Phần 1 - Chương 13: Nhân vật xuất hiện


Số từ: 10934
Dịch giả: Đoàn Tử Huyến
Nguồn: Nhà xuất bản Văn học
[1]
Và thế là, người khách lạ mặt đưa ngón tay lên dọa Ivan và thì thầm
Xuỵt!

Ivan buông chân xuống giường, đưa mắt nhìn kỹ. Từ ngoài ban công thận trọng ngó vào phòng là một người đàn ông chừng ba mươi tám tuổi [2] , tóc đen, râu cạo nhẵn, mũi nhọn, với cặp mắt có vẻ lo lắng và một món tóc rũ lòa xòa xuống trán.
Sau khi lắng nghe kỹ lưỡng và tin chắc rằng Ivan chỉ có một mình, người khách bí ẩn trở nên bạo dạn và bước vào phòng. Ðến lúc này Ivan nhận thấy người vừa mới đến cũng mặc bộ đồ bệnh viện: quần áo dùng trong nhà, chân đi giày vải không tất, trên vai vắt chiếc áo khoác vải nâu.
Người bước vào nháy mắt với Ivan, giấu chùm chìa khóa vào túi, thì thầm hỏi:
Có thể ngồi được chứ?
- và, sau khi nhận được cái gật đầu đồng ý, anh ta thả người xuống chiếc ghế bành.
„Làm sao anh vào được đây?„ tuân theo ngón tay dọa phải im lặng của người khách, Ivan thì thầm hỏi, «vì lưới chắn ban công bị khóa kia mà?»
„Lưới thì bị khóa
, người khách đáp, «còn Praskovia Phedorovna là một người cực kỳ dễ thương, nhưng than ôi, lại đãng trí. Một tháng trước đây tôi cuỗm của chị ta chùm chìa khóa này, nhờ vậy có được khả năng ra ban công chung, mà nó thì kéo dài suốt cả tầng, nên tôi thỉnh thoảng có thể sang thăm người láng giềng được.»
„Nếu như anh đã có thể ra ban công, thì anh cũng có thể trốn được. Hay là cao quá?„ Ivan tò mò hỏi.
„Không
, người khách quả quyết đáp, «tôi không thể trốn khỏi đây không phải vì cao quá, mà vì tôi không biết trốn đi đâu cả.„ Ngừng một lát, anh ta nói thêm: „Thế nào, chúng ta ngồi với nhau một lát chứ?»
„Vâng, ta ngồi một lát
, Ivan đáp và nhìn sâu vào cặp mắt nâu và có vẻ rất bồn chồn của người khách.
„Thế đấy...„ người khách chợt tỏ vẻ hốt hoảng, «nhưng anh, tôi hy vọng anh không phải là người hay gây sự ồn ào đấy chứ? Còn không thì, anh biết không, tôi không chịu nổi sự ồn ào, nhốn nháo bạo lực và tất cả những chuyện tương tự. Ðặc biệt tôi rất ghét tiếng người kêu la, dù cho đó là tiếng kêu đau khổ, giận dữ hay bất kỳ một thứ tiếng kêu nào khác. Anh hãy nói cho tôi yên tâm đi, là anh không hay gây sự chứ?»
„Tối qua ở tiệm ăn tôi đã choảng vào mõm một tay
, nhà thơ đã được biến cải dũng cảm thú nhận.
„Duyên cớ?„ người khách nghiêm khắc hỏi.
„Nói thật ra, chẳng có duyên cớ nào cả
, Ivan ngượng nghịu đáp.
„Tồi tệ quá
, người khách phê phán Ivan, rồi nói thêm: „Và ngoài ra, sao anh lại diễn đạt như thế: choảng vào mõm? Bởi vì chưa biết rõ cái gì ở con người: mõm hay mặt. Và có lẽ dù sao cũng là mặt chứ. Vậy cho nên, anh biết không, bằng nắm đấm... không, điều đó thì từ nay về sau anh phải bỏ hẳn đi.»
Sau một lúc lên lớp cho Ivan bằng cách đó, người khách lại hỏi:
„Nghề nghiệp?»
„Nhà thơ
, không hiểu sao Ivan thú nhận một cách miễn cưỡng.
Người khách tỏ vẻ thất vọng.
„Ôi tôi thật không may!„ Anh ta thốt lên, nhưng lập tức nhớ ra, xin lỗi, rồi hỏi: „Thế họ của anh là gì?»
„Bezdomnưi.

„Ô, ô
, người khách nhăn mặt, nói.
„Thế nào, không thích thơ của tôi à?„ Ivan tò mò hỏi.
„Không thích tí nào.

„Anh đã đọc những bài nào rồi?

„Tôi chưa đọc bài thơ nào của anh cả!„ người khách nóng nảy kêu lên.
„Thế sao anh lại nói như thế?

„Thì như vậy có sao.„ người khách đáp,
làm như tôi không đọc của người khác ấy à? Mà thêm vào đó, chẳng lẽ ở đấy có gì là kỳ quái? Thôi được, tôi sẵn sàng tin anh. Anh hãy tự mình nói đi, thơ của anh hay lắm à?

„Khủng khiếp!„ Ivan bỗng dũng cảm và chân thành nói to.
„Anh đừng viết thêm nữa!„ người khách nói một cách khẩn khoản.
„Tôi xin hứa và xin thề!„ Ivan long trọng thốt lên.
Hai người bắt tay để chứng thực lời thề. Vừa lúc đó ngoài hành lang nghe có tiếng người và tiếng bước chân khe khẽ.
„Xuỵt!„ người khách thì thào và nhảy ra ban công, khép tấm lưới lại sau lưng mình.
Praskovia Phedorovna ló đầu vào thăm tình hình sức khỏe của Ivan và hỏi anh muốn ngủ trong tối hay để đèn sáng. Ivan xin cứ để đèn, và Praskovia Phedorovna chúc người bệnh ngủ ngon rồi bỏ đi. Khi tất cả trở nên yên lặng, người khách lại quay trở vào.
Anh ta thì thầm thông báo với Ivan rằng ở phòng 119 người ta vừa mang đến một bệnh nhân mới, một ông béo với bộ mặt đỏ lựng, cứ luôn miệng lảm nhảm về những tờ ngoại tệ nào đó ở ống thông gió và thề thốt rằng ở trên phố Sadovaia của ông ta có ma quỷ đến ở. Ông ta chửi rủa thậm tệ Puskin và liên tục hét:
Kurolesov, bis, bis!
- người khách nói, bồn chồn cựa quậy. Một lát sau bình tĩnh lại, anh ta ngồi xuống, nói: „Mà thực ra, mặc xác ông ta với quỷ sứ
, rồi tiếp tục câu chuyện bỏ dở với Ivan: „Thế vì chuyện gì mà anh lại rơi vào đây?

„Vì Ponti Pilat!„ ủ rũ nhìn xuống sàn nhà, Ivan đáp.
„Sao?!„ Quên cả sự thận trọng, người khách thốt lên và vội vàng đưa bàn tay bịt miệng lại. „Một sự trùng hợp đáng kinh ngạc! Tôi xin, tôi xin anh hãy kể lại đi!

Không hiểu sao cảm thấy tin tưởng đối với người khách lạ, lúc đầu còn nói lắp bắp và rụt rè, nhưng sau mạnh dạn dần, Ivan bắt đầu kể lại câu chuyện xảy ra hôm qua ở Hồ Pat'riarsi. Ðúng là Ivan Nikolaievich đã tìm thấy ở kẻ đánh cắp chìa khóa này một người nghe như ý! Anh ta không gọi Ivan là mất trí, mà thể hiện một sự chăm chú tột độ đối với câu chuyện Ivan kể, cuối cùng thì tỏ ra thật sự khoái chí, thỉnh thoảng lại ngắt lời Ivan bằng những tiếng kêu cảm kích:
„Chà, thế đấy! Tiếp đi, kể tiếp đi, tôi xin anh! Nhưng vì Chúa thiêng liêng, anh đừng bỏ sót gì hết đấy!

Ivan không hề bỏ sót gì hết, chính anh cũng cảm thấy việc kể lại thật dễ dàng và dần dần câu chuyện đã đi đến chỗ Ponti Pilat khoác áo choàng trắng với lần vải lót đỏ như máu bước ra ban công.
Lúc đó người khách chắp hai tay lại với nhau như cầu nguyện và thì thào:
„Ôi, đúng như tôi đoán! Ôi, đúng như tôi đoán!

Ðoạn mô tả về cái chết của Berlioz được người nghe đệm kèm theo một nhận xét khó hiểu, đồng thời cặp mắt anh ta bừng lên tia giận dữ:
„Chỉ có một điều tôi tiếc, là không phải nhà phê bình Latunski [3] hay nhà văn Mstislav Lavrovich ở vào chỗ Berlioz
, rồi anh ta hét tiếp, nóng nẩy nhưng không thành tiếng: „Tiếp tục!

