Phần 2 - Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5


Số từ: 8303
Dịch giả: Đoàn Tử Huyến
Nguồn: Nhà xuất bản Văn học
Khi Margarita đọc đến những chữ cuối cùng của chương
Quan tổng trấn thứ năm của xứ Giudea Ponti Pilat đã đón bình minh ngày mười lăm tháng Nisan như thế đó
, - thì trời bắt đầu sáng.
Ngoài mảnh sân nhỏ, bầy chim sẻ ríu rít hót với nhau câu chuyện buổi sớm sôi nổi và vui vẻ trong các nhành liễu và lipa.
Margarita rời ghế bành đứng dậy, vươn vai, chỉ đến bây giờ nàng mới cảm thấy khắp người mỏi nhừ và buồn ngủ. Cần phải nói, có một điều thú vị là tâm hồn của Margarita tuyệt đối thanh thản. Những ý nghĩ của nàng không rối rắm, tản mạn, nàng hoàn toàn không bị chấn động trước việc nàng đã qua một đêm khác thường đến vậy. Những hồi ức về việc nàng đã có mặt tại vũ hội của chúa quỷ Satan, rồi bằng một phép mầu nào đó, Nghệ Nhân đã được trở lại với nàng, cuốn tiểu thuyết đã bị đốt cháy lại xuất hiện từ tro bụi, và tất cả lại y nguyên như cũ trong căn hộ tầng ngầm ở ngõ nhỏ, nơi tên vu khống Aloyzi Mogarưt đã bị đuổi đi, - tất cả đều không làm cho Margarita bận tâm. Tóm lại, việc làm quen với Voland không gây cho nàng một tác hại tâm lý nào. Tất cả đã xảy ra dường như hiển nhiên nó phải xảy ra như vậy. Nàng bước sang phòng bên, nơi Nghệ Nhân vẫn say sưa ngủ, tắt ngọn đèn bàn giờ trở nên không còn cần thiết, rồi nằm xuống chiếc đi văng nhỏ được trải bằng mảnh chăn rách cạnh bức tường đối diện. Một phút sau, nàng thiếp đi và không hề mộng mị gì cho tới sáng. Im lặng bao trùm lên những căn phòng của căn hộ tầng ngầm, im lặng trong cả ngôi nhà của người chủ thầu xây dựng, cả trong ngõ phố nhỏ vắng tanh.
Nhưng cũng vào lúc đó, tức là vào bình minh ngày thứ bảy, cả một tầng lớn của một trong những cơ quan ở Moskva không ngủ. Từ những ô cửa sổ hướng ra mặt quảng trường lớn rải nhựa, nơi có những cỗ xe đặc biệt đang chậm chạp rú máy dùng bàn chải quét sạch mặt đường, ánh điện sáng rực vẫn hắt ra hòa vào những tia nắng của vầng mặt trời đang lên.
Cả tầng nhà này đang tiến hành điều tra vụ Voland, và đèn điện sáng suốt đêm trong hàng chục căn phòng làm việc.
Thực ra mà nói, sự việc đã rõ ràng ngay từ ngày hôm qua, tức là thứ sáu, khi nhà hát Tạp Kỹ buộc phải đóng cửa vì lý do toàn bộ ban lãnh đạo của nó biến mất và còn vì đủ các trò bậy bạ khác diễn ra vào buổi biểu diễn hắc ảo thuật nổi tiếng nọ. Nhưng khổ một nỗi là những tin tức mới vẫn cứ liên tục không ngớt được gửi về tầng nhà không ngủ.
Bây giờ, nhiệm vụ của ban điều tra vụ việc kỳ lạ này - cái vụ việc rõ ràng là có hơi hướng của ma quỷ, lại còn pha thêm những trò ảo thuật thôi miên và hiển nhiên đã dính dáng đến hình sự, - là phải kết gắn tất cả những sự kiện đủ dạng và rối rắm xảy ra ở nhiều chỗ khác nhau của Moskva vào một mối thống nhất.
Người đầu tiên buộc phải hiện diện ở tầng nhà không ngủ sáng choang ánh điện là Arkadi Apolonovich Sempleiarov, chủ tịch Hội đồng âm thanh.
Vào thứ sáu sau bữa ăn trưa, trong căn hộ của ông ta ở ngôi nhà cạnh Cầu Ðổ vang lên tiếng chuông điện thoại, một giọng đàn ông đòi nói chuyện với Arkadi Apollonovich. Phu nhân của Arkadi Apollonovich bước đến bên máy điện thoại và cau có đáp rằng Arkadi Apollonovich cảm thấy trong người khó ở, đã đi nằm nghỉ và không thể đến bàn điện thoại được. Nhưng rồi Arkadi Apollonovich cũng buộc phải đi ra bàn điện thoại. Khi được hỏi ở đâu gọi cho Arkadi Apollonovich, giọng nói ở trong ống nghe đáp rất ngắn là từ đâu gọi.
«Ngay... ngay, chờ cho một giây... ngay... ngay, chờ cho một phút...» - phu nhân của ông chủ tịch Hội đồng âm thanh, thường ngày vốn rất kênh kiệu, bỗng lắp ba lắp bắp rồi bay như tên bắn vào phòng ngủ dựng Arkadi Apollonovich dậy khỏi chiếc giường, nơi ông ta đang nằm ngủ và với một nỗi đau khổ vô bờ nhớ lại buổi diễn tối qua và cuộc cãi lộn nửa đêm kèm theo việc đuổi cô cháu gái từ Saratov đến ra khỏi căn hộ.
Và quả nhiên, không phải sau một giây, cũng không phải sau một phút, mà sau một phần tư phút, Arkadi Apollonovich, với một chiếc giày trên chân trái, mặc độc quần áo lót, đã đứng cạnh bàn điện thoại lắp bắp vào máy:
«Vâng, tôi đây... Tôi nghe đây, tôi nghe đây...»
Phu nhân của ông, vào giây phút này quên bẵng mất tất cả những tội lỗi ghê tởm, tội phản bội lại lòng chung thủy mà Arkadi Apollonovich bất hạnh đã bị tố cáo, thò khuôn mặt hoảng hốt vào cánh cửa dẫn ra hành lang, chọc chọc chiếc giày vào không khí:
«Ði giày vào, đi vào... Lạnh chân cảm bây giờ.» - Ðáp lại Arkadi Apollonovich vung vẩy chiếc chân trần, trợn cặp mắt dữ tợn đuổi vợ đi, và lắp bắp vào điện thoại:
«Vâng, vâng, vâng, tất nhiên, tôi hiểu... Tôi sẽ đi ngay bây giờ.»
Suốt buổi tối Arkadi Apollonovich phải ngồi tại cái tầng nhà của ban điều tra. Câu chuyện trao đổi thật nặng nề, một câu chuyện cực kỳ khó chịu, bởi lẽ ông ta buộc phải kể một cách vô cùng chân thật không chỉ về cái buổi diễn nọ và cuộc ẩu đả trong khoang lô, mà kèm theo đó, điều này quả là rất cần thiết, phải kể cả về cô Militxa Andreevna Pokobatko ở phố Elokhovskaia, cả về cô cháu gái họ từ thành phố Saratov đến, và còn về nhiều điều khác, những điều khiến câu chuyện gây cho Arkadi Apollonovich những nỗi đau khổ không thể nào tả nổi.
