹ đã mãi mãi ra đi, và tôi lại đơn độc trên thế gian này. Mẹ mang đi một trái tim dang dở, một gia đình dở dang, và mang đi cả tôi của ngày có mẹ. Tôi lại là tôi, lại một mình đơn độc trên cõi đời.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nắng, Mưa, em và anh....