Ðoạn kể về con mèo biết trả tiền cho người bán vé làm người khách đặc biệt thích thú, và cố nén tiếng cười khe khẽ, anh ta nhìn Ivan; anh này, phấn khởi vì thành công của câu chuyện kể, đang nhảy ngồi trên hai chân sau bắt chước con mèo với đồng mười kôpếch cạnh bộ ria.
„Thế đấy
, kể xong chuyện xảy ra ở nhà Griboedov, Ivan buồn bã và uể oải kết thúc: „và tôi rơi vào đây.

Người khách thông cảm đặt bàn tay lên vai Ivan và nói.
„Ôi nhà thơ bất hạnh! Nhưng chính anh, anh bạn thân mến ạ, có lỗi trong mọi chuyện. Không nên tỏ ra suồng sã và thậm chí hơi hỗn láo với họ như vậy. Vì thế mà anh phải trả giá đấy, và cần phải cảm ơn là mọi chuyện kết thúc với anh tương đối nhẹ.

„Nhưng mà rốt cuộc thì ông ta là ai mới được chứ?„ Trong cơn kích động, Ivan vung vẩy nắm đấm, hỏi.
Người khách nhìn kỹ Ivan và đáp lại bằng câu hỏi:
„Nhưng liệu anh có hoảng hốt không đấy? Tất cả chúng ta ở đây đều là những người không được vững vàng cho lắm... Sẽ không phải gọi bác sĩ, phải tiêm và những thứ phiền toái khác chứ?

„Không, không!„ Ivan thốt lên. „Anh hãy nói đi, ông ta là ai?

„Thôi được
, người khách đáp và nói chắc chắn, rõ ràng từng lời một: „Hôm qua ở Hồ Pat'narsi anh đã gặp Chúa quỷ Satan [4] .

Ivan không hốt hoảng, như đã hứa trước, nhưng dù sao cũng vô cùng sửng sốt:
„Không thể như thế được! Nó không tồn tại.

„Xin anh! Ai khác chứ anh thì không thể nói như thế được! Có lẽ anh là một trong những người đầu tiên bị rơi vào tay ông ta. Anh đang ngồi, như anh cũng biết đấy, trong nhà thương tâm thần, thế mà vẫn cứ nói là không tồn tại quỷ Satan! Quả là kỳ quặc!»
Ivan bối rối im lặng.
„Anh chỉ vừa mới bắt đầu tả lại ông ta
, người khách nói tiếp,
là tôi đã đoán ra hôm qua anh được may mắn nói chuyện với ai rồi. Và, thú thật, tôi ngạc nhiên với cái ông Berlioz đấy. Anh thì, tất nhiên, là một người còn ngây thơ
, nói đến đây người khách lại xin lỗi,
nhưng còn Berlioz, tôi đã nghe nói về ông ta bao nhiêu, dù sao thì ông ta cũng đã đọc một cái gì đó chứ! Những câu nói đầu tiên của viên giáo sư này đã làm tan biến mọi nghi ngờ của tôi. Không thể không nhận ra ông ta, anh bạn thân mến ạ. Nhưng hóa ra, anh... dù sao cũng xin anh bỏ quá cho, như tôi không lầm, anh lại là người kém văn hóa?

„Ðúng thế
, Ivan, đã thay đổi đến không nhận ra được, đồng ý.
„Thế đấy... bởi vì cái người mà anh mô tả... có những con mắt, lông mày khác nhau! Xin lỗi, có thể, thậm chí cả vở nhạc kịch
Faust
[5] anh cũng chưa xem?

Ivan, không hiểu sao, tỏ ra vô cùng xấu hổ, mặt đỏ bừng, lúng búng về một chuyến đi nào đó đến nhà an dưỡng Ialta...
„Thế đấy, thế đấy... Không có gì là lạ lùng cả! Còn Berlioz, tôi nhắc lại, làm cho tôi ngạc nhiên đấy, ông ta là một người không chỉ đọc nhiều, mà còn rất khôn ngoan. Mặc dù, để bào chữa cho ông ta, tôi cần phải nói rằng, tất nhiên, Voland có thể lỡm gạt cả những con người còn khôn ngoan hơn nhiều.

„Sao?!„ Bây giờ đến lượt Ivan kêu thốt lên.
„Khẽ chứ!

Ivan vung tay vỗ mạnh lên trán mình và rít lên khàn khàn.
„Tôi hiểu, tôi hiểu rồi. Họ ông ta trên danh thiếp bắt đầu bằng chữ cái
V
. Ôi-ôi-ôi, thì ra là thế đấy!„ Anh im lặng một lúc lâu trong cơn kích động bối rối, mắt nhìn chăm chắm lên mặt trăng trôi ngoài cửa sổ, rồi lại nói tiếp: „Như thế nghĩa là ông ta quả có thể gặp Ponti Pilat thật. Bởi vì lúc đó ông ta đã sinh ra rồi chứ? Thế mà người ta lại gọi tôi là điên!„ Ivan nói thêm, phẫn nộ giơ tay chỉ ra ngoài cửa.
Trên môi người khách hằn lên một nét cay đắng.
„Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật
, người khách quay mặt về phía khối nguyệt cầu đang chạy xuyên qua những đám mây. „Cả tôi, cả anh đều là người điên cả, chối cãi làm gì? Anh thấy đấy, ông ta quay cho một hồi và anh phát điên lên, mất trí, bởi vì hình như ở anh có những cơ sở thích hợp cho việc đó. Tất cả những gì anh kể rõ ràng là có thật. Nhưng điều đó khác thường đến nỗi cả St'ravinski, một nhà tâm thần học thiên tài, cũng không thể tin anh được - nó cũng là tất nhiên thôi. Ông ấy đã khám cho anh rồi chứ? (Ivan gật đầu). Người hôm qua vừa nói chuyện với anh đã từng gặp Pilat, đã có mặt trong bữa ăn sáng của Kant và bây giờ ông ta đến thăm Moskva!

„Nhưng mà ông ta sẽ gây ra những chuyện gì ở đây! Phải tìm cách nào để bắt giữ lại đi chứ?„ tuy không thật tự tin lắm, nhưng con người Ivan cũ, hãy còn chưa bị đánh gục hoàn toàn, lại đã ngóc đầu dậy trong con người Ivan mới.
„Thì anh đã thử rồi đấy, và như thế đối với anh chắc đã đủ
, người khách cười nhạt đáp. „Tôi cũng không khuyên những người khác thử làm điều đó. Còn ông ta sẽ gây chuyện, thì xin anh cứ yên tâm! Ôi! ôi! Nhưng tôi rất buồn, rằng người gặp ông ta lại là anh chứ không phải tôi! Dù cho tất cả đã cháy rụi và tất cả đã bị tro phủ lấp, tôi vẫn xin thề là để có được cuộc gặp gỡ đó, tôi sẵn sàng đánh đổi chùm chìa khóa của Praskovia Phedorovna này - bởi vì ngoài ra tôi không còn gì hơn để đổi nữa. Tôi là một kẻ ăn mày!

„Thế anh cần ông ta để làm gì?

Người khách ngồi lặng buồn bã một lúc lâu, người co giật, nhưng cuối cùng cũng lên tiếng:
„Anh biết không, câu chuyện kỳ quặc lắm, tôi phải vào đây là cũng vì một nguyên nhân như anh, cụ thể cũng là vì Ponti Pilat
, người khách sợ sệt nhìn quanh rồi nói tiếp: „Sự thể là, một năm trước đây tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết về Ponti Pilat.