Một điều hiển nhiên là những lời khai của Arkadi Apollonovich, một nhân vật trí thức và có văn hóa, người đã tận mắt chứng kiến buổi biểu diễn tệ hại kia, người làm chứng sáng dạ và có chuyên môn cao, người đã mô tả một cách tuyệt vời cả nhà ảo thuật bí ẩn mang mặt nạ lẫn hai tên trợ lý côn đồ của ông ta, người nhớ rất chắc chắn rằng họ của tay pháp sư kia là Voland - những lời khai của Arkadi Apollonovich đã giúp cho việc điều tra tiến triển khá nhiều. Việc đối chiếu lời khai của Arkadi Apollonovich với lời khai của những người khác, trong số đó có cả các bà các cô vốn là nạn nhân sau buổi diễn (kể cả cô mặc áo lót tím đã khiến Rimski kinh ngạc, và than ôi, còn nhiều người khác nữa), cả anh nhân viên văn thư Karpov lần đó được phái đến căn hộ số 50 trên phố Sadovaia, - đã cho phép nhanh chóng xác định được nơi cần phải tìm thủ phạm của tất cả những trò phiêu lưu đó.
Người ta đã đến căn hộ số 50, và không phải một lần, không chỉ đã xem xét nó một cách cực kỳ kỹ lưỡng, mà còn gõ khắp các bức tường trong đó, lục soát các ống thông khói lò sưởi, tìm những chỗ ẩn kín. Nhưng tất cả những biện pháp đó đều không mang lại một kết quả gì, không một lần đến khám nào phát hiện ra dù chỉ lấy một người ở trong căn hộ, mặc dầu đã rõ ràng rằng trong căn hộ phải có ai đó, tuy tất cả những nhân vật bằng cách này hay cách khác liên quan đến việc đón tiếp các nghệ sĩ nước ngoài tới Moskva đều khẳng định một cách quả quyết và chắc chắn rằng: không có và không thể nào có được nhà hắc ảo thuật Voland nào ở Moskva cả.
Tuyệt nhiên không ở đâu thấy ông ta đăng ký việc mình đến thủ đô, không ai thấy ông ta xuất trình hộ chiếu của mình hay bất kỳ một thứ giấy tờ, một thứ hợp đồng nào khác, và không một ai nghe nói gì về ông ta cả. Trưởng ban chương trình của ủy ban biểu diễn Kitaisev thề thốt rằng ông giám đốc Stepan Likhodeev đã bị mất tích không hề gửi bất kỳ một tờ chương trình biểu diễn nào của bất kỳ một tay Voland nào cho ông ta duyệt hết, và cũng không ai gọi điện cho Kitaisev về tay Voland đó cả. Vậy cho nên ông ta, Kitaisev, tuyệt đối không hiểu và không biết bằng cách nào ở nhà hát Tạp Kỹ Stepan lại để xảy ra một buổi biểu diễn như vậy. Khi người ta nói rằng chính Arkadi Apollonovich tự mắt mình trông thấy nhà ảo thuật đó trên buổi biểu diễn, Kitaisev chỉ biết dang rộng hai tay ra vẻ vô cùng ngạc nhiên và ngước mắt lên nhìn trời. Qua riêng đôi mắt của Kitaisev cũng có thể trông thấy và mạnh dạn nói được rằng, ông ta trong sáng như pha lê.
Còn chính ông Prokhor Pet'rovich, chủ nhiệm ủy ban biểu diễn...
... Nhân thể nói thêm: ông ta đã hiện ra trong bộ comlê của mình ngay khi những người công an bước vào phòng làm việc của ông ta, việc đó khiến cho Anna Ritrardovna mừng rỡ cùng cực và những người công an bị gọi đến một cách vô ích ngạc nhiên đến tột độ. Và xin nói thêm một câu nữa: sau khi trở về chỗ của mình trong bộ comlê sọc màu xám, Prokhor Pet'rovich hoàn toàn nhất trí với những quyết định mà bộ comlê đã ký duyệt trong thời gian ông ta vắng mặt ngắn ngủi.
... vậy là, chính cả ông Prokhor Pet'rovich cũng tuyệt đối không biết gì về tay Voland nào cả.
Sự việc hóa ra, như các vị thấy đấy, cực kỳ khó hiểu: hàng mấy ngàn khán giả, toàn bộ nhân viên nhà hát Tạp Kỹ, và cuối cùng, Sempleiacov Arkadi Apollonovich, một con người có học vấn siêu thường, tất cả đã trông thấy nhà ảo thuật nọ cùng mấy tên trợ lý ba lần đáng nguyền rủa của ông ta, thế mà trong lúc đó tuyệt nhiên không thể có cách nào tìm thấy ông ta ở đâu. Vậy thì, xin phép được hỏi các vị: phải chăng ông ta đã độn thổ ngay tức thì sau buổi biểu diễn đáng ghê tởm của mình; hay là, như một số người khẳng định, ông ta hoàn toàn không hề đến Moskva? Nếu như điều thứ nhất đúng, thì không nghi ngờ gì nữa, là khi độn thổ, ông ta đã túm theo toàn bộ ban lãnh đạo nhà hát Tạp Kỹ; còn nếu điều thứ hai đúng, thì chẳng hóa ra là chính ban lãnh đạo nhà hát Tạp Kỹ, sau khi bày ra những trò du côn bẩn thỉu nào đó (chỉ cần nhớ lại chiếc kính cửa sổ bị đập vỡ trong phòng làm việc và thái độ lạ lùng của con chó Tuzbuben!) đã biến mất tăm dạng khỏi Moskva.
Cần phải có lời khen ngợi người chỉ huy cuộc điều tra. Phó giám đốc tài chính Rimski đã được tìm ra một cách nhanh chóng đến đáng kinh ngạc. Chỉ cần đối chiếu thái độ của Tuzbuben ở bến đỗ taxi cạnh rạp chiếu bóng với một vài số liệu thời gian, chẳng hạn, buổi biểu diễn kết thúc lúc mấy giờ và Rimski có thể biến mất khi nào, là đủ để ngay lập tức gửi điện đi Leningrad. Sau một giờ nhận được điện trả lời (lúc gần tối thứ sáu), rằng đã tìm thấy Rimski ở buồng số bốn trăm mười hai của khách sạn
Astoria
, tầng bốn, cạnh buồng người phụ trách chương trình của một trong những nhà hát Moskva đang mùa lưu diễn ở Leningrad, ở ngay trong căn buồng được trang bị đồ gỗ mầu xanh xám khảm vàng và một buồng tắm tuyệt vời.
Ðược tìm thấy khi đang trốn trong tủ quần áo của buồng số bốn trăm mười hai khách sạn
Astoria
, Rimski lập tức bị bắt và đem đi hỏi cung ngay tại Leningrad. Sau đó, một bức điện được gửi về Moskva báo tin rằng phó giám đốc nhà hát Tạp Kỹ ở trong tình trạng không có năng lực chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, anh ta không thể trả lời các câu hỏi một cách thỏa đáng hoặc không muốn trả lời, mà chỉ xin được trốn vào trong một căn phòng bọc thép có lính vũ trang canh giữ. Moskva gửi điện đến ra lệnh áp giải Rimski về thủ đô ngay, và kết quả là chiều thứ sáu, Rimski đã lên chuyến tàu đêm cùng một đội áp tải rời Leningrad đi Moskva.
Vào chiều thứ sáu cũng đã tìm ra dấu vết của Likhodeev. Những bức điện hỏi về Likhodeev được gửi đi khắp tất cả các thành phố, và Ialta trả lời rằng Likhodeev đã có mặt ở Ialta, nhưng vừa lên máy bay bay về Moskva.
Chỉ duy nhất có một người không thể nào tìm ra dấu vết. Ðó là Varenukha. Nhân vật trưởng phòng quản trị nhà hát nổi tiếng khắp Moskva bỗng dưng biệt vô âm tín.