„Anh là nhà văn à?„ Ivan tò mò hỏi.
Người khách sầm mặt lại, đưa nắm tay ra dọa Ivan, rồi nói:
„Tôi là Nghệ Nhân [6] „, người khách nghiêm mặt nói và rút từ trong túi áo choàng bệnh viện ra một chiếc mũ lông đen bị lấm dầu mỡ với chữ cái
N
[7] bằng lụa vàng được thêu đính lên đó. Anh đội chiếc mũ lên cho Ivan trông thẳng phía trước mặt rồi trông nghiêng, để chứng tỏ rằng anh là Nghệ Nhân. „Chính nàng tự tay mình khâu cho tôi đấy
, anh nói tiếp với vẻ bí ẩn.
„Thế họ của anh là gì?»
„Tôi không còn có họ nữa
, người khách lạ lùng nói với vẻ khinh bỉ ảm đạm. „Tôi đã chối bỏ nó, cũng như nói chung đã từ bỏ cuộc đời. Chúng ta hãy quên nó đi.»
„Anh hãy kể về cuốn tiểu thuyết của anh đi
, Ivan đề nghị một cách lịch thiệp.
„Xin sẵn lòng. Câu chuyện của tôi quả thật là không hoàn toàn bình thường lắm
, người khách nói.
... Ðược đào tạo chuyên ngành là sử học, mới hai năm trước đây anh còn làm việc ở một trong những viện bảo tàng Moskva; ngoài ra, anh còn dịch sách nữa.
„Anh dịch từ tiếng nào?„ Ivan tò mò hỏi.
„Tôi biết năm thứ tiếng, ngoài tiếng mẹ đẻ
, người khách đáp, «tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ðức, tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp. Thêm vào đó, tôi còn đọc được ít nhiều bằng tiếng Italia.»
„Ái chà!„ Ivan thì thầm thốt lên đầy ghen tỵ.
... Nhà sử học sống cô đơn, không ở đâu còn họ hàng ruột thịt và hầu như không có bạn bè ở Moskva. Và, anh thử tưởng tượng xem, một lần đã trúng xổ số một trăm ngàn rúp.
„Anh hãy hình dung sự kinh ngạc của tôi
, người khách đội chiếc mũ đen thì thầm, «khi tôi thò tay vào giỏ áo quần bẩn và nhìn thấy: trong tay cũng cùng một số được in trên báo! Tờ phiếu công trái mà
, anh giải thích, «ở viện bảo tàng người ta phân cho tôi.»
Sau khi trúng một trăm ngàn rúp, người khách bí ẩn của Ivan làm như sau: mua sách, bỏ căn phòng của mình ở phố Miasnitskaia...
„Ô, ô, một cái lỗ đáng nguyền rủa
, người khách gầm gừ.
... và thuê của một tay chủ thầu xây dựng ở ngõ nhỏ gần Arbat...
„Anh có biết bọn chủ thầu xây dựng là cái gì không?„ người khách hỏi Ivan và lại giải thích ngay: „Ðó là một nhóm côn đồ ít ỏi không hiểu bằng cách nào còn sót lại ở Moskva...»
... Thuê của tay chủ thầu xây dựng hai phòng ở tầng hầm của ngôi nhà nhỏ nằm trong một khu vườn. Tôi bỏ việc ở viện bảo tàng và bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết về Ponti Pilat.
„Ôi, đó là một thời kỳ hoàng kim
, mắt người kể chuyện long lanh sáng rực lên, anh thì thầm: „một căn hộ hoàn toàn biệt lập, có cả phòng ngoài, ở đó còn có bồn rửa mặt
, không hiểu sao anh nhấn mạnh điều đó một cách tự hào, «những ô cửa sổ nhỏ ngay trên mặt hè nhựa chạy thẳng từ cổng vườn vào. Ðối diện, cách bốn bước chân, dưới hàng giậu, là hoa tử đinh hương, lipa, phong. Ôi, ôi, ôi! Về mùa đông, tôi rất ít khi trông thấy qua ô cửa sổ những đôi chân đen của ai đó và nghe thấy tiếng tuyết kêu lạo xạo dưới bước chân. Trong lò sưởi của tôi lửa bao giờ cũng đỏ! Nhưng rồi mùa xuân đến đột ngột, và qua tấm kính đục của cửa sổ tôi trông thấy những bụi tử đinh hương thoạt đầu còn trần trụi, nhưng dần dần được phủ lá xanh. Và chính lúc đó, vào mùa xuân năm ngoái, đã xảy ra một việc còn tuyệt vời hơn nhiều so với chuyện được trúng một trăm ngàn rúp. Mà đó, chắc anh cũng đồng ý, là một số tiền khổng lồ!»
„Ðúng thế
, Ivan, nghe rất chăm chú, xác nhận.
„Tôi mở các cánh cửa sổ và ngồi ở căn phòng thứ hai, một căn phòng bé tẹo
, người khách giơ tay ra hiệu, «thế này, đây là đi văng, còn đối diện là một chiếc đi văng khác, giữa chúng là chiếc bàn nhỏ, và trên bàn - một ngọn đèn đêm tuyệt vời. Cạnh cửa sổ là sách, ở đó có một chiếc bàn viết nhỏ, còn ở trong căn phòng kia - một gian phòng lớn, mười bốn mét vuông - là sách, sách, và một lò sưởi. Ôi, hai gian phòng của tôi mới tuyệt làm sao!»
Hoa tử đinh hương thơm ngát khác thường! Mái đầu tôi trở nên nhẹ hẫng vì mệt mỏi, và đến đoạn cuối Pilat bay tới...
„Áo choàng trắng, vải lót đỏ như máu! Tôi hiểu!„ Ivan thốt lên.
„Ðúng thế! Ðến đoạn cuối, đến chỗ kết thúc Pilat bay tới và tôi đã biết rằng những lời cuối cùng của cuốn tiểu thuyết sẽ là:
... Quan tổng trấn thứ năm của Giudea, kỵ sĩ Ponti Pilat
. Và, tất nhiên, tôi thường đi dạo chơi. Một trăm ngàn rúp là một khoản tiền lớn, tôi có một bộ comlê màu xám tuyệt vời. Hoặc đến ăn trưa ở tiệm ăn loàng xoàng nào đấy. Ở trên đại lộ Arbat có tiệm ăn rất tuyệt, không biết bây giờ nó có còn ở đấy nữa không.»
Nói đến đây đôi mắt người khách mở rộng, và anh ngước nhìn lên mặt trăng, kể tiếp:
„Nàng ôm một bó hoa màu vàng rất xấu xí, nó gợi lên một cảm giác bất yên khó tả. Chẳng ai biết tên của loại hoa này là gì, nhưng không hiểu sao nó lại xuất hiện sớm nhất ở Moskva. Và những bông hoa đó nổi lên rất rõ trên nền đen của chiếc áo măng tô xuân nàng mặc. Nàng ôm những bông hoa vàng! Cái màu chẳng tốt lành gì. Nàng rời phố Tverskaia rẽ vào một ngõ nhỏ và quay đầu nhìn lại. Chắc anh phải biết phố Tverskaia chứ? Trên đường phố có hàng nghìn người qua lại, nhưng tôi đoán chắc với anh rằng nàng chỉ nhìn thấy một mình tôi. Ánh mắt của nàng không chỉ lộ vẻ lo âu, mà thậm chí còn gần như bệnh hoạn. Và cái làm tôi kinh ngạc không chỉ là sắc đẹp khác thường của nàng, mà còn là sự cô đơn vô hạn trong đôi mắt.»
Tuân theo cái dấu hiệu màu vàng đó, tôi cũng rẽ vào ngõ nhỏ, đi theo sau nàng. Chúng tôi im lặng đi dọc ngõ phố vòng vèo và buồn tẻ, không nói một lời nào, tôi đi một bên hè, nàng đi bên kia. Và trong ngõ, anh thử hình dung xem, không hề có lấy một bóng người nào cả. Tôi cảm thấy rằng mình nhất thiết phải nói chuyện với nàng, và điều đó làm tôi day dứt giày vò. Tôi lo lắng mình sẽ không nói được với nàng lời nào, nàng sẽ đi mất, tôi sẽ không còn bao giờ gặp lại nàng nữa.
Thế rồi, anh tưởng tượng xem, nàng bỗng cất tiếng:
„Anh có thích những bông hoa này không?»
Ðến giờ tôi còn nhớ rất rõ giọng của nàng trầm trầm, nhưng hơi bị lạc đi, và tuy điều này thật ngớ ngẩn, tôi cảm tưởng như có tiếng vọng dội lại trong ngõ nhỏ, đập vào những bức tường màu vàng cáu bẩn. Tôi vội vàng bước qua đường, đến bên nàng, đáp:
„Không!»
Nàng ngạc nhiên nhìn tôi, và tôi đột nhiên, hoàn toàn bất ngờ, hiểu ra rằng tôi đã suốt đời yêu chính người đàn bà này! Chuyện thật kỳ lạ, phải không? Tất nhiên anh sẽ nói tôi đúng là thằng điên!»
„Tôi không nói gì cả
, Ivan thốt lên và nói thêm: „Xin anh kể tiếp đi!»
Và người khách lại kể tiếp:
„Vâng, nàng ngạc nhiên nhìn tôi, và sau đó hỏi:
„Anh nói chung không thích hoa à?»
Trong giọng nói của nàng, như tôi cảm thấy, có vẻ thù địch. Tôi đi bên cạnh nàng, cố bước cùng nhịp với nàng, và thật lạ lùng, hoàn toàn không cảm thấy ngượng nghịu.
„Không, tôi thích hoa, nhưng không thích loại như thế này
, tôi nói.
„Thế anh thích loại nào?»
„Tôi thích hoa hồng.»
Nói xong, tôi mới tiếc là đã nói ra điều đó, vì nàng mỉm cười vẻ có lỗi và ném những bông hoa của mình xuống rãnh bên đường. Bối rối mất một lúc, rồi tôi cũng cúi xuống nhặt chúng lên, trao lại cho nàng, nhưng nàng cười nhẹ đẩy chúng ra, và thế là tôi cầm những bông hoa đó trong tay đi theo nàng.
Chúng tôi cứ im lặng đi như thế một lúc lâu, cho đến khi nàng cầm lấy bó hoa trên tay tôi, ném xuống mặt đường nhựa, rồi đưa bàn tay đi găng đen của nàng khoác lấy tay tôi, và chúng tôi bước đi bên cạnh nhau.
„Kể tiếp đi
, Ivan giục, «và xin anh đừng bỏ sót chuyện gì cả.»
„Kể tiếp à?„ người khách hỏi lại. „Phần tiếp thì tự anh cũng có thể đoán ra được.„ Người khách bỗng lấy ống tay áo phải chùi một giọt nước mắt bất ngờ trào ra, rồi nói tiếp: „Tình yêu vụt hiện ra trước mắt chúng tôi, như một tên giết người vụt hiện từ dưới đất lên trong ngõ hẻm, và lập tức quật gục cả hai chúng tôi! Như một tia chớp chói lòa, như một con dao bén ngọt! Còn nàng sau này lại nói rằng điều đó không phải như vậy, rằng chúng tôi, tất nhiên, đã yêu nhau từ lâu, rất lâu rồi mà không biết nhau, chưa bao giờ trông thấy mặt nhau, và nàng sống với một người khác, còn tôi lúc đó với... với... tên cô ta là gì nhỉ...»
„Với ai?„ Ivan Bezdomnưi hỏi.
„Với... hừ, với, hừ...„ người khách đáp và bật ngón tay.
„Anh đã có vợ rồi ư?