Cũng cùng thời gian đó lại còn phải xử lý những sự việc diễn ra ở các khu vực khác của Moskva ngoài nhà hát Tạp Kỹ. Phải giải quyết những trường hợp lạ thường xảy ra với các nhân viên hát bài
Baikan thần thánh biển vinh quang...
(xin nói thêm: giáo sư St'ravinski sau hai giờ đồng hồ đã thành công trong việc làm cho họ bình thường trở lại nhờ chích một thứ thuốc gì đó vào dưới da), với những người trả cho người khác hoặc nộp cho các cơ quan nhà nước dưới dạng những tờ giấy bạc nhưng sau đó biến thành đủ thứ có quỷ mới biết là cái gì, cũng như với những người là nạn nhân của cái trò đánh tráo này.
Và hiển nhiên là trong số tất cả những trường hợp xảy ra đó, cái trường hợp khó chịu nhất, bê bối nhất và nan giải nhất là vụ đánh cắp giữa thanh thiên bạch nhật chiếc đầu của nhà văn quá cố Berlioz ngay từ trong quan tài ở phòng lớn nhà Griboedov.
Mười hai người tiến hành cuộc điều tra cứ móc nối lẫn với nhau những mắt xích nằm rải rác khắp Moskva của cái vụ việc phức tạp rối rắm này.
Một dự thẩm viên đi đến bệnh viện của giáo sư St'ravinski. Việc đầu tiên của anh ta là yêu cầu trao cho mình danh sách tất cả những người vào bệnh viện trong ba ngày cuối cùng. Bằng cách đó đã phát hiện ra Nikanor Ivanovich Bosoi và tay điều khiển chương trình bất hạnh bị vặn mất đầu. Nhưng hai người này được chú ý tới không nhiều lắm. Bây giờ đã có thể dễ dàng xác định rằng họ là nạn nhân của cùng một bọn do nhà ảo thuật bí ẩn kia cầm đầu. Nhưng viên dự thẩm đặc biệt quan tâm đến nhà thơ Ivan Nikolaievich Bezdomnưi.
Cánh cửa phòng số 117 của Ivan mở ra vào lúc gần tối ngày thứ sáu; bước vào phòng là một người còn trẻ, mặt tròn, dáng trầm tĩnh và lịch thiệp; anh ta hoàn toàn không giống một dự thẩm viên, nhưng thực ra lại là một trong những nhân viên điều tra giỏi nhất Moskva. Anh ta trông thấy người đàn ông còn trẻ nằm trên giường, mặt tái nhợt và hốc hác, với cặp mắt thể hiện một sự bàng quan hờ hững đối với tất cả những gì xảy ra xung quanh, khi thì nhìn đi đâu đó xa xăm, vượt lên mọi vật xung quanh, khi thì hướng sâu vào nội tâm của chính bản thân mình.
Viên dự thẩm ân cần tự giới thiệu rồi nói rằng anh ta đến gặp Ivan Nikolaievich để trao đổi về những việc xảy ra vào chiều ngày hôm kia ở công viên Hồ Pat'riarsi.
Ôi, Ivan chắc đã đắc ý biết chừng nào, nếu như nhân viên điều tra đến gặp anh trước đây, ít ra là, nói thí dụ: vào tối thứ năm, khi Ivan nóng nảy và khao khát đòi mọi người phải nghe câu chuyện của anh về Hồ Pat'riarsi. Bây giờ thì cái mơ ước của anh được góp tay bắt giữ tên chuyên gia nọ đã thành hiện thực, anh không còn cần phải chạy đi tìm ai nữa, tự người ta đã đến gặp anh để nghe anh kể lại những gì xảy ra vào chiều thứ tư hôm ấy.
Nhưng than ôi, trong thời gian kể từ khi xảy ra cái chết của Berlioz, Ivan đã thay đổi hoàn toàn. Anh sẵn lòng và lịch sự trả lời tất cả các câu hỏi của viên dự thẩm, nhưng giờ đây sự hờ hững biểu lộ cả trong ánh mắt Ivan lẫn trong giọng nói của anh. Số phận của Berlioz không còn làm cho nhà thơ xúc động nữa.
Trước khi viên dự thẩm đến, Ivan nằm mơ màng trên giường, và trước mắt anh hiện ra những hình ảnh khác thường. Chẳng hạn, anh trông thấy một thành phố kỳ lạ, bí ẩn, không có thật, với những khối đá cẩm thạch, những dãy cột bị bào mòn, những mái che lấp lánh dưới ánh mặt trời, với ngôi tháp Antoni đen ngòm dữ tợn và ảm đạm, với tòa lâu đài ở ngọn đồi phía Tây gần như chìm ngập tới tận mái trong màu xanh cây cối của khu vườn nhiệt đới, với những pho tượng đồng cháy rực dưới nắng hoàng hôn nổi bật lên phía trên màu cây xanh đó, anh trông thấy những kenturia La Mã mặc giáp đồng đi lại dưới chân tường của ngôi thành cổ.
Trong cơn mơ màng, trước mặt Ivan hiện lên một người ngồi bất động trong ghế bành, râu cạo nhẵn, với khuôn mặt màu vàng bị giày vò; ông ta mặc chiếc áo choàng trắng với lần vải lót trong đỏ như máu, ngồi nhìn xuống khu vườn xanh tốt và xa lạ với vẻ thù ghét. Ivan còn trông thấy ngọn đồi trọc màu vàng, những cây cột có thanh xà ngang bỏ không.
Còn những chuyện xảy ra ở công viên Hồ Pat'riarsi giờ không làm cho nhà thơ Ivan Bezdomnưi quan tâm nữa.
«Ivan Nikolaievich, khi ông Berlioz ngã xuống dưới tàu điện, anh đứng có xa chiếc cửa quay không?»
Một nét cười mỉm hờ hững thoáng qua không hiểu sao nhợt hiện lên trên môi Ivan, và anh đáp lại:
«Tôi ở xa.»
«Thế còn cái tay mặc áo kẻ ô thì ở cạnh cửa quay à?»
«Không, anh ta ngồi trên ghế băng cách đấy một quãng.»
«Anh nhớ rõ là người mặc áo kẻ ô không đi đến bên cửa quay khi ông Berlioz ngã chứ?»
«Tôi nhớ. Anh ta không đi đến đấy. Anh ta ngồi doãi người trên ghế.»
Ðó là những câu hỏi cuối cùng của viên dự thẩm. Hỏi xong, anh ta đứng dậy, chìa tay cho Ivan, chúc anh nhanh chóng bình phục và tỏ ý hy vọng rằng sắp tới sẽ lại được đọc thơ anh.
«Không, - Ivan trả lời khe khẽ, - tôi sẽ không làm thơ nữa.»
Viên dự thẩm mỉm cười một cách lịch sự, bày tỏ sự tin tưởng rằng hiện nay nhà thơ đang ở trong tình trạng tâm thần ít nhiều bất yên, nhưng điều đó sẽ nhanh chóng qua khỏi.
«Không, - Ivan đáp, không nhìn viên dự thẩm, mà nhìn ra xa, về phía chân trời đang dần tắt nắng. - Cái đó sẽ không bao giờ qua khỏi. Những bài thơ tôi đã viết là thơ tồi, bây giờ thì tôi đã hiểu ra điều đó.»
Viên dự thẩm chia tay với Ivan sau khi đã nhận được những số liệu khác quan trọng. Lần theo sợi chỉ nối các sự kiện từ cuối đến đầu, rốt cục rồi người ta cũng đã đến được cái ngọn nguồn xuất phát tất cả các sự kiện. Viên dự thẩm không nghi ngờ rằng những điều đó bắt đầu từ vụ giết người ở công viên Hồ Pat'riarsi. Tất nhiên, cả Ivan lẫn tay mặc áo kẻ ô không ai đẩy viên chủ tịch MASSOLIT bất hạnh kia xuống dưới tàu điện, không một ai tác động, có thể nói, bằng lực vật lý, đến cái ngã của ông ta xuống dưới bánh xe. Nhưng viên dự thẩm tin chắc rằng Berlioz đã nhảy xuống dưới tàu điện (hoặc ngã xuống đó) là do bị thôi miên.