„À vâng, vì thế tôi mới bật ngón tay như thế này... Cô ta... Varenka, Maneska... không phải, Varenka... chiếc áo dài kẻ sọc... viện bảo tàng... mà tôi không còn nhớ nữa.

Thế là nàng nói rằng ngày hôm đó nàng ôm hoa vàng đi ngoài phố là để tôi cuối cùng nhìn thấy nàng, và nếu như điều đó không xảy ra, thì nàng sẽ tự tử, vì rằng cuộc đời nàng trống rỗng.
Vâng, thế đấy, tình yêu đã khuất phục chúng tôi tức khắc. Tôi hiểu ra điều đó ngay trong ngày hôm ấy, khi một giờ sau, không nhận thấy thành phố xung quanh, chúng tôi đã đến chân tường Kremli trên bờ sông.
Chúng tôi nói chuyện với nhau như thể hai người vừa chia tay nhau chiều qua, như thể chúng tôi đã biết nhau nhiều năm rồi. Chúng tôi hẹn nhau ngày hôm sau sẽ gặp lại cũng ở chỗ đó, trên bờ sông Moskva, và chúng tôi đã lại gặp nhau. Mặt trời tháng Năm rực rỡ trên đầu chúng tôi. Rồi ít lâu sau, ít lâu sau người đàn bà đó đã trở thành người vợ bí mật của tôi.
Nàng đến nhà tôi hàng ngày, và tôi đợi nàng ngay từ sáng sớm. Sự chờ đợi đó thể hiện ở chỗ tôi xếp đi xếp lại vị trí các đồ vật trên bàn. Trước mười phút, tôi ra ngồi bên cửa sổ và lắng nghe tiếng đập của cánh cổng vườn cũ kỹ. Và thật lạ lùng: cho đến trước khi gặp nàng, thật hiếm có người nào, hoặc nói đơn giản ra, là không có người nào, đi vào mảnh sân nhỏ của chúng tôi, còn bây giờ thì tôi có cảm tưởng như cả thành phố đều dồn về đây. Tiếng cánh cổng vườn đập, tiếng tim đập, và anh hãy tưởng tượng xem, phía ngoài ô cửa sổ ở ngay ngang tầm mắt tôi nhất định là một đôi ủng lấm bẩn của ai đó. Ông thợ mài. Thế đấy, trong ngôi nhà của chúng tôi có ai cần đến thợ mài? Mài cái gì? Dao nào mà mài?
Nàng bước vào cánh cổng chỉ có một lần, mà trước đó tim tôi phải đập dồn dập hàng chục lần là ít. Tôi không nói ngoa đâu. Rồi sau đó, khi đã tới giờ nàng đến và kim đồng hồ chỉ đúng mười hai giờ, nó vẫn không chịu dịu bớt đi, cho đến lúc hầu như không tiếng động, ngoài ô cửa sổ hiện ra đôi giày phụ nữ với dải băng móc da hươu mịn đen có những vòng khóa bằng thép.
Ðôi lúc nàng đùa nghịch, dừng lại ở cửa sổ thứ hai, dùng mũi giày gõ vào cửa sổ. Tôi lập tức nhảy đến bên cửa sổ đó, nhưng chiếc giày biến mất, tấm lụa đen ngăn không cho ánh sáng lọt vào biến mất, và tôi ra mở cửa cho nàng.
Không ai biết về mối quan hệ giữa tôi và nàng, tôi dám đoan chắc với anh như vậy, mặc dù điều đó thường không bao giờ có. Chồng nàng không biết, những người quen cũng không biết. Trong ngôi biệt thự cũ, nơi tôi ở trong gian nhà hầm, tất nhiên người ta có biết, có thấy một người phụ nữ nào đó thường đến với tôi, nhưng họ không biết tên nàng.
„Thế cô ấy là ai thế?„ Ivan, bị cuốn hút cao độ bởi câu chuyện tình, hỏi cắt ngang.
Người khách làm một cử chỉ tỏ ý rằng anh không bao giờ nói ra điều đó với ai cả, và lại kể tiếp câu chuyện của mình.
Ivan được biết rằng Nghệ Nhân và người đàn bà nọ đã yêu nhau say đắm đến mức hoàn toàn không thể rời nhau ra nữa. Ivan cũng đã hình dung ra rất rõ hai căn phòng trong tầng hầm của ngôi biệt thự, nơi bao giờ cũng tối mờ mờ như hoàng hôn vì bị những khóm tử đinh hương ngoài bờ rào che kín. Những thứ đồ gỗ quý đã cũ sờn, bàn viết, phía trên là chiếc đồng hồ cứ nửa giờ lại thả chuông, và sách, sách chất từ mặt sàn gỗ sơn lên đến tận trần nhà ám khói, và một chiếc lò sưởi...
Ivan được biết rằng người khách của anh cùng bạn tình bí mật ngay từ những ngày đầu tiên quen biết đã hiểu rằng chính số phận xui khiến họ gặp nhau ở góc phố Tverskaia rẽ vào ngõ nhỏ và họ được sinh ra là để thuộc về nhau suốt đời.
Qua lời kể của người khách, Ivan được biết cặp tình nhân làm gì trong ngày. Nàng đến, và việc đầu tiên là khoác tạp dề vào, rồi trong gian nhà ngoài chật hẹp, nơi có chiếc bồn rửa mặt mà không hiểu sao người bệnh tội nghiệp lại rất tự hào, châm chiếc bếp dầu hỏa đặt trên mặt bàn gỗ và chuẩn bị bữa sáng; sau đó nàng dọn bữa ăn lên chiếc bàn hình ôvan đặt ở căn phòng thứ nhất. Vào mùa giông bão tháng Năm, khi dòng nước mưa chảy cuồn cuộn phía ngoài mặt kính cửa sổ mờ đục ra phía cổng và đe dọa sẽ tràn vào làm ngập cả nơi trú ẩn cuối cùng, cặp tình nhân đốt lò lên và nướng khoai tây. Những củ khoai tây nướng chín bốc khói thơm phức, những miếng vỏ khoai cháy đen dính vào ngón tay. Trong gian hầm vang lên tiếng cười, cây cối ngoài vườn trút bỏ những cành gãy lá rụng sau cơn mưa. Khi mùa giông bão kết thúc và bắt đầu tiết hè oi bức, trên bình hoa xuất hiện những bông hồng hai người đều ưa thích và mong đợi.
Hàng ngày, người tự xưng là Nghệ Nhân làm việc bên bàn; còn nàng, luồn những ngón tay thon nhỏ móng chuốt nhọn vào mái tóc, ngồi đọc đi đọc lại những trang anh vừa viết xong; khi đã đọc hết, nàng ngồi khâu chính cái mũ này đây. Có những khi nàng ngồi xổm trên gót chân cạnh các ngăn dưới thấp hoặc đứng trên ghế với tay lên những ngăn trên cao dùng giẻ lau sạch hàng trăm gáy sách phủ đầy bụi. Nàng tiên đoán vinh quang, nàng thôi thúc anh, và rồi chính nàng đã gọi anh là Nghệ Nhân. Nàng ngóng chờ những lời cuối cùng anh đã hứa về viên quan tổng trấn thứ năm của Giudea, ngâm nga đọc to những câu nàng thích; nàng nói rằng trong cuốn tiểu thuyết này là cả cuộc đời của nàng.
Cuốn tiểu thuyết hoàn thành vào tháng Tám, được đưa đi nhờ một cô đánh máy không ai biết đến đánh thành năm bản. Và cuối cùng đã đến ngày phải rời bỏ cái chốn trú ẩn bí mật để bước vào cuộc đời.
„Tôi đã bước vào cuộc đời, ôm cuốn tiếu thuyết trong tay, và lúc đó cuộc đời của tôi chấm dứt
, Nghệ Nhân thì thầm, đầu cúi gục xuống, chiếc mũ đen buồn đau với chữ cái
N
màu vàng lắc lư qua lại một lúc lâu. Anh kể tiếp câu chuyện của mình, nhưng giờ đây nó trở nên rời rạc. Chỉ có thể hiểu được một điều, là với người khách của Ivan đã xảy ra một thảm họa nào đó.
„Lần đầu tiên tôi rơi vào thế giới văn chương, nhưng bây giờ, khi tất cả đã kết thúc và cái chết của tôi đã nhãn tiền, tôi nhớ lại ông ta với một nỗi khủng khiếp!„ Nghệ Nhân thì thầm với vẻ trang trọng và giơ một cánh tay lên. „Vâng, ông ta đã làm cho tôi kinh hoàng đến cực điểm, ôi, thật kinh hoàng!