Vâng, số liệu thì đã có nhiều, và đã rõ là phải bắt ai và bắt ở đâu. Nhưng vấn đề là ở chỗ không làm cách nào để có thể bắt được. Cần phải nhắc lại rằng không nghi ngờ gì nữa, trong căn hộ số 50 ba lần đáng nguyền rủa kia phải có một ai đấy. Chốc chốc căn hộ đó lại trả lời những hồi chuông điện thoại, khi thì bằng giọng rè rè, khi thì bằng giọng mũi, đã mấy lần cửa sổ trong căn hộ mở ra, thậm chí từ đó còn vẳng ra tiếng máy hát. Thế mà lần nào cử người đến đều tuyệt đối không tìm thấy một ai ở đó cả. Mà đến không phải một lần, lại còn vào những thời gian khác nhau của ngày đêm. Như vậy chưa hết, người ta còn dùng lưới quét khắp căn hộ, kiểm tra tất cả các ngóc ngách. Căn hộ từ lâu đã bị nghi ngờ. Người ta canh gác không chỉ lối vào chính đi qua cổng trước, mà còn cả lối sau; rồi cả ống thông khói trên mái nhà cũng bị canh giữ. Vâng, căn hộ số 50 đã gây ra những trò tồi tệ, nhưng không thể làm gì với nó được.
Tình hình cứ như vậy kéo dài cho đến nửa đêm thứ sáu sang ngày thứ bảy, khi nam tước Maighel, trong bộ lễ phục buổi tối diện giày da láng trang trọng đi đến căn hộ số 50 với tư cách là khách mời. Người ta còn nghe thấy cánh cửa mở ra đón nam tước vào căn hộ. Ðúng mười phút sau, không hề bấm chuông gọi cửa, một nhóm người xông vào căn hộ, nhưng họ không những không tìm thấy các chủ nhà, mà, một điều thật lạ lùng, cả nam tước Maighel cũng hoàn toàn mất bóng.
Vậy là, như đã nói ở trên, sự việc cứ kéo dài như thế cho đến bình minh ngày thứ bảy. Tới lúc đó đã có thêm những số liệu mới và rất đáng chú ý. Một chiếc máy bay hành khách sáu chỗ ngồi từ Krưm đến đã hạ cánh xuống sân bay Moskva. Trong số những người từ máy bay bước xuống có một hành khách thật dị thường. Ðó là người đàn ông hãy còn trẻ, râu ria mọc rậm rì, ba ngày đêm không tắm rửa, cặp mắt hoảng hốt và đỏ chạch, không có hành lý và ăn mặc hơi kỳ quái: đầu đội mũ lông thành cao, mình khoác áo buốcka mặc ngoài áo lót ngủ và đi đôi giày da dùng trong nhà màu xanh mới cứng vừa mua. Ông ta vừa mới xuống cầu thang máy bay, lập tức có mấy người bước lại gặp. Người ta đã đợi sẵn ông này ở sân bay, và chỉ một lúc sau, viên giám đốc không thể nào quên được của nhà hát Tạp Kỹ Stepan Bogdanovich Likhodeev đã có mặt tại ban điều tra. Ông ta cung cấp thêm những số liệu mới. Bây giờ thì trở nên rõ ràng rằng Voland chui được vào nhà hát Tạp Kỹ dưới dạng một nghệ sĩ sau khi đã thôi miên Stepan Likhodeev, và sau đó ném chính ông Stepan này đi xa Moskva có Chúa mới biết bao nhiêu cây số. Số liệu như vậy là được bổ sung phong phú thêm, nhưng tình hình chẳng nhờ thế trở nên dễ dàng, mà ngược lại thậm chí có phần còn rắc rối hơn, bởi vì ai cũng hiểu rõ rằng để bắt giữ được một tay có khả năng làm những trò như vậy với Stepan đâu phải là việc dễ dàng. Cũng xin nói thêm, Likhodeev, theo lời yêu cầu của chính anh ta, đã được giam vào một xà lim chắc chắn. Tiếp đó trước mặt ban điều tra xuất hiện Varenukha. Anh ta vừa bị bắt ở nhà riêng của mình sau gần hai ngày đêm vắng mặt không để lại tin tức gì.
Mặc dù đã hứa với Azazello là sẽ không nói dối nữa, tay trưởng phòng quản trị nhà hát lại mở đầu lời khai bằng một điều dối trá. Tuy nhiên, thực ra mà nói, cũng không nên phê phán anh ta một cách quá nghiêm khắc về điều đó. Bởi vì Azazello chỉ cấm anh ta nói dối và thô lỗ qua điện thoại, còn trong trường hợp này, trưởng phòng quản trị nhà hát khi nói chuyện hoàn toàn không dùng đến thứ máy móc đó. Mắt lấc láo nhìn quanh, Ivan Savelievich khai rằng trưa ngày thứ tư anh ta ngồi một mình trong phòng làm việc ở nhà hát Tạp Kỹ và uống rượu say, rồi sau đấy đi đâu đó, còn đi đâu thì anh ta không nhớ; ở đâu đó lại uống thêm loại vodka nặng, còn ở đâu cũng không nhớ; ở đâu đó nằm ngủ quên dưới hàng rào, mà ở đâu thì cũng lại không nhớ. Chỉ sau khi người ta nói với Varenukha rằng bằng thái độ như vậy, một thái độ ngu ngốc và thiếu suy nghĩ, anh ta có thể gây cản trở cho việc điều tra một vụ án quan trọng, và anh ta, tất nhiên, sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó, Varenukha mới khóc nức lên và vừa nhìn quanh vừa thều thào bằng một giọng run rẩy, rằng anh ta nói dối là vì quá khiếp hãi, vì sợ sự trả thù của bè lũ Voland, những kẻ đã bắt giam anh ta trong suốt mấy ngày qua. Cuối cùng Varenukha đề nghị, cầu xin, khao khát được nhốt vào một chiếc xà lim bọc thép.
«Hừ, quỷ quái chưa! Sao họ lại nghiện cái xà lim bọc thép đến thế», - một trong những dự thẩm viên lẩm bẩm.
«Cái bọn vô lại này đã làm cho họ quá khiếp sợ», - viên dự thẩm đã đến gặp Ivan Bezdomnưi nói.
Người ta cố làm cho Varenukha yên tâm, nói rằng anh ta sẽ được bảo vệ chắc chắn mà không cần đến xà lim nào cả. Ðến lúc đó mới biết được rằng anh ta không hề uống bất kỳ một thứ vodka nào ở dưới bất kỳ một hàng rào nào, mà anh ta đã bị đánh đập bởi hai người, một tay tóc hung có răng nanh, và một tay thấp béo...
«Ồ, giống như con mèo phải không?»
«Vâng, vâng, vâng», - chỉ chực ngất đi vì kinh hãi, mắt liên tục đảo quanh, trưởng phòng quản trị nhà hát thì thầm tiếp tục kể những chi tiết của việc gần hai ngày qua anh ta ở trong căn hộ số 50 với tư cách con quỷ hút máu chỉ điểm và suýt nữa thì trở thành nguyên nhân dẫn đến cái chết của phó giám đốc tài chính Rimski...
Ðúng lúc đó, người ta dẫn Rimski, vừa được đưa từ Leningrad đến bằng tàu hỏa, vào phòng. Nhưng cái ông già tóc bạc tâm thần rối loạn và run rẩy khiếp sợ này, - mà người ngoài rất khó nhận ra đó là ông phó giám đốc tài chính trước kia, - nhất thiết không chịu nói ra sự thật. Trong việc này ông ta tỏ ra rất kiên quyết. Rimski khẳng định rằng ông ta không hề trông thấy cô ả Ghella nào ở trên cửa sổ phòng làm việc của mình vào ban đêm, cũng như không hề gặp Varenukha, mà sự việc đầu đuôi chỉ rất đơn giản là ông ta cảm thấy khó ở và trong cơn rối trí đã lên tàu đi Leningrad. Cũng chẳng cần nói thêm rằng ông phó giám đốc tài chính ốm yếu kết thúc lời khai của mình bằng lời xin được nhốt vào một xà lim bọc thép.
Annuska bị bắt khi thị toan trả cho bà thủ quỹ ở cửa hàng bách hóa tổng hợp trên phố Arbat một tờ giấy bạc mười đô la. Câu chuyện của Annuska về những người bay ra khỏi cửa sổ ngôi nhà trên phố Sadovaia và chiếc khuyên bán nguyệt mà Annuska, theo lời thị kể, nhặt lên để nộp cho công an, đã được nghe rất chăm chú.
«Chiếc khuyên bán nguyệt đúng là bằng vàng đính kim cương?» - các dự thẩm viên hỏi Annuska.
«Chẳng lẽ tôi lại không biết kim cương sao?» - Annuska đáp.
«Nhưng anh ta cho chị tiền mười rúp phải không, như chị vừa nói?»
«Chẳng lẽ tôi lại không biết tiền mười rúp sao?» - Annuska đáp.
«Thế thì chúng biến thành đô la từ bao giờ?»
«Tôi không biết gì hết. Ðôla nào, tôi không biết đôla đô liếc nào hết, - Annuska the thé đáp, - chúng tôi có quyền như vậy. Người ta trả công cho chúng tôi, chúng tôi đi mua vải hoa...» - và thị bắt đầu nói đủ thứ nhảm nhí rằng thị không chịu trách nhiệm thay cho ban quản lý nhà, những kẻ đã dung túng một lũ ma quái nào đó ở trên tầng năm, khiến cho không ai sống nổi nữa.
Nghe đến đây, người nhân viên điều tra vung ngòi bút về phía Annuska, viết cho thị tờ giấy màu xanh ra cửa để sau đó mọi người thở phào nhẹ nhõm khi thị đã biến khỏi khu nhà.
Tiếp đó là một chuỗi dài những người khác được dẫn đến, trong số đó có cả Nikolai Ivanovich. Ông ta bị bắt chủ yếu là do sự ngu ngốc của bà vợ ghen tuông: lúc gần sáng, bà ta đến công an báo rằng đức ông chồng của mình bỗng biến đi đâu mất. Nikolai Ivanovich không làm cho các nhân viên điều tra ngạc nhiên lắm khi ông ta đặt lên bàn tờ giấy chứng nhận ngộ nghĩnh về việc ông ta đã có mặt ở vũ hội của chúa quỷ Satan. Trong câu chuyện kể việc ông ta đã mang trên mình cô gái làm công khỏa thân của Margarita Nikolaevna bay đi đâu đó đến với bè lũ quỷ sứ tắm ở sông và về việc xuất hiện trước đó của Margarita Nikolaevna cũng khỏa thân trên ô cửa sổ, Nikolai Ivanovich có ít nhiều đi trệch khỏi sự thật. Chẳng hạn, ông ta cho là không cần thiết phải nhắc đến chuyện mình đã mò đến phòng ngủ với chiếc áo lót bị vứt trong tay và chuyện ông ta gọi Natasa là thần Vệ Nữ. Theo lời kể của Nilolai Ivanovich thì sự việc hóa ra là Natasa bay ra khỏi cửa sổ, cưỡi lên người ông ta và lôi ông ta ra khỏi Moskva...»
«Bị cưỡng ép, tôi buộc phải vâng theo», - Nikolai Ivanovich kể, và kết thúc những câu chuyện bịa đặt của mình bằng lời yêu cầu không kể lại một lời nào với bà vợ của ông ta. Nikolai Ivanovich đã nhận được lời hứa cần thiết đó.
Lời khai của Nikolai Ivanovich cho phép phát hiện ra rằng cả Margarita Nikolaevna cùng với người làm công Natasa của nàng đã biến mất không để lại một dấu vết nào. Lập tức, những biện pháp tìm kiếm họ đã được áp dụng.
Cứ như vậy, suốt cả buổi sáng ngày thứ bẩy, việc điều tra không ngừng nghỉ lấy một giây đồng hồ. Khắp thành phố trong thời gian đó xuất hiện và lan truyền những tin đồn giật gân cực kỳ khó tin, trong đó một phần tí tẹo sự thật được tô vẽ thêm bằng những điều bịa đặt lòe loẹt nhất. Người ta nói rằng, sau buổi biểu diễn nọ ở nhà hát Tạp Kỹ, tất cả hai nghìn khán giả đổ xô ra phố hoàn toàn trần truồng, rằng đã khám phá ra một xưởng in bạc giả phù thủy ở trên phố Sadovaia, rằng một bọn cướp nào đó đã bắt cóc năm cán bộ phụ trách ở ủy ban biểu diễn, nhưng đến nay công an đã tìm ra tất cả; và còn nhiều, rất nhiều những chuyện khác mà thậm chí chúng tôi không muốn nhắc lại nữa ở đây.
Trong khi đó thời gian cứ trôi qua. Ðến quá chiều thì ở nơi đang tiến hành điều tra lại vang lên tiếng chuông điện thoại. Từ phố Sadovaia báo về rằng cái căn hộ số 50 đáng nguyền rủa nọ lại chứng tỏ dấu hiệu có người đang ở bên trong. Tin cho biết các cửa sổ của căn hộ được mở toang, từ đó vẳng ra tiếng đàn dương cầm và tiếng hát, trên cửa sổ thấy một con mèo đen ngồi phơi nắng.
Vào khoảng gần bốn giờ của cái ngày nóng nực thứ bẩy ấy, một toán đông đàn ông mặc áo thường phục nhảy xuống từ ba chiếc xe đậu cách ngôi nhà số 302-bis trên phố Sadovaia một quãng xa. Toán đông đàn ông vừa đến đó liền chia thành hai nhóm nhỏ, một nhóm qua cổng chính vào sân đi thẳng lên cầu thang số sáu, còn nhóm thứ hai mở cánh cửa nhỏ thường vẫn đóng kín mít dẫn vào lối ra vào cửa sau, và cả hai nhóm bắt đầu theo các cầu thang khác nhau đi lên căn hộ số 50.
Trong lúc đó Koroviev và Azazello, - Koroviev lúc này đã mặc quần áo thường ngày của mình chứ không phải diện bộ lễ phục đuôi tôm, - cả hai đang ngồi trong phòng ăn của căn hộ và sắp dùng xong bữa ăn nhẹ. Voland vẫn như mọi khi, nằm trong phòng ngủ, còn con mèo ở đâu - không ai biết. Nhưng qua tiếng xoong chảo loảng xoảng vẳng lại từ phòng bếp, ta có thể đoán rằng Beghemot đang ở đây và bày những trò nghịch ngợm theo lệ thường của mình.
«Có tiếng bước chân nào ngoài cầu thang ấy nhỉ?» - Koroviev khoắng chiếc thìa con trong chén cà phê đen, cất tiếng hỏi.
«Chắc là họ đến bắt chúng ta đấy», - Azazello đáp và uống cạn li cô nhắc.