„Ai thế?„ Ivan thì thầm gần như không thành tiếng, sợ làm đứt mạch của người kể chuyện đang cơn kích động.
„Tay biên tập viên ấy mà, tôi nói về tay biên tập viên ấy. Vâng, ông ta đã đọc tập bản thảo của tôi. Ông ta nhìn tôi như thể má tôi bị mụn nhọt lở lói, rồi không hiểu sao ngó lảng vào góc phòng và thậm chí còn cười khì khì với vẻ gượng gạo, vô cớ vò nhàu tập bản thảo và thở ằng ặc. Những câu ông ta hỏi tôi, theo tôi, thật điên rồ. Không nói gì về thực chất cuốn tiểu thuyết, ông ta hỏi tôi đủ chuyện, nào tôi là ai, tôi từ đâu đến, tôi viết đã lâu chưa, và tại sao trước đây không nghe nói gì về tôi cả. Thậm chí ông ta còn hỏi một câu mà theo quan điểm của tôi là thậm ngu ngốc: ai đã xúi tôi sáng tác cuốn tiểu thuyết về cái đề tài kỳ quặc này?

Cuối cùng, ông ta đã làm cho tôi phát ngấy. Tôi hỏi thẳng là ông ta có định in cuốn tiểu thuyết của tôi hay không?
Lúc đó ông ta tỏ ra luống cuống, bắt đầu lắp bắp những câu gì đó và tuyên bố rằng ông ta không thể giải quyết vấn đề này một mình được, rằng những thành viên khác của tòa soạn - mà cụ thể là các nhà phê bình Latunski và Ariman cùng nhà văn Mstislav Lavrovich - sẽ phải đọc tác phẩm của tôi. Ông ta hẹn tôi đến sau hai tuần.
Sau hai tuần tôi đến, tiếp tôi là một cô gái với hai con mắt chạy lệnh xuống mũi vì thường xuyên nói dối.
„Ðó là Lavsionnikova, thư ký ban biên tập
, Ivan cười khẩy nói, anh vốn rất quen biết cái thế giới vừa được người khách của anh mô tả một cách phẫn nộ đến vậy.
„Có thể thế
, người khách cắt ngang,
thế rồi cô ta hoàn lại cho tôi cuốn tiểu thuyết của tôi đã bị lấm lem và tơi tả đi khá nhiều. Cố tránh không nhìn thẳng vào mắt tôi, Lavsionnikova thông báo rằng hiện nay ban biên tập đã đủ bản thảo cho cả hai năm về sau và vì vậy cái khả năng để in cuốn tiểu thuyết của tôi, như cô ta diễn đạt, là bị loại trừ.

„Tôi còn nhớ gì sau đó nữa?„ Nghệ Nhân lẩm bẩm, đưa tay xoa thái dương. „Vâng, tôi chỉ nhớ những cánh hoa rụng đỏ trên trang bìa phụ và đôi mắt người bạn gái của tôi. Vâng, đôi mắt đó đến giờ tôi vẫn nhớ.

Câu chuyện của người khách mỗi lúc một trở nên rối rắm, mỗi lúc một nhiều thêm những câu nói bỏ dở. Anh nói gì đó về cơn mưa tạt xiên [8] và nỗi tuyệt vọng trong chốn trú thân ở dưới tầng hầm, về việc anh còn chạy đến một số nơi nào đó nữa. Anh thì thầm hét lên rằng anh hoàn toàn tuyệt đối không đổ lỗi cho người phụ nữ đã hối thúc anh đấu tranh!
„Tôi nhớ, tôi còn nhớ cái trang phụ trương đáng nguyền rủa ấy của tờ báo
, người khách lẩm bẩm và đưa hai ngón tay vẽ trong không khí hình trang báo, và Ivan đoán được từ những câu tiếp theo rối rắm và rời rạc của anh rằng có một ông biên tập nào khác đã cho in một đoạn dài trích từ cuốn tiểu thuyết của người tự xưng mình là Nghệ Nhân.
Theo lời người khách, sau chưa đầy hai ngày, trên một tờ báo khác xuất hiện bài của nhà phê bình Ariman với đầu đề:
Kẻ thù núp dưới cánh biên tập viên
, trong đó nói rằng người khách của Ivan, lợi dụng sự ngây thơ và dốt nát của biên tập viên, đã tìm cách tống lên mặt báo những lời biện hộ cho Giesu Christ.
„À, tôi nhớ, tôi nhớ!„ Ivan thốt lên. „Nhưng tôi lại quên mất họ của anh!

„Tôi nhắc lại, đừng động đến họ của tôi, nó không còn nữa
, người khách nói. „Sự việc không phải là ở đó. Một ngày sau, trên tờ báo khác lại xuất hiện bài báo ký tên Mstislav Lavrovich, trong đó tác giả đòi phải đánh, đánh thật mạnh, vào cái
chủ nghĩa Pilat
và kẻ sùng Chúa định tống (lại cái từ đáng nguyền rủa đó!) nó lên mặt báo.

Sửng sốt trước cái từ
chủ nghĩa Pilat
, tôi mở tờ báo thứ ba ra. Ở đây có hai bài: một của Latunski, bài thứ hai ký bằng hai chữ cái
N.E.
. Tôi bảo đảm với anh rằng so với bài của Latunski, thì các tác phẩm của Ariman và Lavrovich có thể coi là chuyện đùa giỡn. Chỉ cần nói với anh rằng bài báo của Latunski có đầu đề
Một tín đồ cựu giáo gây gổ
, là đủ. Tôi mải đọc các bài báo viết về mình đến nỗi không nhận thấy nàng (cánh cửa phòng tôi quên không đóng) đã bước vào đứng trước mặt tôi từ bao giờ với chiếc ô ướt và những tờ báo cũng ướt sũng trên tay. Cặp mắt nàng như bắn ra những tia lửa, hai tay run rẩy và lạnh buốt. Trước hết nàng xô đến ôm tôi hôn, và sau đó vừa đấm tay xuống mặt bàn vừa nói bằng giọng khản đặc rằng nàng sẽ bỏ thuốc độc giết chết Latunski.
Ivan không hiểu sao thốt lên ầm ừ một cách ngượng nghịu, nhưng không nói gì.
„Rồi bắt đầu những ngày thật ảm đạm. Cuốn tiểu thuyết đã viết xong, không còn việc gì để làm nữa, và cả hai chúng tôi sống bằng cách ngồi trên tấm thảm trải sàn cạnh lò sưởi và nhìn ngọn lửa. Hơn nữa, bây giờ chúng tôi ít ở bên nhau hơn so với trước kia. Nàng thường hay đi dạo. Và với tôi lại xảy ra một chuyện kỳ quặc, như thường vẫn vậy trong đời tôi... Tôi bất ngờ có một người bạn. Ðúng, đúng thế, anh thử hình dung xem, tôi nói chung không thích giao thiệp với mọi người, ở tôi có một đặc tính kỳ quặc là rất khó tiếp xúc với người khác, tôi đa nghi. Và - anh có tưởng tượng nổi không - trong lúc đó nhất thiết lại có một người nào đấy không biết trước, bất ngờ và vẻ ngoài có ma nào biết được là giống cái gì, lại chui vào tâm hồn tôi; và đó là người mà tôi mến chuộng nhất.
Thế là đúng vào cái thời gian đáng nguyền rủa ấy cánh cổng vườn nhà chúng tôi mở ra; ngày hôm đó tôi còn nhớ, là vào tiết thu, ấm áp và dễ chịu. Nàng không có nhà. Một người đàn ông bước vào cổng vườn, đi lên nhà trên gặp tay chủ thầu xây dựng có việc gì đấy. Sau đó anh ta đi xuống vườn và rất nhanh chóng bắt quen với tôi, tự giới thiệu với tôi là nhà báo. Tôi thích anh ta đến mức, anh tưởng tượng được không, cho đến tận bây giờ tôi vẫn thỉnh thoảng nhắc đến và buồn nhớ anh ta. Càng ngày anh ta càng ghé đến tôi nhiều hơn. Tôi được biết rằng anh ta sống độc thân, ở gần nhà tôi, cũng trong một căn hộ giống như căn hộ của tôi, nhưng ở chỗ anh ta chật chội, và vân vân. Chẳng hiểu sao anh ta không mời tôi đến chơi nhà mình. Còn vợ tôi thì lại không ưa anh ta đến cùng cực. Nhưng tôi bênh anh ta. Nàng nói:
„Anh muốn làm gì tùy anh, nhưng em nói với anh là cái con người này gây cho em một ấn tượng khó chịu.

Tôi cười. Tuy nhiên, thực ra mà nói, anh ta có gì hấp dẫn tôi? Sự thể có lẽ là ở chỗ nói chung con người sẽ chán ngắt, sẽ không thú vị gì nếu như bên trong, trong đầu anh ta, không có những điều gì đó bất ngờ. Aloyzi (vâng, tôi quên chưa nói người quen mới của tôi tên là Aloyzi Mogarưt) có những điều bất ngờ như vậy trong đầu. Cụ thể là, trước đó tôi chưa bao giờ gặp, và tôi tin rằng mình sẽ không bao giờ gặp, một người nào có đầu óc thông minh như Aloyzi. Nếu như tôi không hiểu ý nghĩa một đoạn nào đó trên báo, Aloyzi giảng giải cho tôi hiểu chỉ trong vòng một phút, không hơn, thêm nữa, có thể thấy rõ là anh ta làm điều đó một cách vô cùng dễ dàng. Cũng tương tự như vậy với các hiện tượng và các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Nhưng không chỉ có thế, Aloyzi còn chinh phục tôi bởi lòng say mê văn học của mình. Anh ta chưa chịu yên cho đến khi nào chưa đòi được tôi đọc cho anh ta nghe toàn bộ cuốn tiểu thuyết của tôi từ dòng đầu đến dòng cuối; nghe xong anh ta nhận xét về cuốn tiểu thuyết bằng những lời rất tốt đẹp, nhưng với một sự chính xác đến kinh ngạc, dường như chính anh ta có mặt lúc đó kể cho tôi nghe toàn bộ những nhận xét của tay biên tập viên liên quan đến cuốn tiểu thuyết này. Anh ta nói trăm điều đúng cả trăm. Ngoài ra, anh ta còn giải thích với tôi một cách tuyệt đối chính xác, tại sao tiểu thuyết của tôi không thể đem in được và tôi đoán là điều đó không lầm. Anh ta nói thẳng: chương này chương nọ là không thể chấp nhận...
Các bài báo vẫn không chấm dứt. Với những bài đầu tiên tôi chỉ cười giễu. Nhưng chúng xuất hiện càng nhiều, thái độ của tôi đối với chúng càng thay đổi. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn ngạc nhiên. Có một cái gì đấy rất gượng gạo và thiếu tự tin toát ra trong từng dòng một của các bài báo đó, mặc dù giọng điệu của chúng có vẻ rất hùng hổ và tự tin. Tôi có cảm tưởng rằng - và tôi không thể nào dứt bỏ được cái cảm tưởng đó - tác giả của các bài báo này viết không phải những điều họ muốn nói, và sự giận dữ của họ là do chính điều đó gây ra. Rồi tiếp theo đấy, anh hiểu không, bắt đầu giai đoạn thứ ba - giai đoạn kinh sợ. Không, không phải sợ những bài báo đó, anh hiểu cho, mà là một nỗi kinh hoàng trước những sự việc khác, hoàn toàn không có liên quan gì tới các bài báo hoặc cuốn tiểu thuyết của tôi. Chẳng hạn, tôi cảm thấy sợ bóng tối. Tóm lại, bắt đầu giai đoạn bị bệnh tâm thần. Chỉ cần vừa tắt đèn trong căn buồng nhỏ, là tôi cảm thấy như có một con bạch tuộc nào đó với những chiếc vòi rất dài và lạnh buốt chui vào cửa sổ, mặc dù cửa được đóng kín. Và tôi phải ngủ không tắt đèn.
Người yêu của tôi thay đổi rất nhiều (tất nhiên là tôi không nói với nàng về chuyện con bạch tuộc, nhưng nàng vẫn thấy là có một chuyện gì đó không ổn xảy ra với tôi), nàng gầy sút đi và trở nên xanh xao, ngừng bặt tiếng cười và cứ cầu xin tôi tha thứ việc nàng đã khuyên tôi trích đăng một đoạn của cuốn tiểu thuyết. Nàng nài nỉ tôi hãy vứt bỏ hết mọi thứ, đi xuống miền Nam, đến Biển Ðen, đem tiêu hết toàn bộ số tiền còn lại của một trăm ngàn rúp kia cho chuyến đi này.
Nàng nài nỉ rất dai dẳng; và tôi, để khỏi tranh cãi (có một cái gì đấy mách với tôi rằng tôi sẽ không thể đi xuống Biển Ðen được), đã hứa với nàng là tôi sẽ thực hiện điều đó trong mấy ngày tới. Nàng nói rằng nàng sẽ tự mình đi lấy vé cho tôi. Thế là tôi rút toàn bộ số tiền của tôi, tức là khoảng mười ngàn rúp, và trao hết cho nàng.
„Sao lại nhiều thế?„ nàng ngạc nhiên.
Tôi nói với nàng một điều gì đó đại loại như tôi sợ kẻ trộm và nhờ nàng giữ hộ số tiền đó cho đến khi tôi lên đường. Nàng cầm tiền, bỏ vào ví, hôn tôi và nói rằng đối với nàng được chết còn nhẹ nhàng hơn là bỏ tôi một mình trong tình trạng như thế này, nhưng ở nhà đang đợi nàng, và nàng phải khuất phục sự cần thiết, ngày mai nàng sẽ đến. Nàng khẩn cầu tôi đừng sợ hãi cái gì cả.
Lúc đó là hoàng hôn của một ngày giữa tháng Mười. Nàng đi khỏi, tôi nằm xuống đi văng rồi thiếp đi không bật đèn. Tôi tỉnh dậy bởi cái cảm giác rằng con bạch tuộc đã ở trong phòng tôi. Sờ soạng trong bóng tối, mãi tôi mới bật được đèn. Ðồng hồ chỉ hai giờ đêm. Khi đi nằm tôi bắt đầu nhuốm bệnh, còn khi tỉnh dậy thì tôi đã là người ốm thực sự. Tôi bỗng có cảm giác như màn đêm đen mùa thu sẽ ép vỡ kính cửa sổ, chảy tràn vào phòng, và tôi sẽ sặc sụa trong đó như trong một biển mực. Tôi trở dậy thành người không còn kiềm chế nổi bản thân mình. Tôi hét lên, trong đầu tôi nảy sinh ra ý nghĩ phải chạy đến với một ai đó, dù cho là đến với tay chủ thầu xây dựng ở nhà trên. Tôi vật lộn với mình như một kẻ mất trí. Phải cố lắm tôi mới đủ sức để lê đến bên lò sưởi và đốt củi lên. Khi lửa đã bén và reo bập bùng trong lò, tôi bỗng nhiên cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi chạy ra phòng ngoài và bật đèn, tìm thấy ở đó một chai rượu vang trắng, mở nút uống thẳng từ miệng chai. Nhờ đó mà nỗi sợ hãi dịu bớt đi một chút - đến mức ít ra thì tôi cũng không còn phải chạy đến với tay chủ thầu xây dựng ở nhà trên, mà quay lại bên lò sưởi. Tôi mở cửa lò, hơi nóng tỏa ra rát bỏng mặt và tay tôi, và tôi thì thầm:
„Em hãy đoán ra rằng anh đang gặp tai họa. Em hãy đến ngay, hãy đến, hãy đến ngay đi!

Nhưng không ai đến cả. Ngọn lửa reo trong lò sưởi, mưa quất vào cửa sổ. Và lúc đó đã xảy ra điều cuối cùng. Tôi rút từ trong ngăn bàn ra những tập bản thảo đánh máy của cuốn tiểu thuyết và những cuốn vở chép tay rồi bắt đầu đốt [9] . Làm việc đó khó đến khủng khiếp, vì những tờ giấy dày đặc chữ rất khó cháy. Toạc cả móng tay, tôi cào xé từng trang giấy, đặt chúng dựng đứng giữa những thanh củi và dùng que thông lò khều đi lật lại. Thỉnh thoảng tro lại như ngăn cản tôi, làm tắt lửa, nhưng tôi vật lộn với nó, và cuốn tiểu thuyết, mặc dù cưỡng lại rất kịch liệt, cuối cùng cũng đã phải chết. Những từ quen thuộc thấp thoáng hiện trước mắt tôi, ngọn lửa vàng không gì cưỡng nổi cứ bốc cao dần lên trên từng trang giấy, nhưng những từ, những chữ dù sao vẫn hiện ra... Chúng chỉ biến mất khi tờ giấy đã cháy đen và tôi dùng que thông lò điên khùng đập tro cho tơi vụn ra.
Vào lúc đó có một người nào đấy cào nhẹ vào mặt kính cửa sổ. Tim tôi vọt lên, tôi nhét vội cuốn vở cuối cùng vào lò, nhảy bổ ra mở cửa. Nối từ gian nhà hầm lên cửa dẫn ra sân là những bậc tam cấp bằng gạch. Vừa vấp, tôi vừa chạy ra và khẽ hỏi:
„Ai đó?