A, ra thế, ra thế đấy
, - Koroviev đáp.
Trong lúc đó, những người đàn ông mặc thường phục đã lên đến chiếu nghỉ cầu thang tầng ba. Ở đó có hai công nhân đường ống dẫn nước đang loay hoay với đoạn lò sưởi bằng nước nóng. Toán người đi lên trao đổi với hai công nhân những cái nhìn đầy ý nghĩa.

Tất cả đều có nhà
, - một công nhân vừa gõ búa lên đoạn đường ống vừa nói khẽ.
Nghe thấy thế, người dẫn đầu toán đàn ông liền công khai rút từ dưới áo măng tô ra khẩu maude đen trũi, còn người bên cạnh lấy ra một chiếc móc sắt đùng để mở khóa. Nói chung, toán người đi đến căn hộ số 50 được trang bị rất đầy đủ. Trong túi của hai người trong số họ có cả những chiếc lưới bằng tơ tung ra rất nhạy. Một người khác mang cuộn dây thòng lọng, một người khác nữa mang những tấm khẩu trang bằng gạc với các ống thuốc clorophorm.
Cánh cửa chính dẫn vào căn hộ số 50 được mở ra sau một giây, và những người mới đến đã có mặt ở trong phòng khách, còn tiếng cánh cửa của phòng bếp dập cùng lúc chứng tỏ nhóm người thứ hai từ cửa sau cũng đã đến kịp thời.
Lần này thì tuy là chưa trọn vẹn, nhưng dù sao cũng đã đạt được ít nhiều thành công hiển nhiên. Mọi người lập tức tản ra tất cả các phòng, và tuy không phát hiện ra một ai, nhưng ở trong phòng ăn họ tìm thấy những dấu vết của một bữa ăn rõ ràng là vừa mới diễn ra, còn tại phòng khách họ thấy một con mèo đen cực lớn ngồi trên giá lò sưởi cạnh chiếc bình pha lê, hai tay bưng một chiếc bếp dầu. Những người vừa bước vào phòng khách đứng quan sát con mèo trong sự im lặng tuyệt đối một lúc khá lâu.

Chà... quả thật là thú vị
, - một trong những người vừa bước vào thì thầm.

Tôi không làm bậy, tôi không động đến ai cả, tôi đang chữa bếp dầu, - con mèo sa sầm mặt tỏ vẻ không thân thiện, cất tiếng. - Và tôi thấy mình còn có trách nhiệm thông báo rằng, mèo là một loài vật có từ rất xa xưa và được pháp luật bảo vệ.


Một tiết mục đặc biệt cao tay, - một trong những người vừa bước vào thì thầm.

Một người khác nói to và rõ ràng:

Nào, con mèo nói giọng bụng [1] được pháp luật đặc biệt bảo vệ, mời lại đây!

Một chiếc lưới tơ tung ra bay vút trong không khí, nhưng người tung nó, trước sự tột cùng kinh ngạc của tất cả mọi người, đã chụp trượt, tấm lưới chỉ trùm lên chiếc bình pha lê khiến nó rơi xuống vỡ tan hoang.

Trượt rồi! - con mèo gào lên. - Hoan hô!
- và ngay tức khắc, nó đặt chiếc bếp dầu sang bên, rút từ phía sau lưng ra một khẩu brauninh. Nhanh như chớp, nó chĩa nòng súng vào người đứng sát nó nhất, nhưng con mèo còn chưa kịp bắn thì trong tay anh ta đã lóe lên một ánh lửa; cùng với tiếng nổ của khẩu maude, con mèo chúi đầu rơi từ trên giá lò sưởi xuống sàn nhà, vứt cả khẩu brauninh lẫn bếp dầu

Tất cả thế là hết, - con mèo thốt lên bằng một giọng yếu ớt và kiệt sức nằm sóng sượt trong vũng máu. - Hãy đứng xa tôi ra một giây để tôi vĩnh biệt đất mẹ. Ôi, anh bạn Azazello của tôi! - con mèo rên rỉ, máu chảy cạn dần, - cậu bây giờ ở đâu hả? - Con mèo hướng ánh mắt mỗi lúc một tắt lịm của mình về phía cánh cửa dẫn vào phòng ăn. - Cậu đã không đến giúp mình trong giây phút diễn ra trận chiến đấu không cân sức này. Cậu đã bỏ mặc Beghemot đáng thương, đã đổi Beghemot này lấy một cốc cô nhắc - tuy nhiên cũng cần phải nói đó là thứ cô nhắc thật tuyệt vời. Thôi được, cứ để cho cái chết của mình đè nặng lên lương tâm của cậu, và mình di chúc lại cho cậu khẩu brauninh của mình này...


Lưới, lưới, lưới đâu
, - mọi người đứng xung quanh con mèo sốt ruột thì thào. Nhưng tấm lưới, có ma quỷ mới biết tại sao, lại vướng chặt ở trong túi của một người nào đó và không chịu chui ra ngoài.

Cái duy nhất có thể cứu được loài mèo bị tử thương, - con mèo lại lên tiếng, - là một hớp dầu xăng...
- và, lợi dụng phút luống cuống của mọi người, nó ghé miệng vào chiếc lỗ tròn của bếp dầu, uống dầu xăng ừng ực. Ngay lập tức, máu phía dưới chiếc chân trước bên trái của nó ngừng chảy. Con mèo vụt đứng dậy khỏe mạnh và nhanh nhẹn, kẹp chiếc bếp dầu vào dưới nách, nhảy lên lò sưởi, rồi từ đó leo ngược lên theo mặt tường, làm rách cả lớp giấy dán tường, và hai giây sau, nó đã ngồi trên thanh lao màn cửa sổ bằng kim loại ở rất cao trên đầu những người đứng trong phòng.
Ngay tức khắc có mấy cánh tay vươn ra túm lấy tấm màn che cửa sổ giật mạnh, kéo theo thanh lao màn rơi xuống sàn nhà, khiến cho ánh nắng bỗng chảy tràn vào căn phòng trước đó bị che kín. Nhưng cả con mèo đã khỏi vết thương một cách bịp bợm lẫn chiếc bếp dầu đều không bị rớt xuống. Con mèo, vẫn ôm chặt bếp dầu dưới nách, đã khéo léo nhảy vọt sang bám vào chùm đèn treo lơ lửng ở giữa phòng.

Thang đâu
, - ở phía dưới mọi người hét lên.