Một giọng nói, giọng của nàng, đáp lời tôi:
„Em đây!

Không hiểu bằng cách nào tôi mở được ổ khóa. Vừa bước qua cửa vào trong nhà, nàng ngã vào tôi, cả người ướt sũng, run rẩy, lạnh buốt, tóc sổ tung. Tôi chỉ có thể thốt lên nổi một lời:
„Em... em?„ và giọng tôi ngắt lịm đi.
Rồi chúng tôi chạy xuống dưới tầng hầm. Ở phòng ngoài nàng cởi nhanh áo măng tô, và chúng tôi vội vã bước vào phòng thứ nhất. Khẽ hét lên một tiếng, nàng thò đôi tay trần vào lò lửa, ném ra sàn cái cuối cùng còn lại trong đó - một tập vở đã bắt đầu bắt lửa phía dưới. Khói lập tức bốc lên mù mịt khắp phòng. Tôi dùng chân dập tắt ngọn lửa, còn nàng ngã xuống đi văng và đột ngột òa lên khóc nức nở, tiếng khóc không kìm lại được.
Khi nàng đã dịu đi, tôi nói:
„Anh căm thù cuốn tiểu thuyết này, và anh sợ. Anh ốm rồi. Anh sợ.

Nàng ngồi dậy và nói:
„Ôi, lạy Chúa, anh ốm quá. Mà vì sao lại thế này, vì sao? Nhưng em sẽ cứu anh, em sẽ cứu anh. Tại sao lại thế này?

Tôi trông thấy cặp mắt sưng mọng vì khói và nước mắt của nàng, cảm thấy bàn tay lạnh giá của nàng vuốt ve trên trán tôi.
„Em sẽ chữa cho anh, em sẽ chữa cho anh khỏi
, nàng lắp bắp, bám chặt lấy vai tôi,
rồi anh sẽ khôi phục lại cuốn tiểu thuyết. Ôi tại sao, tại sao em lại không giữ lại ở chỗ em một bản!

Nàng nhe răng ra vì cáu giận, bất lực, nói thêm một điều gì đó không rõ, rồi mím chặt đôi môi, bắt đầu thu dọn và vuốt phẳng những tờ giấy đã bị cháy dở. Phần còn lại là một chương nào đó ở giữa cuốn tiểu thuyết, nhưng tôi không nhớ là chương nào nữa. Nàng cẩn thận xếp những trang cháy dở thành một tập, lấy giấy gói kỹ, buộc lại bằng một dải nơ. Tất cả những cử động của nàng chứng tỏ rằng nàng rất cương quyết và làm chủ mình. Nàng đòi rượu vang; uống xong một cốc, nàng cất tiếng nói đã bình tĩnh hơn:
„Chúng ta đã phải trả giá cho sự dối trá như thế đấy
, nàng nói,
và em không muốn chúng mình dối trá thêm nữa. Em có thể ở lại với anh bây giờ, nhưng em không muốn làm điều ấy bằng cách như thế này. Em không muốn để cho người đó suốt đời nghĩ rằng em đã trốn đi ban đêm. Người đó chưa bao giờ làm điều gì ác với em. Anh ấy bị gọi đi bất ngờ, ở nhà máy xảy ra đám cháy. Nhưng anh ấy sắp trở về. Em sẽ thú nhận tất cả với anh ấy sáng mai, em sẽ nói rằng em yêu người khác, và em sẽ trở lại với anh, trở lại vĩnh viễn. Anh hãy trả lời đi, hay là anh không muốn em làm điều đó?

„Ôi em tội nghiệp của anh, em yêu quý
, tôi nói với nàng,
anh sẽ không để cho em làm như thế đâu. Anh sẽ gặp những tai họa lớn, và anh không muốn để em phải chết cùng anh.

„Chỉ có nguyên nhân ấy thôi ư?„ nàng hỏi và ghé sát cặp mắt của mình vào mắt tôi.
„Chỉ có nguyên nhân ấy.

Nàng sôi nổi hẳn lên, vòng tay qua cổ ghì chặt lấy tôi, nói:
„Em sẽ chết cùng anh. Sáng mai em sẽ đến với anh.

Và rồi cái cuối cùng mà tôi nhớ trong cuộc đời của tôi, là một dải ánh sáng hắt ra từ căn phòng ngoài, và trong dải ánh sáng đó là mái tóc nàng chảy xõa, chiếc mũ bê rê và đôi mắt đầy quả quyết của nàng. Tôi còn nhớ bóng nàng nổi đen thẫm trên ngưỡng cửa và gói giấy trắng nàng cầm trong tay.
„Anh muốn tiễn em về, nhưng anh không còn đủ sức để quay lại đây một mình, anh sợ.

„Anh đừng sợ. Anh hãy gắng chịu vài giờ nữa. Sáng mai em sẽ đến với anh.„ Ðó là những lời cuối cùng của nàng trong cuộc đời tôi...
„Xuỵt!„ người khách bỗng tự cắt ngang lời mình và giơ ngón tay lên. „Ðêm trăng hôm nay xao động quá.

Người khách ra khuất ngoài ban công. Ivan nghe có tiếng bánh xe lăn trên hành lang, tiếng ai đó kêu rên hoặc khóc nức nở.
Khi tất cả đã yên lặng, người khách quay lại và thông báo, rằng phòng 120 đã có người ở. Người ta vừa chở đến một người cứ luôn mồm đòi trả lại đầu. Hai người bệnh cùng im lặng một lúc lâu đầy lo lắng, nhưng rồi họ cũng bình tĩnh trở lại và tiếp tục câu chuyện bỏ dở. Người khách đã bắt đầu mở miệng, nhưng cái đêm hôm nay quả là xao động, trong hành lang vẫn còn nghe có tiếng người, và anh nói vào tai Ivan khẽ đến nỗi những gì anh kể ra, chỉ có một mình nhà thơ được biết, nếu không kể câu đầu tiên sau đây:
„Ðúng mười lăm phút sau khi nàng ra về, có tiếng người gõ vào cửa sổ phòng tôi...

Có vẻ như những điều người bệnh thì thầm kể là rất xúc động đối với anh. Những cơ mặt anh chốc chốc lại giần giật. Ðôi mắt anh lộ vẻ kinh hoàng và căm giận. Người kể chuyện chỉ tay về một nơi nào đó phía mặt trăng (mà nó đã từ lâu lặn khuất khỏi ban công). Chỉ đến khi không còn nghe thấy bất kỳ tiếng động nào từ ngoài vọng vào nữa, người khách mới lùi ra xa Ivan một chút và cất giọng to hơn.
„Vâng, thế là vào một đêm giữa tháng Giêng, cũng mặc chiếc áo măng tô đó, nhưng đã mất hết cúc [10] , tôi co quắp người vì lạnh đứng trong mảnh sân nhà mình. Phía sau tôi là những đống tuyết phủ lấp cả các bụi tử đinh hương, còn trước mặt và phía dưới là những ô cửa sổ được chiếu sáng yếu ớt và bị màn che kín; tôi quỳ sát xuống chiếc cửa sổ đầu tiên và lắng nghe - trong các gian phòng của tôi vang lên tiếng máy hát. Ðó là tất cả những gì tôi nghe được. Nhưng tôi không thể nhìn thấy gì cả. Ðứng ở đó một lúc, tôi bước qua cổng vườn đi ra ngõ phố nhỏ. Bão tuyết. Một con chó chạy xô vào chân tôi làm tôi hoảng sợ. Tôi chạy sang phía bên kia đường. Cái lạnh và nỗi sợ hãi trở thành người bạn đồng hành thường xuyên của tôi, đã làm cho tôi phát điên lên. Tôi không còn nơi nào để đi nữa, và điều đơn giản nhất, tất nhiên, là đâm đầu xuống dưới bánh tầu điện ở ngay trên đường phố mà con ngõ hẻm của tôi đổ ra. Từ xa, tôi đã trông thấy những chiếc hộp đóng băng sáng trưng đó và nghe tiếng rít rùng rợn của chúng trên đường thép giá lạnh. Nhưng anh bạn hàng xóm thân mến ạ, nỗi sợ đã thấm vào từng tế bào cơ thể của tôi. Và tôi cũng sợ tàu điện hệt như sợ con chó kia. Ðúng vậy. trong cả khu nhà này không một ai có bệnh nặng hơn căn bệnh của tôi, tôi xin cam đoan như vậy với anh.

„Nhưng anh có thể cho cô ấy biết tin
, Ivan nói, tỏ vẻ thông cảm với người bệnh đáng thương, „hơn nữa, cô ấy còn giữ tiền của anh kia mà? Cô ấy tất nhiên vẫn còn giữ chứ?