Ta thách đấu súng!
- con mèo ngồi trên chùm đèn lắc lư bay qua bay lại trên đầu mọi người, gào to, và trong tay nó lại xuất hiện khẩu brauninh, còn chiếc bếp dầu được đặt giữa các nhánh giá đèn. Con mèo nheo mắt ngắm, rồi vừa bay như quả lắc trên đầu mọi người đứng trong phòng, vừa nổ súng bắn vào họ. Tiếng nổ rung chuyển cả căn hộ. Những mảnh pha lê từ ngọn đèn chùm rơi loảng xoảng, mặt gương trên giá lò sưởi lóa lên như sao, bụi vữa bay mù mịt, những ống vỏ đạn rơi xuống sàn nhà văng tung tóe, các tấm kính cửa sổ vỡ tan, từ chiếc bếp dầu bị bắn thủng, dầu xăng bắt đầu phun vọt ra. Bây giờ thì không thể nói đến chuyện bắt sống con mèo nữa, và những người trong phòng bắn trả lại một cách điên cuồng và chính xác vào đầu, vào bụng, vào ngực và vào lưng con mèo. Tiếng súng gây nên một sự hoảng loạn trên mảnh sân trải nhựa của ngôi nhà.
Nhưng cuộc đấu súng này kéo dài không lâu và tự nó dần dần chấm dứt. Vấn đề là ở chỗ nó không gây ra cho cả con mèo lẫn những người đến bắt nó một tí tác hại nào. Không chỉ không có ai bị bắn chết, mà đến bị thương cũng không; tất cả, kể cả con mèo, đều tuyệt đối nguyên lành. Một người nào đấy, để kiểm tra lại điều đó một cách triệt để, đã nã liền năm phát súng vào đầu con vật quỷ quái mất dạy, và nó cũng đáp lại bằng cả một băng dài. Nhưng vẫn vậy, không một ai hề hấn gì. Con mèo lắc lư trên chùm đèn mỗi lúc một bớt đung đưa hơn, hà hơi thổi vào nòng khẩu brauninh không hiểu để làm gì và nhổ nước bọt lên chi trước. Trên khuôn mặt của những con người đứng dưới phòng lộ một vẻ ngơ ngác cực độ. Ðây là trường hợp duy nhất, hay là một trong những trường hợp duy nhất, khi một cuộc đấu súng lại tỏ ra hoàn toàn không có hiệu lực. Tất nhiên, có thể cho rằng khẩu brauninh của con mèo là một thứ đồ chơi nào đó, nhưng về những khẩu maude của nhóm người đi đến đây thì không thể nói như vậy được. Vết thương đầu tiên của con mèo, mà về nó thì không thể có một tí nghi ngờ nào, chỉ là một trò ảo thuật, một sự giả vờ chó má chứ không phải cái gì khác, và việc uống xăng cũng vậy mà thôi.
Người ta còn làm thêm một cố gắng nhằm bắt sống con mèo. Sợi dây có thòng lọng được tung lên, nó thít vào một nhánh giá đèn, chùm đèn rơi ụp xuống, tiếng rơi nổ của nó tưởng như làm rung chuyển cả ngôi nhà; nhưng cũng chẳng mang lại kết quả gì. Mảnh vỡ bắn tung tóe lên những người đứng phía dưới, còn con mèo bay qua khoảng không lên ngồi ở thanh ngang trên của chiếc khung gương mạ vàng phía trên lò sưởi, sát ngay trần nhà. Khi đã ngồi ở một chỗ tương đối an toàn, nó lại cất tiếng:

Tôi tuyệt đối không hiểu nổi, - từ trên cao, con mèo nói chõ xuống, - nguyên nhân của cái thái độ đối xử gay gắt như thế này đối với tôi...

Vừa lúc đó, một giọng nói trầm nặng không hiểu từ đâu vọng đến cắt ngang câu nói của con mèo ngay từ đầu:

Chuyện gì xảy ra trong nhà thế? Không để cho ta làm việc.»
Một giọng khác, giọng mũi khó nghe, đáp:
«Hừ, tất nhiên là lại Beghemot rồi, quỷ tha ma bắt hắn đi!»
Giọng thứ ba rung rè rè nói:

Thưa messir, thứ bảy rồi. Mặt trời đã ngả bóng. Chúng ta đã đến lúc đi.


Xin lỗi, tôi không thể nói chuyện thêm được nữa, - từ trên tấm gương, con mèo nói. - Chúng tôi phải đi rồi.
- Nó ném khẩu brauninh, đập vỡ cả hai tấm kính trên cửa sổ, rồi hắt xăng xuống phía dưới.
Thứ xăng đó tự bốc cháy, ngọn lửa phụt lên đến tận trần nhà.
Ðám cháy bốc lên một cách khác thường, rất nhanh và dữ dội, thậm chí cả xăng thông thường cũng không thể cháy như vậy. Những lớp giấy dán tường lập tức bốc khói, tấm màn che cửa số nằm trên sàn bùng cháy, những khung cửa sổ vỡ kính bắt đầu bén lửa. Con mèo nhún mình, kêu ngoao một tiếng, nhảy từ trên tấm gương xuống bệ cửa sổ và khuất dạng sau đó cùng với chiếc bếp dầu. Phía ngoài vang lên những tiếng súng. Một người đàn ông, ngồi trên chiếc thang cứu hỏa bằng sắt để ở ngang cửa sổ căn hộ bà chủ tiệm kim hoàn, liên tiếp xả đạn vào con mèo khi nó nhảy từ bệ cửa sổ này sang bệ cửa sổ khác để đi đến cạnh ống tháo nước ở góc ngôi nhà, như đã nói ở trên, được xây theo hình chữ U. Theo ống tháo nước, con mèo leo lên mái nhà.
Ở đó, những người canh giữ ống khói cũng nã súng vào nó, nhưng thật đáng tiếc, vẫn không có hiệu quả, và con mèo tan biến trong ánh nắng chiều rót xuống tràn ngập thành phố.
Cùng lúc đó trong căn hộ, sàn ván ghép dưới chân những người đi đến đây đã bốc cháy, và giữa đám lửa, ở đúng nơi con mèo giả đò bị thương lúc nãy nằm, hiện lên mỗi lúc một rõ thi hài của cựu nam tước Maighel với chiếc cằm hất ngược lên phía trên và cặp mắt cứng đờ. Không còn làm thế nào để kéo cái xác đó ra được nữa. Vừa nhảy qua những tấm ván ghép sàn bốc lửa, vừa đập hai bàn tay lên ngực, lên vai bốc khói, những người có mặt trong phòng khách chạy lùi vào phòng làm việc và phòng ngoài. Những người ở trong phòng bếp cũng chạy đến, đổ xô ra phòng ngoài. Phòng khách đã dày đặc khói và lửa. Một người nào đó vừa chạy vừa kịp quay số điện thoại cứu hỏa và hét vội vào máy:

Phố Sadovaia, ba trăm lẻ hai-bis!

Không thể nào ở lại thêm được nữa. Ngọn lửa đã quất ra cả phòng ngoài. Trong nhà bắt đầu trở nên khó thở.
Khi từ những ô cửa sổ vỡ kính của căn hộ ma quái vừa phụt ra những tia khói đầu tiên. Ở dưới sân đã vang lên những tiếng người la hét tuyệt vọng:

Cháy, cháy, chúng ta cháy!

Trong những căn hộ của khu nhà, mọi người ra sức gào vào điện thoại:

Phố Sadovaia! Phố Sadovaia! Ba trăm lẻ hai- bis!

Cùng một lúc, khi trên phố Sadovaia vang lên những tiếng còi làm mọi trái tim kinh khiếp của những cỗ xe thân dài đỏ rực phóng như bay từ khắp các khu vực của thành phố về đây, những người chạy nhốn nháo dưới sân nhìn thấy hình như từ ô cửa sổ tầng năm cùng với làn khói bay ra ba bóng người đàn ông đen thẫm và một bóng phụ nữ khỏa thân.
[1] ... nói giọng bụng: các nhà ảo thuật có tiết mục nói không mấp máy môi, tiếng nói như phát ra từ bụng, để đánh lừa người khác. Ở đây người ta nghi rằng có ai đó đang diễn trò này.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nghệ nhân và Margarita.