„Ðiều đó anh không phải nghi ngờ, tất nhiên nàng vẫn còn giữ. Nhưng hình như anh chưa hiểu tôi? Hay là đúng hơn, tôi đã mất đi cái khả năng mô tả một điều gì đó, cái khả năng mà tôi đã từng có trước đây. Hơn nữa, tôi thật không tiếc nó lắm, vì rằng nó không cần cho tôi nữa. Nếu như tôi viết, thì trước mặt nàng, - người khách sùng kính nhìn ra phía bóng đêm - sẽ là lá thư từ nhà thương điên đến. Chẳng lẽ có thể gửi thư đi từ một địa chỉ như vậy sao? Một người bị bệnh điên? Anh đùa đấy, anh bạn ạ! Làm cho nàng thêm bất hạnh ư? Không, tôi không đủ sức để làm chuyện ấy.

Ivan không thể phản bác điều đó được, nhà thơ chỉ im lặng thông cảm với người khách, cùng đau khổ với anh. Còn Nghệ Nhân, trong nỗi đau của những kỷ niệm của mình ngồi lắc lư mái đầu đội chiếc mũ đen và nói:
„Một người đàn bà bất hạnh! Nhưng thực ra, tôi hy vọng là nàng đã quên tôi rồi!

„Nhưng anh có thể lành bệnh...„ Ivan rụt rè nói.
„Bệnh tôi không thể chữa khỏi
, người khách bình thản đáp, „khi St'ravinski nói rằng sẽ trả tôi lại cho cuộc sống, tôi không tin anh ấy. Anh ấy nhân đạo và muốn an ủi tôi. Tôi cũng không phủ nhận là bây giờ tôi có khá hơn nhiều. Mà tôi dừng lại ở chỗ nào rồi nhỉ? Băng giá, những toa tàu điện phóng như bay... tôi được biết rằng bệnh viện này đã mở cửa, và tôi đi bộ qua suốt thành phố để đến đây. Thật là một việc điên rồ! Có lẽ tôi đã phải chết cóng khi ra khỏi thành phố, nếu như không có một sự tình cờ đã cứu thoát tôi. Cách trạm gác vào thành phố bốn cây số có một chiếc xe tải bị hỏng một cái gì đó, và tôi đến gặp lái xe; cũng thật đáng ngạc nhiên là anh ta đã thương tình tôi. Chiếc xe đi đến đây, anh ta cho tôi đi nhờ. Tôi chỉ bị cóng chết mất mấy ngón chân trái. Nhưng cái đó người ta đã chữa lành cho tôi rồi. Tôi ở đây đã được bốn tháng, và anh biết không, tôi thấy là nơi này cũng không đến nỗi tồi. Ðừng vẽ vời ra cho mình những kế hoạch quá lớn, người láng giềng quý mến ạ, đúng thế! Tôi chẳng hạn, tôi đã từng muốn đi vòng quanh khắp cả quả địa cầu. Nhưng hóa ra số phận không chiều mình. Tôi chỉ được thấy một mẩu không lấy gì làm lớn lắm của cái địa cầu đó. Tôi nghĩ rằng nơi đây chưa phải là chốn tốt đẹp nhất trên mặt đất này, nhưng tôi nhắc lại, nó cũng không đến nỗi tồi lắm. Mùa hè sắp tới rồi, và trên ban công những dây trường xuân sẽ vươn cành sum sê như Praskovia Phedorovna đã hứa hẹn. Chùm chìa khóa này sẽ mở rộng khả năng của tôi. Ðêm đêm sẽ có trăng. Ồ, nó đã đi khuất mất rồi! Không khí dần dần trở nên mát mẻ. Trời đã quá nửa đêm. Thôi, tôi phải về đây.

„Anh hãy nói cho tôi biết đi, rồi cái gì xảy ra với Iesua và Pilat sau đó?„ Ivan hỏi. „Tôi cầu xin đấy, tôi muốn biết.

„Ồ không, không
, mặt người khách bỗng nhiên co giật một cách đau đớn, „tôi không thể nhớ lại cuốn tiểu thuyết của tôi mà không cảm thấy hãi hùng. Mà người quen của anh ở công viên Hồ Pat'riarsi sẽ làm điều đó tốt hơn tôi. Cảm ơn anh đã cùng tôi nói chuyện. Chào anh.

Ivan còn chưa kịp định thần, thì tấm lưới thép trên ban công đã khép lại với một tiếng vang khe khẽ, và người khách biến mất.
[1]Nhân vật xuất hiện: dịch đúng là Sự xuất hiện của nhân vật; ở đây có hai liên tưởng: a, sự xuất hiện của Chúa; và b, nhân vật xuất hiện ở chương 13 (con số 13 là con số ma quỷ, phản trắc).
[2]Ba mươi tám tuổi: khi Bulgakov bắt đầu viết tiểu thuyết Nghệ Nhân và Margarita, ông cũng 38 tuổi.
[3]Nhà phê bình Latunski...: các nhà nghiên cứu thấy trong các nhân vật này hình ảnh các nhà phê bình thù địch Bulgakov như O. Litovski, A. Orlinski, Averbakh, những người quyết liệt chống
chủ nghĩa Bulgakov
.
[4]Satan: ở Phương Tây, Satan vừa là chúa quỷ,
kẻ chống đối Chúa Trời
, vừa là tên gọi chung của các quỷ dữ, tượng trưng cho cái ác. Đây là một biểu tượng rất phức tạp, cả ở quan niệm tôn giáo, triết học, văn hóa dân gian, cả ở trong tiểu thuyết Bulgakov. Xin trích một đoạn nói về Satan trong
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới
, Nxb Đà Nẵng và trường viết văn Nguyễn Du, 1997, để tham khảo: Trong các truyền thuyết bí hiểm, Satan là một tên gọi khác của Saturne trong chừng mực Saturne là Sự vật chất hóa tinh thần, là Tinh thần thoái hóa, sa vào trong vật chất, sự sa ngã của Lucifer, Kẻ-mang-ánh-sáng... Huyền thoại về Satan tóm tắt toàn bộ các vấn đề nan giải mà ta gọi là cái ác, nó không có gì khác hơn là một con quái vật mang tính chất Neptune. Sự tồn tại của nó hoàn toàn có quan hệ với sự ngu tối của con người, chỉ là một sự chệch hướng của ánh sáng nguyên sơ, bị chôn vùi vào trong Vật chất, bị bao phủ trong bóng tối và phản chiếu vào trong cái hỗn loạn của ý thức con người, luôn luôn tìm cách bộc lộ ra. Tuy nhiên sự chệch hướng đó, do những đau đớn, nó kéo theo, có thể là phương cách để nhận biết tôn ti đích thực của các giá trị và điểm xuất phát của sự chuyển biến ý thức, sau đó trở nên có khả năng phản ánh một cách thuần khiết ánh sáng nguyên lai (SENZ, 315n, 417) (Trang 1013 sđd). Satan còn được gọi là Demon, Diable, v.v...
[5]Faust: vở nhạc kịch của nhạc sĩ Pháp S. Guno (1818-1893).
[6]Nghệ Nhân: trong tiếng Nga là MACTEP (Master), thường có thể dịch sang tiếng Việt là Thợ cả, Bực thầy, Nghệ nhân..., từ này chỉ người có trình độ tay nghề cao trong một nghề, một lĩnh vực nghệ thuật nào đó. Đồng thời từ này thời cổ chỉ người nắm bắt được những bí ẩn và quyền lực tối cao. Bulgakov sử dụng cả hai nghĩa này. Dịch sang tiếng Việt thành Nghệ Nhân là khiên cưỡng, nhưng chúng tôi không tìm ra từ khác đạt hơn. Thêm nữa, từ MACTEP trong tiếng Nga không viết hoa, nhưng chúng tôi viết hoa từ Nghệ Nhân để nhấn mạnh và phân biệt.
[7]... chữ cái "N": trong nguyên tác tiếng Nga vốn là M, chữ cái đầu tiên của từ MacTep, đồng thời nó còn liên tưởng đến chữ W lộn ngược (tên của Voland viết theo Bulgakov là Woland). Khi chuyển sang tiếng Việt thành N (Nghệ Nhân) chúng tôi đành bỏ mất sự liên tưởng trên.
[8]Cơn mưa tạt xiên: hình ảnh trong bài thơ
Trở về
của Maiakovski (bản đăng tạp chí, về sau tác giả bỏ khi đưa vào sách): Tôi muốn cho đất nước hiểu tôi/Đất nước không hiểu - biết làm sao, đành vậy/Đất nước thân yêu tôi lánh sang bên/Như giọt mưa rào gió tạt xiên (Lời dịch của Hoàng Ngọc Hiến).
[9]... bắt đầu đốt: chi tiết có thật đối với cuốn tiểu thuyết của chính Bulgakov.
[10]... đã mất hết cúc: chi tiết này ngụ ý rằng Nghệ Nhân đã bị bắt và ở tù, vì vào thời đó ở nhà tù, những người bị bắt đều bị cắt hết cúc trên áo quần.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nghệ nhân và Margarita.